Thường Niên – Tuần XXXIII – Năm A

0
294

Chúa Nhật – Ngày 19 – Tháng 11

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXXIII

Kính Trọng Thể CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

Bài đọc 1 : Cn 31,10-13.19-20.30-31

Bài đọc 2 : 1Tx 5,1-6

Tin Mừng : Mt 25,14-30

Khi ấy, Đức Giêsu kể cho các môn đệ nghe dụ ngôn này: “Người kia sắp đi xa, liền gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ. Ông cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tuỳ khả năng riêng mỗi người. Rồi ông ra đi. Lập tức, người đã lãnh năm yến lấy số tiền ấy đi làm ăn buôn bán, và gây lời được năm yến khác. Cũng vậy, người đã lãnh hai yến gây lời được hai yến khác. Còn người đã lãnh một yến thì đi đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ. Sau một thời gian lâu dài, ông chủ đến tính sổ với các đầy tớ và thanh toán sổ sách với họ. Người đã lãnh năm yến tiến lại gần, đưa năm yến khác, và nói: ‘Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm yến, tôi đã gây lời được năm yến khác đây.’ Ông chủ nói với người ấy: ‘Khá lắm  Hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh! […]

NÉN BẠC

Tin Mừng hôm nay thuật lại dụ ngôn nén bạc mà ông chủ trao cho các đầy tớ. Qua đoạn Tin Mừng này, tôi nhận thấy sự chu toàn bổn phận và vâng lời của các đầy tớ đối với ông chủ là rất quan trọng. Chỉ khi làm theo lời ông chủ thì họ mới được thưởng công xứng đáng.

Trong dụ ngôn này, ông chủ không trao cho các đầy tớ số nén bạc giống nhau. Nhưng ông chủ đều thưởng công xứng đáng cho họ khi họ biết làm sinh lợi ra những nén bạc khác.

Qua dụ ngôn muốn Chúa muốn dạy tôi hai điều. Thứ nhất, qua những nén bạc tôi sinh lợi cho Chúa thì Chúa sẽ biết mức độ tôi yêu mến Người, sự trung tín tôi dành cho Người và dấn thân của tôi đối với công việc Chúa trao cho tôi. Thứ hai, tôi hãy tự biết khả năng của mình và biết chấp nhận những khả năng giới hạn ấy; đừng ganh tỵ với những người được Chúa ban cho nhiều khả năng hơn mình. Trái lại, tôi cần dành tình yêu và sự cố gắng dựa trên những khả năng Chúa ban để phục vụ Chúa và tha nhân.

Lạy Chúa, xin giúp con biết sinh lợi những nén bạc Chúa trao, biết trung thành với ơn Chúa qua những bổn phận hằng ngày với lòng yêu mến, với tất cả nhiệt tâm của con, để đến ngày sau hết con được Chúa thưởng công trên Vương Quốc của Ngài.

Phêrô Phan Thái Hiền

Thứ Hai – Ngày 20 – Tháng 11

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXXIII

Bài đọc : 1 Mcb 1,10-15.41-43.54-57.62-64

Tin Mừng : Lc 18,35-43

Khi Đức Giêsu gần đến Giêrikhô, có một người mù đang ngồi ăn xin ở vệ đường. Nghe thấy đám đông đi qua, anh ta hỏi xem có chuyện gì. Họ báo cho anh biết là Đức Giêsu Nadarét đang đi qua đó. Anh liền kêu lên rằng: “Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi !” Những người đi đầu quát nạt, bảo anh ta im đi; nhưng anh càng kêu lớn tiếng: “Lạy Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!” Đức Giêsu dừng lại, truyền dẫn anh ta đến. Khi anh đã đến gần, Người hỏi: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” Anh ta đáp: “Lạy Ngài, xin cho tôi nhìn thấy được.” Đức Giêsu nói: “Anh nhìn thấy đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.” Lập tức, anh ta nhìn thấy được và theo Người, vừa đi vừa tôn vinh Thiên Chúa. Thấy vậy, toàn dân cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa.

HÃY YÊU THƯƠNG NHƯ CHÚA ĐÃ YÊU

Sứ mạng của Giáo Hội là loan báo lòng thương xót của Thiên Chúa, vì lòng thương xót chính là trái tim sống động của Tin Mừng.

Tin mừng theo thánh Luca ngày hôm nay cho chúng ta thấy rõ được vẻ đẹp và giá trị của lòng thương xót Chúa. Thiên Chúa tỏ lòng thương xót với tất cả mọi người; Ngài mở rộng vòng tay và tỏa lan trái tim yêu thương cho tất cả mọi người thành tâm chạy đến với Người. Nhờ lòng lòng tin mạnh mẽ mà anh mù đã được cứu chữa. Thánh Augustinô từng nói: Thiên Chúa dựng nên con người không cần con người, nhưng để cứu chuộc con người, thì cần đến sự cộng tác của con người.

