LỜI SỐNG (Thứ Năm, Tuần 5 MC)

0
447

Bài đọc: St 17,3-9

Tin Mừng: Ga 8,51-59

51 Khi ấy, Chúa Giêsu nói với người Do Thái rằng: “Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: Nếu ai giữ lời Ta, thì muôn đời sẽ không phải chết”. 52 Người Do Thái lại nói: “Bây giờ thì chúng tôi biết rõ ông bị quỷ ám. Abraham đã chết và các tiên tri cũng vậy, thế mà ông lại nói: ‘Ai giữ lời Ta, thì không bao giờ phải chết’. 53 Chẳng lẽ ông lại lớn hơn cha chúng tôi là Abraham sao ? Ngài đã chết, các tiên tri cũng đã chết. Ông cho mình là ai ?”

54 Chúa Giêsu trả lời: “Nếu Ta tự tôn vinh chính mình, thì vinh quang của Ta sẽ không giá trị gì. Chính Cha Ta tôn vinh Ta. Người là chính Đấng các ngươi xưng là Thiên Chúa của các ngươi. 55 Vậy mà các ngươi không biết Người. Còn Ta, Ta biết Người. Nếu Ta nói Ta không biết Người, thì Ta cũng nói dối như các ngươi. Nhưng Ta biết Người, và Ta giữ lời Người. 56 Cha các ngươi là Abraham đã hân hoan, vì nghĩ sẽ được thấy ngày của Ta. Ông đã thấy và đã vui mừng”.

57 Người Do Thái liền nói: “Ông chưa được năm mươi tuổi mà đã trông thấy Abraham rồi sao ?” 58 Chúa Giêsu trả lời: “Quả thật, quả thật, Ta nói với các ngươi: Khi Abraham chưa sinh ra, thì Ta đã có rồi”.

59 Bấy giờ họ lượm đá ném Ngài, nhưng Chúa Giêsu ẩn mình đi ra khỏi đền thờ.

—– SUY NIỆM —–

TÔI BIẾT NGƯỜI (Tu sĩ  Phêrô Đặng Hữu Khanh, SVD)

Đối thoại là cùng nhau tìm ra một cái nhìn mới mẻ hơn về sự vật, hiện tượng hay nhân vật được nhắc đến. Nó giúp người ta mở rộng tâm trí để hiểu sâu xa hơn những vấn đề được bàn luận. Mục đích của đối thoại thường là hướng đến hay tìm ra chân lý và sự thật. Tuy nhiên, không phải cuộc đối thoại nào cũng được như vậy.

Trình thuật Tin Mừng hôm nay kể lại cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và người Do Thái về thân thế của Người. Khi Chúa Giêsu nói với họ: “Nếu ai giữ lời Tôi, thì muôn đời sẽ không phải chết”, họ đã phản ứng lại bằng việc phỉ báng Người: “chúng tôi biết rõ ông bị quỷ ám” và “ông cho mình là ai?” Nhưng Người điềm tĩnh mặc khải cho họ về Chúa Cha và chính Người: “Chính Cha Tôi tôn vinh tôi. Người là Đấng các ông xưng là Thiên Chúa của các ông; Tôi biết Người”. Tuy nhiên, cuộc tranh luận dường như đã bước vào sự căng thẳng tột độ khi người Do Thái nổi giận. Với suy nghĩ là Chúa Giêsu nói phạm thượng, họ đã lượm đá để ném Người. Họ không chấp nhận lời Chúa Giêsu mặc khải bởi lòng họ còn nhiều ghen tuông đố kỵ. Có lẽ cái biết của họ về Chúa Giêsu chỉ dừng lại ở việc Ngài “chưa được năm mươi tuổi” và là kẻ nói phạm thượng.

Phần chúng ta, liệu chúng ta có biết Chúa Giêsu hay không? Chúng ta vẫn nói “tôi biết Người”, nhưng lối sống của chúng ta dường như chưa thể hiện cái biết đó. Đôi khi chúng ta nghe anh chị em lương dân nói rằng: “Tôi tin Chúa nhưng không tin những người theo Chúa.” Vậy là, chúng ta biết Người nhưng lại không tôn vinh Người và không tuân giữ Lời Người qua đời sống của mình. Khi đã dám tuyên xưng đức tin, chúng ta sẵn sàng sống niềm tin đó. Chỉ có lời chứng bằng việc làm tốt đẹp của chúng ta mới có thể thuyết phục tha nhân tin vào Chúa. Như vậy, cuộc đối thoại đức tin của chúng ta mới sinh lại hoa trái.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con biết Chúa, xin giúp con biết con. Xin Chúa mở rộng trí lòng con để con tôn vinh Chúa bằng việc tuân giữ Lời Ngài trong lời nói cũng như hành động. Amen.


TIN VÀO CHÚA (Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Đạt, SVD)

Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Đức Giêsu mặc khải cho những người Do Thái biết căn tính thật của Ngài nhằm mang lại ơn cứu độ cho họ. Tuy nhiên, thay vì tin nhận, họ lại định tâm ném đá Ngài. Vậy tại sao họ lại làm như thế?

