Chú Giải Tin Mừng Chúa Nhật V Mùa Chay, Năm C (Ga 8,1-11)

0
437

CÚI XUỐNG VÀ NGẨNG LÊN

Lm. Giuse Phạm Duy Thạch, SVD chú giải

Bản văn và dịch sát nghĩa (Ga 8,1-11)

Hy Lạp Việt
1 Ἰησοῦς δὲ ἐπορεύθη εἰς τὸ ὄρος τῶν ἐλαιῶν.

2  Ὄρθρου δὲ πάλιν παρεγένετο εἰς τὸ ἱερὸν καὶ πᾶς ὁ λαὸς ἤρχετο πρὸς αὐτόν, καὶ καθίσας ἐδίδασκεν αὐτούς.

3  Ἄγουσιν δὲ οἱ γραμματεῖς καὶ οἱ Φαρισαῖοι γυναῖκα ἐπὶ μοιχείᾳ κατειλημμένην καὶ στήσαντες αὐτὴν ἐν μέσῳ

4  λέγουσιν αὐτῷ· διδάσκαλε, αὕτη ἡ γυνὴ κατείληπται ἐπ᾽ αὐτοφώρῳ μοιχευομένη·

5  ἐν δὲ τῷ νόμῳ ἡμῖν Μωϋσῆς ἐνετείλατο τὰς τοιαύτας λιθάζειν. σὺ οὖν τί λέγεις;

6  τοῦτο δὲ ἔλεγον πειράζοντες αὐτόν, ἵνα ἔχωσιν κατηγορεῖν αὐτοῦ. ὁ δὲ Ἰησοῦς κάτω κύψας τῷ δακτύλῳ κατέγραφεν εἰς τὴν γῆν.

7  ὡς δὲ ἐπέμενον ἐρωτῶντες αὐτόν, ἀνέκυψεν καὶ εἶπεν αὐτοῖς· ὁ ἀναμάρτητος ὑμῶν πρῶτος ἐπ᾽ αὐτὴν βαλέτω λίθον.

8  καὶ πάλιν κατακύψας ἔγραφεν εἰς τὴν γῆν.

9  οἱ δὲ ἀκούσαντες ἐξήρχοντο εἷς καθ᾽ εἷς ἀρξάμενοι ἀπὸ τῶν πρεσβυτέρων καὶ κατελείφθη μόνος καὶ ἡ γυνὴ ἐν μέσῳ οὖσα.

10  ἀνακύψας δὲ ὁ Ἰησοῦς εἶπεν αὐτῇ· γύναι, ποῦ εἰσιν; οὐδείς σε κατέκρινεν;

11  ἡ δὲ εἶπεν· οὐδείς, κύριε. εἶπεν δὲ ὁ Ἰησοῦς· οὐδὲ ἐγώ σε κατακρίνω· πορεύου, [καὶ] ἀπὸ τοῦ νῦν μηκέτι ἁμάρτανε.]] (Jn. 8:1-11 BGT)

1 Đức Giêsu lại đi lên núi Ôliu.

2 Vừa tảng sáng, Người lại đến đền thờ và toàn dân lũ lượt đến với Người, và trong khi ngồi, Người cứ dạy dỗ họ.

3 Những người Kinh Sư và những người Pharisêu dẫn đến một người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình và họ đặt cô ta ở giữa.

4 Họ nói cùng Người: “Thưa Thầy! Người phụ này bị bắt khi đang làm chuyện ngoại tình.

5 Theo luật, ông Môsê truyền lệnh cho chúng tôi ném đá người như thế, còn Thầy, Thầy nói thế nào?

6 Họ cứ nói vậy nhằm thử Người để họ có cớ để kết tội Người, nhưng Đức Giêsu, sau khi cúi xuống, Người viết trên mặt đất bằng ngón tay.

7 Nhưng vì họ cứ tiếp tục hỏi Người, Người mới ngẩng đầu lên và nói cùng họ: “Hãy để người không phạm tội trong các ông là người đầu tiên ném đá cô ấy”.

8 Rồi Người lại cúi xuống và viết trên đất.

9 Những người nghe như thế lũ lượt bỏ đi từng người một, bắt đầu từ những người lớn tuổi và người phụ nữ bị bỏ lại một mình ở giữa.

10 Sau khi ngẩng đầu lên, Đức Giêsu nói cùng cô ấy: “Này, người phụ nữ, họ đâu rồi? Không có ai kết án chị hả?

11 Chị nói: “Thưa Ngài! Không có ai cả”. Đức Giêsu nói cùng chị: “Ta cũng không kết án chị, hãy đi và từ nay đừng phạm tội nữa”.[1]

 

