Chú Giải Tin Mừng Lễ Vọng Phục Sinh, năm C (Lc 24,1-12)

0
479

LÒNG TRỐNG VÀ MỘ TRỐNG

Lm. Giuse Phạm Duy Thạch, SVD chú giải

 Bản văn và dịch sát nghĩa

Hy Lạp Việt
1 Τῇ δὲ μιᾷ τῶν σαββάτων ὄρθρου βαθέως ἐπὶ τὸ μνῆμα ἦλθον φέρουσαι ἃ ἡτοίμασαν ἀρώματα.

2  εὗρον δὲ τὸν λίθον ἀποκεκυλισμένον ἀπὸ τοῦ μνημείου,

3  εἰσελθοῦσαι δὲ οὐχ εὗρον τὸ σῶμα τοῦ κυρίου Ἰησοῦ.

4  καὶ ἐγένετο ἐν τῷ ἀπορεῖσθαι αὐτὰς περὶ τούτου καὶ ἰδοὺ ἄνδρες δύο ἐπέστησαν αὐταῖς ἐν ἐσθῆτι ἀστραπτούσῃ.

5  ἐμφόβων δὲ γενομένων αὐτῶν καὶ κλινουσῶν τὰ πρόσωπα εἰς τὴν γῆν εἶπαν πρὸς αὐτάς· τί ζητεῖτε τὸν ζῶντα μετὰ τῶν νεκρῶν;

6  οὐκ ἔστιν ὧδε, ἀλλ᾽ ἠγέρθη. μνήσθητε ὡς ἐλάλησεν ὑμῖν ἔτι ὢν ἐν τῇ Γαλιλαίᾳ

7  λέγων τὸν υἱὸν τοῦ ἀνθρώπου ὅτι δεῖ παραδοθῆναι εἰς χεῖρας ἀνθρώπων ἁμαρτωλῶν καὶ σταυρωθῆναι καὶ τῇ τρίτῃ ἡμέρᾳ ἀναστῆναι.

8  καὶ ἐμνήσθησαν τῶν ῥημάτων αὐτοῦ.

9  Καὶ ὑποστρέψασαι ἀπὸ τοῦ μνημείου ἀπήγγειλαν ταῦτα πάντα τοῖς ἕνδεκα καὶ πᾶσιν τοῖς λοιποῖς.

10  ἦσαν δὲ ἡ Μαγδαληνὴ Μαρία καὶ Ἰωάννα καὶ Μαρία ἡ Ἰακώβου καὶ αἱ λοιπαὶ σὺν αὐταῖς. ἔλεγον πρὸς τοὺς ἀποστόλους ταῦτα,

11  καὶ ἐφάνησαν ἐνώπιον αὐτῶν ὡσεὶ λῆρος τὰ ῥήματα ταῦτα, καὶ ἠπίστουν αὐταῖς.

12  Ὁ δὲ Πέτρος ἀναστὰς ἔδραμεν ἐπὶ τὸ μνημεῖον καὶ παρακύψας βλέπει τὰ ὀθόνια μόνα, καὶ ἀπῆλθεν πρὸς ἑαυτὸν θαυμάζων τὸ γεγονός. (Lk. 24:1-12 BGT)

1 Vào sáng sớm tinh sương, ngày thứ nhất trong tuần, họ đi đến ngôi mộ, mang theo dầu thơm mà họ đã chuẩn bị.

2 Họ đã khám phá ra tảng đá đã bị lăn ra khỏi mộ,

3 Khi đi vào trong, họ không tìm thấy thân xác của Chúa Giêsu

4 Khi họ đang phân vân về điều này, thì kìa! Có hai người đàn ông ăn mặc sáng chói đang đứng bên họ.

5 Khi họ đang sợ hãi và sấp mặt xuống đất, thì hai người đàn ông nói cùng họ: “Tại sao chị em lại tìm người sống giữa những người chết?

