Chúa Nhật – Ngày 18 – Tháng 3
MÙA CHAY – TUẦN V
Bài đọc 1 : Gr 31,31-34
Bài đọc 2 : Hr 5,7-9
Tin Mừng : Ga 12,20-33
[…] Đức Giêsu trả lời: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh! Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời. Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ quý trọng người ấy.”
“Bây giờ, tâm hồn Thầy xao xuyến! Thầy biết nói gì đây? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến. Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha.” Bấy giờ có tiếng từ trời vọng xuống: “Ta đã tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa!” […] Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi.” Đức Giêsu nói thế để ám chỉ Người sẽ phải chết cách nào.
GIỜ CỦA ĐỨC GIÊSU
Đã đến giờ Con Người được tôn vinh. Đức Giêsu nói đến “giờ” của Người, giờ Người được tôn vinh. Vậy, giờ của Người là giờ nào? Tôn vinh đối với Người nghĩa là gì? Phải chăng là được ca tụng, tung hô, khen ngợi?
Tin Mừng Gioan thường nói đến “giờ” của Đức Giêsu, giờ Người thực thi chương trình cứu độ mà Thiên Chúa đã vạch ra cho Người. Đức Giêsu đã hoàn toàn vâng theo ý Thiên Chúa và thực hiện mọi việc theo đúng những thời khắc mà Thiên Chúa định cho Người, không sớm hơn mà cũng không trễ hơn.
Giờ Đức Giêsu được tôn vinh là lúc Người chấp nhận như hạt lúa gieo vào lòng đất, phải chết đi mới sinh được nhiều hạt khác. Như vậy, giờ tôn vinh đối với Đức Giêsu là giờ Người bước vào con đường khổ nạn để bước vào vinh quang. Được tôn vinh không phải là được ca tụng, tung hô, khen ngợi theo kiểu loài người, nhưng là được “khen ngợi” theo kiểu Thiên Chúa vì đã thực hiện trọn vẹn con đường cứu độ theo như ý định của Thiên Chúa.
Được tôn vinh, đối với Đức Giêsu, là được nâng cao, nhưng không phải được nâng cao vì những lời tâng bốc, mà là được nâng cao trên thập giá. Trên đỉnh cao thập giá, Chúa Giêsu nâng con người hèn mọn, tục lụy, ô nhơ lên cao, trao cho con người phẩm giá cao quý là được chia sẻ sự sống viên mãn của Đấng chấp nhận chết để sống mãi cho con người.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con nhận ra “giờ” của Chúa trong từng biến cố đời chúng con, để chúng con luôn tìm thực thi ý Chúa. Xin lôi kéo chúng con lên cùng Chúa, để chúng con thoát khỏi những hèn mọn, nhỏ nhen mà cùng được tôn vinh với Chúa khi biết quảng đại, yêu thương và trao hiến.
Lm. Gioan Baotixita Nguyễn Hữu Duy, SVD
Thứ Hai – Ngày 19 – Tháng 3
THÁNH GIUSE, BẠN TRĂM NĂM ĐỨC MARIA.
Lễ Trọng. Lễ cầu cho giáo dân (Tr)
Bài đọc 1 : 2 Sm 7,4-5a.12-14a.16
Bài đọc 2 : Rm 4,13.16-18.22
Tin Mừng : Mt 1,16.18-21.24a
Ông Giacóp sinh Giuse, chồng của bà Maria, bà là mẹ Đức Giêsu cũng gọi là Đấng Kitô. Sau đây là gốc tích Đức Giêsu Kitô: bà Maria, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giuse, chồng bà,
là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” Khi tỉnh giấc, ông
Giuse làm như sứ thần Chúa dạy.
SỨ VỤ
Sứ vụ là ân ban đặc biệt mà Thiên Chúa dành cho cho nhân loại. Thông qua việc trao ban sứ vụ cho con người, Thiên Chúa muốn con người cộng tác vào chương trình cứu độ của Người. Thiên Chúa mặc khải cho thánh Giuse biết ý định của Ngài và truyền cho ông những việc phải làm để cộng tác vào chương trình của Người.
