Mùa Chay – Tuần V – Năm A

0
669

Chúa Nhật – Ngày 02 – Tháng 4

MÙA CHAY – TUẦN V

(Không cử hành lễ thánh Phanxicô Paola, ẩn tu)

Bài đọc 1 : Ed 37,12-14

Bài đọc 2 : Rm 8,8-11

Tin Mừng : Ga 11,1-45

[…] Hai cô cho người đến nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, người Thầy thương mến đang bị đau nặng.” Nghe vậy, Đức Giêsu bảo: “Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa: qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh.” Đức Giêsu quý mến cô Mácta, cùng hai người em là cô Maria và anh Ladarô. Tuy nhiên, sau khi được tin anh Ladarô lâm bệnh, Người còn lưu lại thêm hai ngày tại nơi đang ở. Rồi sau đó, Người nói với các môn đệ: “Nào chúng ta cùng trở lại miền Giuđê!” Các môn đệ nói: “Thưa Thầy, mới đây người Do Thái tìm cách ném đá Thầy, mà Thầy lại còn đến đó sao?” Đức Giêsu trả lời: “Ban ngày chẳng có mười hai giờ đó sao? Ai đi ban ngày thì không vấp ngã, vì thấy ánh sáng mặt trời. Còn ai đi ban đêm, thì vấp ngã vì không có ánh sáng nơi mình!”[…]

ÁNH SÁNG VÀ BÓNG TỐI

Lm. Gioan B. Nguyễn Hữu Duy, SVD

Khi biết Chúa Giêsu quyết định trở lại Giuđê để “đánh thức” anh Lazarô, các môn đệ đã can ngăn Người, vì ở Giuđê người Do Thái đang tìm cách ném đá Người (11,8). Chúa Giêsu trả lời: “Ai đi ban ngày thì không vấp ngã, vì thấy ánh sáng mặt trời. Còn ai đi ban đêm, thì vấp ngã vì không có ánh sáng nơi mình!” (11,9-10).

Chúa Giêsu là “ánh sáng” (Ga 1,4-5.9; 8,12; 9,5), nên Người không sợ bóng tối, không sợ vấp ngã, không sợ sự đe dọa của sức mạnh và quyền lực bóng tối. Mối giây tình nghĩa chân chính giữa Ngài với anh Ladarô và hai chị em Mácta, Maria đủ chính nghĩa để Người đi Giuđê mà không sợ những kẻ đang đe dọa mạng sống Người.

Thánh Gioan cho biết Chúa Giêsu  “là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại” (Ga 1,4). Ánh sáng của Chúa Giêsu chính là sự sống cho con người. Nhờ lời tuyên xưng đức tin của cô Mácta vào Đức Giêsu, ánh sáng là sự sống của Đức Giêsu chiếu rọi vào bóng tối của sự chết mà hồi sinh anh Ladarô.

Những ai đi trong ánh sáng của Chúa Giêsu thì cũng được soi chiếu để không sợ đi sai đường, không sợ sự đe dọa của sức mạnh và quyền lực bóng tối. Những ai tin vào Người thì có nơi mình ánh sáng là sự sống: sự sống thần linh vượt thắng tội lỗi và bóng tối sự chết.

Lạy Chúa, xin dẫn chúng con đi trong ánh sáng để chúng con không sợ hãi quyền lực bóng tối. Xin ban thêm đức tin để chúng con luôn được sự sống thần linh nuôi dưỡng và đổi mới hàng ngày.