6 Người không ở đây, nhưng đã sống lại, hãy nhớ lại điều mà Người đã nói với chị em khi Người còn ở Galilê,

7 nói rằng: Con Người phải chịu trao nộp vào tay những người tội lỗi và sẽ chịu đóng đinh, rồi ngày thứ ba sẽ trỗi dậy”

8 Và họ nhớ lại lời của Người.

9 Rồi, sau khi trở về từ ngôi mộ, họ loan báo cho toàn bộ mười một môn đệ và tất cả những người còn lại.

10 Họ là bà Maria Magđalênê,  Gioana và Maria mẹ của ông Giacôbê và những người phụ nữ còn lại, cùng với họ, nói đi nói lại những điều này cho các Tông Đồ.

11 Những chuyện này được tỏ lộ trước mặt họ như một câu chuyện vẩn vơ và họ không tin những người phụ nữ.

12 Nhưng sau khi trỗi dậy, ông Phêrô chạy ra mộ và khi nhìn vào, ông thấy chỉ có những băng vải và ông trở về nhà, ngạc nhiên về những điều đã xảy ra.

 

Bối cảnh: Lc 24,1-12 là phần đầu tiên trong loạt những trình thuật về sự Phục Sinh của Đức Giêsu. Đoạn văn được đặt ngay sau trình thuật về sự kiện an táng Đức Giêsu (Lc 23,50-56). Đoạn này nối kết rõ ràng với đoạn trước đó bằng nhiều yếu tố. Thứ nhất là ngôi mộ. Trình thuật an táng nói đến ngôi mộ, được đục sẵn trong đá, chưa chôn cất ai bao giờ (Lc 24,53). Trình thuật Phục Sinh nói đến chính ngôi mộ ấy nhưng không còn xác của Chúa. Thứ hai là các nhân vật. Những người phụ nữ đi ra mộ, mang theo dầu thơm đã chuẩn bị sẵn, chính là các bà đã theo Đức Giêsu từ Galilê (Lc 23,49), “đã nhìn xem ngôi mộ, và xem xác Đức Giêsu được đặt thế nào” (Lc 23,55). Thứ ba, chi tiết các bà mang theo dầu thơm đã được chuẩn bị trong Lc 24,1, nối tiếp chi tiết “các bà về nhà, chuẩn bị dầu và thuốc thơm” trong Lc 23,56. Thứ bốn, yếu tố thời gian cũng nối kết hai trình thuật này lại với nhau. Thời gian các bà “nghỉ Lễ theo Luật truyền” nối tiếp với thời gian “vào sáng sớm tinh sương của ngày thứ nhất trong tuần”. Nghĩa là, vừa hết ngày nghỉ Lễ theo Luật, các bà đã đi ra mộ. Sự kiện các môn đệ không tin lời của những người phụ nữ trong trình thuật này nối kết chặt chẽ với trình thuật về sự hiện ra của Đức Giêsu với hai môn đệ trên đường về Emmaus. Hai môn đệ này đã nhắc lại là những người phụ nữ đã làm cho họ kinh ngạc khi kể về ngôi mộ trống. Họ cũng nhắc lại việc ông Phêrô chạy ra mộ và đã thấy sự việc như các bà nói, nhưng họ không tin vì không thấy Chúa. Đức Giêsu đã trách họ là “các anh chẳng hiểu gì cả” (Lc 24,25).

Cấu trúc

Sau phần bối cảnh giới thiệu về không gian, thời gian và nhân vật, câu chuyện có cấu trúc đối xứng quy tâm: (A-B-A’). Phần A nói về việc các bà khám phá ra “ngôi mộ trống” đối xứng với phần A’ cho biết việc Tông Đồ Phêrô kiểm chứng “ngôi mộ trống”. Phần trung tâm (B) là cuộc gặp gỡ giữa các bà và hai sứ giả từ trời, bao gồm việc các bà đón nhận và loan báo Tin Mừng Phục Sinh.

 

Bối cảnh (1): Thời gian, không gian và nhân vật

(A) Các bà khám phá ngôi mộ trống (2-3):

(B) Gặp gỡ, đón nhận và loan báo tin mừng Phục Sinh (4-11)

Gặp gỡ (4-5): Hai người đàn ông ăn mặc sáng chói

Đón nhận: Người đã sống lại như đã nói (6-8)

Loan báo (9-10): Cho toàn bộ mười một người và những người còn lại

Đáp trả của các môn đệ (11):  Không tin vì cho là chuyện vẩn vơ

(A’) Ông Phêrô kiểm chứng ngôi mộ trống (12)

 