Thánh Giuse được Thiên Chúa trao ban sứ vụ để trở thành cha nuôi của Đấng Cứu Thế: “Đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, bà sẽ sinh con trai và ông sẽ đặt tên con trẻ là Giêsu.” Việc đặt tên là để xác nhận tư cách làm cha của ngài đối với Đức Giêsu, cũng như thể hiện vai trò và sự cộng tác của thánh Giuse vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
Đối với thánh Giuse, thái độ tín thác đón nhận thánh ý của Thiên Chúa và sự cộng tác trong việc thi hành sứ vụ đã trở nên mẫu gương cho mỗi người Kitô hữu. Để thực thi thánh ý của Thiên Chúa, thánh Giuse phải chấp nhận từ bỏ ý riêng và thay đổi cách sống cho phù hợp với sứ vụ được trao phó.
Là Kitô hữu, chúng ta cũng được mời gọi thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Việc đáp trả lời mời gọi này đòi hỏi một sự từ bỏ hoàn toàn và thay đổi tận căn nơi lối sống của chúng ta. Đây là bước chuẩn bị để mở ra cho bản thân một tương quan mới rộng lớn hơn, nhằm hướng đến mọi người. Chương trình cứu độ của Thiên Chúa không lệ thuộc vào hoàn cảnh hay một điều kiện nào cả nhưng cần đến sự cộng tác và đáp trả tích cực nơi con người.
Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con biết noi gương thánh Giuse để trở nên khí cụ của Ngài trong việc thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng. Amen.
Tu sĩ Giuse Trương Vĩnh Tường, SVD
Thứ Ba – Ngày 20 – Tháng 3
MÙA CHAY – TUẦN V
Bài đọc : Ds 21,4-9
Tin Mừng : Ga 8,21-30
[…] Đức Giêsu đáp: “Hoàn toàn đúng như tôi vừa nói với các ông đó. Tôi còn có nhiều điều phải nói và xét đoán về các ông. Nhưng Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật; còn tôi, tôi nói lại cho thế gian những điều tôi đã nghe Người nói.” Họ không hiểu là Đức Giêsu nói với họ về Chúa Cha. Người bảo họ: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu, và biết tôi không tự mình làm bất cứ điều gì, nhưng Chúa Cha đã dạy tôi thế nào, thì tôi nói như vậy. Đấng đã sai tôi vẫn ở với tôi; Người không để tôi cô độc, vì tôi hằng làm những điều đẹp ý Người.” Khi Đức Giêsu nói thế, thì có nhiều kẻ tin vào Người.
VINH QUANG THẬP GIÁ
Văn hóa Việt Nam có câu “Nghĩa tử là nghĩa tận”, chết là hết bụi trần, là chấm hết mọi mối quan hệ. Do đó, nếu người chết có phạm lỗi lầm gì thì chết là thời điểm tha thứ tất cả để họ có thể được chết yên ổn. Tuy nhiên, trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu lại tiên báo về cái chết khác lạ của mình, một cái chết nhục nhã, đau đớn. Một cái chết “không yên ổn”. Một cái chết bị treo cao trên thập giá. Việc Đức Giêsu bị treo lên cây gỗ như là một kẻ bị Thiên Chúa nguyền rủa.
