LỜI SỐNG (24/12, Đêm Vọng Giáng Sinh, Lc 2,1-14)

0
468

 TIN MỪNG: Lc 2,1-14

Thời ấy, hoàng đế Au-gút-tô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Qui-ri-ni-ô làm tổng trấn xứ Xy-ri. Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi. Bởi thế, ông Giu-se từ thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê lên thành vua Đa-vít tức là Bê-lem, miền Giu-đê, vì ông thuộc gia đình dòng tộc vua Đa-vít. Ông lên đó khai tên cùng với người đã thành hôn với ông là bà Ma-ri-a, lúc ấy đang có thai. Khi hai người đang ở đó, thì bà Ma-ri-a đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.

Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. Bỗng sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng. Nhưng sứ thần bảo họ: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ.” Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng:

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời,

bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.”

—oOo—

SUY NIỆM

THIÊN CHÚA Ở CÙNG CHÚNG TA (Tu sĩ Tôma Nguyễn Siêu Quốc, SVD)

Noel về, Noel về, nguồn bình an dạt dào trên dương thế. Chúa giáng trần đem ơn lành. Niềm ước mơ muôn dân đang đợi trông. Ca khúc “Noel về” của nhạc sĩ Nguyễn Duy đem đến cho mọi người một ngày lễ Noel của niềm vui, ân sủng, bình an và hy vọng. Ai cũng biết lễ Noel là một dịp lễ trọng đại nhưng có lẽ không phải ai cũng hiểu được giá trị và ý nghĩa thực sự của ngày lễ này. Là một Kitô hữu, ta cần hiểu và sống mầu nhiệm Giáng Sinh như thế nào?

Lễ Noel còn được gọi là lễ Thiên Chúa Giáng Sinh. Noel, Christmas hay Xmas (từ tiếng Pháp Noël, là viết tắt của từ gốc Emmanuel, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”) là một dịp lễ kỷ niệm ngày Chúa Giêsu sinh ra đời. Đêm Noel là đêm Cực Thánh, là “Đêm Hồng Phúc”, một đêm mà muôn tạo vật ngóng trông, đợi chờ kỳ công vĩ đại của Thiên Chúa. Đó là đêm linh thiêng vì Thiên Chúa đã thực thi lời hứa ban Đấng Cứu Tinh cho nhân loại. “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Ðấng Cứu Ðộ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Ðavít, Người là Ðấng Kitô Ðức Chúa” (Lc 2,10-11). Thiên Chúa thực hiện công trình cứu độ ấy không phải bằng phù phép, mà bằng một “kiếp sống”. Qua mầu Nhiệm Giáng Sinh, Thiên Chúa hiến dâng chính mình cho nhân loại để “ở cùng” và “tặng ban” cho nhân loại sự giàu có, thánh thiện của Thiên Chúa qua sự nghèo khó và tội lỗi của loài người. Như vậy, Noel là dịp lễ trọng đại để ta chuẩn bị tâm hồn đón Chúa đến ở cùng và cứu độ chúng ta. Thế nhưng, đã bao mùa Noel qua, đã bao lần Chúa giáng sinh, ta vẫn cứ đóng kín cánh cửa tâm hồn mình. Ta chỉ thích đón Chúa và cho Chúa ngự trong những cái hang đá thay vì tâm hồn mình.

Lạy Chúa, giữa giá rét đêm đông của cuộc đời, xin Chúa ngự trong tâm hồn chúng con và cho chúng con ở trong Chúa. Xin cho chúng con biết đón Chúa Cứu Tinh vào tâm hồn mình. Amen.


 

NIỀM VUI VÀ HY VỌNG (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy)


 

HÀNH TRÌNH TỪ NAGIARÉT VỀ BÊLEM (Lm. Giuse Phạm Duy Thạch, SVD)

Thiên Chúa viết thẳng trên những đường cong. Sở dĩ Đức Hồng Y F.X. Nguyễn Văn Thuận nói như thế là vì ngài đã cảm nghiệm được sâu sắc rằng chính Chúa đã dẫn đưa ngài từ ngục tù tăm tối đến thánh đô Rôma, để giảng cho Đức Giáo Hoàng và cả Giáo Triều Rôma năm 2000.

