LỜI SỐNG (Thứ Hai Tuần 21 TN)

0
420
Photo: images.squarespace-cdn.com

Tin mừng: Mt 23, 13-22

13 “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người khoá cửa Nước Trời không cho thiên hạ vào! Các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các người cũng không để họ vào.

14 Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ, cho nên các người sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn.

15 Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người rảo khắp biển cả đất liền để rủ cho được một người theo đạo; nhưng khi họ theo rồi, các người lại làm cho họ đáng xuống hỏa ngục gấp đôi các người.

16 Khốn cho các người, những kẻ dẫn đường mù quáng! Các người bảo: ‘Ai chỉ Đền Thờ mà thề, thì có thề cũng như không; còn ai chỉ vàng trong Đền Thờ mà thề, thì bị ràng buộc.’ 17 Đồ ngu si mù quáng! Thế thì vàng hay Đền Thờ là nơi làm cho vàng nên của thánh, cái nào trọng hơn?

18 Các người còn nói: ‘Ai chỉ bàn thờ mà thề, thì có thề cũng như không; nhưng ai chỉ lễ vật trên bàn thờ mà thề, thì bị ràng buộc.’ 19 Đồ mù quáng! Thế thì lễ vật hay bàn thờ là nơi làm cho lễ vật nên của thánh, cái nào trọng hơn?

20 Vậy ai chỉ bàn thờ mà thề, là chỉ bàn thờ và mọi sự trên bàn thờ mà thề. 21 Và ai chỉ Đền Thờ mà thề, là chỉ Đền Thờ và Đấng ngự ở đó mà thề. 22 Và ai chỉ trời mà thề, là chỉ ngai Thiên Chúa và cả Thiên Chúa ngự trên đó mà thề.

 


Suy niệm

KHỐN CHO CÁC NGƯỜI (Tu sĩ Giuse Hoàng Văn Bình, SVD)

“Ngôn hành bất nhất” nơi các kinh sư và nhóm Pharisêu là những lời chỉ dạy dối trá, cùng với lối sống giả hình của họ. Điều này khiến cho Chúa Giêsu khó chịu, không thể chấp chận. Bởi thế, Người đã lên án gay gắt những người này: “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình!” (Mt 23,13).

Trong giới lãnh đạo Do Thái lúc bấy giờ, các Kinh sư, biệt phái và người Pharisêu đã cố làm ra vẻ đạo đức để được người ta kính trọng. Họ quên đi cái cốt lõi của đạo, là lòng mến Chúa chân thật và đối xử với mọi người cách chân tình. Vì thế, họ đã nhắm sai mục tiêu trong những việc đạo đức họ làm. Mặt khác, họ đã làm đảo lộn các bậc thang giá trị trong việc thờ phượng. Thay vì làm vinh danh Chúa, họ đã làm vinh danh chính mình. Giữa đền thờ và vàng trong đền thờ, họ lại xem vàng là quý. Giữa bàn thờ và lễ vật trên bàn thờ, họ lại xem trọng lễ vật. Vì những lẽ đó, Chúa Giêsu đã quở trách họ, nhưng Người không chúc dữ. Người muốn họ thay đổi, trở nên khiêm tốn để được yêu thương, bằng tình yêu đích thực bởi Thiên Chúa là Cha của họ.

Cũng vậy, dưới ánh sáng Lời Chúa hôm nay, hy vọng mỗi người chúng ta sẽ nhận ra tình trạng của bản thân mình. Ta có giống như những Kinh sư và người Pharisêu xưa không? Chúng ta đi lễ mỗi ngày, đọc kinh, cầu nguyện lâu giờ nhưng thứ chúng ta thu nhận được lại là một tâm hồn trống rỗng. Hay lắm khi chúng ta làm việc bác ái, bố thí nhưng lòng ta cứ muốn người khác biết đến tên tuổi của mình,… Tất cả những thứ này cho thấy chúng ta còn thiếu “chất” của Chúa. Ta chưa thực sự dậy men Tin Mừng trong đời sống đạo. Thử nghiệm xem, nếu chúng ta cứ duy trì tình trạng bản thân theo lối sống cũ như thế thì thật khốn biết chừng nào!

Lạy Chúa, thân mình chúng con đang bị xộc xệch bởi những chiếc áo gian dối, và khuôn mặt chúng con đang bị méo mó từng ngày vì những chiếc mặt nạ che đậy. Xin Chúa giúp chúng con biết sống thật, nói thật và làm chứng cho sự thật. Amen.


 

SỐNG GIẢ HÌNH (Tu sĩ Phêrô Đỗ Huy Xuân, SVD)

Giả hình là một lối sống tiêu cực mà con người cần phải tránh xa, vì nó làm mất đi sự chân thành giữa người với người. Do đó, lối sống giả hình vẫn luôn bị con người mọi nơi và mọi thời lên án mạnh mẽ.