Bối cảnh

Trong bối cảnh rộng, đoạn Tin Mừng Ga 8,1-11 nằm trong phần thứ ba của “sách các dấu lạ”, được gọi là “Đức Giêsu và những ngày Lễ chính yếu của người Do Thái”: Lễ Vượt Qua (6,1-71); Lễ Lều (7,1 – 10,21); Lễ cung hiến đền thờ (10,22-39).[2] Trong bối cảnh hẹp hơn, đoạn văn này nằm giữa các trình thuật liên quan đến Lễ Lều (7,1 – 10,21). Theo bối cảnh trực tiếp, đoạn văn này nằm trong bối cảnh tranh luận về nguồn gốc “Kitô” của Đức Giêsu. Có nhiều người đã tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, ngay cả một người trong nhóm Pharisêu, tên là Nicôđêmô cũng đứng ra bảo vệ Đức Giêsu (Ga 7,50-52). Hơn nữa, các vệ binh được sai đi bắt Đức Giêsu cũng bị Người thuyết phục và trở về tay không (Ga 7,46). Những người Pharisêu cố gắng thuyết phục người khác rằng, Đức Giêsu không phải là Đấng Kitô, vì không có Đấng Kitô nào, hay ngôn sứ nào xuất phát từ Galilê (Ga 7,41.52). Đức Giêsu đang ở trong vùng tử địa, vùng Giuđê, vùng mà những người Do Thái tìm giết Đức Giêsu (Ga 7,1). Ngay sau đoạn văn nói về vụ án “người phụ nữ phạm tội ngoại tình”, Đức Giêsu công bố Người là “ánh sáng thế gian”. Ai theo Người “sẽ không phải đi trong tăm tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng mang lại sự sống” (Ga 8,12). Sau đó là cuộc tranh luận về lời chứng của Đức Giêsu và nguồn gốc “thiên giới” của Người (Ga 8,13-30). Chủ đề không kết án và tha thứ là chủ đề bao trùm giáo huấn của Đức Giêsu trong Tin Mừng. Đặc biệt là ngay sau câu chuyện này, Đức Giêsu nói rằng “Người không kết án ai cả” (Ga 8,15).

Cấu Trúc: Đoạn văn được cấu trúc dựa trên hành động của các nhân vật; sự kết án. Nhóm Kinh Sư và những người Pharisêu muốn kết án người phụ nữ và qua đó kết án luôn Đức Giêsu. Tuy nhiên, cuối cùng, họ bỏ đi, không kết án ai cả. Đức Giêsu được yêu cầu kết án người phụ nữ, được mô tả bằng hai cặp hành động cúi xuống – viết trên đất và ngẩng đầu lên – nói. Hai lần Người ngẩng lên – nói, là hai lần dẫn đến sự không kết án.

 

Bối cảnh (1-2): Núi Ôliu; đền thờ, Đức Giêsu, dân chúng, giảng dạy

Nhóm Pharisêu và Kinh Sư đến với người phụ nữ (3)

Muốn kết án cả người phụ nữ và Đức Giêsu (4-6a): Ngoại tình – ném đá

Cúi xuống – Viết trên đất bằng ngón tay (6b) 

Ngẩng đầu lên và nói (7): Ai không phạm tội thì hãy ném

Cúi xuống và viết trên đất (8).

Họ ra đi từng người một, bắt đầu từ người già hơn, bỏ lại người phụ nữ, (9)

      Ngẩng đầu lên và hỏi người phụ nữ: Không ai kết án sao?

Không có kết án: Không ai và Đức Giêsu cũng không (10-11a)

Kết: Hãy đi, từ nay đừng phạm tội nữa (11b)

 