Lời tiên báo của Đức Giêsu về cái chết của mình không dừng lại ở đó, Ngài khẳng định rằng “Khi các ông giương cao con người lên, bấy giờ các ông biết rằng Tôi Hằng Hữu, và biết tôi không tự mình làm bất cứ điều gì, nhưng Chúa Cha đã dạy tôi thế nào, thì tôi nói như vậy” (c.28). Do đó, cái chết của Đức Giêsu chính là cách Thiên Chúa dùng để cứu độ nhân loại. Thiên Chúa đã biến cái chết ghê rợn, kinh tởm mà nhân loại dành cho Đức Giêsu thành dấu chỉ của tình yêu. Giờ đây, thập giá không còn là dấu chỉ của sự bất lực. Nó đã trở nên thánh giá với sức mạnh phi thường. Sức mạnh này có thể đưa mọi người lên cùng Thiên Chúa. Vì thế, qua việc giương cao này, ơn sủng của thánh giá được bày tỏ. Cả nhân loại được nâng lên và cất khỏi gánh nặng của tội lỗi.
Là Kitô hữu, chúng ta cũng được giương cao trên thánh giá riêng của đời mình. Và khi chúng ta gắn thánh giá của chúng ta với thánh giá của Đức Giêsu, thánh giá nhỏ bé ấy sẽ có sức kéo nhiều người lên với Ngài. Đồng thời, Ngài cũng mời gọi tất cả chúng ta hãy can đảm đặt tội lỗi mình vào lòng thương xót bao la của Chúa, để tất cả những ai hết lòng hết dạ trở về, Ngài sẽ chữa lành cho.
Lạy Chúa, nhận ra thánh giá của mình và vui vẻ đón nhận thánh giá là điều vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, con tin rằng với ơn Chúa con có thể đủ sức vượt qua mọi sự. Xin giúp con nhận ra thánh giá của con trong mọi nỗi khổ đau của cuộc đời và vui lòng đón lấy để cùng được nâng cao với Chúa.
Tu sĩ Giuse Nguyễn Xuân Long, SVD
Thứ Tư – Ngày 21 – Tháng 3
MÙA CHAY – TUẦN V
Bài đọc : Đn 3,14-20.24-25.28
Tin Mừng : Ga 8,31-42
Khi ấy, Đức Giêsu nói với những người Do Thái đã tin Người rằng: “Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi; các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông.” Họ đáp: “Chúng tôi là dòng dõi ông Ápraham. Chúng tôi không hề làm nô lệ cho ai bao giờ. Làm sao ông lại nói: các ông sẽ được tự do?” Đức Giêsu trả lời: “Thật, tôi bảo thật các ông: hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội. Mà kẻ nô lệ thì không được ở trong nhà luôn mãi, người con mới được ở luôn mãi. Vậy, nếu người Con có giải phóng các ông, thì các ông mới thực sự là những người tự do. Tôi biết các ông là dòng dõi ông Ápraham, nhưng các ông tìm cách giết tôi, vì lời tôi không thấm vào lòng các ông. Phần tôi, tôi nói những điều đã thấy nơi Cha tôi; còn các ông, các ông làm những gì đã nghe cha các ông nói”[…]
NÔ LỆ TỘI LỖI
Tin Mừng hôm nay chứng minh cho chúng ta biết rằng tội làm chúng ta mất tự do vì khi chúng ta phạm tội là chúng ta làm nô lệ cho tội (Ga 8,34). Tội kéo ghì chúng ta xuống, và làm cho chúng ta mất tự do của con cái Thiên Chúa. Thật vậy, tội đã ẩn tàng trong con người ngay từ thời nguyên tổ và thông truyền cho loài người. Tội như một khuynh hướng mà con người không thể cưỡng lại. Tuy nhiên, với ơn cứu chuộc của Đức Giêsu, con người chúng ta có thể thoát ra khỏi vòng kìm kẹp ấy. Và chìa khóa thoát khỏi sự kìm kẹp ấy chính là ân sủng tha thứ.
Tuy nhiên, con người không thể cứ phạm tội rồi phó thác cho sự tha thứ của Thiên Chúa. Mỗi chúng ta có cơ may được biết Đức Giêsu và các giáo huấn của Người. Do đó, chúng ta phải sống sao cho xứng đáng với tư cách và địa vị làm con Chúa của mình. Vì địa vị và tư cách đó không đưa chúng ta đến sự tự do nếu chúng ta vẫn cố chấp chìm đắm trong tội.
