Mùa Giáng Sinh – Tuần II – Năm C

0
629

Chúa Nhật – Ngày 6 – Tháng 1
CHÚA NHẬT – CHÚA HIỂN LINH
Lễ Trọng (Tr).

Bài đọc 1 : Is 60,1-6
Bài đọc 2 : Ep 3,2-3a.5-6
Tin Mừng : Mt 2,1-12
…Họ trả lời: “Tại Bêlem, miền Giuđê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng: Phần ngươi, hỡi Bêlem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ítraen dân Ta sẽ ra đời.” Bấy giờ vua Hêrôđê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. Rồi vua phái các vị ấy đi Bêlem và dặn rằng: “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người.” Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại. Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến. Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hêrôđê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình.

DẤU CHỈ THỜI ĐẠI

Tu sĩ Giuse Nguyễn Quốc Đại, SVD

Khi được hỏi về việc chuẩn bị một bài giảng Chúa nhật, nhà thần học lừng danh Karl Barth trả lời: “Một tay tôi cầm Kinh Thánh, tay kia tôi cầm tờ báo và tôi đọc báo dưới ánh sáng Lời Chúa.” Đây chính là lối giải thích những biến cố xảy ra hàng ngày dưới ánh sáng Lời Chúa.
Bài Tin Mừng hôm nay cũng đưa ra ba dấu chỉ như là sự “mặc khải” của Đức Giêsu cho người đương thời biết về sự xuất hiện của Người: Ngôi sao lạ, lời chép trong Kinh Thánh về nơi Đấng Cứu Thế hạ sinh, và chính Đức Giêsu là mặc khải viên mãn của Thiên Chúa. Tuy nhiên, trước những dấu chỉ ấy, mỗi đối tượng lại có những thái độ khác nhau. Các nhà đạo sĩ thì sẵn sàng vượt qua bao khó khăn để được “yết bái” Hài Nhi Giêsu. Còn vua Hêrôđê thì âm mưu trừ khử Người vì sợ mất ngôi vương. Các thượng tế và kinh sư là những chuyên gia giải thích Kinh Thánh nhưng lòng họ lại chai cứng trước những dấu chỉ của Thiên Chúa.
Những dấu chỉ thời đại đó cũng đang được hiện tại hóa nơi cuộc sống của chúng ta. Các phép lạ đang xảy ra hàng ngày nhưng ít khi chúng ta nhận ra. Lời Chúa vẫn được đọc và giải thích nhưng lòng chúng ta vẫn chai lì trước lời mời gọi yêu thương của Thiên Chúa. Chúng ta vẫn còn để những toan tính riêng tư thay cho Lời Chúa, thay cho sự hướng dẫn của Thánh Thần trong cuộc đời.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết nhạy bén nhận ra sự hiện diện của Chúa qua những dấu chỉ trong cuộc sống.

Thứ Hai – Ngày 7 – Tháng 1
MÙA GIÁNG SINH – TUẦN II
Thánh Raimunđô Penyaford,
linh mục (Tr).

Bài đọc : 1 Ga 3,22-4,6
Tin Mừng : Mt 4,12-17.23-25

Khi Đức Giêsu nghe tin ông Gioan đã bị nộp, Người lánh qua miền Galilê. Rồi Người bỏ Nadarét, đến ở Caphácnaum, một thành ven biển hồ Galilê, thuộc địa hạt Dơvulun và Náptali, để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia nói: Này đất Dơvulun, và đất Náptali, hỡi con đường ven biển, và vùng tả ngạn sông Giođan, hỡi Galilê, miền đất của dân ngoại! Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi. Từ lúc đó, Đức Giêsu bắt đầu rao giảng và nói rằng: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.”
Thế rồi Đức Giêsu đi khắp miền Galilê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân. Danh tiếng Người đồn ra khắp xứ Xyri. Thiên hạ đem đến cho Người mọi kẻ ốm đau, mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền: những kẻ bị quỷ ám, kinh phong, bại liệt; và Người đã chữa họ. Từ miền Galilê, vùng Thập Tỉnh, thành Giêrusalem, miền Giuđê và vùng bên kia sông Giođan, dân chúng lũ lượt kéo đến đi theo Người.

