Chú Giải Tin Mừng Chúa Nhật, Lễ Chúa Hiển Linh (Mt 2,1-12)

0
2725

TỪ ÁNH SÁNG TỰ NHIÊN ĐẾN ÁNH SÁNG SIÊU NHIÊN

Lm. Giuse Phạm Duy Thạch, SVD chú giải

Bản văn và dịch sát nghĩa (Mt 2,1-12)

Hy Lạp Việt
1Τοῦ δὲ Ἰησοῦ γεννηθέντος ἐν Βηθλέεμ τῆς Ἰουδαίας ἐν ἡμέραις Ἡρῴδου τοῦ βασιλέως, ἰδοὺ μάγοι ἀπὸ ἀνατολῶν παρεγένοντο εἰς Ἱεροσόλυμα

2 λέγοντες· ποῦ ἐστιν ὁ τεχθεὶς βασιλεὺς τῶν Ἰουδαίων; εἴδομεν γὰρ αὐτοῦ τὸν ἀστέρα ἐν τῇ ἀνατολῇ καὶ ἤλθομεν προσκυνῆσαι αὐτῷ.

3 ἀκούσας δὲ ὁ βασιλεὺς Ἡρῴδης ἐταράχθη καὶ πᾶσα Ἱεροσόλυμα μετ᾽ αὐτοῦ,

4 καὶ συναγαγὼν πάντας τοὺς ἀρχιερεῖς καὶ γραμματεῖς τοῦ λαοῦ ἐπυνθάνετο παρ᾽ αὐτῶν ποῦ ὁ χριστὸς γεννᾶται.

5 οἱ δὲ εἶπαν αὐτῷ· ἐν Βηθλέεμ τῆς Ἰουδαίας· οὕτως γὰρ γέγραπται διὰ τοῦ προφήτου·

6 καὶ σὺ Βηθλέεμ, γῆ Ἰούδα, οὐδαμῶς ἐλαχίστη εἶ ἐν τοῖς ἡγεμόσιν Ἰούδα· ἐκ σοῦ γὰρ ἐξελεύσεται ἡγούμενος, ὅστις ποιμανεῖ τὸν λαόν μου τὸν Ἰσραήλ.

7 Τότε Ἡρῴδης λάθρᾳ καλέσας τοὺς μάγους ἠκρίβωσεν παρ᾽ αὐτῶν τὸν χρόνον τοῦ φαινομένου ἀστέρος,

8 καὶ πέμψας αὐτοὺς εἰς Βηθλέεμ εἶπεν· πορευθέντες ἐξετάσατε ἀκριβῶς περὶ τοῦ παιδίου· ἐπὰν δὲ εὕρητε, ἀπαγγείλατέ μοι, ὅπως κἀγὼ ἐλθὼν προσκυνήσω αὐτῷ.

9 Οἱ δὲ ἀκούσαντες τοῦ βασιλέως ἐπορεύθησαν καὶ ἰδοὺ ὁ ἀστήρ, ὃν εἶδον ἐν τῇ ἀνατολῇ, προῆγεν αὐτούς, ἕως ἐλθὼν ἐστάθη ἐπάνω οὗ ἦν τὸ παιδίον.

10 ἰδόντες δὲ τὸν ἀστέρα ἐχάρησαν χαρὰν μεγάλην σφόδρα.

11 καὶ ἐλθόντες εἰς τὴν οἰκίαν εἶδον τὸ παιδίον μετὰ Μαρίας τῆς μητρὸς αὐτοῦ, καὶ πεσόντες προσεκύνησαν αὐτῷ καὶ ἀνοίξαντες τοὺς θησαυροὺς αὐτῶν προσήνεγκαν αὐτῷ δῶρα, χρυσὸν καὶ λίβανον καὶ σμύρναν.

12 Καὶ χρηματισθέντες κατ᾽ ὄναρ μὴ ἀνακάμψαι πρὸς Ἡρῴδην, δι᾽ ἄλλης ὁδοῦ ἀνεχώρησαν εἰς τὴν χώραν αὐτῶν.

(Matt. 2:1-12 BGT)

1 Sau khi Đức Giêsu sinh ra tại Bếtlehem miền Giuđaia trong những ngày của vua Erodes. Kìa! Có những Magos từ Phương Đông đến Giêrusalem

2 Họ nói rằng: “Vua của người Do Thái mới sinh ở đâu? Vì chúng tôi thấy ngôi sao của Người ở Phương Đông và chúng tôi đến đây để bái thờ Người”.

3 Khi nghe như vậy, vua Erodes rất lo sợ và cả thành Giêrusalem đồng cảm với ông

4 Sau khi triệu tập tất cả các thượng tế và các kinh sư của dân, nhà vua hỏi họ nơi Đấng Kitô được sinh ra.

5 Họ nói cùng nhà vua: “Tại Bếtlehem miền Giuđaia vì một ngôn sứ đã viết như thế”.

6 “Này ngươi Bếtlehem, đất của Giu-đai-a, ngươi đâu phải là nhỏ nhất trong các lãnh tụ Giuđaia, vì từ ngươi, người lãnh đạo, người chăn dắt dân ta, Ítrael sẽ xuất thân.

7 Sau khi gọi các Magos đến cách bí mật, vua Erodes hỏi họ cặn kẽ về thời gian ngôi sao xuất hiện.

8 Rồi nhà vua sai họ đi Bếtlehem và nói rằng: “Sau khi đi đến đó, hãy dò hỏi kỹ càng về đứa bé; sau khi đã tìm thấy rồi, hãy thông báo cho tôi, để tôi cũng có thể đến bái thờ.”

9 Sau khi nghe nhà lời nhà vua, họ khởi hành và kìa! Ngôi sao mà họ đã thấy bên Phương Đông lại đi trước họ, cho đến khi nó dừng lại phía trên nơi Hài Nhi ở.

 

 

10 Khi nhìn thấy ngôi sao họ quá đỗi vui mừng (nghĩa đen: Vui một niềm vui lớn cực kỳ).

11 Sau khi vào nhà, họ thấy Hài Nhi cùng với bà Maria, Mẹ Người, và sau khi cúi mình xuống, họ bái thờ Người và sau khi mở hộp đựng kho tàng, họ dâng những lễ vật: Vàng, hương trầm và một dược.

