Thường Niên – Tuần XVIII – Năm C

0
419

Chúa Nhật – Ngày 4 – Tháng 8

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XVIII

Bài đọc 1 : Gv 1,2; 2,21-23

Bài đọc 2 : Cl 3, 1-5.9-11

Tin Mừng : Lc 12,13-21

[…] Và Người nói với họ: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, vì không phải hễ ai được dư giả, thì mạng sống người ấy nhờ của cải mà được bảo đảm đâu.” Sau đó Người nói với họ dụ ngôn này: “Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi,  mới nghĩ bụng rằng: “Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu!” Rồi ông ta tự bảo: Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã! Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng người, thì những gì người sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.”

TÍCH TRỮ KHO TÀNG TRÊN TRỜI

Của cải vật chất cần thiết cho cuộc sống của con người. Con người cần tiền của để chi tiêu cho những hoạt động sống của mình. Nhưng tiền của không bảo đảm cho con người sự sống đời đời.

Quả thế, tiền của giúp con người có một cuộc sống thoải mái hơn. Cho nên, việc tìm kiếm tiền của để phục vụ cho cuộc sống là nhu cầu chính đáng của con người. Con người ra sức lao động không ngoài mục đích đó. Thế nhưng, sức hút của đồng tiền rất mãnh liệt và sức mạnh đồng tiền khó cưỡng lại. Nó khiến con người yếu đuối dễ chiều theo tính xác thịt, dễ bị cuốn vào vòng xoáy của vật chất và hưởng thụ.

Chúa Giêsu biết rõ điều đó, nên Ngài đã khuyên dạy con người phải biết ý thức trong việc thu tích của cải; phải biết sử dụng của cải trần gian một cách khôn ngoan. Vì của cải trần gian không đảm bảo cho sự sống của con người. Nước Thiên Chúa chỉ dành cho những ai biết sống tinh thần khó nghèo và biết chăm lo cho “của cải” Nước Trời của mình.

Bài Tin Mừng hôm nay là cơ hội để mỗi người chúng ta nhìn lại thái độ và cách sử dụng tiền của của mình. Là Kitô hữu, chúng ta đã thực sự chăm lo cho kho tàng của mình ở trên trời như thế nào? Chúng ta đã làm giàu trước mặt Thiên Chúa ra sao? Hay cuộc sống hàng ngày của chúng ta vẫn chỉ là sự tích trữ của cải thế gian? Phải chăng lòng trí chúng ta cứ mãi bận tâm về tiền của, đến nỗi chúng ta không còn thời gian dành cho Chúa, không bận tâm nhiều đến việc trau dồi cho đời sống mai sau của mình?

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con luôn biết ý thức và chuyên tâm làm giàu trước mặt Chúa, hầu có thể tích trữ kho tàng của mình nơi Nước Trời.

Tu sĩ Phêrô Nguyễn Văn Thìn, SVD

Thứ Hai – Ngày 5 – Tháng 8

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XVIII

Cung hiến thánh đường Đức Maria.

Bài đọc : Ds 11,4b-15

Tin Mừng : Mt 14,13-21

[…] Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ. Chiều đến, các môn đệ lại gần thưa với Người: “Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn.” Đức Giêsu bảo: “Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn.” Các ông đáp: “Ở đây, chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá !” Người bảo: “Đem lại đây cho Thầy !” Rồi sau đó, Người truyền cho dân chúng ngồi xuống cỏ. Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra, trao cho môn đệ. Và môn đệ trao cho dân chúng. Ai nấy đều ăn và được no nê […]

CHẠNH LÒNG

Chạnh lòng thương trước những tình cảnh khốn khổ và bi đát của người khác là tình cảm rung động từ trái tim. Con tim của Đức Giêsu đã rung động, đã chạnh lòng trước những con người đau ốm, bệnh tật và trước đám đông đang sống bơ vơ, lạc lõng mà không có gì ăn.

