Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 16 Thường Niên – Năm A

0
700

Bài Ðọc I: Kn 12, 13. 16-19

“Người ban cho kẻ tội lỗi ơn ăn năn trở lại”.

Trích sách Khôn Ngoan.

Ngoài Chúa, không có chúa nào khác chăm sóc mọi sự, ngõ hầu minh chứng rằng Chúa không đoán xét bất công. Vì chưng, sức mạnh của Chúa là nguồn gốc sự công minh, và vì Người là Chúa mọi sự, nên tỏ ra khoan dung với mọi người. Chúa chỉ tỏ sức mạnh Chúa ra khi có kẻ không tin vào uy quyền của Chúa, và triệt hạ kẻ kiêu căng không nhìn biết Người.

Vì là chủ sức mạnh, nên Chúa xét xử hiền lành, Chúa thống trị chúng ta với đầy lòng khoan dung: vì khi Chúa muốn, mọi quyền hành tuân lệnh Người. Khi hành động như thế, Người dạy dỗ dân Người rằng: Người công chính phải ăn ở nhân đạo, và Người làm cho con cái Người đầy hy vọng rằng: Người ban cho kẻ tội lỗi ơn ăn năn sám hối.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 85, 5-6. 9-10. 15-16a

Ðáp: Lạy Chúa, Chúa nhân hậu và khoan dung (c. 5a).

Xướng: 1) Lạy Chúa, vì Chúa nhân hậu và khoan dung, giàu lượng từ bi với những ai kêu cầu Chúa. Lạy Chúa, xin nghe lời con khẩn nguyện, và quan tâm đến tiếng con van nài. – Ðáp.

2) Các dân tộc mà Chúa tạo thành, họ sẽ tới, lạy Chúa, họ sẽ thờ lạy Ngài, và họ sẽ ca tụng danh Ngài. Vì Ngài cao cả và làm những điều kỳ diệu; duy một mình Ngài là Thiên Chúa. – Ðáp.

3) Nhưng lạy Chúa, Ngài là Thiên Chúa từ bi, nhân hậu, chậm bất bình, rất mực khoan dung và thủ tín. Xin đoái nhìn đến con và xót thương con. – Ðáp.

Bài Ðọc II: Rm 8, 26-27

“Thánh Thần cầu xin cho chúng ta bằng những tiếng than khôn tả”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, có Thánh Thần nâng đỡ sự yếu hèn của chúng ta. Vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho xứng hợp, nhưng chính Thánh Thần cầu xin cho chúng ta bằng những tiếng than khôn tả. Mà Ðấng thấu suốt tâm hồn, thì biết điều Thánh Thần ước muốn. Bởi vì Thánh Thần cầu xin cho các thánh theo ý Thiên Chúa.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 6, 64b và 69b

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, lời của Chúa là thần trí và là sự sống; Chúa có những lời ban sự sống đời đời. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 13, 24-30 {hoặc 24-43}

“Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán một dụ ngôn khác cùng dân chúng rằng: “Nước trời giống như người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Trong lúc mọi người ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo cỏ lùng vào ngay giữa lúa, rồi đi mất. Khi lúa lớn lên và trổ bông thì cỏ lùng cũng lộ ra. Ðầy tớ chủ nhà đến nói với ông rằng: “Thưa ông, thế ông đã không gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Vậy cỏ lùng từ đâu mà có?” Ông đáp: “Người thù của ta đã làm như thế”. Ðầy tớ nói với chủ: “Nếu ông bằng lòng, chúng tôi xin đi nhổ cỏ”. Chủ nhà đáp: “Không được, kẻo khi nhổ cỏ lùng, các anh lại nhổ luôn cả lúa chăng. Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt. Và đến mùa, ta sẽ dặn thợ gặt: “Các anh hãy nhổ cỏ lùng trước, rồi bó lại từng bó mà đốt đi, sau mới thu lúa lại chất vào lẫm cho ta”.

{Người lại nói với họ dụ ngôn khác mà rằng: “Nước trời giống như hạt cải người kia gieo trong ruộng mình. Hạt đó bé nhỏ hơn mọi thứ hạt giống, nhưng khi mọc lên, thì lớn hơn mọi thứ rau cỏ, rồi thành cây, đến nỗi chim trời đến nương náu nơi ngành nó”.