Thời xưa người Do Thái từng tự hào họ là con cháu Ápraham nhưng lại chối từ Đức Giêsu nên họ vẫn ở trong tình trạng nô lệ cho tội. Vì thế, Giêsu bảo họ: “Giả như các ông là con cái ông Abraham, hẳn các ông phải làm những việc ông Ápraham đã làm. Thế mà bây giờ các ông lại tìm giết tôi… điều mà ông Abraham đã không làm” (Ga 8,39-40). Rồi họ khoe khoang: “Chúng tôi không phải là con hoang, chúng tôi chỉ có một cha là Thiên Chúa” (Ga 8,41). Đức Giêsu trả lời: “Giả như Thiên Chúa là cha các ông, hẳn các ông đã yêu mến tôi, vì tôi phát xuất từ Thiên Chúa và bởi Thiên Chúa mà đến” (Ga 8,42).
Lạy Chúa, có đôi lần con đã để mình bị nô lệ cho những sự tự hào về nguồn gốc đạo hạnh, về những nếp sống đạo đức hay về những hiểu biết tôn giáo của con mà không sống đúng với những giá trị tự do của một Kitô hữu. Xin Chúa giải thoát con khỏi mọi thứ nô lệ để con hoàn toàn sống trong sự tự do đích thực của con cái Chúa.
Tu sĩ Giuse Nguyễn Xuân Long, SVD
Thứ Năm – Ngày 22 – Tháng 3
MÙA CHAY – TUẦN V
Bài đọc : St 17,3-9
Tin Mừng : Ga 8,51-59
Khi ấy, Đức Giêsu nói với người Do Thái rằng: “Thật, tôi bảo thật các ông: ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết.” Người Do Thái liền nói: “Bây giờ, chúng tôi biết chắc là ông bị quỷ ám. Ông Ápraham đã chết, các ngôn sứ cũng vậy; thế mà ông lại nói: ‘Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết.’ Chẳng lẽ ông lại cao trọng hơn cha chúng tôi là ông Ápraham sao? Người đã chết, các ngôn sứ cũng đã chết. Ông tự coi mình là ai?” Đức Giêsu đáp: “Nếu tôi tôn vinh chính mình, vinh quang của tôi chẳng là gì cả. Đấng tôn vinh tôi chính là Cha tôi, Đấng mà các ông gọi là Thiên Chúa của các ông. Các ông không biết Người; còn tôi, tôi biết Người. Nếu tôi nói là tôi không biết Người, thì tôi cũng là kẻ nói dối như các ông. Nhưng tôi biết Người và giữ lời Người. Ông Ápraham là cha các ông đã hớn hở vui mừng vì hy vọng được thấy ngày của tôi. Ông đã thấy và đã mừng rỡ.” Người Do Thái nói: “Ông chưa được năm mươi tuổi mà đã thấy ông Ápraham!” Đức Giêsu đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông: trước khi có ông Ápraham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu!” Họ liền lượm đá để ném Người. Nhưng Đức Giêsu lánh đi và ra khỏi Đền Thờ.
NHẬN RA CHÚA
Trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu đã nói với người Do Thái rằng: “Ông Ápraham là cha các ông đã hớn hở vui mừng vì hy vọng được thấy ngày của tôi. Ông đã thấy và đã mừng rỡ.” Thật vậy, tất cả mọi người Do Thái đều mong ngóng Đấng Mêsia của họ. Tuy nhiên, khi Đấng Mêsia là Đức Giêsu đến và đang hiện diện giữa họ, nhất là qua việc làm rất nhiều phép lạ cho họ, thì họ lại chối từ Người, coi Người là kẻ phạm thượng. Tệ hơn nữa, họ còn lượm đá để ném Người.
