Mùa Chay – Tuần II – Năm A

0
395

Chúa Nhật – Ngày 12 – Tháng 3

MÙA CHAY – TUẦN II

Bài đọc 1 : St 12,1-4a

Bài đọc 2 : 2 Tm 1,8b-10

Tin Mừng : Mt 17,1-9

[…] Bấy giờ ông Phêrô thưa với Đức Giêsu rằng: “Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia.” Ông còn đang nói, chợt có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và có tiếng từ đám mây phán rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!” Nghe vậy, các môn đệ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất. Bấy giờ Đức Giêsu lại gần, chạm vào các ông và bảo: “Trỗi dậy đi, đừng sợ!” Các ông ngước mắt lên, không thấy ai nữa, chỉ còn một mình Đức Giêsu mà thôi. Đang khi thầy trò từ trên núi xuống, Đức Giêsu truyền cho các ông rằng: “Đừng nói cho ai hay thị kiến ấy, cho đến khi Con Người từ cõi chết trỗi dậy.”

XUỐNG NÚI

Tu sĩ Gioan B. Đinh Dương Minh Quân, SVD

Trong bài Tin Mừng hôm nay, sự kiện biến hình của Đức Giêsu trên núi Tabo đã khiến cho các môn đệ chìm ngập trong cảm giác hạnh phúc, bình an và vui vẻ. Các ông không muốn rời bỏ đỉnh núi nữa. Các ông không muốn quay trở lại cuộc sống thực tại. Nhưng chính Đức Giêsu đã đánh thức các ông, và giúp các ông “xuống núi”.

“Xuống núi” là chấp nhận thực tại cuộc sống, là đón nhận kiếp người lữ hành, là tiếp nhận sự đau khổ. Dù đau khổ là điều mà không ai muốn, nhưng đau khổ giúp con người nhận thấy mình yếu đuối và mỏng dòn chừng nào, để biết cậy dựa vào sức mạnh của Chúa.

Đỉnh điểm của đau khổ chính là cái chết. Chính Đức Giêsu đã trải qua một đêm đầy đau khổ, bi đát trong vườn Cây Dầu. Cái chết là điều đau khổ nhất, nhưng nó cũng là động lực thôi thúc ta thay đổi; đau khổ giúp ta biết yêu thương nhiều hơn, biết quí trọng cuộc sống này hơn.

Đối với tôi, đau khổ là lúc tôi nhận ra Chúa ở gần bên tôi nhất, cũng là dịp để tôi dừng lại và gặp gỡ chính con người thật của mình. Qua đó, tôi ý thức hơn về cách sống, và cố gắng thay đổi con người mình.

Lạy Chúa, trên con đường lữ hành còn lắm gian truân, thử thách và đau khổ, xin Chúa luôn ở gần kề, nâng đỡ và tăng sức cho chúng con. Xin thắp sáng ngọn lửa yêu thương trong tâm hồn chúng con, để chúng con biết yêu thương và trao ban nhiều hơn.

Thứ Hai – Ngày 13 – Tháng 3

MÙA CHAY – TUẦN II

Kỷ niệm 4 năm ngày Đức Phanxicô được bầu làm Giáo Hoàng (2013).

Bài đọc : Đn 9,4b-10

Tin Mừng : Lc 5,36-38

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.”

CẦN MỘT TẤM LÒNG NHÂN TỪ

Tu sĩ Giuse Hoàng Quốc Phán, SVD

Cuộc sống cần lắm một tấm lòng nhân từ. Lòng nhân sẽ không phát huy được nếu như bị giới hạn bởi hành động xét đoán, lên án. Nhưng lòng nhân từ lại có động lực mạnh mẽ bởi hành động tha thứ và cho đi.

Khuynh hướng phê bình, chỉ trích người khác dường như trở thành thói quen nơi bản tính của con người hôm nay. Vì sao thế? Vì hành động phê bình và chỉ trích cứ lặp đi lặp lại nên nó đã trở thành nếp nhăn khó làm phẳng. Lời Chúa ngày hôm nay nhắn nhủ mọi người “đừng xét đoán”, “đừng kết án”, hãy có “lòng nhân từ” như Chúa Cha. Hơn bao giờ hết, điều Thiên Chúa cần nơi mỗi người là hãy biết “tha thứ” và “cho đi”. Cho đi bao nhiêu thì Ngài sẽ trả lại cho bấy nhiêu, đừng chi li tính toán: “Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại” (Lc 6, 38).

Người ta vẫn hay nói rằng “không ai cho không bao giờ”. Thế nhưng, một cách nào đó, sự cho đi của chúng ta hôm nay cũng không phải là cho không mà mai này Thiên Chúa sẽ trả lại. Dù lòng nhân từ thì không tính toán, nhưng lòng nhân từ hôm nay mang lại là niềm hy vọng cho những gì mai sau, rằng Thiên Chúa sẽ trả lại cho chúng ta những gì chúng ta đã làm.

Mùa Chay Thánh là dịp nhìn lại những chuỗi hành động của chúng ta trong cuộc sống. Sống Mùa Chay Thánh chúng ta không cần phải làm những việc đao to, búa lớn nhưng rất cần sự thiện chí trong mỗi việc mình làm. Dẫu sao, lòng nhân từ vẫn luôn cần thiết cho đời sống tâm linh, đồng thời là chất xúc tác mạnh mẽ cho những nghĩa cử cao đẹp nơi mỗi con người.

Lạy Chúa, xin cho con biết hành động bằng tấm lòng nhân từ, mà không phải là bằng những lời xét đoán người khác.

Thứ Ba – Ngày 14 – Tháng 3

MÙA CHAY – TUẦN II

Bài đọc : Is 1,10.16-20

Tin Mừng : Mt 23,1-12

Khi ấy, Đức Giêsu nói với dân chúng và các môn đệ Người rằng: “Các kinh sư và các người Pharisêu ngồi trên toà ông Môsê mà giảng dạy. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là ‘rápbi’ […]

LỐI SỐNG GIẢ HÌNH

Tu sĩ Micae Trần Quốc Thạch, SVD

Thật và giả trong xã hội hiện nay rất khó có thể phân biệt. Nhiều khi một cái vỏ bọc thật đẹp đẽ bắt mắt lại che đậy cái không thật bên trong. Ngay trong lối sống của con người cũng mang hình bóng của sự giả dối, làm cho thật giả bất phân. Đó chính là lối sống giả hình.

Qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu rất ghét và đã lên án gay gắt lối sống giả hình của những người Pharisêu. Lời nói của họ không đi đôi với việc làm; họ bó những gánh nặng rồi bắt người ta tuân giữ còn chính họ thì lại không giữ. Thay vì dùng vị thế là những người đứng đầu để phục vụ Thiên Chúa và tha nhân thì chính họ đã tự nâng mình lên và bắt người ta cung kính phục vụ.

Như thế, lối sống giả hình làm cho thật giả bất phân. Hơn nữa, nó còn làm mất nhân cách của con người, làm suy đồi giá trị đạo đức cũng như đời sống văn hóa xã hội. Đồng thời, lối sống giả hình còn gây nên những hậu quả khôn lường trong đời sống đạo của những người Kitô hữu chúng ta. Vì thế, Chúa Giêsu mời gọi mỗi người hãy hãy đề phòng thái độ giả hình bằng cách sống khiêm nhường, tự hạ và quy hướng về Thiên Chúa. Nếu không, chúng ta cũng sẽ bị cuốn theo lối sống giả hình của những người Pharisêu mà Chúa Giêsu đã mạnh mẽ lên án trong Tin Mừng hôm nay.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn biết sống quy hướng về Chúa, khiêm nhường, tự hạ để phục vụ hầu chúng con tránh được lối sống giả hình và trở nên chứng tá cho sự thật và chân lý.

Thứ Tư – Ngày 15 – Tháng 3

MÙA CHAY – TUẦN II

Bài đọc : Gr 18,18-20

Tin Mừng : Mt 20,17-28

Lúc sắp lên Giêrusalem, Đức Giêsu đưa Nhóm Mười Hai đi riêng với mình, và dọc đường, Người nói với các ông: “Này chúng ta lên Giêrusalem, và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án xử tử Người, sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá và, ngày thứ ba, Người sẽ trỗi dậy.”

Bấy giờ bà mẹ của các con ông Dêbêđê đến gặp Đức Giêsu, có các con bà đi theo; bà bái lạy và kêu xin Người một điều. Người hỏi bà : “Bà muốn gì ?” Bà thưa : “Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy.” Đức Giêsu bảo: “Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?” Họ đáp: “Thưa uống nổi.” Đức Giêsu bảo: “Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được.” Nghe vậy, mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó. Nhưng Đức Giêsu gọi các ông lại và nói: “Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.”

QUYỀN BÍNH ĐÍCH THỰC

Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Thanh, SVD

Sống giữa thế gian, con người thường có tham vọng được làm lớn; có quyền lực để được đứng trên người khác, sai khiến, đàn áp, khống chế người khác… Còn Chúa Giêsu lại dạy các môn đệ của Ngài phải là người phục vụ khi làm người lãnh đạo: “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em.” (Mt 20,26).

Câu nói của Chúa Giêsu là lời cảnh tỉnh cho các môn đệ về quyền lực. Quả thực, không có gì sai khi con người khao khát có được quyền bính và những sự cao trọng thế gian. Thế nhưng, quyền bính thực sự không ở nơi việc nắm giữ các vị trí cao nhưng hệ tại ở việc người cầm quyền thực thi quyền bính với tinh thần phục vụ và yêu thương.

Lạy Chúa, thời đại hôm nay đang chìm vào sự tranh giành quyền lực cùng sự bất công trong việc thực thi quyền bính. Xin Chúa hướng dẫn những người lãnh đạo, các nhà cầm quyền để họ luôn biết tận tâm phục vụ con người, thực thi quyền bính cách công bằng, hiệu quả cùng với tinh thần phục vụ và yêu thương. Như vậy, họ mới là những nhà cầm quyền đích thực theo ý Chúa muốn.

Thứ Năm – Ngày 16 – Tháng 3

MÙA CHAY – TUẦN II

Bài đọc : Gr 17,5-10

Tin Mừng : Lc 16,19-31

Khi ấy, Đức Giêsu nói với người Pharisêu dụ ngôn sau đây: “Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khó tên là Ladarô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta. Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Ápraham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn. “Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Ápraham ở tận đàng xa, và thấy anh Ladarô trong lòng tổ phụ. Bấy giờ ông ta kêu lên: ‘Lạy tổ phụ Ápraham, xin thương xót con, và sai anh Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm !’ Ông Ápraham đáp: ‘Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn Ladarô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, Ladarô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ […]

VÔ CẢM

Tu sĩ Phanxicô X. Đinh Duy Thiên, SVD

Mỗi người sẽ có ngày phải ra trình diện trước mặt Chúa về tất cả những gì mình đã làm ở đời này.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, ông nhà giàu đã bị luận phạt. Ông ta bị luận phạt không phải vì ông đã làm điều gian ác cho ai, mà là vì ông đã không làm điều cần phải làm cho người bên cạnh ông, cụ thể là ông Ladarô. Ông phú hộ đã được ban cho giàu sang phú quý, nhưng ông đã không biết giúp đỡ những người nghèo khổ xung quanh, mà chỉ ích kỷ hưởng thụ cho chính mình. Chính vì ích kỷ chỉ biết lo cho bản thân nên ông đã rơi vào con đường sa đọa và phạm một lỗi nặng là tỏ ra dưng dưng, vô cảm trước nỗi khổ của đồng loại.

Ngày nay, tuy khoa học công nghệ và kinh tế phát triển hơn trước, nhưng những “Ladarô nghèo khổ” vẫn đầy dẫy. Họ đang cần sự giúp đỡ của những “phú hộ”. Thế nhưng, mỗi người chúng ta nhiều lúc còn thờ ơ, vô cảm và chưa biết giúp đỡ họ theo đúng bổn phận của mình.

Lời Chúa hôm nay như một lời nhắc nhở mỗi chúng ta hãy biết quan tâm và chia sẻ với anh em đồng loại những gì chúng ta nhận được từ ân ban của Chúa.

Lạy Chúa, xin mở lòng mỗi người chúng con, để chúng con biết cảm nhận, và có những hành động cụ thể trước cảnh đói khổ của anh chị em đồng loại. Nhờ đó, chúng con được thưởng công chứ không bị luận phạt trong ngày sau hết.  

Thứ Sáu – Ngày 17 – Tháng 3

MÙA CHAY – TUẦN II

Bài đọc : St 37,3-4.12-13a.17b-28

Tin Mừng : Mt 21,33-43.45-46

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các thượng tế và kỳ mục trong dân rằng: “Các ông hãy nghe dụ ngôn sau đây: Có chủ nhà kia trồng được một vườn nho; chung quanh vườn, ông rào giậu; trong vườn, ông khoét bồn đạp nho, và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa. Gần đến mùa hái nho, ông sai đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi. Bọn tá điền bắt các đầy tớ ông: chúng đánh người này, giết người kia, ném đá người nọ. Ông lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước: nhưng bọn tá điền cũng xử với họ y như vậy. Sau cùng, ông sai chính con trai mình đến gặp chúng, vì nghĩ rằng: ‘Chúng sẽ nể con ta.’ Nhưng bọn tá điền vừa thấy người con, thì bảo nhau: ‘Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó!’ Thế là chúng bắt lấy cậu, quăng ra bên ngoài vườn nho, và giết đi […]

ẢO TƯỞNG CHÂN LÝ THẬT

Tu sĩ Gioan Lê Đình Thuần, SVD

Con người được Thiên Chúa ưu ái trong mọi sự; Ngài biết chúng ta cần gì và muốn gì nhưng cách mà chúng ta trả ơn thì hoàn toàn ngược lại những gì Thiên Chúa mong ước.

Thường chúng ta không chịu rèn luyện mình nhưng ngồi đó than thân trách phận. Khi thua thiệt và gặp thất bại chúng ta lại đổ lỗi do trời mà chẳng bao giờ chịu nhận lỗi về phía mình. Có khi chúng ta còn ganh ghét ngay cả anh em xung quanh mình nữa. Tính ganh tỵ, ghen tuông thường mang lại cho người khác những vết thương khó phai và để lại cho họ những nỗi ám ảnh kéo dài. Dân Do Thái xưa đã thẳng tay loại bỏ Đức Kitô cũng chỉ vì chữ ghen. Trong cuộc sống, chúng ta cũng từng ít nhiều chứng kiến những cách loại bỏ đi nhiều giá trị đáng tôn vinh. Như thế, con người chọn sự chết hơn là tình yêu, vì chọn tình yêu thì không có chỗ cho sự ganh ghét. Vô tình chúng ta cũng chẳng khác gì Dân Do Thái xưa, đã “giết” đi giá trị thật chỉ còn để lại những giá trị ảo mà chúng ta cứ tưởng đó là chân lý.

Lời Chúa hôm nay thức tỉnh mọi người rằng hãy biết mình đang chọn điều gì, cái gì và chọn ai sao cho cuộc sống của chúng ta trổ sinh hoa trái tốt nhất. Đừng vì ghen tuông mù quáng mà đánh mất giá trị thật. Đừng vì lòng kêu hãnh, tự mãn mà đánh mất chân lý.

Lạy Chúa, chúng con bất toàn, yếu đuối và luôn sai phạm nhưng vì lòng nhân từ của Chúa xin xót thương, tha thứ và nâng chúng con lên. Vì không có Chúa chúng con chẳng thể nào sống tốt. Vì thiếu Chúa, chúng con chẳng còn là chúng con.               

Thứ Bảy – Ngày 18 – Tháng 3

MÙA CHAY – TUẦN II

Bài đọc : Mk 7,14-15.18-20

Tin Mừng : Lc 15,1-3.11-32

[…] Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: ‘Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy.’ Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha. “Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để. Bấy giờ người con nói rằng: ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa…’ Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: ‘Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng ! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.’ Và họ bắt đầu ăn mừng […]

LÒNG THƯƠNG XÓT VÀ SỰ TRỞ VỀ

Tu sĩ Phêrô Hoàng Quốc Việt, SVD

Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, phần một (từ c.1-c.3) Thánh sử Luca diễn tả về lòng thương xót của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu, Đấng đã vâng lời Chúa Cha đến thế gian cứu độ nhân loại.

Hình ảnh Đức Giêsu đón tiếp và ăn uống với phường tội lỗi nói lên lòng thương xót của Thiên Chúa vượt lên trên mọi định kiến, cao hơn cả lề luật và sự công chính. Bằng chứng là, Đức Giêsu nói: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mc 2,17). Nói như thế không đồng

nghĩa Thiên Chúa dung túng cho kẻ có tội. “Ngài là Đấng kiên quyết loại trừ tội lỗi, nhưng không bao giờ khước từ tội nhân” (Lc 19,46).

Trong phần hai (từ c.11-c.32), chúng ta bắt gặp hai cuộc trở về. Người con thứ trở về sau khi anh ta xài hết của cải mà người cha đã chia cho. Khi anh ta không còn biết bám víu vào đâu thì chợt nhận ra, không ai bằng cha mình. Thế nhưng, anh ta tự coi mình chẳng đáng là con nữa. Tội lỗi có thể giúp cho con người tìm về với lòng thương xót Chúa để được chữa lành và phục hồi nhân phẩm của một người con. Nhưng đồng thời tội cũng là điều cản trở ta quay về với Thiên Chúa. Cuộc trở về thứ hai là của người con cả và phần nào có dáng dấp hình ảnh của mỗi người chúng ta. Xem ra người con cả luôn bên cha, thánh thiện nhưng chỉ là cái vỏ bên ngoài. Là con nhưng thái độ và cách sống luôn khiến cha phải buồn phiền và khổ tâm.

Lạy Chúa là Cha giàu lòng thương xót, xin ban thêm cho chúng con ơn can đảm và ơn Chúa Thánh Thần, để chúng con luôn biết trở về cùng Chúa là Cha nhân lành và luôn ý thức là con cái của Chúa để sống sao cho xứng hợp.

Bài trướcAudio Lời Chúa + Suy niệm Chúa Nhật 2 Mùa Chay – A
Bài tiếp theoVideo Bài giảng Thứ Tư Lễ Tro 2017 của Đức Thánh Cha Phanxicô

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.