Mùa Chay – Tuần I – Năm B

0
360

Chúa Nhật – Ngày 18 – Tháng 2

MÙA CHAY – TUẦN I

MỒNG BA TẾT

Thánh Hóa Công Ăn Việc Làm

Bài đọc 1 : St 9,8-15

Bài đọc 2 : 1 Pr 3,18-22

Tin Mừng : Mc 1,12-15

Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa. Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Xatan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người.

Sau khi ông Gioan bị nộp, Đức Giêsu đến miền Galilê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”

TRIỀU ĐẠI MỚI

Lời rao giảng từ hơn hai ngàn năm trước, vào lúc Đức Giêsu bắt đầu sứ vụ, mang cung điệu thiết tha, mãnh liệt: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15) liệu có còn là lời mời gọi cấp thiết cho chúng ta hôm nay, hay nghe nhiều thành ra chẳng còn gì cấp bách? Đúng là nhiều khi chúng ta xem nhẹ tính cấp thiết của lời kêu gọi này.

Triều Đại Thiên Chúa đã đến và triều đại ấy hôm nay vẫn còn, nhưng tôi có muốn thuộc về nó hay không lại là câu chuyện khác. Tính cấp thiết của lời mời gọi nằm ở chỗ tôi không thể sống mãi để chọn lựa lúc nào nên sống tinh thần của triều đại ấy, triều đại cứu rỗi. Nhờ Phép Rửa chúng ta được thuộc về Dân Thiên Chúa, nhưng dân của vương triều nào cũng có nghĩa vụ và trách nhiệm; công dân của Nước Thiên Chúa cũng không ngoại lệ.

Đòi hỏi cho ai thuộc về triều đại này đều là khởi hành từ cuộc “sám hối” và đón nhận “Tin Mừng” cứu rỗi. Sám hối là quay về phía Thiên Chúa đồng thời bỏ lại sau lưng những gì trì kéo chúng ta bước tới bên Ngài. Sám hối phải là liên lỉ, phải là hành trình dài vì cám dỗ và sự ước muốn hướng chiều về những gì có thể thỏa mãn các giác quan luôn luôn thường trực. Chúa mời gọi sám hối và đồng thời cũng ban luật mới là Tin Mừng để ai sống theo Tin Mừng thì đoạn tuyệt với lối sống cũ.

Điều căn cốt vẫn là: tôi có thấy việc sám hối liên lỉ và sống theo chuẩn mực Tin Mừng là một hành trình cấp thiết đến độ tôi dùng mọi sức lực và ơn thiêng để bước tới hay không? Tôi có thấy đó là hành trình đến với Chúa, cũng là chạm tới niềm hạnh phúc của đứa con trở về bên Cha hiền, hay tôi thấy đó chỉ như một sự đánh đố, một gánh nặng đáng ghét không thể tránh né? Nếu là gánh nặng, rốt cuộc có đáng để gánh lấy hay không? Tôi gánh để được gì?

Lạy Chúa, xin cho con biết sám hối và sống theo tinh thần Tin Mừng như là điều kiện để con thuộc về Triều Đại Mới.

Tu sĩ Phanxicô Xaviê Nguyễn Du Trí, SVD

Thứ Hai – Ngày 19 – Tháng 2

MÙA CHAY – TUẦN I

Bài đọc : Lv 19,1-2.11-18

Tin Mừng : Mt 25,31-46

[…] Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.’ Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: ‘Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu?’ Đức Vua sẽ đáp lại rằng: ‘Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy […]

CHÚA HIỆN DIỆN NƠI MỌI NGƯỜI

Qua bài Tin Mừng ngày hôm nay, chúng ta thấy rõ hình ảnh về ngày cánh chung, ngày mà chính Đức Kitô là vị thẩm phán tối cao sẽ xuất hiện. Trên ngai tòa, Ngài sẽ phân biệt “chiên với dê” và sẽ đưa ra những phán quyết công minh nhất chiếu theo cuộc sống của từng người nơi trần thế. Ngài sẽ không phân biệt quyền thế, giàu sang hay nghèo hèn nhưng Ngài sẽ chiếu theo cách ta đối xử với nhau trong cuộc sống hắng ngày.

Điều Chúa muốn thực sự chính là việc chúng ta thực thi bác ái, bày tỏ tình yêu và lòng thương xót đối với tất cả mọi người, dù đó là người thân hay người xa lạ với mình. Vì Chúa muốn chúng ta nhận ra Ngài, đón nhận, tiếp rước và chăm sóc Ngài qua chính người anh chị em của chúng ta.