THẦY THUỐC GIÊSU

Tu sĩ Phêrô Đỗ Văn Năng, SVD

Ánh sáng cần thiết và hữu ích cho những ai đang lần mò trong tăm tối thế nào thì người thầy thuốc và thuốc trị bệnh cũng quan trọng đối với bệnh nhân như thế. Thiếu ánh sáng, người lữ khách có thể rơi xuống hố; thiếu thầy và thiếu thuốc bệnh tình của bệnh nhân khó mà thuyên giảm.
Qua bài Tin Mừng hôm nay, lời của ngôn sứ Isaia đã được ứng nghiệm nơi Đức Giêsu. Ánh Sáng đã đến và chiếu soi cho cả một vùng đất tối tăm của dân ngoại, nơi người ta còn đang sống trong cảnh tối tăm của tội lỗi. Đức Chúa xuất hiện với lời hứa ban cho một trẻ thơ. Trẻ thơ ấy sẽ gánh vác quyền bính trên vai. Người đã xuất hiện để chữa lành tất cả những ai đang bị bệnh hoạn tật nguyền. Và phương dược của người chính là Lời Hằng Sống.
Chúng ta, những người tin và bước theo Đức Giêsu, được mời gọi chạy đến để được nghe Tin Mừng Nước Trời và được chữa lành khỏi những gánh nặng đang đè xuống cuộc đời (x Mt 4,25). Tiếc rằng nhiều khi ta đã quá thờ ơ với vị “Thầy Thuốc” này và với “Phương Dược” của Người. Thậm chí ta còn coi đó là gánh nặng cho sự tự do của ta. Vì thế mà ta vẫn còn sống trong tối tăm và lầm lạc.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con là những người mang nhiều thương tích do tội lỗi gây ra. Xin cho chúng con luôn biết tìm về bên Chúa, nhất là trong Thánh Lễ, nơi chúng con được nghe Lời Sống của Chúa và được Chúa chữa lành bằng chính Máu Thịt của Ngài.

Thứ Ba – Ngày 8 – Tháng 1
MÙA GIÁNG SINH – TUẦN II

Bài đọc 1 : 1 Ga 4,7-10
Tin Mừng : Mc 6,34-44

Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều. Vì bấy giờ đã khá muộn, các môn đệ đến gần Người và thưa: “Ở đây hoang vắng và bây giờ đã khá muộn. Xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào thôn xóm và làng mạc chung quanh mà mua gì ăn.” Người đáp “Thì chính anh em hãy cho họ ăn đi !” Các ông nói với Người: “Chúng con phải đi mua tới hai trăm quan tiền bánh mà cho họ ăn sao?” Người bảo các ông : “Anh em có mấy chiếc bánh? Đi coi xem!” Khi biết rồi, các ông thưa : “Có năm chiếc bánh và hai con cá.” Người ra lệnh cho các ông bảo mọi người ngồi thành từng nhóm trên cỏ xanh. Họ ngồi xuống thành từng đám, chỗ thì một trăm, chỗ thì năm mươi. Người cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ bánh ra, trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho dân chúng. Người cũng chia hai con cá cho mọi người. Ai nấy đều ăn và được no nê. Người ta thu lại những mẩu bánh được mười hai thúng đầy, cùng với cá còn dư. Số người ăn bánh là năm ngàn người đàn ông.

QUYỀN NĂNG CHÚA

Lm. Phêrô Nguyễn Trọng Đường, SVD

Lời bài hát dựa trên thánh vịnh 95 rằng: “Quyền năng Chúa ta ca vang khắp nơi, để thế giới tin yêu một Thiên Chúa; kỳ công Chúa ta loan cho thế gian, để thế giới vang danh một Chúa trời”, rất phù hợp để dẫn chúng ta vào đoạn Tin Mừng của thánh Máccô hôm nay.
Đức Giêsu làm phép lạ lần thứ nhất: hóa bánh ra nhiều. Thánh Máccô diễn tả rằng: một đám người rất đông cùng nhau theo đường chạy bộ đến nơi trước cả Đức Giêsu và các môn đệ, đang khi các ông cần được nghỉ ngơi đôi chút sau thời gian đi rao giảng Tin Mừng.
Dù là thời gian cần được nghỉ ngơi, cần được bồi bổ lấy lại sức nhưng đứng trước một đám đông Đức Giêsu đã hy sinh sự nghỉ ngơi của bản thân, hy sinh một nhu cầu chính đáng để chạnh lòng thương tất cả dân chúng. Chính từ lòng xót thương mà Người thi thố quyền năng ngay trong những thiếu thốn, những ít ỏi của năm chiếc bánh và hai con cá để nuôi hơn năm ngàn người.
Lạy Chúa Giêsu, nhìn gương của Chúa, xin cho con biết vượt qua chính mình, vượt qua những yếu đuối tội lỗi của bản thân, vượt qua những đố kỵ nhỏ nhen để con biết chạnh lòng thương tất cả mọi anh chị em mà con có dịp gặp gỡ cũng như cho con biết cộng tác với quyền năng của Chúa để mang đến cho thế giới những điều tốt đẹp.

