Lời Chúa + Bài giảng Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

0
1054

Bài đọc I: 2 Mcb 7,1.20-23.27b-29

Bà mẹ là người đáng khâm phục, vì bà can đảm chịu đựng nhờ niềm trông cậy bà đặt nơi Ðức Chúa.

Lời Chúa trong sách Ma-ca-bê quyển thứ hai.

Hồi ấy, có bảy anh em bị bắt cùng với bà mẹ. Vua An-ti-ô-khô cho lấy roi và gân bò mà đánh họ, để bắt họ ăn thịt heo là thức ăn luật Mô-sê cấm. Bà mẹ là người rất mực xứng đáng cho ta khâm phục và kính cẩn ghi nhớ. Bà thấy bảy người con trai phải chết nội trong có một ngày, thế mà bà vẫn can đảm chịu đựng nhờ niềm trông cậy bà đặt nơi Ðức Chúa. Bà dùng tiếng mẹ đẻ mà khuyến khích từng người một, lòng bà đầy tâm tình cao thượng; lời lẽ của bà tuy là của một người phụ nữ, nhưng lại sôi sục một chí khí nam nhi; bà nói với các con: “Mẹ không rõ các con đã thành hình trong lòng mẹ thế nào. Không phải mẹ ban cho các con thần khí và sự sống. Cũng không phải mẹ sắp đặt các phần cơ thể cho mỗi người trong các con. Chính Ðấng Tạo Hoá càn khôn đã nắn đúc nên loài người, và đã sáng tạo nguồn gốc muôn loài. Chính Người do lòng thương xót, cũng sẽ trả lại cho các con thần khí và sự sống, bởi vì bây giờ các con trọng Luật Lệ của Người hơn bản thân mình.” Bà nói với người con út: “Con ơi, con hãy thương mẹ: chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm, mẹ đã nuôi nấng dạy dỗ con đến ngần này tuổi đầu. Mẹ xin con hãy nhìn xem trời đất và muôn loài trong đó, mà nhận biết rằng Thiên Chúa đã làm nên tất cả từ hư vô, và loài người cũng được tạo thành như vậy. Con đừng sợ tên đao phủ này; nhưng hãy tỏ ra xứng đáng với các anh con, mà chấp nhận cái chết, để đến ngày Chúa thương xót, Người sẽ trả con và các anh con cho mẹ.”

Ðó là lời Chúa.

Bài đọc II: Rm 8,31b-39

Dù sự chết hay sự sống cũng không tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa.

Lời Chúa trong thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma.

Thưa anh em, có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta? Ðến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta? Ai sẽ buộc tội những người Thiên Chúa đã chọn? Chẳng lẽ Thiên Chúa, Ðấng làm cho nên công chính? Ai sẽ kết án họ? Chẳng lẽ Ðức Giê-su Ki-tô, Ðấng đã chết, hơn nữa, đã sống lại, và đang ngự bên hữu Thiên Chúa mà chuyển cầu cho chúng ta?

Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Ðức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? Như có lời chép: Chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu để sát sinh.

Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Ðấng đã yêu mến chúng ta. Ðúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm, hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Ðức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta.

Ðó là lời Chúa.

Tin mừng: Lc 9,23-26

Ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Khi ấy, Ðức Giê-su nói với mọi người rằng : “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì? Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần.”

Ðó là Lời Chúa.

Bài giảng chủ đề:

TRUNG TÍN ĐẾN CÙNG

“Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Lc 9,24).

Lm. Gioan Baotixita Nguyễn Hữu Duy, SVD

Các Thánh Tử Đạo Việt Nam là những người đã sống trung tín với Thiên Chúa cho đến cùng, đến nỗi sẵng sàng chấp nhận cái chết để làm chứng cho Chúa. Các bài đọc lời Chúa hôm nay cho chúng ta những góc nhìn khác nhau, ở những hoàn cảnh và thời điểm khác nhau, về sự trung tín của những con người hoàn toàn đặt niềm tin nơi Thiên Chúa.

