Chúa Nhật – Ngày 21 – Tháng 5
MÙA PHỤC SINH – TUẦN VI
Bài đọc 1 : Cv 8,5-8.14-17
Bài đọc 2 : 1Pr 3,15-18
Tin Mừng : Ga 14,15-21
Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy. Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em. Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em. Chẳng bao lâu nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy. Phần anh em, anh em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống và anh em cũng sẽ được sống. Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em. Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy.”
YÊU THƯƠNG LÀ CHU TOÀN LỀ LUẬT
Lm. Phaolô Nguyễn Hữu Thiện, SVD
- W. Goothe đã có câu nói khiến tôi rất tâm đắc: “Chúng ta có thể ăn nửa bữa, có thể ngủ nửa đêm, nhưng không thể đi nửa đường chân lý và yêu bằng nửa trái tim”.
Chúng ta nhớ lại, khi trao sứ vụ giáo hoàng tiên khởi cho thánh Phêrô, Chúa không hỏi ông có chuyên môn gì, có bao nhiêu bằng cấp…, mà Ngài chỉ hỏi ông cùng một câu nhưng hỏi tới ba lần rằng “con có yêu mến Thầy không?”.
Mở đầu bài Tin Mừng hôm nay, Chúa cũng nói với các môn đệ trong tinh thần như vậy: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy” (Ga 14,15). Qua đó cho chúng ta thấy, điều kiện không thể thiếu đối với những người theo Chúa là yêu mến Ngài. Ở đây, Chúa không chấp nhận một tình yêu nửa vời, nhưng là một tình yêu trọn vẹn và dứt khoát.
Nếu chúng ta yêu mến Chúa, chắc chắn chúng ta sẽ tuân giữ Lời, giữ các điều răn, giáo huấn của Chúa. Điều răn quan trọng nhất mà Chúa muốn chúng ta thực hiện như lời Chúa đã trăn trối trước khi về trời: chúng ta hãy yêu thương nhau, như Chúa đã yêu thương chúng ta. Cũng vậy, việc tuân giữ các điều răn của Chúa Cha là bằng chứng cho chúng ta thấy Chúa Giêsu luôn ở trong tình yêu của Chúa Cha. Chúng ta hãy tỏ tình yêu đối với Chúa bằng cách tuân giữ lời Ngài.
Lạy Chúa, việc tuân giữ các giới răn của Chúa một cách nửa vời cho thấy tình yêu của chúng con đối với Chúa chưa đủ mạnh. Xin cho chúng con rung cảm trước tình yêu bao la của Chúa, để chúng con yêu mến Chúa nhiều hơn qua việc sống tuân giữ các giới răn của Chúa.
Thứ Hai – Ngày 22 – Tháng 5
MÙA PHỤC SINH – TUẦN VI
Bài đọc : Cv 16,11-15
Tin Mừng : Ga 15,26-16,4a
Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy. Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu. Thầy đã nói với anh em các điều ấy, để anh em khỏi bị vấp ngã. Họ sẽ khai trừ anh em khỏi hội đường. Hơn nữa, sẽ đến giờ kẻ nào giết anh em cũng tưởng mình phụng thờ Thiên Chúa. Họ sẽ làm như thế, bởi vì họ không biết Chúa Cha cũng chẳng biết Thầy. Nhưng Thầy đã nói với anh em những điều ấy, để khi đến giờ họ hành động, anh em nhớ lại là Thầy đã nói với anh em rồi.”
LÀM CHỨNG
Lm. Gioan B. Nguyễn Hữu Duy, SVD
Chúa Giêsu hứa ban Thánh Thần, Đấng đến để làm chứng về Người và giúp các môn đệ tiếp tục sứ mạng làm chứng.
Trước hết, Chúa Giêsu khẳng định rằng Thánh Thần là chân lý sự thật phát xuất từ Chúa Cha sẽ “làm chứng về Thầy” (15,26). Thánh Thần đến không phải để thực hiện một điều gì mới mà là làm mới những gì Chúa Giêsu đã làm, nghĩa là tiếp tục làm chứng rằng Chúa Giêsu được Chúa Cha sai đến để bày tỏ tình thương cho nhân loại, để những ai tin vào Người thì được sống muôn đời (x. Ga 3,16).