 

Thứ Hai – Ngày 03 – Tháng 4

MÙA CHAY – TUẦN V

Bài đọc : Đn 13,1-9.15-17.19-30.33-62

Tin Mừng : Ga 8,1-11

Các kinh sư và người Pharisêu dẫn đến trước mặt Đức Giêsu một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình … Trong sách Luật, ông Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao ?” Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người. Nhưng Đức Giêsu cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Đức Giêsu, và người phụ nữ thì đứng ở giữa. Người ngẩng lên và nói: “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?” Người đàn bà đáp: “Thưa ông, không có ai cả.” Đức Giêsu nói: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”

LÒNG THƯƠNG XÓT

Lm. Antôn P. Nguyễn Phi Tiến, SVD

Câu chuyện người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình là một trong những dụ ngôn nổi bật trong Kinh Thánh làm toát lên dung mạo của Thiên Chúa, Đấng đầy lòng xót thương. Lòng thương xót của Thiên Chúa được thể hiện một cách cụ thể và trọn vẹn qua chính đời sống của Đức Giêsu, Con Một yêu dấu của Ngài.

Đức Giêsu đã biểu lộ lòng thương xót của Chúa Cha cho nhân loại không chỉ qua lời nói mà bằng cả cử chỉ, hành động, ánh mắt, thái độ và cả chính đời sống của Người. Quan sát trong bối cảnh của dụ ngôn hôm nay, chúng ta thấy một nghịch lý trớ trêu đối với lối hành xử của con người với nhau. Đứng trước tình cảnh đáng thương của người phụ nữ, những kinh sư và Pharisêu, cùng với một số dân chúng háo hức, tức giận muốn ăn tươi nuốt sống, muốn lên án tử cho chị ta ngay. Một nghịch lý khó tin là những kẻ có tội lại lên án tử cho nhau. Đồng loại cùng phận người lại dành cho nhau một sự lên án cay nghiệt và nghiêm khắc. Còn thái độ của Đấng Vô Tội thì sao? Ngài hoàn toàn thinh lặng, không lên án, không kết tội, ngược lại Ngài hành xử rất khoan dung và độ lượng: Không ai lên án chị ư? Thôi, chị hãy về đi, từ nay đừng phạm tội nữa! Ánh mắt trìu mến và đầy cảm thông, thái độ đôn hậu và vị tha, cử chỉ, hành động nhẹ nhàng và khoan dung, với lời nói đầy lòng thương xót và tha thứ, đã giải thoát người phụ nữ khỏi án chết dưới bàn tay của những bậc lão thành vị vọng trong dân. Cách hành xử và lời nói đôn hậu của Đức Giêsu đã biểu lộ trọn vẹn lòng thương xót của Thiên Chúa đối với tội nhân. Thiên Chúa đã chạnh lòng thương trước tình cảnh bi đát nhất của con người và dủ lòng thương xót.

Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa là Đấng đầy lòng xót thương và xin cho con biết con cũng là tội nhân để con biết cư xử rộng lượng và khoan dung hơn với anh chị em con.

 

Thứ Ba – Ngày 04 – Tháng 4

MÙA CHAY – TUẦN V

Bài đọc : Ds 21,4-9

Tin Mừng : Ga 8,21-30

[…] Đức Giêsu đáp: “Hoàn toàn đúng như tôi vừa nói với các ông đó. Tôi còn có nhiều điều phải nói và xét đoán về các ông. Nhưng Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật; còn tôi, tôi nói lại cho thế gian những điều tôi đã nghe Người nói.” Họ không hiểu là Đức Giêsu nói với họ về Chúa Cha. Người bảo họ: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu, và biết tôi không tự mình làm bất cứ điều gì, nhưng Chúa Cha đã dạy tôi thế nào, thì tôi nói như vậy. Đấng đã sai tôi vẫn ở với tôi; Người không để tôi cô độc, vì tôi hằng làm những điều đẹp ý Người.” Khi Đức Giêsu nói thế, thì có nhiều kẻ tin vào Người.

TA HẰNG HỮU

Tu sĩ Giuse Huỳnh Ngọc Thiên Ân, SVD

Những người Do Thái ngày xưa không tin vào Chúa Giêsu, vì cách sống của Người và thông điệp mà Người hé mở về thế giới bên kia không có sức hấp dẫn đối với họ. Chúa Giêsu mà tranh luận với họ thì sẽ mất thì giờ vô ích. Sự khôn ngoan của Thiên Chúa được mạc khải rõ ràng hơn nhiều, qua cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá.

