Thường Niên – Tuần VIII + Mùa Chay C

0
379

Chúa Nhật – Ngày 3 – Tháng 3

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN VII

Bài đọc 1 : Hc 27,5-8

Bài đọc 2 : 1 Cr 15,54-58

Tin Mừng : Lc 6,39-45

Khi ấy, Đức Giêsu kể cho các môn đệ dụ ngôn này: “Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố? Học trò không hơn thầy, có học hết chữ cũng chỉ bằng thầy mà thôi. “Sao ngươi nhìn cái rác trong mắt anh em, còn cái đà trong chính mắt ngươi thì lại không thấy? Sao ngươi có thể nói với người anh em: ‘Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh’, trong khi chính ngươi không nhìn thấy cái đà trong mắt ngươi? Hỡi kẻ giả hình, hãy lấy cái đà ra khỏi mắt mình trước đã, rồi bấy giờ ngươi sẽ trông rõ để lấy cái rác khỏi mắt anh em ngươi.

“Không có cây nào tốt mà sinh trái xấu; và ngược lại, cũng không có cây nào xấu mà sinh trái tốt. Thật vậy, cứ xem trái thì biết cây. Người ta không hái được trái vả ở bụi gai, và cũng không hái được trái nho nơi cây dâu đất. Người hiền, bởi lòng tích chứa điều lành, nên phát xuất sự thiện; và kẻ dữ, bởi tích đầy lòng ác, nên phát xuất điều ác: vì lòng đầy, thì miệng mới nói ra”.

TỐT – XẤU CỦA LÒNG NGƯỜI

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu mở tâm trí cho các môn đệ. Người giúp họ nhận ra điều tốt xấu nơi con người. Người nói: “Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu”.

Khi sinh ra con người vốn đã mang trong mình bản tính thiện, như Mạnh Tử đã nói nói: “nhân chi sơ, tính bản thiện”. Thế nhưng, cuộc sống bao bộn bề và lo toan đã làm cho con người dần đánh mất bao đức tính tốt đẹp. Cũng từ đó, con người luôn có khuynh hướng đề cao mình và coi khinh kẻ khác.

Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay lên án những người chỉ thấy điểm xấu nơi người khác; thậm chí điều chưa tốt của họ chỉ như một chấm đen trên tờ giấy trắng, nhưng ta đã thấy họ như thể họ là người xấu vậy. Trái lại, dù cuộc sống của ta chỉ toàn màu đen nhưng ta vẫn sống trong ảo tưởng và mù lòa cho mình là “trắng”, là tốt lành hơn kẻ khác.

Hơn nữa, chúng ta không thể cho người khác cái mình không có. Vậy chúng ta phải tích lũy cho mình một “kho tàng tốt” và loại đi các tật xấu. Kho tàng tốt sẽ đầy dần khi ta biết sống yêu thương, quan tâm, quảng đại và tôn trọng kẻ khác như tôn trọng chính mình. Điều chính yếu là ta phải không ngừng học nơi thầy Giêsu, là nguồn của Chân-Thiện-Mỹ, để làm phong nhiêu cho đời ta.

Lạy Chúa, những tật xấu đang chiếm chỗ của kho tàng tốt trong con, xin dùng máu Con Chiên vẹn sạch không tì tích mà thanh tẩy con, và xin biển đổi cuộc đời con mỗi ngày nên tốt hơn, để con nên giống Chúa hơn mỗi ngày.

Tu sĩ Giuse Cao Thế Vĩnh, SVD

Thứ Hai – Ngày 4 – Tháng 3

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN VII

Thánh Casimirô (Tr).

Bài đọc : Hc 17,24-29

Tin Mừng : Mc 10,17-27

Khi ấy, Đức Giêsu vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Đức Giêsu đáp: “Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa. Hẳn anh biết các điều răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ.” Anh ta nói: “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ.” Đức Giêsu đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. […]

 CHỌN CHÚA HAY CỦA CẢI?

Chọn lựa là việc chúng ta từ bỏ điều gì đó để chọn cái lý tưởng cao hơn, tốt hơn. Trình thuật Tin Mừng của thánh Máccô hôm nay khiến chúng ta phải suy nghĩ về sự chọn lựa của người thanh niên.