12 Và sau khi được chỉ dẫn trong giấc mơ đừng trở lại với vua Erodes, họ đã đi lối khác mà về vùng của mình.

 

Bối cảnh

Câu chuyện Mt 2,1-11 nằm trong bối cảnh rộng của các trình thuật về Giáng Sinh và thời thơ ấu của Đấng Mêsiah (Mt 1 – 2). Trong bối cảnh trực tiếp, câu chuyện này tiếp ngay sau câu chuyện về “gốc tích của Đấng Mêsiah” (1,18-25) và được tiếp nối bằng những trình thuật liên quan đến hành trình trốn qua Ai cập và trở về, định cư tại Nadarét dưới áp lực của những phản ứng tiêu cực của chính quyền đương thời, cụ thể là vua Erodes. Xét về nội dung, câu chuyện này có nhiều chủ đề nối kết chặt chẽ với câu chuyện trước đó và sau đó, cũng như toàn bộ Tin Mừng. Trong câu chuyện “gốc tích của Đức Giêsu” ngay trước câu chuyện này, độc giả đã biết được là Đức Giêsu là con ông Giuse cách hợp pháp. Chính vì thế, Người thuộc dòng tộc hoàng gia của vua Đavid. Việc Mátthêu cho biết Đức Giêsu sinh ra tại Bếtlehem liên quan trực tiếp đến nguồn gốc dòng tộc này. Hơn nữa, ngay từ câu đầu tiên của Tin Mừng Mátthêu, Đức Giêsu được giới thiệu là “Con vua Đavid” (Mt 1,1). Câu trích nói về nơi sinh của Đức Giêsu cũng nối kết đoạn văn này với truyền thống Cựu Ước, được nói đến trong sách ngôn sứ Mikha về nơi sinh của Đấng Mêsiah. Sự kiện những Magos ở Phương Đông đến bái thờ Hài Nhi Giêsu cũng báo hiệu một sứ vụ dành cho dân ngoại trong hành trình rao giảng của Đấng Mêsiah. Sự xuất hiện của vua Erodes và nhóm các thượng tế và kinh sư với thái độ thù nghịch, báo hiệu một sự xung đột sau này giữa Đấng Mêsiah và những nhà lãnh đạo Do Thái. Hành động thù ghét của Erodes được biểu lộ ngay sáu đó bằng hành động đuổi cùng, giết tận Hài Nhi Giêsu; hành động thù ghét của các Thượng Tế và Kinh Sư sẽ được bộc lộ trong hành trình rao giảng công khai của Người, đặc biệt là trong cuộc Thương Khó.

Cấu trúc: Cấu trúc câu chuyện xoay quanh hành trình tìm kiếm và bái thờ Hài Nhi Giêsu của những Magos từ Phương Đông. Câu chuyện được đóng khung bằng hành trình những Magos đến Giêrusalem và rời Bếtlehem. Phần giữa của câu chuyện là những chặng đường dừng tại Giêrusalem và khởi hành đi Bếtlehem và dừng tại Bếtlehem.

Hành trình những Magos đến Giêrusalem (2,1)

Tại Giêrusalem: Dò hỏi về nơi Hài Nhi sinh ra (2,2-8)

Hành trình đi Bếtlehem: Ngôi sao dẫn đường (2,9-10)

Tại Bếtlehem: Gặp gỡ Hài Nhi và thân mẫu (2,11)

Hành trình những Magos rời Bếtlehem: Đi lối khác mà về vùng của mình (2,12)

Một số điểm chú giải

  1. “Tại Bếtlehem”: Thành phố Bếtlehem trong tiếng Do Thái là “בֵּֽית־לֶ֣חֶם” có nghĩa là “ngôi nhà bánh mì” (hay ngôi nhà lương thực), một địa danh nổi tiếng, cách Giêrusalem chừng hơn tám cây số về hướng Nam. Địa danh này thường được gọi là Bếtlehem Giuđêa (Épratha) để phân biệt với Bếtlehem Galilê (của chi tộc Dơvulun, Gs 19,15), cách Nadarét 10 cây số về phía Tây Nam.[1] Đây là địa danh gắn liền với gốc tích của vua Đavid. Giesê, cha của vua Đavid là người Bếtlehem, và cậu bé chăn chiên Đavid được xức dầu thay thế vua Saun tại đó (1 Sm 16,1-13). Ngôn sứ Mikha cho biết Bếtlehem là nơi xuất thân của một người có sứ mạng thống lãnh dân Ítrael. Như thế, Bếtlehem không chỉ gắn liền với nguồn gốc của vua Đavid mà còn gắn liền với nguồn gốc của Đấng Mêsiah thuộc dòng dõi vua Đavid. Lời của ngôn sứ Mikha cũng chính là dữ liệu mà các Thượng Tế và Kinh Sư đã căn cứ để trả lời cho câu hỏi của vua Erodes về nơi sinh của Đấng Kitô. Chứng cứ này cũng được một nhóm người dùng để chứng minh Đức Giêsu không phải là Đấng Kitô: “Đấng Kitô mà lại xuất thân từ Galilê sao? Nào Thánh Kinh đã chẳng nói Đấng Kitô xuất thân từ dòng dõi vua Đavid và từ Bếtlehem sao?” (Ga 7,42). Địa danh Bếtlehem nơi đây rõ ràng nối kết chặt chẽ với những dữ liệu trước đó về Đức Giêsu Kitô. Người được giới thiệu là con cháu vua Đavid (Mt 1,1). Thân phụ của Người là ông Giuse thuộc hoàng tộc vua Đavid (Mt 1,20). Tác giả Luca cũng cho biết Đức Giêsu sinh ra tại Bếtlehem, thành của vua Đavid (Lc 2,11). Tuy nhiên, câu chuyện của Luca xem ra ly kỳ hấp dẫn hơn. Cha mẹ Đức Giêsu sinh sống tại Nadarét, nhưng vì có lệnh kiểm tra dân số của hoàng đế Kaisar Augusto đúng vào lúc Đức Maria gần tới ngày sinh. Họ phải về quê quán của thánh Giuse là Bếtlehem để đăng ký tên tuổi, trong bối cảnh ấy Đức Giêsu được sinh ra tại Bếtlehem, đúng như lời của ngôn sứ Mikha (Mk 5,1).
  2. “Những ngày của vua Erodes”: Erodes được hoàng đế Rô-ma đặt làm vua vùng Idumea – Giuđêa – Samari – Galilê trong khoảng thời gian từ năm 40 – 4 BCE. Ông là người Êđom. Vua Erodes chết vào năm 4 BCE, khoảng thời gian ông âm mưu giết Đức Giêsu có thể là khoảng một đến hai năm trước khi ông mất. Vì lẽ đó, ngày nay đa số các học giả đồng ý rằng Đức Giêsu sinh vào khoảng năm 6 BCE, nghĩa là lệch đi sáu năm so với cách tính của tu sĩ Điônixio lúc đầu. Tu sĩ Điônixio được lệnh của Giáo Hoàng Gioan I tính năm sinh của Đức Giêsu, từ đó làm mốc điểm cho năm thứ nhất của kỷ nguyên Kitô giáo. Theo ông Đức Giêsu sinh vào khoảng năm 753 theo lịch Rôma. Như thế, năm 754 sẽ là năm thứ nhất của kỷ nguyên Kitô giáo.