Sau nữa, các môn đệ cũng nhận lấy sứ vụ “làm chứng về Thầy” (Ga 15,27). “Làm chứng” trong nguyên ngữ Hy Lạp còn có nghĩa là “tử đạo”. Làm chứng không chỉ đơn giản là khẳng định những gì mình xác tín, mà còn phải chấp nhận cả những mất mát, thiệt thòi, loại trừ, ghen ghét để bảo vệ điều mình xác tín (x. Ga 16,1-2). Các môn đệ thời sơ khai đã can đảm làm chứng “cùng với Thánh Thần” (Cv 5,32). Các môn đệ của Chúa Giêsu hôm nay cũng không thể làm chứng nếu thiếu ân sủng và sức mạnh của Thánh Thần.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết tiếp tục làm chứng về tình yêu cứu độ của Ngài cho thế giới hôm nay. Xin ban ơn Thánh Thần cho chúng con để chúng con không tự mình làm điều gì nhưng “làm chứng cùng với Thánh Thần” như các môn đệ xưa.
Thứ Ba – Ngày 23 – Tháng 5
MÙA PHỤC SINH – TUẦN VI
Bài đọc : Cv 16,22-34
Tin Mừng : Ga 16,5-11
Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Bây giờ Thầy đến cùng Đấng đã sai Thầy, và không ai trong anh em hỏi: ‘Thầy đi đâu?’ Nhưng vì Thầy nói ra các điều ấy, nên lòng anh em tràn ngập ưu phiền. Song, Thầy nói thật với anh em: Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em. Khi Người đến, Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính và việc xét xử: về tội lỗ: vì chúng không tin vào Thầy; về sự công chính: vì Thầy đến cùng Chúa Cha, và anh em không còn thấy Thầy nữa; về việc xét xử: vì Thủ lãnh thế gian này đã bị xét xử rồi.”
ĐẤNG BẢO TRỢ
Lm. Antôn P. Nguyễn Phi Tiến, SVD
Phân đoạn Lời Chúa hôm nay được chọn để đọc trong Mùa Phục Sinh, trong tâm tình vui mừng và hy vọng của các Tông Đồ và môn đệ Đức Giêsu sau khi chứng kiến Thầy mình đã phục sinh vinh hiển và hiện ra với họ. Đây là những lời mạc khải tiếp theo của Đức Giêsu về Đấng Bảo Trợ sẽ được gửi đến trong thế gian, đồng thời Ngài cũng cho thấy vai trò và sứ mạng của Đấng Bảo Trợ sẽ thực hiện sau khi Ngài về trời.
Đấng Bảo Trợ là một tên gọi khá quen thuộc đối với người Kitô hữu chúng ta. Ngài còn được gọi bởi những danh xưng khác như Chúa Thánh Thần, Chúa Thánh Linh, Thần Khí… Dù có nhiều tên gọi khác nhau nhưng chung quy cũng với một mục đích nhắm tới đó là Ngôi Ba Thiên Chúa sẽ được gửi đến sau khi Đức Giêsu phục sinh và về trời. Đấng ấy đến để minh chứng về Đức Giêsu là Đấng Công Chính của Thiên Chúa được sai đến và đồng thời chỉ cho dân Do Thái nói riêng và nhân loại nói chung về sự sai lầm đáng tiếc là cho rằng Đức Giêsu tự xưng mình là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa thật, một lời lộng ngôn phạm thượng khó chấp nhận và không thể tha thứ. Và chính sự sai lầm lớn lao đó, họ đã lên án tử cho Ngài, một bản án bất công cho Đấng vô tội.