Anh thanh niên trong đoạn Tin Mừng là một người có nhiều của cải. Thiết nghĩ rằng sự giàu sang, phú quý đó vẫn chưa đủ để làm thỏa mãn tâm hồn anh, để rồi anh tiếp tục khao khát tìm kiếm sự thiện hảo hơn. Tìm đến với Chúa Giêsu, anh được Ngài chỉ cho sự thiện toàn hảo. Đó là sự sống đời đời, hạnh phúc vĩnh cửu. Nhưng thật thất vọng, anh đã không sẵn sàng để từ bỏ của cải để theo Chúa: “Anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải”.

Như thế, việc đi theo Chúa đòi buộc người môn đệ phải từ bỏ của cải để có thể thuộc trọn về Chúa trong sứ vụ. Chọn Chúa là đối tượng ưu tiên trước hết và trên hết; đồng thời, xem các giá trị Tin Mừng là kim chỉ nam hướng dẫn cho đời sống mình. Để có thể ưu tiên chọn Chúa và thực thi sứ vụ đến với tha nhân, mỗi người cần sống mối tương quan bền chặt với Chúa, qua việc thực hành bác ái với anh chị em mình.

Nhìn vào cõi lòng của mình, mỗi người chúng ta tự vấn lương tâm xem mình có dám từ bỏ những giá trị trần thế, vật chất để sống theo các giá trị Tin Mừng? Hay chúng ta chỉ nhận ra những điều thiện hảo nơi Thiên Chúa, nhưng không đủ can đảm để ưu tiên chọn Chúa và các giá trị của Nước Trời như chàng thanh niên kia?

Lạy Chúa, lời mời gọi của Chúa thật thách đố biết bao! Nếu không có ơn của Chúa, con chẳng làm gì được. Xin cho con biết hy sinh, từ bỏ những gì làm cản trở con đi theo Chúa, để con dấn thân theo Chúa cách trọn vẹn hơn.

Tu sĩ Phêrô Đỗ Huy Xuân, SVD

Thứ Ba – Ngày 5 – Tháng 3

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN VII

Bài đọc : Hc 35,1-12

Tin Mừng : Mc 10,28-31

Khi ấy, ông Phêrô lên tiếng thưa với Đức Giêsu rằng: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!” Đức Giêsu đáp: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau. Quả thật, nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, còn những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu.”

GIÁ TRỊ CỦA SỰ TỪ BỎ

Trong bài Tin Mừng này, Đức Giêsu mời gọi chúng ta đi theo Ngài, sống và làm chứng cho Tin Mừng bằng cách từ bỏ. Ngày nay ơn gọi dâng hiến ngày càng giảm dần, phải chăng vì người ta không thể đáp ứng được yêu cầu từ bỏ quá khắt khe của Đức Giêsu?

Của cải vật chất và những mối tương quan máu mủ là những thứ thiết thân với cuộc sống con người. Chúa Giêsu dạy người ta phải thảo kính cha mẹ, hẳn Người không đòi buộc người môn đệ cắt đứt mối tương quan với những người thân. Người cũng hiểu sự cần thiết của của cải đối với cuộc sống con người. Điều Chúa đòi buộc ta là thái độ ưu tiên chọn lựa “vì Thầy và vì Tin Mừng”. Chúa Giêsu và sứ mạng loan báo Tin Mừng phải được đặt lên hàng cao nhất trong những sự lựa chọn của người môn đệ Chúa Giêsu.

 Hơn nữa, sống tinh thần từ bỏ là không lệ thuộc vào của cải vật chất, không dựa dẫm hay bám chặt vào những mối tương quan, dù đó là tương quan máu mủ. Đời sống của sứ giả rao giảng Tin Mừng đòi buộc ta phải yêu thương hết tất cả mọi người, không loại trừ ai. Một khi ta bám vào tình thân hay vào của cải thì ta không thể hoàn thành sứ vụ rao giảng Tin Mừng được.

