LỜI SỐNG (Thứ Ba, Tuần 1 TN)

0
531

Tin Mừng: Mc 1,21-28

21 (Đến thành Capharnaum), ngày nghỉ lễ, Chúa Giêsu vào giảng dạy trong hội đường. 22 Người ta kinh ngạc về giáo lý của Người, vì Người giảng dạy người ta như Đấng có uy quyền, chứ không như các luật sĩ.

23 Đang lúc đó, trong hội đường có một người bị thần ô uế ám, nên thét lên 24 rằng: “Hỡi Giêsu Nadarét, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông ? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao ? Tôi biết ông là ai: là Đấng Thánh của Thiên Chúa”. 25 Chúa Giêsu quát bảo nó rằng: “Hãy im đi, và ra khỏi người này!” 26 Thần ô uế liền dằn vật người ấy, thét lên một tiếng lớn, rồi xuất khỏi người ấy.

27 Mọi người kinh ngạc hỏi nhau rằng: “Cái chi vậy ? Đây là một giáo lý mới ư ? Người dùng uy quyền mà truyền lệnh cho cả các thần ô uế, và chúng vâng lệnh Người”. 28 Danh tiếng Người liền đồn ra khắp mọi nơi, và lan tràn khắp vùng lân cận xứ Galilêa.

—– o0o —–

SUY NIỆM

ĐẤNG CÓ UY QUYỀN (Lm.  Phêrô Đỗ Cao Cương, SVD)

Bắt đầu sứ vụ công khai, Chúa Giêsu giảng dạy và chữa lành cho dân chúng. Người dùng uy quyền của một vị Thiên Chúa để thuyết phục dân chúng tin vào Người là Đấng được Thiên Chúa sai đến để yêu thương, giải thoát và cứu độ con người.

Việc tỏ uy lực trên tạo vật đó là quyền năng thuộc về Thiên Chúa. Quyền năng của Chúa Giêsu được thể hiện trong lời nói cũng như việc làm trên dân chúng, trên bệnh nhân và kể cả trên thần ô uế và ma quỷ. Ðức Giêsu vào hội đường giảng dạy, mọi người kinh ngạc về giáo huấn của Người. Họ trầm trồ về uy lực của Chúa. “Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế, và chúng phải tuân lệnh!” (Mc 1,27b). Giáo huấn của Ðức Giêsu mới mẻ vì biểu lộ lòng thương xót và tình yêu thương vô

vị lợi. Sự mới mẻ đó đưa dẫn họ tin nhận Chúa là Đấng Cứu Thế. Chính vì cái mới mẻ đó mà danh tiếng của Đức Giêsu được lan tràn khắp vùng lân cận. Hơn nữa, uy quyền của Chúa có sức biến đổi, có sức tiêu diệt thần ô uế để giải thoát con người khỏi sự kiềm tỏa của ma quỷ.

Chính Chúa Giêsu trong khi vào sa mạc chịu cám dỗ, Người cũng dùng Thánh Kinh để chống trả ma quỷ và Người đã chiến thắng. Mỗi Kitô hữu chúng ta hãy có lòng yêu mến Lời Chúa, và luôn tập cho mình có thói quen lắng nghe, suy gẫm và cầu nguyện với Lời Chúa, dùng Lời Chúa để chống lại những cám dỗ, những thói quen và ước muốn xấu. Mặc dầu chúng ta không có uy quyền để chống trả lại ma qủy, nhưng Lời Chúa có uy quyền và sức mạnh giúp chúng ta nếu chúng ta biết cậy trông vào sức mạnh của Người. Ngoài ra, Lời Chúa còn có sức thánh hoá, tăng sức mạnh cho đời sống thiêng liêng của chúng ta và sẽ biến đổi chúng ta ngày một nên hoàn thiện hơn.

Lạy Chúa, xin cho con ý thức việc lắng nghe, yêu mến, suy gẫm và áp dụng Lời Chúa trong cuộc sống mỗi ngày, vì Lời Chúa có uy quyền, là sức mạnh, là nguồn sống của chúng con, giúp chúng con luôn được vững mạnh trong đức tin. Amen.


 

SỰ MỚI MẺ CỦA LỜI CHÚA (Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Đạt, SVD)

Trình thuật Lời Chúa hôm nay đã thuật lại việc Đức Giêsu đã khởi sự rao giảng Tin Mừng theo cách thức mới mẻ. Thật vậy, Người đã muốn thay đổi cách hiểu của dân chúng về Thiên Chúa sao cho đúng đắn. Chính điều này đã làm cho dân chúng sửng sốt và kinh ngạc.