Người lại nói với họ một dụ ngôn khác nữa mà rằng: “Nước trời giống như men người đàn bà kia lấy đem trộn vào ba đấu bột, cho đến khi bột dậy men”.

Chúa Giêsu dùng dụ ngôn mà phán những điều ấy với dân chúng. Người không phán điều gì với họ mà không dùng dụ ngôn, để ứng nghiệm lời tiên tri đã chép rằng: “Ta sẽ mở miệng nói lời dụ ngôn, Ta sẽ tỏ ra những điều bí nhiệm từ lúc dựng nên thế gian”. Sau khi giải tán dân chúng, Người trở về nhà. Các môn đệ đến gặp Người và thưa rằng: “Xin Thầy giải thích dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe”. Người đáp rằng: “Kẻ gieo giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Còn hạt giống tốt là con cái Nước trời. Cỏ lùng là con cái gian ác. Kẻ thù gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. Cũng như người ta thu lấy cỏ lùng, rồi thiêu đốt trong lửa thế nào, thì ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy: Con Người sẽ sai các thiên thần đi thu tất cả gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác khỏi nước Chúa, rồi ném tất cả chúng vào lửa: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ kẻ lành sẽ sáng chói như mặt trời trong Nước của Cha mình. Ai có tai để nghe thì hãy nghe”.}

Ðó là lời Chúa.


 

Bài giảng chủ đề:

NƯỚC TRỜI – LÒNG NGƯỜI

Tu sĩ Antôn Hà Thừa Lực, SVD

Phụng vụ Lời Chúa trong Chúa Nhật XVI thường niên năm A hôm nay nhấn mạnh đến chủ đề “Nước Trời”. Quả thật, “Nước Trời” là mục đích tối hậu, là niềm hạnh phúc đích thật mà người tín hữu chúng ta hằng khao khát và kiếm tìm. Nhưng thử hỏi nước ấy đang ở đâu và làm thế nào để con người chúng ta đạt được vinh phúc Nước Trời?

  1. Phải chiến đấu để dành lấy Nước Trời

Trước hết, Nước Trời không phải là một nơi chốn cụ thể mà chúng ta trông thấy một cách hiển nhiên, nhưng nước ấy đã bắt đầu ngay chính lúc này và ở đây, nghĩa là đang ở giữa nhân loại và ngay tại trần thế này. Chính Đức Giê-su đã nói: “Nước Trời đang ở giữa các ông…” (Lc 17,21). Tuy nhiên, hạnh phúc Nước Trời không thể có được khi ngồi yên chờ đợi, mà phải biết chiến đấu, phải gắng sức, hy sinh và tập luyện thì mới có được. Nước Trời là ân ban nhưng không của Thiên Chúa, nhưng cũng là phần thưởng mà con người cần phải nỗ lực, gắng sức, chiến đấu để dành lấy.

Nước Trời bắt đầu ngay tại trần thế này. Mà trần thế thì đầy dẫy những thách đố, hiểm nguy và chông gai. Trần thế không phải là chốn nghỉ ngơi để con người tận hưởng. Vì nơi đây, cỏ lùng và lúa sống chung với nhau, người tốt kẻ xấu cùng tồn tại, cái ác và sự thiện cùng song hành, ánh sáng và bóng tối đi đôi với nhau. Bởi thế, có nhiều người không chấp nhận được thực tại phũ phàng này và muốn tận diệt nó ngay lập tức, giống như những người đầy tớ trong dụ ngôn hôm nay diễn tả: Vậy ông có muốn chúng tôi đi gom cỏ lùng không? (x. Mt 13,28). Nhưng Ông Chủ kiên nhẫn trả lời: “Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt…” (Mt 13,29). Quả thật, Ông Chủ đã chờ đợi để cả hai cùng lớn lên cho đến ngày gặt, không phải vì chấp nhận cỏ lùng nhưng vì yêu mến lúa và muốn làm phương hại đến lúa. Ông không muốn loại trừ cỏ lùng mà làm cho lúa cũng bị tổn thương và cùng chung số phận phải chết cháy khi thiêu trong lửa.