Trong hành trình đời sống đức tin, chắc chắn chúng ta cũng không thiếu những sai lầm, lỗi phạm. Đấng Bảo Trợ được gửi đến với mỗi người để soi lòng mở trí giúp chúng ta nhận ra những bất toàn và lỗi phạm trong đời sống để bổ khuyết và phục thiện. Đồng thời Đấng Bảo Trợ cũng sẽ cảnh tỉnh chúng ta về tội cố chấp, chai lỳ cự tuyệt với lòng thương xót và ơn tha thứ của Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin gửi Thánh Thần Chúa đến với chúng con để mở con mắt tâm hồn, con mắt đức tin, giúp chúng con nhận ra và tín thác vào Ngài là Thiên Chúa thật, là Đấng Công Chính, Đấng giải thoát và cứu chuộc chúng con. Và xin cho chúng con sống theo sự hướng dẫn của Thần Khí Chúa.
Thứ Tư – Ngày 24 – Tháng 5
MÙA PHỤC SINH – TUẦN VI
Bài đọc : Cv 17,15.22-18,1
Tin Mừng : Ga 16,12-15
Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em.”
MẦU NHIỆM BA NGÔI
Tu sĩ Giuse Huỳnh Ngọc Thiên Ân, SVD
Trong thực tế, chúng ta quen với hình ảnh Chúa Kitô nhập thể, chịu chết và phục sinh. Chúng ta dường như ít nhắc đến hình ảnh Chúa Cha đầy lòng thương xót và sự năng động của Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên, mầu nhiệm Ba Ngôi là mầu nhiệm trung tâm của đức tin Kitô Giáo. Mầu nhiệm đó được mạc khải trong lịch sử cứu độ như một thiên tình sử vĩnh hằng rất dễ thương và gần gũi với con người, vì nó liên hệ đến ý nghĩa, ơn cứu độ và hạnh phúc toàn thể nhân loại. Mầu nhiệm đó là nguồn gốc, là khuôn mẫu của đời sống Kitô hữu.
Qua Tin Mừng Gioan, chúng ta cảm nhận được tình yêu vô biên mà Chúa Giêsu trao ban cho chúng ta. Đó là một tình yêu đích thực, một tình yêu hoàn toàn yêu vì người mình yêu. Và cũng vì yêu mà Chúa Giêsu đã vâng lệnh Chúa Cha xuống thế làm người. Và bây giờ Ngài sắp rời xa trần gian để về cùng Cha. Ngài lại sai Chúa Thánh Thần xuống đồng hành với con người trong cuộc sống. Ngài không bao giờ bỏ rơi con người bơ vơ, vất vưởng và lầm than. Từ viễn cảnh này, chúng ta cảm nhận được mầu nhiệm Ba Ngôi thật là cao cả và sáng suốt. Chúa Cha đưa ra sáng kiến, Chúa Con thi hành và là khuôn mẫu của đời sống Kitô hữu, Chúa Thánh Thần thánh hóa và đồng hành.
Ngày hôm nay, tất cả chúng ta là những người đã, đang và sắp trở thành những nhà truyền giáo, những người được sai đi để làm chứng và đem Tin Mừng đến cho người khác. Sứ mạng của chúng ta là tiếp tục những gì mà Chúa Giêsu đã làm. Cho nên, chúng ta phải giữ cho mình một mối dây liên kết chặt chẽ với Ba Ngôi. Nếu chúng ta sống trật khỏi đường ray của Ba Ngôi, đời sống của chúng ta sẽ rơi vào khủng hoảng, chán nản, xa rời Thiên Chúa và không hoàn thành sứ mạng mà mình đã được giao phó.
Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi, xin đồng hành và ban ơn cho chúng con.
Thứ Năm – Ngày 25 – Tháng 5
MÙA PHỤC SINH – TUẦN VI
Bài đọc : Cv 18,1-8
Tin Mừng : Ga 16,16-20
Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy.” Bấy giờ vài người trong nhóm môn đệ của Đức Giêsu hỏi nhau: “Người muốn nói gì khi bảo chúng ta: ‘Ít lâu nữa, anh em sẽ không trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy’ và ‘Thầy đến cùng Chúa Cha’?” Vậy các ông nói: “‘Ít lâu nữa’ nghĩa là gì? Chúng ta không hiểu Người nói gì!” Đức Giêsu biết là các ông muốn hỏi mình, nên bảo các ông: “Anh em bàn luận với nhau về lời Thầy nói: ‘Ít lâu nữa, anh em sẽ không trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy’. Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.
