Tin mừng: Mc 6,1-6
1 Đức Giê-su ra khỏi đó và đến nơi quê quán của Người, có các môn đệ đi theo. 2 Đến ngày sa-bát, Người bắt đầu giảng dạy trong hội đường. Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên.
Họ nói: “Bởi đâu ông ta được như thế ? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao ? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì ?
3 Ông ta không phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a, và anh em của các ông Gia-cô-bê, Giô-xết, Giu-đa và Si-môn sao ? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao ?” Và họ vấp ngã vì Người.
4 Đức Giê-su bảo họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi.”
5 Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ.
6 Người lấy làm lạ vì họ không tin. Rồi Người đi các làng chung quanh mà giảng dạy.
Suy niệm
ĐỨC TIN (Tu sĩ Giuse Hoàng Quốc Phán, SVD)
Điều kiện cần của người Kitô hữu là đức tin. Đức tin giúp người Kitô hữu khiêm tốn để nhìn nhận, để lắng nghe những giáo huấn của Chúa ngang qua Giáo Hội. Tin Mừng thuật lại, chính vì đức tin yếu kém mà những người dân ở vùng quê Nadarét đã cứng lòng không chịu tin vào Đức Giêsu và những việc Ngài làm. Vậy chúng ta phải làm gì để cũng cố đức tin nơi mình?
Trước nhất, để có được đức tin vững mạnh đòi hỏi chúng ta có sự khiêm tốn. Khiêm tốn để nhìn nhận mình chưa vững mạnh trong đức tin. Khiêm tốn là hạ mình xuống để đón nhận cái mới, cái tốt nơi các giáo huấn của Giáo Hội, nơi Lời Chúa. Cũng vì thiếu khiêm tốn mà người dân Nadarét – quê hương của Chúa Giêsu đã không tin vào Ngài. Họ đã không đón nhận cũng như không nhận ra quyền năng nơi Đức Giêsu. Chỉ vì cho rằng họ đã biết rất rõ về gốc gác, nơi ăn chốn ở của Ngài “Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria?”. Thứ hai, đức tin cần nơi chúng ta thái độ không thành kiến. Tật xấu của chúng ta là thường tỏ thái độ khinh chê người khác chỉ vì mình biết họ là ai và xuất thân từ đâu. Nhiều lúc ta còn tự cao cho rằng ta biết qúa rõ cả bên trong lẫn bên ngoài về họ. Điều đó đã làm cản bước chúng ta đặt lòng tin vào người khác. Một khi ta đã có thành kiến không mấy tốt đẹp thì dù họ là ai, làm gì và vĩ đại như thế nào cũng không tin. Cũng vậy, vì thành kiến mà người quê hương của Chúa Giêsu đã không tin vào Ngài, ngược lại còn phê phán Ngài. Qua đó cho chúng ta ý thức rằng, muốn có đức tin vững vàng thì cần phải có một con tim khiêm tốn và khối óc không thành kiến. Khiêm tốn để thân thưa với Chúa như người thu thuế “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội”. Vì chính Chúa sẽ biết ta đang nghĩ gì và lòng dạ chúng ta ra sao.
Lạy Chúa, xin cho con biết mở lòng với Chúa để tin nhận Ngài là Đấng quyền năng và đầy lòng yêu thương và xin tha thứ vì những lần chúng con cứng lòng tin. Amen.
NGÔN SỨ BỊ RẺ RÚNG (Tu sĩ P. X. Nguyễn Trí Long, SVD)
Đoạn Lời Chúa hôm nay thuật lại việc Đức Giêsu không được đón nhận tại quê hương Nadarét, dù Người là một ngôn sứ có tiếng tăm. Vậy ngôn sứ là ai? Tại sao dân làng Nadarét không đón nhận Người? Phải chăng vì “bụt nhà không thiêng”, hay số phận của ngôn sứ là như vậy?