Đức Giêsu đã mặc khải cho họ biết rằng Ngài chính là Ngôi Lời Thiên Chúa, Đấng có trước muôn loài. Chính nhờ Ngài mà muôn vật được tạo thành. Ngài là Đấng mà tổ phụ Ápraham cũng như các tổ phụ của họ tôn thờ. Ngài cũng là Đấng Mêsia đã được các ngôn sứ từ bao thuở tiên báo. Chính Ngài là sự sống và là ánh sáng cho thế gian (x. Ga 1,1-18). Vì tình yêu mà Ngài được Chúa Cha sai đến nhằm ban cho họ ơn cứu độ là sự sống đời đời trong Nước Trời.

Tuy nhiên thay vì tin nhận, họ lại coi Ngài là kẻ nói phạm thượng khi dám tự cho mình là người có trước và cao trọng hơn tổ phụ Ápraham. Mặt khác, theo họ ơn cứu độ của thời Mêsia đơn giản chỉ là sự an lạc ở đời này và làm cho họ trở thành một đế quốc hùng cường trên mọi phương diện. Do đó, họ cho rằng Đức Giêsu bị quỷ ám và họ định ném đá Ngài.

Ngày nay, con người đã làm sáng tỏ được nhiều điều nhờ vào sự phát triển của khoa học. Từ đó, các giá trị thật của Tin Mừng luôn bị các nhà khoa học duy thực nghiệm đặt nghi vấn. Họ trở nên tự phụ và muốn loại bỏ Chúa ra khỏi cuộc đời. Lý thuyết này đang ngày càng lớn mạnh và là một thách đố cho niềm tin vào Lời Chúa. Hơn bao giờ hết, người Kitô hữu được mời gọi hãy tin như cách mà tổ phụ Ápraham đã tin. Đó là hoàn toàn tin tưởng vào quyền năng của Chúa dù có phải đối diện với các nghịch lý trần gian.

Lạy Chúa, các luận điệu của các chủ thuyết trần thế vẫn không ngừng tìm cách bóp nghẹt đức tin yếu đuối của chúng con. Xin Chúa củng cố đức tin yếu kém của chúng con để chúng con luôn biết lắng nghe và tin thác hoàn toàn vào Chúa. Amen.


 

CHUYỆN SỐNG CHẾT (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)


 

TUÂN GIỮ LỜI (Tu sĩ Giuse Vũ Tiến Lợi, SVD)

Kinh nghiệm cho thấy: có sinh thì có tử, có sống thì ắt có chết. Bởi thế, cái chết là một quy luật tất yếu không ai có thể tránh được. Thế mà trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu khẳng định: “Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 8,51). Ta phải hiểu lời dạy này thế nào?

Những trang đầu trong Tin Mừng thứ IV đã mặc khải cho thấy, Logos (Ngôi Lời) hiện hữu thật sự từ đời đời, và từ đời đời Ngôi Lời chính là Thiên Chúa (x. Tông huấn Vebum Dei, số 6). Logos là sự sống và đã “cắm lều” ở giữa thế gian (x. Ga 1,1-18). Logos chính là Chúa Giêsu. Như vậy, “ai tuân giữa lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết,” nghĩa là ai có Lời, có Chúa Giêsu thì không phải chết mà được sống, vì Người chính là sự sống.

Như vậy, trình thuật Tin Mừng không đề cập tới sống và chết theo nghĩa thể lý, nghĩa là còn thở hay tắt thở, mà ám chỉ đến nghĩa thiêng liêng. “Người sống” là người có Lời, có Chúa trong mình. Ngược lại, “người chết” là người không có Lời, không có Chúa trong mình. Tóm lại, “sống và chết” được quyết định bởi yếu tố có hoặc không có Chúa trong mỗi người.

Thực tế cho thấy, nhiều Kitô hữu sống mà giống như chết. Họ chỉ là Kitô hữu trên giấy tờ, còn đời sống thì hoàn toàn “vắng bóng” Thiên Chúa. Họ đóng cửa tâm hồn, đẩy Thiên Chúa ra ngoài. Thay vì tìm tới nguồn sự sống vĩnh cửu là chính Thiên Chúa, họ lại “đắm mình” trong các loài thọ tạo phải chết.

Lạy Chúa Giêsu! Chính Ngài là sự sống vĩnh cửu cho thế gian. Có được Ngài là có được sự sống muôn đời; mất Ngài thì chúng con sẽ tiêu vong. Xin hướng dẫn để chúng con biết tận dụng mọi phương thế và cơ hội để “chiếm được Ngài” làm gia nghiệp. Amen.

 

Bài trướcKính trọng thể thánh Giuse 2024 – Bổn mạng Tỉnh Dòng Ngôi Lời Việt Nam
Bài tiếp theoHội Gia đình Giuse Tĩnh tâm Mùa Chay và mừng Bổn mạng năm 2024