LỜI SỐNG (27/12, Thánh Gioan Tông đồ)

0
917

Tin Mừng: Ga 20,2-8

Bà liền chạy về gặp ông Simôn Phêrô và người môn đệ Đức Giêsu thương mến. Bà nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.” Ông Phêrô và môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phêrô và đã tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. Ông Simôn Phêrô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin.

—– o0o —–

SUY NIỆM

TIN VÀ YÊU (Tu sĩ Micae Trần Quốc Thạch, SVD)

Tiên nhân nói rằng: “Để tình yêu được bền vững, chúng  ta  cần  nhiều hơn một lời thề”, và một trong những thứ “nhiều hơn” đó, chính là niềm tin. Thật vậy, khi tình yêu đủ lớn, con người sẽ luôn tin tưởng nhau về bất cứ điều gì. Cũng vậy, tình yêu của thánh Gioan đặt nơi Chúa Giêsu là tình yêu thật sự với một niềm tin lớn lao, nhờ đó “ông đã thấy và đã tin” (x. Ga 20,8).

Tin Mừng hôm nay thuật lại sự việc hai tông đồ Phêrô và Gioan chạy ra mộ Chúa Giêsu sau khi được báo tin “người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ” (x. Ga 20,2). Gioan chạy đến trước nhưng khiêm nhường chờ đợi để tông đồ Phêrô vào trước. Bước vào trong mộ, cả hai chỉ thấy các khăn liệm và băng vải mà thôi. Ngay lập tức, Gioan đã tin Thầy đã phục sinh. Làm sao Gioan có thể mau mắn tin như vậy? Đó chính là nhờ vào tình yêu của Chúa Giêsu dành cho ông cũng như tình yêu và niềm tin mãnh liệt mà chính Gioan dành cho Thầy mình. Chính tình yêu là động lực thôi thúc Gioan hối hả chạy đến mộ Thầy. Và cũng chính tình yêu ấy là chất xúc tác giúp ông thấy và tin ngay khi vừa vào trong mộ.

Với thánh Gioan, tình yêu và niềm tin luôn song hành cùng nhau. Còn chúng ta thì sao? Biết bao biến cố, dấu chỉ thậm chí là những phép lạ xảy ra trong đời sống hằng ngày, thế nhưng, chúng ta có tin và nhận ra sự hiện diện của Chúa hay không? Chúng ta có đủ tình yêu để tin rằng Chúa đã phục sinh, Ngài vẫn sống và hiện diện với chúng ta trong mọi biến cố của cuộc đời mình? Thậm chí, nhiều lúc, chúng ta đánh mất niềm tin vào Chúa khi gặp phải những thử thách, đau khổ xảy đến. Để rồi, chúng ta chất vấn Chúa và tự hỏi có Thiên Chúa hay không và nếu có, Ngài ở đâu?

Lạy Chúa, noi gương thánh Gioan Tông Đồ, xin cho chúng con được đụng chạm đến tình yêu của Chúa, biết làm mới tình yêu với Chúa mỗi ngày, để chúng con cũng nhạy bén, tin tưởng vào Chúa trong mọi hoàn cảnh cuộc đời và yêu Chúa luôn mãi. Amen.


 

NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA YÊU (Tu sĩ Phaolô Đặng Văn Lãng, SVD)

Hôm nay Giáo Hội mừng kính thánh Gioan Tông Đồ, người được truyền thống xem như là “người môn đệ Đức Giêsu thương mến”. Và qua trình thuật Tin Mừng ngày hôm nay, chúng ta có thể thấy được phần nào mối tương quan đặc biệt giữa thánh Gioan và Đức Giêsu.

Trước hết, khi nghe bà Maria Mácđala báo tin về Đức Giêsu, thánh Gioan đã thể hiện mối tương quan đặc biệt với Đức Giêsu ngay trong chính hành động của mình: “Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phêrô và đã tới mộ trước” (Ga 20,4). Có lẽ thánh Gioan trẻ, khoẻ, nhanh nhẹn hơn, và hẳn lòng yêu mến đặc biệt với Thầy mới thúc đẩy ngài lao như bay đến ngôi mộ với mong muốn gặp Thầy như vậy. Nhìn lại hành trình theo Đức Giêsu của thánh

Gioan, chúng ta cũng có thể nhận thấy sự hiện diện của ông trong những biến cố quan trọng của Người: như cùng Phêrô hiện diện lúc Đức Giêsu biến hình trên núi (x. Lc 9,28-36) hay ngồi bên cạnh và ngã đầu vào lòng Đức Giêsu trong Bữa Tiệc Ly (x. Ga 13,23-25)… đặc biệt lúc Người bị treo trên thập giá (x. Ga 19,25-27). Đức Giêsu có rất nhiều môn đệ nhưng lúc Người trút hơi thở cuối cùng trên thập giá không có ai hiện diện bên cạnh ngoại trừ Gioan.

