LỜI SỐNG (Thứ Bảy tuần 3 Mùa Chay)

0
627

Bài đọc: Hs 6,1-6

Tin Mừng: Lc 18,9-14

9 Khi ấy, Chúa Giêsu nói dụ ngôn sau đây với những người hay tự hào mình là người công chính và hay khinh bỉ kẻ khác: 10 “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người biệt phái, một người thu thuế.

11 Người biệt phái đứng thẳng, cầu nguyện rằng: ‘Lạy Chúa, tôi cảm tạ Chúa vì tôi không như các người khác: tham lam, bất công, ngoại tình, hay là như tên thu thuế kia; 12 tôi ăn chay mỗi tuần hai lần, và dâng một phần mười tất cả các hoa lợi của tôi’.

13 Người thu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực mà nguyện rằng: ‘Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội’.

14 Ta bảo các ngươi: người này ra về được khỏi tội, còn người kia thì không. Vì tất cả những ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống; và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”.

—– SUY NIỆM —–

TỰ TÔN HAY TỰ HẠ (Tu sĩ Phanxicô Nguyễn Quốc Vương, SVD)

Cầu nguyện là điều rất cần thiết với người Kitô hữu, nhưng cầu nguyện với tâm tình như thế nào là đẹp ý Chúa: tự tôn hay tự hạ? Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu sẽ cho chúng ta hiểu tâm tình cầu nguyện cần phải có khi đến với Chúa.

Tự tôn là thái độ của người Pharisêu. Ông phô trương công đức của mình. Ông tự cho mình thánh thiện, đạo đức và tự đặt mình lên trên những người khác: “…vì không như tên thu thuế kia”. Lời kinh của ông còn tồi tệ hơn khi tự hào cho mình là công chính để so sánh mình với đời sống bên ngoài của những người khác. Với một tư thế “đứng thẳng” nói lên sự tự tôn mình lên trên người khác, công chính và đạo đức hơn người khác: “ăn chay mỗi tuần hai lần, dâng cho Chúa một phần mười thu nhập”. Thật vậy, người Pharisêu này đã đến với Chúa khi tự cho mình đầy dẫy nhân đức, nên chẳng còn chỗ cho Chúa đổ ân huệ vào. Và cái kết mà Chúa Giêsu cho biết là không được nên công chính.

Tự hạ là thái độ của người thu thuế. Ông ý thức thân phận tội lỗi của mình quá lem luốc theo mắt nhìn thành kiến của người đương thời, ông chỉ có thể đợi chờ một sự gột rửa trong mắt nhìn của Thiên Chúa, bởi thấy mình đã bất chính trong vòng quay nghiệt ngã của nghề nghiệp và bị coi là tội lỗi phản quốc hại dân. Hành động đứng từ xa, chẳng dám ngước mắt lên, đấm ngực và than khóc của người thu thuế khi đến với Chúa đã nói lên sự khiêm tốn cầu xin ơn tha thứ, xin Chúa hướng dẫn mình trở về với tình thương của Ngài, trở về với anh em mà mình đã xúc phạm. Và cái kết là “… người này đã được nên công chính rồi”. Chúng ta chọn tâm tình nào khi đến với Chúa?

Lạy Chúa, xin giúp con luôn biết tự hạ bản thân để trở về bên Chúa, để xin ơn tha thứ, để được sống trong tình yêu thương của Chúa mãi mãi và được Ngài thứ tha. Amen.


 

LÒNG KHIÊM CUNG (Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Hiền, SVD)

Trong Thánh Vịnh có câu: “Lạy Thiên Chúa, tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát, một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê” (Tv 51,19). Thật hạnh phúc, khi ta biết rằng tấm lòng khiêm cung hối lỗi của chúng ta luôn được Thiên  Chúa đón nhận và yêu mến.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã dùng dụ ngôn để nói lên tấm lòng khiêm cung của người thu thuế tội lỗi. Với thân phận là người thu thuế, ông bị người đời khinh miệt, cho liệt vào hạng tội lỗi. Sau bao ngày lầm lũi với tội lỗi, hôm nay ông dũng cảm bước lên đền thờ để thú lỗi với Chúa. Ông đứng đàng xa, cúi đầu, đấm ngực, vì ông biết rằng mình là người tội lỗi. Ông khiêm cung thú nhận với Chúa: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” (Lc 18,13). Một lời thú lỗi chứa đựng tất cả sự ăn năn, sự khiêm hạ trước mặt Chúa. Có hành động nào khiêm cung hơn hành động dám cúi đầu thú nhận những lỗi lầm của mình ra đối với người khác.