Đôi khi lòng thương xót là một thứ xa xỉ trong thời đại ngày nay. Chỉ vì lợi lộc, người ta sẵn sàng làm hại  hay phản bội nhau cách dễ dàng. Một khi lòng thương xót đi vắng, thì chiến tranh, ghen ghét, hận thù lên ngôi. Người môn đệ của Chúa không thể ngồi yên trách móc người đời, hay chán nản buông xuôi, mà được mời gọi lên đường để bày tỏ lòng thương xót, nhất là đối với những người đang cần đến lòng thương xót nhất.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban Thánh Thần trên mỗi người chúng con để nhờ ân sủng Ngài, chúng con có thể đón nhận, sống và loan truyền lòng thương xót đến với những người xung quanh theo như thánh ý Chúa.

Phaolô A Hóa

Thứ Ba – Ngày 21 – Tháng 11

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXXIII

Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ. (Tr).

Bài đọc : Dcr 2,14-17

Tin Mừng : Mt 12,46-50

Khi ấy, Đức Giêsu còn đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người. Có kẻ thưa Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy.” Người bảo kẻ ấy rằng: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.”

AI LÀ ANH EM TÔI?

Còn gì tuyệt hảo hơn khi được là một người Kitô hữu, được trở thành một thành viên trong gia đình thiêng liêng của Chúa Giêsu. “Ai là anh em tôi?” là một cách giới thiệu về gia đình thiêng liêng của Chúa Giêsu với nhiều ngụ ý.

Hơn hết đó là lời mời gọi đặc biệt mà Chúa dành riêng cho mỗi người Kitô hữu chúng ta. Chúa mời gọi mỗi người Kitô hữu đến với gia đình thiêng của Người qua chính đời sống chứng tá trong đức tin và phục vụ. Việc rao giảng Tin Mừng là trách nhiệm không của riêng ai, mỗi người chúng ta có bổn phận phải thi hành ý muốn của Chúa Cha trong việc rao giảng và thiết lập Nước Trời ở trần gian. Chúng ta đã làm gì để đáp lại lời mời gọi của Người?

Chúng ta đang sống trong một xã hội mà những lợi ích cá nhân đang được đề cao. Đời sống đức tin, việc thực hành phụng vụ nơi các Kitô hữu đang bị xem nhẹ… Chính những điều này khiến chúng ta cũng không khác gì những người Pharisêu và những người cứng lòng tin vào Thiên Chúa; đó là bằng chứng về việc chúng ta xem nhẹ lời mời gọi của Chúa nơi mỗi người chúng ta. “Ai là anh em tôi?” cũng là lời nhắc nhở của Chúa Giê su đối với những ai đang lo việc truyền giáo: Hãy trở nên những chứng tá cho Chúa, tin nhận và đi theo Người. Thiên Chúa là Đấng quan phòng, Người sẽ dẫn đường chỉ lối cho chúng ta trong việc trở nên những thành viên trong đại gia đình thiêng liêng của Người.

Lạy Chúa, xin cho con luôn chủ động trở nên những thành viên tích cực của gia đình thiêng liêng của Chúa bằng cách lắng nghe và tuân giữ lời Ngài.

Giuse Trương Vĩnh Tường

Thứ Tư – Ngày 22 – Tháng 11

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXXIII

Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ. (Đ).

Bài đọc : 2 Mcb 7,1.20-31

Tin Mừng : Lc 19,11-28

Khi ấy, dân chúng đang nghe Đức Giêsu, thì Người kể thêm cho họ một dụ ngôn, vì Người đang ở gần Giêrusalem và vì họ tưởng là Triều Đại Thiên Chúa sắp xuất hiện đến nơi rồi. Vậy Người nói: “Có một người quý tộc kia trẩy đi phương xa lãnh nhận vương quyền, rồi trở về. Ông gọi mười người trong các tôi tớ của ông đến, phát cho họ mười nén bạc và nói với họ: “Hãy lo làm ăn sinh lợi cho tới khi tôi đến.” Nhưng đồng bào ông ghét ông, nên họ cử một phái đoàn đến sau ông để nói rằng: ‘Chúng tôi không muốn ông này làm vua chúng tôi.’ “Sau khi lãnh nhận vương quyền, ông trở về. Bấy giờ ông truyền gọi những đầy tớ ông đã giao bạc cho, để xem mỗi người làm ăn sinh lợi được bao nhiêu. Người thứ nhất đến trình: ‘Thưa ngài, nén bạc của ngài đã sinh lợi được mười nén.’ Ông bảo người ấy: ‘Khá lắm, hỡi đầy tớ tài giỏi! Vì anh đã trung thành trong việc rất nhỏ, thì hãy cầm quyền cai trị mười thành…

NÉN  BẠC

Mục đích của ông quý tộc khi giao nén bạc cho các đầy tớ là muốn họ hãy dùng khả năng của mình để làm lợi cho đến khi ông trở về.