Còn đối với chúng ta, sau 2000 năm Chúa Giêsu chịu chết và phục sinh, chúng ta có tin Chúa Giêsu là Đấng Hằng Hữu không? Quả thực, nếu xét mình một cách kỹ lưỡng, chúng ta đã quá nhiều lần phạm tội. Chúng ta tự khép mình lại trong vỏ sò bản thân và trong cái khôn phàm trần của mình thay vì mở rộng tâm hồn hướng tới chân trời của Thiên Chúa. Mỗi lần phạm tội như thế, chúng ta đã chối bỏ sự Hằng Hữu của Chúa Giêsu. Chúng ta đã vô tình không nhận ra sự đau khổ tột cùng mà Người đã chịu để cứu chuộc tội lỗi của chúng ta. Sự vô tình của chúng ta là một hành động gián tiếp chối bỏ tình thương vô biên mà Thiên Chúa Cha ban tặng. Ngài đã ban chính Con Một đến Nhập Thể để cứu đời.

Ước gì qua cái chết của Đức Giêsu, mỗi người chúng ta nhận ra được dấu chỉ tình yêu vô biên của Thiên Chúa và là nguồn mạch ơn tha thứ. Mùa Chay cũng là dịp thuận tiện để chúng ta ăn năn hoán cải, hãm mình và cảm nhận được cái chết vô tội của Đức Giêsu. Từ đó, chúng ta nhận ra rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa toàn năng, là Đấng Hằng Hữu, là nguồn cội và là cùng đích sự hiện hữu của chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết say mê thập giá Chúa mọi ngày để chúng con cảm nghiệm được sự đau khổ mà Ngài phải gánh chịu. Từ đó, chúng con biết hy sinh, hãm mình sửa đổi bản thân và bắt chước nếp sống của Ngài, để qua đó, chúng con có thể giúp cho người khác nhận biết cái chết và phục sinh của Ngài.

 

Thứ Tư – Ngày 05 – Tháng 4

MÙA CHAY – TUẦN V

Bài đọc : Đn 3,14-20.24-25.28

Tin Mừng : Ga 8,31-42

Khi ấy, Đức Giêsu nói với những người Do Thái đã tin Người rằng: “Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi; các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông.” Họ đáp: “Chúng tôi là dòng dõi ông Ápraham. Chúng tôi không hề làm nô lệ cho ai bao giờ. Làm sao ông lại nói: các ông sẽ được tự do?” Đức Giêsu trả lời: “Thật, tôi bảo thật các ông: hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội. Mà kẻ nô lệ thì không được ở trong nhà luôn mãi, người con mới được ở luôn mãi. Vậy, nếu người Con có giải phóng các ông, thì các ông mới thực sự là những người tự do. Tôi biết các ông là dòng dõi ông Ápraham, nhưng các ông tìm cách giết tôi, vì lời tôi không thấm vào lòng các ông. Phần tôi, tôi nói những điều đã thấy nơi Cha tôi; còn các ông, các ông làm những gì đã nghe cha các ông nói”[…]

SỰ THẬT SẼ GIẢI THOÁT CÁC NGƯƠI

Lm.  Giuse Nguyễn Quốc Đại, SVD

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nhắc nhở những người đã tin vào Chúa rằng:  “Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi; các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông” (Ga 8,31-32).

Lời Đức Giêsu đã đánh động vào tâm trí của những người được mang danh là Kitô hữu trong thời đại hôm nay. Mỗi Kitô hữu biết “ở lại trong lời Ta”, nghĩa là  “ở lại trong Đức Kitô”, đều là môn đệ của Đức Giêsu giữa thế gian này. Vì được biết sự thật về Đức Kitô, biết Ngài yêu thương con người thế nào, thì chúng ta cũng phải làm chứng cho sự thật ấy bằng đời sống yêu thương của mình.

