LỜI SỐNG (Thứ Hai, Tuần 27 TN)

0
589

Tin Mừng: Lc 10,25-37

25 Và này có người thông luật kia đứng lên hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” 26 Người đáp: “Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?”

27 Ông ấy thưa: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình.” 28 Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống.”

29 Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng: “Nhưng ai là người thân cận của tôi?” 30 Đức Giê-su đáp: “Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết.

31 Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. 32 Rồi cũng thế, một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi.

33 Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. 34 Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc.

35 Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác.” 36 Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?”

37 Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.” Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.”

—oOo—

Suy niệm

NGƯỜI THÂN CẬN (Tu sĩ Phêrô Nguyễn Bảo Lộc, SVD)

Người xưa có câu: “Lúc gian nan mới hiểu được lòng người!”. Quả thực, chỉ đến khi bạn gặp khó khăn, bế tắc thì bạn mới có thể hiểu được ý nghĩa của tình bạn, tình yêu, tình thân như thế nào. Đến khi ấy bạn mới nhận ra rằng ai là người thân cận của mình.

Tin Mừng Luca trình thuật về một người thông luật đến hỏi Đức Giêsu: “Ai là người thân cận của tôi?”. Câu hỏi của nhà thông luật dường như cũng là câu hỏi của chính mỗi người chúng ta. Phải chăng hỏi như thế là để muốn thu hẹp lại giới hạn của những người mà tôi phải thực thi lòng bác ái. Thay vì trả lời, Đức Giêsu đã kể dụ ngôn về người Samaria tốt lành. Kết thúc cuộc đối thoại, Đức Giêsu bảo người thông luật: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy”, nghĩa là hãy thực thi việc tốt lành như người Samaria. Điều đó chúng ta nhận ra rằng: người thân cận của chúng ta là người giúp đỡ chúng ta trong khi chúng ta gặp nạn, gặp thử thách, gặp bế tắc trong cuộc sống. Người thân cận không ở đâu xa mà có thể là người cùng sống chung nhà, cùng nhóm sinh họat, cùng khu xóm hay chỉ là tình cờ chúng ta gặp họ ngoài đường và được họ giúp đỡ.

Trong cuộc sống, biết bao lần tôi đã đi qua nỗi đau của nhiều người. Có khi chỉ là tình cờ thôi! Có khi tôi sống với họ mà không nhận ra nỗi bất hạnh của họ. Có những người bị nạn nằm ngay trên lối đi của tôi, tôi thấy, nhưng tôi không dừng lại. Bởi vì, tôi còn có việc phải làm. Tôi sợ rằng quan tâm họ sẽ làm ảnh hưởng đến an toàn của tôi. Bởi vì, tôi không muốn bị phiền hà liên lụy vì những người mà mình không quen, không biết. Lời Chúa hôm nay mời gọi ta phải có lòng trắc ẩn với tất cả mọi người gặp khó khăn, bất hạnh, đau khổ, chứ không phải chỉ giới hạn với những người mà chúng ta quen biết.

Lạy Chúa, xin cho chúng con có lòng yêu thương và trắc ẩn đối với những người đau khổ, bệnh tật, bất hạnh và gặp hoạn nạn trong cuộc sống. Amen.


 

AI LÀ NGƯỜI THÂN CẬN? (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)


 

LUẬT CỦA YÊU THƯƠNG (Tu sĩ Phêrô Trần Văn Bằng, SVD)

Nhắc đến hai chữ lề luật, chúng ta sẽ nghĩ về những thứ khuôn mẫu, khô cứng, áp đặt và là công cụ để con người chèn ép nhau. Tuy nhiên, trong chiều kích của tình yêu và ngang qua hành động, lề luật lại trở nên nhẹ nhàng với nhiều giá trị cao quý.

