Thường Niên – Tuần XVII – Năm B

0
370

Chúa Nhật – Ngày 29 – Tháng 7

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XVII

(Không cử hành lễ Thánh nữ Mácta.)

Bài đọc 1 : 2 V 4,42-44

Bài đọc 2 : Ep 4,1-6

Tin Mừng : Ga 6,1-15

Khi ấy, Chúa Giêsu đi sang bên kia biển Galilêa, cũng gọi là Tibêria. Có đám đông dân chúng theo Người, vì họ đã thấy những phép lạ Người làm cho những kẻ bệnh tật. Chúa Giêsu lên núi và ngồi đó với các môn đệ. Lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do Thái đã gần tới. Chúa Giêsu ngước mắt lên và thấy đám rất đông dân chúng đến với Người. Người hỏi Philipphê: “Ta mua đâu được bánh cho những người này ăn?” Người hỏi như vậy có ý thử ông, vì chính Người đã biết việc Người sắp làm. Philipphê thưa: “Hai trăm bạc bánh cũng không đủ để mỗi người được một chút”. Một trong các môn đệ, tên là Anrê, em ông Simon Phêrô, thưa cùng Người rằng: “Ở đây có một bé trai có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng bấy nhiêu thì thấm vào đâu cho từng ấy người”. Chúa Giêsu nói: “Cứ bảo người ta ngồi xuống”. Nơi đó có nhiều cỏ, người ta ngồi xuống, số đàn ông độ năm ngàn. Bấy giờ Chúa Giêsu cầm lấy bánh, và khi đã tạ ơn, Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn, và cá cũng được phân phát như thế, ai muốn bao nhiêu tuỳ thích. Khi họ đã ăn no nê, Người bảo các môn đệ: “Hãy thu lấy những miếng còn lại, kẻo phí đi”. Họ thu lại được mười hai thúng đầy bánh vụn do năm chiếc bánh lúa mạch người ta đã ăn mà còn dư […].

THẾ LÀ ĐỦ…

Đức Giêsu nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình thì chạnh lòng thương và muốn cho họ được no nê cơm bánh, nhưng “ở đây chỉ có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá.”

Năm chiếc bánh và hai con cá tuy không đáng kể trước đám đông khoảng năm ngàn người, nhưng Đức Giêsu đã làm cho nó ra đáng kể, là đủ và còn dư thừa nữa. Một chiếc bánh nhỏ dành tặng cho những người đang thật sự cần vì đói có thể giúp người ta cảm thấy ấm lòng và cuộc sống có ý nghĩa hơn vì còn có người quan tâm và yêu thương mình. Một ổ bánh chẳng đáng là gì nhưng nó là món quà của sự sẻ chia.

Tin Mừng hôm nay nhắc nhở tôi rằng thế giới hôm nay vẫn còn nhiều người đói kém và bị bỏ rơi. Nhưng đứng trước tình cảnh đó, rất nhiều người vẫn dửng dưng tự trấn an bản thân rằng mình chẳng có gì đáng kể để chia sẻ. Người ta nghĩ rằng cái họ đang có chẳng đáng gì, nhưng thực ra nếu họ biết sẻ chia cái “chẳng đáng gì” đó, thì thế giới sẽ tốt đẹp hơn biết chừng nào. Bất cứ sự chia sẻ nào, dù lớn hay nhỏ, nếu được sẻ chia với tất cả tấm lòng thành và tình thương mến, thì sẽ đem lại một giá trị lớn lao cho người lãnh nhận. Nếu có thêm những người biết trao ban, thì thế giới này sẽ bớt đi những người bất hạnh, đói khát và khổ đau.

Lạy Chúa, xin cho con biết mở lòng cho đi cái con đang có để làm đủ cho người anh chị em con đang cần. Amen.

Lm. Gioan Baotixita Nguyễn Văn Đồng, SVD

Thứ Hai – Ngày 30 – Tháng 7

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XVII

Lễ thánh Phêrô Kim Ngôn, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh.

Bài đọc : Gr 13,1-11

Tin Mừng : Mt 13,31-35

Khi ấy, Đức Giêsu trình bày cho dân chúng nghe một dụ ngôn khác. Người nói: “Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình. Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ lớn nhất; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được.” Người còn kể cho họ một dụ ngôn khác: “Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.” Tất cả các điều ấy, Đức Giêsu dùng dụ ngôn mà nói với đám đông; và Người không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn, hầu ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ: Mở miệng ra, tôi sẽ kể dụ ngôn, công bố những điều được giữ kín từ tạo thiên lập địa.