  1. Trung tín tuân giữ giới răn của Thiên Chúa

Sách Máccabê đánh dấu một gia đoạn đầy khó khăn trong lịch sử của dân Chúa khi mà đền thờ và nền phụng tự bị ngoại bang xâm phạm cách nặng nề. Đoạn sách Máccabê hôm nay là một thiên hùng ca về những người Do Thái sẵn sàng chấp nhận đau khổ và cả cái chết để sống trung thành với lề luật và tôn giáo của cha ông.

Trước hết, đối với người Do Thái, tuân giữ lề luật cách đầy đủ và nghiêm ngặt là một cách chứng tỏ sự trung thành, là thái độ tôn thờ Thiên Chúa cách thiết thực. Một người Do Thái được xem là đạo đức và công chính khi giữ trọn “mọi điều răn và mệnh lệnh của Chúa” (Lc 1,6). Đối với Đức Giêsu cũng vậy, đòi hỏi đầu tiên của người muốn có sự sống đời đời làm gia nghiệp là hiểu biết và tuân giữ lề luật (x. Lc 10,25-28). Câu chuyện về bà mẹ và bảy người con thà chấp nhận cái chết chứ không chịu vi phạm lề luật là cao điểm của lòng trung tín của con người nơi Thiên Chúa.

Sau nữa, qua câu chuyện về bà mẹ khuyên nhủ, động viên những người con chấp nhận cái chết, chúng ta khám phá ra lý lẽ của tác giả sách Máccabê. Sở dĩ bà mẹ và những người con sẵn sàng chấp nhận cái chết là vì họ xác tín rằng sự sống của họ không do họ tự tạo ra mà là do Thiên Chúa, Đấng ban cho họ “thần khí và sự sống”. Đồng thời, họ cũng tin rằng một khi họ “trọng luật lệ của Người hơn bản thân mình” đến nỗi dám hy sinh sự sống để bày tỏ lòng trung thành với Thiên Chúa họ thờ, thì chính Người sẽ trả lại cho họ thần khí và sự sống (x. 2 Mcb 7,22-23).

Cuối cùng, qua câu chuyện về bà mẹ và bảy người con, tác giả sách Máccabê cho thấy thấp thoáng bóng dáng của quan niệm phục sinh. Thật vậy, bà mẹ tin rằng nếu các con bà “chấp nhận cái chết” vì trung thành với lề luật của Thiên Chúa, thì “đến ngày Chúa thương xót”, chính Người sẽ trả các con về lại cho bà (x. 2 Mcb 7,29). Như thế, việc người công chính chịu đau khổ đã dẫn tác giả đến chỗ xác tín vào niềm tin phục sinh của kẻ chết. Việc thưởng phạt của Thiên Chúa không chỉ nằm ở đời này như truyền thống quan niệm;nó còn kéo dài sau cái chết. Do vậy, những người chịu chết vì trung thành với lề luật sẽ được sống lại cả hồn lẫn xác.

Bà mẹ và bảy người con (2 Mcb 7,1-41) đã tự nguyện chấp nhận khổ đau và cái chết để thể hiện lòng trung thành tuyệt đối đối với Thiên Chúa mà họ tôn thờ. Họ được coi như là hình bóng của các vị tử đạo trong Kitô Giáo sau này. Niềm tin vào sự phục sinh là sức mạnh giúp họ vượt thắng cả cái chết. Họ xác tín rằng một khi họ hết mực trung thành với lề luật của Thiên Chúa, Đấng ban cho họ “thần khí và sự sống”, thì Ngài sẽ ban cho họ sự sống bất diệt. Sống trong thời hậu phục sinh, Đức Kitô Phục Sinh có là sức mạnh giúp chúng ta vượt thắng những cám dỗ thường ngày để sống trung tín với Thiên Chúa và giới răn của Ngài?

  1. Trung tín với Thiên Chúa tình yêu

Đoạn thư thánh Phaolô gởi cho các tín hữu Rôma là một bài ca tuyệt vời về tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại qua việc trao hiến Đức Giêsu, Con Một của Ngài.

Trước hết, việc Thiên Chúa trao ban Đức Giêsu, Con Một của Ngài cho nhân loại là bằng chứng rõ ràng nhất của tình yêu cao cả và vô điều kiện Ngài dành cho nhân loại. Thật vậy, một khi trao hiến chính Con Một là kho tàng quý giá nhất của mình, Thiên Chúa muốn chứng tỏ cho nhân loại thấy rằng Ngài đã cho con người tất cả mà không đòi hỏi bất cứ điều kiện nào. Đồng thời, khi Thiên Chúa để cho Đức Giêsu chết cho tội lỗi nhân loại, Ngài đã thật sự tha thứ cho mọi lỗi lầm của họ. Không còn lầm lỗi nào của con người mà Thiên Chúa không thể tha thứ, trừ khi con người quay lưng lại với Ngài.

Hơn nữa, thánh Phaolô còn xác tín rằng một khi được Thiên Chúa yêu thương hết mực như thế, con người không còn gì phải lo lắng hay sợ hãi nữa. Ai hay điều gì có thể tách nhân loại ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa? Câu hỏi tu từ của thánh Phaolô như là một lời khẳng định chắc chắn rằng dù là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ hay gươm giáo (x. Rm 8,35); dù là sự sống hay sự chết, ma vương hay quỷ lực, hiện tại hay tương lai, trời cao hay vực thẳm, hay bất cứ một sức mạnh nào, cũng không thể chia cắt con người khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện qua Đức Giêsu (x. Rm 8,38-39). Vậy nên, những ai thật sự cảm nhận và xác tín sâu sắc về tình yêu Thiên Chúa dành cho mình, thì dám chấp nhận tất cả, ngay cả cái chết để chứng tỏ cho thấy sức mạnh vô song của tình yêu ấy.

Cuối cùng, dù được Thiên Chúa yêu thương hết mực và vô điều kiện, con người không thể tránh khỏi những sự dữ trong thế giới này. Tuy vậy, những thử thách trong thế giới lại là cơ hội để con người chiến đấu mà chứng tỏ sự trung thành. Và nếu con người có thể chiến thắng trong những cơn thử thách, thì đó không phải do công sức riêng của con người, mà là nhờ sức mạnh của Thiên Chúa, như lời quả quyết của thánh Phaolô: “Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta” (Rm 8,37). Tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người mới là sức mạnh vô song giúp con người vượt qua mọi khó khăn, thử thách để trung tín với Ngài.

Qua và nhờ cái chết và sự sống lại của Đức Giêsu, Thiên Chúa cho thấy Ngài yêu thương nhân loại bằng một tình yêu vô điều kiện và vững chắc đến nỗi không có bất cứ ai hay sức mạnh nào có thể lung lay nổi. Các thánh tử đạo đã cảm nhận cách sâu sắc tình yêu Thiên Chúa dành cho các ngài đến nỗi chấp nhận cái chết để minh chứng cho sức mạnh của tình yêu đó, tình yêu thúc bách các ngài trung tín với Thiên Chúa cho đến cùng. Chúng ta có mạnh mẽ xác tín rằng Đức Kitô đã chết vì yêu thương ta, đến nỗi không có gì có thể chia cắt tình yêu của Người dành cho ta? Tình yêu của Thiên Chúa có là động lực giúp chúng ta sống trung tín với Ngài? Tình yêu vô vị lợi của Thiên Chúa thể hiện nơi cái chết và sự sống lại của Đức Kitô có là động lực thúc đẩy chúng ta yêu thương anh chị em mình hơn?