Ruộng lúa là thế gian con người đang sống. Cỏ lùng là hình ảnh tượng trưng cho thế lực của ma quỉ, sự dữ, bóng tối, tội lỗi và sự gian ác, con cái ác thần. Lúa là hình ảnh tượng trưng cho thân phận con người chúng ta, đặc biệt con cái Thiên Chúa. Cỏ lùng thì mãi là cỏ lùng và lúa cũng thế, cả hai đều cùng tranh giành và phát triển trên cùng một mảnh đất. Do đó, lúa muốn tồn tại và phát triển, đâm bông kết hạt thì phải luôn chiến đấu và vươn lên không ngừng nếu không sẽ bị cỏ lùng bóp nghẹt. Con cái Thiên Chúa cũng thế, muốn trở nên hoàn thiện như Cha và muốn đạt được Nước Trời cũng phải luôn nỗ lực, chiến đấu và vươn lên mỗi ngày giữa những thực tại trần thế đầy cám dỗ và thử thách này.

  1. Nại vào tình thương và lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa

Thiên Chúa luôn yêu thương và kiên nhẫn chờ đợi con người hoán cải và trở về với Người. Bởi, Thiên Chúa luôn hy vọng con người chúng ta được biến đổi theo thời gian. Người biết chúng ta có thể thay đổi từ xấu thành tốt, từ tội lỗi trở nên thánh nhân, từ những con người mất phúc trở thành những con người có phúc, nên Người luôn đầy lòng trắc ẩn và kiên nhẫn chờ đợi. Sự chờ đợi của Thiên Chúa là một hồng phúc cho con người vì đó là cơ hội vàng giúp con người lớn lên, thay đổi và đạt được Nước Trời. Tình thương và lòng kiên nhẫn là bản chất của Thiên Chúa vì Người không muốn ai trong chúng ta phải hư mất. Đó là lý do tại sao ông Chủ (Thiên Chúa) trong trình thuật Tin Mừng hôm nay không muốn các đầy tớ đi nhổ hay tận diệt cỏ lùng ngay lập tức vì sợ họ cũng sẽ làm tổn thương hay tiêu diệt luôn cả lúa. Do đó, việc Thiên Chúa gia hạn thời gian để cỏ lùng và lúa cùng lớn lên là để thể hiện tình thương và lòng kiên nhẫn của Người cho nhân loại, giống như người cha già luôn yêu thương và kiên nhẫn chờ đợi người con hoang trở về (x. Lc 15,11-32). Chính nhờ vào thời gian thi ân của Thiên Chúa mà con người có cơ hội hồi tâm, hoán cải, trở về với Chúa và nhận được phần thưởng Nước Trời.

Thiên Chúa cũng đợi chờ mỗi người chúng ta như vậy. Vì thế, mỗi người hãy tự vấn lòng mình rằng: Đã quá xa và quá lâu tôi không trở về, đã sống hoang đàng, đã sống vô ân bội nghĩa và đã đánh mất tình con thảo với Chúa. Giờ đây, tôi hãy trở về cùng Cha tôi…. Như vậy, hạnh phúc Nước Trời chính là đây, nếu mỗi người

chúng ta biết tận dụng thời gian hiện tại và nhận ra tình thương và lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa để sống tốt hơn, nỗ lực hơn, hoàn thiện chính mình hơn mỗi ngày. Thiên Chúa luôn yêu thương và kiên nhẫn đợi chờ chúng ta trong mọi khoảnh khắc đời sống và trên hành trình đức tin của mỗi người. Bởi thế, hãy nại vào lòng từ bi và kiên nhẫn chờ đợi của Thiên Chúa để can đảm quay trở về với Người để được sống trong vinh quang Nước Trời với Chúa.

  1. Sống thực tại Nước Trời trong lòng mình và tại thế

Quả thật, con người có thể tìm thấy Nước Trời ngay trong lòng mình. Vì trong sâu thẳm tâm hồn mình có thể là nguồn của ánh sáng, sự thật, tình yêu. Nhưng cũng chính trong lòng mình có thể là nguồn phát sinh mọi sự dối trá, tàn bạo, tội lỗi, hận thù, kiêu căng… (Mc 7,21-23). Nếu mảnh đất tâm hồn không được chăm sóc tốt, kẻ thù có thể gieo hạt giống của sự mục nát, cỏ lùng khiến con người phải hư mất. Thực tế, tội lỗi đã thống trị thế gian và lòng người đã bị mất đi tình trạng nguyên tuyền thủa ban đầu. Do đó, con người mang trong mình sự bất toàn và hướng chiều về tội lỗi. Như vậy, tội lỗi ngập tràn khiến con người chao đảo, và khó có thể phân biệt thật và giả, trắng và đen, công và tội, tất cả đều trộn lẫn. Cỏ lùng và lúa chung đụng với nhau trong chính lòng người.

