Chúa Nhật – Ngày 24 – Tháng 6 – Năm 2018
MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XII
SINH NHẬT THÁNH GIOAN TẨY GIẢ
Lễ trọng (Tr).
Bài đọc 1 : Is 49,1-6
Bài đọc 2 : Cv 13,22-26
Tin Mừng : Lc 1,57-66.80
Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Êlisabét sinh hạ một con trai. Nghe biết Chúa đã quá thương bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà. Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì, và tính lấy tên cha là Dacaria mà đặt cho em. Nhưng bà mẹ lên tiếng nói: “Không, phải đặt tên cháu là Gioan.”
Họ bảo bà: “Trong họ hàng của bà, chẳng ai có tên như vậy cả.” Rồi họ làm hiệu hỏi người cha, xem ông muốn đặt tên cho em bé là gì. Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết: “Tên cháu là Gioan.” Ai nấy đều bỡ ngỡ. Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra, ông nói được, và chúc tụng Thiên Chúa. Láng giềng ai nấy đều kinh sợ. Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giuđê. Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi: “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?” Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em. Cậu bé càng lớn lên thì tinh thần càng vững mạnh. Cậu sống trong hoang địa cho đến ngày ra mắt dân Ítraen.
TRỞ NÊN VỊ TIỀN HÔ CỦA CHÚA
Ngoài Chúa Giêsu thì Giáo Hội chỉ mừng kính ngày sinh nhật của Mẹ Maria và thánh Gioan Tẩy Giả mà thôi. Khi mừng kính trọng thể lễ sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả, Giáo Hội nhắc nhớ chúng ta về vai trò quan trọng của nhân, một vị tiền hô đi trước để dọn đường cho Chúa Giêsu đến.
Thánh Gioan Tẩy Giả đã nhận ra được ơn huệ mà Thiên Chúa trao ban cho chính mình qua tên gọi (Gioan có nghĩa là Thiên Chúa Thi Ân), cũng như những biến cố xảy đến trong cuộc đời của ngài. Cho nên ngài đã đáp trả trọn vẹn bằng chính cả cuộc đời và cái chết của mình để loan báo về Đấng Cứu Thế.
Mỗi người chúng ta được sinh ra cũng có vai trò, sứ mạng trở nên những “vị tiền hô” dọn đường cho Chúa bằng chính đời sống của chúng ta. Bởi lẽ, những khả năng cùng chúng ta có cùng với biết bao ơn lành trong đời sống thường nhật đều đến từ Thiên Chúa. Cho nên chúng ta cần nhận ra để theo gương thánh Gioan Tẩy Giả mà đáp trả cho Thiên Chúa.
Đó là sứ mạng của mỗi người và để có thể hoàn thành sứ mạng, mỗi người chúng ta hãy luôn sống trong tâm tình biết ơn và cảm tạ Thiên Chúa vì đã yêu thương mời gọi chúng ta hiện diện trong cuộc sống dương gian này. Đồng thời, chúng ta cũng cần xem xét lại thái độ của bản thân mình đối với sứ mạng Chúa trao, để sống tích cực và hữu ích hơn cho Chúa và cho tha nhân.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn ý thức được sứ mạng mà Chúa trao phó cho mỗi người chúng con, để nhờ đó chúng con biết sống tích cực hơn, hầu góp phần làm cho nhiều người nhận biết Chúa hơn nữa. Amen.
Tu sĩ Micae Trần Quốc Thạch, SVD
Thứ Hai – Ngày 25 – Tháng 6 – Năm 2018
MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XII
Bài đọc : 2 V 17,5-8.13-15a.18
Tin Mừng : Mt 7,1-5
Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy; và anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em. Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới? Sao anh lại nói với người anh em: ‘Hãy để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt bạn’, trong khi có cả một cái xà trong con mắt anh? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em.”
XÉT ĐOÁN
Trong mỗi con người luôn có điều thiện và điều ác, điều đẹp và điều xấu. Dù sinh ra có “bản tính thiện” nhưng con người dễ nghiêng về điều xấu và hành động theo điều xấu.
Sẵn có điều xấu nơi mình, con người cũng dễ dàng xét đoán anh chị em mình hơn là xét đoán chính mình. Tôi dễ dàng xét đoán anh chị em là bởi vì tôi cho mình thiện, mình tốt, mình đẹp còn anh chị em tôi xấu xa nên tôi lên án và khinh miệt họ. Cũng có thể vì cái ác ở sẵn trong tôi nên tôi xét đoán anh chị em mình và muốn hạ bệ người khác hay làm họ phải xấu hổ. Hay tôi xét đoán anh chị em là bởi vì tôi đã cạnh tranh không lành mạnh. Tôi muốn đạp họ xuống để được nâng lên, được mọi người tán dương khen ngợi tôi hơn là họ.