Nhân vật vua Erodes được nhắc đến trong câu chuyện này nhằm diễn tả phản ứng của một vị vua đương quyền trước tin tức về một vị vua Mêsiah, Đấng Kitô mới sinh ra. Phản ứng đầu tiên và chi phối cho mọi hành động của ông sau này là “lo sợ”. Cảm xúc lo âu sợ sệt của ông cũng rất bình thường, bởi vì có một vị vua nào đó mới sinh ra, mà lại không thuộc dòng tộc của ông. Những hành động tiếp theo của ông lần lượt là:

  • Triệu tập các Thượng Tế và Kinh Sư để hỏi nơi Đấng Kitô phải sinh ra.
  • Bí mật[2] mời những Magos đến để hỏi kỹ lưỡng về thời gian Đấng Kitô sinh ra, căn cứ theo thời gian ngôi sao của Người xuất hiện.
  • Sai những Magos đi dò hỏi kỹ lưỡng về Hài Nhi, để ông cũng đến bái thờ.

Tất cả những động thái này cho thấy rất sự ranh mãnh, xảo quyệt của ông. Ông đang âm mưu thủ tiêu Hài Nhi Giêsu với một kế hoạch hoàn hảo. Tuy nhiên, ông có thể đánh lừa hết mọi nhân vật trong câu chuyện. Khi nói với các Thượng Tế và Kinh Sư, ông gọi Hài Nhi là “Đấng Kitô” một danh xưng bình thường mà những người Do Thái thường dùng để diễn tả Đấng mà họ đang mong đợi. Ông cho thấy một mức độ thân thiện, đồng cảm với những người Do Thái khi hỏi thăm về Đấng mà họ đang quan tâm. Đối với những Magos, ông nói xạo rằng mình cũng có chung mục đích với họ: Cũng muốn đến bái thờ Hài Nhi Giêsu với họ. Khi nghe nhà vua nói như vậy, họ yên tâm ra đi, và có thể họ định lòng sẽ làm như nhà vua dặn, không một chút nghi ngờ. Âm mưu của vua Erodes bị bại lộ, và bộc lộ rõ ràng khi ông thấy những Magos không trở lại gặp ông nữa. Ông đã dùng tất cả dữ liệu mà ông đã điều tra kỹ càng trước đó để giết cho bằng được Hài Nhi Giêsu: Ông khoanh vùng cả thời gian (từ hai tuổi trở xuống) và không gian (Bếtlehem và vùng lân cận) (Mt 2,16). Với kế hoạch kỹ lưỡng như thế, chỉ có Chúa mới giải thoát Hài Nhi Giêsu được.

