LỜI SỐNG (Chúa Nhật IV Phục Sinh, Năm C, Chúa Chiên Lành)

0
513

Bài đọc 1: Cv 13,14.43-52 Bài đọc 2: Kh 7,9.14b-17

Tin mừng: Ga 10, 27-30

27 Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Do-thái rằng: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi.

28 Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi.

29 Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha.

30 Tôi và Chúa Cha là một.”

—– SUY NIỆM —–

MỤC TỬ VÀ ĐÀN CHIÊN (Tu sĩ Phaolô Trần Văn Bằng, SVD)

Mục tử và đàn chiên là hình ảnh được hầu hết các trình thuật Tin Mừng, nhất là Tin Mừng Gioan dùng để diễn tả một cách sống động về mối liên kết giữa Chúa Giêsu và Giáo Hội của Ngài. Chúa Giêsu là mục tử nhân lành, Ngài yêu thương, thấu hiểu, chăm sóc và hết lòng bảo vệ đàn chiên của mình. Với tình yêu tròn đầy, Ngài luôn đi bước trước để đàn chiên được an bình theo sau.

Quả thế, trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu giới thiệu cho người Do Thái những đặc tính về đoàn chiên của Ngài. “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi.” Đây là một điều rất đặc biệt, bởi lẽ trong bối cảnh văn hoá Do Thái ngày xưa, những người lãnh đạo Do Thái với dân chúng có khoảng cách rất lớn. Những bậc vị vọng Do Thái thường đứng trên và xa rời với cuộc sống của người dân. Họ không thể thấu cảm đến những lao nhọc mà người dân đang phải đối diện. Chúa Giêsu hoàn toàn khác, Ngài dấn thân vào cuộc sống của con người, cùng ăn, cùng ở, cùng lao động và sẻ chia mọi vui buồn sướng khổ với họ. Vì thế, Ngài biết và thấu hiểu từng con chiên một, nên đoàn chiên cảm thấy được sự bình an đích thật để vâng nghe và đi theo Ngài.

Ngày hôm nay, giữa một xã hội đầy đủ những tiện nghi vật chất để thoả mãn nhu cầu của con người, chúng ta có còn ý thức được sự hiện diện của vị Mục tử đích thật là Đức Kitô trong cuộc đời mình hay không? Chúng ta có can đảm phó thác và sẵn sàng bước theo Ngài trong hành trình của cuộc đời mình không? Chúng ta có thực sự là một đoàn chiên biết vâng theo tiếng Chúa qua những vị đại diện của Ngài nơi Giáo Hội không?

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn ý thức rằng chỉ có Chúa là Mục tử tốt lành và luôn sẵn sàng bảo vệ cho chúng con. Xin cho chúng con can đảm đối diện với những biến cố xảy ra trong cuộc đời vì chúng con tin Chúa biết rõ mỗi người chúng con và Chúa luôn đồng hành với chúng con trong cuộc đời này. Amen.


 

CHIÊN NGHE CHỦ (Lm. Giuse Trần Minh Kiểm, SVD)

Bài Tin Mừng hôm nay chỉ gói gọn trong ba câu nhưng rất súc tích và sâu sắc để giới thiệu Đức Giêsu là Mục tử nhân lành luôn biết chăm sóc cho đàn chiên của Người. Chiên vốn là loài vật hiền lành, dịu dàng, nên chúng thường hay bị thú dữ đe dọa, nhất là chó sói hung bạo. Vì vậy, thính giác của chiên rất phát triển để củng cố bản năng sinh tồn, chiên có thể nghe bằng nhiều cách khác nhau.

Thứ nhất: Chiên có thể nghe “bằng mũi”, tức là chiên rất bén nhạy đánh hơi để ngửi xem mùi nào là quen, mùi nào lạ và biết mùi của chủ. Đây là nét đặc trưng để giúp chiên dễ nhận ra nhau, đồng thời cũng dễ dàng nhận ra chủ thân thương, gần gũi của mình. Nhưng để chiên có thể nhận ra mùi của chủ thì đương nhiên chủ đượm mùi chiên, phải thực sự “sống cùng, sống với và sống cho” chiên. Mùi của chiên nơi người mục tử nhân lành được tỏa ra từ thái độ, lời nói, hành động, và quan trọng hơn hết là chủ phải bộc lộ sự gần gũi với đàn chiên và biết bảo vệ đàn chiên.

Thứ hai: Chiên có thể nghe “bằng mắt”. Chiên biết chủ âu yếm gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra, chủ đi trước và chiên theo sau. Chúng nhận biết tiếng chủ và chúng sẽ không theo người lạ. Như thế, chiên có khả năng nhận biết chủ qua phong cách sống, qua nếp ứng xử, qua sự chăm sóc tận tụy của chủ, vì chủ biết rõ tên tuổi, cá tính, sức khỏe, nhu cầu và tâm trạng của từng con chiên.

Thứ ba: Chiên có thể nghe “bằng tai”. Đây là điều hết sức tự nhiên, nhưng cũng khá đặc biệt. Không chỉ ban ngày, mà ngay cả đêm khuya thanh vắng, chiên vẫn nghe biết tiếng chủ, thậm chí chiên còn biết chủ luôn sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ nó. Khi đắm mình trong suy tư và cầu nguyện, ta có thể nghe được tiếng Chủ Chăn Nhân Lành, qua Lời Chúa và các dấu chỉ chung quanh. Đây là động thái tích cực của ta, để ta có thể hiểu và nghe theo tiếng Chúa. Đây là sự hợp tác cần thiết phải có, để ta nghe được tiếng Chủ Chăn bảo vệ, hướng dẫn ta đến đồng cỏ xanh non, suối mát trong lành.

Lạy Chúa, giữa bao nhiêu tiếng gọi, giữa bao nhiêu con đường, xin giúp chúng con biết chọn, biết lắng nghe và đi theo con đường của Chúa. Amen.

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 4 Phục Sinh – Năm C
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Thứ Hai, Tuần 4 Phục Sinh – A, C)