Một số điểm chú giải

  1. Thời gian, không gian và nhân vật

– Sáng sớm tinh sương ngày thứ nhất trong tuần: Trạng ngữ chỉ thời gian được diễn tả một cách tỉ mỉ. Đó là vào buổi sáng, nhưng là buổi sáng sớm tinh sương. Tính từ “βαθέως” (sớm nhất) quyết định mức độ thời gian buổi bình minh. Đó là “sớm nhất”. Điều này có nghĩa là, không còn thời gian nào sớm hơn nữa. Trạng ngữ “vào ngày thứ nhất trong tuần” cũng diễn tả mức độ sớm nhất của một tuần mới. “Ngày thứ nhất trong tuần” nối kết chắt chẽ với ngày Sabát khi mà các bà buộc phải nghỉ theo Luật, đã được nói trước trong trình thuật an táng. “Lúc sớm nhất của bình minh”, kết hợp với “ngày thứ nhất trong tuần” như muốn nhấn mạnh đến sự vội vã của cuộc viếng thăm này. Người ta có cảm giác rằng, những người phụ nữ này không thể chờ đợi thêm một phút giây nào nữa cho hành trình viếng thăm này. Họ háo hức và hết sức vội vã.

Ngôi mộ: Danh từ “ngôi mộ” với mạo từ xác định (τὸ μνῆμα) nhắc nhớ đến ngôi mộ mà ông Giuse Arimathêa đã đặt xác Đức Giêsu vào (Lc 24,53) và các bà cũng đã “nhìn xem ngôi mộ và xem xác Người đã được đặt như thế nào” (Lc 24,55).

– Họ: Họ là những người phụ nữ theo Đức Giêsu từ Galilê, đến tận dưới chân thập giá, và đến lúc Đức Giêsu được đặt vào ngôi mộ. Tên của họ được liệt kê sau đó: “Họ là bà Maria Magđalênê và Gioana và Maria mẹ của ông Giacôbê và những người phụ nữ còn lại” (Lc 24,10). Đây là cách hành văn gây tò mò cho độc giả, khi tác giả đặt đại từng chung “họ” đi trước phần giới thiệu tên của họ. Khi đọc thấy đại từ “họ”, độc giả sẽ chú ý và thắc mắc rằng “họ là ai đây?”. Sau đó, họ sẽ khám phá ra những nhân vật này vào cuối đoạn văn.

–  “Dầu thơm đã được chuẩn bị”: Trong trình thuật về việc an táng Đức Giêsu, tác giả đã cố ý để lại chi tiết “rồi các bà về nhà, chuẩn bị dầu và thuốc thơm. Nhưng ngày Sabát, các bà nghỉ lễ như Luật Truyền” (Lc 23,56). Trong đoạn này tác giả nói đến “dầu thơm đã được chuẩn bị”. Mọi sự đã được chuẩn bị tươm tất cho cuộc viếng thăm này. Sự chuẩn bị này cho thấy việc an táng Đức Giêsu đã diễn ra trong tình trạng vội vã, không kịp ướp xác. Các bà của Luca đến mộ với mục đích là để ướp xác Chúa. Tác giả Mác-cô cho biết rõ mục đích này của các bà (Mc 16,1).