Tin Mừng mô tả khung cảnh diễn ra phép lạ chữa lành và hoá bánh là nơi hoang vắng, nghĩa là một nơi không có gì bảo đảm cho nhu cầu vật chất để nuôi sống thể xác cho đám đông dân chúng với con số trên năm ngàn người như vậy. Tâm trạng của các môn đệ thì bối rối, băn khoăn và lo lắng, biết lấy gì để cho đám đông dân chúng ăn đây! Khác hẳn với các môn đệ, tâm trạng của Chúa Giêsu khi nhìn thấy những người đau ốm, bệnh tật và đám đông đứng trước mặt mình thì chạnh lòng thương xót. Ngài đã thấu cảm được nỗi lòng của những mảnh đời bất hạnh; cảm nhận được nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần của những con người đang bị bệnh tật dày vò; nhận ra lòng khao khát và thiếu thốn của ăn vật chất cũng như tinh thần từ đám đông tìm đến với Người. Khởi đi từ trái tim thấu cảm, biết chạnh lòng thương xót và tấm lòng rộng mở đó, Đức Giêsu đã biểu lộ tình thương của Thiên Chúa bằng những việc làm cụ thể, là thực hiện phép lạ chữa lành bệnh tật và hoá bánh để nuôi sống đám đông dân chúng.

Nhìn lại thế giới chúng ta đang sống, dường như cảm thức chạnh lòng thương xót trước nỗi thống khổ của người khác dần dà biến mất. Con người càng ngày càng trở nên dửng dưng trước tình cảnh bi đát và đáng thương của người đồng loại. Điều đó nói lên sự suy thoái và biến chất của giáo dục và đạo đức nơi con người thời nay. Đó cũng là lời cảnh tỉnh và mời gọi mỗi người chúng ta hãy làm một điều gì đó thiết thực để thể hiện tình thương và lòng nhân ái của mình.

Lạy Chúa, xin cho chúng con mặc lấy trái tim của Chúa để luôn biết chạnh lòng thương, biết rung cảm trước nỗi đau và tình cảnh khốn cùng của anh chị em con.

Lm. Antôn P. Nguyễn Phi Tiến, SVD

Thứ Ba – Ngày 6 – Tháng 8

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XVIII

CHÚA HIỂN DUNG. Lễ kính. (Tr).

Bài đọc 1 : Đn 7,9-10.13-14

Bài đọc 2 : 2Pr 1,16-19

Tin Mừng : Lc 9,28b-36

Khi ấy, Đức Giêsu lên núi cầu nguyện, đem theo các ông Phêrô, Gioan và Giacôbê.

Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói lòa. Và kìa, có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Môsê và ông Êlia. Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc Xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giêrusalem. Còn ông Phêrô và đồng bạn thì ngủ mê mệt, nhưng khi tỉnh hẳn, các ông nhìn thấy vinh quang của Đức Giêsu và hai nhân vật đứng bên Người. Đang lúc hai vị này từ biệt Đức Giêsu, ông Phêrô thưa với Người rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia”. Ông không biết mình đang nói gì. Ông còn đang nói, thì bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Khi thấy mình vào trong đám mây, các ông hoảng sợ. Và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người !” […]

HÃY VÂNG NGHE LỜI NGƯỜI

Truyền thống giáo dục theo văn hóa Á Đông đề cao sự vâng lời. Chúa Giêsu cũng đã vâng lời Chúa Cha và điều đó làm Chúa Cha hài lòng (x. Mt 17,5). Còn trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Cha nhắn nhủ các môn đệ hãy vâng nghe lời Chúa Giêsu.

Thật vậy, Chúa Giêsu vâng lời Chúa Cha để bước vào cuộc tử nạn thập giá. Người vâng lời Cha cho đến hơi thở cuối cùng. Vì thế, Người cũng muốn chúng ta cũng học cách vâng lời như Người. Vâng nghe lời Chúa là biết từ bỏ ý riêng của mình và tin tưởng, phó thác hoàn toàn vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Nhờ đó, chúng ta trở thành những người con đẹp lòng Thiên Chúa.

Hơn nữa, muốn học được đức vâng lời, chúng ta cần phải biết đón nhận ơn của Chúa Thánh Thần. Chính nhờ Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ biến đổi bản thân. Ơn của Thánh Thần sẽ giúp chúng ta biết cách sống đẹp lòng Thiên Chúa trong tất cả mọi sự.