  1. Những Magos: Trong tiếng Hy Lạp “Magos” (μάγος) có nghĩa là nhà thiên văn học, người khôn ngoan, thông thái. Nhóm CGKPV dịch là “nhà chiêm tinh”, còn dịch giả Nguyễn Thế Thuấn dịch là “các đạo sĩ”.[3] Dựa vào cách họ nhận biết các ngôi sao, có thể họ là những người tinh thông về thiên văn học. Tuy nhiên, theo mục đích của hành trình họ đang đi, người ta có thể nghĩ rằng họ có đặc tính gì đó hơn là những nhà khoa học đơn thuần. Họ tôn trọng nhân tài, và có thể họ là những người tìm Chúa. Nơi chốn Phương Đông có thể là sa mạc Ả Rập, sa mạc Syria, nước Babylon hoặc Ba Tư.[4] Yếu tố rõ ràng nhất có thể nói là họ đến từ ngoài đất nước Do Thái, và rất có thể họ là những người ngoại vì họ không biết nơi Hài Nhi Giêsu sinh ra. Gốc ngoại giáo của những Magos phù hợp với chương trình phổ quát của Tin Mừng Mátthêu. Họ là những người đại diện cho tất cả “thiên hạ đến từ Đông Tây để vào Nước Trời” (Mt 8,11) và cũng báo trước cho sứ vụ của các môn đệ đến với muôn dân sau này (Mt 28,19).[5] Truyền thống Kitô giáo thường tin rằng có tất cả là ba người dựa trên số lễ vật mà họ mang theo (vàng, nhũ hương và một dược).[6] Tuy nhiên, con số bao nhiêu người vẫn là điều không rõ ràng. Truyền thống cho rằng họ là những vị vua có lẽ dựa trên bối cảnh trong sách Thánh Vịnh nói về vương quyền của Mêsiah vua: “Từ Tácsit[7] và hải đảo xa xa xăm, hàng vương giả sẽ về triều cống. Cả những vua Ả rập, Sheba[8] cũng đều đến tiến dâng lễ vật” (Tv 72,10).[9]
  2. Vua của người Do Thái”: Tước hiệu “vua dân Do Thái” của Đức Giêsu đã được giới thiệu trong trình thuật về gia phả của Người (Con vua Đavid). Tước hiệu này sẽ được quan Philatô lặp lại trong buổi thẩm vấn như là một câu hỏi chính yếu. Và Đức Giêsu đã thừa nhận tước hiệu này (Mt 27,11). Quân lính cũng nhạo báng tước hiệu này bằng cách đội lên đầu Người một vương miện bằng gai, trao vào tay Người một cây sậy và nhạo rằng: “Vạn tuế đức vua dân Do Thái” (Mt 27,29). Bản án trên đầu Người, trên cây thập giá, cũng ghi chú “người này là Giêsu, vua dân Do Thái” (Mt 27,37). Tước hiệu “vua” (βασιλεὺς) được dùng bốn lần trong đoạn văn này: Ba lần nó được dùng cho Erodes (2,1.3.9), và một lần dùng cho Hài Nhi Giêsu (2,2). Việc tác giả giới thiệu bối cảnh thời gian “những ngày của vua Erodes”, rồi dùng danh hiệu vua Erodes đến ba lần, cùng lúc với danh hiệu “vua dân Do Thái” dành cho Đức Giêsu chó thấy một tương quan xung đột quyền lực thế gian giữa vua Mêsiah và vua Erodes. Vua Erodes không dùng lại danh hiệu “vua dân Do Thái” mà những Magos đã dùng để hỏi các Thượng Tế và Kinh Sư (Vua Erodes hỏi cho biết “Đấng Kitô” phải sinh ra ở đâu). Khi gọi như vậy, cách nào đó vua Erodes có thể muốn tránh đi tước hiệu “vua”, tước hiệu chỉ dùng cho một mình ông mà thôi. Hơn nữa, như đã nói trên, có thể ông cũng hiểu truyền thống Do Thái tin rằng Đấng Mêsiah (Kitô) cũng là vua. Gọi “Đấng Kitô” hay gọi “vua dân Do Thái” cũng là một.
  3. Ngôi sao của Người: Dấu hiệu để những Magos nhận biết vị vua mới sinh là “ngôi sao”. Danh từ ngôi sao được cụ thể hóa bằng tính từ sở hữu “của ông ta” (ngôi sao của ông ta). Điều này chứng tỏ khả năng về thiên văn/ chiêm tinh của những người này. Họ biết ngôi sao ấy thuộc về một ông vua mới, bởi trước kia họ không thấy. Những nghiên cứu của họ ít nhất cho thấy truyền thống trong thời cổ xưa về việc nối kết giữa các hiện tượng siêu nhiên hay thiên văn với sự ra đời của một nhân vật quan trọng.[10] Từ ngữ “ngôi sao” (ὁ ἀστήρ) xuất hiện bốn lần trong đoạn văn này. Theo lời của các Magos, ngôi sao ấy chính là yếu tố thúc đẩy họ lên đường và dẫn đường cho họ: “Chúng tôi đã nhìn thấy ngôi sao của Người xuất hiện ở Phương Đông (hay “vào lúc nó mọc lên”) và chúng tôi đến để triều bái Người” (2,2). Thời gian ngôi sao ấy xuất hiện là dữ liệu quan trọng để vua Erodes khoanh vùng thời gian chào đời của Hài Nhi Giêsu, để âm mưu thủ tiêu Người (2,7). Như thế, ngôi sao có thể soi sáng cho nhóm Magos để tìm Chúa để bái thờ, ngôi sao cũng có thể là dữ liệu để cho vua Erodes âm mưu làm điều đen tối. Sau khi họ rời cung điện của vua Erodes, ngôi sao ấy lại xuất hiện, dẫn đường cho nhóm Magos đến Bếtlehem (2,9.10). Tác giả dùng một lối nói rất đặc biệt để diễn tả niềm vui của nhóm Magos khi họ nhìn thấy lại ngôi sao: “khi trông thấy ngôi sao, họ vui cực kỳ, một niềm vui lớn” (2,10). Đây là lần duy nhất trong Tân Ước một niềm vui được diễn tả với cường độ mạnh như vậy. Họ đã nhận biết nơi Hai Nhi sinh ra là Bếtlehem nhờ vào dữ liệu của các Thượng Tế và Kinh Sư, dựa vào sách ngôn sứ Mikha (Mk 5,1). Theo lý, họ không cần ngôi sao dẫn đường nữa. Tuy nhiên, ngôi sao lại xuất hiện và họ vui mừng khôn tả. Chi tiết này có thể cho thấy rằng “ngôi sao” là yếu tố dẫn đường chính yếu trong hành trình của họ. Đặc biệt, trong lần “tái xuất hiện” này, ngôi sao đã đi trước họ cho đến nơi Hài Nhi ở và dừng lại trên nơi Hài Nhi ở. Cách diễn tả của tác giả cho thấy ngôi sao thật sự di chuyển như là một người dẫn đường chứ không còn đứng im như lần trước, khi nhóm Magos nhìn thấy nó ở Phương Đông. Có thể nói rằng, có một nhân vật thần linh đang hướng dẫn cho hành trình của họ.[11] Đức Giêsu đã nói rằng: “Không ai có thể đến được với Ta trừ khi Chúa Cha, Đấng đã sai Ta lôi kéo” (Ga 6,44). Nói như tác giả J. Razinger (GH Biển Đức XVI), đó là cách “vũ trũ nói về Đấng Kitô”.[12] Hiểu biết tự nhiên đã dẫn đến cảm nghiệm siêu nhiên. Ngôi sao đã vắng bóng một khoảng thời gian vì nhóm Magos đã lạc hướng. Họ tưởng rằng nhà vua mới phải sinh ra trong thành đô, có thể là trong cung điện của vua Erodes. Sau khi họ mày mò một thời gian. Với hướng dẫn của lời ngôn sứ của Chúa (lời ngôn sứ Mikha), họ lại trở lại đúng đường và ngôi sao lại dẫn đường cho họ. Con đường của họ đi từ lúc đó không còn là con được vật chất, nhưng là con đường tâm linh được thần linh soi dẫn. Khoảng thời gian ngôi sao vắng bóng cũng là khoảng thời gian quý báu để các nhân vật như vua Erodes, các Thượng Tế và Kinh Sư, cũng như toàn thể cư dân trong thành biết được tin tức một vi vua mới sinh ra, và bày tỏ cảm xúc, phản ứng của họ. Nếu như nhóm Magos được ngôi sao hướng dẫn từ quê hương của họ đến thẳng nơi Hài Nhi, thì đó chỉ là câu chuyện của riêng họ. Không một ai có thể tham gia vào câu chuyện này và độc giả cũng chẳng biết phản ứng của vị vua đương quyền và giáo quyền Do Thái trước tin tức về vị vua mới sinh.

