LỜI SỐNG (Thứ Ba, Tuần 28 TN)

0
1094

Tin Mừng: Lc 11,37-41

Khi ấy, Đức Giêsu đang nói, thì  có một ông Pharisêu mời Người đến nhà dùng bữa. Tới nơi, Người liền vào bàn  ăn. Thấy vậy, ông  Pharisêu  lấy  làm  lạ vì Người không rửa tay trước bữa ăn. Nhưng Chúa nói với ông ấy rằng: “Thật, nhóm Pharisêu các người, bên ngoài chén đĩa, thì các người rửa sạch, nhưng bên trong các người thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà. Đồ ngốc! Đấng làm ra cái bên ngoài lại đã không làm ra cái bên trong sao? Tốt hơn, hãy bố thí những gì   ở bên trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người.”

—– o0o —–

Suy niệm

BÊN TRONG VÀ BÊN NGOÀI (Tu sĩ Gioan Phan Văn Tuân, SVD)

Trong cuộc sống, có những điều chính mắt ta trông thấy mà vẫn không hiểu đúng ý nghĩa và sự thật bên trong. Như câu chuyện về “nồi cơm của Khổng Tử”: chính mắt ông thấy Nhan Hồi, người môn sinh thân tín của mình ăn vụng cơm. Nhưng khi nghe trò của mình trình bày lý do, ông phải thốt lên rằng: “Trên đời này có những việc chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự thật”.

Bài Tin Mừng hôm nay kể về câu chuyện Đức Giêsu được một người Pharisêu mời đến nhà dùng bữa. Trước những cử chỉ của Chúa, ông lên án Người đã không tuân giữ lề luật, vì Người không rửa tay trước khi dùng bữa. Nhân cơ hội này, Chúa Giêsu khai mở cho những người đồng bàn hiểu hơn về giá trị cốt lõi của lề luật. Giá trị đích thực của luật nằm ở tình yêu và hành động khi thực thi việc giữ luật. Luật mà Đức Giêsu nhắm tới là luật của lòng thương xót, của tình yêu và của sự bao dung. Vì vậy, việc tuân giữ lề luật là một điều cần thiết trong xã hội, nhưng đừng quá sống “luật kiểu hình thức” nghĩa là nệ vào lề luật đã đặt ra để đánh mất đi giá trị cao đẹp bên trong của luật là là tình yêu và bảo vệ con người.

Sống trong xã hội hôm nay, con người luôn đặt nặng về hình thức bên ngoài mà coi nhẹ nội dung bên trong. Một người được coi là thành đạt khi có nhiều tiền, nhà lầu, xe hơi, mọi thứ tiện nghi; nhưng đôi khi, có những người sống trong xa hoa gấm vóc nhưng lại luôn thấy mình thiếu thốn đủ điều. Ta gọi một người là đạo đức khi thấy họ tham dự sốt sắng trong các cử hành phụng vụ, luôn chuyên chăm cầu nguyện, tham gia các hội đoàn,… thế mà, ngoài đời, họ như một con người khác hoàn toàn. Vì thế, ta đừng vội vàng đánh giá người khác qua những thứ bên ngoài.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết sống và tuân giữ luật vì lòng mến, vì tình yêu, vì sự hoàn thiện bản thân và tha nhân. Amen.


RỬA TAY (Tu sĩ Giuse Thái Viết Mậu, SVD)

Trong đời sống thường ngày, việc rửa tay là điều hết sức cần thiết để  con người giữ vệ sinh cá nhân và phòng ngừa dịch bệnh. Tuy nhiên, hành động này đối với người biệt phái không dừng lại ở thói quen mà ở mức độ cao hơn, họ cho đó là lề luật, là nghi thức tôn giáo để rồi đánh giá con người trong sạch hay dơ bẩn.

Tin Mừng hôm nay thuật lại việc các biệt phái tỏ vẻ khó chịu khi nhìn thấy Đức Giêsu nhập tiệc mà không rửa tay. Họ cho rằng hành vi này của Người là coi thường lề luật và làm gương xấu cho mọi người. Tuy nhiên, đọc được ý định trong sâu thẳm cõi lòng họ, Đức Giêsu đã dạy họ một bài học về lề luật đích thực. Thật vậy, người Pharisêu luôn coi trọng hình thức bề ngoài như lau chén bát, rửa tay,…và họ lấy đó làm thước đo giá trị của con người, tuy nhiên, lối sống thực sự của họ lại đầy dẫy những xảo trá, tội lỗi. Khi nhìn thấy vấn đề này, Đức Giêsu không “làm ngơ” nhưng Người lên tiếng một cách mạnh mẽ và dứt khoát “Thật nhóm Pharisêu các người, bên ngoài chén đĩa, thì các người rửa sạch, nhưng bên trong các người thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà” (Lc 11,39).

Khởi đi từ sứ điệp Tin Mừng hôm nay, tôi nhận thấy rằng có nhiều lúc trong cuộc, đời thái độ sống của bản thân không khác gì những biệt phái. Tôi cố gắng cầu nguyện thật lâu giờ chỉ để người ta khen là đạo đức. Tôi khoác lên mình chiếc áo dòng để khẳng định vị thế cao quý mà quên mất sự khiêm nhường mà Chúa đòi hỏi. Tôi cố gắng tỏ ra thân thiện với mọi người nhưng trong thâm tâm vẫn luôn có những oán ghét, hận thù. Tôi làm ngơ trước những việc làm sai trái của người khác vì sợ mình bị liên lụy.