Do đó, muốn được nên “con yêu dấu của Thiên Chúa” như Chúa Giêsu thì chúng ta cần phải “vâng nghe lời” Chúa Cha; không chỉ nghe bằng tai, bằng mắt mà còn nghe bằng lòng trí và bằng cả cuộc sống của mình nữa. Muốn được như thế chúng ta phải siêng năng gặp gỡ Người khi tham dự Thánh Lễ, qua việc siêng năng đọc, suy niệm Lời Chúa hằng ngày và sống theo những gì Chúa Giêsu đã dạy.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa để trở nên những người con đẹp lòng Chúa.

Lm. Gioan Đinh Quốc Tĩnh, SVD

Thứ Tư – Ngày 7 – Tháng 8

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XVIII

Thánh Cajêtanô, linh mục (Tr).

Bài đọc : Ds 13,1-2.25-14,1.26.34-35

Tin Mừng : Mt 15,21-28

Khi ấy, Đức Giêsu lui về miền Tia và Xiđôn, thì này có một người đàn bà Canaan, ở miền ấy đi ra, kêu lên rằng: “Lạy Ngài là Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm!” Nhưng Người không đáp lại một lời. Các môn đệ lại gần xin với Người rằng: “Xin Thầy bảo bà ấy về đi, vì bà ấy cứ theo sau chúng ta mà kêu mãi!” Người đáp: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Ítraen mà thôi.” Bà ấy đến bái lạy mà thưa Người rằng: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi!” Người đáp: “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con.” Bà ấy nói: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống.” Bấy giờ Đức Giêsu đáp: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy.” Từ giờ đó, con gái bà được khỏi.

ĐỨC TIN VƯỢT THỬ THÁCH

Trái ngược với những nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái cứng lòng, không chịu tin vào Đức Giêsu dù đã chứng kiến bao phép lạ Người làm, bà góa miền Samari lại có một niềm tin tưởng sắt son vào Đức Giêsu. Đức tin bà lớn đến độ lời đáp trả của Đức Giêsu dành cho thỉnh cầu của bà xem ra đầy khinh miệt, rằng “không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con” (Mt 15,7), cũng không làm bà ngã lòng. Khi tuyên xưng Đức Giêsu là con vua Đavít (x. Mt 15,22), hẳn là bà đã có được cảm thức sâu xa và đầy tin tưởng đối với Đức Giêsu, rằng nơi Người có sức mạnh và tình yêu vượt mọi biên giới của khác biệt và kỳ thị tôn giáo, dù là người Do Thái hay Samari chăng nữa.

Chúng ta có lý do để cho rằng vì quá thương con gái khổ sở do quỷ ám nên người mẹ Samari đó đã dằn lòng chịu những lời khó nghe từ vị Thầy đầy tiếng tốt và quyền năng. Tuy nhiên, nếu không thâm tín rằng Đức Giêsu có thể chữa lành và sẽ chữa lành con bà, bà đã không chịu tủi nhục như thế.

Đức Giêsu khen ngợi đức tin của bà, dù bà được coi là ngoại giáo. Phần chúng ta, là những Kitô hữu chính danh, liệu có mấy ai trong chúng ta có đức tin đủ lớn vượt qua cả những sự tủi nhục và khinh khi? Có đức tin đủ lớn để tin rằng, sau tất cả, kể cả khi xem ra Chúa lặng thinh và xa cách chúng ta, Chúa vẫn là Đấng hằng săn sóc chúng ta? Sau tất cả, chúng ta có thâm tín rằng ngay cả khi chúng ta thấy mình bất xứng và tội lỗi, chúng ta vẫn luôn có chỗ trong trái tim Thiên Chúa hay không?

Lạy Chúa xin ban thêm niềm tin cho con để con vững tin bước cùng Ngài qua mọi gian lao thử thách.

Tu Sĩ Phanxicô Xaviê Nguyễn Du Trí, SVD

Thứ Năm – Ngày 8 – Tháng 8

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XVIII

Thánh Đaminh, linh mục. Lễ nhớ (Tr).