Trước sự xét đoán này, Chúa Giêsu dạy tôi bài học theo Lời Chúa hôm nay rất rõ ràng và ý nghĩa. Nếu có phải xét đoán, tôi nên xét đoán chính mình trước hết, để rồi từ đó, tôi mới có cái nhìn của Chúa để xét đoán anh chị em mình. Xét đoán theo tinh thần của Chúa là xét đoán trong tình thương và chân lý, trong bao dung và tha thứ. Cái nhìn của Chúa là cái nhìn yêu thương chứ không phải căm giận. Vòng tay của Chúa là vòng tay đón nhận chứ không phải loại trừ. Lời nói của Chúa là lời mời gọi hoán cải vỗ về chứ không phải hách dịch.
Lạy Chúa Giêsu, xin sai Thánh Thần đến đổi mới tâm can để con có cái nhìn và thái độ của Chúa khi phải xét đoán điều gì đó nơi anh chị em mình. Xin giúp con có thể nhận ra nơi họ vẻ đẹp của Chúa trong tình yêu và sự thật, dù họ là người như thế nào.
Lm. Phêrô Nguyễn Trọng Đường, SVD
Thứ Ba – Ngày 26 – Tháng 6 – Năm 2018
MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XII
Bài đọc : 2 V 19,9b-11.14-21.31-35a.36
Tin Mừng : Mt 7,6.12-14
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Ðừng lấy của thánh mà cho chó, và đừng vất ngọc trai trước mặt heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi quay lại cắn xé các con.” Vậy tất cả những gì các con muốn người ta làm cho các con, thì chính các con hãy làm cho người ta như thế! Ðấy là điều mà lề luật và các tiên tri dạy.” Các con hãy vào qua cửa hẹp, vì cửa rộng và đường thênh thang là lối đưa đến hư mất, và có nhiều kẻ đi lối ấy; cửa và đường đưa tới sự sống thì chật hẹp, và ít kẻ tìm thấy”.
CỬA VÀO NƯỚC TRỜI
Đức Giêsu tổng hợp và tóm tắt các đạo lý nhằm đưa ra khuôn vàng thước ngọc về bổn phận của mỗi người đối với tha nhân. Nguyên tắc này gồm tóm những gì Thiên Chúa dạy về bổn phận của con người với nhau trong cuộc sống. “Vậy tất cả những gì các con muốn người ta làm cho các con, thì chính các con hãy làm cho người ta như thế! Ðấy là điều mà lề luật và các tiên tri dạy.”
Nếu so sánh với lời dạy của sách Tôbia trong Cựu Ước “đừng làm cho người khác điều chính mình không thích” (Tb 4,16) và lời của Khổng Phu Tử “kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”(điều gì mà mình không muốn thì đừng làm cho người khác), thì giáo huấn của Đức Giêsu hướng đến tính tích cực trong thực hành. Nghĩa là không chỉ không làm những điều tiêu cực, mà còn phải làm những điều tích cực, điều tốt cho tha nhân, “hãy làm cho người ta…”
Hơn nữa, Chúa Giêsu còn mời gọi “hãy vào qua cửa hẹp,… cửa và đường đưa tới sự sống thì chật hẹp, và ít kẻ tìm thấy”. Hình ảnh đường rộng và cửa rộng, đường hẹp và cửa hẹp tượng trưng cho hai lối sống và hai chọn lựa: thiện và ác, khôn ngoan và khờ dại, hạnh phúc và bất hạnh. Đi trên con đường hẹp và vào cửa hẹp là một cuộc sống khước từ những vinh hoa phú quý, những quyến rũ bất chính và hưởng thụ thái quá trong một cuộc sống dễ dãi. Con đường hẹp thì khó đi, cửa hẹp thì khó vào, tuy nhiên, để đi được con đường đó và vào được cửa hẹp cần phải chịu đựng, kiên trì và cố gắng mỗi ngày. Trong bài giảng Bát Phúc, Đức Giêsu cũng đưa ra việc thực hành khổ chế để đạt được hạnh phúc. Vì thế, muốn làm môn đệ Ðức Giêsu, chúng ta phải chiến đấu với bản thân, và học gương Chúa chấp nhận thánh giá hàng ngày như một cách sống con đường hẹp để đưa tới hạnh phúc và sự sống Nước Trời.
