Phục Sinh – Tuần VII – Năm A

0
385

Chúa Nhật – Ngày 28 – Tháng 5

MÙA PHỤC SINH – TUẦN VII

LỄ CHÚA THĂNG THIÊN – Lễ trọng

Bài đọc 1 : Cv 1,1-11

Bài đọc 2 : Ep 1,17-23

Tin Mừng : Mt 28,16-20

Khi ấy, mười một môn đệ đi tới miền Galilê, đến ngọn núi Đức Giêsu đã truyền cho các ông đến. Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. 18 Đức Giêsu đến gần, nói với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.

 LÀM CHO MUÔN DÂN  TRỞ THÀNH MÔN ĐỆ

Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Linh, SVD

Trước khi từ biệt các môn đệ để về với Chúa Cha, Đức Giêsu đã nói lời sau cùng, lời ấy vừa mời gọi, nhưng cũng là lệnh truyền: “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ”. Vậy trong hoàn cảnh hiện nay, làm sao mỗi người chúng ta có thể thực hiện lệnh truyền này?

Có hai phương thế để làm cho người khác trở thành môn đệ của Đức Giêsu: giới thiệu Chúa cho họ biết, hoặc đưa họ đến với Ngài như cách mà bốn người đã khiêng người bại liệt đến cho Chúa (x. Mc 2,1-5). Dù theo cách thức nào thì đó vẫn là truyền giáo. Mỗi chúng ta có hoàn cảnh sống và ơn gọi khác nhau, nhưng ai cũng có thể tận dụng nó để truyền giáo, miễn là nhiệt tâm với Giáo Hội. Người ta tin Chúa không hệ tại ở những kiến thức mà ta nói với họ, nhưng là chính đời sống đậm chất Tin Mừng của chúng ta. Minh chứng hùng hồn để người khác tin Chúa là khi ta sống niềm xác tín của mình cách hân hoan. Nếu thuyết giảng và khuyên người khác đủ điều tốt lành, nhưng cuộc sống ta không sống theo những gì ta tuyên xưng thì đó là phản chứng. Đức cố Giáo hoàng Phaolô VI nói: Người thời nay tin vào các chứng nhân hơn là thầy dạy, và nếu họ có tin vào thầy dạy là vì các thầy dạy ấy đã là những chứng nhân.

Trong bất cứ hoàn cảnh nào ta vẫn có thể truyền giáo: người có điều kiện thì giúp đỡ vật chất cho các hoạt động truyền giáo, người nghèo thì thể hiện đời sống thanh bần “đói cho sạch rách cho thơm”, người đau khổ bệnh tật thì dâng những khổ đau buồn chán trong cuộc đời cho Chúa xem đó như của lễ để cầu nguyện cho các nhà truyền giáo… Trước mặt Chúa, không có gì là vô nghĩa, miễn là ta biết tín thác cậy trông nơi Ngài.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con luôn biết dùng lời nói và đời sống của con để làm cho người khác trở thành môn đệ Chúa.

Thứ Hai – Ngày 29 – Tháng 5

MÙA PHỤC SINH – TUẦN VII

Bài đọc : Cv 19,1-8

Tin Mừng : Ga 16,29-33

Khi ấy, các môn đệ thưa với Đức Giêsu rằng: “Bây giờ Thầy nói rõ, chứ không còn dùng dụ ngôn nào nữa. Giờ đây, chúng con nhận ra là Thầy biết hết mọi sự, và Thầy không cần phải có ai hỏi Thầy. Vì thế, chúng con tin Thầy từ Thiên Chúa mà đến.” Đức Giêsu đáp: “Bây giờ anh em tin à? Này đến giờ – và giờ ấy đã đến rồi- anh em sẽ bị phân tán mỗi người một ngả và để Thầy cô độc một mình. Nhưng Thầy không cô độc đâu, vì Chúa Cha ở với Thầy. Thầy nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an. Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian.”

TIN YÊU PHÓ THÁC

Tu sĩ Gioan B. Phan Lĩnh, SVD

“Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó”. Chúa Giêsu nói những lời này với các môn đệ trước khi Người bị nộp trước tòa Caipha.

