Mùa Vọng – Tuần IV – Năm A

0
410

Chúa Nhật – Ngày 22- Tháng 12

MÙA VỌNG – TUẦN IV

Bài đọc 1 : Is 7,10-14

Bài đọc 2 : Rm 1,1-7

Tin Mừng : Mt 1,18-24

Sau đây là gốc tích Đức Giêsu Kitô: bà Maria, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuen, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.” Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà.

NGƯỜI CÔNG CHÍNH

Hình ảnh Thánh Cả Giuse, “người công chính” (Mt 1,19) đã đánh động tôi qua đoạn Tin Mừng theo thánh Mátthêu hôm nay. Được làm cha nuôi Chúa Giêsu là diễm phúc nhưng cũng là một thử thách thực sự cho cuộc đời thánh Giuse. Bởi, nếu lúc ấy ngài từ chối thì không biết lịch sử cứu độ đã xoay chuyển như thế nào nữa.

Được mang tên thánh Giuse làm quan thầy, tôi thực sự cảm thấy tự hào vì công trạng mà ngài đã góp phần trong lịch sử cứu độ. Nhưng, đôi khi tôi cũng cảm thấy thật bất kính vì chọn ngài mà mình lại chẳng thấy có được mấy phần giống ngài.

Hình ảnh thánh Giuse – đấng công chính, đã gợi cho tôi chút cảm nghiệm về bản thân. Vốn chẳng phải người có niềm tin Kitô giáo từ thuở thiếu thời, 17 tuổi tôi mới có kỷ niệm khi lần đầu tiên tới nhà thờ. Tuy lúc đó chưa hiểu gì, vì đơn giản là đi cho vui nhưng sau này đã là điều đánh động sâu sắc tâm hồn tôi, bởi lẽ đó là Đêm Vọng Giáng Sinh. Giờ đây, khi đã là một tu sĩ, tôi vẫn còn như thấy cảm xúc năm nào ùa về mỗi khi nghĩ tới. Chúa giáng trần vì yêu thương con người, tôi lại thấy đặc biệt hơn vì trong đó có mình, người đến với Chúa vào “giờ thứ mười một”, nhưng cách nào đó vẫn được Chúa yêu thương như với những người đến đầu tiên. Phải chăng vì vậy mà tôi như cảm nếm được ân tình Chúa dành cho tôi cách thật gần gũi vì “chẳng phải anh em chọn Thầy nhưng chính Thầy đã chọn anh em” (Ga 15,16).

Lạy Chúa Giêsu, tạ ơn Chúa vì đã đến với con và ban phúc cho con bằng cuộc giáng trần hiển vinh. Xin đồng hành cùng con mỗi ngày để con thêm hăng say trong đời thánh hiến và dấn thân phục vụ.

Tu sĩ Giuse Tạ Quang Duy, SVD

 

Thứ Hai – Ngày 23 – Tháng 12

MÙA VỌNG – TUẦN IV

Thánh Gioan Kenty, Linh mục

Bài đọc : Ml 3,1-4.23-24

Tin Mừng : Lc 1,57-66

Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Êlisabét sinh hạ một con trai. Nghe biết Chúa đã quá thương bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà. Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì, và tính lấy tên cha là Dacaria mà đặt cho em. Nhưng bà mẹ lên tiếng nói: “Không, phải đặt tên cháu là Gioan.”  Họ bảo bà: “Trong họ hàng của bà, chẳng ai có tên như vậy cả.” Rồi họ làm hiệu hỏi người cha, xem ông muốn đặt tên cho em bé là gì. Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết: “Tên cháu là Gioan.” Ai nấy đều bỡ ngỡ. Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra, ông nói được, và chúc tụng Thiên Chúa. Láng giềng ai nấy đều kinh sợ. Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giuđê.

Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi: “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?” Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em.

BÀN TAY THIÊN CHÚA LUÔN PHÙ HỘ EM

Cuộc sống con người có nhiều huyền nhiệm, bí ẩn, khiến nhiều người không khỏi trầm tư suy nghĩ về nó. Người ta thường ví, cuộc sống như những nốt nhạc, có lúc thăng lúc giáng. Thế nhưng, chính những lúc cam go nhất của cuộc đời, Thiên Chúa luôn tỏ lộ bằng nhiều cách để giúp sức con người.