  1. Tảng đá đã được lăn ra khỏi mộ: Ngày xưa, người Do Thái thường chôn người chết trong một hốc đá và đẩy hốc mộ bằng một tảng đá.[1] Người giàu sẽ có những hốc đá riêng; người nghèo thường chôn trong một hốc đá tập thể. Hốc đá nơi đặt xác Đức Giê-su rất có thể là huyệt mộ của một người giàu, vì chỉ có một mình xác Đức Giê-su ở đó. Tác giả Máccô cho biết sau khi đặt thi hài Đức Giêsu vào ngôi mộ đã được đục sẵn, họ “lăn tảng đá lấp cửa mộ lại” (Mc 15,46). Cũng theo tác giả Máccô, các bà đã bảo nhau: “Ai sẽ giúp chúng ta lăn tảng đá ra khỏi cửa mộ?” (Mc 16,3). Những chi tiết này cho thấy tảng đá đủ lớn và nặng, sức của các bà không thể lăn ra nổi. Vậy mà, tảng đá đã được lăn ra từ thuở nào. Tác giả Mátthêu diễn tả cách ly kỳ hấp dẫn hơn các tác giả khác: “Đất rung chuyển dữ dội. Thiên thần Chúa từ trời xuống, đến lăn tảng đá, rồi ngồi lên trên” (Mt 28,2). Tác giả Luca chỉ cho biết là tảng đá đã bị lăn ra. Tuy không biết ai lăn, nhưng ông cũng ngụ ý là một tác nhân thần linh.
  2. Không tìm thấy: Họ đã tìm thấy tảng đá đã bị lăn ra, nhưng không tìm thấy thân xác Chúa Giêsu. Những chi tiết được mô tả trong trình thuật an táng trước đó cho thấy sự trái ngược. các bà đã nhìn kỹ nơi đã an táng Chúa và hình xem cách thức họ đặt xác của Đức Giêsu vào trong mộ. Tuy vậy, giờ đây, họ lại không thấy gì nữa. Sự việc này được nhắc lại ba lần nữa. Lần thứ nhất là lần kiểm chứng của ông Phêrô (Lc 24,12). Lần thứ hai và thứ ba là lời kể của hai môn đệ trên đường về Emmaus (Lc 24,23.24). Điều này chứng tỏ rằng dữ liệu “không có xác Đức Giêsu trong mộ” là rất quan trọng. Tác giả Luca thích dùng cách gọi “Chúa Giêsu” (10,1;11,39). Danh hiệu “Chúa” (κύριος) thường được kết hợp với Đấng Phục Sinh trong Kitô giáo sơ khai (1Cr 12,3; Pl 2,11). Tác giả lại dùng danh hiệu này trong (Cv 1,21; 4,33; 8,16).[2]
  3. Hai người đàn ông ăn mặc sáng chói: Tác giả Luca không nói là thiên sứ như tác giả Mátthêu, nhưng cách ăn mặc của hai người đàn ông này (ăn mặc sáng chói), cùng với thông điệp mà họ sẽ mặc khải sau đó, cho phép độc giả hiểu thân phận thần linh của hai người này.[3] Tác giả Máccô nói là có một người thanh niên ngồi bên phải, mặc áo trắng. Có người cho rằng có lẽ vì tác giả Luca muốn bảo đảm tính chứng nhân theo Luật Cựu Ước nên đã thêm vào một người đàn ông nữa để thành hai người.[4] Tuy nhiên, cách giải thích này không mấy thuyết phục vì tác giả Luca viết cho những người tín hữu gốc dân ngoại. Những dữ liệu liên quan đến Luật Cựu Ước xem ra không được nhấn mạnh lắm.
  4. “Tìm người sống giữa những kẻ chết”: Danh từ “người sống” được dùng ở số ít, chỉ Đức Giêsu trong khi danh xưng “những người chết” ở số nhiều diễn tả những xác chết chung chung của nhân loại. Có một sự đối nghịch, khác biệt giữa Đức Giêsu và những xác chết nhân loại. Thân xác của Người dù đã được mai táng như bao Người nhưng đã trỗi dậy. Cái chết của Người là cái chết thật như ông Ladarô (Ga 11), hay như con gái bà goá thành Nain (Lc 7,11-17), nhưng Người đã sống lại. Những người đàn ông lạ đã giải thích cho các bà lý do tại sao xác của Đức Giêsu biến mất và hơn thế nữa, họ mặc khải một mầu nhiệm Phục Sinh.[5] Câu nói của hai người đàn ông lạ vừa là một câu hỏi, vừa là một lời trách cứ[6], dẫn đến một lời nhắc nhở sau đó vì các bà đã quên những lời Đức Giêsu dạy.[7] Động tính từ “đang sống” (τὸν ζῶντα) có thể hiểu là Đức Giê-su là “người sống”, đối lại với “kẻ chết”, hay “người đang sống” đối lại với người “đã chết”.