Để sống thực tại Nước Trời ngay trong lòng và tại thế, chúng ta cần từ bỏ chính mình, yêu mến đời sống thầm lặng, không màng danh lợi hay tiếng khen chê ở đời. Đừng tìm hư danh, nhưng luôn tìm kiếm và thực hành ý Thiên Chúa bằng một đời sống cầu nguyện không ngừng. Ngoài ra, luôn đặt mình rốt hết, phục vụ người khác cách nhưng không; tìm niềm vui trong những việc đơn sơ, bé nhỏ hằng ngày; bỏ đi cái tôi ích kỷ nhỏ nhen; hãm bớt dục vọng; không nhìn những điều không được phép, bớt tò mò những sự vô bổ; không tìm sự thỏa mãn xác thịt, giác quan, nhưng tìm sự thánh thiện, hằng nhìn lên thập giá Chúa Ki-tô để nhận ra rằng mình đã được cứu chuộc bằng chính Máu Thánh Ngài, mà sống cho xứng đáng. Có như thế, chúng ta đang để cho hạt giống của Lời, cho “lúa” lớn lên và hạn chế “cỏ lùng” phát triển trong lòng mình và ngay tại môi trường mình đang sống. Như vậy, “Nước Trời” mới thực sự lớn lên và phát triển trong tâm hồn mỗi người chúng ta và trong thế giới chúng đang sống.

Lạy Chúa, tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con thời gian để sinh sống và phát triển. Thời gian ấy sẽ giúp chúng con thay đổi và trở nên ánh sáng cho đời, trở nên muối cho trần gian, trở men trong đấu bột và trở nên mầm sống trong hạt cải bé nhỏ. Thời gian ấy sẽ trở thành nguồn hồng phúc, giúp chúng con đến gần Chúa hơn, biết sống yêu thương nhau hơn và mưu cầu phần rỗi cho tha nhân hơn. Xin Chúa giúp chúng con sống được như thế để chúng con trở thành con cái đích thực của Chúa giữa trần gian này và đạt tới vương quốc Nước Trời mai sau với Người. Amen.


 

THÁNH THIỆN VÀ TỘI LỖI – LÚA VÀ CỎ LÙNG

Lm. Phêrô Nguyễn Trọng Đường, SVD

Vụ sát hại nhau vào sáng 18 tháng 08 năm 2016 đã làm cho cả nước phải giật mình nhưng có lẽ không bất ngờ. Hai quan chức nhà nước, hai đồng chí cán bộ cộng sản tại Tỉnh Yên Bái, ông Đỗ Cường Minh và ông Phạm Duy Cường, đã trở thành sát thủ của nhau. Nguyên nhân do đâu? Tại sao lại bị chết… Tất cả chỉ vì quyền lực, địa vị và tiền bạc.

Nếu người cầm súng và người bị bắn biết kiên nhẫn ngồi lại với nhau, biết lắng nghe trong sự đợi chờ và biết giải hòa mâu thuẫn thì cả hai vẫn còn sống và cả hai vẫn còn là cán bộ cao cấp đem hạnh phúc đến cho gia đình và đem trật tự đến cho xã hội. Nếu biết kiên nhẫn một chút, họ sẽ biết phân định, đánh giá sai-đúng, tốt-xấu. Hôm nay, tôi muốn gợi lên câu chuyện trên để mỗi người trong chúng ta đi vào bài Tin Mừng của Chúa nhật XVI thường niên, giúp mỗi người khám phá, hiểu biết và sống đúng tinh thần lời Chúa nơi môi trường sống của mình.

Đức Giêsu đến trần gian, dạy cho con người nhiều điều nhưng có hai điều căn bản nhất mà mỗi Kitô hữu phải nằm lòng: “Một Thiên Chúa Tình Yêu và Một Nước Trời Vĩnh Cửu”. Khi nói về Nước Trời là đụng chạm đến mầu nhiệm mà con người không thể hiểu tường tận và rõ ràng như đáp số toán học. Vì thế, Đức Giêsu đã dùng nhiều dụ ngôn để chuyển tải mầu nhiệm Nước Trời cho dân chúng và qua đó họ có thể hiểu được mầu nhiệm Nước Trời và đón nhận Lời hằng sống. Tất cả ba dụ ngôn hôm nay: hạt cải, nắm men, lúa và cỏ lùng đều ám chỉ đến Nước Trời trong Quyền Năng và Sức Mạnh, Kiên Nhẫn và Bao Dung, Xót Thương và Tha Thứ của Thiên Chúa:

  1. Quyền Năng và Sức Mạnh

Nước Trời được ví như hạt giống tốt được gieo trong thửa ruộng. Thửa ruộng chính là hình ảnh của thế giới, Giáo Hội và tâm hồn mỗi người. Hạt giống đó là lời Chúa, là ơn Chúa ban, những ý hướng cao đẹp và thánh thiện trong tâm hồn con người. Hạt giống bắt đầu rất nhỏ bé, âm thầm và khiêm tốn, như hình ảnh hạt cải nhỏ bé và nắm men ít ỏi trong thúng bột. Hạt cải và nắm men nói lên sự yếu ớt, ít ỏi và tầm thường nhưng có sức biến đổi thành hình dạng phi thường. Hình ảnh này nói lên một Nước Trời có sức mạnh vô biên, có thể sinh hoa kết trái như lòng người mong ước khi có thần linh Thiên Chúa biến đổi.

Ta thử nhìn vào lịch sử Giáo Hội, lúc khởi đầu sơ khai chỉ vỏn vẹn nhóm ít người với Đức Giêsu, rồi từng ngày theo năm tháng hạt giống được “đâm chồi” và “dậy men” để trở thành một Giáo Hội rộng lớn quy tụ mọi dân tộc trên địa cầu này. Tuy nhiên, vẫn có những thử thách và khó khăn tưởng chừng như Giáo Hội không có thể đứng vững, bởi “cỏ lùng” là ma quỷ và bóng tối tội lỗi bao phủ. Nhưng sức mạnh và quyền năng của Thiên đã phá tan quyền lực của sa tan, tử thần và đẩy lui bóng tối tội lỗi. Đó là sức mạnh của hạt giống lời Chúa, là ân sủng và Thần Khí của Người. Chính sức mạnh của Thiên Chúa biến tội lỗi con người thành cái phúc của Thiên Chúa;biến cái yếu đuối con người thành cái mạnh mẽ của Thiên Chúa,như thánh Phaolô đã quả quyết: “khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh!” (2 Cr 12,10).

Hạt giống Nước Trời tuy có sức mạnh và quyền năng vô biên, nhưng hạt giống này phải được gieo trên đất tốt, lớn lên trên đất có màu mỡ và sinh khí thì mới sinh hoa trái. Cũng vậy, hạt cải để trở thành cây phải được con người gieo trồng cẩn thận. Nắm men muốn làm cho thúng bột dậy lên, phải có người đàn bà nhào trộn. Để phân biệt đâu là lúa và cỏ lùng cần có con người, ánh sáng Tin Mừng để soi tỏ… Như vậy, Thiên Chúa muốn con người cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa qua chính bổn phận của người Kitô hữu, qua cung cách sống ơn gọi nên thánh của mỗi người.

  1. Kiên Nhẫn và Bao Dung

Tuy nhiên, quyền năng của Thiên Chúa được ẩn tàng khó thấy nhưng mạnh mẽ như hạt cải lớn lên, như nắm men làm cho cả khối bột dậy men, nhưng quyền năng ấy lại được thể hiện trong thầm lặng, kiên nhẫn và bao dung như người chủ đợi chờ ngày thu hoạch để phân biệt tốt xấu: “Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt” (Mt 13,30).

Đọc qua dụ ngôn ta nhận thấy rằng: ông chủ ruộng vẫn có đủ khả năng để làm cho thửa ruộng của mình được sạch, vẫn biết cách để tách lúa và cỏ lùng ra từng bên. Nhưng ông chủ muốn cho lúa và cỏ lùng có những cơ hội lớn lên, và chỉ tách ra khi đến mùa gặt: “Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: Hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi” (Mt 13,30).

Cuộc đời con người cũng là thời gian kiên nhẫn và bao dung của Thiên Chúa. Vì nhân vô thập toàn, con người đầy những mưu mô xảo quyệt, những hố ngăn cách giữa thiện và ác, giữa “phần con” và “phần người”. Tâm hồn con người được ví như thửa ruộng mà Thiên Chúa đang cấy vào đó hạt giống tốt. Nhưng trong đó cũng không thiếu những cỏ lùng của đời mình khi cái thiện và cái ác vẫn tranh giành và xâu xé nhau,khi điều tốt và điều xấu vẫn hoành hành trong tâm hồn mỗi người. Thánh Phaolô đã nói giúp chúng ta rằng: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, còn sự ác không muốn thì tôi lại làm” (Rm 7,19).