Một Số Điểm Chú Giải

  1. Đền thờ: Các tác giả Tin Mừng Nhất Lãm chia hành trình rao giảng của Đức Giêsu thành ba giai đoạn. Lần lượt theo thứ tự thời gian là: Kỳ giảng tại Galilê; kỳ giảng trên đường lên Giêrusalem; và kỳ giảng tại Giêrusalem. Theo các tác giả này, dường như Đức Giêsu chỉ lên Giêrusalem vào cuối hành trình rao giảng. Đây cũng là giai đoạn cuối trong cuộc đời của Người. Sau khi giảng tại đây, Người bước vào cuộc Thương Khó và Tử Nạn. Theo tác giả Tin Mừng thứ tư, Đức Giêsu đi lại giữa hai miền Bắc-Nam một cách thường xuyên. Có ít nhất ba lần Đức Giêsu lên Giêrusalem và giảng dạy vào ba dịp Lễ Vượt Qua, và Lễ Lều, Lễ cung hiến đền thờ (Ga 2,13; 7,14; 10,23; 12,1). Tác giả Gioan đặt bối cảnh Đức Giêsu vào đầu hành trình rao giảng của Đức Giêsu, vào dịp Lễ Vượt Qua (Ga 2,13-22). Đền thờ là nơi Đức Giêsu giảng dạy thường xuyên (Ga 2; 5,14; 7,14-39; 8,2-59; 10) và dân chúng đến nghe Người rất nhiều. Dịp Lễ Lều trong bài Tin Mừng hôm nay là một trong những lần giảng dạy như thế. Đây chính là nơi chốn và bối cảnh diễn ra vụ án người phụ nữ ngoại tình.
  2. Kinh Sư và Pharisêu: Trong Tin Mừng Nhất Lãm, cặp đôi nhân vật này thường xuất hiện với nhau trong nhiều lần tranh luận với Đức Giêsu (Mc 7,1.5; Lc 5,30; 6,7; Mt 15,1). Trong Tin Mừng Gioan, đây là lần duy nhất các Kinh Sư xuất hiện và đi cùng những người Pharisêu. Tác giả Tin Mừng thứ tư cho thấy nhóm Pharisêu là đối thủ chính yếu của Đức Giêsu. Họ xuất hiện ngay từ chương một với lời chất vấn về tư cách làm Phép Rửa của ông Gioan Tẩy Giả (Ga 1,24). Những người Pharisêu thường đi cặp với các Thượng Tế để tìm cách bắt Đức Giêsu. Khi nghe nhiều người tin vào Đức Giêsu và bàn tán về Đấng Kitô, những người Pharisêu và các Thượng Tế đã sai vệ binh đi bắt Người (Ga 7,32). Tuy nhiên, những người này đã không bắt Người vì thấy Người nói hay quá (Ga 7,46). những người Pharisêu và các Thượng Tế triệu tập Thượng Hội Đồng để bàn cách xử lý Đức Giêsu và Thượng Tế Caipha đã hiến kế rằng “thà một người chết cho dân còn hơn toàn dân bị tiêu diệt” (Ga 11,50). Những người Pharisêu và các Thượng Tế ra lệnh: “Ai biết được ông ấy ở đâu thì phải báo để họ đến bắt” (Ga 11,57). Những người đi bắt Đức Giêsu là thuộc hạ của các thượng tế và những người Pharisêu. Họ từ chối căn tính Kitô và ngôn sứ của Đức Giêsu, vì cho rằng Đấng Kitô và ngôn sứ không thể xuất thân từ Galilê (Ga 7,41-42.52). Những người Pharisêu tra hỏi anh mù từ thuở mới sinh về lý do làm sao anh ta có thể nhìn thấy được (Ga 9,15). Họ không tin Đức Giêsu là người của Thiên Chúa, vì Người chữa bệnh ngày Sabát (Ga 9,16). Nhiều người lãnh đạo Do Thái đã tin vào Đức Giêsu, nhưng không dám tuyên xưng, vì sợ nhóm Pharisêu khai trừ ra khỏi hội đường (Ga 12,42). Một trong những thủ lãnh, cũng là người Pharisêu duy nhất đã tin vào Đức Giêsu là ông Nicôđêmô. Ông đã đến gặp Đức Giêsu ban đêm, để bàn hỏi về ơn tái sinh (3,1-21). Ông cũng đứng ra bảo vệ cho Đức Giêsu trước những người Pharisêu khác (7,50-51). Cuối cùng, ông đã mang theo “một trăm cân một dược trộn lẫn với hương trầm” để ướp xác Đức Giêsu trước khi mai táng (Ga 19,39). Trong bối cảnh này, những người Pharisêu tìm cách để kết tội Đức Giêsu. Theo tác giả F.X.V.P. Long, các Thượng Tế là những chuyên viên về luật và những người Pharisêu là những người bảo vệ việc áp dụng luật theo mặt chữ.[3] Đây là hai nhóm người vừa uy tín, vừa hiểu biết trong dân.
  3. Người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình: Người phụ nữ bị dẫn đến vào thời gian vừa tảng sáng. Có lẽ chị đã bị bắt đêm qua và bị nhốt đâu đó. Luật Lêvi quy định về việc ngoại tình như sau: “Khi người đàn ông nào ngoại tình với đàn bà có chồng, ngoại tình với vợ của người thân cận, thì cả người đàn ông ngoại tình lẫn người đàn bà ngoại tình phải bị xử tử” (Lv 20,10). Sách Đệ Nhị Luật cũng quy định tương tự: “Nếu một người đàn ông bị bắt gặp đang ngủ với một người đàn bà có chồng, thì cả hai đều phải chết: Người đàn ông đã ngủ với người đàn bà và cả người đàn bà” (Đnl 22,22). Luật ném đá liên quan đến một cô gái còn trinh đã đính hôn: “Khi một cô gái còn trinh đính hôn với một người đàn ông, mà một người đàn ông khác gặp cô trong thành và ngủ với cô, thì anh em hãy lôi cả hai ra cửa thành ấy và ném đá, và chúng sẽ phải chết” (Đnl 22,23-24). Sách ngôn sứ Êdêkiel ghi lại hình phạt ném đá cho tất cả mọi loại ngoại tình (Ed 16,38-40). Như vậy, những người Kinh Sư và Pharisêu chỉ làm đúng một phần, chứ chưa làm đúng luật hoàn toàn, khi chỉ bắt một mình người phụ nữ chịu án, còn người đàn ông thì không nghe nói đến.