  5. “Người đã sống lại rồi”: Đây là một thông điệp nền tảng, quan trọng nhất không những cho các bà, mà cho cả cộng đoàn các môn đệ và Giáo Hội sơ khai. Đức Giêsu đã chết, xác Người đã được đặt ở đây, nhưng Người không còn ở đây nữa. Người là “người sống” và đang sống. Hai Người đàn ông nhắc nhở các bà về kiến thức rất quan trọng mà các bà đã quên: “Con Người phải chịu nộp vào tay những người tội lỗi và chịu đóng đinh và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy” (Lc 24,6). Cả ba tác giả Tin Mừng Nhất Lãm đều ghi lại việc Đức Giêsu đã dạy cho các môn đệ về mầu nhiệm này đến bốn lần trên đường lên Giêrusalem (Lc 9,22; Lc 9,43b-45; Lc 17,25; Lc 18,31-34). Tuy nhiên, trong cả ba lần ấy, các môn đệ đều không hiểu, không muốn đón nhận. Các ông muốn một Đức Giêsu có quyền năng làm phép lạ và là một vị vua toàn thắng giải phóng dân khỏi nô lệ ngoại bang. Chính vì thế, khi nghe nói đến cuộc khổ nạn, các ông liền chán nản, và không muốn nghe. Các ông đã quên đi thông điệp trọng đại. Đó là Tin Mừng về sự Phục Sinh. Trong ba lần dạy dỗ ấy Đức Giêsu không chỉ nói về cuộc khổ nạn và cái chết, nhưng còn nói về một tương lai tươi sáng của sự sống lại và sự sống vĩnh cửu. Trong bối cảnh này, hai người đàn ông lạ nói rằng Đức Giêsu đã nói với những người phụ nữ lúc Người còn ở Galilê. Cả ba tác giả sách Tin Mừng đều cho thấy rằng, mặc khải về mầu nhiệm khổ nạn và Phục Sinh là mặc khải riêng Đức Giêsu dành cho các môn đệ. Tác giả Luca còn nhấn mạnh “Người kéo riêng Nhóm Mười Hai ra và nói với các ông” (Lc 18,31; Mc 10,32). Hai người đàn ông lạ mời gọi các bà nhớ lại mặc khải này, và tác giả còn thêm vào “các bà đã nhớ lại lời của Người” (Lc 24,8). Dựa trên dữ liệu này, có thể nói rằng, các bà đã được chia sẻ mặc khải riêng của nhóm các môn đệ. Qua đó, các bà đã chia sẻ thân phận người môn đệ với họ.[8] Trên thực tế, dù các bà này không được chọn đích danh làm môn đệ, nhưng những hành động của họ là những hành động của những người môn đệ đích thực. Các bà đã theo Đức Giêsu từ Galilê (Lc 8,1-3) cho đến Giêrusalem (hành trình Bắc-Nam), rồi theo Chúa trong suốt hành trình khổ nạn cho đến dưới chân thập giá; nhìn xem nơi đã mai táng Người; và đi ướp xác Người trong thời gian sớm nhất có thể. Cuối cùng, các bà được đón nhận Tin Mừng Phục Sinh sớm nhất.
  6. Loan báo: Động từ “ἀπαγγέλλω” trong tiếng Hy Lạp vừa có nghĩa là tường thuật, vừa có nghĩa là loan báo, hay tuyên xưng. Hành động của những người phụ nữ sau khi đã đón nhận Tin Mừng Phục Sinh từ hai người đàn ông lạ có thể bao gồm tất cả những ý nghĩa này. Họ tường thuật với sự xác tín, tuyên xưng và công bố Tin Mừng. Trong trình thuật của tác giả Luca, không có câu chuyện Đức Giêsu hiện ra với các bà. Các tác giả Tin Mừng khác đều cho thấy Đức Giêsu hiện ra với các bà sau đó (Mc 16,9-11; Mt 28,9-10; Ga 20,11-18). Vì vậy, có thể nói rằng câu chuyện này đã chứa đựng mặc khải trọn vẹn về sự Phục Sinh của Đức Giêsu dành cho các bà. Theo tác giả Luca, các bà đã tin mà không cần nhìn thấy Đức Giêsu Phục Sinh. Khi đã tin rồi, các bà không thể không loan báo cho các môn đệ và những người còn lại. Hành động “loan báo” của các bà không dừng lại một lần, nhưng họ cứ “nói đi nói lại” (ἔλεγον) hoài cho các Tông Đồ. Theo tác giả Máccô và Mátthêu, các bà được nhắn gửi là hãy đi báo cho các môn đệ biết Người đã Phục Sinh và hẹn gặp họ ở Galilê (Mt 28,7.9; Mc 16,7). Nơi Luca, việc loan báo là sự thúc đẩy bên trong, tự nguyện của các bà này.