Ngôi sao xuất hiện trùng với ngày sinh của Đức Giêsu xưa này được lý giải theo nhiều cách thức khác nhau. Đó có thể là một ngôi sao mới, một ngôi sao chổi, một sự giao nhau giữa các hành tinh như Mộc Tinh và Thổ Tinh. Tuy nhiên, ngôi sao này có lẽ mang ý nghĩa thần học hơn là một hiện tượng thiên văn và được gợi hứng từ truyền thống Cựu Ước.[13] Sách Dân số nhắc đến một ngôn sứ khá đặc biệt tên là Bilơam, người Ammon. Dù là một ngôn sứ ngoại bang nhưng ông lại chỉ nói điều Thiên Chúa muốn và chúc lành cho dân Ítrael, mặc dù vua Môáp muốn ông chúc dữ cho dân Ítrael. Một trong những lời chúc lành đó có liên quan đến ngôi sao của nhà Giacóp: “Tôi thấy nó, nhưng bây giờ chưa phải lúc, tôi nhìn, nhưng chưa thấy nó kề bên; Một ngôi sao xuất hiện từ Giacóp, một vương trượng trỗi dậy từ Ítrael sẽ đập vào màng tang Mô-áp, đánh vỡ sọ tất các con cái Sết” (Ds 24,17). Đức Giêsu chính là ngôi sao xuất thân từ dòng tộc Giacóp.

