LỜI SỐNG (Thứ Tư, Tuần 28 TN)

0
255

Tin Mừng: Lc 11,42-46

42Khốn cho các người, hỡi các người Pharisêu! Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, vân hương, và đủ thứ rau cỏ, mà xao lãng lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa. Các điều này phải làm, mà các điều kia cũng không được bỏ. 43Khốn cho các người, hỡi các người Pharisêu! Các người thích ngồi ghế đầu trong hội đường, thích được người ta chào hỏi ở nơi công cộng. 44Khốn cho các người! Các người như mồ mả không có gì làm dấu, người ta giẫm lên mà không hay.”

45Một người trong số các nhà thông luật lên tiếng nói: “Thưa Thầy, Thầy nói như vậy là nhục mạ cả chúng tôi nữa!” 46 Đức Giêsu nói: “Khốn cho cả các người nữa, hỡi các nhà thông luật! Các người chất trên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nổi, còn chính các người, thì dù một ngón tay cũng không động vào.

—oOo—

Suy niệm

CHUỘNG HÌNH THỨC… (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)


 

GIỮ ĐẠO – SỐNG ĐẠO (Tu sĩ Phêrô Phùng Mai Duẩn, SVD)

Giữ đạo và sống đạo là hai phạm trù khác nhau. Giữ thường đi với ép buộc, còn sống nghĩa là bạn có sự tự do. Giữ giúp cho con người tránh đi những rắc rối, còn sống lại đem đến hạnh phúc và ý nghĩa cho cuộc đời.

Bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu trách móc gay gắt những người Pharisêu và các nhà thông luật vì họ chỉ giữ đạo mà không sống đạo: “Khốn cho các người…”. Họ là những con người thông tuệ lề luật và làm mọi cách để giữ gìn lề luật. Nhưng cũng vì thế, nhóm Pharisêu và luật sĩ mang trên mình sự khắt khe, khó tính dành cho dân chúng. Họ đòi hỏi dân phải giữ điều này, không được làm điều kia. Và tệ hơn, họ còn cho rằng họ có quyền thay mặt Chúa để phán xét người khác, vì họ là người giữ luật chuẩn mực, và cũng là người có quyền ban phát lề luật.

Ngày nay, thái độ sống như vậy đang len lỏi khắp mọi ngõ ngách của đời sống các Kitô hữu. Mọi người tham dự Thánh Lễ vì luật buộc chứ không phải vì yêu mến và muốn kết hợp mật thiết với Chúa. Để rồi, những con người mang trên mình mác Kitô hữu nhưng lại sống một cách tệ bạc với mọi người. Để cuộc sống có

nghĩa và có hạnh phúc, chúng ta phải biết bỏ qua những hình thức bên ngoài để đi sâu vào tâm hồn, nơi xuất phát của lòng yêu thương. Mặt khác, ở đời, chỉ giữ đạo thôi chưa đủ, nhưng còn phải biết sống đạo bằng cách đem sự công bằng và tình yêu thương vào cuộc sống. Chỉ khi làm được như thế, chúng ta mới thực sự “sống” và mới xứng đáng là con cái đích thực của Chúa Kitô.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết vượt ra khỏi thái độ sống hình thức để có thể tìm đến với cuộc sống đích thực, nơi có Ngài hiện diện. Amen.


 

SỐNG CÔNG CHÍNH (Tu sĩ Phêrô Vũ Đức Thắng, SVD)

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã không ngần ngại lên tiếng khiển trách sự giả hình của những người Pharisêu và việc lạm dụng quyền lực của các nhà thông luật. Bởi họ có thái độ thích khoe khoang về sự công chính. Họ giả bộ công chính bên ngoài còn bên trong thì gian xảo, chèn ép và áp bức đối với người dân bần cùng.

Chúa Giêsu đã chỉ cho những người Pharisêu và những nhà thông luật về việc sống công chính bao gồm sống công bình và yêu mến Thiên Chúa. Nói cách khác, sống công chính phải được xây trên nền tảng tình yêu và phát xuất từ chính tình yêu Thiên Chúa chứ không phải bằng sự giả hình.

Những lời quở trách của Chúa Giêsu đối với những người Pharisêu và những người thông luật khi xưa, âu cũng là lời nhắc nhở chúng ta hôm nay. Lời Chúa hôm nay, mời gọi chúng ta sống đạo cách thành thực, chân thành với Chúa, ngay thẳng với mọi người chung quanh và cả với chính mình nữa. Như vậy, mỗi người trong bậc sống của mình là tu sĩ – linh mục hay giáo dân không được sống giả hình, đặc biệt những người lãnh đạo trong Giáo Hội. Đức Thánh Cha Phanxicô trong bài huấn dụ ngày 20/11/2015, đã cảnh báo các chủ chăn những người có bổn phận rao giảng Lời Chúa sống đúng với những gì mình đã công bố, nghĩa là sống công chính nếu không nó sẽ là lời lên án mạnh mẽ nhất.

Lạy Chúa, Chúa  là  cội  nguồn  của  sự công chính và bác ái. Xin soi sáng và hướng dẫn lương tâm chúng con, để chúng con biết sống một cách lương thiện và công bằng mà không xúc phạm hay làm tổn thương đến những người anh em khác. Qua thái độ sống lương thiện và chân thật đó, chúng con làm chứng tá cho tình yêu và sự hiện diện của Chúa trên trần gian này. Amen.

Bài trướcLỜI SỐNG (Chúa Nhật 28 Thường Niên, Năm C)
Bài tiếp theoChú Giải Tin Mừng Chúa Nhật XXIX Thường Niên, Năm C (Lc 18,1-8)