Tuy vậy, Chúa Giêsu cũng khẳng định rằng nếu ta can đảm sống buông bỏ để bước theo Đức Kitô và rao giảng Tin Mừng của Người, ta sẽ được nhận lãnh phần thưởng gấp trăm ngay ở đời này. Đồng thời, dù trong bất cứ thời đại nào, người môn đệ của Đức Giêsu vẫn có thể gặp những “sự ngược đãi” bằng cách này hay cách khác. Nhưng những “sự ngược đãi” chẳng là gì so với niềm vui được hưởng cuộc sống vĩnh cửu đời sau

Lạy Chúa, xin giúp chúng con dám “từ bỏ” những gì cản trở chúng con bước theo Chúa và dấn thân cho sứ mạng rao giảng Tin Mừng.

Tu sĩ Gioan Trần Văn Vinh, SVD

MÙA CHAY

Thứ Tư – Ngày 6 – Tháng 3

LỄ TRO

Giữ chay và kiêng thịt

Bài đọc 1 : Ge 2,12-18

Bài đọc 2 : 2 Cr 5,20-6,2

Tin Mừng : Mt 6,1-6.16-18

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh […]

 GIẢ HÌNH

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nhắc đến ba việc đạo đức truyền thống vẫn được các Pharisêu thực hành: bố thí – cầu nguyện – ăn chay. Tuy nhiên, Chúa Giêsu lại lên án thái độ giả hình của các ông khi thực hành các việc đạo đức này. Thay vì thực hành việc bố thí, cầu nguyện và ăn chay để làm vui lòng Thiên Chúa, thì họ lại cố sức tìm kiếm lời tán dương và sự thán phục của người đời.

Qua thái độ giả hình của các Pharisêu, Chúa Giêsu đã răn dạy các tông đồ rằng khi làm việc bố thí thì đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, tránh xa việc tìm kiếm sự tung hô của người đời. Khi cầu nguyện thì tránh xa chốn đông người vì cầu nguyện là lúc chúng ta đối diện với Thiên Chúa để lắng nghe Lời của Ngài. Và ngay cả việc ăn chay, Chúa Giêsu cũng nhắc nhở kiểu ăn chay mà Thiên Chúa muốn là ăn chay mà vẫn xức thuốc thơm, ăn chay mà không ai biết mình ăn chay vì người chay tịnh với Chúa trong nội tâm thì dành trọn bản thân cho Chúa.

Nhìn lại cuộc đời của mỗi người chúng ta, sự giả hình trong việc làm phúc đức luôn hiện diện trong tâm trí. Chúng ta vẫn muốn được người khác ca tụng vì làm việc thiện, vẫn muốn được người khác khen là người đạo đức vì thường xuyên cầu nguyện và ăn chay. Thế nhưng, điều quan trọng và cốt yếu nhất là sự kết hợp với Thiên Chúa, lắng nghe Lời Ngài, sám hối và khiêm nhường nhận ra những lỗi lầm, sống đúng với con người thật của mình để được Thiên Chúa tha thứ và chữa lành những tội lỗi thì chúng ta đã thực hiện được chưa, hay chúng ta vẫn yêu thích sự giả hình để tìm kiếm sự tán dương của người đời?

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết từ bỏ thói giả hình để sống đúng con người thật của chúng con. Trong tâm tình của Mùa Chay, xin cho chúng con biết chia sẻ với người khác, kết hợp với Chúa qua việc cầu nguyện, ăn chay hãm mình để thống hối những lỗi lầm mà chúng con đã làm Chúa buồn lòng.

Tu sĩ Giuse Huỳnh Ngọc Thiên Ân, SVD

Thứ Năm – Ngày 7 – Tháng 3

Thứ Năm Sau Lễ Tro

Thánh nữ Perpêtua và Fêlicita, tử đạo.

Bài đọc : Đnl 30,15-20

Tin Mừng : Lc 9,22-25

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.”

Rồi Đức Giêsu nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?

VÁC THẬP GIÁ

Chúa Giêsu vạch ra cho các môn đệ của Người một con đường, đó là vác thập giá mỗi ngày mà theo Người. Đây được coi là điều kiện để trở thành môn đệ đích thực của Đức Giêsu. Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu thế nào với cụm từ “vác thập giá mà theo Người” trong thời đại của chúng ta ngày hôm nay?