Vẫn biết rằng không bao giờ cỏ lùng lại biến thành lúa và lúa lại biến thành cỏ lùng. Kitô hữu là con cái sự sáng được mời gọi trở nên giống tốt, cây tốt trong thửa ruộng của Hội Thánh vàtrong tâm hồn mình. Việc làm tốt của ta, có thể giúp những người tội lỗi biến đổi từ ác trở thành tốt, từ vô thần đến hữu thần, từ người tội lỗi trở nên con người công chính, thánh thiện. Đan cử trong lịch sử Giáo Hội như các thánh Phaolô, Maria Mađalêna, Augustinô…

Thiên Chúa là Đấng đầy lòng nhân từ với tất cả mọi người. Người luôn gieo Lời hằng sống vào tâm hồn con người; Người không chọn lựa cũng không kỳ thị một ai; Người không lên án cũng chẳng cáo buộc ai. Người kiên nhẫn và bao dung để họ có thể làm lại cuộc đời và trở về với Thiên Chúa là Cha giàu lòng xót thương.

  1. Xót Thương và Tha Thứ

Chúa Giêsu đã nói: “Ta không đến để kêu gọi người công chính nhưng kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9,13). Thiên Chúa không dung túng với tội lỗi nhưng Người rất cảm thông cho sự yếu đuối và mỏng giòn của con người. Vì yếu đuối của con người nên Đức Giêsu đã đến trong thế gian này và Người đã chọn cái yếu đuối nhất để cứu độ trần gian qua sự nhập thể và cái chết của Ngài trên thập giá.

Dụ ngôn cho thấy sự bao dung và lòng thương xót của Thiên Chúa. Chúa chờ đợi cho đến ngày tận thế mới thu hoạch lúa cùng với cỏ lùng. Chúa đợi chờ trong sự xót thương vì hy vọng những người tội lỗi sớm ăn năn sám hối. Chúa xót thương và tha thứ, không nỡ phạt người tội lỗi tức khắc. Chúa cho con người cơ hội mặc lấy tâm tình sám hối ăn năn. Chúa mở cánh cửa tình thương để người tội lỗi bước vào ân sủng và lòng thương xót của Người.

Lòng thương xót và tha thứ của Thiên Chúa cụ thể hóa trong dụ ngôn này là sự kiên nhẫn và bao dung. Dù cỏ lùng có thể làm chết nghẹt cây lúa nhưng vì yêu nên Thiên Chúa tìm cách để cả hai có thể sống đến ngày thu hoạch. Vì thế, Thiên Chúa luôn hy vọng vào con người,cho họ có thời gian để hoán cải, để thay đổi lối sống “cỏ lùng”, để trở thành bông lúa tốt cho đời. Trong bài đọc thứ nhất trích từ sách Khôn Ngoan đã dạy: “Làm như thế, Chúa đã dạy dân rằng: người công chính phải có lòng nhân ái. Ngài đã cho con cái niềm hy vọng tràn trề là người có tội được Ngài ban ơn sám hối” (Kn 12,19). Còn Thánh Phaolô trong bài đọc thứ hai dạy rằng: “Có Chúa Thánh Thần nâng đỡ sự yếu hèn của chúng ta” (Rm 8,26).

Lạy Chúa, xin cho con biết sống kiên nhẫn, bao dung và xót thương với hết mọi người như Chúa dạy. Xin cho con ý thức phận mình mỏng giòn, yếu đuối và đầy những “cỏ lùng” trong tâm hồn. Từ đó, xin cho con biết cảm thông và nâng đỡ những ai đang sống trong tội lỗi. Xin cho đời con như hạt cải, như nắm men trong thúng bột để có thể giúp người khác tìm về bên Chúa. Xin cho con biết học nơi Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta, sống bác ái tận cùng để minh chứng cho sự bao dung và lòng thương xót của Thiên Chúa.

 

Bài trướcNghi thức Nhận xứ của các Linh mục Dòng Ngôi Lời tại Gx. Minh Châu
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Chúa Nhật, Tuần 16 TN – A)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.