  1. Để bái thờ Người: Mục đích của nhóm Magos là đến để triều bái. Động từ “προσκυνέω” vừa có nghĩa là “triều bái” trước một vị vua, hay một người quyền cao chức trọng, vừa có nghĩa là “thờ phượng”, “bái thờ” trước thần linh. Trong câu chuyện này động từ này xuất hiện tất cả ba lần và túc từ của động từ này trong cả ba lần đều là Hài Nhi Giêsu. Lần đầu tiên, nhóm Magos tỏ ý muốn đến để “triều bái” “vua dân Do thái mới sinh” (2,2). Lần thứ hai, vua Erodes cũng ngỏ ý muốn đến “triều bái” Hài Nhi Giêsu như những Magos (2,8). Lần thứ ba, nhóm Magos triều bái Hài Nhi tại nhà của Người ở Bếtlehem (2,11). Trong lần thứ ba, động từ “triều bái” đi kèm với một động từ khác – “sụp xuống, cúi rạp xuống” – ở dạng phân từ, có chức năng của một mệnh đề trạng ngữ chỉ thời gian: “Sau khi cúi rạp xuống, họ triều bái Người”. Đây là một lối nói, diễn tả sự thành tâm, trang trọng đúng mức của nhóm Magos. Hành động “triều bái” trong bối cảnh này có thể hiểu như là hành động của một thần dân, hay vua các nước chư hầu dành cho vua cai trị. Tuy nhiên, nó cũng có thể báo hiệu cho một sự thờ phượng của dân ngoại dành cho Đấng Mêsiah, Con Thiên Chúa làm người. Sự bái lạy mà người phụ nữ Canaan ở vùng Tia và Xiđon dành cho Đức Giêsu là một ví dụ (Mt 15,25). Lời tuyên xưng long trọng của người đại đội trưởng cùng đồng bạn: “Quả thật người này là Con Thiên Chúa” (Mt 27,54) cũng nhấn mạnh sự nhìn nhận thần tính nơi Đức Giêsu. Sự “bái thờ” của nhóm Magos vừa biểu trưng cho niềm tin của những người ngoại trong sứ vụ của Đức Giêsu vừa diễn tả về niềm tin của các Kitô hữu gốc ngoại giáo trong cộng đoàn Mátthêu. Có nhiều bản văn cả Cựu Ước lẫn Tân Ước, nơi mà sự kết hợp giữa hai động từ “cúi rạp” và “thờ lạy” được dùng cho một hành vi thờ phượng Chúa (Đn 3,5-6.10-11; Cv 10,25; 1 Cr 14,25; Kh 4,10; 7.11; 22,8).
  2. Các Thượng Tế và các Kinh Sư của dân: Khi nghe nhóm Magos hỏi về nơi sinh ra của “vua dân Do Thái” vua Erodes “lo sợ” và cả thành Giêrusalem với ông có cùng cảm xúc với ông. Động từ “lo sợ” được dùng chung cho cả vua Erodes và cả thành Giêrusalem. Cả thành Giêrusalem có thể là toàn thể cư dân trong thành. Trong cuộc xử án Đức Giêsu, cuối cùng toàn dân cư thành Giêrusalem đã sẵn sàng chịu trách nhiêm cho cái chết của Đức Giêsu: “Máu của ông ấy cứ đổ trên chúng tôi và con cháu chúng tôi” (Mt 27,25).[14] Tuy nhiên, những nhân vật có khả năng lo lắng hơn cả phải là những người lãnh đạo Do Thái – các Thượng Tế và Kinh Sư. Điều này báo hiệu cho một sự thù ghét của những lãnh đạo Do Thái dành cho Đức Giêsu trong tương lai. Các Thượng Tế và Kinh Sư là hai nhóm người gây cho Đức Giêsu nhiều đau khổ (Mt 16,21); Hai nhóm này sẽ kết án xử tử Đức Giêsu (Mt 20,18); Họ tức tối khi thấy những việc lạ lùng Đức Giêsu đã làm và thấy những đứa trẻ reo hò trong đền thờ: “Hoan hô Con vua Đavid” (Mt 21,15). Trong bối cảnh này, họ được nhắc đến như những người biết rõ nơi Đấng Kitô sinh ra, nhưng lại không có một phản ứng gì trước tin tức Đức Giêsu mới sinh tại Bếtlehem. Hành trình xa xôi của nhóm Magos đến để triều bái “vua dân Do Thái” dường như trái ngược lại với thái độ dửng dưng của nhóm các Thượng Tế và Kinh Sư. Hình ảnh này cũng báo hiệu cho sự tương phản trong sứ vụ của Đức Giêsu: Người ngoại đón nhận, trong khi nhiều lãnh đạo Do Thái chối từ Người.
  3. “Sau khi vào nhà”: Đây là điểm khác biệt khó dung hòa giữa trình thuật Giáng Sinh của tác giả Mátthêu và tác giả Luca. Luca mô tả Đức Giêsu Giáng Sinh trong cảnh cơ hàn. Không có chỗ trong các nhà trọ dành cho cha mẹ Người. Người được sinh ra và được bọc tả, đặt nằm trong máng cỏ (Lc 2,7). Chi tiết máng cỏ làm người ta mường tượng đến một chuồng bò, lừa, và cũng có thể là một hang đá nào đó trong vùng Bếtlehem.[15] Theo trình thuật của Mátthêu, dường như cha mẹ Đức Giêsu có nhà tại Bếtlehem. Đức Giêsu sinh ra tại Bếtlehem là chuyện bình thường. Tuy nhiên, Mátthêu sẽ phải giải thích là tại sao Đức Giêsu lại lớn lên ở Nadarét (Mt 2,19-23). Ngược lại, đối với tác giả Luca, vì cha mẹ Đức Giêsu ở Nadarét, nên việc Người lớn lên ở Nadarét là chuyện bình thường. Tuy nhiên, ông phải lý giải tại sao Đức Giêsu sinh ra tại Bếtlehem (Lc 2,1-14).[16]
  4. Lễ vật: Vàng, hương trầm và một dược[17]: Như đã nói trên. Số lượng ba lễ vật là chi tiết mà truyền thống suy ra là nhóm này có ba người. Tuy nhiên, không nhất thiết cứ có ba lễ vật là có ba người. Có thể chỉ có hai người nhưng mang ba lễ vật và nhóm bốn (năm) người cũng có thể mang ba lễ vật. Những lễ vật “vàng” và “hương trầm” có thể đến từ gợi ý của Is 60,6: “Tất cả những người từ Sheba đến. Họ mang theo vànghương trầm và mang tin vui, những lời ca tụng Chúa”. Vàng thường là biểu tượng cho tính “vương đế”; Hương trầm dùng trong việc phụng thờ Thiên Chúa; Và “một dược” liên tưởng đến cái chết của Đức Giêsu, vì đây là chất dùng để ướp xác chết. Đây là chất mà ông Giuse Nicôđêmô mang theo một trăm cân, trộn lẫn với hương liệu (từ cây lô hội) để ướp xác Đức Giêsu trước khi mai táng (x. Ga 19,39). Những lễ vật này vừa cho thấy căn tính vương đế của Đấng Mêsiah, vừa cho thấy căn tính thần linh của Người, và báo hiệu mầu nhiệm sự chết mà Người sẽ trải qua trong tương lai. Những lễ vật này cho thấy hai bức tranh đối nghịch trong cuộc đời Đức Giêsu: Được đón nhận bởi rất nhiều người nhưng cũng bị chối từ, chịu đau khổ và bị giết chết bởi một số người khác, đặc biệt là những quan quyền Do Thái.[18]
  5. Được chỉ dẫn trong giấc mơ: Động từ “χρηματίζω” (khrematizo) trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “mặc khải” hay “chỉ dẫn”. Động từ này được dùng ở thể bị động, cùng với cụm giới từ “trong giấc mơ”. Tác nhân của hành động này rất có thể là sứ giả của Thiên Chúa. Ngữ giới từ “trong giấc mơ” được dùng rất nhiều lần trong Tin Mừng Mátthêu, đặc biệt là trong chương 2 (1,20; 2,12.13.19.22; 27,19). Nhân vật thường xuất hiện trong giấc mơ là “sứ thần của Thiên Chúa” và ông Giuse là người được nhận thông điệp trong giấc mơ nhiều nhất (1,20; 2,13.19.22). Đặc biệt, Mátthêu cũng cho thấy cả người ngoại cũng nhận được thông điệp từ Thiên Chúa, không những một lần mà đến hai lần. Nhóm Magos nhận thông điệp là “đừng trở lại với vua Erodes” (2,12). Ngoài ra, người vợ của Philatô cũng nhận được thông điệp gì đó mà bà diễn tả là “hôm nay tôi đã chịu khổ nhiều bởi ông ta trong giấc mơ” (Mt 27,19). Có thể hiểu đó như là một “cơn ác mộng” khiến vợ của ông Philatô lo sợ nên trong lúc ông Philatô đang ngồi xử án bà đã can ngăn chồng mình “đừng làm gì với người công chính này (Đức Giêsu)”. Những Magos đã được ngôi sao hướng dẫn cách lạ lùng, đặc biệt ngôi sao đã đi trước họ cho đến nơi nhà của Hai Nhi ở Bếtlehem. Ở đây, nhân vật thần linh lại chỉ dẫn cho họ trong giấc mơ.[19] Những chi tiết này cho thấy Thiên Chúa vẫn tác động trên dân ngoại, những người thành tâm tìm kiếm Người và dân ngoại là một đối tượng quan trọng trong sứ vụ cứu độ của Đức Giêsu.
  6. Đi lối khác: Hành động đi lối khác (ἄλλης ὁδοῦ ἀνεχώρησαν), trước tiên có thể hiểu là không trở lại Giêrusalem như lời dặn của vua Erodes (2,8). Hơn nữa, hành động “đi lối khác” với sự chỉ dẫn của tác nhân thần linh, cũng có nghĩa là về quê mình với một lối sống mới, lối sống của những người sau khi đã gặp gỡ Hài Nhi Giêsu và bái thờ Người. Đó là lối sống của những người tin cậy vào Chúa và sống ngay lành. Họ có thể được xem là những người được đón nhận món quà bình an của Thiên Chúa dành cho những người lòng ngay.