Lạy Chúa Giêsu, Ngài đã đến để loan truyền một thứ lề luật đích thực là yêu thương tận căn. Xin Chúa giúp chúng con biết gột rửa những thứ bên trong tâm hồn để mỗi ngày sống chúng con trở nên tinh tuyền và thánh thiện hơn. Amen.


 

TỐT HƠN… (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)


 

BÊN TRONG VÀ BÊN NGOÀI (Tu sĩ G. B. Nguyễn Văn Đồng, SVD)

Tục ngữ Việt Nam có câu: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Gỗ là cái đại diện cho bên trong hay cái nội dung. Sơn là cái đại diện hình thức bên ngoài. Áp dụng cho con người thì gỗ là tâm hồn và sơn là hình thức bên ngoài. Ý nghĩa câu tục ngữ khẳng định rõ ràng rằng điều bên trong tâm hồn thì quan trọng hơn hình thức.

Trình thuật Tin Mừng hôm nay cũng liên quan đến câu chuyện về hình thức bên ngoài và nội dung bên trong. Khi Chúa Giêsu vào bàn ăn mà không rửa tay, phản ứng đầu tiên của những người Pharisêu là “lấy làm lạ,” bởi vì đối với họ rửa tay trước khi ăn như là một lề luật phải tuân giữ, họ coi trọng điều đó và xem nó như điều quan trọng nhất để đánh giá người khác. Nhưng với Chúa Giêsu lại khác, cái làm nên giá trị một con

người là điều bên trong tâm hồn: “Hãy bố thí những gì ở bên trong và mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người” (Lc 11,41). Tất nhiên, Người không lên án việc rửa tay trước khi ăn, Người muốn nhấn mạnh rằng cái trong sạch đích thực là sự thanh sạch trong tâm hồn chúng ta. Và rằng, cũng đừng dùng hình thức bên ngoài mà đánh giá toàn bộ một con người.

Lời Chúa Giêsu nói với người Pharisêu trong Tin Mừng cũng là lời cảnh tỉnh cho chúng ta, những người đang sống trong thời đại hôm nay, thời đại duy vật chất và duy hình thức. Con người hôm nay đang đề cao cái bên ngoài: ăn mặc phải thật lịch sự, sống sĩ diện, tranh dành chức tước địa vị, đánh bóng tên tuổi trên phương tiện truyền thông,… Hệ lụy đi kèm là các giá trị bên trong đang xuống cấp, biểu hiện là các giá trị đạo đức đang dần bị đánh mất. Lời Chúa nhắc nhở chúng ta rằng hình thức bên ngoài cũng cần nhưng cái bên trong, tức tâm hồn chúng ta mới làm cho chúng ta trở nên thanh sạch đích thực. Để được thanh sạch thì hãy thực hành các nhân đức.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con không chỉ biết làm đẹp bên ngoài nhưng còn biết làm đẹp cho linh hồn mình bằng cách biết hoán cải đời sống. Amen.


 

CÁI BÊN TRONG (Tu sĩ Phêrô Lê Việt Tân, SVD)

Tất cả các nền văn hóa trên thế giới đều có những quy định riêng về trang phục, cách giao tiếp, ứng xử… Đó là một phần tất yếu, bởi con người là một sinh vật sống trong xã hội. Đức Giêsu, trong bài Tin Mừng hôm nay, không lên tiếng phi bác những cái bên ngoài nhưng nhắc nhở ta hãy biết chăm chút cái bên trong cho thật tốt, rồi mới thể hiện nó ra bên ngoài.

Một cây cổ thụ, thân to lớn, tàn lá vươn dài, nhưng nếu thiếu đi một bộ rễ “chắc khỏe”, thì sớm muộn cũng lật đổ bởi giông bão. Con người cũng thế, “cái tôi nội tại”, tức tâm hồn của một con người chính là bộ rễ. Nếu không biết làm cho bộ rễ ấy vươn dài thì sẽ có ngày chúng ta không thể đứng vững bởi sự đeo bám của những con “sâu” danh lợi, tiền bạc, địa vị và dục vọng. Cây bị ăn hết thân và lá thì không phải cây, người đầy tham lam và gian ác thì chưa trở “thành người”.

Làm thế nào để “bám rễ sâu”? Chỉ có một cách duy nhất là tìm kiếm và kết hợp với Thiên Chúa trong thinh lặng và cầu nguyện. Thiên Chúa là sự Thiện Hảo. Một nội tâm gần gũi với Thiên Chúa ắt sẽ trở nên hoàn thiện hơn. Rễ cây chỉ phát triển vào ban đêm, trong cái tĩnh mịch và thinh lặng của vũ trụ; nội tâm của con người cũng chỉ có thể phát triển khi ta dành thời giờ để nuôi dưỡng nó trong thinh lặng và cầu nguyện với Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn hiện diện trong thinh lặng và nói với con người cũng trong thinh lặng. Một khi cái bên trong lớn mạnh, thì cái bên ngoài dần trở nên vô nghĩa.

Thánh Têrêsa Avila là một mẫu gương cho chúng ta thấy tầm quan  trọng  của cái bên trong. Thánh nữ đã xây cả một “Lâu Đài Nội Tâm” để kết hợp mật thiết với Thiên Chúa trên “Đường Hoàn Thiện”. Xin Chúa cho chúng ta cũng biết noi gương thánh nữ, luôn “bám rễ sâu” vào Thiên Chúa trong từng giây phút của cuộc sống. Amen.

Bài trướcTrái tim của Giáo Hội
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Thứ Tư, Tuần 28 TN)