KHÓC LÓC VÀ VUI MỪNG
Tu sĩ Giuse Nguyễn Quốc Đại, SVD
Vui buồn là cảm xúc không thể thiếu nơi mỗi con người. Khi làm chứng cho sự thật và chân lý chúng ta có những niềm vui và cũng không thiếu nỗi buồn.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu tiên báo về cái chết và sự phục sinh của Ngài: “Một ít nữa các con sẽ không thấy Thầy, rồi một ít nữa các con sẽ thấy Thầy”. Nhưng thực sự các môn đệ không thể hiểu Đức Giêsu nói như vậy có ngụ ý gì, nên các ông đã hỏi nhau rằng “như thế có ý nghĩa gì?” Đức Giêsu bảo các ông “các con sẽ than van khóc lóc, còn thế gian sẽ vui mừng. Các con sẽ buồn sầu; nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui”. Thật vậy, các môn đồ của Đức Giêsu đã khóc lóc và chạy tán loạn khi Ngài bị bắt và chịu đóng đinh trên thập tự giá, còn những người hô hào để bắt và đóng đinh Đức Giêsu thì vui mừng vì đã hạ được một người được xem là “phản động”!
Xã hội hôm nay cũng không ngoài ngoại lệ đó. Những người lên tiếng bảo vệ sự thật, lẽ phải và chân lý thì bị chính quyền bắt bớ, tra tấn, đàn áp không nương tay. Họ bị coi là tầng lớp “phản động” chống lại chính quê hương và đất nước mình. Trong khi sự thật họ là những nhà đấu tranh cho quyền dân chủ, bảo vệ môi trường và bảo vệ cho những tầng lớp người thấp cổ bé miệng trong xã hội quá bất công này. Tuy bị bắt bớ, tù đày như vậy nhưng họ vẫn vui vẻ với những hành động và việc làm của mình vì họ biết họ là người sống cho chân lý, sự thật và vì quyền con người cũng như môi sinh.
Lạy Chúa, xin soi sáng và thúc đẩy tất cả chúng con biết hy sinh trong cuộc sống để làm chứng cho sự thật, cho chân lý được ngự trị trong niềm vui Đức Kitô Phục Sinh.
Thứ Sáu – Ngày 26 – Tháng 5
MÙA PHỤC SINH – TUẦN VI
Bài đọc : Cv 18,9-18
Tin Mừng : Ga 16,20-23a
Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui. Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình; nhưng sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thế gian. Anh em cũng vậy, bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được. Ngày ấy, anh em không còn phải hỏi Thầy gì nữa.
LÒNG ANH EM SẼ VUI MỪNG
Tu sĩ Antôn P. Nguyễn Văn Khoát, SVD
Chúa Giêsu là con người đặc biệt, ai theo Ngài sẽ được biến đổi và tìm được hạnh phúc. Điển hình là các Tông Đồ đã bỏ tất cả để theo Chúa, sống với Chúa và ra đi bất cứ nơi đâu.
Các ông hiểu rằng, chỉ có Chúa mới làm cho các ông mạnh mẽ, đầy nghị lực để bước đi trên con đường mà thầy Giêsu đã đi. Con đường đó các ông không tự mình đi được, mà phải có Chúa đồng hành.
Khi về với Chúa Cha, Chúa Giêsu không để cho các Tông Đồ lo lắng và buồn rầu. Ngài nói với các ông: “Anh em cũng vậy, bây giờ anh em lo buồn, nhưng thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được”. Thật là một lời an ủi đầy yêu thương của Chúa Giêsu cho các Tông Đồ để củng cố niềm tin cho các ông. Lời nói của Ngài mang giá trị siêu nhiên thắp sáng trái tim các ngài lòng nhiệt thành ra đi loan báo Tin Mừng khắp nơi, vì có Chúa luôn ở cùng.