Chúa ban cho mỗi người một khả năng. Có người nhận nhiều, có kẻ nhận ít. Mỗi người tùy theo khả năng của mình mà sinh lợi. Chúa ban cho tôi những nén bạc lớn hay nhỏ khác nhau, quan trọng là tôi phải có bổn phận trân quí và làm lời theo khả năng của mình. Phần thưởng chỉ dành cho người đầy tớ biết tận dụng mọi khả năng để sinh lợi.

Tôi có đang làm lợi nén bạc của Chúa hay đang chôn dấu nó? Những khả năng Chúa ban cho tôi có đang được tận dụng để làm vinh danh Chúa và mưu ích cho tha nhân? Thời gian tôi đang có là lúc Chúa đang đợi chờ tôi dùng những khả năng Chúa ban để sinh lợi, chứ không phải để vừa phung phí thời giờ vừa uổng phí tài năng.

Hơn nữa, tôi có đang sử dụng khả năng và thời gian Chúa ban cách công minh, làm lợi cách ngay thẳng, liêm chính, nghĩa là đi trong đường lối của Chúa? Nếu việc làm lợi chỉ là để phục vụ cho lợi ích của tôi, để làm vinh danh tôi, để tôi được người đời khen thưởng, thì tôi đang đi sai đường.

Lạy Chúa, xin Chúa giúp con biết dùng những ơn lành và khả năng mà Chúa đã ban để sinh lời vì Nước Trời.

Phanxicô X. Nguyễn Trí Long

Thứ Năm – Ngày 23 – Tháng 11

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXXIII

Bài đọc : 1 Mcb 2,15-29

Tin Mừng : Lc 19,41-44

Khi ấy, Đức Giêsu đến gần Giêrusalem

và trông thấy thành, thì khóc thương mà nói: “Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi! Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không thấy được. Thật vậy, sẽ tới những ngày quân thù đắp luỹ chung quanh, bao vây và công hãm ngươi tư bề. Chúng sẽ đè bẹp ngươi và con cái đang ở giữa ngươi, và sẽ không để hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm.”

XIN CHÚA XÓT THƯƠNG

“Nhưng hiện giờ, … mắt ngươi không thấy được” (Lc 19,42).

Có những lúc tôi nghĩ mình thấy được con người mình nhưng hóa ra tôi chẳng hiểu bản thân được bao nhiêu. Hiểu chính mình đã khó, làm sao tôi hiểu được những điều gì có thể “đem lại bình an” cho tôi. Cứ sống trong tình trạng vô tri như vậy tôi có bị “sụp đổ” như Giêrusalem

khi xưa không?

Vô tri có phải là cái tội? Giêrusalem đã được Chúa cảnh báo về ngày tàn của mình. Nhưng đâu phải ai cũng hiểu và có khả năng hiểu những gì Chúa nói. Thành Giêrusalem không nhận ra được điều gì là tốt, điều gì là xấu vì “mắt bị che khuất”.

Mà đã bị che khuất rồi thì lỗi có hoàn toàn thuộc về họ!

Có lẽ sự cứng lòng của người xưa là thứ làm che khuất tai mắt của họ. “Ước gì anh em nghe tiếng Chúa: ‘Các ngươi chớ cứng lòng nữa’” (Tv 95,7-8).

Hằng ngày tôi được nghe lời Chúa, được Thánh Thần Chúa tác động để nhận ra điều cần thay đổi. Nhưng tôi thấy cuộc sống mình không được cải thiện mấy. Bản thân vẫn ù lì. Phải chăng lòng tôi cũng đã chai cứng khiến tai mắt linh hồn tôi không nhận ra điều họa mà tránh, điều phúc mà làm?

Lạy Chúa, nếu có ngày nào Chúa thốt lên “dòng giống này làm ta chán ngán” (Tv 95,10) với con như Chúa đã khóc thương thành Giêrusalem nói riêng hay dân Do Thái nói chung, thì xin Chúa dủ tình thương xót mà đừng nản lòng với con nhưng xin Chúa tiếp tục kiên nhẫn mà ban ơn để biến đổi và cải hoán con mỗi ngày.

Tađêô Đào Duy Thiện

Thứ Sáu – Ngày 24 – Tháng 11

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXXIII

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Hội Thánh Việt Nam.

Lễ Chính Ngày. Lễ trọng. (Đ).

Bài đọc 1 :  Kn 3,1-9

Bài đọc 2 : 2 Cr 4,7-15

Tin Mừng : Mt 10,17-22

“Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết. Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em. “Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết ; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.