Bình luận tổng quát

Chương 2 của Tin Mừng Mátthêu mở ra ở địa danh Bếtlehem và đóng lại ở địa danh Nadarét. Đây là hai địa danh quan trọng trong cuộc đời của Đức Giêsu. Người được sinh ra tại Bếtlehem và lớn lên tại Nadarét. Trong khi Bếtlehem là nơi Người sinh ra như một vị vua, thuộc dòng dõi vua Đavid được dân Do Thái mong đợi; Nadarét lại là nơi Người lớn lên, chuẩn bị cho sứ vụ rao giảng, của sứ giả Tin Mừng cho dân ngoại ở Galilê. Thông tin Đức Giêsu sinh ra tại Bếtlêhem nối kết gốc tích của Người với gốc tích của Đấng Mêsiah mà Cựu Ước đã nói tới. Người đã sinh ra trong thời của vua Erodes, người được đặt làm vua chư hầu của đế quốc Rôma, cai quản vùng đất Idumêa – Giuđêa – Samaria – Galilê. Bối cảnh lịch sử đó là bức tranh tiền cảnh cho một sự đối đầu không khoan nhượng giữa quan quyền trần gian và vua Mêsiah. Đành rằng Đức Giêsu không hề có ý tranh giành vương quốc với Erodes, nhưng sự hoảng sợ mất ngai vàng từ phía ông đã thúc đẩy ông chuẩn bị một kết hoạch tinh vi nhằm thủ tiêu vị vua mới. Sự xuất hiện của các Thượng Tế và các Kinh Sư, dù vô tình, như là những người dẫn đường cho âm mưu đen tối của nhà vua báo hiệu cho một sự xung đột giữa giới lãnh đạo Do Thái và Đức Giêsu. Ngược lại với thái độ thù nghịch, dửng dưng của vua Erodes và cả thành Giêrusalem, nhóm Magos từ phương xa đã đọc được điềm lành từ dấu hiệu vũ trụ, báo hiệu một vị vua mới trong nhân gian rất đáng tôn thờ. Họ đã đi một quãng đường dài, mang theo những lễ vật quý giá đã được chọn lựa cận thận dành cho buổi triều yết. Đó là hình ảnh cho một thế giới dân ngoại đông đúc tìm thấy niềm tin và hy vọng nơi Đức Giêsu không những trong thời Người thi hành sứ vụ công khai, mà còn kéo dài đến thời các Tông Đồ thi hành sứ vụ và qua muôn thế hệ. Hài Nhi Giêsu chính là ngôi sao của nhà Giacóp mà ngôn sứ Bilơam đã nói đến. Ánh sáng của ngôi sao này đã soi đường cho dân ngoại. Nhóm Magos đã được ánh sáng của ngôi sao dẫn đường để đến gặp gỡ và bái thờ Hài Nhi. Ánh sáng của Hài Nhi đã soi lối mở đường cho quãng đường còn lại của họ. Khi “đi lối khác”, họ vừa tránh được âm mưu thâm độc của vua Erodes vừa thoát khỏi bóng đêm tội lỗi và bước vào đường nẻo bình an.

Câu chuyện Giáng Sinh của vua Mêsiah cho thấy thấy hai thái độ trái ngược nhau: Đón nhận và chối từ. Sự chối từ, thù ghét đã làm cho vua Erodes cũng như “tất cả Giêrusalem” luôn bất an. Họ bất an, lo sợ vì nghĩ rằng Hài Nhi Giêsu sẽ chiếm lấy địa vị xã hội, cũng như vinh hoa lợi lộc của họ. Nỗi lo sợ thái quá dẫn người ta đến những âm mưu xảo quyệt, ác độc, đánh mất tình người: Âm mưu làm sao tiêu diệt được đối thủ, dù đối thủ đó chỉ là một đứa trẻ không có khả năng chống cự, bảo vệ chính mình. Âm mưu đen tối, với ác tâm, sẽ dẫn người ta đi vào bóng tối của sự chết, và sẽ không bao giờ có được sự bình an đích thực. Ngược lại, sự đón nhận, yêu mến, làm cho nhóm Magos đã dùng tất cả những phương tiện mình có, từ trí tuệ, kiến thức khoa học, trong việc nghiên cứu về ngôi sao đặc biệt để nhận ra sự xuất hiện của Đấng Cứu Tinh. Tình yêu và lòng nhiệt thành khiến họ không quản ngày đêm, vượt quãng đường xa, khó khăn, đồi núi gập ghềnh để tìm cho bằng được chủ nhân của ngôi sao mà họ đã nhìn thấy. Với lòng kính trọng, quý mến họ đã không ngần ngại bái thờ Hài Nhi và dâng những lễ vật quý giá. Sự đón nhận đã giúp nhóm Magos luôn đi trong ánh sáng và trở về quê với một lối sống, lối sống ngay lành, thiện tâm. Nhờ đó, họ sẽ đón nhận được ơn cứu độ mà Đấng Cứu Thế dành cho muôn dân. Có thể nói hành trình của nhóm Magos là hành trình đi về phía ánh sáng. Họ khởi đầu bằng việc nhìn thấy ánh sáng ngôi sao tự nhiên. Chính ngôi sao ấy đã dẫn đến Giêrusalem nhưng lại biến mất cách lạ lùng một khoảng thời gian. Ngôi sao tự nhiên ấy sau đó lại tái xuất hiện cách lạ lùng hơn trong bộ dạng một nhân vật siêu nhiên, sống động, để có thể “đi trước dẫn đường” cho nhóm Magos đến chính xác nơi Hài Nhi ở. Họ đã đi tìm một ông “vua dân Do Thái” nhưng lại được gặp vua của đất trời. Từ việc theo đuổi ánh sáng tự nhiên soi sáng đôi mắt thể lý, họ đã được dẫn đến ánh sáng siêu nhiên soi sáng nội tâm của mình. Từ hành trình tìm kiếm thể lý, họ đã bước vào hành trình tâm linh, được Chúa dẫn đường, và cuối cùng trở về bằng lối đi khác (được chỉ dẫn trong giấc mơ). “Lối di khác” tượng trưng cho một lối sống mới, lối sống của người đã gặp được Hài Nhi Giêsu bằng xương bằng thịt. Họ không quay về với vua Erodes để đưa lối dẫn đường cho âm mưu thâm độc của vua. Đường của họ đi là đường của Chúa, đường dẫn đến cõi phúc thiên thai.