Thứ Tư – Ngày 9 – Tháng 1
MÙA GIÁNG SINH – TUẦN II

Bài đọc : 1 Ga 4,11-18
Tin Mừng : Mc 6,45-52

Sau khi cho năm ngàn người ăn no nê, lập tức, Đức Giêsu bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, về phía thành Bếtxaiđa, trong lúc Người giải tán đám đông. Sau khi cho họ đi, Người lên núi cầu nguyện. Chiều đến, chiếc thuyền đang ở giữa biển hồ, chỉ còn một mình Người ở trên đất. Người thấy các ông phải vất vả chèo chống vì gió ngược, nên vào khoảng canh tư đêm ấy, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông và Người định vượt các ông. Nhưng khi các ông thấy Người đi trên mặt biển, lại tưởng là ma, thì la lên. Quả thế, tất cả các ông đều nhìn thấy Người và đều hoảng hốt. Lập tức, Người bảo các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” Người lên thuyền với các ông, và gió lặng. Các ông cảm thấy bàng hoàng sửng sốt, vì các ông đã không hiểu ý nghĩa phép lạ bánh hoá nhiều: lòng trí các ông còn chai đá!

LAO ĐỘNG VÀ CẦU NGUYỆN

Tu sĩ Phaolô Nguyễn Phước Hiền, SVD

Lao động và cầu nguyện là hai yếu tố cần thiết, không thể thiếu đối với người môn đệ của Chúa. Đời sống hoạt động và cầu nguyện cũng cần phải có sự cân bằng. Đức Giêsu cũng đã nêu gương cho chúng ta điều ấy.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Máccô đã tường thuật lại một ngày làm việc của Chúa Giêsu: Sau khi làm phép lạ để nuôi đám đông dân chúng, Người giải tán họ, bảo các môn đệ qua bờ bên kia trước là Bếtsaiđa và Ngài lên núi cầu nguyện. Chúng ta có thể thấy rằng dù làm việc vất vả, Chúa Giêsu vẫn dành thời gian để cầu nguyện. Ngài muốn ở một mình, tạm xa những xô bồ của nhịp sống thường nhật và để kết hợp với Chúa Cha trong mối dây thân tình. Ngài chọn sự cầu nguyện để cân bằng giữa đời sống hoạt động và đời sống chiêm niệm. Sự cân bằng này tựa như mái chèo của con thuyền, để giúp con thuyền cân bằng và tiến về phía trước.
Đời sống của người môn đệ theo Chúa cũng phải có sự cân bằng giữa những công việc mục vụ và sự cầu nguyện. Nếu đời sống chúng ta chỉ là hoạt động tông đồ mà xem nhẹ đời sống cầu nguyện thì đời sống của ta sẽ dễ bị chệch hướng, dễ xa cách Chúa và dễ tìm vinh danh cho chính bản thân mình.
Bài Tin Mừng hôm nay là một lời nhắc nhở chúng ta phải biết cân bằng giữa đời sống hoạt động và đời sống cầu nguyện. Cầu nguyện để kín múc sức mạnh của Chúa, để giúp chúng ta phân định đâu là thánh ý Chúa trong mọi hoạt động.
Lạy Chúa Giêsu, giữa nhịp sống hối hả của cuộc đời, xin cho chúng con biết tìm về với Chúa và ở lại bên Chúa qua đời sống cầu nguyện.

 

Thứ Năm – Ngày 10 – Tháng 1
MÙA GIÁNG SINH – TUẦN II

Bài đọc 1 : 1 Ga 4,19 – 5,4
Tin Mừng : Lc 4,14-22a

Được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Đức Giêsu trở về miền Galilê, và tiếng tăm Người đồn ra khắp vùng lân cận. Người giảng dạy trong các hội đường, và được mọi người tôn vinh. Rồi Đức Giêsu đến Nadarét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sabát, và đứng lên đọc Sách Thánh. Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ Isaia. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng: Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa. Đức Giêsu cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng
nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.” Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người.