  4. Nhằm thử Người: Người thuật chuyện cho độc giả biết là câu hỏi họ dành cho Đức Giêsu chỉ là để thử Người, chứ họ đã quá chắc chắn về luật. Tác giả R. Brown bàn đến thực tế là người phụ nữ này được xét xử hay chưa được xét xử, khi họ mang người phụ nữ đến với Đức Giêsu. Có thể họ đã xử rồi, nhưng chưa thi hành án. Họ muốn tham khảo thêm cho chắc chắn hơn. Cũng có thể họ chưa xét xử, họ muốn Đức Giêsu xét xử cho họ.[4] Dầu vậy, điều quan trọng có lẽ không phải là việc xét xử người phụ nữ, cho bằng tìm thấy lý do để buộc tội Đức Giêsu. Trong tình huống này, chúng ta có nhận ra người phụ nữ này đóng vai trò là một mồi nhử cho cái bẫy của nhóm Kinh sư và Pharisêu bày ra. Họ đã biến người phụ nữ thành một phương tiện để phục vụ cho âm mưu của họ.[5] Số phận người phụ nữ này đã rồi, nhưng họ lại không ngần ngại đưa bà ra công chúng thêm một lần nữa để làm mồi. Từ đầu đến cuối, người phụ nữ hầu như bị động. Bà bị người ta dẫn đến, và bị người ta bố trí ở giữa để phục vụ cho mục đích đánh bẫy.
  5. Buộc tội (κατηγορέω)… kết án (κατακρίνω): Hai động từ được dùng khác để diễn tả hành động mà nhóm Kinh Sư và Pharisêu dành cho Đức Giêsu và người phụ nữ. Họ muốn kết án tử hình người phụ nữ, nhưng tìm lý do để buộc tội Đức Giêsu. Cách nào đó, Đức Giêsu và người phụ nữ phạm tội ngoại tình có một điểm tương đồng. Các hai đều là những đối tượng mà nhóm Pharisêu và Kinh Sư muốn lên án. Tội của người phụ nữ đã quá rõ. Họ muốn ném đá bà theo luật, nhưng trước khi ném đá, họ muốn sử dụng bà như một con mồi để làm cho Đức Giêsu phải sập bẫy. Đức Giêsu không phạm tội, nhưng họ muốn tìm cớ để ghép tội Người. Cái bẫy Đức Giêsu có thể rơi vào gồm hai mặt. Một mặt, nếu Người không đồng tình với họ, mà thì hành án ném đá người phụ nữ phạm tội ngoại tình, thì Người sẽ bị xem như là người làm trái luật Môsê. Mặt khác, nếu Người cũng ném đá người phụ nữ thì giáo huấn của Người về lòng nhân từ, thương xót, thứ tha, sẽ bị phá sản,[6] hoặc Người sẽ gặp rắc rối với người Rôma.[7] Đức Giêsu đã không rơi vào cả hai mặt thử thách ấy. Người không kết án, không ném đá mà họ vẫn không thể kết án Người phạm luật. Cho đến cuối cùng, họ vẫn không thể tìm thấy lỗi gì để kết tội Người. Ông Philatô nhiều lần khẳng định là “không tìm thấy lý do nào để kết tội” Người (Ga 19,4.39). Tuy nhiên, nhiều lần những người Do Thái muốn ném đá Đức Giêsu (Ga 8,59; 10,31.32.33; 11,8) và kết án xử tử Người (Ga 19,15). Tác giả Y. Simoens gọi Ga 8,1-59 là “Đức Giêsu, người không kết án, lại bị kết án” vì vào cuối chương 8, những người Do Thái “lượm đá để ném Người. Nhưng Người lánh đi và ra khỏi đền thờ” (8,59).[8]
  6. Cúi xuống … viết trên đấtngẩng đầu lên … nói:[9] Chuỗi hành động tương ứng “cúi xuống – viết trên đất và ngẩng lên – nói” là mấu chốt trong phản ứng của Đức Giêsu trước cái bẫy mà nhóm Kinh Sư – Pharisêu giăng ra trước mặt Người. Cúi xuống có thể biểu trưng là sự hạ mình ngang hàng với người phụ nữ đang bị vùi dập vì tội lỗi (Pl 2,1-11).[10] “Viết trên mặt đất” có nhiều ý nghĩa. Thứ nhất, Đức Giêsu có thể vẽ vu vơ để tránh tham gia vào trò chơi nham hiểm của nhóm Kinh Sư – Pharisêu. Người đang giảng dạy dân chúng những điều tốt lành, thì nhóm này cắt ngang để kéo Người vào trò chơi giết người của họ. Thứ hai, có thể đó là một “kế hoãn binh” để mọi người phải suy nghĩ thêm về bản án nặng nề này. Khoảng thời gian Đức Giêsu “viết trên đất” lần thứ hai là khoảng thời gian dân chúng đã phản tỉnh cách nghiêm túc. Thứ ba, hành động này cũng có thể gợi nhớ đến việc Thiên Chúa viết Lề Luật trên hai tấm bia Giao Ước.[11] Đức Giêsu có thể ngụ ý rằng, Thiên Chúa đã viết Luật Giao Ước trên bia đá giao cho ông Môsê công bố cho dân và ông Môsê đã công bố những điều luật liên quan đến việc ném đá người phụ nữ ngoại tình. Tuy nhiên, Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, cũng có thể viết thêm những điều luật tha thứ, với lời mời gọi biến đổi con người cũ, con người tội lỗi, thành con người mới, thánh thiện hơn. Tác giả R. Brown ghi lại nhiều lời đề nghị qua các thời cho nội dung mà Đức Giêsu viết trên đất: (1) Truyền thống từ thời thánh Giêrônimô và còn tìm thấy trong bản chép tay của Thánh Kinh ngôn ngữ Armenia cho rằng Người viết tội của những người kết án; (2) Tác giả Manson cho rằng trong luật Rôma, vị chánh án viết bản án trước rồi đọc to lên. Có nghĩa rằng Đức Giêsu viết câu “Hãy để người không có tội trong các ông ném đá cô ấy trước”; (3) Những người khác nghĩ rằng hành động của Đức Giêsu liên quan đến Gr 17,13: “Những người lìa bỏ Người sẽ bị viết lên mặt đất, vì họ đã bỏ rơi Chúa, nguồn nước hằng sống”; (4) Tác giả Derrett nghĩ rằng theo câu 6, Đức Giêsu viết câu Xh 23,1b: “Ngươi không được cấu kết với người xấu (làm nhân chứng xấu)”; (5) Đức Giêsu vẽ bâng quơ trên đất trong khi Người suy nghĩ.[12] G. Beasley-Murray, trích dẫn tác giả Jeremias, cho rằng một sự thinh lặng kêu mời sự hoán cải.[13]