ĐỨC TIN & MẦU NHIỆM NƯỚC TRỜI

Khi suy niệm về dụ ngôn hạt cải trong Tin Mừng hôm nay, tôi lại nhớ về vài câu thơ của nhà thơ Lê Đình Bảng:

Cho tôi một lòng tin

Nhỏ nhoi như hạt cải

Cho tôi làm cỏ dại

Ở bên đường không tên.

Chúng ta thường cất công đi tìm Nước Trời mà chẳng biết rằng, giá trị đích thực của Nước Trời vừa xa tận chân trời vừa gần ngay trước mặt. Giá trị Nước Trời đó chỉ có thể cảm nhận được với đức tin.

Tôi không biết đức tin của tôi mạnh mẽ và to lớn đến chừng nào, nhưng tôi xác tín rằng đức tin của tôi chính một món quà, là hồng ân lớn lao mà Thiên Chúa đã ban tặng cho tôi. Dù rằng nó không có hình hài, sắc thái và lý trí của chúng ta không thể thấu hiểu, nhưng tôi có thể cảm nhận được đức tin đang lớn dần trong tôi theo thời gian và chính từ đức tin  bé nhỏ như hạt cải, như cỏ dại bên đường ấy đã nâng đỡ tôi trong những lần tôi vấp ngã và từng bước dẫn tôi tới mầu nhiệm Nước Trời; đó là mầu nhiệm được giữ kín đối với những người xem mình là thông thái và hiểu biết, nhưng lại hé lộ cho những kẻ bé mọn, những người có lòng tin đơn sơ và chân thành.

Lạy Chúa, chúng con thật diễm phúc vì được Ngài tác tạo theo hình ảnh của Ngài, và hạnh phúc hơn khi trên cuộc lữ hành trần gian này, chúng con còn được Ngài ban tặng một món quà vô giá là đức tin. Xin Ngài luôn đồng hành chở che đức tin bé nhỏ mềm yếu của chúng con trước những sóng gió của hành trình làm người, để đức tin luôn là ngọn đèn soi dẫn chúng con tới những giá trị của Nước Trời.

Tu sĩ Phêrô Trần Thái Đức, SVD

Thứ Ba – Ngày 31 – Tháng 7

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XVII

Thánh Inhaxiô Loyôla, linh mục. Lễ nhớ (Tr).

Bài đọc : Gr 14,17-22

Tin Mừng : Mt 13,36-43

Khi ấy, Đức Giêsu bỏ đám đông mà về nhà. Các môn đệ lại gần Người và thưa rằng: “Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe.” Người đáp: “Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần. Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe.”

CÁI NHÌN CỦA CHÚA

Thiên Chúa thì tốt lành, còn tội lỗi là sự dữ xấu xa. Và con người thường đặt ra vấn nạn: tại sao Thiên Chúa tốt lành lại để sự dữ tràn lan? Đúng thật, tội lỗi là sự dữ xấu xa và Thiên Chúa chẳng ưa thích tội lỗi. Nhưng Ngài ghét tội chứ không ghét tội nhân. Do đó, dưới cái nhìn của Thiên Chúa, tất cả sẽ được sàng lọc vào cuối “mùa gặt”. Đó cũng là ý nghĩa mà Đức Giêsu đã giải thích cho các môn đệ trong dụ ngôn cỏ lùng (x. Mt 13,36-43).

Theo lẽ thường, người nông dân luôn muốn nhổ sạch cỏ trong ruộng lúa của mình vì cỏ chỉ làm hại lúa. Cỏ lấn át sự phát triển của lúa; cỏ là kẻ thù của lúa. Đã là kẻ thù, con người luôn muốn loại trừ càng sớm càng tốt: “Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không?” (Mt 13,28). Nhưng tư tưởng Thiên Chúa không như vậy. Ngài luôn nhìn với con mắt bao dung: “Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt” (Mt 13,30).

“Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,16). Người luôn nhìn nhân loại dưới ánh mắt bao dung và gọi mời. Người thấy nơi cô Maria Mađalêna một tội nhân biết yêu mến nhiều. Người thấy nơi Giakêu một tấm lòng quảng đại. Còn với tôi, Người đang nhìn với lòng kiên nhẫn và mong muốn tôi sẽ “ra đi” để “trở về”. Dưới cái nhìn của Thiên Chúa, mọi điều có thể trở nên tốt đẹp. Mọi tội lỗi đều là “tội hồng phúc” dưới ánh mắt của Người. Người muốn chờ tôi thay đổi để trở nên tốt, hơn là tìm kiếm lầm lỗi của tôi để trừng phạt.

