Được yêu và biết yêu

0
251

Năm Lòng Chúa Thương Xót mời gọi chiêm ngắm một Thiên Chúa chạnh lòng thương với dân của Ngài, cảm nghiệm tình yêu Thiên Chúa Cha dành cho con người cũng như xác tín vào tình yêu mà Chúa Giêsu đã chết cho nhân loại. Năm Thánh mở ra cơ hội nhận ra ơn tha thứ của Thiên Chúa qua hành động ban Con Một là Chúa Giêsu để chết cho tội lỗi nhân loại. Vậy là người tu sĩ trẻ Dòng Ngôi Lời, tôi phải làm gì? Một câu trả lời thiết nghĩ rất ngắn gọn nhưng có thể làm tốt với việc truyền giáo, đó là “con tim biết yêu thương, chạnh lòng thương với hết mọi người hay là con tim bao dung tha thứ”. Điều này, tôi nghiệm theo việc Chúa Giêsu công khai rao giảng Tin Mừng trong ba năm ngắn ngủi. Tuy thời gian ngắn ngủi nhưng lại vô giá trong mọi thời đại.

Thứ Tư, ngày 12 tháng 9 năm 2015, ĐTC Phanxicô đã nói trong buổi tiếp kiến rằng: Năm Thánh là một lúc ưu tiên để Giáo Hội học chỉ lựa chọn điều đẹp lòng Thiên Chúa nhất: đó là tha thứ cho các con cái Ngài, thương xót chúng, để đến lượt chúng, chúng cũng có thể tha thứ cho các anh em khác và chiếu toả rạng ngời như các ánh đuốc Lòng Xót Thương của Thiên Chúa trong thế giới này. Trong bài viết này, tôi cũng xin viết chung quanh ý tưởng của ĐTC Phanxicô mà thôi. Với ý tưởng này, tôi xin được tóm lại thành hai ý. Thứ nhất: Thiên Chúa tha thứ cho con cái của Ngài; thứ hai: con cái của Ngài cũng phải tha thứ cho nhau.

Trước tiên, tôi xin làm rõ ý thứ nhất: “Thiên Chúa tha thứ cho con cái của Ngài”. Vậy, để lòng thứ tha của Chúa xảy ra, ta phải làm gì? Trước tiên, con người phải có và nhận biết mình là kẻ có tội. Kế đến, con người phải đón nhận lòng thương xót. Cuối cùng, Thiên Chúa chạnh lòng thương và tha thứ. Khi nói về sự tha thứ của Chúa dành cho con người, chúng ta rất dễ liệt kê nhiều đoạn Tin Mừng nói về điều này như: Người Cha Nhân Hậu, Người Phụ Nữ Samaria, Người Mục Tử Nhân Lành… Nhưng tôi lại bị đánh động bởi đoạn Tin Mừng nói về người phong hủi được chữa lành. Tôi ấn tượng bởi lời cầu xin rất đẹp, xác tín và nó thể hiện được ba điều kiện ở trên: “Lạy Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể chữa tôi được sạch”. Chúa Giêsu giơ tay ra chạm đến anh ta và phán: “Ta muốn. Anh hãy lành bệnh” (Mt 8,2-3). Trong đoạn Tin Mừng ngắn ngủi này, tôi nhận thấy Lòng Thương Xót của Chúa được biểu hiện qua sự tha thứ rất rõ. Tại sao? Thứ nhất: Người bị bệnh phong (bệnh thể lý đồng nghĩa với người có tội thời bấy giờ) ý thức anh ta là người có tội; thứ hai: phải có sự gặp gỡ giữa bác sĩ và bệnh nhân (Chúa Giêsu có năng quyền và người bệnh có lòng tin); thứ ba: sự phó thác vào Lòng Thương Xót của Chúa (vinh danh Chúa, ý Chúa thể hiện); anh ta không ép Chúa chữa lành ngay cho anh nhưng anh rất khiêm tốn (muốn khỏi bệnh nhưng với điều kiện đẹp ý Chúa). Vì thế, anh ta được sạch bệnh.