CHỨNG NHÂN

Đã hơn 2000 năm kể từ ngày Đức Kitô phục sinh, thế nhưng niềm tin về Thiên Chúa dường như vẫn còn là một điều gì đó khá xa lạ đối với nhiều người. Thêm vào đó, cuộc sống ngày càng tục hóa, con người không ngừng tìm kiếm sự thỏa mãn cho thân xác của mình mà đánh mất cảm thức về một cuộc sống siêu việt. Trong bối cảnh đó, Giáo Hội cần những người làm chứng cho Đức Kitô.

Lời Chúa trong ngày lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam mời gọi mỗi người chúng ta hãy noi gương các thánh, làm chứng nhân cho Đức Kitô giữa đời. Làm chứng là một sứ vụ cao cả mà Thiên Chúa dành cho mỗi người tín hữu.

Ngày nay trở nên chứng nhân không đòi buộc chúng ta phải đổ máu nhưng thay vào đó là một đời sống tử đạo mới, là chết đi cho những đam mê thỏa mãn thể xác, từ bỏ những lệ thuộc vào vật chất, vươn đến một cuộc sống đầy tình yêu thương và chia sẻ.

Lạy Thiên Chúa là vua tình yêu, chúng con chỉ là những con người yếu đuối, dễ sa ngã. Trước cuộc sống với bao nhiêu điều hấp dẫn, xin cho con luôn biết chọn Chúa. Xin thêm sức mạnh để chúng con đủ can đảm từ bỏ những gì là giả dối để hướng đến một cuộc sống hạnh phúc đích thật và sẵn sàng là chứng nhân cho Chúa giữa đời sống thường ngày.

Máctinô Nguyễn Hoàng Vũ

Thứ Bảy – Ngày 25 – Tháng 11

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXXIII

Bài đọc :  1 Mcb 6,1-13

Tin Mừng : Lc 20,27-40

[…] Đức Giêsu đáp: “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại. Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, thì chính ông Môsê cũng đã cho thấy trong đoạn văn nói về bụi gai, khi ông gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Ápraham, Thiên Chúa của tổ phụ Ixaác, và Thiên Chúa của tổ phụ Giacóp. Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống.” Bấy giờ có mấy người thuộc nhóm kinh sư lên tiếng nói: “Thưa Thầy, Thầy nói hay lắm.” Thế là, họ không dám chất vấn Người điều gì nữa.

SỰ SỐNG ĐỜI SAU

Sau khi Chúa Giêsu đuổi hết những kẻ buôn bán trong Đền Thờ, các phe phái địch thù đến chất vấn Chúa về sự sống lại và linh hồn hằng sống.

Việc thắc mắc về sự sống lại được cả ba sách Tin Mừng Nhất Lãm nói đến. Đối với những người thuộc phái Xađốc, việc cưới xin là để nối tiếp dòng dõi trong gia đình. Vậy nếu bảy anh em cùng cưới một người làm vợ thì khi sống lại, người đó là vợ của ai? Họ đưa ra vấn nạn này nhằm phi bác niềm tin vào sự sống lại.

Đối với Chúa Giêsu, sự sống lại là một việc khác hẳn. Trong ngày sống lại, mỗi người sẽ có thân thể hoàn toàn khác và việc nối dõi sẽ không cần thiết nữa, nên sẽ không còn việc dựng vợ gả chồng.  Mối liên hệ với nhau chỉ còn căn cứ vào mối liên hệ với Thiên Chúa. Hơn nữa, các tổ phụ, những người đã đặt trọn niềm tin nơi Chúa, vẫn đang sống, vì Thiên Chúa là Chúa của kẻ sống chứ không phải kẻ chết.

Niềm tin vào sự sống sau cái chết là một động lực thúc đẩy chúng ta sống xứng đáng là con cái Chúa trong cuộc sống hiện tại. Chúng ta cần giữ vững mối liên hệ với Ngài trong hiện tại để bước vào sự hiện diện vinh quang của Ngài trong tương lai. Thánh Phaolô đã từng khuyên Hội Thánh trong khi chờ đợi Chúa đến, hãy làm việc, phục vụ Chúa và tha nhân, vì cuộc sống trần gian là cơ hội để chúng ta tô điểm màu sắc cho cõi đời đời mà chúng ta sẽ bước vào trong tương lai.

Lạy Chúa, xin canh tân lòng trí chúng con, để chúng con biết tin tưởng vào Chúa, tin tưởng vào một sự sống vĩnh cửu đời sau, nơi mà chúng con sẽ tìm được hạnh phúc viên mãn trong Nước Trời.

Phanxicô Nguyễn Quốc Vương

Bài trướcGặp gỡ liên bộ tại giáo triều Roma về việc đào tạo linh mục
Bài tiếp theoLời Chúa + Bài giảng Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.