Mùa Chay – Tuần IV – Năm A

0
866

Chúa Nhật – Ngày 22 – Tháng 3

MÙA CHAY – TUẦN IV

Bài đọc 1 : 1 Sm 16, 1b. 6-7. 10-13a
Bài đọc 2 : Ep 5, 8-14
Tin Mừng : Ga 9, 1. 6-9. 13-17. 34-38

Đi ngang qua, Đức Giêsu nhìn thấy một người mù từ thuở mới sinh. Đức Giêsu nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù, rồi bảo anh ta: “Anh hãy đến hồ Silôác mà rửa” (Silôác có nghĩa là: người được sai phái). Vậy anh ta đến rửa ở hồ, và khi về thì nhìn thấy được. Các người láng giềng và những kẻ trước kia thường thấy anh ta ăn xin mới nói: “Hắn không phải là người vẫn ngồi ăn xin đó sao?” Có người nói: “Chính hắn đó!” Kẻ khác lại rằng: “Không phải đâu! Nhưng là một đứa nào giống hắn đó thôi!” Còn anh ta thì quả quyết: “Chính tôi đây !” […]

ANH MÙ ĐƯỢC CHÚA CHO THẤY

Trong bài Tin Mừng hôm nay, động từ “thấy” được lập đi lập lại nhiều lần, gây ra sự chú ý cho nhiều người. Vậy động từ “ thấy” được tác giả dùng ở đây có ý nghĩa như thế nào?
Theo thánh Gioan, động từ “thấy” mang một ý nghĩa rất sâu sắc. Nó diễn tả dung nhan của Thiên Chúa; diễn tả lòng thương xót của Thiên Chúa và thậm chí nó diễn tả công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh mù, công trình của Đấng đã sai Đức Giêsu (Ga 9, 3-4).
Trong văn hóa của vùng Địa Trung Hải vào thế kỷ thứ nhất, người ta thường dùng ngôn ngữ thuộc lãnh vực giác quan để diễn tả những thực tại nội tâm. Mắt, tai, miệng lưỡi, tay chân được dùng để diễn đạt những tâm tình và suy nghĩ bên trong. Vì thế, trong trình thuật Chúa Giêsu chữa lành người mù thủa mới sinh được hiểu là Ngài cũng chữa anh khỏi sự mù lòa của nội tâm và sự đần độn của tâm trí, để anh hiểu, nhận ra và chọn Ngài làm Cứu Chúa của mình (Ga 9,35-38). Ngược lại, những người xung quanh “thấy” anh sáng mắt, lại thành ra chia rẽ và nghi ngờ nhau. Họ không thấy được công trình của Thiên Chúa được ứng nghiệm nơi Đức Giêsu, họ cũng chẳng thấy được vị Thiên Chúa giàu lòng xót thương. Họ có mắt nhưng họ lại mù tối nội tâm và không nhận ra được Đức Giêsu là Đấng Mêsia.
Qua bài Tin Mừng hôm nay, tôi đã được “thấy” nhờ Chúa Giêsu đã chữa lành sự mù lòa nội tâm; tôi cảm nhận được Thiên Chúa đã mở mắt tâm hồn tôi để tôi nhận ra Ngài là một vị Thiên Chúa giàu lòng xót thương. Qua những biến cố, qua những khó khăn gian khổ, và qua những niềm vui và hạnh phúc, Chúa luôn đồng hành và nâng đỡ tôi. Do vậy, tôi cũng xác tín được như anh thanh niên: “Thưa Ngài, tôi tin.” Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người (Ga 9,38).
Lạy Chúa, con ý thức rằng không phải vì được Chúa gọi sống trong ơn gọi đời sống thánh hiến mà lúc nào tâm hồn con cũng sáng. Xin cho con có được tâm tình hoán cải để Chúa chữa lành tâm hồn con mỗi khi con bị mù lòa.
Tu sĩ Phêrô Vũ Đức Thắng, SVD