Hai lần người ngẩng lên là hai lần Người mang lại sự khác biệt cho cả đám đông và người phụ nữ. Lần thứ nhất, Người ngẩng lên để hướng về đám đông, nhất là nhóm Kinh Sư – Pharisêu, với một đề nghị khiến họ phải tự vấn lương tâm: “Hãy để người vô tội (ἀναμάρτητος) trong các ông ném đá cô ấy trước tiên” (8,7).[14] Tất cả những người có ý định ném đá người phụ nữ bỗng giật mình trước khái niệm “người vô tội”. Họ chợt nhận ra rằng “người vô tội” chỉ là một khái niệm trừu tượng, không có trong thực tế. Thực tế, chỉ có một mình Đức Giêsu là “người vô tội” (x. Mt 27,4; Hr 7,26) mà thôi. Ai cũng biết trong suốt cuộc đời, họ đã phạm không biết bao nhiêu tội. Có thể là họ đã không phạm tội ngoại tình công khai, bị người ta bắt, nhưng đã từng phạm mà không ai biết, hoặc là những tội khác còn nghiêm trọng hơn tội ngoại tình. Vậy thì, lấy tư cách gì họ có thể mạnh dạn kết án người phụ nữ phạm tội ngoại tình. Lần thứ hai, Người ngẩng lên hướng về người phụ nữ tội nghiệp. Người bắt đầu mở ra cuộc đối thoại với bà. Người gọi bà bằng một danh xưng long trọng “này người phụ nữ” (γύναι).