Ngày nay cuộc sống con người đang ngày càng thay đổi trên mọi mặt. Đặc biệt hơn cả, ta dễ dàng nhận thấy sự thay đổi về tiêu chuẩn đạo đức, cách hành xử giữa con người với nhau. Nhiều khi chúng ta thờ ơ, vô cảm trước nỗi đau hay sự vất vả của người khác. Thậm chí, chúng ta dẫm đạp lên cuộc sống của người khác để đạt được mục đích của mình.

Bài Tin Mừng hôm nay như một lời nhắc nhở để chúng ta có một cái nhìn sâu sắc về đức tin, về hành động và việc thực thi bác ái trong cuộc sống của mình; để rồi vào ngày cánh chung, “khi Con Người đến trong vinh quang”, chúng ta sẽ được “đứng bên phải của Người.”

Lạy Chúa, xin ban ơn soi sáng để chúng con luôn biết động lòng trước nỗi đau khổ, vất vả, gian nan của anh chị em chung quanh chúng con để rồi thực thi lòng bác ái với họ. Vì lạy Chúa, chính Chúa đang hiện diện nơi những anh chị em của chúng con.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Thanh, SVD

Thứ Ba – Ngày 20 – Tháng 2

MÙA CHAY – TUẦN I

Bài đọc : Is 55,10-11

Tin Mừng : Mt 6,7-15

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin. “Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này: “Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày; xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con; xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.

CHU TOÀN THÁNH Ý CHÚA CHA

Đức Giêsu vì yêu thương đã chỉ cho con người cách thức cầu nguyện, để lời cầu nguyện của chúng ta đẹp lòng Thiên Chúa. Chúng ta không xin Thiên Chúa thực hiện điều người muốn nhưng xin cho chúng ta có sức thi hành điều Thiên Chúa muốn. Vậy đâu là thánh ý của Thiên Chúa?

Trong suốt hành trình sứ vụ của mình ở trần gian, Đức Giêsu đã cho biết thánh ý của Chúa Cha qua những gì mà Người đã làm và giảng dạy: Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, yêu mến Người vì Người là Cha, kính sợ Người vì Người là Thiên Chúa; tin tưởng cách tuyệt đối vào tình thương và quyền năng của Thiên Chúa; giữ vững đức tin, cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói và việc làm; sống công chính, làm điều lương thiện; ăn ở khiêm tốn, hòa thuận với anh em; không so đo tính toán để làm hại ai; yêu mến kẻ thù và tha thứ cho những việc mà họ đã làm.

Thi hành thánh ý của Thiên Chúa cũng là việc đón nhận chương trình của Người trên cuộc đời mình, ngay cả khi phải chịu đau khổ, đến mức chấp nhận hy sinh mạng sống của mình để cho chương trình cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện. Thi hành thánh ý Thiên Chúa cũng đồng nghĩa với việc nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành để được trở nên con cái của Chúa và để được cứu độ.

Lạy Chúa, xin cho những lời nguyện chúng con dâng hôm nay được đẹp ý Ngài. Xin cho chúng con biết thi hành thánh ý Ngài nơi mọi người và nơi cuộc sống của mỗi người chúng con.

Tu sĩ Giuse Trương Vĩnh Tường, SVD

Thứ Tư – Ngày 21- Tháng 2

MÙA CHAY – TUẦN I

Thánh Phêrô Đamianô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh (Tr).

Bài đọc : Gn 3,1-10

Tin Mừng : Lc 11,29-32

Khi ấy, dân chúng tụ họp đông đảo, Đức Giêsu bắt đầu nói: “Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giôna. Quả thật, ông Giôna đã là một dấu lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy. Trong cuộc Phán Xét, nữ hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng với những người của thế hệ này và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Salômôn; mà đây thì còn hơn vua Salômôn nữa. Trong cuộc Phán Xét, dân thành Ninivê sẽ trỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giôna rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giôna nữa.

ĐỨC KITÔ LÀ CHÚA CỦA ĐỜI CON

Trong bài Tin Mừng theo thánh Luca hôm nay những người Do Thái đòi Chúa Giêsu làm một dấu lạ nhưng Ngài khẳng định với họ là chẳng có dấu lạ nào cả ngoài dấu lạ của ngôn sứ Giona cho dân thành Ninivê mà họ đã từng biết. Chính Chúa Giêsu mới thật là dấu lạ.

Dấu lạ đối với Chúa Giêsu không đơn giản chỉ là điều lạ, mà là dấu chỉ dẫn người ta đến với mầu nhiệm lạ lùng, mới mẻ của Thiên Chúa như được mạc khải qua con người và cuộc sống của Chúa Giêsu. Dấu lạ không có ý nghĩa nếu người ta không tin, không muốn khám phá về Đức Giêsu.