Có nhiều thứ khó khăn trong đời sống. Trong mối tương quan với Thiên Chúa, điều khó khăn đầu tiên có thể là sự hiểu biết về Ngài, một Đấng Toàn Năng khôn dò, khôn thấu đối với nhân loại. Nhưng tình yêu thương và lòng nhân lành của Thiên Chúa có thể giúp ta vượt qua khó khăn này. Có khi tôi như hiểu biết về Thiên Chúa mà lại không thể sống đúng theo luật của Ngài. Đó là khó khăn tiếp theo và dai dẳng trong đời sống của tôi. Các môn đệ nói rằng các ông đã nhận biết Người từ Thiên Chúa mà đến; nhưng Chúa Giêsu cảnh báo trước, các ông sẽ bỏ Người khi gặp bắt bớ. Ngay trong đời sống này, tôi có thể không bị quan quyền bắt bớ, ngăn cản đức tin, nhưng không phải thế mà tôi được an bình. Ham muốn và rất nhiều điều hấp dẫn khác cũng chẳng khác một thứ quan quyền khiến tôi xa lánh Tin Mừng, khiến tôi biết một đường, làm một nẻo.

Vậy làm thế nào để có thể tin tưởng luôn mãi, trung kiên theo những gì mình biết? Tôi nhận thấy, chỉ có bước đi trong tình yêu và lòng bao dung, hay tha thứ của Thiên Chúa. Sống chiều kích yêu thương của Chúa, biết mình được Chúa tha thứ lỗi lầm, nhủ mình đừng tự phụ kẻo lại sa ngã.

Lạy Chúa, giữa những khó khăn thách đố cuộc đời, xin cho con biết kiên tâm lắng nghe điều Ngài dạy, để con ý thức được rằng Ngài luôn yêu thương che chở bước con đi.

Thứ Ba – Ngày 30 – Tháng 5

MÙA PHỤC SINH – TUẦN VII

Bài đọc : Cv 20,17-27

Tin Mừng : Ga 17,1-11a

Khi ấy, Đức Giêsu ngước mắt lên trời và cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, giờ đã đến! Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha. Thật vậy, Cha đã ban cho Người quyền trên mọi phàm nhân là để Người ban sự sống đời đời cho tất cả những ai Cha đã ban cho Người. Mà sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giêsu Kitô. Phần con, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã giao cho con làm. Vậy, lạy Cha, giờ đây, xin Cha tôn vinh con bên Cha: xin ban cho con vinh quang mà con vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian. Những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian mà ban cho con, con đã cho họ biết danh Cha […]

QUYỀN LỰC LÀ ĐỂ PHỤC VỤ

Tu sĩ Gioan B. Phan Tuấn Thể, SVD

Quyền trên người khác là để phục vụ và làm triển nở sự sống. Quyền được ban không phải để áp bức, làm tổn hại đến người khác. Đức Giêsu nói: “Cha đã ban cho Người quyền trên mọi phàm nhân là để Người ban sự sống đời đời” và Người đã minh chứng cho thế gian điều Người đã nói.

Thật thế, Lời quyền năng và hữu hiệu đã dựng nên vũ trụ và con người một cách tốt đẹp như lời Thiên Chúa phán. Nhờ Lời muôn vật được tạo thành, sống động và phát triển không ngừng, làm cho sự sống lan tràn khắp mặt đất. Khi Lời trở thành xác phàm là chính Đức Giêsu Kitô, Người đã dùng quyền năng Cha ban để ban lời hằng sống, để chữa lành và để cứu sống. Trên thập giá, Người đã trút bỏ tất cả để con người được sống đời đời, sự sống mà tổ tông của con người đã đánh mất khi phạm tội.