  7. Mười một môn đệ và những người còn lại: Tác giả Luca cận thận nhắc đến số lượng mười một người vì Giuđa đã chết. Chính tác giả đã tường thuật câu chuyện liên quan đến cái chết của Tông Đồ Giuđa trong sách Công Vụ (Cv 1,15-20). Hiện diện với nhóm Mười Một, còn có nhóm “những người còn lại”. Nhóm này có thể được hiểu rất rộng. Trước hết, những người này có thể là hai môn đệ trên đường về Emmaus trong trình thuật ngay sau trình thuật này.[9] Những người này có thể ám chỉ đến nhóm Bảy Mươi Hai môn đệ được nói đến trong Lc 10,1-12. Nhóm này cũng có thể bao gồm “thân mẫu Đức Giêsu và anh em của Người” (Cv 1,14). Đó cũng có thể là nhóm một trăm hai mươi người đang tụ họp với nhau sau Phục Sinh (Cv 1,15). Cuối cùng, họ có thể là bất cứ ai đang hiện diện cùng với các Tông Đồ lúc bấy giờ và mọi kitô hữu qua mọi thời đại.
  8. “Họ không tin”: Phản ứng của cả Nhóm Mười Một và “những người còn lại” là “không tin”. Như đã nói trên, chi tiết này chứng tỏ rằng toàn bộ các Tông Đồ cũng như những người đã theo Chúa đã hy vọng thấy một Đấng Kitô quyền năng trong hành động và lời nói chứ không phải một Đấng Kitô chịu đóng đinh. Đấng Kitô Phục Sinh là một điều gì đó nằm ngoài sự hiểu biết và sự mong chờ của tất cả mọi người.[10] Dù cho Người đã nói trước đến ba lần, họ vẫn không nhớ, và không ấn tượng tý nào về thông điệp liên quan đến sự Phục Sinh. Các tác giả sách Tin Mừng đều cho thấy rằng các Tông Đồ cũng như các tín hữu sơ khai cảm thấy rất khó khăn để tin vào mầu nhiệm Phục Sinh. Lúc đầu, họ đã xem đó là chuyện hoang đường, vớ vẩn.[11] Tin Mừng Luca tiếp tục diễn tả sự không tin của nhóm môn đệ trong trình thuật về hành trình Emmaus của hai môn đệ (Lc 24,13-35). Họ đã không tin lời của những người phụ nữ và nhất quyết trở về quê trong vô vọng. Đức Giêsu đã phải cố gắng thế nào để đồng hành, lắng nghe, và giải thích cho họ về mầu nhiệm Phục Sinh. Sự cứng lòng của họ còn được tác giả Luca tiếp tục giải thích qua sự hoảng hốt vì tưởng Đức Giêsu là ma, khi Người hiện ra và ban bình an cho họ. Đức Giêsu lại phải chứng minh bằng cách mời họ xem chân, tay của Người, và ăn cá nướng trước mặt họ (Lc 24,36-43).
  9. Hành trình của ông Phêrô (Trỗi dậy, chạy ra mộ, nhìn vào, thấy những băng vải, trở về, và ngạc nhiên về tất cả): Hành trình của ông Phêrô đã tạo ra sự khác biệt giữa ông và các môn đệ khác. Ít ra ông cũng đã có một loạt hành động tích cực như “trỗi dậy, chạy ra mộ, nhìn vào, thấy chỉ có những băng vải, trở về nhà và ngạc nhiên”. Loạt hành động này là khởi đầu cho một hành trình ý thức về mầu nhiệm Phục Sinh. Những hành động này kết hợp với những lần Đức Giêsu hiện ra mang đến niềm tin của họ vào sự Phục Sinh của Đức Giêsu. Từ đó, họ dần hiểu và đón nhận căn tính của Đấng Kitô: Đấng không chỉ có quyền năng trong giảng dạy và làm phép lạ mà còn chịu khổ nạn, chịu chết và Phục Sinh. Người giải thoát họ khỏi nô lệ tội lỗi và mang lại sự sống vĩnh cửu, bất diệt chứ không phải chỉ giải thoát họ khỏi ách ngoại bang. Theo tác giả Tin Mừng thứ tư, không chỉ một mình ông Phêrô chạy ra mộ, mà còn có “người môn đệ Đức Giêsu yêu mến”. Hành trình này được kết thúc bằng niềm tin của “người môn đệ Chúa yêu”: “Ông đã thấy và đã tin” (Ga 20,8). Trong Tin Mừng Nhất Lãm, không có nhân vật “người môn đệ Chúa yêu”, nên sự hiểu biết của ông Phêrô vẫn là tích cực và ở mức cao nhất. Ngữ động từ “ἀπῆλθεν πρὸς ἑαυτὸν” có thể hiểu theo hai nghĩa: (i) Ông Phêrô “trở về nhà mình”; (ii) Ông “đi vào nội tâm của mình”, nghĩa là, phản tỉnh, suy gẫm. Trong bối cảnh này, có thể hiểu cả hai nghĩa. Tuy nhiên, nghĩa thứ hai (gẫm suy) mới đưa đến cho ông sự ngạc nhiên. Tương tự, động từ “ἀνίστημι” (hành động đầu tiên của ông Phêrô) vừa có nghĩa là “đứng dậy”, vừa có nghĩa là “trỗi dậy”, sống lại. Ông Phêrô đã “trỗi dậy”, thay đổi tư thế ngồi bất động của mình, và khởi đầu cho một sự khám phá có khả năng dẫn đến sự thay đổi cái nhìn và dẫn đến niềm tin.