Làm chứng cho sự thật, làm chứng cho Đức Kitô là điều thật không dễ dàng chút nào. Nhất là trong xã hội chúng ta, đi đâu cũng thấy cảnh gian trá bày ra trước mắt, không lớn thì nhỏ, từ nơi cơ quan công quyền đến nơi chợ búa, thậm chí còn len lỏi cả trong trường học và bệnh viện – nơi được xem là đào tạo nhân cách và cứu chữa con người. Đức Kitô “là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Ngài là con đường duy nhất dẫn tới tự do đích thực. “Hữu xạ tự nhiên hương”, mỗi người Kitô hữu, đặc biệt là các tu sĩ cần thể hiện lời nói đi đôi với việc làm theo tinh thần Chúa dạy. Đó là điều kiện để sự thật được hiện diện trong thế giới.

Lạy Chúa, xin cho lời Chúa hôm nay tác động vào sâu thẳm tâm hồn chúng con để chúng con có thể là những Kitô hữu đích thực, dám sống chứng tá cho sự thật.

 

Thứ Năm – Ngày 06 – Tháng 4

MÙA CHAY – TUẦN V

Bài đọc : St 17,3-9

Tin Mừng : Ga 8,51-59

Khi ấy, Đức Giêsu nói với người Do Thái rằng: “Thật, tôi bảo thật các ông: ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết.” Người Do Thái liền nói: “Bây giờ, chúng tôi biết chắc là ông bị quỷ ám. Ông Ápraham đã chết, các ngôn sứ cũng vậy; thế mà ông lại nói: ‘Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết.’ Chẳng lẽ ông lại cao trọng hơn cha chúng tôi là ông Ápraham sao? Người đã chết, các ngôn sứ cũng đã chết. Ông tự coi mình là ai?” Đức Giêsu đáp: “Nếu tôi tôn vinh chính mình, vinh quang của tôi chẳng là gì cả. Đấng tôn vinh tôi chính là Cha tôi, Đấng mà các ông gọi là Thiên Chúa của các ông. Các ông không biết Người; còn tôi, tôi biết Người. Nếu tôi nói là tôi không biết Người, thì tôi cũng là kẻ nói dối như các ông. Nhưng tôi biết Người và giữ lời Người. Ông Ápraham là cha các ông đã hớn hở vui mừng vì hy vọng được thấy ngày của tôi. Ông đã thấy và đã mừng rỡ.” Người Do Thái nói: “Ông chưa được năm mươi tuổi mà đã thấy ông Ápraham!” Đức Giêsu đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông: trước khi có ông Ápraham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu!” Họ liền lượm đá để ném Người. Nhưng Đức Giêsu lánh đi và ra khỏi Đền Thờ.

TÔI BIẾT TÔI TIN AI

Tu sĩ Antôn P. Nguyễn Văn Khoát, SVD

Thiên Chúa là đấng có quyền năng vượt thắng sự chết. Ngài chính là Đấng hằng hữu. Vì vậy, Ngài tuyên bố với người Do Thái: “Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 8,51).

Tội lỗi khiến con người phải chết, phải hư mất đời đời. Chúa Cha yêu thương nhân loại nên đã sai Con Một đến để cứu chuộc con người khỏi chết vì tội lỗi gây nên. Khi đến trần gian, Chúa Giêsu đã hứa ban sự sống đời đời cho những ai tuân giữ lời Ngài. Vì thế, để không phải chết đời đời, con người chỉ còn cách bám víu vào Đức Giêsu và lời của Ngài, vì lời Ngài thật là sức sống cho cuộc đời con người.

Tôi cần học cách sống khiêm nhường trong thân phận con người đầy tội lỗi và yếu đuối, biết tin tưởng và phó thác vào quyền năng và sự quan phòng của Thiên Chúa. Tôi biết Chúa, tôi phải sống với Chúa, tuân giữ các điều luật của Ngài.