Bài đọc : Ds 20,1-13

Tin Mừng : Mt 16,13-23

Khi ấy, Đức Giêsu đến miền Xêdarê Philípphê. Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai?” Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ.” Đức Giêsu lại hỏi: “Còn anh em, anh em nói Thầy là ai?” Ông Simon Phêrô thưa: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Đức Giêsu nói với ông: “Này anh Simon con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.” […]

NGƯỜI LÀ AI ĐỐI VỚI TÔI?

“Còn anh em, anh em nói Thầy là ai?” Các môn đệ nghe người ta nói nhiều về Đức Giêsu, nhưng Người muốn biết chính các ông hiểu gì về Thầy mình sau nhiều năm theo Thầy. Câu hỏi Chúa Giêsu

đặt ra cho môn đệ xưa cũng chính là câu hỏi Chúa đặt ra cho mỗi người chúng ta hôm nay.

Trước hết, Đức Giêsu hỏi các môn đệ: “Người ta bảo Thầy là ai?” Người khác nói về căn tính của Ngài không hoàn toàn chính xác nhưng bên trong đó cũng ẩn chứa một phần sự thật. Và một phần sự thật ấy có thể giúp cho người ta có một cái nhìn chính xác về Chúa và căn tính của Người hơn.

Sau đó, Đức Giêsu hỏi: “Anh em bảo Thầy là ai?” Với câu hỏi này, Đức Giêsu đòi những ai muốn theo Ngài làm môn đệ phải trả lời ở một mức độ riêng tư hơn, cùng với một sự hiểu biết sâu xa hơn về Thiên Chúa. Nhưng làm thế nào để có thể biết, hiểu và kể lại cho người khác về Chúa bằng chính kinh nghiệm của mình?

Có thể nói, để cảm nghiệm và trả lời được câu hỏi của Đức Giêsu không dễ dàng chút nào. Thật vậy, Người theo Chúa không thể trả lời cách thoả đáng câu hỏi của Chúa Giêsu chỉ bằng những hiểu biết đôi khi còn rất giới hạn về Ngài,  mà quan trọng hơn là trả lời bằng chính cảm nghiệm qua sự gặp gỡ cá nhân với Chúa và qua việc thực thi Lời của Ngài.

Lạy Chúa, xin cho con cảm nghiệm được tình yêu mà Chúa dành cho con, để dù giữa những đau khổ, thử thách của cuộc sống, con luôn kiên vững và an vui trong bổn phận và sứ vụ của mình.

Tu sĩ Phêrô Nguyễn Thành Trung, SVD

Thứ Sáu – Ngày 9 – Tháng 8

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XVIII

Thánh Têrêsa Bênêđicta Thánh Giá, nữ tu, tử đạo (Đ).

Bài đọc : Đnl 4,32-40

Tin Mừng : Mt 16,24-28

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình? “Vì Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm. Thầy bảo thật anh em: trong số người có mặt ở đây, có những kẻ sẽ không phải nếm sự chết trước khi thấy Con Người đến hiển trị.”

CÁI GIÁ PHẢI TRẢ

Chinh phục đỉnh núi càng cao thì gian nan càng nhiều; thành công càng lớn thì khó khăn càng chồng chất. Con đường vinh quang chắc chắn phải băng qua rất nhiều chông gai sỏi đá. Vậy nên người đời mới có câu: “Cái gì cũng có giá của nó”.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Thầy Giêsu đưa ra những điều kiện hết sức khó khăn cho những ai muốn bước theo Người làm môn đệ. Họ phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mỗi ngày và thậm chí là phải hy sinh tính mạng. Phải chăng Thầy Giêsu đã đòi hỏi quá cao khi đưa ra một cái giá đắt như thế?

Quả thật, cái gì cũng có cái giá của nó. Không giống như các danh sư lỗi lạc, những người vốn dĩ có thể mang lại cho môn đệ tri thức hay một mẫu gương đời sống nhân đức, Thầy Giêsu là con người và cũng là Thiên Chúa, là đường, là sự thật và là sự sống. Chỉ có Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời.