Bài Tin Mừng hôm nay, người thông luật có thể trình bày một cách chính xác, rõ ràng những gì sách luật dạy để được sống đời đời: “Ngươi phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực và hết trí khôn ngươi.” (Đnl 6,4) và “yêu người thân cận như chính mình” (Lv 19,18). Mặc dù vậy, Đức Giêsu không muốn ông chỉ dừng lại ở đó, nhưng cần đi xa hơn trong chiều hướng thực hành. Người đặt ông trước sự chọn lựa ngang qua hình ảnh của thầy Lêvi, thầy Pharisêu và người Samari trong dụ ngôn. Họ là đại diện cho hai chiều hướng giữa giữ luật và thực hành luật giữa tình thương và tính khuôn khổ, giữa sự dấn thân và thái độ dửng dưng vô cảm, giữa người thân cận và người xa lạ.

Nhìn lại bản thân, không thiếu những lúc tôi vẫn mang trên mình hình ảnh của những thầy Lêvi và thầy Pharisêu. Tôi có thể đọc từng điều luật, thuộc từng đoạn Kinh Thánh, thuộc hết các điều răn. Tuy nhiên, nhiều lúc tôi đã quên đi giá trị của thực hành. Tôi vẫn dửng dưng, tránh né và không dám trở thành người thân cận cho người khác. Tôi vẫn phớt lờ nhu cầu của những người đang cần đến mình. Tôi vẫn đóng sập cánh cửa của lòng trắc ẩn và để cho lề luật trở nên một hoang mạc khô cằn thiếu mạch nước tình yêu thương.

Lạy Chúa, như người Samari nhân hậu, xin cho con luôn biết chia sẻ với anh em bằng tình yêu thương và trao ban những khả năng con có hầu trở nên nhân chứng cho luật yêu thương giữa cuộc đời này. Xin cho mỗi nơi con đến, những người con gặp gỡ đều cảm nhận được giá trị của tình yêu ngang qua hành động của con. Amen.


 

AI LÀ NGƯỜI THÂN CẬN CỦA TÔI? (Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Lý, SVD)

Câu hỏi mà người thông luật đặt ra cho Đức Giêsu không chứng tỏ được rằng ông có lý, nhưng đúng hơn đã làm lộ ra sự hiểu biết hạn hẹp của ông về một tình yêu đích thực.

Khi đặt câu hỏi “ai là người thân cận của tôi?” Người thông luật muốn Đức Giêsu giới hạn phạm vi trách nhiệm của mình với người khác. Một đàng, ông biết đúng rằng để được sự sống đời đời làm gia nghiệp thì ngoài yêu mến Thiên Chúa ông còn phải yêu mến người thân cận. Nhưng đàng khác, ông lại cho thấy là ông biết chưa trọn vẹn về giới răn đó. Tình yêu mà chỉ giới hạn trong một phạm vi, đối tượng nào đó thôi thì vẫn còn nặng tính thế gian, chưa phải là tình yêu hoàn hảo. Tình yêu làm đẹp lòng Thiên Chúa phải là thứ tình yêu không bị giới hạn vào bất cứ ai nhưng là dành cho hết mọi người, đặc biệt với những người kém may mắn hơn.

Câu trả lời của Đức Giêsu ở cuối dụ ngôn người Samari tốt lành muốn hướng người thông luật theo một chiều khác. Thay vì hỏi “ai là người thân cận của tôi?” thì nên hỏi “tôi là người thân cận của ai?”, tức là mức độ yêu thương mà tôi dành cho người khác, đặc biệt với những người hoạn nạn, khổ đau đạt đến mức độ nào?

Tôi có sẵn sàng thể hiện tình yêu của mình một cách không tính toán cho hết mọi người không? Lời mời gọi của Đức Giêsu với người thông luật cũng là lời mời gọi cho chúng ta. Khi thực thi tình yêu thương cho người khác, chúng ta cần loại bỏ khỏi lòng mình những tính toán hạn hẹp, những so đo thiệt hơn, nhưng chủ động dành tình yêu vị tha cho mọi người vì biết rằng bất cứ ai cũng đều là hình ảnh của Thiên Chúa như chúng ta.

Lạy Chúa, xin hãy lan tỏa tình yêu trọn hảo của Chúa trên chúng con để chúng con cũng biết yêu thương người khác chỉ vì tình yêu chứ không vì một lợi lộc hay vinh hoa thế gian nào. Amen.

Bài trướcLỜI SỐNG (Chúa Nhật, Tuần 27 TN-A)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Thứ Ba, Tuần 27 TN)