Thật vậy, Tin Mừng hôm nay diễn tả niềm vui của bà Êlisabét sau những tháng ngày mòn mỏi đợi trông và của ông Dacaria khi ông lại nói được. Tuy nhiên, việc ông bị câm được chữa lành chỉ xảy ra sau khi ông chấp nhận đặt tên cho con là Gioan, đúng như lời sứ thần đã truyền dạy. Chắc chắn lúc này, ông Dacaria mới hiểu thấu rằng, điều Thiên Chúa muốn luôn là điều tốt đẹp và những gì Thiên Chúa muốn Ngài đều có thể làm được.

Từ việc sinh ra đến việc đặt tên, và đặc biệt là ơn gọi làm tiền hô cho Đấng Cứu Thế, tất cả đều cho thấy cuộc đời của Gioan luôn có sự can thiệp đặc biệt của Thiên Chúa. Không chỉ có cuộc đời của Gioan, mà cuộc đời của mỗi người chúng ta cũng luôn có sự can thiệp lạ lùng của Thiên Chúa. Thật vậy, từ đời đời Thiên Chúa đã yêu thương và nghĩ đến mỗi người chúng ta. Chính vì thế, Thiên Chúa không chỉ cho chúng ta hiện hữu trên đời mà Ngài còn cho chúng ta được làm con Chúa; đặc biệt, Ngài cho chúng ta được chia sẻ sứ mạng cao cả của Ngài là cộng tác vào chương trình cứu độ nhân loại. Thế nên, chúng ta, khi đã nhận ra chương trình và ý định của Thiên Chúa nơi bản thân, chúng ta sẽ có thái độ thế nào? Cộng tác hay từ chối?

Lạy Chúa, cuộc sống chúng con có nhiều biến cố và đổi thay, xin Chúa giúp chúng con biết nhận ra những giá trị của cuộc sống, và giúp chúng con luôn tin tưởng phó thác hoàn toàn vào Chúa trong mọi hoàn cảnh. 

Tu sĩ Giuse  Mai Văn Dương, SVD

 

Thứ Ba – Ngày 24 – Tháng 12

MÙA VỌNG – TUẦN IV

Bài đọc : 2Sm7,1-5.8b-12.14a.16

Tin Mừng : Lc 1,67-69

Hồi ấy, ông Dacaria, cha của Gioan, được đầy Thánh Thần, liền nói tiên tri rằng: “Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Ítraen đã viếng thăm cứu chuộc dân Người. Từ dòng dõi trung thần Đavít, Người đã cho xuất hiện Vị Cứu Tinh quyền thế để giúp ta, như Người đã dùng miệng các vị thánh ngôn sứ mà phán hứa tự ngàn xưa: sẽ cứu ta thoát khỏi địch thù, thoát tay mọi kẻ hằng ghen ghét; sẽ trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên và nhớ lại lời xưa giao ước; Chúa đã thề với tổ phụ Ápraham rằng sẽ giải phóng ta khỏi tay địch thù, và cho ta chẳng còn sợ hãi, để ta sống thánh thiện công chính trước nhan Người, mà phụng thờ Người suốt cả đời ta. Hài Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao: con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người, bảo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ là tha cho họ hết mọi tội khiên. Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn, cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta, soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối và trong bóng tử thần, dẫn ta bước vào đường nẻo bình an.”

 

SUY NGẮM VÀ CHÚC TỤNG

Thánh ý của Chúa luôn là một thách đố cho những kẻ bước theo Ngài, nhưng đồng thời cũng là cơ hội để cho họ có thể suy ngắm và dâng lời chúc tụng, tạ ơn Ngài vì những điều cao cả mà Ngài đã, đang và sẽ thực hiện cho dân Ngài.

Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy, khi sứ thần báo tin rằng lời cầu xin của ông Dacaria đã được Thiên Chúa nhậm lời, và vợ của ông sẽ thụ thai, ông đã đáp lời trong sự nghi ngờ vì hai ông bà đã cao niên (x. Lc 1,18). Vì thiếu lòng tin vào quyền năng của Thiên Chúa, nên Ngài đã để ông Dacaria bị câm. Tuy nhiên, đây không phải là một hình phạt, nhưng là cơ hội để ông nghiền ngẫm thánh ý Chúa.