Đó cũng là lời mời gọi tôi, lời mời gọi hãy mở con tim để đón nhận tình yêu và sự tha thứ của Ngài. Ngài muốn tôi ý thức rằng, dù bất cứ ở đâu, đi đâu, hãy luôn tin tưởng phó thác trong tay Ngài. Khi tôi gặp khó khăn thử thách, Ngài không bỏ rơi tôi, nhưng Ngài luôn giúp tôi vượt qua thử thách để tìm đến hạnh phúc.
Lạy Chúa, chỉ có Chúa là đường, là ánh sáng của đời con. Xin cho con luôn tin tưởng vào tình yêu mà Chúa dành cho con. Và cho con biết phó thác vào Chúa mọi nơi mọi lúc trong cuộc đời này. Cho dù có ở đâu, làm gì, xin Chúa luôn ở bên con.
Thứ Bảy – Ngày 27 – Tháng 5
MÙA PHỤC SINH – TUẦN VI
Bài đọc : Cv 18,23-28
Tin Mừng : Ga 16,23b-28
Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy. Cho đến nay, anh em đã chẳng xin gì nhân danh Thầy. Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn. Thầy đã dùng dụ ngôn mà nói những điều ấy với anh em. Sẽ đến giờ Thầy không còn dùng dụ ngôn mà nói với anh em nữa, nhưng Thầy sẽ nói rõ cho anh em về Chúa Cha, không còn úp mở. Ngày ấy, anh em sẽ nhân danh Thầy mà xin, và Thầy không nói với anh em là Thầy sẽ cầu xin Chúa Cha cho anh em. Thật vậy, chính Chúa Cha yêu mến anh em, vì anh em đã yêu mến Thầy, và tin rằng Thầy từ Thiên Chúa mà đến. Thầy từ Chúa Cha mà đến, và Thầy đã đến thế gian. Nay Thầy lại bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha.”
XÁC TÍN ĐIỀU MÌNH XIN
Tu sĩ Giuse Nguyễn Công Lai, SVD
Có lẽ không một Kitô hữu nào lại chưa một lần cầu xin Thiên Chúa. Xin ơn là một quyền lợi và cũng là một sự cần thiết trong đời sống, vì chỉ ơn Chúa mới làm cho chúng ta được sống và sống dồi dào. Thế nhưng, cầu xin thế nào mới đúng, mới đem lại hiệu quả? Câu trả lời tùy ở sự cảm nhận của mỗi người, song, có một điểm chung và tối cần thiết mà Tin Mừng hôm nay đã dạy chúng ta, đó là hãy cầu xin với Chúa Cha nhân danh Đức Giêsu Kitô (x.Ga 16,23).
Điều này có nghĩa là hãy đặt để lời nguyện xin của mình trong tình yêu của Chúa Giêsu, vì Ngài là Đầu, và chúng ta là chi thể Ngài (x.Ga 15,5). Lời cầu xin của chúng ta chỉ đem lại giá trị và ích lợi khi đặt dưới sự bao dung, chở che, yêu thương của Chúa Giêsu mà thôi (x.Ga 16,24). Nó cũng có nghĩa là hãy đặt lời nguyện xin của mình trong sự quan phòng của Thiên Chúa, trong sự tin tưởng và phó thác nơi Ngài như đứa trẻ tin tưởng tuyệt đối nơi cha mẹ chúng. Bởi lẽ, nhiều khi chúng ta xin nhưng trong ý nghĩ đôi khi vẫn còn đâu đó sự nghi ngờ; nhiều khi chúng ta xin ơn nhưng thường muốn Chúa làm theo những gì chúng ta muốn và cho là đúng mà ít khi tin tưởng và phó thác hoàn toàn, nghĩa là không dám chấp nhận những chông gai trong cuộc đời, không dám để thánh ý Chúa được thể hiện và dìu dắt cuộc đời ta.
Lạy Chúa, lời Chúa hôm nay nhắc nhớ chúng con về ý nghĩa đích thực của lời cầu xin. Xin cho chúng con biết tin tưởng và phó thác vào Chúa cách tuyệt đối nơi lời nguyện xin, để mỗi ngày đời chúng con luôn lớn lên và triển nở trong tình yêu của Ngài.