  1. Bỏ đi từng người mộtbắt đầu từ những người lớn tuổi: Sau khi nghe, họ lũ lượt rời khỏi. Hình thức bỏ đi của họ được diễn tả cách cụ thể là “từng người một” (εἷς καθ᾽ εἷς) và “bắt đầu từ những người già hơn”. Họ không còn ồn ào, ồ ạt như lúc họ kéo đến: Một nhóm Kinh Sư và những người Pharisêu. Giờ đây, sau khi phản tỉnh từng người trong họ tách ra, lầm lũi bỏ đi. Cảnh tượng này có thể ví như là những con sói đang chuẩn bị xơi tái con mồi mà chúng vừa bắt được nhưng bỗng thấy một chú hổ đến, thế là chúng bỏ của chạy lấy người. “Bắt đầu từ người già hơn” có lẽ những “người già hơn” nhận ra thân phận tội lỗi của mình sớm hơn những người trẻ hơn.
  2. Người phụ nữ bị bỏ lại một mình giữa: Người phụ nữ vẫn bị động như lúc đầu. Bà được mang đến, được bố trí ở giữa, và bây giờ bà bị bỏ lại một mình, ở giữa. Người phụ nữ lần đầu tiên được hỏi đến như một đối tượng giao tiếp. Bà không còn là một “con mồi” nữa nhưng là một “con người”, dù là người tội lỗi.[15] Đức Giêsu không hỏi bà về tội lỗi của bà nhưng chia sẻ niềm vui với bà, niềm vui vì “không ai kết án”. Bà cũng gọi Đức Giêsu bằng một danh xưng long trọng “κύριε” (Chúa, chủ, ngài). Những người Pharisêu và Kinh Sư gọi Đức Giêsu là “thầy” (διδάσκαλε) vì Người đang ngồi và dạy dân chúng trong vị thế một người thầy. Người thầy như ông Môsê bị buộc phải là một thẩm phán thực thi luật của ông Môsê để giết chết một người. “Đức Chúa”, “Ông chủ” được tự do tha thứ và cứu thoát con người. Đức Giêsu, cuối cùng, đã trả lời gọn ghẽ, trọn vẹn cho câu hỏi của nhóm Kinh Sư và Pharisêu: “Theo Luật, ông Môsê ra lệnh cho chúng tôi ném đá người phạm loại tội này, còn thầy, thầy nghĩ sao?”. Đức Giêsu trả lời rằng: “Tôi không lên án bà đâu và không ai lên án bà cả, bà hãy đi đi và từ nay về sau đừng phạm tội nữa”. Câu trả lời này Đức Giêsu dành cho người phụ nữ, chứ không phải cho nhóm những người muốn kết án cô.
  3. Này, người phụ nữ (γύναι):[16] Cách gọi này rất khó chuyển ngữ trong Tiếng Việt. Bản Tiếng Anh là “woman!” (ESV); Tiếng Pháp là “femme!” (TOB), Tiếng Ý là “Donna!” (CEI). Tiếng Việt tương đương phải là “người đàn bà!” hoặc là “người phụ nữ!”. Bản Tiếng Việt “Bà kia!” (NTT) hay “Này chị!” (CGKPV) vẫn không cho thấy được sự độc đáo của cách xưng hô này. Cách dịch sát nghĩa phải là “Này người phụ nữ”. Tin Mừng thứ tư ghi lại nhiều lần nhất Đức Giêsu sử dụng cách xưng hô này (5 lần), trong đó hai lần Người dùng nó để xưng hô với thân mẫu Người. Lần thứ nhất, trong bối cảnh tiệc cưới tại Cana, Đức Giêsu đã dùng danh xưng này trong lời đáp lại nhắc nhở của Đức Maria: ‘Họ hết rượu rồi’. Người đã nói rằng: “Này người phụ nữ, việc đó có liên can gì đến bà và đến tôi, giờ của tôi chưa đến” (2,4). Lần thứ hai, trong bối cảnh dưới chân thập giá, Đức Giêsu trao môn đệ Người yêu mến lại cho mẹ mình: “Này người phụ nữ, đây là con của bà” (19,26). Người cũng dùng danh xưng này để gọi người phụ nữ Samari (4,21: Này người phụ nữ! Hãy tin Tôi, giờ đến khi người ta thờ phượng Chúa Cha không phải trên núi này cũng chẳng phải ở Giêrusalem). Khi gọi Maria Madalena, Đức Giêsu cũng dùng cách gọi này: “Này người phụ nữ! Tại sao bà khóc? Bà đang tìm ai?” (Ga 20,15). Đức Giêsu thường dùng cách gọi này cho nhiều người phụ nữ khác nhau. Như vậy, xem ra Người dùng danh xưng này cho cả người thân quen và người xa lạ. Trong bối cảnh này, người phụ nữ phạm tội ngoại tình có vẻ không thân quen với Người cũng như người phụ nữ Samari. Đây là cách gọi vừa mang tính lịch sự, vừa tôn trọng nhân vị người phụ nữ như đã được Chúa tạo nên. Người phụ nữ đầu tiên cũng được gọi là “người phụ nữ [אִשָּׁ֔ה] vì đã được rút ra từ đàn ông [אִ֖ישׁ]”. Nghĩa là một người đại diện cho toàn thể nhân loại và có đầy đủ nhân phẩm và địa vị như Chúa đã tạo thành.
  4. Hãy đi và từ nay đừng phạm tội nữa: Mệnh lệnh này là một hành trình gồm hai bước. Thứ nhất, Đức Giêsu công bố ơn tha thứ và ơn giải thoát cho người phụ nữ mà người ta muốn xử tử. Thứ hai, Đức Giêsu mời gọi một tiến trình hoán cải qua việc thay đổi lối sống của mình. Khi nói “đừng phạm tội nữa”, Đức Giêsu nhìn nhận tội lỗi của người phụ nữ và chắc chắn người phụ nữ cũng biết rõ điều này. Mệnh lệnh “đừng phạm tội nữa” không chỉ hạn chế vào việc xa lánh tội lỗi, mà còn phải làm những điều tốt lành. Chừa bỏ tội lỗi chỉ là một phần của quá trình hoán cải. Hoán cải bao gồm cả từ bỏ những thói hư tật xấu và sinh những hoa trái tốt lành “xứng với lòng hoán cải” (Lc 3,8). “Đừng phạm tội nữa” cũng là mệnh lệnh mà Đức Giêsu dành cho người bại liệt đã được chữa khỏi tại hồ Bếtdatha: “Này, anh đã được khỏi bệnh. Đừng phạm tội nữa kẻo phải khốn hơn trước” (Ga 5,14). Những người Pharisêu muốn Đức Giêsu kết án người phụ nữ, nhưng Đức Giêsu đã công bố ơn tha thứ cho bà, giữ lại sự sống cho bà. Không những thế, Người còn mang lại cho bà một lối sống mới: Bắt đầu một hành trình không tội lỗi và sinh nhiều hoa thơm trái ngọt trong đời sống mới. Điều này rất hợp với mục đích và sứ mạng của Đức Giêsu được nói đến trong Tin Mừng Gioan. Ngay từ đầu Người được giới thiệu là “sự sống được tạo thành và sự sống là ánh sáng cho nhân loại” (Ga 1,4). “Người là đường là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Người đến “để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Người là bánh ban sự sống mà bất kỳ ai ăn thì sẽ được sống đời đời (Ga 6,51.58). Hơn nữa, Người được ông Gioan Tẩy Giả giới thiệu như là “Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1,29). Trong đó, chắc chắn có tội của người phụ nữ này.