Vác thập giá là hình ảnh của một tử tù đang trên đường thi hành án phạt vào thời của Đức Giêsu, và chính Người cũng là nạn nhân của hình phạt man rợ này.Thế nhưng, có sự khác biệt giữa việc các phạm nhân vác thập giá để đi đến án tử và việc Đức Giêsu chịu mang vào mình thập giá để thi hành ý muốn của Chúa Cha. Quả vậy, Chúa Giêsu không phải là tội nhân; Người vác thập giá chỉ vì muốn biểu lộ lòng xót thương mà Thiên Chúa dành cho nhân loại sau khi nguyên tổ loài người sa ngã. Vậy nên, việc Đức Giêsu mời gọi những ai theo Người phải vác thập giá mỗi ngày, không có nghĩa là Người muốn họ trở thành những tử tù, nhưng muốn họ hãy đón nhận những khổ đau, những khó nhọc, những mối bất hòa hay những ghen tương nghi kỵ lẫn nhau trong cuộc sống với trái tim yêu thương. Khi đón nhận thập giá với tình thương, thập giá trở nên thánh giá; những đau khổ, bất hạnh trở nên cơ hội để bày tỏ lòng mến.

Cách riêng đối với những người sống trong bậc thánh hiến, việc vác thập giá hằng ngày là đòi buộc từ bỏ những đam mê, những ước muốn về một cuộc sống dễ dãi, an nhàn cho bản thân. Vác thập giá trong đời sống thánh hiến là đón nhận những điều không như ý với một trái tim đầy yêu thương, để mọi sự trái ý trở thành cơ hội lớn lên về đàng nhân đức, vì chỉ có vác thập giá mới dẫn người ta đến sự sống đời đời.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết chấp nhận những khó khăn và những thách đố trong cuộc sống để biến thập giá thành cơ hội để nên thánh.

Tu sĩ Phaolô Trần Phúc Chân, SVD

Thứ Sáu – Ngày 8 – Tháng 3

Thứ Sáu Sau Lễ Tro

Thánh Gioan Thiên Chúa, tu sĩ.

Bài đọc : Is 58,1-9a

Tin Mừng : Mt 9,14-15

Bấy giờ, các môn đệ ông Gioan tiến lại hỏi Đức Giêsu rằng: “Tại sao chúng tôi và các người Pharisêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?” Đức Giêsu trả lời: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ? Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay.

TINH THẦN CHAY TỊNH

Để sống đúng tinh thần chay tịnh, chúng ta không những phải giữ những gì luật buộc, mà còn phải hiểu ý nghĩa sâu xa của nó để có thể thực hành cách xác tín và với tất cả niềm vui.

Các môn đệ của ông Gioan đã giữ những gì luật buộc, nhưng lại không hiểu được ý nghĩa của việc giữ chay, nên họ đã tuân giữ một cách máy móc. Quả thế, một trong những lý do của việc giữ chay trong thời kỳ này là để mong chờ Đấng Cứu Thế sẽ đến. Thế mà khi Đức Giêsu, Đấng Cứu Thế, đến và hiện diện trước mắt họ thì xem ra họ không nhận ra Người là Đấng Mêsia. Có thể họ chỉ giữ chay theo thói quen mà thôi. Chúa Giêsu đã nhân cơ hội này cho họ thấy rằng bao lâu còn chàng rể là Đấng Mêsia ở giữa họ thì không cần phải ăn chay; đồng thời, mời gọi họ hãy nhận ra Người là Đấng mà họ đang trông chờ.

Suy người lại nhớ đến ta. Ai trong chúng ta cũng biết việc giữ chay, và nhiều khi còn tuân giữ nghiêm nhặt nữa. Nhưng thử hỏi chúng ta đã biết ý nghĩa của việc giữ chay, đã sống đúng tinh thần chay tịnh chưa?

Mục đích của việc ăn chay là để giúp chúng ta làm chủ được bản thân, chế ngự những ham muốn, từ bỏ những thói quen, sở thích nào đó. Ý nghĩa này nhiều khi chúng ta bỏ quên, để rồi chỉ tập trung vào hình thức tuân giữ bên ngoài. Nói cách khác, chúng ta chưa sống đúng với tinh thần chay tịnh. Chúng ta có thể nhịn uống nhịn ăn, nhưng không nhịn được một lời nói, một hành vi trái ý của người khác. Chúng ta có thể bỏ ăn, nhưng lại không bỏ được một thói xấu. Chúng ta có thể kiềm chế thèm muốn một món ăn, nhưng lại không kiềm chế nổi những ước muốn, dục vọng xấu xa. Chúng ta ăn chay để lòng thanh tịnh mà nhận ra sự hiện diện của Chúa trong thiên nhiên, nơi tha nhân và trong lòng mình.