Thứ Hai – Ngày 23 – Tháng 3

MÙA CHAY – TUẦN IV

Thánh Turibiô Môgrôvêjô, giám mục

Bài đọc : Is 65,17-21

Tin Mừng : Ga 4,43-54

Sau hai ngày, Đức Giê-su bỏ nơi đó đi Galilê. Chính Người đã quả quyết: ngôn sứ không được tôn trọng tại quê hương mình. Khi Người đến Galilê, dân chúng trong miền đón tiếp Người, vì đã được chứng kiến tất cả những gì Người làm tại Giêrusalem trong dịp lễ, bởi lẽ chính họ cũng đã đi dự lễ. Vậy Đức Giê-su trở lại Cana miền Galilê, là nơi Người đã làm cho nước hoá thành rượu. Bấy giờ có một sĩ quan cận vệ của nhà vua có đứa con trai đang bị bệnh tại Caphácnaum. Khi nghe tin Đức Giêsu từ Giuđê đến Galilê, ông tới gặp và xin Người xuống chữa con ông vì nó sắp chết. Đức Giêsu nói với ông: “Các ông mà không thấy dấu lạ điềm thiêng thì các ông sẽ chẳng tin đâu!” Viên sĩ quan nói: “Thưa Ngài, xin Ngài xuống cho, kẻo cháu nó chết mất!” Đức Giêsu bảo: “Ông cứ về đi, con ông sống.” Ông tin vào lời Đức Giêsu
nói với mình, và ra về. Ông còn đang đi xuống, thì gia nhân đã đón gặp và nói là con ông sống rồi. Ông hỏi họ con ông đã bắt đầu khá hơn vào giờ nào. Họ đáp: “Hôm qua, vào lúc một giờ trưa thì cậu hết sốt.” Người cha nhận ra là vào đúng giờ đó, Đức Giêsu đã nói với mình: “Con ông sống”, nên ông và cả nhà đều tin […]

ĐỨC TIN

Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói với viên sĩ quan rằng: “Các ông mà không thấy dấu lạ điềm thiêng thì các ông sẽ chẳng tin đâu” (Ga 4,48). Quả thật, người ta dễ tin điều gì đó mà họ có thể kiểm chứng được bằng các giác quan. Nhưng niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa hay đức tin thực sự là sự xác tín từ bên trong chứ không phải bên ngoài. Nó là ân ban cho những ai biết trọn niềm tín thác.
Khi trả lời cho viên sĩ quan rằng: “ông cứ về đi, con ông sống” (Ga 4,50), Chúa Giêsu đòi hỏi nơi ông một sự tín thác hoàn toàn, một đức tin mạnh mẽ. Người đòi hỏi viên quan phải tin rằng con ông đã được khỏi bệnh. Hẳn đã có một niềm tin mãnh liệt trong chính nội tâm của ông. Niềm tin ấy khiến ông không cố gắng tìm cách mời cho được Đức Giêsu về nhà mình, mà chỉ lặng lẽ ra về với sự xác tín rằng con ông sẽ sống. Đức tin xuất phát từ bên trong mới là một đức tin thực sự.
Thời đại hôm nay người ta dễ tin dựa vào những thứ hào nhoáng bên ngoài: những ngôi nhà thờ cao lớn, lộng lẫy, bàn thờ sơn son thếp vàng; khi cầu nguyện thì phải đến những nơi đông đúc, trung tâm này, trung tâm nọ. Trái lại, đức tin chân thực chạm vào trái tim mỗi con người bằng sự thinh lặng và cô tịch, nơi đó chúng ta có thể lắng nghe và tín thác vào thánh ý của Thiên Chúa từ bên trong.
Lạy Chúa, xin cho chúng một đức tin thuần khiết, một đức tin không hệ tại ở lý trí và những thứ bên ngoài, mà là một đức tin tuyệt đối, xuất phát từ sâu thẳm tâm hồn chúng con.
Tu sĩ Phêrô Lê Việt Tân, SVD