Trong cuộc sống hôm nay, có biết bao sự đổ vỡ, chia cắt, hận thù,… Chắc hẳn là vì chúng ta không dám cúi đầu để sống khiêm cung với nhau. Mỗi người đều mang trong mình lòng tự tôn kiêu ngạo, xem mình là nhất, để vươn vai ưỡn ngực trước người khác. Chúng ta vẫn thích ví mình theo hình ảnh người Pharisêu hơn người thu thuế, vì chúng ta nghĩ mình là người hoàn hảo, người tốt lành nhất trước mặt người khác và trước mặt Thiên Chúa. Để rồi, chúng ta đóng kín cánh cửa lòng mình với ân sủng và tình yêu của Người.

Lạy Chúa, Chúa biết chúng con chỉ là những con người yếu đuối và tội lỗi. Xin Chúa ban thêm lòng mến, để chúng con dám sống khiêm cung với nhau và với Chúa. Amen.


SỐNG ĐẠO (Lm. Antôn Nguyễn Thanh Hà, SVD)

Trong bài Tin mừng hôm nay, thánh sử Luca tường thuật cho chúng ta hai thái độ cầu nguyện của hai người, đó là người Pharisêu và người thu thuế. Qua đó, thánh nhân cho chúng ta thấy hai cách sống đạo khác nhau.

Người Pharisêu sống đạo theo kiểu tuân thủ chi li, tỉ mỉ mọi luật lệ, và họ coi đó như là thành tích để khoe khoang trước mặt Thiên Chúa và đòi Thiên Chúa phải ban thưởng hạnh phúc Nước Trời cho họ theo công sức tuân thủ luật lệ của họ. Họ sống như thể việc không trộm cắp, không bất chính, không ngoại tình,… của họ là cần thiết đối với Thiên Chúa vậy.

Thật ra, Thiên Chúa đâu cần những thứ đó. Những luật lệ đó là để giúp con người sống hạnh phúc và sống dồi dào. Và do đó, hạnh phúc Nước Trời là phần thưởng dựa trên tình thương của Thiên Chúa cho những ai biết lắng nghe và bước đi trên đường lối của Ngài, chứ không phải là món tiền công mà Thiên Chúa phải trả cho họ vì những việc họ làm.

Ngày nay, nhiều người Kitô hữu thường nghĩ rằng với đời sống không trộm cắp, không giết người, không ngoại tình, không gian dâm, siêng năng đi lễ, viếng Thánh Thể, đọc kinh, sốt sắng lãnh nhận các Bí tích, nhiệt thành tham gia các việc tông đồ… là đương nhiên Thiên Chúa phải cho mình vào thẳng Nước Trời, để rồi coi khinh người khác. Thái độ đó không làm đẹp lòng Thiên Chúa.

Thái độ làm đẹp lòng Thiên Chúa là thái độ sống đạo khiêm nhường của người thu thuế. Người thu thuế luôn   ý thức thân phận yếu hèn và tội lỗi của mình trước mặt Thiên Chúa. Từ đó, ông luôn nài xin lòng thương xót của Thiên Chúa. Đối với ông, những gì ông có được, ngay cả hạnh phúc Nước Trời, cũng đều là do Thiên Chúa thương ban, chứ không phải do công trạng của ông.

Lạy Thiên Chúa, xin cho chúng con đừng rơi vào lối sống đạo kiêu căng của người Pharisêu, nhưng xin cho chúng con luôn biết sống khiêm nhường trước nhan thánh Ngài và luôn biết nài xin lòng thương xót của Ngài trong suốt cuộc đời mình. Amen.


 

AI HƠN? (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)