Ngày hôm nay chúng ta cũng đang “loay hoay” trong việc “tìm Chúa” và “nhận ra Chúa”. Tại sao chúng ta cứ mãi tìm Chúa mà vẫn không nhận ra Người? Có thể vì chúng ta chưa chịu mở lòng mình ra hay lòng chúng ta quá khô cứng, cái tôi quá lớn, sự ích kỷ quá cao, để rồi chúng ta cũng đang dần trở nên giống với dân Do Thái mà tác giả Gioan đã nói đến trong đoạn Tin Mừng hôm nay. Nếu chúng ta mở lòng ra với với Chúa, với tha nhân, và mọi loài thụ tạo, chúng ta sẽ gặp được Chúa nơi thiên nhiên, nơi những con người nghèo khổ, bình dị, bất hạnh, hay nơi chính cõi lòng chúng ta.
Lạy Chúa, mở lòng ra với mọi người, nhất là những người mà con không ưa, là điều hoàn toàn không dễ. Xin Chúa giúp con biết dẹp bỏ tính ích kỷ, cái tôi cá nhân để con dần “mở mắt, mở tâm” hầu giúp con có thể nhận thấy Chúa hiện diện nơi chính tha nhân và để con sẵn sàng phục vụ họ cách vô vị lợi. Amen.
Tu sĩ Giuse Trần Văn Huyến, SVD
Thứ Sáu – Ngày 23 – Tháng 3
MÙA CHAY – TUẦN V
Bài đọc : Gr 20,10-13
Tin Mừng : Ga 10,31-42
Khi ấy, người Do Thái lại lấy đá để ném Đức Giêsu. Người bảo họ: “Tôi đã cho các ông thấy nhiều việc tốt đẹp Chúa Cha đã giao cho tôi làm; vì việc nào mà các ông ném đá tôi?” Người Do Thái đáp: “Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng: ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa.” Đức Giêsu bảo họ: “Trong Lề Luật các ông, đã chẳng có chép lời này sao: ‘Ta đã phán: các ngươi là những bậc thần thánh’? Nếu Lề Luật gọi những kẻ được Thiên Chúa ngỏ lời là những bậc thần thánh, mà lời Kinh Thánh không thể bị huỷ bỏ, thì tôi là người Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian, làm sao các ông lại bảo tôi: ‘Ông nói phạm thượng!’ vì tôi đã nói: ‘Tôi là Con Thiên Chúa’? Nếu tôi không làm các việc của Cha tôi, thì các ông đừng tin tôi. Còn nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó […]
CON THIÊN CHÚA
Trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu khẳng định cách chắc chắn và công khai rằng “Ta là Con Thiên Chúa” (Ga 10,36) và “Cha Ta và Ta là một” (Ga 10,30). Chính vì tuyên bố đó nên người Do Thái muốn ném đá Ngài vì đã dám nói lộng ngôn khi đặt mình ngang hàng với Thiên Chúa.
Nhiều lần khác trong Tin Mừng, Đức Giêsu được người khác làm chứng là Con Thiên Chúa. Trong cuộc biến hình, chính Chúa Cha đã chân nhận Chúa Giêsu là Con: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!” (Mt 17, 5). Hay qua lời tuyên xưng của thánh Phêrô khi được ơn soi sáng: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,15). Hoặc qua lời tuyên xưng của viên đại đội trưởng khi chứng kiến cuộc tử nạn của Đức Giêsu: “Quả thật, ông này là Con Thiên Chúa” (Mt 27,54).
Thực tế, lời rao giảng, việc làm và cung cách sống của Đức Giêsu đều bộc lộ dung mạo của Thiên Chúa yêu thương. Nhất là qua việc làm phép lạ để nuôi dân chúng hay cứu chữa người bệnh tật, quỷ ám, cũng như làm cho kẻ chết sống lại, Ngài đã bộc lộ uy quyền của riêng một mình Thiên Chúa.
