LỜI SỐNG (19/3, Thánh Cả Giuse, Lễ trọng)

0
414

Tin mừng: Mt 1,16.18-21.24a

16 Ông Gia-cóp sinh ông Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô.

18 Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô : bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần.

19 Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo.

20 Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần.

21 Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.”

24a Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy.

 

—– SUY NIỆM —–

THÁNH GIUSE, NGƯỜI CÔNG CHÍNH (Tu sĩ  Giuse Phạm Minh Hoàng, SVD)

Nhân ngày lễ trọng thể mừng kính thánh Cả Giuse, bài Tin Mừng hôm nay trình bày những diễn biến trọng tâm về thái độ của thánh nhân khi quyết định vâng nghe theo lời sứ thần truyền và đón Mẹ Maria về nhà. Trình thuật Lời Chúa cho chúng ta biết thánh Giuse là người công chính vì ngài đã không muốn tố giác Đức Maria khi đã mang thai trước khi về chung sống (x. Mt 1,19). Vậy, sự công chính của thánh Giuse cần được hiểu như thế nào?

Hạn từ “công chính” trong Tin Mừng Mátthêu chỉ những ai kiên trì đợi chờ Thiên Chúa thực hiện lời hứa (x. Mt 13,17; 23,29), hoặc cho các môn đệ sẽ được gia nhập Nước Thiên Chúa (x. Mt 13,43.49; 25,37.46). Theo Kinh Thánh, người công chính là người biết lắng nghe và thi hành đường lối của Chúa. Sách Khôn Ngoan đã liệt kê những gương mẫu về sự công chính như ông Noe, ông Ápraham, ông Lót, ông Giacóp và ông Giuse (x. Kn 10,4- 20). Trong bối cảnh này, thánh Giuse được gọi là công chính vì ngài không những tôn trọng lề luật xưa và giữ gìn thanh danh cho người bạn đời của mình mà còn vâng nghe và thi hành theo thánh ý của Thiên Chúa. Như thế, sống công chính theo gương thánh Giuse là lời mời gọi dành cho tất cả mọi Kitô hữu chúng ta ở mọi nơi và mọi thời. Vì sống công chính là một nhân đức, một phẩm tính vừa đẹp lòng Thiên Chúa và vừa thuận theo ý định nhiệm mầu của Người. Thế nhưng, trong cuộc sống, nhiều khi đối diện với những khó khăn và thử thách, những biến cố lạ thường khó hiểu, chúng ta lại có xu thế khước từ sống công chính. Chúng ta thường chọn cho mình lối đi dễ dãi nhất, những cuộc vui bất chính xem ra thu hút chúng ta hơn, đặc biệt là sống trong một xã hội mà sự bất chính đang ngày càng chiếm ưu thế.

Lạy Chúa, giữa những khó khăn và thử thách trong cuộc sống, xin cho chúng con biết chọn sống công chính như gương sáng của Thánh Cả Giuse, để chúng con luôn biết lắng nghe và thi hành những giáo huấn của Chúa. Amen.


“LÝ” HAY “TÌNH” (Phêrô Maria Phạm Bình Yên, SVD)

Hôn nhân là một bí tích, mà nơi đó, Thiên Chúa là chủ tể tác hợp cho con người. Trong trình thuật Lời Chúa hôm nay, thánh Giuse là tấm gương mẫu mực, đã trung thành hoàn tất ý định của Thiên Chúa trong chức vụ “bạn trăm năm Đức Maria”. Hôm nay, thật may mắn, chúng ta lại có dịp suy niệm đôi chút về đời sống của ngài.

Là một người công chính và trên cương vị người chồng, hẳn thánh nhân cũng có những suy tư trong lòng. Suy tư vì, rồi đây, khi đứng giữa cán cân “lý và tình”, ngài sẽ phải đưa ra lựa chọn. “Lý” thì đòi hỏi đúng sai, nhưng “tình” thì không phải như vậy. Nếu đưa “lý” để đòi công bằng, tuy đạt được, nhưng chữ “tình” thì đành vơi. Nếu lấy “tình” đối xử, quả thật, “lý” là điều khó chấp nhận. Sau cùng, ngài “định tâm cách kín đáo” để rời bỏ người mà mình hết lòng yêu thương. Một quyết định đầy sự hy sinh lớn lao. Ngài đưa tay, một mình ôm lấy tất cả vào lòng, trọn cả “tình” lẫn “lý”. Nhưng Thiên Chúa luôn có kế hoạch của Người. Người thấu rõ, “biết cả khi con đứng con ngồi” (Tv 139). Người sai sứ thần đến để hướng dẫn thánh nhân. Và trong niềm tin cậy lớn lao, phó thác trọn vẹn, thánh nhân đã thực hiện “như sứ thần Chúa dạy.”