Bình Luận Tổng Quát

Đức Giêsu trở lại đền thờ sau một đêm cầu nguyện trên núi Ôliu. Tất cả dân chúng đến để nghe Người giảng. Tuy nhiên, hôm nay Người không chỉ có giảng thôi và trong số những người đến đó, không phải ai cũng nghe Người giảng. Có những người đến chỉ để bày mưu, tính kế đánh bẫy Người. Họ buộc Người phải xử án vì Người đang ngồi giảng trong vị thế giống với Ông Môsê. Nhóm người Pharisêu và các Kinh Sư là những người am hiểu và tôn trọng Lề Luật. Họ đến với Đức Giêsu không phải để nghe Người giảng mà để tìm cớ buộc tội Người. Có lẽ, họ đã từng nghe Người giảng về lòng thương xót, tha thứ, và trao ban sự sống cho con người. Họ đến đền thờ, mang theo một người phụ nữ, được sử dụng như một công cụ. Người phụ nữ bị lôi vào cuộc một cách thụ động vì chị đã phạm tội ngoại tình. Họ thách thức Đức Giêsu áp dụng lòng thương xót, tha thứ cho một người phạm tội mà theo luật Môsê sẽ bị ném đá. Họ muốn xem liệu Đức Giêsu có khả năng ban sự sống cho một người đã phạm tội chết. Đứng trước sự thử thách, âm mưu thâm độc ấy Đức Giêsu phản ứng một cách bình thản: “Cúi xuống và viết trên đất”. Người tỏ vẻ dửng dưng, không muốn tham gia vào trò chơi của họ và cũng xót xa cho thân phận của một phụ nữ bị biến thành công cụ của người khác. Câu trả lời Người đã có nhưng không phải để trả lời cho họ, mà là cho người phụ nữ. Sự dửng dưng điềm tĩnh của Người khiến cho họ cảm thấy nóng lòng và tiếp tục thúc ép. Người đáp trả cho họ: “Hãy để cho người nào vô tội trong các ông ném đá chị ấy trước đi”. Nghĩa là, không phải là có được ném đá người này theo luật hay không nhưng là ai mới có đặc quyền ném hòn đá đầu tiên. Thay vì trả lời cho họ là ném đá hay không ném đá, Đức Giêsu buộc họ phải tự vấn lương tâm xem mình có xứng đáng để ném hòn đá đầu tiên hay không. Trên thực tế, không một ai có đủ tiêu chuẩn để ném hòn đá đầu tiên hay không. Người càng già thì càng thấy mình không đủ tiêu chuẩn. Họ rút lui từng người một mang theo sự nhận thức rõ ràng về tội lỗi của mình. Thay vì buộc tội Đức Giêsu, họ lại bị Đức Giêsu vạch trần tội lỗi. Người phụ nữ bị bỏ lại một mình giữa đền thờ cùng với Đức Giêsu. Hẳn bà ta cảm thấy lo sợ trước Đấng không phạm tội, người duy nhất có đủ tiêu chuẩn để ném đá bà. Tuy nhiên, tiếng gọi biểu lộ sự tôn trọng của Đức Giêsu – “này người phụ nữ” – làm cho chị cảm thấy nhẹ nhõm. Đức Giêsu khởi đầu cuộc đối thoại với người phụ nữ, người vốn bất động như một công cụ trong tay người khác. Giờ đây, bà đã có thể lên tiếng nói chuyện với Đức Giêsu. Đức Giêsu không phủ nhận lỗi lầm của bà, và chắc chắn rằng người phụ nữ cũng nhận thức rõ mức độ nghiêm trọng của mình. Thay vì kết án, Đức Giêsu mời gọi người phụ nữ “hãy đi và từ nay đừng phạm tội nữa”. “Hãy đi” nghĩa là một mệnh lệnh trao trả lại tự do cho người phụ nữ. Bà đã có thể chủ động bước đi, không còn bị người ta dẫn đến và đặt ở giữa nữa. “Từ nay đừng phạm tội nữa” là mệnh lệnh về một sự sống mới, một lối sống hoán cải bao gồm chừa bỏ những thói hư, tật xấu và làm những điều tốt lành, thiện hảo. Đối với người phụ nữ, Đức Giêsu không chỉ là “một thầy dạy”, hay một quan tòa. Bà gọi Người là “Chúa”, “Chủ”, hay “Ngài” bởi bà cảm nhận nơi Người sự cảm thông, tôn trọng, và tha thứ vô bờ bến. Ngay sau câu chuyện này Đức Giêsu công bố rằng: “Ta là ánh sáng thế gian. Ai theo Ta không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Ga 8,12). Quả thực, Người đã mang lại cho người phụ nữ phạm tội ngoại tình một ánh sáng mới, ánh sáng tha thứ, ánh sáng mang lại một lối sống mới, lối sống mang lại sự sống đời đời.