Là Kitô hữu, hơn nữa là một tu sĩ theo sát Đức Kitô, nhiều lúc tôi cũng mong muốn có nhiều dấu lạ xảy ra trong đời. Nhất là khi gặp những khó khăn, thử thách, tôi mong Chúa làm cho tôi những dấu lạ để có thể giúp tôi vượt những thách đố. Cho dù điều tôi mong là chính đáng theo cái nhìn của tôi, thì đó chưa hẳn là điều đẹp lòng Chúa, chưa hẳn là dấu chỉ giúp tôi vững tin và lớn lên hơn trong tương quan với Chúa Giêsu.

Lạy Chúa, xin cho con đôi mắt sáng đức tin để nhận biết Chúa luôn là Chúa của đời con. Xin cho con nhìn thấy dấu lạ Chúa làm trong những biến cố vui buồn đời con, hơn là đòi Chúa làm dấu lạ để thỏa mãn mong muốn ích kỷ của con. Amen.

Tu sĩ Phêrô Vũ Đức Thắng, SVD

Thứ Năm – Ngày 22 – Tháng 2

MÙA CHAY – TUẦN I

LẬP TÔNG TÒA THÁNH PHÊRÔ – Lễ kính (Tr).

Bài đọc : 1 Pr 5,1-4

Tin Mừng : Mt 16,13-19

Khi ấy, khi Đức Giêsu đến vùng kế cận thành Xêdarê Philípphê, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai?” Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ.” Đức Giêsu lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Simôn Phêrô thưa: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” […]

ANH EM BẢO THẦY LÀ AI?

Bài Tin Mừng của thánh Mátthêu hôm nay cho chúng ta biết những nghi vấn của người đương thời về Đức Giêsu. Qua những lời rao giảng và những phép lạ Ngài làm, mỗi người Do Thái đưa ra những trả lời khác nhau về con người và sứ mệnh của Đức Giêsu. Khi Ngài hỏi: “Người ta nói Con Người là ai?”, người Do Thái không có một câu trả lời thống nhất khi cho rằng: Ngài là ông Gioan Tẩy Giả, ông Êlia, ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ nào đó.

Câu hỏi đó cũng được dành cho các môn đệ khi Đức Giêsu hỏi các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Trong niềm tin của một người đã nghe những lời giáo huấn và đã chứng kiến bao phép lạ Thầy mình làm, ông Phêrô đã tuyên tín về Đức Giêsu rằng: “Thầy là Đức Kitô, con Thiên Chúa hằng sống”. Đây cũng là lời mặc khải của Chúa Cha được thể hiện qua lời tuyên xưng của ông Phêrô để xác tín thêm con người và sứ vụ của Đức Giêsu như là Đấng được Chúa Cha sai đến.

Câu hỏi mà Đức Giêsu dành cho người Do Thái và các môn đệ cũng có thể là câu hỏi mà Ngài đang hỏi mỗi người chúng ta mỗi ngày: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Qua cuộc sống hàng ngày, chúng ta tuyên xưng Ngài là ai? Chúng ta đã trở thành chứng tá của Ngài như thế nào qua thái độ sống và niềm tin của mình trong xã hội hưởng thụ hôm nay? Chúng ta có đủ tự tin để tuyên xưng như ông Phêrô thuở xưa: Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống?” Đó cũng là những câu hỏi mà mỗi người chúng ta có thể tự vấn về niềm tin và lòng yêu mến của mình đối với Đức Giêsu, con Thiên Chúa hằng sống.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn ý thức được chính Ngài là Chúa, là trung tâm cuộc sống của chúng con dù chúng con là kẻ tội lỗi.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Quốc Đại, SVD

Thứ Sáu – Ngày 23 – Tháng 2

MÙA CHAY – TUẦN I

Thánh Pôlycarpô, giám mục, tử đạo. Lễ nhớ (Đ).

Bài đọc : Ed 18,21-28

Tin Mừng : Mt 5,20-26

[…] Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt. Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình. Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan toà, quan toà lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng.

LÀM HÒA

Trong cuộc sống, chúng ta đã chứng kiến biết bao cảnh cha mẹ, con cái, anh em, bạn bè, làng xóm láng giềng không còn nhìn mặt nhau sau những xung đột, bất bình. Có người còn mạnh miệng thề rằng: “Sống để bụng, chết mang theo”. Bởi cái tôi quá lớn cộng với tính sĩ diện, làm ta khó có thể là người đi trước mở lời xin lỗi, hay thông cảm sau những va chạm, xích mích với người anh em.