HIỂU VÀ ÁP DỤNG LỜI CHÚA

Tu sĩ Giuse Trần Văn Huyến, SVD

Bài Tin Mừng kể về việc Đức Giêsu trở về Nadarét, vào hội đường và đọc Sách Thánh. Rồi Người giải nghĩa Lời Chúa cho mọi người. Sự giải nghĩa của Người làm mọi người ngạc nhiên và trầm trồ. Để có thể thu hút người nghe, Chúa Giêsu hẳn đã đọc, nghiền ngẫm và sống Lời Chúa.
Việc đọc, suy niệm và thực hành Lời Chúa như là cách thức tốt nhất để người Kitô hữu tuân giữ giới răn của Chúa. Thế nhưng việc đọc và suy niệm Lời Chúa cần theo đường hướng của Hội Thánh. Nếu ta đọc và suy niệm Lời Chúa không theo chỉ dẫn của Hội Thánh, sẽ dẫn đến áp dụng sai. Trong lịch sử của Hội Thánh, biết bao lạc giáo đã đi lầm đường vì hiểu Lời Chúa không theo chỉ dẫn của Hội Thánh. Hậu quả là Hội Thánh của Đức Kitô đã bị chia rẽ.
Là một tín hữu Công Giáo, nếu chúng ta hiểu Lời Chúa sai, rồi áp dụng sai nữa thì hậu quả sẽ như thế nào? Nguy hiểm hơn nếu ta còn đem cách hiểu đó để chỉ vẽ cho người khác. Vậy mỗi người chúng ta phải đọc, suy niệm Lời Chúa một cách có ý thức, không thể chỉ vì ngẫu hứng nhất thời mà hiểu sai ý nghĩa của Lời Chúa, lạc xa những hướng dẫn của Hội Thánh trong việc giải thích và áp dụng Lời Chúa vào cuộc sống.
Lạy Chúa Giêsu, xưa Chúa đã trực tiếp tỏ bày cho chúng con thấy giá trị của Lời Chúa. Nay qua Hội Thánh, Chúa tiếp tục hướng dẫn chúng con trong việc học hỏi, suy niệm và áp dụng Lời Chúa. Xin cho chúng con biết đem hết khả năng để đào sâu Lời Chúa hầu chúng con có thể vững bước rao truyền Lời Chúa.

Thứ Sáu – Ngày 11 – Tháng 1
MÙA GIÁNG SINH – TUẦN II

Bài đọc 1 : 1 Ga 5,5-13
Tin Mừng : Lc 5,12-16

Khi ấy, Đức Giê-su đang ở trong một thành kia; có một người đầy phong hủi vừa thấy Người, liền sấp mặt xuống, xin Người rằng: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Người giơ tay đụng vào anh ta và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi.” Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh. Rồi Người truyền anh ta không được nói với ai, và Người bảo: “Hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được sạch, thì hãy dâng của lễ như ông Môsê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.” Tiếng đồn về Người ngày càng lan rộng ; đám đông lũ lượt tuôn đến để nghe Người và để được chữa bệnh. Nhưng Người lui vào nơi hoang vắng mà cầu nguyện.

TÔI ƠI, ĐỪNG TUYỆT VỌNG

Phó tế Phêrô Nguyễn Quốc Hưng, SVD

Bệnh tật, nhất là bệnh phong hủi theo luật Môsê là một sự ô uế nặng nề, và người mắc thứ bệnh này phải bị tách ra khỏi cộng đồng. Hôm nay người bệnh đến với Chúa để rồi Chúa đón lấy cả sự ô uế của người bệnh làm cho người ấy được sạch.
Con người thường phải chịu đựng những sự đau đớn của bệnh tật thể lý và cả những chán nản và thất vọng do định kiến và bỏ rơi. Rơi vào những trường hợp như vậy thật không dễ dàng chút nào để người ta có thể mở lòng ra với Chúa để được Người an ủi và chữa lành. Lời Chúa hôm nay là sự khích lệ lớn lao: tôi ơi, đừng tuyệt vọng! Hãy đến với Chúa.
“Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch” (Lc 5,12). Lời van xin của người mắc bệnh phong hủi chạm đến lòng thương xót của Chúa. Người đã giơ tay ra và chữa lành anh. Con tim chạnh lòng thương đã không ngần ngại phá tan những tục lệ, định kiến để nối kết lại mối tương quan đã bị cắt đứt.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy gạt bỏ sự tự ti của mình, loại bỏ mặc cảm của bản thân và dám mạnh dạn bước ra khỏi sự cay đắng, càm ràm than thân trách phận, để rồi mạnh dạn thân thưa với Chúa: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”; xin tẩy rửa con khỏi những thứ phong hủi do bệnh tật, do tội lỗi, do ích kỷ, ngạo mạn, để thanh tẩy tâm hồn con.
Lạy Chúa, xin nhờ lời cầu bầu của Mẹ, Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội, xin Ngài chữa lành những vết thương trong tâm hồn chúng con với Lòng Thương Xót Chúa, để chúng con được luôn nối kết trong mối tương quan với Chúa và với anh chị em con.