  1. Người môn đệ trung tín của Đức Giêsu

Bối cảnh bài Tin Mừng cho chúng ta biết rằng, sau khi thánh Phêrô, đại diện cho các môn đệ, tuyên tín cách hùng hồn (x. Lc 9,18-21), Chúa Giêsu liền mạc khải cho các môn đệ biết con đường Người phải đi là con đường khổ giá (x. Lc 9,22). Và Người cũng muốn các môn đệ của mình đi con đường đó.

Trước hết, điều kiện để theo Đức Giêsu là “từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,23). Thật vậy, Đức Giêsu không dùng những lời lẽ hoa mỹ mà vẽ ra một viễn cảnh huy hoàng cho cuộc sống của những người muốn theo Người. Trái lại, Người cho thấy đó là con đường của sự từ bỏ; từ bỏ ý riêng, để thực thi ý muốn của Thiên Chúa theo gương Đức Giêsu. Đó còn là con đường chấp nhận vác “thập giá hàng ngày”, đón nhận mọi sự xảy đến trong niềm tin tưởng và phó thác trọn vẹn trong tay Chúa.

Hơn nữa, người môn đệ Chúa Kitô ý thức rằng tất cả mọi sự, ngay cả sự sống, cũng đều phát xuất từ Thiên Chúa; và tất cả cuộc sống của người môn đệ hoàn toàn thuộc về Chúa, như lời xác quyết của thánh Phaolô: “Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa” (Rm 14,8). Vì thế, cuộc sống của người môn đệ không phải là đi tìm mình, tìm vinh quang cho mình, tìm sự sống cho mình, nhưng là đi tìm Chúa và làm vinh danh Ngài; và khi người môn đệ dám bỏ mình vì Chúa, thì họ lại tìm được chính bản thân, vì “ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Lc 9,24).

Sau cùng, người môn đệ Đức Giêsu có trách nhiệm làm chứng cho Chúa Giêsu và lời của Người. Việc các môn đệ làm chứng cho Chúa Giêsu trước mặt người khác là điều kiện để họ được Người chứng thực trước mặt Thiên Chúa trong ngày quang lâm. Trái lại, “ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình …” (Lc 9,26). Động từ “làm chứng” trong tiếng Hy Lạp cũng có nghĩa là “tử đạo”. Một khi làm “làm chứng” cách can đảm và triệt để, người môn đệ có thể phải chấp nhận cả cái chết.

Các thánh tử đạo là những người đã trung tín đi trọn con đường mà Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ: đó là từ bỏ ý riêng và chấp nhận mọi sự xảy đến trong đời mình với tinh thần phó thác đến nỗi sẵn sàng “liều mất mạng sống” để làm chứng cho Chúa Kitô, với niềm xác tín rằng “sẽ cứu được mạng sống ấy” trong ngày Đức Kitô quang lâm. Chúng ta có dám chấp nhận từ bỏ ý riêng để xứng với tư cách làm môn đệ Đức Giêsu? Là môn đệ Đức Giêsu, chúng ta có đang tìm cách làm vinh danh Người hay tìm vinh danh bản thân mình? Chúng ta có sẵn lòng chấp nhận thiệt thòi, ngay cả những gì thiết thân nhất, để làm chứng cho Chúa Kitô?

Nhờ lời chuyển cầu tha thiết của các Thánh Tử Đạo Việt Nam, xin cho chúng ta biết sống trung tín với Thiên Chúa và lề luật của Ngài, trung tín vì xác tín cách chắc chắn và mạnh mẽ rằng không có gì có thể chia cắt chúng ta khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu; và xin cho chúng ta trở thành những môn đệ trung tín của Đức Giêsu, luôn can đảm và sẵn sàng làm chứng cho Người bằng đời sống và qua sứ vụ của chúng ta.

 

Bài trướcThường Niên – Tuần XXXIII – Năm A
Bài tiếp theoAI TÍN bà cố Anna Nguyễn Thị Phụng, thân mẫu cha Phêrô Trần Quốc Tuấn, SVD

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.