LỜI SỐNG (Thứ Bảy, Tuần 1 TN)

0
257

Tin Mừng: Mc 2,13-17

Đức Giêsu lại đi ra bờ biển hồ. Toàn thể dân chúng đến với Người, và Người dạy dỗ họ. Đi ngang qua trạm thu thuế, Người thấy ông Lêvi là con ông Anphê, đang ngồi ở đó. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người. Người đến dùng bữa tại nhà ông. Nhiều người thu thuế và người tội lỗi cùng ăn với Đức Giêsu và các môn đệ: con số họ đông và họ đi theo Người. Những kinh sư thuộc nhóm Pharisêu thấy Người ăn uống với những kẻ tội lỗi và người thu thuế, thì nói với các môn đệ Người: “Sao! Ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi!” Nghe thấy thế, Đức Giêsu nói với họ: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.

—– o0o —–

Suy niệm

ANH HÃY THEO TÔI! (Tu sĩ Phêrô Nguyễn Văn Hậu, SVD)

Từ muôn thuở, Thiên Chúa ban cho loài người sự tự do. Bởi vì có tự do, nên con người phải chọn lựa: theo Chúa hay theo ma quỷ? Theo sự thật hay theo sự gian dối, tội lỗi? Trong tinh thần tự do chọn lựa của con người, Thiên Chúa không ngừng mời gọi họ hãy theo Ngài.

Với sự tự do, Ađam và Evà đã chọn trái cấm, để rồi sự dữ đến thế gian. Từ đó, con người phải đối diện, chịu cám dỗ và sa vào vũng lầy tội lỗi. Mặc dù vậy, Thiên Chúa vẫn không thất vọng, Ngài vẫn hết mực yêu thương loài người. Ngài mời gọi và tuyển chọn dân riêng, đặt các vị ngôn sứ để chăm sóc, dạy dỗ và hướng dẫn. Đặc biệt, Thiên Chúa sai chính Con Một đến thế gian và ở giữa thế gian. Qua Đức Kitô, Thiên Chúa tiếp tục gọi mời “Anh hãy theo tôi!”. Lời gọi ông Lêvi của Đức Kitô trong Tin Mừng hôm nay cũng chính là tiếng vọng từ Thiên Chúa. Lêvi là một con người tội lỗi công khai, vì ông làm nghề thu thuế. Trong khi mọi người đều xa lánh, khinh dể và khai trừ thì Chúa Giêsu đã đến và gọi mời ông từ bỏ tội lỗi và bước theo Ngài. Chúa đã đến, chọn và gọi ông chứ không phải ông đến với Chúa để xin theo.

Hôm qua, hôm nay và mãi mãi, Thiên Chúa vẫn ở đó, vẫn gọi tôi, gọi bạn, gọi chúng ta: “Anh hãy theo tôi!”. Ngài mời gọi mỗi người vào một bậc sống nào đó, mà trước hết là mời gọi làm con cái Thiên Chúa. Đó là tránh xa các thú tiêu cực, sống trong ánh sáng sự thật và chân lý. Sau đó thông qua các bậc sống riêng, mỗi người làm rạng danh Chúa trong ơn gọi của mình.

Lạy Chúa, từng khoảnh khắc trong cuộc sống, con lại nghe tiếng Chúa gọi mời: “Anh hãy theo tôi!”. Ấy thế mà, con lại chần chừ, lắm lúc khước từ lời gọi ấy, để rồi cơ may cứ thế vụt qua mất. Xin cho con biết lắng nghe để đáp trả một cách dứt khoát, mau mắn: “Lạy Chúa con đây”. Amen.


CÁI NHÌN KHÁC BIỆT (Tu sĩ  Phêrô Trần Phúc Giáp, SVD)

Nhìn nhận về một con người luôn là một việc hết sức khó khăn. Bài Tin Mừng hôm nay kể lại cho chúng ta cái nhìn của Chúa Giêsu và cái nhìn của những kinh sư về ông Lêvi và những người bạn của ông.