Chúng ta có thật sự tin Đức Giêsu là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật hay không? Hay chúng ta cũng giống như những người Do Thái xưa muốn ném đá Chúa Giêsu? Nếu tin Ngài là Thiên Chúa thật cũng có nghĩa là để cho Ngài bước vào đời sống chúng ta với tư cách là Chúa, và do đó chúng ta cũng phải cải biến con người mình nên xứng đáng với sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời mình.
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con khi tuyên xưng Chúa là Thiên Chúa thì cũng can đảm sống niềm tin ấy cho xứng đáng để người khác cũng có cơ hội nhận ra và tuyên xưng đức tin vào Chúa qua đời sống chứng tá của chúng con.
Tu sĩ Gioan Đinh Quốc Tĩnh, SVD
Thứ Bảy – Ngày 24 – Tháng 3
MÙA CHAY – TUẦN V
Bài đọc : Ed 37,21-28
Tin Mừng : Ga 11,45-56
Khi ấy, sau khi ông Ladarô sống lại ra khỏi mồ, trong số những người Do Thái đến thăm cô Maria và được chứng kiến việc Đức Giêsu làm, có nhiều kẻ đã tin vào Người. Nhưng lại có những người đi gặp nhóm Pharisêu và kể cho họ những gì Đức Giêsu đã làm. Vậy các thượng tế và các người Pharisêu triệu tập Thượng Hội Đồng và nói: “Chúng ta phải làm gì đây? Người này làm nhiều dấu lạ. Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rôma sẽ đến phá huỷ cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta.” Một người trong Thượng Hội Đồng tên là
Caipha, làm thượng tế năm ấy, nói rằng: “Các ông không hiểu gì cả, các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là: thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt”[…]
MƯU KẾ
“Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt” (Ga 11,50).
Thượng tế Caipha đang mưu toan đẩy Chúa Giêsu vào con đường chết nhằm loại trừ hậu họa theo cái nhìn của con người. Hơn nữa, mưu kế khôn ngoan của ông cũng che đậy một mưu mô thâm hiểm muốn giết người vô tội để thỏa lòng ghen tương, đố kỵ. Nhưng thật trớ trêu, âm mưu thâm độc của vị thượng tế lại trở thành lời tiên tri loan báo về Đức Giêsu, Đấng sẽ chịu chết để trở thành nguồn ơn cứu độ cho muôn dân.
Sự mưu mô, tội ác, sự bất công vẫn đầy dẫy trong thế giới con người. Người ta dễ dàng bóp méo sự thật bằng những lời hoa mỹ. Người ta dùng những mưu kế thấp hèn để lừa dối lẫn nhau, lừa dối dân chúng nhằm phục vụ lợi ích cá nhân của mình. Những người công chính, ngay thẳng, và dám lên tiếng bênh vực cho sự thật, có thể bị loại trừ bằng những thủ đoạn thấp hèn.
Trong tâm tình Mùa Chay, là những người Kitô hữu, chúng ta cùng nhau suy ngắm mầu nhiệm thương khó và vượt qua của Chúa Giêsu. Vì yêu mà Đức Giêsu
đã hy sinh mạng sống của mình để cứu độ muôn dân. Vì thế, chúng ta cũng được mời gọi từ bỏ những mưu mô, những kiêu căng, đố kỵ, trù dập người khác để mang lại lợi ích cho bản thân. Mỗi khi chúng ta cư xử bất công với người anh em mình, thì chính chúng ta cũng đã tham gia vào bản án mà Đức Giêsu phải chịu. Ngoài ra, chúng ta cũng được thúc đẩy tìm kiếm và theo đuổi những phương thế phù hợp để thúc đẩy công lý và hòa bình.
Lạy Chúa, xin cho con biết sống công chính, tránh mọi thứ mưu mô làm tổn hại anh chị em con và xin cho con biết yêu thương hết mọi người. Amen.
Tu sĩ Giuse Huỳnh Ngọc Thiên Ân, SVD