Sau nữa, mối tương quan đặc biệt giữa thánh Gioan và Đức Giêsu còn được thể hiện qua thái độ đức tin của ngài. Thật vậy, mặc dù chưa từng thấy Đức Giêsu sau khi Người sống lại, nhưng khi “thấy”, thánh nhân liền “tin” (x. Ga 20,8). Bằng trực giác và mối tương quan đặc biệt với Thầy, chỉ cần nhìn khăn và vải liệm để lại, ngài đã tin rằng Thầy thực sự đã phục sinh. Và niềm tin của thánh Gioan là tấm gương cho mỗi Kitô hữu chúng ta, là những người vẫn “tin dù không thấy”.

Lạy Chúa Giêsu, xin củng cố đức tin của mỗi người chúng con để chúng con cũng được như “người môn đệ Chúa yêu” xưa kia, biết nhận ra sự hiện diện của Ngài trong từng biến cố cuộc sống của chúng con. Amen.


 

KHÁC BIỆT BỞI YÊU THƯƠNG (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)


MÔN ĐỆ CHÚA YÊU ( Tu sĩ Phanxicô Nguyễn Quốc Vương, SVD)

Hôm nay là ngày thứ Hai trong tuần Bát Nhật Giáng Sinh, Giáo Hội mừng kính lễ thánh Gioan Tông Đồ. Ngài là người được gọi là “người môn đệ Đức Giêsu thương mến”. Vậy ngài có nét gì khác với các môn đệ khác để rồi ngài được gọi là môn đệ Đức Giêsu thương mến? Phải chăng là sự khôn ngoan, thông thạo hay là một tình yêu với sự khiêm nhường và đức tin mạnh mẽ vào Thiên Chúa.

Hành động làm nên người “môn đệ Chúa yêu” được thánh Gioan khắc hoạ thật rõ nét trong bài Tin Mừng hôm nay. Thứ nhất, người môn đệ Chúa yêu chạy nhanh hơn Phêrô và đến mộ trước, nhưng để kính trọng vai trò của Phêrô là người đứng đầu Nhóm Mười Hai mà Chúa đã trao đặt, thánh Gioan đã nhường cho Phêrô vào trước. Thứ hai, người môn đệ Chúa yêu cũng đi vào với thánh Phêrô, ông đã thấy và đã tin. Với lòng mến, thánh Gioan nhìn thấy những dấu chỉ và đã tin vào Đức Kitô Phục Sinh. Chính một tình yêu với lòng khiêm nhường, thánh Gioan đã thể hiện sự kính trọng quyền hành trong cộng đoàn. Chính một tình yêu với sự khiêm nhường đã cho thánh nhân một đức tin mạnh mẽ và lòng tín thác tuyệt đối vào Thiên Chúa.

Thế nhưng trong cuộc sống, chúng ta lại hơn thua nhau vì danh lợi, tranh giành quyền lực và địa vị bằng mọi giá. Hơn nữa, chúng ta đã không còn lòng tin và không còn tôn trọng nhau trong đời sống. Chúng ta bị cuốn vào những tục hoá của xã hội và dần đánh mất đức tin, đến độ không dám tuyên xưng hay làm chứng cho đức tin mà chúng ta đã lãnh nhận.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết học đòi và bắt chước gương mẫu của thánh nhân, để chúng con cảm nhận được lòng yêu thương của Chúa dành cho chúng con, ngõ hầu mọi suy nghĩ, lời nói và hành động của chúng con đều quy hướng về Chúa và xứng đáng trở nên người môn đệ Chúa yêu. Amen.

Bài trướcLỜI SỐNG (26/12, Thánh Stephanô, lễ kính, Bát Nhật GS)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (28/12, Các Thánh Anh Hài tử đạo)