Vậy làm sao để ta có thể làm hòa với người thân cận khi có chuyện bất bình? Lề Luật Cựu Ước dạy ta hạn chế việc báo thù, ghét bỏ anh em, cấm trả thù và oán hận tha nhân. Tân Ước còn đi xa hơn: “Hãy yêu thương kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em” (Lc 6,27). Ta thử gắn kết việc tha thứ cho anh em mình với việc cầu xin Thiên Chúa tha thứ. Nếu một người không nguôi lòng oán hận anh em, làm sao họ có thể cầu xin Thiên Chúa chữa lành, làm sao có một tấm lòng thành để dâng kính lễ vật trước bàn thờ?

Đứng trước người anh em mà ta không có lòng trắc ẩn, thì làm sao có thể xin Thiên Chúa tha thứ những tội lỗi của ta. Thiên Chúa sẽ không tha thứ cho người nào không biết tha thứ cho anh em mình. Nếu ta nhận thức được sự bất toàn của mình, với một con người yếu đuối và đầy tội lỗi, mà vẫn được Thiên Chúa tha thứ và được giao hòa với  Ngài, thì ta sẽ sẵn sàng làm hòa, tha thứ cho tha nhân với những lỗi lầm của họ. Quả thật, muốn được Thiên Chúa tha thứ cho những lỗi lầm của ta, thì đồng thời ta cũng phải sẵn sàng tha thứ cho anh em mình sau những bất bình, xung đột.

Lạy Chúa, xin cho con luôn ý thức rằng dù con yếu đuối, bất toàn nhưng vẫn luôn được Chúa đón nhận và yêu thương, để từ đó con cũng sẵn sàng chấp nhận người anh em của mình với những khuyết điểm và lầm lỗi của họ. Amen.

Tu sĩ Antôn Chu Văn Nhật, SVD

Thứ Bảy – Ngày 24 – Tháng 2

MÙA CHAY – TUẦN I

Bài đọc : Đnl 26,16-19

Tin Mừng : Mt 5,43-48

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.”

YÊU KẺ THÙ

Luật Cựu Ước chỉ dạy “không được trả thù” (Lv 19,18), còn Chúa Giêsu lại dạy rằng: “Hãy yêu kẻ thù” (Mt 5,44). Nhưng kẻ thù là ai? Và ta phải yêu kẻ thù như thế nào?

Trong bối cảnh thời Chúa Giêsu, người Do Thái coi kẻ thù không chỉ là những người đối nghịch trong tương quan cuộc sống mà còn cả những người đối nghịch trong niềm tin tôn giáo. Về phần mình, trong bài viết này, tôi tạm coi “kẻ thù” là những người không cùng niềm tin tôn giáo.

Như thế, Lời Chúa hôm nay mời gọi tôi yêu thương và quan tâm đến những người không cùng niềm tin tôn giáo đối với tôi. Có như thế, tôi mới thực thi điều Chúa dạy, thể hiện cách rõ nét hơn mình là con cái Chúa và diễn tả cách sâu đậm hơn sứ vụ mà tôi được Chúa mời gọi trong Dòng Ngôi Lời.

Vậy tôi phải yêu thương và quan tâm họ như thế nào? Sứ vụ của Dòng mời gọi tôi yêu thương và quan tâm đến họ qua việc sẵn sàng lên đường, đến và ở với họ; cùng đồng hành và chia sẻ với họ qua cuộc sống hàng ngày, để từ đó giới thiệu về Chúa cho họ qua chính đời sống và lời giảng dạy.

Lạy Chúa, Chúa đã luôn sống yêu thương và hằng mời gọi chúng con phải biết sống yêu thương và làm lan tỏa tình yêu thương đó đến cho mọi người. Nhưng lạy Chúa, cho đến ngày hôm nay, số người nhận biết và tin vào Chúa chỉ chiếm một phần thiểu số. Xin Chúa ban cho Giáo Hội có nhiều thợ gặt lành nghề để làm lan tỏa tình yêu của Chúa và giúp mỗi người chúng con biết dấn thân và quan tâm hơn đến sứ mạng truyền giáo mà Chúa đã trao phó cho chúng con.

Tu sĩ Phanxicô Xaviê Đào Duy Thiên, SVD

Bài trướcSứ Điệp Mùa Chay 2018 – của ĐTC Phanxicô
Bài tiếp theoMùa Chay – Tuần II – Năm B

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.