Hơn nữa, tôi cần sống tốt mỗi ngày để làm chứng cho Chúa. Trong đời sống xã hội ngày nay, con người thường sống trong vỏ bọc của sự kiêu ngạo, tham lam và dối trá. Sự gian dối làm con người chết dần, vì không có ánh sáng của Thiên Chúa, không có sự thật của Ngài soi chiếu.

Lạy Chúa, xin cho con tin tưởng rằng chỉ có Chúa mới là cùng đích của sự sống, xin cho con luôn phó thác cuộc đời con nơi Ngài luôn mãi.

 

Thứ Sáu – Ngày 07 – Tháng 4

MÙA CHAY – TUẦN V

Bài đọc : Gr 20,10-13

Tin Mừng : Ga 10,32-42

Khi ấy, người Do Thái lại lấy đá để ném Đức Giêsu. Người bảo họ: “Tôi đã cho các ông thấy nhiều việc tốt đẹp Chúa Cha đã giao cho tôi làm; vì việc nào mà các ông ném đá tôi?” Người Do Thái đáp: “Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng: ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa.” Đức Giêsu bảo họ: “Trong Lề Luật các ông, đã chẳng có chép lời này sao: ‘Ta đã phán: các ngươi là những bậc thần thánh’? Nếu Lề Luật gọi những kẻ được Thiên Chúa ngỏ lời là những bậc thần thánh, mà lời Kinh Thánh không thể bị huỷ bỏ, thì tôi là người Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian, làm sao các ông lại bảo tôi: ‘Ông nói phạm thượng!’ vì tôi đã nói: ‘Tôi là Con Thiên Chúa’? Nếu tôi không làm các việc của Cha tôi, thì các ông đừng tin tôi. Còn nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó […]

ĐÁNH GIÁ TRONG BAO DUNG

Tu sĩ Giuse Nguyễn Công Lai, SVD

Trong đời sống thường ngày, nhất là trong cộng đoàn tu trì, nhìn nhận và đánh giá về mặt mạnh, mặt yếu của anh em mình là một điều rất cần thiết và hữu ích. Bởi nó giúp cho người anh em có cái nhìn toàn diện hơn về bản thân để phát huy, để sửa chữa, để thăng tiến. Song, đánh giá như thế nào, góp ý như thế nào để mang lại hiệu quả và nhất là để trọn tình, vẹn nghĩa lại là điều đáng bàn.

Người Do Thái mà chúng ta nghe trong bài Tin Mừng hôm nay cũng đã đánh giá về Đức Giêsu. Nhưng, đánh giá của họ chỉ thiên một bề, tức chỉ nhìn Đức Giêsu theo cách mà họ cho là đáng ném đá (x.Ga 10,33). Dĩ nhiên, chúng ta có thể thông cảm với họ, vì lúc đó họ không biết Đức Giêsu là Thiên Chúa như chúng ta biết cách tỏ tường, nhờ mạc khải và giáo huấn. Hơn nữa, vì yếu tố văn hoá và việc giữ lề luật cách nghiêm ngặt, nên họ có phản ứng như thế cũng là dễ hiểu. Song, điều mà chúng ta không đồng tình, đó là, họ đã không thấy được những giá trị tốt đẹp mà Chúa đã làm. Có nghĩa là, họ chỉ nhìn nhận cái xấu nơi Đức Giêsu, theo đánh giá chủ quan của họ, mà quên đi, phủ nhận đi bao việc làm đáng khen ngợi của Người.

Đã biết bao lần trong đời, tôi cũng nhận xét về anh em mình: Thấy ưu, thấy khuyết nhưng thói thường, tôi dễ lưu lại cái khuyết nhiều hơn, rồi quên đi bao tài năng, bao điều tốt đẹp nơi anh em… Mỗi lần làm như thế, hay rơi vào tình trạng như thế, tôi khác nào người Do Thái xưa!