Lạy Chúa, xin cho chúng con khả năng học hỏi nơi Chúa tình yêu và tinh thần vị tha, biết làm điều tốt cho tha nhân, nhìn thấy Chúa trong tha nhân. Xin cho chúng con cố gắng theo sát Chúa mỗi ngày trên con đường khổ luyện, trên hành trình thử thách của đức tin, trên hành trình thập giá của đời sống chứng tá, vì con đường hẹp, qua cửa hẹp sẽ dẫn chúng con tới cửa của Nước Trời. Amen.
Lm. Phêrô Đỗ Cao Cương, SVD
Thứ Tư – Ngày 27 – Tháng 6 – Năm 2018
MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XII
Thánh Cyrillô Alêxandria, tiến sĩ Hội Thánh (Tr).
Bài đọc : 2 V 22,8-13; 23,1-3
Tin Mừng : Mt 7,15-20
Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em hãy coi chừng các ngôn sứ giả, họ đội lốt chiên mà đến với anh em; nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi. Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai. Ở bụi gai, làm gì có nho mà hái? Trên cây găng, làm gì có vả mà bẻ? Nên hễ cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu. Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt. Cây nào không sinh quả tốt, thì bị chặt đi và quăng vào lửa. Vậy, cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai.”
NHẬN BIẾT NGÔN SỨ THẬT
“Anh em hãy coi chừng các ngôn sứ giả, họ đội lốt chiên mà đến với anh em; nhưng bên trong họ là sói dữ tham mồi” (Mt 7,15). Lời của Đức Giêsu qua Tin Mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta hãy đề cao cảnh giác với thói giả hình đang hoành hành trong cuộc sống.
Quả vậy, cuộc sống với bao điều giả dối đang len lỏi và ẩn nấp tận mọi ngóc ngách của cuộc sống. Từ đời sống xã hội cho đến đời sống đức tin, dường như chúng ta đang dần bị cuốn vào một nếp sống giả tạo và nhiều khi chúng ta nhân danh đức tin, nhân dành tình yêu để làm những việc trái với lương tâm. “Xem quả thì biết cây”. Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta cách “nhận dạng” và phân định hành vi tốt xấu của con người.
Hơn nữa, điều này lại càng quan trọng đối với vị ngôn sứ. Một ngôn sứ giả hay thật không thể chỉ dựa vào một số hành vi bên ngoài và nhất thời nhưng chính hoa trái đạo đức đích thực mới chính là kết quả cuộc sống lâu dài bền bỉ và sâu thẳm từ trong tâm hồn.
Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa dạy chúng ta cần biết phân biệt điều tốt, điều xấu, người tốt, người xấu để chúng ta có thể tránh được những nhầm lẫn đáng tiếc. Sỡ dĩ Chúa dạy như thế là vì hiện nay có rất nhiều người nhân danh sự công chính, nhân đạo nhưng lại thực hiện những hành vi chống lại sự sống, chống lại đức tin và chống lại Thiên Chúa. Vậy nên, chúng ta hãy tỉnh táo và khôn ngoan, nhất là dựa vào Lời Chúa để không bị lôi cuốn vào những sự giả dối ấy.
Lạy Chúa Giêsu là Đấng thánh thiện vô cùng, xin gìn giữ chúng con trong ân sủng và tình yêu của Chúa. Xin đừng để chúng con ra ô uế bởi đời sống tầm thường và nuông chiều theo những đam mê xác thịt. Xin Chúa cũng gìn giữ chúng con trong ràn chiên của Chúa để chúng con có thể tránh khỏi những tiếng gọi giả tạo của ngôn sứ giả.
Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Thanh, SVD
Thứ Năm – Ngày 28 – Tháng 6 – Năm 2018
MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XII
Thánh Irênê, giám mục, tử đạo. Lễ nhớ (Đ).
Bài đọc : 2 V 24,8-17
Tin Mừng : Mt 7,21-29
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Không phải tất cả những ai nói với Thầy: “Lạy Chúa, Lạy Chúa”, là được vào nước trời, nhưng chỉ có người thực hiện ý Cha Thầy ở trên trời, kẻ ấy mới được vào nước trời. Trong ngày đó, nhiều người sẽ nói với Thầy rằng: “Lạy Chúa, Lạy Chúa, nào chúng con đã không nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, và nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó ư?” Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với chúng rằng: “Ta chẳng hề biết các ngươi, hỡi những kẻ làm điều gian ác, hãy lui ra khỏi mặt Ta”. “Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây và đem thực hành, thì giống như người khôn ngoan, đã xây nhà mình trên đá; mưa có đổ xuống, nước có tràn vào, gió bão có thổi đến và lùa vào nhà đó, nhà đó vẫn không sập, vì nhà ấy được xây trên đá. Và hễ ai nghe những lời Thầy nói đây mà không đem ra thực hành, thì giống như người ngu đần, xây nhà mình trên cát, khi mưa sa nước lũ, gió thổi và lùa vào nhà đó, nhà sẽ sập và sẽ trở nên đống hoang tàn”. Khi Chúa đã nói xong những lời trên, dân chúng kinh ngạc về giáo lý của Người: vì Người dạy dỗ họ như Ðấng có quyền, chứ không như luật sĩ và các biệt phái của họ.
ĐIỀU KIỆN VÀO NƯỚC TRỜI
Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.”
Người ta thường nói “con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay”, con đường đó tùy thuộc vào sự đáp trả của mỗi người trước lời Chúa. Mỗi ngày chúng ta nghe lời Chúa, ca tụng vinh quang của Ngài trong các giờ kinh nguyện và tâm sự với Ngài qua các giờ nguyện gẫm. Phải chăng chúng ta đã hoàn thành phận sự của người Kitô hữu và chúng ta đương nhiên sẽ vào nước trời trong ngày sau hết? Nếu chúng ta chỉ dừng lại ở suy nghĩ đó và mãn nguyện với nó thì chúng ta sẽ giống như “người ngu dại xây nhà trên cát. Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành.”
Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy giống như “người khôn xây nhà trên đá”; Ngài đòi hỏi chúng ta phải làm chứng cho Nước Trời không chỉ ở trên môi miệng mà còn qua việc thực hành yêu thương bác ái trong chính cuộc sống của mình. Đó là điều kiện tiên quyết cho những người môn đệ chân chính muốn vào Nước Trời.
Lạy Chúa, như Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói, con người thời nay cần “chứng nhân” hơn là “thầy dạy”, xin cho mỗi người chúng con luôn ý thức sứ mạng chứng tá của mình trong cuộc sống hôm nay, để Nước Thiên Chúa luôn hiện diện mọi lúc mọi nơi.
Tu sĩ Phêrô Trần Thái Đức, SVD
Thứ Sáu – Ngày 29 – Tháng 6 – Năm 2018
MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XII
THÁNH PHÊRÔ VÀ THÁNH PHAOLÔ TÔNG ĐỒ. Lễ trọng. (Đ).
Bài đọc 1 : Cv 12,1-11
Bài đọc 2 : 2 Tm 4,6-8.16b.17-18
Tin Mừng : Mt 16,13-19
Khi ấy, Đức Giêsu đến miền Xêdarê Philípphê, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai?” Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ.” Đức Giêsu lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Simôn Phêrô thưa: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Đức Giêsu nói với ông: “Này anh Simôn con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.”
ANH EM BẢO THẦY LÀ AI?
Câu hỏi mà Chúa Giêsu đặt ra cho các môn đệ xưa kia, cũng chính là câu hỏi mà Người muốn hỏi chúng ta hôm nay.
Một câu hỏi không khó để chúng ta trả lời về mặt lý thuyết, nhưng có lẽ điều mà Chúa Giêsu mong muốn không chỉ dừng lại ở đây. Ngài muốn chúng ta trả lời câu hỏi đó bằng chính đời sống và thái độ đối với những người mà chúng ta gặp gỡ, để qua những gì mà chúng ta biểu lộ, người khác sẽ nhận biết Đức Kitô là ai.
Đức Kitô là ai đối với tôi? Tôi đã trả lời câu hỏi này như thế nào? Trả lời câu hỏi này trong cuộc sống hàng ngày có giúp tôi nên giống Chúa Kitô hơn không? Tôi có đủ can đảm để tuyên xưng Đức Kitô bằng chính đời sống theo tinh thần Tin Mừng như là một cách để giáo huấn của Đức Kitô được mọi người đón nhận và thực hành?
