LỜI SỐNG (Chúa Nhật, Tuần 16 TN – A)

0
121

Bài đọc 1: Kn 12,13.16-19; Bài đọc 2: Rm 8,26-27

Tin mừng: Mt 13, 24-43

Khi ấy, Chúa Giêsu phán một dụ ngôn khác cùng dân chúng rằng: “Nước trời giống như người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Trong lúc mọi người ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo cỏ lùng vào ngay giữa lúa, rồi đi mất. Khi lúa lớn lên và trổ bông thì cỏ lùng cũng lộ ra. Đầy tớ chủ nhà đến nói với ông rằng: “Thưa ông, thế ông đã không gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Vậy cỏ lùng từ đâu mà có?” Ông đáp: “Người thù của ta đã làm như thế”. Đầy tớ nói với chủ: “Nếu ông bằng lòng, chúng tôi xin đi nhổ cỏ”. Chủ nhà đáp: “Không được, kẻo khi nhổ cỏ lùng, các anh lại nhổ luôn cả lúa chăng. Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt. Và đến mùa, ta sẽ dặn thợ gặt: “Các anh hãy nhổ cỏ lùng trước, rồi bó lại từng bó mà đốt đi, sau mới thu lúa lại chất vào lẫm cho ta”.

Người lại nói với họ dụ ngôn khác mà rằng: “Nước trời giống như hạt cải người kia gieo trong ruộng mình. Hạt đó bé nhỏ hơn mọi thứ hạt giống, nhưng khi mọc lên, thì lớn hơn mọi thứ rau cỏ, rồi thành cây, đến nỗi chim trời đến nương náu nơi ngành nó”. Người lại nói với họ một dụ ngôn khác nữa mà rằng: “Nước trời giống như men người đàn bà kia lấy đem trộn vào ba đấu bột, cho đến khi bột dậy men”. Chúa Giêsu dùng dụ ngôn mà phán những điều ấy với dân chúng. Người không phán điều gì với họ mà không dùng dụ ngôn, để ứng nghiệm lời tiên tri đã chép rằng: “Ta sẽ mở miệng nói lời dụ ngôn, Ta sẽ tỏ ra những điều bí nhiệm từ lúc dựng nên thế gian”.

Sau khi giải tán dân chúng, Người trở về nhà. Các môn đệ đến gặp Người và thưa rằng: “Xin Thầy giải thích dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe”. Người đáp rằng: “Kẻ gieo giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Còn hạt giống tốt là con cái Nước trời. Cỏ lùng là con cái gian ác. Kẻ thù gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. Cũng như người ta thu lấy cỏ lùng, rồi thiêu đốt trong lửa thế nào, thì ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy: Con Người sẽ sai các thiên thần đi thu tất cả gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác khỏi nước Chúa, rồi ném tất cả chúng vào lửa: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ kẻ lành sẽ sáng chói như mặt trời trong Nước của Cha mình. Ai có tai để nghe thì hãy nghe”.


 

Suy niệm

KIÊN NHẪN VÀ NHÂN HẬU (Tu sĩ Antôn Hà Thừa Lực, SVD)

Cuộc sống luôn tồn tại người tốt và kẻ xấu. Khi đối diện  với  những  người xấu, chúng ta thường tỏ thái độ: bức xúc, thiếu kiên nhẫn và thậm chí muốn “thay trời hành đạo” để tiêu diệt những kẻ gian ác tức khắc. Trái lại, Thiên Chúa luôn bày tỏ sự kiên nhẫn và lòng nhân hậu của Ngài đối với tất cả mọi người, đặc biệt là với kẻ tội lỗi.

Dụ ngôn cỏ lùng trong Tin Mừng hôm nay cho thấy hình ảnh của một Thiên Chúa nhân hậu và luôn kiên nhẫn với người tội lỗi. Thực tế cho thấy, khi đứng trước sự dữ, nhiều người tự hỏi: Thiên Chúa ở đâu? Tại sao Ngài lại để cho những kẻ làm điều ác sống trơ trơ như vậy? Có lẽ vì sống trong sự giới hạn nên con người luôn có tâm thức trả thù những kẻ ác cách nhãn tiền. Cuộc đời con người thật ngắn ngủi vì thế họ thường muốn tất cả phải được chấm dứt ngay trong trần thế này. Cũng giống như khi thấy cỏ lùng trong ruộng, các đầy tớ đã vội vàng đến xin ông chủ đi gom cỏ lùng. Đây là một hình thức muốn loại trừ và tiêu diệt những người tội lỗi cách mau lẹ. Nhưng thật bất ngờ, ông chủ đã đáp: “Hãy để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt”. Ông Chủ ở đây chính là Thiên Chúa nhân lành. Người là chủ của không gian và thời gian. Người là vị Thiên Chúa giàu lòng xót thương, hằng cho mưa công chính xuống trên người lành, kẻ dữ và luôn kiên nhẫn với kẻ tội lỗi ngõ hầu họ có cơ hội hoán cải.

Thiên Chúa là tình yêu. Ngài luôn mời gọi chúng ta hãy noi gương Ngài sống yêu thương và tha thứ, nhất là biết kiên nhẫn và nhân từ với những người tội lỗi. Chúng ta cũng được mời gọi cộng tác với Ngài bằng cách cầu nguyện và giúp họ bỏ đường tội lỗi và trở về với Chúa. Vì Thiên Chúa không muốn kẻ tội lỗi phải chết nhưng muốn họ sám hối ăn năn.

Lạy Chúa, đã bao lần chúng con vô cảm và thiếu kiên nhẫn với những người xung quanh, nay xin Chúa hãy biến đổi trái tim chai đá của chúng con thành trái tim biết yêu thương và cảm thông với người khác. Amen.


 

MẦU NHIỆM SỰ DỮ (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 16 Thường Niên – Năm A
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Thứ Hai, Tuần 16 TN)