Hơn nữa, không giống như các danh nhân lỗi lạc, sống cuộc đời ngắn ngủi để rồi chôn vùi trong nấm mồ lạnh lẽo, Thầy Giêsu luôn sống và đồng hành một cách sống động với từng môn đệ. Thầy bảo ban dạy dỗ. Thầy nâng đỡ an ủi. Thầy che chở giữ gìn. Hơn thế nữa, sau hành trình dương thế, người môn đệ không bị bỏ mặc trong nấm mồ sự chết, nhưng được Thầy Giêsu mở rộng vòng tay, chào đón họ nơi cõi vinh phúc trường cửu. Với những mối lợi đó, thiết nghĩ cái giá để làm môn đệ Thầy Giêsu xem ra chẳng đáng là bao.

Lạy Thầy Giêsu, con cảm tạ Ngài vì đã thương chọn con làm môn đệ, xin giúp con sống sao cho xứng danh là môn đệ Chúa.

Tu sĩ Phêrô Hoàng Văn Toàn, SVD

Thứ Bảy – Ngày 10 – Tháng 8

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XVIII

Thánh Laurensô, Phó tế, Tử đạo. Lễ kính (Đ).

Bài đọc : 2Cr 9,6-10

Tin Mừng : Ga 12,24-26

Khi ấy, Chúa Giêsu nói cùng các môn đệ rằng: “Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình, còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Ai yêu quý mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời. Ai phục vụ Thầy, hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha Thầy sẽ quý trọng người ấy.”

TỪ BỎ

Bài Tin Mừng hôm nay cho tôi một cảm nghĩ về sự từ bỏ. Đó là sự từ bỏ theo gương mẫu của Đức Kitô trong việc tự hiến chính mình làm giá chuộc cho nhân loại.

Hình ảnh hạt lúa mì gieo vào lòng đất cũng chính là khởi đầu cho niềm hi vọng. Người gieo hạt giống chắc chắn không muốn hạt giống ấy cứ mãi trơ trọi không nảy mầm. Hạt giống trước hết phải chấp nhận “mục nát” ra, chấp nhận không còn nguyên vẹn để mầm sống mới được phát triển. Chính Đức Giêsu là hạt lúa mì gieo vào lòng đời, là niềm hi vọng của toàn thể nhân loại.

Từ bỏ chưa bao giờ là điều dễ dàng đối với bất cứ ai, hơn thế nữa dám từ bỏ ngay cả mạng sống mình thì càng khó gấp bội. Hạt lúa mang tên Giêsu đã chấp nhận hiến thân, chấp nhận tự hủy để cho cánh đồng Giáo Hội được bội thu.

Mỗi Kitô hữu cũng là một hạt lúa được trổ sinh từ mầm sống mới trong cuộc tử nạn và phục sinh của Đức Giêsu. Mỗi hạt lúa mới này luôn được mời gọi để sống như hạt lúa Giêsu. Thế nhưng mấy ai dám đi con đường mà Thầy Chí Thánh đã đi, mấy ai dám từ bỏ ngay cả mạng sống mình vì người khác. Đòi hỏi này cỏ vẻ rất khó trong thời đại ngày nay nhưng điều đó không có nghĩa là người Kitô hữu không làm được. Mỗi khi chúng ta dám từ bỏ một thói quen xấu, dám khước từ một cơ hội phạm tội là chúng ta đang gieo niềm hy vọng cho cuộc sống mai sau. Việc từ bỏ những đam mê, từ bỏ con đường tội lỗi cũng có nghĩa là chúng ta đang trở nên hạt lúa chịu “mục nát” đi để sinh những bông hạt mới.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con lòng can đảm để vượt thắng những đam mê xác thịt hầu dám chấp nhận những thách đố trong cuộc sống mà từ bỏ con đường tội lỗi.

Tu sĩ Giuse Lê Văn Tuấn, SVD

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật tuần 18 Thường Niên – Năm C
Bài tiếp theoTĩnh Tâm Giới Trẻ tại Thái Lan, Mùa Hè năm 2019

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.