Trước hết, Chúa muốn ông suy ngắm về biến cố truyền tin cho Đức Maria và cho vợ ông thụ thai để nhận ra quyền năng và lòng thương xót vô biên mà Chúa luôn sẵn lòng dành cho dân Ngài. Tiếp đến, Chúa muốn ông suy gẫm về sứ mạng ngôn sứ dọn đường cho Đấng Cứu Thế của Gioan Tẩy Giả là con của ông. Qua đó, thấy được chính Chúa sẽ thực hiện những giao ước với dân Ngài nơi Ngôi Lời nhập thể. Cuối cùng, sau khi hiểu được Thánh ý Chúa trong những sự ấy, ông sẽ ca tụng Ngài.

Trong cuộc sống hằng ngày Thiên Chúa vẫn không ngừng nói với chúng ta qua từng biến cố của cuộc đời. Thế nhưng thay vì suy ngắm và chúc tụng, tạ ơn Chúa, chúng ta lại hoài nghi. Phải chăng, giống như ông Dacaria, Chúa cũng có thể cho chúng ta một “dấu chỉ” để giúp chúng suy gẫm và nhận ra quyền năng và sự quan phòng của Ngài?

Lạy Chúa, xin cho con luôn biết tin tưởng và suy gẫm để tìm ra ý Chúa muốn thực hiện nơi con.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Đạt, SVD

 

Thứ Tư – Ngày 25 – Tháng 12

CHÚA GIÁNG SINH

Lễ trọng.

Bài đọc 1 : Is 62,11-12

 Bài đọc 2 : Tt 3,4-7

Tin Mừng : Lc 2,15-20

Khi các thiên sứ rời những người chăn chiên để về trời, những người này bảo nhau: “Nào chúng ta sang Bêlem, để xem sự việc đã xảy ra a, như Chúa đã tỏ cho ta biết.” Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này. Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên. Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng. Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ.

KHUÔN MẶT HÀI NHI GIÊSU

Ngày 26/12/2004 thế giới bị rúng động bởi trận động đất mạnh 9,2 độ richter ở Ấn Độ Dương, tạo ra những cơn sóng thần đánh vào bờ biển của mười quốc gia, khiến hơn 270.000 người thiệt mạng, tạo ra cảnh tang thương tại nhiều quốc gia quanh Ấn Độ Dương. Cả thế giới hướng về các nạn nhân để sẻ chia những nỗi mất mát này.

Thế nhưng, tại Việt Nam hiện nay mỗi năm có khoảng 500.000 ca nạo phá thai (gần gấp đôi trận sóng thần), đứng tốp đầu thế giới. Vậy, sao mọi người trên đất nước này vẫn dửng dưng? Hằng ngày hàng ngàn đứa trẻ là nạn nhân của bạo lực, của ly hôn và của nạn buôn người. Sao những người có trách nhiệm vẫn dửng dưng?

Hôm nay chúng ta hân hoan mừng lễ Chúa Giáng Sinh, kỷ niệm biến cố hơn hai ngàn năm Con Thiên Chúa đã thật sự trở nên người phàm, cư ngụ giữa chúng ta. Mỗi lần kỷ niệm biến cố Giáng Sinh là mỗi lần nhắc nhớ tôi cũng như mọi người biết trân trọng sự sống và nhân phẩm của các trẻ nhỏ. Đồng thời, nhận ra khuôn mặt ngây thơ của Hài Nhi Giêsu nơi những trẻ em đang chịu đau khổ.

Đâu là khuôn mặt của Hài Nhi Giêsu mà Thiên Chúa muốn tôi lưu tâm nhìn đến trong cuộc sống hôm nay?

Lạy Chúa, xin thương nhìn đến những trẻ em trên quê hương chúng con. Xin Ngài thương bảo vệ giữ gìn. 

Tu sĩ Gioan Baotixita Nguyễn Văn Đồng, SVD

 

Thứ Năm – Ngày 26 – Tháng 12

TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH

Thánh Stêphanô, tử đạo. Lễ kính (Đ).

Bài đọc : Cv 6,8-10;7,54-60

Tin Mừng : Mt 10,17-22

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết. Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em.

“Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.

HÃY COI CHỪNG NGƯỜI ĐỜI!