Lạy Chúa, xin dạy con biết có trái tim khoan dung như Ngài, để con biết nhìn nhận bao phẩm chất tốt đẹp nơi anh em con, để con biết xây dựng trong yêu thương.

 

Thứ Bảy – Ngày 08 – Tháng 4

MÙA CHAY – TUẦN V

Bài đọc : Ed 37,21-28

Tin Mừng : Ga 11,45-57

Khi ấy, sau khi ông Ladarô sống lại ra khỏi mồ, trong số những người Do Thái đến thăm cô Maria và được chứng kiến việc Đức Giêsu làm, có nhiều kẻ đã tin vào Người. Nhưng lại có những người đi gặp nhóm Pharisêu và kể cho họ những gì Đức Giêsu đã làm. Vậy các thượng tế và các người Pharisêu triệu tập Thượng Hội Đồng và nói: “Chúng ta phải làm gì đây? Người này làm nhiều dấu lạ. Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rôma sẽ đến phá huỷ cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta.” Một người trong Thượng Hội Đồng tên là Caipha, làm thượng tế năm ấy, nói rằng: “Các ông không hiểu gì cả, các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là: thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt”[…]

CỜ BÍ THÍ TỐT

Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Linh, SVD

Để giải nguy cho thế cờ của mình, các kiện tướng thường chọn giải pháp “thí tốt” vì quân tốt ít giá trị nhất trên bàn cờ buộc phải hy sinh để bảo toàn cho các quân cờ khác. Trong Tin Mừng hôm nay, các thượng tế cũng chọn giải pháp “thí tốt” khi quyết định rằng thà một người chết thay cho dân, còn hơn toàn dân bị tiêu diệt (Ga 11,50).

Trong suy nghĩ của các thượng tế và người Pharisêu, Đức Giêsu không có thế giá gì cả, bởi Ngài chỉ là “con bác thợ mộc Giuse”, lại xuất thân từ Galilê, nơi “không có gì hay ho”. Quá định kiến với gia cảnh của Đức Giêsu, giới lãnh đạo Do Thái Giáo không thể tin Ngài là Đấng Mêsia, dù họ đã chứng kiến nhiều phép lạ Ngài làm. Thay vì nhìn nhận những điều tốt đẹp Đức Giêsu đã làm, họ lại tìm mọi cách để ngăn cản ảnh hưởng của Ngài đối với dân chúng: “Chúng ta phải làm gì đây? Người này làm nhiều dấu lạ. Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy” (Ga 11,47-48). Thay vì tự đặt câu hỏi để chất vấn lương tâm: “Tại sao chúng ta không tin theo Giêsu? Ông ta đã làm được nhiều phép lạ và dân chúng đều tin cơ mà?”, thì họ lại bất chấp thủ đoạn để đạt cho được mục đích. Caipha đưa ra “sáng kiến” buộc một người vô tội phải chết. Xem ra sự ích kỉ và cái ác đã thắng thế. Tuy nhiên, Thiên Chúa lại kiến tạo sự lành ngay cả trong cái ác của con người khi Ngài làm cho cái chết của Đức Giêsu “không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối” (Ga 11,52).

Là Kitô hữu, chúng ta có bổn phận sống và làm chứng cho sự thật, nhưng khi sự thật đụng chạm đến quyền lợi của chúng ta, liệu chúng ta có dám tin tưởng vào Chúa để hy sinh, hay lại theo cách của người Do Thái xưa?

Lạy Chúa, xin Chúa cho mỗi người chúng con luôn tin tưởng và can đảm để sống thật, nói thật và làm thật.

 

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 5 Mùa Chay – Năm A
Bài tiếp theoThánh Lễ tiếp nhận Nhiệm kỳ Hội Đồng Tỉnh Dòng 2017 – 2020

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.