Những Kinh sư kết án họ với ngôn từ không mấy thiện cảm “bọn thu thuế và quân tội lỗi” (x. Mc 2,16); còn Đức Giêsu nhìn họ như những người đau ốm cần thầy thuốc (x. Mc 2,17)). Tại sao ông Lêvi và những người bạn lại bị các Kinh sư khinh miệt như vậy? Thưa, bởi họ là những người thu thuế cho đế quốc La Mã, làm tay sai cho ngoại bang, và bóc lột đồng bào mình. Trong con mắt dân chúng Do Thái thời đó, họ là quân tội lỗi và kẻ phản quốc. Tuy nhiên, sự công chính của một người không chỉ hệ tại nơi nghề nghiệp. Các Kinh sư đã có cái nhìn thiếu bao dung và mang đầy tính xét đoán đối với ông Lêvi và những người thu thuế. Với lối suy nghĩ vội vã, ích kỷ và cái nhìn thiếu cảm thông và bao dung, họ đã kết án chính đồng bào mình là “bọn”, là “quân” tội lỗi. Đó là “cái nhìn” trói buộc hơn là tháo cởi.

Còn Đức Giêsu thì khác, trái tim Người vẫn luôn chạnh lòng thương và ánh nhìn của Người luôn thấm đượm lòng thương cảm. Người không vội vã, không hùa theo truyền thống hay đám đông, nhưng rất ân cần, độ lượng và vị tha. Người đã mời gọi ông Lêvi: “Anh hãy theo tôi” (Mc 2,14). Người không chấp nhất và kết án những gì ông đã làm. Người mở ra cho ông một con đường hy vọng. Nhờ đó, ông đã có cơ hội để thay đổi. Nhìn lại chính mình, có lẽ rất nhiều lần trong đời sống, chúng ta cũng có cái nhìn thiếu cảm thông, thiếu bao dung và thiếu độ lượng như những người Pharisêu vậy. Hẳn là chúng ta đã có những sai lầm khi vội vàng chỉ trích, lên án, kết tội anh chị em mình khi họ lâm vào hoàn cảnh bi đát và lầm đường lạc lối.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con trái tim biết cảm thương và bao dung trước những mảnh đời bất hạnh và lầm đường lạc lối để giúp họ trở về với Chúa. Amen.


 

ĐỨNG DẬY! (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)


 

MẶC CẢM TỘI LỖI (Tu sĩ Phêrô Trần Quốc Dũng, SVD)

Cuộc đời con người phải chăng là một chuỗi  những  tháng  năm  đau  khổ. Triết lý nhà Phật cho rằng: “Đời là bể khổ”. Người ta khổ vì mưu sinh hằng ngày, vì tai ương hoạn nạn, hay vì những điều chẳng may cứ đến trên cuộc đời mình. Nhưng có một điều làm ta đau khổ hơn hết. Đó là những tội lỗi của chính mình.

Khi một người đang trong tình trạng tội lỗi, họ luôn sống trong mặc cảm và lo sợ. Bóng đêm của tội lỗi luôn xuất hiện trong đầu làm họ cảm thấy như bị tách lìa ra khỏi những mối tương quan giữa người với người và với xã hội. Một phần là vì người ta chẳng tha thứ cho họ, phần còn lại là chính tội nhân cũng không tha thứ cho chính mình. Vì thế, tội nhân tự nhiên trở nên lạc lõng, bơ vơ trong cuộc sống này vì chẳng được ai tiếp nhận. Hôm nay, Chúa đến và đồng hành cùng những con người ấy. Ngài đi cùng họ, gần gũi chuyện trò với họ và ngồi cùng bàn, ăn uống với họ. Chỉ những cử chỉ đơn giản đó thôi cũng đủ để xua tan đi sức nặng của bóng đêm tội lỗi trên cuộc đời họ. Họ cảm thấy được Chúa yêu thương, được Người tiếp nhận, được bình an trong tâm hồn. Hơn thế nữa, Chúa cho họ cảm thấy họ vẫn còn thuộc về thế giới này, là một bộ phận không thể tách rời khỏi xã hội.

Bản thân chúng ta cũng là những tội nhân, nhưng cũng có những khi ta chẳng thể nào tha thứ cho những lỗi lầm của anh chị em bên cạnh được. Đối diện với họ, ta luôn trong tâm thái xét đoán và xa lánh họ, ta khó có thể yêu thương và tha thứ cho những lỗi lầm mà họ mắc phải. Thật thế, ai cũng có những khiếm khuyết cần phải thay đổi, chúng ta rất cần những lời yêu thương, những hành động nhân ái để tiếp thêm động lực trên con đường tiến vào nước trời.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết nói lời yêu thương của Chúa và biết mở rộng vòng tay chào đón mọi người đến với chúng con. Amen.

 

 

Bài trướcMỪNG KÍNH THÁNH ARNOLD JANSSEN TẠI HỌC VIỆN NGÔI LỜI SÀI GÒN
Bài tiếp theoChú Giải Tin Mừng Chúa Nhật II Thường Niên, năm C (Ga 2,1-12)