Trong đêm huyền diệu, đêm cực thánh, các tín hữu cũng cùng với thánh Giuse và Mẹ Maria gieo bước hành trình từ Nagiarét, miền Galilê về thành của vua Đavít, Bêlem (Lc 2,4). Hành trình này dài khoảng 170 km. Đó là một quãng đường không dài với phương tiện hiện đại như xe hơi, hoặc xe máy, thế nhưng nó lại quá dài đối với những người đi bộ. Hành trình ấy quả là gian nan, khốn khó. Gian nan vì đường dài mà không có phương tiện tốt; khốn khó vì địa hình hiểm trở, đồi núi gập ghềnh. Khó khăn nhất có lẽ là hoàn cảnh của Đức Maria, Người đang bụng mang dạ chửa, gần đến “ngày mãn nguyệt khai hoa.” (Lc 2,6) Có biết bao mối nguy hiểm khó lường sẽ xảy đến cho một thai phụ, di chuyển bằng lừa, hoặc đi bộ trên quãng đường dài, gập ghềnh như vậy.

Vậy mà, thánh Giuse và mẹ Maria vẫn ra đi trong niềm tin yêu phó thác để thi hành mệnh lệnh kiểm tra dân số. Hành trình ấy đã kết thúc một cách tốt đẹp khi Đức Maria đã “mẹ tròn con vuông” trong thành của vua Đavít (Lc 2,11). Việc Đức Giêsu được sinh ra trong thành vua Đavít tưởng là tình cờ nhưng lại rất hữu ý. Người được tiền báo là hậu duệ của vua Đavít nên Người phải được sinh ra ở Bêlem theo thánh ý Chúa.

Lạy Chúa, Chúa đã dẫn Đức Maria và thánh Giuse qua những nẻo đường gian nan, hiểm trở đến bến bình an theo thánh ý Người. Xin cho chúng con biết tin tưởng phó thác nơi sự quan phòng của Chúa trên mọi hành trình của đời mình để thánh ý Chúa cũng được tỏ hiện trên mọi bước đường con đi. Amen.

 


DẤU NHẬN BIẾT ĐẤNG CỨU THẾ (♦ Tu sĩ G.B. Trần Anh Tuấn, SVD)

Đêm nay, toàn thể Giáo Hội long trọng cử hành mầu nhiệm nhập thể. Mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người. Ngài đã bỏ trời cao để trở thành một con người thực sự nơi cung lòng Đức Maria. Ngài không chọn gia đình giàu sang phú quý, nhưng chọn chuồng bò đơn hèn để được sinh ra. Ngài không chọn nệm ấm chăn êm để cất tiếng khóc chào đời, nhưng chọn máng cỏ hôi tanh giữa đồng hoang cô quạnh và đó là dấu chỉ để các mục đồng nhận ra Chúa.

Ngày nay, người ta đang chạy đua với các trào lưu xã hội. Cuộc sống hưởng thụ vật chất đang là “mốt” để họ hướng tới. Vì thế, ai cũng muốn mình được sinh ra trong một gia đình giàu có. Ai cũng muốn sống trong một môi trường đầy đủ tiện nghi. Có như thế mới thể hiện được “đẳng cấp” của mình trước mọi người và cả xã hội. Với lối sống như vậy, liệu họ có thể nhận ra Chúa đang hiện diện không trong cuộc sống của họ không?

Chúa Giêsu đã giáng sinh hơn hai ngàn năm, nhưng dấu để nhận ra Chúa vẫn không có gì thay đổi. Dưới con mắt đức tin, chúng ta nhận ra Chúa nơi những người nghèo khổ, nhận ra Chúa nơi những người bất hạnh hay nơi những con người sống bên lề xã hội. Chúa Cứu Thế không ở đâu xa, Ngài vẫn có đó, vẫn hiện hữu và đang chờ mỗi người chúng ta đến viếng thăm Người.

Lạy Chúa Giêsu Hài Đồng, chúng con biết rằng Chúa luôn hiện diện trong cuộc sống của chúng con. Thế nhưng, vì quá đam mê với lạc thú vật chất nên chúng con không nhận ra Người. Xin cho chúng con luôn biết nhận ra Chúa nơi những người sống chung quanh chúng con, cách riêng nơi những người nghèo khó và bất hạnh. Amen.

Bài trướcVideo: MỪNG CHÚA GIÁNG SINH – CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2024
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Chúa Nhật, Tuần 4 MV-B)