Qua bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã thẳng thắn lên án lối sống giả hình của các Kinh sư và người Pharisêu. Bằng một lời khiển trách xem ra rất nặng “khốn cho các người” và hàng loạt các tội được vạch ra, Đức Giêsu cho thấy họ giữ luật cách khắt khe, chi li nhưng thiếu đức công bình và lòng bác ái: họ đã nuốt hết tài sản của các bà góa nghèo, đã dẫn đường mù quáng cho người khác. Ngoài ra, nhằm che đậy những tật xấu và sự tham lam, họ sẵn sàng “đổi trắng thay đen” trong việc giải thích lề luật sao cho điều đó mang lại lợi ích cho bản thân. Họ đã đi quá xa trong việc thi hành luật Chúa. Đó là những minh chứng cho lối sống giả hình của các Kinh sư và người Pharisêu. Đức Giêsu đã không ngần ngại để vạch trần lối sống này cùng với những hệ lụy của nó.

Thực tế cho thấy, lối sống giả hình không chỉ xuất hiện nơi những Kinh sư hay người Pharisêu, mà nó còn là cơn cám dỗ triền miên tồn tại trong cuộc sống của mỗi người. Cách này hay cách khác, chúng ta cũng có thể đang rơi vào lối sống giả hình mà không hay biết. Một vẻ ngoài tưởng như đạo đức không thể mãi che đậy cho những suy nghĩ, mưu toan không tốt đầy dẫy bên trong. Hơn nữa, sống giả hình là đang dần tự đánh mất nhân cách và bản chất của mình. Do đó, việc đánh mất niềm tin và sự kính trọng nơi người khác sẽ đến như một hệ lụy tất yếu. Thế nên, lời khiển trách lối sống giả hình của các kinh sư và người Pharisêu năm xưa cũng nhắc nhở mỗi chúng ta hôm nay. Hãy sống thật với chính mình là điều mà Chúa luôn mời gọi.

Lạy Chúa, xin hướng dẫn để chúng con biết sống và làm chứng cho Chúa bằng đời sống đức tin và thi hành những chân lý mà Chúa mời gọi ngõ hầu chúng con luôn được Chúa yêu thương và nâng đỡ. Amen.


 

ĐẠO ĐỨC GIẢ (Lm. G.B. Nguyễn Hữu Duy, SVD)


 

MÙ DẮT MÙ  (Tu sĩ Carôlô Lê Văn Toàn, SVD)

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã lên án người biệt phái và  luật sĩ rất nặng nề: “Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ dẫn đường mù quá4ng”. Bởi lẽ, người không biết mình “đui” mà còn dẫn đường cho người khác thì thật là nguy hiểm và tai hại.

Nếu ai muốn cảm nhận cuộc sống của người mù thế nào thì thử bịt mắt lại, đi một vòng và làm một vài việc nhỏ nào đó, bạn sẽ thấy mình rất khó để thực hiện. Khi nhắm mắt lại, có thể bạn sẽ bị té ngã hoặc sẽ mất phương hướng. Như thế, ta mới có thể được hiểu cuộc sống của người mù quả thật khó khăn, khổ sở biết chừng nào.

Nhưng điều đáng nói ở đây, có những người bị mù nhưng không biết mình đang mù. Câu chuyện “thầy bói xem voi” cho ta thấy được điều đó. Có nhiều loại đui mù: đui mù về kiến thức; đui mù về lẽ phải, chân lý; đui mù về tâm linh… tất cả đều dẫn tới nhiều sự tai hại cho mình và cho người khác. Như Đức Giêsu đã phán cùng các môn đệ: “Người mù có thể dẫn người mù được chăng? Cả hai lại không sa xuống hố ư?” (Lc 6, 39). Lời quở trách của Đức Giêsu hôm nay: “Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái” cũng là lời nhắc nhở cho chúng ta. Nhiều khi, chính ta đang hành xử như họ mà ta không biết. Làm cha mẹ nhưng dạy dỗ con cái bằng gương mù gương xấu, đưa con cái vào con đường lầm lỗi của mình. Là một nhà truyền giáo nhưng lời giảng lại không đi đôi với hành động thì ai sẽ nghe và thực hành lời mình nói? Là một nhà lãnh đạo đất nước nhưng hành động trái ngược với lời mình nói thì dân nước sẽ đi về đâu?

Lạy Chúa, xin chiếu tỏa ánh sáng của Ngài trên chúng con để chúng con nhận  ra cái đui mù của mình và để tránh làm gương mù gương xấu cho người khác. Xin cũng cho chúng con sống Lời Chúa bằng hành động cụ thể của mình chứ không bằng những lời mê hoặc. Amen.

Bài trướcGx. Tân Tiến: Hè 2024 nhộn nhịp yêu thương
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Thứ Ba, Tuần 21 TN)