Thứ Ba – Ngày 24 – Tháng 3

MÙA CHAY – TUẦN IV

Bài đọc : Ed 47,1-9.12
Tin Mừng : Ga 5,1-3a.5-16

Nhân một dịp lễ của người Do Thái, Đức Giêsu lên Giêrusalem. Tại Giêrusalem, gần Cửa Chiên, có một hồ nước, tiếng Hípri gọi là Bếtdatha. Hồ này có năm hành lang. Nhiều người đau ốm, đui mù, què quặt, bất toại nằm la liệt. Ở đó, có một người đau ốm đã ba mươi tám năm. Đức Giêsu thấy anh ta nằm đấy và biết anh sống trong tình trạng đó đã lâu, thì nói: “Anh có muốn khỏi bệnh không?” Bệnh nhân đáp: “Thưa Ngài, khi nước khuấy lên, không có người đem tôi xuống hồ. Lúc tôi tới đó, thì đã có người khác xuống trước mất rồi!” Đức Giêsu bảo: “Anh hãy trỗi dậy, vác chõng mà đi!” Người ấy liền được khỏi bệnh, vác chõng và đi được. Hôm đó lại là ngày sabát. Người Do Thái mới nói với kẻ được khỏi bệnh: “Hôm nay là ngày sabát, anh không được phép vác chõng!” Nhưng anh đáp: “Chính người chữa tôi khỏi bệnh đã nói với tôi: ‘Anh hãy vác chõng mà đi! […]

LÒNG TIN

Khi nhìn thấy và chú ý anh bại liệt đang nằm lê lết gần hồ, Chúa Giêsu động lòng trắc ẩn trước bệnh tình của anh ta, vì không có ai giúp đỡ anh cho anh xuống hồ để anh được lành bệnh. Người tiến đến gần anh và hỏi: “Anh có muốn khỏi bệnh không?” Câu hỏi này của Chúa Giêsu thoạt nghe có vẻ ngớ ngẩn vì người bệnh nào mà chẳng muốn được lành, muốn được khỏe mạnh, huống chi anh bại liệt này đã trong tình trạng như thế đã ba mươi mấy năm rồi.
“Anh có muốn khỏi bệnh không?” là một câu hỏi đầy ý nghĩa chứ không ngớ ngẩn của Chúa Giêsu. Thứ nhất, Ngài hỏi vì muốn thử lòng tin của anh để giúp anh thoát khỏi những nỗi khốn khổ và tội lỗi đang giam hãm. Thứ đến, Ngài luôn tôn trọng tự do của anh ngay cả chính khi Ngài thể hiện quyền năng để giúp anh lành bệnh. Điều đó cho thấy, yếu tố đầu tiên và cần thiết để nhận được quyền năng và ơn chữa lành của Thiên Chúa là phải có lòng tin, sự tin tưởng phó thác nơi quyền năng Thiên Chúa. Thiên Chúa ban cho con người sự tự do và Ngài tôn trọng tự do của con người muốn tin hay không.
Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta tự phụ và cậy dựa vào sức của mình mà thiếu đi lòng tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa. Chúng ta cứ nghĩ với sức riêng của mình, ta có thể vượt qua mọi khó khăn, trở ngại trong cuộc sống. Tin tưởng, phó thác nơi Thiên Chúa không làm mất đi những tài năng Thiên Chúa ban, nhưng đem lại cho con người một sức mạnh để nên hoàn thiện hơn.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn ý thức rằng, chỉ có lòng tin và sự tín thác nơi Thiên Chúa mới là sức mạnh dẫn đưa chúng con vượt qua mọi khó khăn và tìm được hạnh phúc đích thực là chính Thiên Chúa.
Tu sĩ Giuse Nguyễn Trung Tâm, SVD

Thứ Tư – Ngày 25 – Tháng 3

MÙA CHAY – TUẦN IV
LỄ TRUYỀN TIN – Lễ Trọng

Bài đọc 1 : Is 7, 10-14; 8,10
Bài đọc 2 : Hr 10, 4-10
Tin Mừng : Lc 1, 26-38

[…] Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. Sứ thần liền nói: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.” Bà Maria thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Êlisabét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” Bấy giờ bà Maria nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