Ngôn sứ là người được Chúa chọn để nói lời nhân danh Chúa qua các sấm ngôn, chứ không phải lời của con người qua các quyền bính riêng. Lời Chúa không phải lúc nào cũng xuôi tai, nên lời ngôn sứ luôn chất vấn người ta và không làm vừa lòng người nghe… Chính vì thế, các ngôn sứ không bao giờ có cuộc sống dễ dàng, bị bách hại và loại bỏ. Các ngài phê bình sự lạm dụng quyền bính và sự bất công (x. Gr 5,1; Am 3,9-10). Các ngài lên án sự khoa trương về hình thức phụng tự mâu thuẫn với cuộc sống đạo đức (x. Is 29,13; Hs 10,4). Các ngài cảnh tỉnh toàn dân đã bất trung với giao ước (x. Is 1,4-5; Gr 3,6). Đức Giêsu cũng thế, trong hành trình rao giảng, Người trở về quê nhà loan báo Lời. Dân làng Nadarét không đón nhận vì biết Người có thân thế tầm thường, hoàn cảnh nghèo nàn, họ hàng không ai có danh giá. Biết rõ Người như thế, làm sao Đức Giêsu có thể là vị cứu tinh, là Đấng Cứu Độ dân tộc được? Thật ra dân làng đã có thành kiến về giàu nghèo, về giai cấp nên điều đó làm họ mù quáng, không nhận ra sứ mạng cứu độ của Đức Giêsu.
Chúng ta được mời gọi trở nên ngôn sứ can đảm như Đức Giêsu. Thử hỏi, chúng ta đã thực sự sẵn sàng chấp nhận bị thiệt thân, thiệt thòi và thậm chí tính mạng bị đe dọa khi lên tiếng bênh vực cho chân lý, nói Lời của Chúa và sống Tin Mừng của Chúa chưa? Khi bị nghi kỵ, chống đối, loại trừ như Đức Giêsu, chúng ta có can đảm, vững tâm, vững tin và kiên nhẫn chịu đựng trong vui tươi và tín thác không?
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con ơn can đảm để thực thi sứ vụ ngôn sứ trong đời sống hằng ngày, và làm chứng cho sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời. Amen.
NHẬN RA SỰ HIỆN DIỆN CỦA CHÚA (Lm. G.B. Nguyễn Hữu Duy, SVD)
THÂN THUỘC (Tu sĩ Phanxicô X. Nguyễn Tuấn Kiệt, SVD)
Nói đến quê hương là nói đến những gì thân thương và gần gũi nhất chất chứa nơi trái tim của mỗi con người. Quả thật, hai tiếng “quê hương” rất đỗi linh thiêng và ấm áp. Những ai đã từng một lần xa quê hương ắt hẳn cảm nghiệm được nỗi nhớ thương da diết, nhưng đồng thời cũng không thể nào quên được niềm vui sướng và hân hoan trong ngày trở về.
Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu trở về quê hương thân thương của mình sau những ngày đi rao giảng Tin Mừng. Tưởng chừng Đức Giêsu sẽ ngập tràn trong niềm vui khi gặp lại hàng xóm láng giềng, được nhìn thấy những khuôn mặt thân yêu. Nhưng trái lại, điều mà Người nhận được là những ánh mắt hoài nghi và dè chừng. Người ta không tin con bác thợ mộc Giuse và bà Maria, là những người thân thuộc với mình, lại có thể là một người đặc biệt, là vị ngôn sứ hay là “Đấng được xức dầu”. Có thể thấy, chính sự gần gũi quen thuộc lại trở thành rào cản, ngăn không cho những người bà con của Đức Giêsu nhận ra con người đích thực của Người.
Trong cuộc sống, nhiều lần chúng ta cũng có thái độ giống như những người bà con của Đức Giêsu. Vì sự quen thuộc, đôi khi chúng ta đánh mất sự tôn trọng lẫn nhau, không còn nhận ra điều quý giá và điều đặc biệt nơi người xung quanh mình. Vì quen thuộc, chúng ta sẵn sàng dán những chiếc mác cũ rích lên những con người đang đổi mới hàng ngày. Hiện diện song song với tình cảm gắn bó của sự thân thuộc là nguy cơ của những định kiến đã hằn sâu trong trí óc chúng ta đối với những người thân cận.
Lạy Chúa, xin mở mắt chúng con, để chúng con có thể nhìn thấy điều lạ trong những gì đã quen thuộc, những điều mới nơi những cái đã cũ, những điều đặc biệt trong sự tầm thường. Và nhất là cho chúng con nhận ra sự hiện diện của Chúa nơi chính những người thân thương bên cạnh chúng con trong mỗi ngày sống. Amen.