Bình Luận Tổng Quát

Câu chuyện “ngôi mộ trống” là câu chuyện kinh điển vào thời các Tông Đồ, các Kitô hữu sơ khai và qua mọi thời đại. Xác Đức Giêsu đã được ông Giuse Arimathêa an táng cách cận thận trước sự chứng kiến của của những người phụ nữ. Mộ đá của Người được đóng lại bằng một tảng đá to. Tuy nhiên, ngày thứ ba, khi các bà đến để ướp xác Chúa thì không thấy tảng đá đã được lăn ra từ thuở nào và không thấy xác Người đâu nữa. Hành trình theo Đức Giêsu của những người phụ nữ, nhất là bà Maria Magđalênê đã bắt đầu từ Galilê (Lc 8,1-3) đến Giêrusalem, đến dưới chân thập giá, đến lúc Người được chôn cất, và cho đến lúc Người Phục Sinh. Có thể nói rằng, các bà đã không bỏ rơi Đức Giêsu một phút giây nào. Cuộc viếng thăm mộ sáng hôm ấy cho thấy một sự gắn bó chặt chẽ của họ với Đức Giêsu. Họ phải nghỉ lễ theo Luật, và họ đã trở lại thăm Chúa trong thời gian sớm nhất có thể: “Sáng sớm tinh sương của ngày thứ nhất trong tuần”. Lòng nhiệt thành, và sự trung thành với tình yêu mà họ dành cho Chúa đã dẫn đến việc họ được đón nhận Tin Mừng Phục Sinh trước nhất. Theo trình thuật của tác giả Luca, khi nghe lời của hai người đàn ông lạ nói về sự Phục Sinh của Chúa, và nhớ lại lời Đức Giêsu đã nói khi Người còn ở Galilê, họ liền về loan báo cho Nhóm Mười Một và tất cả những người còn lại. Họ đã cố gắng thuyết phục các Tông Đồ bằng cách “nói đi, nói lại” nhiều lần. Tuy nhiên, các Tông Đồ, những con người sống theo lý trí, đã không tin và cho đó là chuyện vớ vẩn. Hình ảnh về sự không tin của các Tông Đồ cho thấy một thực tại là họ đã không hiểu, không tin, và không muốn đón nhận mầu nhiệm Tử Nạn – Phục Sinh mà Đức Giêsu đã cố gắng mặc khải đến ba lần. Sự sống lại của Đức Giêsu là điều nằm ngoài sự tưởng tượng và hy vọng của họ. Họ đã hy vọng quá nhiều vào quyền năng chữa bệnh và quyền lực chính trị của Đức Giêsu. Chính vì thế, khi Đức Giêsu bị bắt và bị giết, thì họ nghĩ rằng mọi sự đã kết thúc. Câu chuyện hai môn đệ trên đường về Emmaus (Lc 24,13-35) là một ví dụ cụ thể cho nỗi chán chường, vô vọng của các môn đệ. Loạt hành động của ông Phêrô: Trỗi dậy, chạy ra mộ, nhìn vào, thấy chỉ có băng vải liệm, trở về và ngạc nhiên là một khởi đầu cho sự thay đổi suy nghĩ và cái nhìn và biến cố Đức Giêsu chịu khổ nạn. Những hành động ban đầu này cùng mới những lần hiện ra của Đức Giêsu sau đó làm nền tảng cho niềm tin vững chắc của các Tông Đồ về sự Phục Sinh của thầy Giêsu.