Lạy Chúa, con là một tội nhân. Xin Ngài hãy ban cho con lòng tin vững mạnh, một mảnh đất tâm hồn, để nhờ đó con cải biến được “cỏ lùng” thành “cây lúa trĩu hạt” giữa lòng đời.

Tu sĩ Giuse M. Phạm Văn Thế, SVD

Thứ Tư – Ngày 01 – Tháng 8

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XVII

Bài đọc : Gr 15, 10.16-21

Tin Mừng : Mt 13,44-46

Khi ấy, Đức Giêsu kể cho dân chúng nghe dụ ngôn này: “Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy. “Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.”

GIÁ TRỊ CỦA NƯỚC TRỜI

Để từ bỏ một điều gì thuộc về sở hữu của riêng mình thì thật là khó. Từ bỏ những gì quý giá, những gì gắn liền và đảm bảo cho cuộc sống chúng ta, thì lại càng khó hơn. Tuy vậy, trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho thấy điều quý giá hơn cả, quý đến nỗi người ta sẵn sàng từ bỏ tất cả để chiếm hữu: đó là Nước Trời.

Nước Trời không phải chỉ mong là gặp, muốn là có hay khi có đầy đủ mọi thứ trên thế gian này mới lo đi tìm. Nước Trời chỉ dành cho những ai biết tìm với lòng thành, và khi tìm được thì sẵn sàng chấp nhận đánh đổi mọi thứ mình đang có để chiếm hữu cho bằng được. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận thấy giá trị của Nước Trời, hay đặt Nước Trời làm ưu tiên cao nhất.

Chàng thanh niên mong mỏi có được sự sống đời đời, nghĩa là giá trị của Nước Trời, nhưng anh ta không dám bán hết của cải anh có để đổi lấy giá trị đó. Trái lại, trong đoạn Tin Mừng hôm nay, thánh Mátthêu cho thấy giá trị cao quý của Nước Trời qua hành động của hai người, một đi tìm kho báu và một đi tìm ngọc quý. Cả hai có chung một hành động hết sức táo bạo là “vui mừng và đi bán tất cả những gì mình có” để mua cho được thửa ruộng có kho báu, hay viên ngọc quý.

Là Kitô Hữu, chúng ta cũng được mời gọi mở con mắt đức tin để nhận thấy giá trị của Nước Trời. Và để có được Nước Trời, chúng ta cần phải có thái độ dứt khoát, từ bỏ đi mọi vướng bận của thế gian; “bán hết tất cả mình có” cũng đồng nghĩa với việc ta không còn gì cả, ngoại trừ Thiên Chúa và đức công chính của Người; mọi thứ khác Người sẽ bù đắp cho ta (x. Mt 6,33).

Lạy Chúa, xin cho con có ơn khước từ mọi mời mọc, lôi cuốn của thể gian để con dễ dàng coi nhẹ mọi vướng bận, dám từ bỏ tất cả, để có được Nước Trời là chính Chúa.

Tu sĩ Phêrô Hoàng Quốc Việt, SVD

Thứ Năm – Ngày 02 – Tháng 8

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XVII

Bài đọc : Gr 18,1-6

Tin Mừng : Mt 13,47-53

Khi ấy, Đức Giêsu kể cho dân chúng nghe dụ ngôn này “Nước Trời giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài. Đến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính, rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng. “Anh em có hiểu tất cả những điều ấy không?” Họ đáp: “Thưa hiểu.” Người bảo họ: “Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ.” Khi Đức Giêsu kể các dụ ngôn ấy xong, Người đi khỏi nơi đó.

CÁ TỐT HAY CÁ XẤU

Cổ nhân có câu: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” để giải thích cho việc thành, bại của con người; và cũng là để nói lên sự giới hạn của con người trước Đấng Tạo Hoá.

Tin Mừng hôm nay cho ta thấy viễn cảnh của ngày chung cuộc, ngày mà cá tốt và cá xấu, tức là người lành và kẻ dữ bị tách biệt để được hạnh phúc hay phải chịu đau khổ (Mt 13,49-50). Trình thuật của Mátthêu khiến người đọc có cảm tưởng Thiên Chúa như một ông chủ thu gom cái tốt rồi cất đi, còn cái xấu thì vứt bỏ mà không mảy may quan tâm đến xuất xứ, tiến trình phát triển hay tha hoá của chúng. Đúng hơn, Mátthêu muốn trình bày cho độc giả hiểu rằng Giáo Hội là nơi để con người có thể đạt đến hạnh phúc đích thực, tuy thế, nơi đó vẫn tồn tại cả cá tốt lẫn cá xấu.

Đức tin Kitô giáo dạy cho chúng ta biết rằng: ơn cứu độ đến từ Đức Kitô, song, sự gắng sức của con người cũng không phải là điều hoài phí. Nói như thánh Augustinô: để sáng tạo nên ta, Thiên Chúa không cần hỏi ta, nhưng để cứu độ ta, Thiên Chúa cần sự cộng tác của ta. Điều ấy có nghĩa là những cố gắng của chúng ta trong đời sống thường ngày đều có giá trị, và nhờ ơn Chúa giúp, chúng ta sẽ đạt được điều mình mong ước. Rõ ràng, không thể phủ nhận sự trợ giúp đến từ Thiên Chúa, nhưng cũng không thể phó mặc cho lòng ái tuất của Ngài một cách “vô trách nhiệm”. Thiên Chúa ban cho con người những ơn cần thiết để có thể đạt đến ơn cứu độ. Là cá tốt hay cá xấu trong ngày sau cùng cần phải có sự gắng sức từ hôm nay.

Lạy Chúa, xin ban thêm sức mạnh cho chúng con để chúng con biết chu toàn bổn phận, trách nhiệm trong đời sống thường ngày, để chúng con biết sống tốt như Chúa truyền dạy, hầu đáng được hưởng hạnh phúc mai sau.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Công Lai, SVD

Thứ Sáu – Ngày 03 – Tháng 8

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XVII

Bài đọc : Gr 26,1-9

Tin Mừng : Mt 13,54-58

Khi ấy, Đức Giêsu về quê, giảng dạy dân chúng trong hội đường của họ, khiến họ sửng sốt và nói: “Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế? Ông không phải là con bác thợ sao? Mẹ của ông không phải là bà Maria; anh em của ông không phải là các ông Giacôbê, Giôxếp, Simôn và Giuđa sao? Và chị em của ông không phải đều là bà con lối xóm với chúng ta sao? Vậy bởi đâu ông ta được như thế?” Và họ vấp ngã vì Người. Nhưng Đức Giêsu bảo họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi.” Người không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ không tin.

LÝ LỊCH XẤU

Sau những thành công vang dội nơi đất khách quê người, Đức Giêsu trở làng Nadarét để rao giảng Tin Mừng trên chính quê hương của Ngài. Tuy nhiên, những người đồng hương tuy kinh ngạc, sửng sốt về giáo huấn nhưng lại xem thường Đức Giêsu khiến Ngài thất vọng.

Thay vì hãnh diện và tự hào bởi quê hương có một người nổi tiếng “công thành danh toại”, cư dân Nadarét lại nặng nề định kiến về hoàn cảnh xuất thân nên họ không thể tin nhận Đức Giêsu; Ngài bị quê hương chối bỏ chỉ vì “sơ yếu lý lịch” không có gì nổi bật, mà chỉ là “con bác thợ”. Mặc dầu vậy, Đức Giêsu không tìm cách để làm cho người ta phải tin; Ngài không làm phép lạ để khẳng định mình cũng như chiều theo sở thích hay sự hiếu kỳ và thách thức của dân chúng.

Người Nadarét không những biết Đức Giêsu mà còn nắm rõ cả gia đình và gia tộc. Họ tưởng rằng mình biết nhiều,  biết đủ nhưng chính cái biết ấy lại ngăn cản họ đến với một chân lý lớn hơn là tin nhận Đức Giêsu chính là Đấng được Thiên Chúa sai đến loan báo Nước Trời cho họ. Lối suy nghĩ thiên lệch, định kiến của người Nadarét làm họ mất cơ hội được nhận biết và tôn thờ Con Thiên Chúa làm người.

Mỗi người là một mầu nhiệm không dễ gì múc cạn chỉ với một vài sự hiểu biết về gốc gác hay tính tình. Cái nhìn định kiến là một trở ngại cho sự thấu hiểu mầu nhiệm về từng con người. Tuy nhiên, vượt qua cái nhìn định kiến để chân nhận giá trị của nhau là một đòi buộc của đời sống huynh đệ chân thành. Không ai bị xem là có “lý lịch xấu” nếu người ta biết khám phá và nhận ra những điểm tốt của nhau.

Lạy Chúa, xin ban cho con sự khôn ngoan sáng suốt, để đừng bao giờ đánh giá một ai dựa vào hình thức bên ngoài hay chỉ dựa trên lý lịch của họ. Amen.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Linh, SVD

Thứ Bảy – Ngày 04 – Tháng 8

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XVII

Thánh Gioan Maria Vianê, linh mục. Lễ nhớ (Tr).

Bài đọc : Gr 26,11-16.24

Tin Mừng : Mt 14,1-12

Khi ấy, tiểu vương Hêrôđê nghe danh tiếng Đức Giêsu, thì nói với những kẻ hầu cận rằng: “Đó chính là ông Gioan Tẩy Giả; ông đã từ cõi chết trỗi dậy, nên mới có quyền năng làm phép lạ.” Số là vua Hêrôđê đã bắt trói ông Gioan và tống ngục vì bà Hêrôđia, vợ ông Philípphê, anh của nhà vua. Ông Gioan có nói với vua: “Ngài không được phép lấy bà ấy.” Vua muốn giết ông Gioan, nhưng lại sợ dân chúng, vì họ coi ông là ngôn sứ. Vậy, nhân ngày sinh nhật của vua Hêrôđê, con gái bà Hêrôđia đã biểu diễn một điệu vũ trước mặt quan khách, làm cho nhà vua vui thích. Bởi đó, vua thề là hễ cô xin gì, vua cũng ban cho. Nghe lời mẹ xui bảo, cô thưa rằng: “Xin ngài ban cho con, ngay tại chỗ, cái đầu ông Gioan Tẩy Giả đặt trên mâm.” Nhà vua lấy làm buồn, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên truyền lệnh ban cho cô. Vua sai người vào ngục chặt đầu ông Gioan […]

TINH THẦN NGÔN SỨ – VĂN HOÁ NƯỚC TRỜI

Có hai biến cố nổi bật trong bài Tin Mừng hôm nay: một là số phận của Gioan, một vị ngôn sứ của Chúa; hai là vương quyền của vua Hêrôđê. Điểm nối kết của hai biến cố này là vị ngôn sứ của Chúa bị giết hại bởi vương quyền của vua trần gian.

Gioan Tẩy Giả cũng phải nhận kết cục như rất nhiều ngôn sứ khác trong lịch sử: phải trả giá bằng mạng sống của mình để nói lên tiếng nói của Thiên Chúa. Nói sự thật, đó là tinh thần ngôn sứ, là văn hoá Nước Trời. Thân phận của ngôn sứ Gioan Tẩy Giả một lần nữa cho tôi thấy không dễ dàng cho tôi noi theo gương các vị.

Quyền năng của Thiên Chúa đã rất nhiều phen chịu thua quyền uy của vua chúa trần gian. Vương quyền và đe doạ là nỗi sợ hãi khiến nhiều người không dám nói lên sự thật. Nói sự thật đồng nghĩa với trù dập và nhiều khi là mất mạng. Tinh thần ngôn sứ bất chấp uy quyền của vua chúa, dù có bị đe doạ, tinh thần ấy vẫn khiến vị ngôn sứ phải nói lời chân lý của Chúa cho con người. Rất ít người sống được tinh thần ấy, nhất là trong xã hội tôi đang sống. Không nhiều người dám sống tinh thần ngôn sứ, tinh thần của sự thật. Cũng chẳng có nhiều người dám nghe sự thật, vì “sự thật mất lòng”. Nhưng sẽ thế nào nếu tôi mãi im lặng trước những điều cần tôi lên tiếng?

 Chúa vẫn tiếp tục khuyến khích con cái của Ngài sống tinh thần ngôn sứ. Vương quyền của Thiên Chúa chắc chắn trổi vượt hơn uy quyền của thế gian. Tôi phải nhận diện chính mình trong việc sống lời Chúa, sống sự thật như thế nào. Đó là cơ sở để tôi có thể lên tiếng sửa dạy hay góp ý cho người khác.

Lạy Chúa, xin cho con biết chân thành đón nhận những ý kiến và những lời góp ý của người khác để biết sửa mình. Xin Thánh Thần Chúa thêm sức cho con đủ can đảm và khôn ngoan trong cuộc sống.

Tu sĩ Gioan Baotixita Phan Lĩnh, SVD

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 17 Thường Niên – Năm B
Bài tiếp theoVIDEO: SVD – VIETNAM PROVINCE INTRODUCTION (English Version)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.