Bài Tin Mừng hôm nay, một lần nữa, thánh Giuse đã nêu cao tấm gương chói ngời trong đời sống hôn nhân, đặc biệt là hôn nhân thời hiện đại. Khi cuộc sống đã bị sức mạnh đồng tiền lèo lái, thì hôn nhân trở thành một vấn nạn. Tình yêu dễ dàng bị vật chất chi phối. Quan niệm “yêu thì đến, không yêu thì chia tay” đã dần dần trở nên phổ biến. Hai từ “chung thủy” đôi khi chỉ là một khái niệm mờ nhạt. Trong niềm tin tưởng vào Thiên Chúa, chúng ta cần phải noi gương thánh nhân nhiều hơn nữa, biết tha thứ, biết hy sinh, biết ôm trọn vào mình cả “tình” lẫn “lý”, dù đôi lúc thật không “hợp lý, hợp tình”.

Lạy Chúa, qua lời bầu cử của thánh Giuse “bạn trăm năm Đức Maria”, xin cho mỗi người chúng con biết kiên trung trong bậc sống mà Chúa đã gọi mời. Amen.


 

LẶNG ĐỂ NGHE TIẾNG CHÚA (Tu sĩ G. B. Nguyễn Văn Đồng, SVD)

Danh nhân Baba Ram Dass từng nói: “Càng trong tĩnh lặng càng nghe thấy nhiều.” Điều này đúng nơi thánh Giuse. Hôm nay, ngày lễ kính trọng thể thánh cả Giuse, chúng ta thấy trong tất cả trình thuật Tin Mừng, thánh Giuse đều không nói một lời nào, ngài chỉ thinh lặng và âm thầm làm theo thánh ý Thiên Chúa.

Cũng vậy, Tin Mừng theo thánh Matthêu hôm nay cũng cho thấy thánh nhân đều âm thầm tin theo và thi hành mọi chỉ dẫn của sứ thần Thiên Chúa: “Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón bà Maria về nhà.” (Mt 1,24). Hành động đón nhận Maria về nhà làm vợ chính thức và đón nhận thai nhi trong bụng bà như con mình đã đem lại không chỉ giá trị pháp lý cho Đức Maria và hài nhi trước mặt người đời mà còn đặc biệt và quan trọng hơn là trong công trình cứu độ của Thiên Chúa. Nhờ hành động này, Maria không bị mang tiếng là ngoại tình, và hài nhi Giêsu được sinh ra thuộc dòng dõi vua Đavít. Cả Mẹ Maria và Chúa Giêsu từ nay được bảo vệ bởi một người đàn ông như trụ cột trong gia đình.

Tại sao ông Giuse dám chấp nhận làm theo chỉ dẫn được báo mộng bởi sứ thần? Thưa vì đức tin. Phải có đức tin thật mãnh liệt thì ngài mới âm thầm từ bỏ những toan tính ban đầu của mình để nhận Maria và thai nhi mà bà đang mang. Và chắc chắn thánh Giuse cũng bị bất ngờ và khó hiểu với ý định của Thiên Chúa. Đức tin mãnh liệt của ngài là kết quả của đời sống thinh lặng sâu xa trong tâm hồn của một con người phó thác. Thinh lặng để nghe, để thấy và để thi hành thánh ý Thiên Chúa, đặc biệt là trong hoàn cảnh xã hội ồn ào như ngày hôm nay.

Lạy Chúa, giữa chốn ồn ào và tất bật của cuộc sống hôm nay, xin dạy chúng con biết thinh lặng trong tâm hồn để lắng nghe ý định của Ngài. Amen.


 

TẠI SAO THÁNH GIUSE THINH LẶNG? (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Kính Thánh Giuse (Lễ Trọng, 19/3)
Bài tiếp theoNGÀY QUỐC TẾ LẦN THỨ 10 “CHỐNG NẠN BUÔN NGƯỜI” NĂM 2024