LỜI SỐNG (Thứ Bảy, Tuần 29 TN)

0
290

Tin Mừng: Lc 13,1-9

Cùng lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giêsu nghe chuyện những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng.

Đức Giêsu đáp lại rằng: “Các ông tưởng mấy người Galilê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Galilê khác sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy. Cũng như mười tám người kia bị tháp Silôác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giêrusalem sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.”

Rồi Đức Giêsu kể dụ ngôn này: “Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, nên bảo người làm vườn: “Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất? Nhưng người làm vườn đáp: “Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi.”

—– o0o —–

Suy niệm

SÁM HỐI KẺO MUỘN (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)


 

SÁM HỐI ĐỂ ĐƯỢC SỐNG (Tu sĩ Giuse Trần Văn Huyến, SVD)

Những người Galilê bị giết và những người bị tháp Silôác đè chết trong bài Tin Mừng hôm nay được Đức Giêsu dùng để gởi đến mọi người một thông điệp: “ai cũng có tội và cần phải sám hối.”

Sở dĩ Đức Giêsu nại vào hai biến cố đó để đưa ra thông điệp quan trọng trên là bởi quan niệm nhân quả của người Do Thái thời đó. Họ nghĩ rằng những người bị giết hay bị đè chết là do có tội. Ngược lại, người thoát nạn được coi là công chính. Đức Giêsu không đồng tình với tư tưởng đó. Người muốn họ đừng có cái nhìn sai lầm rằng người này được Chúa thương hơn hay là công chính hơn người kia. Thay vào đó, từ hai biến cố đau thương với những cái chết của đồng loại, thì chính họ hãy nhìn lại mình và ngay lập tức Sám Hối vì tất cả đều là tội nhân. Đừng tự đắc với suy nghĩ nhân quả của cha ông họ!

Sám Hối là phải từ bỏ. Đức Giêsu muốn người Do Thái hãy từ bỏ những suy nghĩ thiển cận, từ bỏ danh “công chính hão huyền.” Chỉ từ bỏ như vậy thì họ mới đạt đến sự sống đích thật. Tuy nhiên, rất nhiều người Do Thái cố tình phớt lờ lời mời gọi Sám Hối thể hiện qua hành động từ bỏ. Và hiện nay, chính chúng ta cũng bị rơi vào quan niệm đó. Khi ai gặp khó khăn, chúng ta nghĩ họ đáng bị như thế.

Còn với bản thân, chúng ta luôn nghĩ rằng những thứ hiện tại xứng đáng với công trạng của mình. Thậm chí, chúng ta còn coi mình “đạo đức hơn” khối người. Chúng ta vui thích khi chẳng cần từ bỏ gì nhưng luôn được cho thêm dồi dào. Tất cả những vui hưởng cá nhân đó, như Đức Giêsu cảnh báo, chúng đang dẫn ta đi đến cái chết, chứ không phải đạt được sự sống.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết khiêm nhường nhìn nhận mình là tội nhân, từ đó chúng con biết Sám Hối từng ngày qua việc từ bỏ hầu được ở bên Đấng Hằng Sống. Amen.


 

SÁM HỐI! (Tu sĩ Giuse Phạm Văn Tịnh, SVD)

“Ăn năn sám hối”

Ta thường hiểu là một cuộc trở về với Chúa trong sự biến đổi tâm hồn và đời sống sao cho phù hợp với lương tâm, chuẩn mực luân lý và giá trị Tin Mừng.

Lời Chúa hôm nay, Đức Giêsu muốn thức tỉnh và mời gọi mỗi người nhìn lại những giá trị đích thực đàng sau sự chết. “Các ông tưởng mấy người Galilê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người khác sao?”. “Nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy”. Đức Giêsu đã mạc khải cho chúng ta thấy rằng: cái chết thể xác là nguyên lý tất yếu, nhưng cái chết về phần linh hồn là hậu quả của lối sống bất hảo, tội lỗi của con người. Và con đường để cứu lấy linh hồn cho mình và tha nhân, đó chính là con đường “sám hối”.

Nhìn vào cuộc sống, ta luôn cảm thấy mình ở trong tình trạng an toàn nên ta không cần sám hối. Vì khi ta được bao bọc an toàn, dẫu là sự an toàn giả tạo thì chắc chắn ta không cần điều gì khác hơn. Vì thế, Chúa muốn ta ra khỏi cái vòng an toàn giả tạo đó và đi sâu vào tâm hồn mình để nhận ra con người thật của mình, nhận ra những khiếm khuyết và lỗi phạm. Khi nhìn lại bản thân, ta phải chấp nhận một tiến trình kiểm điểm thật kỹ càng và nghiêm túc, rõ ràng và can đảm, chấp nhận “trần truồng tâm hồn đầy nhơ nhuốc” để xin Ngài thứ tha. Nhưng với ơn Chúa và sự tin tưởng nơi Ngài, ta có thể cố gắng vượt qua được những khó khăn để thay đổi bản thân như thánh Phaolô Tông Đồ từng nói “trong mọi thử thách, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta” (Rm 8:37).

Lạy Chúa Giêsu, Chúa mời gọi con sám hối ăn năn để nhận ra sự an toàn giả tạo nơi trần thế và nơi chính con. Xin hãy cho con thấy những phức tạp, rắc rối, những che đậy, giằng co, những mâu thuẫn và vô lý nơi con. Qua đó, con nhận ra ân sủng của Người đang giúp con chiến đấu và chiến thắng trước mọi khó khăn trong thử thách. Amen.

Bài trướcChú giải Tin Mừng Chúa Nhật XXX Thường Niên, Năm C (Lc 18,9-14)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Chúa Nhật 30 Thường Niên C)