Còn ở đời, quyền lực trở thành một thứ ma lực hấp dẫn, nhiều khi người ta dễ bị cám dỗ bởi sự chiếm hữu và sử dụng cho mục đích cá nhân hay cho quyền lợi của một nhóm. Khi quyền lực không phải để phục vụ, người với người như thú dữ xâu xé lẫn nhau vì lợi ích của chính mình. Khi quyền lực không phải để phục vụ, người ta dễ sống trong sự giả dối, người có quyền sống trong ảo tưởng, người dưới quyền sẽ sống bất an, sợ hãi và hướng đến sự xu nịnh và nô lệ cho sự dối trá.

Trong đời tu, người tu sĩ hướng đến sự “đồng hình đồng dạng” trong Đức Kitô, phục vụ như Đức Kitô đã phục vụ. Vì thế, quyền được ban cho một số người là để phục vụ Hội Dòng, phục vụ anh em.

Lạy Chúa, xin giúp chúng ta biết dùng quyền lực để phục vụ như chính Đức Giêsu là Đấng đã “đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.”

Thứ Tư – Ngày 31 – Tháng 5

MÙA PHỤC SINH – TUẦN VII

ĐỨC MARIA THĂM VIẾNG BÀ ÊLISABET – Lễ kính

Bài đọc : Xp 3,14-18a

Tin Mừng : Lc 1,39-56

Hồi ấy, bà Maria vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Êlisabét. Bà Êlisabét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.” Bấy giờ bà Maria nói: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi […]

HÃY ĐẾN VỚI NGƯỜI ANH EM

Tu sĩ Phêrô Nguyễn Văn Thìn, SVD

Có thể nói tình cảm và sự liên đới giữa con người được củng cố và thắt chặt thông qua sự quan tâm và thăm viếng lẫn nhau. Chính sự gặp gỡ và chia sẻ những buồn vui của cuộc sống, làm cho con người hiểu và xích lại gần nhau hơn.

Thế nhưng cuộc sống hôm nay, mỗi người với những lo toan và những dự định của riêng mình, sự thăm viếng, chia sẻ những buồn vui của cuộc sống của nhau, ngày càng khan hiếm. Nhiều lúc người ta đến với nhau chỉ vì bổn phận và trách nhiệm, chứ không phải là vì tình thương và sự quan tâm lẫn nhau. Chính vì thế mà tình cảm giữa anh em với nhau, giữa con người với con người ngày càng nguội lạnh và nhạt nhẽo. Thay vào đó là sự vô cảm, cô đơn và sự ghen ghét…

Qua bài Tin Mừng hôm nay, sự vội vã lên đường viếng thăm bà Êlisabét của Mẹ Maria, đáng để cho chúng ta suy nghĩ về mối tương quan của mình đối với người thân và những người xung quanh chúng ta. Chúng ta đã thực sự chủ động và thật lòng đến với những người anh em của mình hay chưa? Chúng ta có thực sự quan tâm đến những vui buồn của họ hay chưa?

Chúng ta đến để trao niềm vui, sự hy vọng hay lại mang đến nỗi buồn và sự bất đồng cho nhau. Noi gương Mẹ Maria, với thái độ vội vã lên đường không quản ngại đường xa cách trở, để chia sẻ niềm vui với bà Êlisabét, mỗi người chúng ta cũng hãy luôn sẵn sàng đến với nhau để trao niềm vui và hạnh phúc, nhằm xóa đi sự ngăn cách, sự cô đơn, hận thù và những buồn đau của cuộc sống.

Lạy Chúa, xin giúp cho mỗi người chúng con luôn biết vượt qua “cái tôi” của mình để đến với nhau, đến để trao niềm vui, đến để sẻ chia và mang lại niềm hy vọng cho nhau.