Thứ Bảy – Ngày 12 – Tháng 1
MÙA GIÁNG SINH – TUẦN II

Bài đọc 1 : 1 Ga 5,14-21
Tin Mừng : Ga 3,22-30

Sau đó, Đức Giêsu và các môn đệ đi tới miền Giuđê. Người ở lại nơi ấy với các ông và làm phép rửa. Còn ông Gioan, ông cũng đang làm phép rửa tại Ênôn, gần Salim. […] Bấy giờ, có một cuộc tranh luận xảy ra giữa các môn đệ của ông Gioan và một người Do Thái về việc thanh tẩy. Họ đến gặp ông Gioan và nói: “Thưa thầy, người trước đây đã ở với thầy bên kia sông Giođan và được thầy làm chứng cho, bây giờ ông ấy cũng đang làm phép rửa, và thiên hạ đều đến với ông.” Ông Gioan trả lời: “Chẳng ai có thể nhận được gì mà không do Trời ban. Chính anh em làm chứng cho thầy là thầy đã nói: ‘Tôi đây không phải là Đấng Kitô, mà là kẻ được sai đi trước mặt Người.’ Ai cưới cô dâu, người ấy là chú rể. Còn người bạn của chú rể đứng đó nghe chàng, thì vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng. Đó là niềm vui của thầy, niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn. Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi.

ĐỂ CHÚA LỚN LÊN

Tu sĩ Giuse Nguyễn Công Lai, SVD

Lẽ thường ai cũng muốn tìm và hưởng thụ những vinh hoa đời này. Khi bản thân tạo lập được những nấc thang giá trị và làm nên những điều vĩ đại, người ta có lý do để mà hưởng thụ. Hơn nữa, người ta càng có lý do hơn để ganh ghét những người đụng chạm đến quyền lợi của mình.
Ông Gioan Tẩy Giả không buồn khi thấy người mà mình từng làm phép rửa cho trước đây, giờ trở nên nổi tiếng. Trái lại, ông hiểu mình là ai, mình đang đứng ở đâu, công việc của mình là gì (x. Ga 3,28). Sự khiêm tốn và biết mình của ông Gioan xuất phát từ một sự cảm nghiệm tiếng Chúa cách sâu xa, cũng như luôn ý thức được sứ vụ và chỗ đứng của mình (x. Ga 3,29).
Cách hành xử của ông Gioan trong bài Tin Mừng hôm nay quả là bài học quý giá cho mỗi người chúng ta. Dám từ bỏ danh lợi mà lẽ ra mình có, coi trọng tài năng người khác, không buồn khi người khác hơn mình… là những đức tính không phải lúc nào chúng ta cũng có thể thực hiện được.
Trong một xã hội mà sự hưởng thụ được đề cao, vật chất là trên hết, nền tảng đạo đức, giáo dục bị lung lay, quan hệ người với người đôi khi chỉ là hình thức mà thiếu chiều sâu, thiếu sự tôn trọng nhân phẩm… thì việc học nơi Gioan lòng khiêm nhường, quảng đại, từ bỏ hư danh để Chúa lớn lên là điều mà mỗi người phải trau rèn hằng ngày. Có như vậy ý Chúa mới được thể hiện. Có như vậy thì những việc chúng ta làm không chỉ vì hư danh của bản thân nhưng tất cả là vì Chúa, vì tha nhân.
Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết mở rộng lòng mình, dẹp bỏ sự ích kỷ của bản thân để Chúa lớn lên trong chúng con.

Bài trướcThánh Lễ Phong chức Phó Tế và Linh Mục Tỉnh Dòng Ngôi Lời Việt Nam
Bài tiếp theoChuẩn bị cuộc viếng thăm của ĐTC tại Abu Dhabi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây