Mùa Chay – Tuần II – Năm B

0
322

Chúa Nhật – Ngày 25 – Tháng 2

MÙA CHAY – TUẦN II

Bài đọc 1 : St 22,1-2.9a.10-13.15-18

Bài đọc 2 : Rm 8,31b-34

Tin Mừng : Mc 9,2-10

Khi ấy, Đức Giêsu đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy. Và ba môn đệ thấy ông Êlia cùng ông Môsê hiện ra đàm đạo với Đức Giêsu. Bấy giờ, ông Phêrô thưa với Đức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia.” Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng.  Bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng : “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.” Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giêsu với các ông mà thôi.

BIẾN HÌNH VỚI CHÚA

Đoạn Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Đức Giêsu hiển dung; qua đó mạc khải cho các môn đệ biết: Đấng Mêsia mà muôn dân hằng mong đợi, các ngôn sứ đều nói đến chính là Đức Giêsu, người Nadarét. Nơi Người, Thiên Chúa đã mặc khải trọn vẹn ý định của Ngài cho con người; Thiên Chúa đã xác định căn tính của Đức Giêsu: “Đây là Con yêu dấu của Ta”, và truyền lệnh cho loài người: “Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!”

Kể từ đây, muôn dân không còn phải chờ đợi một đấng nào khác nữa ngoài Đức Giêsu; không còn phải tìm kiếm bất cứ vị cứu tinh nào nữa, nhưng hãy tin vào Đức Giêsu và làm theo lời của Người.

Hôm nay, Đức Giêsu cũng mời tất cả mọi người chúng ta cùng “biến hình” với Người. Biến hình không phải là cái gì xa lạ khác thường; không phải là một cuộc phẫu thuật để chuyển giới; nhưng biến hình là để trở về với cái tôi sâu thẳm của chính mình: “Tôi là con yêu dấu của Thiên Chúa.” Đó là ơn được làm con cái Thiên Chúa, là ơn cao trọng của những người Kitô hữu.

Biến hình với Đức Giêsu là thay đổi cuộc sống của ta, là biến đổi tâm hồn, là mang vào lòng một trái tim mới, trái tim của yêu thương, của tin tưởng và cậy trông. Biến hình với Đức Giêsu là từ bỏ ý riêng của ta, là chấp nhận và vâng phục thánh ý Thiên Chúa, là bước đi với Chúa trên con đường khổ giá hàng ngày. Biến hình với Đức Giêsu là từ giã con người tội lỗi yếu hèn của mình, là trở nên giống Người mỗi ngày một hơn.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con được biến đổi tâm hồn và thân xác mình, để chúng con mỗi ngày càng trở nên giống Chúa hơn, nhất là trong Mùa Chay Thánh này, xin cho chúng con biết hy sinh hãm mình khi theo Đức Giêsu trên con đường khổ giá để được cùng chia sẻ vinh quang với Người.

Lm. Gioan Baotixita Trần Vui, SVD

Thứ Hai – Ngày 26 – Tháng 2

MÙA CHAY – TUẦN II

Bài đọc : Đn 9,4b-10

Tin Mừng : Lc 6,36-38

Khi ấy, Đức Giêsu vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Đức Giêsu đáp: “Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa. Hẳn anh biết các điều răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ.” Anh ta nói: “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ.” Đức

Giêsu đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải…

SỐNG NHÂN TỪ

Nieztsche, một triết gia phương Tây đã từng cho rằng: “Phải biết ác, biết tàn nhẫn để sống cho mạnh mẽ”. Theo lối  nhìn đó, những con người hiền lành, thật thà thường bị xem là yếu đuối, nhu nhược. Ngược lại, những người sống độc ác, tàn nhẫn mới được xem là mạnh mẽ, có bản lĩnh. Có lẽ ông đã có những kinh nghiệm về những sự cam chịu, nhẫn nhục của những con người thấp cổ bé miệng trước những kẻ thống trị. Từ đó ông khuyến khích người ta cũng phải trở nên dữ dằn, độc ác hơn để chống lại những kẻ thống trị.

Tuy không đến mức cực đoan như Nieztsche, nhưng một số người cũng chung quan niệm rằng đừng sống hiền quá, chân thật quá. Việc xã hội càng ngày càng có nhiều con sói dữ gian manh xảo quyệt, thì sống hiền lành, ngây thơ như những chú cừu chẳng khác nào tự đào mồ chôn mình. Những quan niệm trên xem ra đang đi ngược lại với lời khuyên mà Chúa Giêsu nêu ra trong bài Tin Mừng hôm nay: hãy sống nhân từ.

Sống nhân từ như đòi hỏi của Chúa Giêsu quả thật là một lối sống “ngược đời” trong xã hội hôm nay. Trong khi người đời sống gian ác, giả dối thì người nhân từ phải sống hiền lành, chân thật. Trong khi người đời sống ghen ghét, hận thù thì người nhân từ phải sống yêu thương, tha thứ. Một lối sống như thế quả thực là điên rồ, khờ dại trong con mắt thế gian. Nhưng trong con mắt của những kẻ tin, đó lại là một kho tàng quý giá; vì khi sống nhân từ, người ta đã được thông phần vào phẩm tính nhân từ của Thiên Chúa, vì “Cha anh em là đấng nhân từ”.

Lạy Chúa, con người ngày nay thường bị cuốn trôi vào dòng chảy của một xã hội bất công, bạo lực. Nơi đó, người ta tranh giành, lừa lọc, hạ bệ, khử trừ nhau. Xin cho chúng con biết học hỏi và bắt chước Chúa trong việc sống nhân từ. Nhờ việc sống nhân từ đó mà chúng con sẽ trở nên những chứng nhân của Chúa trong thế giới hôm nay.

Tu sĩ Phaolô Trần Khắc Công, SVD

Thứ Ba – Ngày 27 – Tháng 2

MÙA CHAY – TUẦN II

Bài đọc : Is 1,10.16-20

Tin Mừng : Mt 23,1-12

Khi ấy, Đức Giêsu nói với dân chúng và các môn đệ Người rằng: “Các kinh sư và các người Pharisêu ngồi trên toà ông Môsê mà giảng dạy. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là ‘rápbi’ […]

NÓI MÀ KHÔNG LÀM

Trong cuộc sống, chúng ta thường bắt gặp những người rất mạnh miệng khi làm một việc gì đó như thể họ là sành sỏi, nắm chắc mọi việc trong tay. Nhưng cuối cùng, họ không làm nên trò trống gì cả đến độ trong dân gian có câu nói: “Thùng rỗng kêu to.” Vào thời Chúa Giêsu cũng có những người nói mà không làm. “Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào.” (Mt 23,4)

Khi nói đến đây, lòng tôi cảm thấy thật hổ thẹn. Hổ thẹn vì tôi cũng là người đứng trên tòa giảng để dạy những chân lý cao siêu, những điều thật đẹp đẽ. Nhiều khi tôi nói rất hay, giảng như rót mật vào tai người nghe nhưng tôi vẫn cảm thấy mình chưa sống trọn vẹn hoặc thậm chí đôi lúc không sống điều mình giảng dạy. Nhiều lúc tôi cảm thấy chính mình trong đoạn Lời Chúa hôm nay. Tôi cảm thấy mình là kẻ nói mà không làm, là kẻ rao giảng mà không sống lời mình rao giảng.

Hơn nữa, khi ngẫm lại đời mình, tôi càng cảm thấy hổ thẹn hơn. Bởi vì nhiều khi tôi lại hùa theo những người anh em khác để phê bình, chỉ trích, bới móc và lên án một người anh em, nhưng chính tôi chẳng làm nên trò trống gì cả. Nhiều lần, khi tôi phê bình một người anh em của tôi, người ấy chân nhận ra sự thiếu sót và giới hạn nơi con người bất toàn của mình. Nhưng khi người anh em ấy mời gọi tôi cộng tác vào công việc chung để xây dựng Tỉnh Dòng, xây dựng Giáo Hội, xây dựng Nước Chúa, thì tôi lại từ chối và nói rằng tôi không có khả năng hay tôi không có ơn gọi ấy. Thật là đáng xấu hổ, vì tôi chẳng khác gì những kẻ nói mà không làm.

Lạy Chúa, xin cho con nói được thì làm được, giảng được thì sống được lời rao giảng. Nhưng con biết rằng con không thể làm được điều này nếu không có Chúa ban ơn trợ giúp. Con cảm thấy mình luôn bị giằng co: Một mặt con cảm thấy không thể sống trọn vẹn điều con rao giảng, nên không dám rao giảng. Nhưng mặt khác con lại cảm thấy được thôi thúc để nói điều mà Chúa muốn nói với Dân Chúa.  Lạy Chúa, xin giúp con.

Lm. Antôn Nguyễn Thanh Hà, SVD

Thứ Tư – Ngày 28 – Tháng 2

MÙA CHAY – TUẦN II

Bài đọc : Gr 18,18-20

Tin Mừng : Mt 20,17-28

[…] Bấy giờ bà mẹ của các con ông Dêbêđê đến gặp Đức Giêsu, có các con bà đi theo; bà bái lạy và kêu xin Người một điều. Người hỏi bà : “Bà muốn gì?” Bà thưa : “Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy.” Đức Giêsu bảo: “Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?” Họ đáp: “Thưa uống nổi.” Đức Giêsu bảo: “Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được.” Nghe vậy, mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó. Nhưng Đức Giêsu gọi các ông lại và nói: “Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.”

GANH TỴ

“Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy” (Mt 20,21).

Những phản ứng trái ngược của các tông đồ trước biến cố thập giá của Chúa Giêsu thật là đau buồn. Mặc dù Chúa Giêsu đã mạc khải cho các ông thấy con đường thập giá, nhưng lúc đó các ông không hiểu, rồi lại tranh nhau, ganh tị với nhau. Người thì xin được ngồi bên hữu, bên tả. Kẻ thì tỏ ra bất bình, vì muốn có phần vinh quang và quyền hành khi theo Chúa.

Đó là chuyện của các tông đồ ngày xưa khi theo Chúa và cũng có thể xảy ra cho mỗi người chúng ta ngày hôm nay. Có người muốn chọn con đường theo Chúa với điều kiện không có thập giá, nhưng cũng có kẻ lại chọn lấy thập giá mà không có Chúa Giêsu.

Lắm khi chúng ta cũng sợ đau khổ, né tránh, đẩy đưa sự khổ đau cho người khác để mình được vinh quang và quyền hành. Chúng ta cũng muốn là người được đứng hàng đầu, được tôn vinh nên dùng mọi cách để đạt được ước vọng đó. Có người đi theo con đường quang minh chính đại nhưng cũng có những người đi theo con đường tăm tối, lừa gạt, chèn ép người khác.

Ai cũng muốn cho mình là người trên hết, là người đứng hàng đầu để được tôn vinh. Chúng ta thật bất xứng trước mặt Chúa. Chúng ta chưa hiểu hết con đường thập giá của Chúa Giêsu.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết hy sinh, từ bỏ chính mình, vác thập giá hằng ngày mà theo Chúa.

Lm. Giuse Huỳnh Ngọc Thiên Ân, SVD

Thứ Năm – Ngày 01 – Tháng 3

MÙA CHAY – TUẦN II

Bài đọc : Gr 17,5-10

Tin Mừng : Lc 16,19-31

Khi ấy, Đức Giêsu nói với người Pharisêu dụ ngôn sau đây: “Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khó tên là Ladarô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta. Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Ápraham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn. “Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Ápraham ở tận đàng xa, và thấy anh Ladarô trong lòng tổ phụ. Bấy giờ ông ta kêu lên: ‘Lạy tổ phụ Ápraham, xin thương xót con, và sai anh Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm !’ Ông

Ápraham đáp: ‘Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn Ladarô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, Ladarô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ […]

HỐ SÂU NGĂN CÁCH

Thông thường người giàu có thường có điều kiện để sống cuộc sống hưởng thụ: nhà cao của rộng, xe hơi đắt tiền, được đáp ứng đầy đủ các phương tiện giải trí và được bảo đảm về chăm sóc về y tế. Đại diện tiêu biểu cho tầng lớp này có thể nhắc đến là người đàn ông giàu có trong bài Tin Mừng. Vậy đâu là lý do để ông phải sa hỏa ngục?

Tin Mừng nhắc đến lý do là ông đã không nhìn thấy anh Ladarô nằm trước của nhà ông, để rồi sau hết phải sống trong cảnh cô đơn nơi hỏa ngục. Ngày nay có hàng triệu Ladarô mà chúng ta vẫn thường bắt gặp. Họ là những người bị hắt hủi, ruồng bỏ, quên lãng; họ bị loại ra khỏi những tiện nghi của cuộc sống; họ bị thiệt thòi mọi mặt. Đến lúc kết thúc cuộc đời họ mới gặp được ai đó yêu thương họ thật lòng khi họ được sum họp với tổ phụ Ápraham và các thiên thần.

Hình ảnh ông nhà giàu và anh Ladarô có thể là hiện thân của con người trong thế giới hôm nay. Giàu có không luôn đi đôi với hạnh phúc, và nghèo khó không luôn gắn liền với khổ đau. Thiên Chúa có cách để ân thưởng và bù đắp cho những người chịu thiệt thòi.

Hơn nữa, nhiều khi chúng ta vô tình dựng nên một bức tường ngăn cách và nó sẽ trở thành một vực thẳm không tài nào vượt qua nổi. Ngăn cách này  làm cho chúng ta càng xa rời Nước Thiên Chúa và xa rời nhau.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con biết góp phần làm cho thế giới này bớt đi những khổ đau. Xin giúp chúng con biết nhận ra và giúp đỡ những người đang gặp khó khăn để chúng con có thể tìm thấy bạn hữu trong cuộc sống đời sau.

Tu sĩ Giuse Trương Vĩnh Tường, SVD

Thứ Sáu – Ngày 02 – Tháng 3

MÙA CHAY – TUẦN II

Bài đọc : St 37,3-4.12-13a.17b-28

Tin Mừng : Mt 21,33-43.45-46

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các thượng tế và kỳ mục trong dân rằng: “Các ông hãy nghe dụ ngôn sau đây: Có chủ nhà kia trồng được một vườn nho; chung quanh vườn, ông rào giậu; trong vườn, ông khoét bồn đạp nho, và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa. Gần đến mùa hái nho, ông sai đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi. Bọn tá điền bắt các đầy tớ ông: chúng đánh người này, giết người kia, ném đá người nọ. Ông lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước: nhưng bọn tá điền cũng xử với họ y như vậy. Sau cùng, ông sai chính con trai mình đến gặp chúng, vì nghĩ rằng: ‘Chúng sẽ nể con ta.’ Nhưng bọn tá điền vừa thấy người con, thì bảo nhau: ‘Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó!’ Thế là chúng bắt lấy cậu, quăng ra bên ngoài vườn nho, và giết đi […]

SỨ MỆNH NGÔN SỨ

Bài Tin Mừng hôm nay kể về dụ ngôn ông chủ vườn vườn nho và các tá điền thất tín, bất trung. Những tá điền này đã giết những người đầy tớ được ông chủ sai đến để thu hoa lợi. Thậm chí họ còn giết cả đứa con trai duy nhất của ông chủ và tuyên bố: “Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó!” Tuy nhiên, ông chủ đã thẳng tay trừng trị bọn tá điền độc ác, và cho những tá điền khác canh tác vườn nho, để cứ đến mùa, họ nộp hoa lợi cho ông. Kết thúc câu chuyện, Đức Giêsu nói: “Nước Thiên Chúa, Người sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi”.

Qua dụ ngôn trên, chúng ta biết rằng Chúa Giêsu đang ám chỉ những người Do Thái và cả tổ tiên của họ nữa. Vì trong lịch sử Do Thái, tổ tiên của họ đã giết các ngôn sứ được Thiên Chúa sai đến để cảnh báo những lỗi lầm của dân Ngài khi họ từ bỏ Thiên Chúa để theo thần ngoại… Thậm chí người Do Thái cũng đã giết Con Thiên Chúa vì Ngài lên án lối sống giả hình của họ, tố cáo những bất công trong xã hội và chữa lành bệnh tật ngày sabát.

Các ngôn sứ thời Cựu Ước và Đức Kitô đã làm chứng cho sự thật bằng chính cái chết của mình. Người Kitô hữu trong xã hội hôm nay cũng sống cho những lời chứng đó. Họ có thể bị thiệt hại về vật chất lẫn tinh thần khi họ lên án những bất công trong xã hội. Họ có thể bị những người có quyền thế chèn ép, bắt bớ. Tuy cuộc sống khó khăn nhưng lương tâm họ được bình an bởi những hy sinh của họ có ý nghĩa và có sức lan tỏa. Bài Tin Mừng hôm nay cũng mời gọi mỗi người chúng ta sống và làm chứng cho sứ mệnh ngôn sứ trong từng bậc sống của mình.

Lạy Chúa, sống giữa cuộc đời có nhiều thách đố hôm nay xin ban cho chúng con ơn khôn ngoan, lòng can đảm để biết sống thật với chính mình và làm chứng cho tình yêu của Ngài. Amen.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Quốc Đại, SVD

Thứ Bảy – Ngày 03 – Tháng 3

MÙA CHAY – TUẦN II

Bài đọc : Mk 7,14-15.18-20

Tin Mừng : Lc 15,1-3.11-32

[…] Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: ‘Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy.’ Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha. “Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để. Bấy giờ người con nói rằng: ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa…’ Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: ‘Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng ! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.’ Và họ bắt đầu ăn mừng […]

NIỀM VUI CỦA NGƯỜI CHA

Dù bài Tin Mừng hôm nay có nhiều ý tưởng phong phú, nhưng trong bài viết này, tôi lại muốn chia sẻ về niềm vui của người cha sau biết bao biến cố trong gia đình.

Mở đầu dụ ngôn, chúng ta thấy người cha chấp nhận “mạo hiểm” khi đồng ý chia gia tài cho cả hai người con, dù rằng dụ ngôn chỉ nói người con thứ xin cha chia gia tài. Sự mạo hiểm này chính là cách chứng tỏ người cha luôn tôn trọng tự do của các con. Ông đã chia gia tài cho các con và để chúng tự do định liệu. Ông không ép người con thứ ở lại nhà. Ông cũng không tìm cách kéo nó trở về. Ông chỉ trông mong con từng ngày, nên ngay khi anh còn ở đàng xa, ông đã trông thấy. Ông vội vã chạy ra đón con, ông cuống quýt hối thúc đầy tớ chuẩn bị tiệc mừng.

Còn đối với người con cả, tuy ở cùng cha nhưng lại sống trong sự xa cách tình cha con và tình anh em. Và vì mường tượng ra sự đổ vỡ các mối tương quan trong gia đình, người cha sẵn sàng lắng nghe những tâm tình chua chát của người con cả khi ông ra mời người con cả vào chung chia niềm vui mừng của gia đình. Sau khi lắng nghe tất cả, ông nhắc anh một cách tế nhị về tương quan giữa hai anh em “vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy”

(x. 15,32) để nhắc nhở người con cả rằng, chúng ta là một gia đình. Vì là một gia đình nên nếu cha đã sung sướng đến thế khi gặp lại con, lẽ nào anh cả lại không vui sướng khi gặp lại em sao?

Lạy Chúa, lắm lúc chúng con cũng ngỗ ngược muốn cắt đứt tương quan với Ngài, hay nhiều khi chúng con cũng âm thầm lìa xa tương quan với anh em. Xin cho mỗi chúng con, sau biết bao biến cố, cũng luôn biết quay trở về để cùng chung chia niềm vui trong tình Chúa và tình anh em.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Xuân Long, SVD

Bài trướcMùa Chay – Tuần I – Năm B
Bài tiếp theoCông bố Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân Ngày Quốc Tế giới trẻ 2018

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.