Thứ Năm – Ngày 01 – Tháng 6

MÙA PHỤC SINH – TUẦN VII

Bài đọc : Cv 22,30.23,6-11

Tin Mừng : Ga 17,20-26

Khi ấy, Đức Giêsu ngước mắt lên trời và cầu nguyện rằng: Lạy Cha, Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con. Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một: Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con. Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành […]

ƯỚC MUỐN CỦA THIÊN CHÚA DÀNH CHO CHÚNG TA

Tu sĩ Phanxicô X. Nguyễn Du Trí, SVD

Phàm là người ai cũng ước ao được sống hạnh phúc. Ngay từ đầu Thiên Chúa đã muốn con người được hạnh phúc khi tạo dựng họ theo hình ảnh Thiên Chúa, giống như Thiên Chúa và đặt để con người làm chủ và trông coi mọi loài Chúa đã dựng nên (x.St 1,26-27). Khi tạo dựng con người theo hình ảnh mình và giống mình, Thiên Chúa hẳn đã mong con người được chia sẻ tình yêu và hạnh phúc tuyệt hảo tuôn trào tự nơi Ba Ngôi.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã thiết tha cầu nguyện cùng Chúa Cha để không những cho các môn đệ mà cho tất cả những ai nhờ lời các ngài mà tin đều được nên một (x. Ga 17,20-21). Không những nên một trong một đoàn dân duy nhất, nhưng còn nên một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha (x. Ga 17,21). Nghĩa là để tất cả cùng được dự phần vào tình yêu hoàn hảo, như Cha đối với Con và Con đối với Cha. Qua cái chết tự hiến, Chúa Giêsu đã bày tỏ tình yêu tuyệt đối dành cho Cha, đồng thời tỏ lộ tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa dành cho nhân loại.

Trên đường đời, ai cũng có lúc đối diện khó khăn trắc trở, thậm chí có lúc rơi vào nghịch cảnh, cô đơn và tuyệt vọng. Liệu chúng ta có luôn xác tín rằng Chúa chỉ muốn chúng ta hạnh phúc và Ngài đã và vẫn đang ban ơn và hành động trong chúng ta, trong bạn hữu, hay thậm chí trong người thù ghét chúng ta và cả trong nghịch cảnh để sau cùng đưa chúng ta đạt đến hạnh phúc?

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con luôn nên một với Ngài, để tình Ngài sưởi ấm lòng con và để con biết sưởi ấm những tâm hồn lạnh giá, đơn côi, bất hạnh trong cuộc đời này.

Thứ Sáu – Ngày 02 – Tháng 6

MÙA PHỤC SINH – TUẦN VII

Bài đọc : Cv 25,13b-21

Tin Mừng : Ga 21,15-19

[…] Người hỏi lần thứ ba: “Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy không?” Ông Phêrô buồn vì Người hỏi tới ba lần: “Anh có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy.” Đức Giêsu bảo: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy. Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn.” Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: “Hãy theo Thầy.”

CON ĐƯỜNG GIÊSU

Tu sĩ Giuse Lê Văn Tuấn, SVD

“Thế rồi, Người bảo ông: Hãy theo Thầy”

Bước theo Đức Giêsu là đi trên con đường Người đã đi, làm theo những gì Người đã làm. Nhưng trước hết, người theo Chúa phải có một tình yêu và sự tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa.

Trên hành trình ơn gọi bước theo Đức Giêsu của mỗi người Kitô hữu, chúng ta không thể nào bước đi mà không đặt niềm cậy trông và phó thác vào Thiên Chúa. Vì chúng ta biết rằng, con đường Giêsu là con đường hẹp và nhiều thử thách gian nan. Chính Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay đã hỏi ông Phêrô đến ba lần: “Anh có yêu mến Thầy Không ?” và sau ba lần đáp trả yêu mến của ông Phêrô, Người mới mời gọi ông theo Người. Hành trình theo Chúa là một hành trình dài với nhiều thử thách, có khi phải trả giá bằng chính mạng sống. Nếu không có một tình yêu đủ mạnh, một niềm phó thác kiên trung thì chúng ta dễ dàng tìm đến sự dễ dãi để rồi rời xa con đường Giêsu. Con đường Giêsu chính là con đường tình yêu, con đường yêu thương phục vụ và là con đường cứu độ mà Thiên Chúa dành cho con người. Ai được mời gọi bước trên con đường này thì đồng thời cũng được mời gọi từ bỏ con người ích kỷ, từ bỏ lối sống cũ, từ bỏ chính bản thân để trở nên khí cụ của Chúa đến với tha nhân. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã từng viết: “Sống vì tình yêu trên trái đất, đâu phải là cắm lều trên núi Tabo. Nhưng là với Chúa Giêsu trên núi Sọ và nhận cây Thập Giá là kho báu của mình”. Hành trình theo Chúa là thế, là phải biết hy sinh, biết chấp nhận đau khổ, thiệt thòi để tình yêu Thiên Chúa được tỏa lan.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết tín thác và yêu mến Chúa mỗi giây phút trong cuộc sống chúng con. Xin cho chúng con biết trung kiên trước những thử thách để dấn thân phục vụ tha nhân và bày tỏ tình yêu của Thiên Chúa cho thế giới hôm nay.