Với lời kêu xin của người phong hủi, tôi nhớ lại lời của Chúa Giêsu trước khi chịu chết: Lạy cha, nếu được xin cấtchénđắng này khỏi con. Nhưng đừng theo ý Con mà xin vâng theo ý Cha (Mt 26,39). Lời này của Chúa Giêsu có sự tương đồng với lời nguyện của anh phong hủi nhưng sự tương quan có khác nhau. Thứ nhất: tương quan giữa Chúa Cha và Chúa Giêsu và điều khác biệt; thứ hai: đó là anh phong hủi có bệnh và Chúa Giêsu thì hoàn toàn không. Qua câu nói này của Chúa Giêsu, tôi thấy lòng thương xót và tha thứ của Chúa Cha dành cho nhân loại thật lớn lao. Vì yêu thương mà Ngài đã trao ban Con Một của Ngài là Đức Giêsu cho nhân loại, để cho nhân loại được sống và sống dồi dào. Cũng qua câu nói này, Chúa Giêsu cũng thể hiện lòng thương xót, lòng yêu thương dành cho nhân loại. Người đã chịu chết nhục nhã (người vô tội nhưng lại chết như kẻ có tội, phải chịu hình phạt kinh khủng nhất thời bấy giờ, chết trên thập giá). Thử nghĩ, Chúa Cha không yêu thương, xót thương nhân loại, Chúa Giêsu không vì yêu Chúa Cha và xót thương nhân loại để chịu chết thì Chúa Cha và Chúa Giêsu vì cái gì? Quyền lực, vinh quang, danh dự, vương quyền… ? Tất cả những thứ đó Người đều có vì Người là Thiên Chúa thật. Xét cho cùng, Chúa Cha và Chúa Giêsu cũng chỉ vì lòng xót thương con người mà thôi.

Với Lòng Thương Xót của Thiên Chúa dành cho nhân loại như thế, phần tôi, tôi phải sống Năm Lòng Thương Xót Chúa như thế nào? Đến đây, tôi xin làm rõ ý thứ hai trong câu nói của ĐTC ở trên “con cái của Ngài cũng phải tha thứ cho nhau”. Với ý này, tôi gợi nhớ đến lời dạy của Chúa Giêsu, Người dạy chúng ta cầu nguyện xin Thiên Chúa thương xót tha thứ cho chúng ta: Xin tha tội cho chúng con, như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con (Mt 6,12). Thiên Chúa tha thứ cho con người thì rất dễ nhưng con người tha thứ cho nhau là chuyện không hề dễ. Để thực hiện điều này, tôi nghĩ mình cần phải có ba yếu tố. Thứ nhất: tôi phải có và cảm nghiệm được lòng thương xót của Chúa; thứ hai: tôi phải được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa, Thánh Thể Chúa; thứ ba: ơn Chúa tác động nơi tôi ( yếu tố rất quan trọng) để tôi thực hành lòng thương xót, hành động tha thứ, hành động chữa lành với anh em. Và tôi là người tu sĩ trẻ Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời, tôi lại càng phải sống triệt để hơn những điều trên, càng phải thực hiện đức mến mỗi ngày.

Nói tóm lại, Năm Lòng Chúa Thương Xót là năm Giáo Hội muốn nhắc tôi phải nhận ra và cảm nghiệm được tình yêu thương vô bờ bến của Thiên Chúa. Vì thế, tôi cần phải sống với thái độ biết ơn và tạ ơn Chúa không ngừng. Điều này rất quan trọng vì chỉ khi cảm nghiệm được điều đó thì tôi mới đáp lại tình thương ấy cách trọn vẹn và thực hành mọi điều mà Thiên Chúa dạy tôi. Điều Chúa dạy chỉ có một từ “Yêu”. Yêu Chúa và yêu người chính là hai giới luật của đạo Công giáo, và cũng là điều mà người tu sĩ Ngôi Lời phải thực hiện triệt để, và cũng là để sống tốt Năm Thánh này.

Tu sĩ Phêrô Phan Thái Hiền, SVD

(Trích từ Nội San Học Viện Ngôi Lời Việt Nam 2016, chủ đề: Những Cung Bậc Yêu Thương)

Bài trướcThường Niên – Tuần VIII + Mùa Chay C
Bài tiếp theoSứ điệp Mùa Chay 2019 của ĐTC Phanxicô

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.