LỜI SỐNG (Thứ Bảy, Tuần 30 TN)

0
503

Tin Mừng: Lc 14,1.7-11

Một ngày sabát kia, Đức Giêsu đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pharisêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người. Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn này: “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: ‘Xin ông nhường chỗ cho vị này.’ Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: ‘Xin mời ông bạn lên trên cho.’ Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”

      o0o     

Suy niệm

KHIÊM NHƯỜNG (Tu sĩ Giuse Phạm Văn Tịnh, SVD)

Trong cuộc sống, đặc tính tự nhiên của con người luôn muốn vượt lên những cái “tầm thường” để tìm cho mình một chỗ đứng trong xã hội. Nhưng Lời Chúa hôm nay, Đức Giêsu muốn ta ngồi vào chỗ “tầm thường” ấy, Người nói: “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào chỗ nhất,… Trái lại…hãy vào ngồi chỗ cuối” (x. Lc 14,7-8).

Khi dự tiệc, ta biết chỗ ngồi cuối chỉ dành cho những vị khách “xoàng” nhất. Vậy tại sao Đức Giêsu lại mời gọi ta chọn vị trí “khiêm nhường” này để làm tiền đề cho lối sống của người Kitô hữu? Trước tiên, ta thấy người khiêm nhường là người không vênh vang, không vì “mạnh được yếu thua”, mà hơn hết, họ biết sống yêu thương, phục vụ người khác, dù họ mạnh thế hơn người kia về mọi mặt trong cuộc sống; như cha mẹ luôn cao trọng hơn người con nhưng vì yêu thương mà cúi xuống phục vụ những đứa con của mình. Như vậy, đức “khiêm nhường” không làm cho ta trở nên thấp bé về phẩm giá con người, mà ngược lại, nó hướng ta đến một nhân đức cao trọng hơn đó là “tình yêu”, còn gọi là đức mến. Đức mến của người “khiêm nhường”, họ không yêu bằng một tình yêu vị kỷ nhưng sống với tình yêu vị tha, nghĩa là sống cho người khác. Khi Đức Giêsu làm phép lạ, Người không nhắm đến mục đích đề cao bản thân, nhưng những việc Người làm là để yêu mến và tôn vinh Chúa Cha. Do đó, cách sống “khiêm nhường” của Đức Giêsu luôn là mẫu gương tuyệt hảo nhất cho mỗi Kitô hữu. Người Kitô hữu theo Chúa Giêsu, nét đẹp của họ không nằm ở vị trí chức cao, quyền trọng nhưng là ở chỗ rốt cùng, nghĩa là sống “khiêm nhường” để yêu mến và phục vụ người khác: “Ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em” (Mt 20,27). Hơn nữa, Đức Giêsu còn cảnh báo mạnh mẽ rằng:“Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (1 Pr 5,5).

Lạy Chúa Giêsu, lối sống “khiêm nhường” là dung mạo của Ngài được cụ thể hoá. Xin Chúa dạy chúng con luôn biết ý thức sống “khiêm nhường” để chúng con dám hạ mình hy sinh và phục vụ. Amen.


 

CHỌN CHỖ (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)


 

SỰ KHIÊM HẠ ĐẾN CÙNG (Tu sĩ Giuse Vũ Tiến Lợi, SVD)

Ai đó đã ví von rằng: đời sống người tín hữu như cuộc lội ngược dòng.

Thật vậy, khi mà ai ai cũng tìm của cải, tiền tài, thì họ được mời gọi “bỏ tất cả mà theo Chúa” (x. Lc 14,33); khi mà ai cũng muốn cứu mạng sống mình, thì họ được dạy hãy “liều mạng sống mình vì Chúa” (x. Lc 9,24). Bài Tin Mừng hôm nay cũng mời gọi họ hãy sống ngược dòng, cụ thể bằng lối sống khiêm hạ.

Kinh nghiệm cho thấy: vì tính kiêu ngạo và thích khoe khoang, nên nhiều người hay đề cao tài năng và địa vị của mình. Họ tìm mọi cách, kể cả nói dối, để mình được tôn vinh, ca ngợi. Rất ít người chọn cho mình lối sống đơn sơ, khiêm hạ. Thế mà, người tín hữu được dạy rằng “phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 14,11).

Sự khiêm hạ không chỉ là thái độ trước tha nhân, nhưng quan trọng hơn đó là thái độ khiêm hạ trước mặt Thiên Chúa. Bởi tất cả những gì ta là, ta có là do bởi Thiên Chúa ban, ta chỉ là “thân trần truồng sinh ra từ lòng đất mẹ” (x. G 1,21). Hơn nữa, đức khiêm hạ rất cần thiết cho sự cứu độ đến mức hễ có dịp là Chúa Giêsu nhấn mạnh tầm quan trọng của nó. Bởi thế, học lấy đức khiêm nhường phải là bài học đầu tiên và quan trọng bậc nhất của người tín hữu. Nó phải trở nên nét đẹp, nét độc đáo của người tín hữu giữa một thế giới luôn tranh dành “chỗ nhất.”

Lạy Chúa Giêsu, cả cuộc đời của Ngài là một sự khiêm hạ đến cùng. Phận là một vị Thiên Chúa, nhưng Ngài đã trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân. Ngài lại còn vâng lời bằng lòng chịu chết để cứu độ chúng con (x. Pl 2,6-8). Xin cho chúng con cũng biết sống sự khiêm hạ đến cùng như Ngài. Amen.


 

NGỒI CHỖ CUỐI (Tu sĩ GB. Trần Anh Tuấn, SVD)

Tin Mừng hôm nay, thánh sử Luca thuật lại việc những người Pharisêu khi dùng bữa, họ ưa thích ngồi những vị trí quan trọng. Họ thích ngồi vào những chỗ danh dự nhất trong buổi tiệc. Chúa Giêsu thấy điều đó “chướng mắt” và Ngài đã kể dụ ngôn để “dạy” cho họ một “bài học” nhân bản. Ngài nói, khi đi ăn cưới, không nên chọn chỗ ngồi danh dự, nhưng là tìm chỗ cuối hết. Bởi những ai ngồi cuối sẽ được mời lên trên và những ai ngồi ở trên sẽ phải xuống hàng cuối.

Thông thường trong cuộc sống, ai cũng muốn mình được nổi bật giữa đám đông; ai cũng muốn mình được người khác tôn trọng. Hơn thế, ai cũng muốn được người khác ưu tiên cho mình trước hết và trên hết. Bởi khi được trân trọng như vậy, họ cảm thấy hãnh diện, cảm thấy mình là người “quan trọng” giữa bao người khác và họ tự hào về điều đó.

Trái lại, Chúa Giêsu không dạy chúng ta như thế. Ngài mời gọi chúng ta “ngồi chỗ cuối” trong đám tiệc. Ngồi chỗ cuối là bài học về sự khiêm nhường mà Đức Giêsu dạy cho chúng ta trong các mối tương giao trong xã hội. Khiêm nhường trong lời nói, khiêm nhường trong cách ứng xử, khiêm nhường trong bất cứ hoạt động xã hội nào khác. Sự khiêm nhường giúp chúng ta mở ra lòng bác ái, sự quảng đại và đặc biệt là được Chúa đề cao như Ngài đã nói: “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con luôn biết sống bài học khiêm nhường như Chúa dạy. Nhờ đó, chúng con được Chúa yêu thương và ân thưởng một cách xứng đáng. Amen.

Bài trướcChú Giải Tin Mừng Chúa Nhật XXXI Thường Niên, Năm A (Mt 23,1-12)
Bài tiếp theoLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 31 Thường Niên – A