Thứ Bảy – Ngày 03 – Tháng 6

MÙA PHỤC SINH – TUẦN VII

Bài đọc : Cv 28,16-20.30-31

Tin Mừng : Ga 21,20-25

Khi ấy, ông Phêrô quay lại, thì thấy người môn đệ Đức Giêsu thương mến đi theo sau; ông này là người đã nghiêng mình vào ngực Đức Giêsu trong bữa ăn tối và hỏi: “Thưa Thầy, ai là kẻ nộp Thầy?” Vậy khi thấy người đó, ông Phêrô nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, còn anh này thì sao?” Đức Giêsu đáp: “Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh? Phần anh, hãy theo Thầy.” Do đó, mới có tiếng đồn giữa anh em là môn đệ ấy sẽ không chết. Nhưng Đức Giêsu đã không nói với ông Phêrô là: “Anh ấy sẽ không chết”, mà chỉ nói: “Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh?” Chính môn đệ này làm chứng về những điều đó và đã viết ra. Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực. Còn có nhiều điều khác Đức Giêsu đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra.

LO LẮNG CHO PHẬN VỤ CỦA NGƯỜI KHÁC?

Tu sĩ Phêrô Nguyễn Quốc Hưng, SVD

Người ta thường sợ phải làm hơn người khác khi cùng đóng góp vào một điều gì đó. Cùng một công việc, cùng một hành trình đức tin, nhưng cũng có người sợ mình phải đóng góp công sức và nghĩa vụ hơn phần của người khác. Niềm tin vào Chúa đôi khi cũng bị đưa ra đong đếm cách này hay cách khác.

Câu trả lời của Đức Giêsu cho câu hỏi của ông Phêrô: “Thưa Thầy, còn anh này thì sao” (Ga 21,21) cũng chính là lời nhắc nhở cho bổn phận của mỗi người chúng ta: “Phần anh, hãy theo Thầy” (Ga 21,22). Điều này mời gọi tôi, mời gọi bạn hãy theo Chúa với tất cả khả năng của mỗi người. Chúa đã định được sức lực và khả năng của bạn, của tôi và trao cho từng người từng nén bạc khác nhau để sinh lợi cho Nước Trời.

Tin Mừng cũng mời gọi chúng ta cùng nhớ lại dụ ngôn “Thợ Làm Vườn Nho” (x. Mt 20,1-16a). Khi được trả công như nhau, những người thợ được mướn làm từ buổi sáng cảm thấy khó chịu khi được hưởng cùng mức lương với những người sau chót. Ông chủ trả lời: “Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Hay vì thấy tôi tốt bụng mà bạn đâm ra ghen tức” (Mt 20,13.15).

Ước gì tôi, bạn, mỗi người ý thức mình được Chúa chọn gọi cách đặc biệt, để biết trung thành với bổn phận và trách nhiệm trong ơn gọi của mình.

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con biết yêu mến và nâng đỡ nhau hơn là ganh đua và so sánh thiệt hơn về quyền lợi, bổn phận hay trách nhiệm.

Bài trướcẢnh Tượng cũ đã Làm Phép tiêu hủy như thế nào để không mang tội ? – Bài giảng hay của Đức cha Khảm
Bài tiếp theoThỉnh viện Ngôi Lời Việt Nam Bế giảng Niên khóa 2016 – 2017

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.