Trước hết, Đức Giêsu đã giảng dạy như một đấng có thẩm quyền. Lời của Chúa tuy là mới mẻ nhưng đầy uy quyền. Ngang qua sự mới mẻ này, Người đã trình bày về một Thiên Chúa đầy yêu thương sẵn sàng tha thứ và giải thoát con người, đang khi các kinh sư nói về một Thiên Chúa hết sức hà khắc luôn trừng phạt con người vì tội lỗi của họ. Đang khi các kinh sư thì kết án và xua đuổi người bị thần ô uế nhập, còn Người lại tỏ lòng thương xót mà giải phóng họ khỏi ách nô lệ của thần ô uế.

Trải qua chiều dài lịch sử đầy thăng trầm, Lời Chúa vẫn còn rất mới mẻ và hàm chứa rất nhiều điều khiến con người thời đại phải ngỡ ngàng. Lời ấy vẫn là ngọn đèn soi bước thế gian và là lời mời gọi mỗi người tín hữu không ngừng học hỏi, khám phá, suy niệm cũng như đưa ra thực hành. Hơn nữa, con người ngày nay đang phải đối diện với những dạng thức mới của thần ô uế theo những cách tinh vi nhất. Đây là lúc các tín hữu được kêu mời hãy tin tưởng và bám chặt vào Lời Chúa để tránh rơi vào cạm bẫy cám dỗ của các thần ô uế ấy.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn ý thức rằng, chúng con cần phải đặt Lời Chúa như là trung tâm và là kim chỉ nam của đời sống chúng con, để chúng con không ngừng khám phá và kín múc nguồn ân sủng và giải thoát khỏi mọi điều ô uế là những thứ đã khiến nhân loại phải chịu biết bao đau khổ. Amen


 

MA QUỶ SỢ GÌ NHẤT? (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)


 

UY QUYỀN CỦA LỜI (Tu sĩ G. B. Nguyễn Văn Đồng, SVD)

Với tín hữu Công Giáo, ngoài Thánh Thể thì Lời Chúa luôn là trung tâm của đời sống đức tin. Bởi vậy, trong các gia đình, cuốn Kinh Thánh luôn được đặt ở những vị trí trang trọng nhất. Bởi vì các Kitô hữu ý thức được rằng Kinh Thánh là Lời đến từ Thiên Chúa và có một uy quyền đặc biệt.

Thứ nhất, uy quyền đặc biệt của Lời là xua trừ ma quỷ. Điều này được trình thuật trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu “ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh.” Bởi vậy mọi người ở đó “kinh ngạc” về uy quyền của Lời từ miệng Đức Giêsu truyền ra. Trong sa mạc khi chịu ma quỷ cám dỗ 40 đêm ngày thì Người cũng dùng Kinh Thánh để chống trả và chiến thắng ma quỷ. Hơn nữa, Lời Chúa còn có uy lực tăng sức mạnh cho đời sống thiêng liêng và chứa đựng tất cả chỉ dẫn linh thiêng cần thiết cho đời sống Đức Tin. Là những Kitô hữu đang sống trong thời đại mà sự dữ và “thần ô uế” luôn rình rập khắp nơi, chúng ta không thể không dùng Lời Chúa như là công cụ của sự thánh thiện để lướt thắng những cám dỗ.

Lời dạy của Đức Giêsu có uy quyền vượt trên tất cả, và không mấy chốc Người trở nên nổi tiếng, bởi vì Người chính là Ngôi Lời Thiên Chúa. Song song với lời dạy đó là đời sống chứng tá của Người. Mọi việc Người làm minh chứng cho điều Người đã nói. Điều này mời gọi mỗi chúng ta ý thức được tầm quan trọng của Lời Chúa, từ đó không chỉ yêu mến, mà còn đem Lời đó ra thực hành trong đời sống. Nhờ vậy, người khác nhìn vào đời sống của mỗi chúng ta như thấy được sự hiện diện đầy uy quyền của Ngôi Lời.

Lạy Chúa, Lời Người có uy quyền vượt trên mọi sự, xin dạy chúng con biết yêu mến, hăng say học hỏi và thực hành Lời Người hàng ngày, nhờ đó đời sống và sứ vụ của chúng con luôn được trợ giúp bởi uy quyền của Chúa. Amen.

Bài trướcLỜI SỐNG (Chúa Giêsu chịu phép rửa, năm B)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Thứ Tư, Tuần 1 TN)