Ngày nay, những Hai Nhi mới chào đời, hay sắp chào đời cũng thường đối diện với hai thái độ trái ngược tương tự: Đón nhận và chối từ. Có những con người vì mong mỏi có được một đứa con đã không tiếc tiền của, thời gian để chạy chữa, tìm mọi cách để được một lần làm mẹ, làm cha. Cũng có những nhóm người ra sức cổ vũ sự sống và bảo vệ trẻ em, nuôi dưỡng mẹ bầu, chôn cất thai nhi. Đó là những con đường ánh sáng, đưa đến sự sống cho nhân loại. Tiếc thay, có biết bao nhiêu người, nhân danh tự do (cơ thể của tôi do tôi chọn lựa); hoặc nhân danh sự hạnh phúc tương lai của gia đình, con cái; hoặc vì sĩ diện; hoặc vì ích kỷ của bản thân, vì sợ khó, sợ khổ, đã cướp đi sinh mạng của những đứa bé chưa chào đời, hoặc vứt bỏ những sinh linh bé bỏng nơi gốc cây, xọt rác nào đó. Đó là những dấu hiệu rõ nét về sự hiện diện của nền văn minh của sự chết, nền văn minh của bóng tối dẫn đưa nhân loại đến chỗ diệt vong và đau khổ triền miên, vô tận. Tiếng khóc ai oán của những thai nhi bị giết hại sẽ luôn ám ảnh những người cướp đi quyền sống của chúng, khiến cho họ không thể sống bình yên được. Xem ra, câu chuyện về sự ra đời của Hài Nhi Giêsu hơn hai ngàn năm trước vẫn là câu chuyện thời sự cho nhân loại ngày hôm nay. Người đến để đem bình an cho nhân loại chứ không phải để tranh giành quyền lực làm cho người ta phải lo sợ. Tuy nhiên, chỉ có những ai chọn lựa đi về phía ánh sáng thì mới đón nhận được sự bình an vĩnh cửu của Người.

Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD

 Chú thích:

[1] D.J. Harrington, The Gospel of Matthew (SP 1; Collegeville 1991) 41.

[2] Herod’s secrecy (λάθρᾳ, “in secret”) may be designed to keep the Jews from warning the magi of Herod’s treachery (D.A. Hagner, Matthew 1-13. (WBC; Dallas 2002) Vol. 33A, 30).

 

[3] D. Harrington cho rằng Magi nguyên gốc đề cập đến một đẳng cấp của những tư tế Ba Tư, với những khả năng đặc biệt về giải thích những giấc mơ. Ở đây, họ xuất hiện như những nhà chiêm tinh/ thiên văn học, những người quan sát sự di chuyển của các ngôi sao như là một chỉ dẫn cho những sự kiện chính yếu (D.J. Harrnington, The Gospel of Matthew, 42).

[4] R.E. Brown, The Birth of the Messiah. A Commentary on the Infancy Narratives in the Gospel of Matthew and Luke (New York – London – Toronto – Sydney – Auckland 1993) 168-170.

[5] R.T. France, The Gospel of Matthew (NICNT; Grand Rapids 2007) 67.

[6] D.A. Hagner, Matthew 1-13. (WBC; Dallas 2002) Vol. 33A, 27.

[7] Nơi dọc theo bờ biển Địa Trung Hải, được nhắc đến nhiều lần trong Cựu Ước (Gr 10,9; Ed 27,12; Gn 1,3; 4,2; St 10,4).

[8] Phía Nam Ả rập, ngày nay là Suđan.

[9] D.A. Hagner, Matthew 1-13, 31.

[10] X. U. Luz, Matthew 1 -7. A Continental Commentary (Minneapolis 1989) 137; W.D. Davies – D.C. Allison, Matthew I, 233.

[11] It seems then that the star’s movement gave them the final supernatural direction they needed to the specific house “where the child was” (R.T. France, The Gospel of Matthew74); “The real point is that by divine guidance they are able to complete their quest and find the child (D.A. Hagner, Matthew 1-13, 30).

[12] J. Ratzinger, Jesus of Nazareth. The Infancy Narratives (New York 2012) 100.

[13] D.J. Harrnington, The Gospel of Matthew, 42; R.E. Brown, The Birth of the Messiah, 190.

[14] R.T. France, The Gospel of Matthew, 70.

[15] “The point of Luke’s mention of the manger is not therefore that Jesus’ birth took place outside a normal house, but that in that particular house the “guest-room” was already occupied (by other census visitors?) so that the baby was placed in the most comfortable remaining area, a manger on the living-room floor. There is therefore no reason why they should not be in the same “house” when Matthew’s magi arrive” (R.T. France, The Gospel of Matthew, 75).

[16] X. D.J. Harrnington, The Gospel of Matthew, 43.

[17] Xem giải thích của Lm. Stêphano Huỳnh Trụ về cách dịch chữ “σμύρνα” (smyrna) là “một dược” hay “mộc dược” [Một dượcMộc dược (simonhoadalat.com)].

[18] R.E. Brown, The Birth of the Messiah, 183.

[19] Dreams, like stars, were for magi an expected form of divine revelation, and God communicates with them in the terms they would understand (R.T. France, The Gospel of Matthew, 76).

Bài trướcLỜI SỐNG (Ngày 5/1, trước Lễ Hiển Linh)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Ngày 6/1, trước Lễ Hiển Linh)