Lạy Chúa, qua các hình thức chay tịnh bên ngoài, xin dẫn đưa chúng con đến việc giữ chay trong tâm hồn. Xin cho chúng con biết “xé lòng, đừng xé áo”. Đó là hình thức chay tịnh làm đẹp lòng Chúa và đem lại nhiều ơn ích cho phần rỗi chúng con.

Tu sĩ Phaolô Trần Khắc Công, SVD

Thứ Bảy – Ngày 9 – Tháng 3

Thứ Bảy Sau Lễ Tro

Thánh Phanxica Rôma, nữ tu.

Bài đọc : Is 58,9b-14

Tin Mừng : Lc 5,27-32

Khi ấy, Đức Giêsu trông thấy một người thu thuế, tên là Lêvi, đang ngồi ở trạm thu thuế. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông bỏ tất cả, đứng dậy đi theo Người. Ông Lêvi làm tiệc lớn đãi Người tại nhà ông. Có đông đảo người thu thuế và những người khác cùng ăn với các ngài. Những người Pharisêu và những kinh sư thuộc nhóm của họ mới lẩm bẩm trách các môn đệ Đức Giêsu rằng: “Sao các ông lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi?” Đức Giêsu đáp lại họ rằng: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn.”

BỎ TẤT CẢ

Khi nghe Chúa Giêsu mời gọi đi theo Người, người thu thuế Lêvi đã “bỏ tất cả, đứng dậy đi theo Người” (Lc 5,28). Chúng ta tự hỏi, tại sao ông Lêvi lại đi theo Chúa Giêsu cách dứt khoát, mau mắn và không chút do dự? Ông đã “bỏ tất cả” nghĩa là gì?

Trong cái nhìn của dân chúng, làm nghề thu thuế thời Chúa Giêsu là một cách cộng tác với đế quốc, và đi ngược lại lợi ích của dân tộc. Người thu thuế, ngoài phần thu theo chỉ tiêu, có thể còn thu thêm cách bất công để kiếm lợi riêng cho mình nên họ thường bị dân chúng căm ghét và bị xem là hạng người có tội công khai.

Khi nghe Chúa Giêsu gọi, ông Lêvi đã “bỏ mọi sự” mà đi theo Người. Ông bỏ lại nghề nghiệp, gác lại tương lai và cả bổng lộc để đi theo một người “không có chỗ tựa đầu” (x. Mt 8,20; Lc 9,58). Ông bỏ lại các mối tương quan gắn với nghề thu thuế để gắn bó với một gia đình mới của những người lắng nghe và thực thi Lời Thiên Chúa (x. Mt 12,49-50; Lc 8,21). Ông để lại sau lưng quá khứ của một tội nhân, để hướng về tương lai của một sứ giả loan báo Tin Mừng (x. Mt 10,1-4; Mc 3,14; Lc 9,1-6).

Hơn nữa, thái độ của ông Lêvi cũng khiến chúng ta kinh ngạc. Ông đứng dậy đi theo Chúa cách dứt khoát, mà không hề thắc mắc hay do dự. Ông không tính toán hơn thiệt, không vì lợi ích cá nhân mà vì lý tưởng theo Thầy. Ông hoàn toàn tự do và lòng ông tràn đầy niềm vui khi ông mở tiệc thết đãi Chúa Giêsu và các môn đệ. Đối với ông, theo Chúa Giêsu là một cuộc lên đường vì lý tưởng, hoàn toàn vô vị lợi và với tất cả niềm hân hoan.

Lạy Thầy Giêsu, xin cho con là người môn đệ hôm nay cũng biết sẵn sàng gác lại công danh sự nghiệp, bỏ lại sau lưng quá khứ tội lỗi và hân hoan theo Thầy vì lý tưởng Tin Mừng mà không so đo tính toán thiệt hơn hay chùn bước trước những thách đố của sứ mạng rao giảng Tin Mừng.

Lm. Gioan Baotixita Nguyễn Hữu Duy, SVD

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 8 Thường Niên – Năm C
Bài tiếp theoĐược yêu và biết yêu

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.