Mừng Chúa Phục Sinh. Gẫm suy thông điệp của Tin Mừng: “Tại sao các bà tìm người sống nơi những kẻ chết? Người không còn ở đây. Người đã sống lại, các bà hãy nhớ lại Người đã nói: Con Người phải bị nộp vào tay những kẻ tội lỗi, bị đóng đinh vào thập giá và ngày thứ ba sẽ sống lại”. Và các bà nhớ lại những lời Người đã nói. Hãy nhớ lại tất cả những lời dạy của Đức Kitô, và hãy làm cho những lời ấy lan tỏa trong từng suy nghĩ, lời nói, hành động của mỗi người chúng ta, và hãy để cho Đức Kitô đồng hành với mọi người chúng ta trên mọi nẻo đường của cuộc đời mình, Ngài đã sống lại rồi, đừng đề Ngài nằm trong mồ nữa, hãy lắng nghe Ngài. Hãy để Ngài lên tiếng và sống mãi trong cuộc đời chúng ta.

 Lm. Jos. Phạm Duy Thạch, SVD

 

Chú thích:

[1] “Tombs in the neighborhood of Jerusalem from the first century a.d. have been found fitted with huge circular stone discs that were set in a transverse channel hollowed out of stone, along which the discs would be rolled in front of a rectangular doorway opening on to the tomb proper. As one faced the doorway from the outside, the stone would be rolled from left to right (or vice versa) to open or close the tomb” [J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV. Introduction, translation, and notes (AnB; New Haven – London 2008) 28A, 1544].

[2] L.T. Johnson, The Gospel of Luke (SP 3; Collegeville 1997) 386-387.

[3] F. Bovon, Luke 3. A Commentary on the Gospel of Luke 19:28–24:53 (ed. H. Koester) (Hermeneia; Minneapolis 2012) 349.

[4] “The duality may have to do with legal adequacy as witness” (J. Nolland, Luke 18:35-24:53 (WBC; Dallas 2002) XXXVc, 1189.

[5] “That “he has been raised” is both proclamation of the Easter message and explanation of the empty tomb” (J. Nolland, Luke 18:35-24:53, 1190).

[6] “You are on the wrong way. You should not look for him “among the dead.” (F. Bovon, Luke 3. A Commentary on the Gospel of Luke 19:28–24:53, 350).

[7] L.T. Johnson, The Gospel of Luke, 387.

[8] “That Luke wants it to be understood here that the women were recipients of the passion predictions underlines the importance of 8:1–3 in Luke’s structuring of his Gospel” (Ibid.).

[9] “This is a Lucan addition to prepare for the Emmaus incident” (J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV, 1547).

[10] “It is not until now that the disciples understand what they should have understood long ago. Now, after the event, their misunderstanding really becomes inconceivable” [Ibid.].

[11] “There are two ways to explain the failure of this testimony. According to the first, traditional way, the message of the resurrection was so revolting to human common sense that it could meet only with incomprehension. According to the second way, a product of modern feminism, the evangelist, like Paul before him, did not want the truth of the gospel to be based on the testimony of women” (F. Bovon, Luke 3. A Commentary on the Gospel of Luke 19:28–24:53, 352).

Bài trướcSỰ CHỜ ĐỢI THIÊNG LIÊNG
Bài tiếp theoÁNH SÁNG CỨU ĐỘ (Lời Chúa + Bài giảng Đêm Vọng Phục Sinh – Năm C)