Trong đời sống xã hội hôm nay, khi những giá trị nhân văn và đạo đức dường như bị đảo lộn, thì việc tuyên xưng niềm tin và trả lời câu hỏi “Thầy là ai?” của người Kitô hữu là cần thiết hơn bao giờ hết. Mỗi người chúng ta phải xác quyết rằng: tôi là người Kitô hữu, nên đời sống của tôi phải khác. Lắm lúc, tôi phải trả giá cho thái độ sống đó, nhưng tôi vẫn luôn sẵn sàng, vì điều mà tôi hướng đến là làm chứng cho Chúa ở đời này và hướng đến hạnh phúc vĩnh cửu đời sau.
Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con luôn biết nỗ lực và cố gắng để trả lời câu hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” bằng chính đời sống của mình. Xin Chúa hãy ban Thánh Thần cho chúng con để nhờ Ngài mà chúng con có thể vượt qua những yếu đuối của phận người, để sống xứng đáng là người bước theo Chúa.
Tu sĩ Phêrô Nguyễn Văn Thìn, SVD
Thứ Bảy – Ngày 30 – Tháng 6 – Năm 2018
MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XII
Bài đọc : Ac 2,2.10-14.18-19
Tin Mừng : Mt 8,5-17
Khi Đức Giêsu vào thành Caphácnaum, có một viên đại đội trưởng đến gặp Người và nài xin: “Thưa Ngài, tên đầy tớ của tôi bị tê bại nằm liệt ở nhà, đau đớn lắm.” Người nói: “Chính tôi sẽ đến chữa nó.” Viên đại đội trưởng đáp: “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh. Vì tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: ‘Đi!’, là nó đi, bảo người kia: ‘Đến!’, là nó đến, và bảo người nô lệ của tôi: ‘Làm cái này!’, là nó làm.” Nghe vậy, Đức Giêsu ngạc nhiên và nói với những kẻ theo Người rằng: “Tôi bảo thật các ông : tôi không thấy một người Ítraen nào có lòng tin như thế. […] Rồi Đức Giêsu nói với viên đại đội trưởng rằng: “Ông cứ về đi! Ông tin thế nào thì được như vậy!” Và ngay giờ đó, người đầy tớ được khỏi bệnh. Đức Giêsu đến nhà ông Phêrô, thấy bà mẹ vợ ông đang nằm liệt và lên cơn sốt. Người đụng vào tay bà, cơn sốt dứt ngay và bà trỗi dậy phục vụ Người. Chiều đến, người ta đem nhiều kẻ bị quỷ ám tới gặp Đức Giêsu. Người nói một lời là trừ được các thần dữ và Người chữa lành mọi kẻ ốm đau, để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia: Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta.
HÃY ĐỂ NGÀI CHỮA LÀNH
Sinh, lão, bệnh, tử vốn là lẽ thường của đời người. Thế nhưng, khi phải đối diễn với những “lẽ thường” ấy, con người không khỏi đau khổ, bàng hoàng, thậm chí nhiều người đã sống trong thất vọng chán chường. Người có ý nghĩ tích cực hơn thì lo chạy chữa để được chữa lành. Hạnh phúc thay nếu đang phải cơn bệnh nặng mà gặp thầy, gặp thuốc.
Tin Mừng hôm nay cho ta thấy niềm vui của những người bệnh vì được Đức Giêsu cứu chữa. Cách tường thuật của thánh Mátthêu cho người đọc có cảm tưởng như đây là “ngày hội” của những người bệnh: trước tiên là chữa lành người đầy tớ viên đại đội trưởng (Mt 5,13); tiếp đến là chữa lành mẹ vợ ông Phêrô (Mt 5,15);
rồi Đức Giêsu tiếp tục chữa lành mọi kẻ đến với Người (Mt 5,16). Và không chỉ người bệnh mà thôi mà ngay cả người thân của họ cũng được nếm trải hương vị ngọt ngào của sự được chữa lành. Rõ ràng, Đức Giêsu đến trần gian đã đem lại hạnh phúc cho con người. Ngài đã cất đi nỗi đau, nỗi khốn khổ của kiếp người.
Hơn thế, không chỉ chữa lành thể xác hay đem lại niềm hạnh phúc tạm thời cho con người mà thôi, nhưng Đức Giêsu còn chữa lành cả tâm hồn và ban cho con người hạnh phúc đích thật nữa. Đó chính là trả lại cho con người phận vị, hình ảnh ban đầu và hạnh phúc đời đời, điều mà Ađam đã đánh mất, nhờ cái chết và sự phục sinh của Người.
Lạy Chúa, xin hãy chữa lành không chỉ thể xác mà cả linh hồn con nữa, để con được nếm trải tình thương ngọt ngào của Ngài.
Tu sĩ Giuse Nguyễn Công Lai, SVD