TRỞ NÊN KHÍ CỤ

Thánh Luca thuật lại cho chúng ta biến cố truyền tin cho đức Maria. Qua tiếng “xin vâng” của Mẹ, kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa đã được thực hiện. Đây cũng chính là khoảnh khắc đầu tiên con người được cộng tác vào công trình cứu chuộc của Thiên Chúa.
Thiên Chúa vẫn luôn kêu mời con người cùng cộng tác với Thiên Chúa. Tuy nhiên, kế hoạch đó có thành hiện thực hay không còn tùy thuộc vào sự đáp trả của chúng ta. Thánh Augustinô đã từng nói: “Khi tạo dựng nên con người Thiên Chúa không cần hỏi ý kiến họ, nhưng khi cứu chuộc con người, Ngài cần họ cộng tác với Ngài”. Chính vì thế mà mỗi người tín hữu được mời gọi cộng tác với Thiên Chúa trong việc đem ơn cứu độ đến cho những người khác. Đây là một niềm vinh dự lớn lao và cũng là một trách nhiệm to lớn đối với mỗi Kitô hữu.
Ý định cứu độ đến từ Thiên Chúa và hoàn toàn tùy thuộc vào Ngài, nhưng không phải vì thế mà chúng ta hoàn toàn thụ động ngồi chờ. Mỗi người tùy hoàn cảnh và ơn Chúa ban đều có thể cộng tác vào công trình cứu độ qua việc sống chân thành, ngay thẳng, và bác ái với mọi người xung quanh. Mỗi người được mời gọi nên thánh qua những công việc hy sinh nhỏ hằng ngày hầu giúp những người xung quanh nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa. “Xin vâng” như Đức Maria để trở nên khí cụ đắc dụng trong tay Chúa là cách đáp trả lời mời gọi của Ngài cách tuyệt vời nhất.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn can đảm nói tiếng “xin vâng” trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời để trở nên khí cụ cứu độ trong tay Chúa.
Tu sĩ Giuse Vũ Xuân Sơn, SVD

Thứ Năm – Ngày 26 – Tháng 3

MÙA CHAY – TUẦN IV

Bài đọc : Xh 32,7-14
Tin Mừng : Ga 5,31-47

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với những người Do Thái rằng: “Nếu tôi làm chứng về chính mình, thì lời chứng của tôi không thật. Có Đấng khác làm chứng về tôi, và tôi biết: lời Người làm chứng về tôi là lời chứng thật. Chính các ông đã cử người đến gặp ông Gioan, và ông ấy đã làm chứng cho sự thật. Phần tôi, tôi không cần lời chứng của một phàm nhân, nhưng tôi nói ra những điều này để các ông được cứu độ. Ông Gioan là ngọn đèn cháy sáng, và các ông đã muốn vui hưởng ánh sáng của ông trong một thời gian. Nhưng phần tôi, tôi có một lời chứng lớn hơn lời chứng của ông Gioan: đó là những việc Chúa Cha đã giao cho tôi để tôi hoàn thành; chính những việc tôi làm đó làm chứng cho tôi rằng Chúa Cha đã sai tôi. Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, chính Người cũng đã làm chứng cho tôi. Các ông đã không bao giờ nghe tiếng Người, cũng chẳng bao giờ thấy tôn nhan Người. Các ông đã không để cho lời Người ở mãi trong lòng, bởi vì chính các ông không tin vào Đấng Người đã sai đến […]

LÀM CHỨNG CHO SỰ THẬT

Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, tác giả Tin Mừng thứ tư thuật lại việc Chúa Giêsu khiển trách những người Do Thái đã không tin vào Ngài. Đồng thời Ngài chứng minh cho họ thấy Ngài là Đấng đến để nói và làm chứng cho sự thật.
Trong thời buổi thật giả lẫn lộn, chúng ta phải làm gì để con người hôm nay nhận biết Chúa cũng như Tin Mừng của Ngài? Chắc hẳn rằng không có lời nói nào thuyết phục người nghe cho bằng sự thật. Nhưng không phải lúc nào việc nói lên sự thật cũng dễ dàng được mọi người đón nhận. Đức Giêsu là một bằng chứng cụ thể. Ngài đã đến trần gian để sống và làm chứng cho sự thật, và Ngài đã dùng chính cả mạng sống mình để làm chứng cho sự thật. Nhưng chỉ những người đứng về phía sự thật mới đón nhận Ngài.
Nhiều người trong thời đại hôm nay dường như không còn muốn nghe lời chân lý mà chỉ muốn nghe những lời tâng bốc, nịnh hót theo dục vọng của mình. Những lời chân lý có thể bị khước từ, thậm chí bị coi thường và lên án, nhưng cuối cùng chỉ có lời CHÂN LÝ mới có sức giải thoát con người: “Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi; các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông” (Ga 8,31-32). Vì thế, chúng ta không sợ gian khổ và bắt bớ khi làm chứng cho Sự Thật, là Đức Kitô, vì không phải một mình chúng ta nói mà chính Thần Khí sẽ nói thay chúng ta và sẽ cầu thay nguyện giúp cho chúng ta.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết chọn Chúa làm điểm tựa và là cùng đích của chúng con. Xin ban Chúa Thánh Thần để, trong thế giới đang tục hóa như hôm nay, chúng con can đảm sống chứng nhân cho tình yêu Chúa.
Tu sĩ Antôn Hoàng Xuân Phi, SVD

Thứ Sáu – Ngày 27 – Tháng 3

MÙA CHAY – TUẦN IV

Bài đọc : Kn 2,1a.12-22
Tin Mừng : Ga 7,1-2.10.25-30

[…] Bấy giờ có những người ở Giêrusalem nói: “Ông này không phải là người họ đang tìm giết đó sao? Kìa, ông ta ăn nói công khai mà họ chẳng bảo gì cả. Phải chăng các nhà hữu trách đã thực sự nhìn nhận ông là Đấng Kitô? Ông ấy, chúng ta biết ông xuất thân từ đâu rồi; còn Đấng Kitô, khi Người đến thì chẳng ai biết Người xuất thân từ đâu cả.” Lúc giảng dạy trong Đền Thờ, Đức Giêsu nói lớn tiếng rằng: “Các ông biết tôi ư? Các ông biết tôi xuất thân từ đâu ư? Tôi đâu có tự mình mà đến. Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật. Các ông, các ông không biết Người. Phần tôi, tôi biết Người, bởi vì tôi từ nơi Người mà đến, và chính Người đã sai tôi.” Bấy giờ họ tìm cách bắt Người, nhưng chẳng có ai tra tay bắt, vì giờ của Người chưa đến.

BIẾT ĐỂ YÊU MẾN

Thực tế cho thấy, chúng ta không thể yêu mến một người mà trước hết, chúng ta lại không biết rõ về người đó. Bởi thế, người ta thường nói “vô tri bất mộ”, nghĩa là không biết thì không mến. Bài Tin Mừng hôm nay nói về việc những người Do Thái tìm cách giết Chúa Giêsu, bởi vì họ không biết về nguồn gốc thần linh của Người.
Thật vậy, bối cảnh của bài Tin Mừng là một cuộc tranh luận giữa những người Do Thái về nguồn gốc của Chúa Giêsu. Mặc dù những người này đã chứng kiến bao phép lạ Chúa Giêsu đã làm, được nghe những lời giảng dạy đầy khôn ngoan của Người, nhưng với thành kiến cố hữu trong tâm trí, họ chỉ nhìn nhận về nguồn gốc tự nhiên của Chúa Giêsu mà không chấp nhận nguồn gốc thần linh của Người. Đối với họ, một Thiên Chúa tối cao không thể xuất hiện trong hình hài của một phàm nhân; đây lại là con của bác thợ mộc, ở một làng quê nghèo Nadarét thì càng không thể. Bởi thế, khi Chúa Giêsu khẳng định về nguồn gốc thần linh của mình, là Con Thiên Chúa, là Ngôi Lời tiền hữu, họ đã tìm cách giết Người. Chúa Giêsu đã trách những người Do Thái, vì tính tự kiêu, tự mãn cho rằng sự thông hiểu lề luật của họ thì có thể hiểu biết về Thiên Chúa.
Nhìn lại bản thân, nhiều lúc chúng ta cũng tự thỏa mãn với những kiến thức Kinh Thánh, Giáo Lý căn bản của mình, và cho rằng như thế là đã quá đủ để hiểu biết về Thiên Chúa. Tuy nhiên, nếu chúng ta không khiêm nhường để kiên trì học hỏi về Thiên Chúa, thì thật khó để nhận ra Thiên Chúa đang hiện diện trong các biến cố của cuộc đời. Và như thế, chúng ta cũng thật khó để yêu mến Người một cách sâu sắc.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết kiên trì học hỏi Giáo Lý và Kinh Thánh để hiểu biết Chúa nhiều hơn và để có thể yêu mến Chúa sâu sắc hơn.
Tu sĩ Antôn Chu Văn Nhật, SVD

Thứ Bảy – Ngày 28 – Tháng 3

MÙA CHAY – TUẦN IV

Bài đọc : Gr 11,18-20
Tin Mừng : Ga 7,40-53

Khi ấy, Đức Giêsu giảng dạy tại đền thờ Giêrusalem. Trong dân chúng, có những người nghe các lời ấy thì nói: “Ông này thật là vị ngôn sứ.” Kẻ khác rằng: “Ông này là Đấng Kitô.” Nhưng có kẻ lại nói: “Đấng Kitô mà lại xuất thân từ Galilê sao? Nào Kinh Thánh đã chẳng nói: Đấng Kitô xuất thân từ dòng dõi vua Đavít và từ Bêlem, làng của vua Đavít sao?” Vậy, vì Người mà dân chúng đâm ra chia rẽ. Một số trong bọn họ muốn bắt Người, nhưng chẳng có ai tra tay bắt. Các vệ binh trở về với các thượng tế và người Pharisêu. Họ liền hỏi chúng: “Tại sao các anh không điệu ông ấy về đây?” Các vệ binh trả lời: “Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy. Người Pharisêu liền nói với chúng: “Cả các anh nữa, các anh cũng bị mê hoặc rồi sao? Trong hàng thủ lãnh hay trong giới Pharisêu, đã có một ai tin vào tên ấy đâu? Còn bọn dân đen này, thứ người không biết Lề Luật, đúng là quân bị nguyền rủa !” […].

TIN CHÚA VỚI LÒNG ĐƠN SƠ

Nhân vật Atticus, vừa là một luật sư chuyên bảo vệ công lý vừa là một người cha đầy thông thái trong cuốn tiểu thuyết “Giết con chim nhạn”, đã nói: “Con không bao giờ thực sự hiểu một người cho đến khi con xem xét mọi việc từ quan điểm của người đó… Cho đến khi con sống bên trong anh ta và đi lại cư xử y như anh ta.”
Những đối tượng khác nhau trong bài Tin Mừng hôm nay đã có những thái độ, quan điểm khác nhau về nguồn gốc, xuất thân của Chúa Giêsu. Người Pharisêu không tin Chúa Giêsu là Đấng Kitô chỉ vì Người xuất thân từ Galilê mà theo Kinh Thánh, Đấng Kitô không xuất phát từ vùng đất đó. Họ dựa vào những tư duy của truyền thống, của lề luật để bảo vệ cho quan điểm bảo thủ của mình. Trái lại, khi nhìn vào đời sống và lời rao giảng của Chúa Giêsu, nhiều người xác tín Người thật là vị ngôn sứ. Còn những người được sai đi bắt Chúa Giêsu, những người bị xem là “hạng dân đen, thứ người không biết lề luật” thì nhìn nhận rằng: “Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy”.
Những người Pharisêu mang thành kiến là thứ vô cùng nguy hiểm, khiến họ trở nên bảo thủ, lỗi thời. Dựa trên những thành kiến có sẵn, dựa trên gốc gác hay ý kiến của một số người dễ đưa người ta đến những kết luận sai lầm về người khác. Trái lại, những người xem ra bình dân, ít học nhưng nhìn cuộc đời, nhìn con người với tâm hồn đơn sơ, thành tâm, trung thực thì lại nhận ra nơi Đức Giêsu hình ảnh của Đấng Kitô.
Lạy Chúa Giêsu, giữa một thế giới còn đầy những bất công và mâu thuẫn, xin giúp chúng con loại bỏ những thành kiến sai lầm và thương soi lòng mở trí, để với tấm lòng đơn sơ nhưng chân thành, chúng biết tìm kiếm và gặp được Chân Lý.
Tu sĩ Gioan Baotixita Nguyễn Hồ Nhật, SVD

 

 

Bài trướcGiáo xứ Mỹ Thanh: Công Trình Xây Dựng Nhà Thờ, Nhà Giáo Lý
Bài tiếp theoKính mời lãnh nhận Phép Lành “Urbi et Orbi” do ĐTC ban vào lúc 18 giờ thứ Sáu ngày 27/03

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.