Khi muốn chiêu mộ đồ đệ thì người ta hay dùng những lời hoa mỹ để hứa hẹn những điều tốt đẹp, thoải mái chứ không ai nói đến thử thách, đau thương và bắt bớ như Chúa Giêsu nói với các môn đệ của Ngài cả. Nhưng tại sao Chúa Giêsu lại nói thế? Tại sao khi trở thành môn đệ của Chúa Giêsu, người Kitô hữu bị người đời thù ghét đến mức Ngài phải cảnh tỉnh: “Hãy coi chừng người đời!”? Quả thật, sở dĩ thế gian ghét các Kitô hữu là vì họ đã ghét Thầy Giêsu trước (x. Ga 15,18).

Khi đọc lại các trang lịch sử của Giáo hội ở khắp năm châu, chúng ta thấy rằng không một nơi nào mà người ta không bắt bớ và giết chóc các Kitô hữu. Tuy nhiên, có một điều lạ thường là nơi đâu càng bị bắt bớ thì Giáo Hội nơi ấy càng trở nên mạnh mẽ hơn. Những đau khổ ấy không làm chùn bước của các môn đệ của Thầy Giêsu. Tại sao thế? Tại vì như lời giáo phụ Téctulianô đã nói: “Máu các thánh tử đạo là hạt giống sinh ra các tín hữu”.

Hôm nay chúng ta mừng lễ thánh Stephanô, vị thánh tử đạo tiên khởi của Giáo Hội. Ngài đã hy sinh mạng sống mình để làm chứng cho Chúa Giêsu. Khi mừng lễ ngài, Giáo hội muốn chúng ta biết rằng: Thập giá luôn gắn liền với Chúa Giêsu và những ai theo Ngài. Quả thật, cho đến thời đại hôm nay, các Kitô hữu vẫn không ngừng chịu bắt bớ, thù ghét vì danh Chúa Giêsu. Thánh Phaolô đã chia sẻ kinh nghiệm này với môn đệ Timôthê rằng: “Những ai muốn sống đạo đức trong Đức Kitô Giêsu, đều sẽ bị bắt bớ” (2Tm 3,12). Vậy thì đi theo Chúa Giêsu để được gì? Quả thật, Chúa Giêsu không hứa ban cho các môn đệ lợi lộc trần gian nào cả. Ngài chỉ hứa ban ơn cứu độ cho những ai bền chí đến cùng mà thôi (Mt 10,22).

Lạy Chúa Giêsu, chúng con là những người yếu hèn. Trước những khó khăn và thử thách của cuộc đời Kitô hữu, chúng con thường quỵ ngã. Xin ban thêm lòng tin và sức mạnh để chúng con bền chí đến cùng, ngõ hầu chúng con được ơn cứu độ như Chúa đã hứa ban.

Lm. Antôn Nguyễn Thanh Hà, SVD

 

Thứ Sáu – Ngày 27 – Tháng 12

TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH

Thánh Gioan Tông Đồ, Tác giả sách Tin Mừng. Lễ kính (Đ).

Bài đọc : 1 Ga 1,1-4

Tin Mừng : Ga 20,2-8

Sáng sớm ngày Phục Sinh, Bà Maria chạy đi gặp ông Simôn Phêrô và người môn đệ Đức Giêsu thương mến. Bà nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.” Ông Phêrô và môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phêrô và đã tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. Ông Simôn Phêrô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin.

NIỀM TIN

“Trăm nghe không bằng một thấy”. Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta cần được một lần “thấy” để xác quyết điều mình đã “nghe”. Con người luôn sống trong nghi ngờ thì “thấy” là điều kiện cần thiết để “tin”.

“Ông đã thấy và đã tin” (Ga 20,8). Thánh Gioan đã thấy gì? Về mặt thể lý, ông thấy những gì bà Maria Mácđala và thánh Phêrô đã thấy. Nhưng với lòng mến, ông nhìn thấy những dấu chỉ đó và tin vào Đức Kitô Phục Sinh. Cùng những dấu chỉ đó nhưng người thì thấy, kẻ thì không; người thì xác tín, kẻ thì nghi ngờ. Cái nhìn của lòng mến vượt xa cái nhìn của thể lý. Cái nhìn của lòng mến dẫn đến đức tin; còn cái nhìn của thể lý chỉ dừng lại ở sự hoài nghi.

Chúa Giêsu cho chúng ta biết sức mạnh của đức tin: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc, nó cũng sẽ vâng lời anh em” (Lc 17, 6). Sức mạnh đức tin thật là mãnh liệt, nhưng con người dường như đã dần đánh mất đức tin ấy.

“Khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng” (Lc 18, 8). Chính Đức Giêsu hồ nghi niềm tin của con người, liệu niềm tin của con người luôn vững bền đến khi ngày quang lâm?

Trong cuộc đời rao giảng của Chúa Giêsu, Người đã chữa cho nhiều kẻ được khỏi bệnh, và điều kiện được khỏi, là đòi hỏi con bệnh phải có lòng tin tuyệt đối.

Nhìn những dấu chỉ quanh cuộc sống này, tôi có tin cách chắc chắn vào sự hiện diện của Chúa Phục Sinh?

Lạy Chúa, Chúa biết chúng con luôn yếu đuối, mỏng dòn, và hay sa ngã, xin củng cố niềm tin của chúng con và đồng hành với chúng con trên mọi nẻo đường trên dương gian.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Đình Khiêm, SVD

 

Thứ Bảy – Ngày 28 – Tháng 12

TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH

Các Thánh Anh Hài, Tử đạo.

Lễ kính (Đ).

Bài đọc : 1 Ga 1,5-2,2

Tin Mừng : Mt 2,13-18

[…] Bấy giờ vua Hêrôđê thấy mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bêlem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh. Thế là ứng nghiệm lời ngôn sứ Giêrêmia: Ở Rama, vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ: tiếng bà Rakhen khóc thương con mình và không chịu để cho người ta an ủi, vì chúng không còn nữa.

KHÓC THƯƠNG

Ngày 2 tháng 9 năm 2015, một bức ảnh chụp cậu bé 3 tuổi tên là Alan Kurdi chết trên bờ biển gần khu nghỉ dưỡng Bodrum, Thổ Nhĩ Kỳ đã làm cả thế giới bàng hoàng và phẫn nộ. Tấm ảnh trở thành hình ảnh đại diện cho những hành trình tị nạn đầy khắc nghiệt. Em là nạn nhân trực tiếp của cuộc xung đột giữa IS và lực lượng người Kurd và cũng là một trong vô số những trẻ em là nạn nhân của tội ác.

Cách đây hơn hai ngàn năm, bầu khí tang thương cũng bao trùm Bêlem và vùng lân cận do tội ác của một bạo chúa: vua Hêrôđê. Các bà mẹ phải đau khổ khóc thương nhìn con mình bị giết chỉ vì sự tức giận và tính ích kỷ của một bạo chúa. Cái chết của các thánh Anh Hài là cái chết đặc biệt, cái chết của những nạn nhân vô tội, chưa có ý thức và tự do. Ngày nay, không chỉ nhiều bà mẹ, mà cả chúng ta cũng khóc thương cho những đứa trẻ chết vì nhiều lý do: chiến tranh, hận thù và tội ác của con người…Và có vô số những em bị lạm dụng, bị bỏ rơi, bị đánh cắp tuổi thơ. Nơi các em, ta thấy hình bóng các thánh Anh Hài, và thấy cả khuôn mặt ngây thơ của Hài Nhi Giêsu.

Cái chết của các trẻ nhỏ tại Bêlem xưa là cái chết để làm chứng cho Chúa Giêsu, là cái chết hướng đến vinh quang muôn đời. Cái chết của bé Alan Kurdi, và của các trẻ nhỏ vô tội hôm nay cũng là cái chết vì khát khao hạnh phúc. Mặc dù khi bị giết, các em chưa có ý thức và tự do, nhưng giờ đây, có lẽ các em cũng được hưởng hạnh phúc trên thiên đàng.

Chứng kiến tội ác nhắm vào trẻ em, đòi buộc nhân loại nỗ lực hành động. Chúng ta cùng chung tay bảo vệ trẻ em thông qua những hành động yêu thương cụ thể. Vì Thiên Chúa luôn hiện diện với các em thông qua hành động yêu thương nơi chúng ta.

Lạy Chúa, xin thương nhìn đến trẻ em trên khắp thế giới, đặc biệt là nơi những em cần sự chăm sóc, yêu thương, những trẻ em bị lạm dụng và bóc lột. 

Tu sĩ Giuse Hoàng Quốc Phán, SVD

 

 

Bài trướcNhóm Sinh viên Ngôi Lời: Chương trình Thiện nguyện Chúa Nhật III Mùa Vọng
Bài tiếp theoVIDEO: Nhà Chính Tỉnh Dòng Ngôi Lời – Giuse chuẩn bị đón mừng Đại Lễ Giáng Sinh 2019

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.