Trong đời người, có nhiều khi người ta dễ biến chính mình thành công cụ để đổi chác một mối lợi nào đó, danh tiếng, hay tiền bạc nào đó. Có những người biến người khác thành công cụ để phục phụ cho sở thích, đam mê của mình. Biết bao nhiêu phụ nữ và trẻ em trên thế giới bị buôn bán và trở thành công cụ của kẻ khác. Có biết bao người đang trở thành nô lệ của kẻ khác, không thể sống đúng nhân phẩm của một con người. Cũng có nhiều khi người ta mạnh dạn, tàn ác ném đá người khác vì những lỗi lầm của họ, nhưng lại độ lượng với chính những lỗi lầm nặng nề của mình. Đức Giêsu đã cứu lấy mạng sống của người phụ nữ và phục hồi quyền sống cho người phụ nữ. Trong cách xử lý của Đức Giêsu, người ta thấy một con người được tôn trọng đúng mức. Đức Giêsu cho thấy rằng con người ta dù có tội lỗi đến đâu vẫn còn căn tính con người nơi mình và còn một chặng đường phía trước để thay đổi và hoàn thiện. Người cũng nhắc nhở người ta về thân phận tội lỗi của mình. Để rồi cảm nhận được sự thiết thực của lời dạy của Người: “Đừng xét xử để không bị xét xử, đừng kết án để không bị kết án” (Lc 6,37) và “hãy có lòng thương xót như Cha của anh em là Đấng hay thương xót” (Lc 6,36).

Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD

Chú thích:

[1] Đoạn văn này thường được xem là bản văn được thêm vào. Nó không thuộc Tin Mừng Gioan ngay từ đầu. Vị trí của nó trong nhiều bản chép tay cũng thay đổi. Có khi nó được đặt ngay sau Ga 7,36; 7,44; 7,52 hoặc 21,25). Có bản chép tay còn đặt đoạn văn này sau Lc 21,38 [x. F.J. Moloney, The Gospel of John (SP 4: Collegeville 1998) 259]; R. Brown added “but in general the style is not Johannine either in vocabulary or grammar. Stylistically, the story is more Lucan than Johannine” [R.E. Brown, The Gospel according to John (I–XII). Introduction, translation, and notes (AnB; New Haven – London 2008) XXIX, 336].

[2] R.E. Brown, The Gospel according to John (I–XII), 201.

[3] F.X.V.P. Long, Các Bài Tin Mừng Gioan Dùng trong Phụng Vụ (Tp. HCM 2021) 219.

[4] R.E. Brown, The Gospel according to John (I–XII), 337.

[5] “She is being instrumentalized for the purposes of the Scribes and Pharisee’s ‘that they might have some charge to bring against him” (F.J. Moloney, The Gospel of John, 261).

[6] “If the time was near the end of Jesus’ ministry they would have known of his proclamation of the kingdom of God to the poor and the sinners, his compassion on the disreputable of society, and even his eating with them, thereby showing complete indifference to the ritual laws as currently understood” [G.R. Beasley-Murray, John (WBC; Dallas 1999) XXXVI, 146].

[7] R.E. Brown, The Gospel according to John (I–XII), 337.

[8] Y. Simoens, Evangelo Secondo Giovanni (Torino 2019) 250

[9] According to F. Moloney, “it is best understood as a sign of indifference, and even disappointment with the proceedings, Jesus turns away from this dramatic scene and ignores the question asked of him.” (F.J. Moloney, The Gospel of John, 261).

[10] Y. Simoens, Evangelo Secondo Giovanni, 245.

[11] Y. Simoens, Evangelo Secondo Giovanni, 248.

[12] R.E. Brown, The Gospel according to John (I–XII). Introduction, translation, and notes, 334.

[13] G.R. Beasley-Murray, John, 146.

[14] “The word of Jesus challenged their behavior, their motives, and their life in the sight of God, and they failed the test” (G.R. Beasley-Murray, John, 146).

[15] She is addressed as “you” (se) is now no longer an object, a necessary evil, but someone who can enter into a relationship with Jesus (261-262).

[16] X. J.P.D. Thạch, “Từ Đức Tin của Thân Mẫu Đức Giêsu đến Đức Tin của các Môn Đệ. Chú giải Tin Mừng CN II TN C (Ga 2,1-12)”, [LỜI BAN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI ῥήματα ζωῆς αἰωνίου: TỪ ĐỨC TIN CỦA THÂN MẪU ĐỨC GIÊSU ĐẾN ĐỨC TIN CỦA CÁC MÔN ĐỆ. Chú Giải Tin Mừng CN II TN C (Ga 2,1-12) (josephpham-horizon.blogspot.com)].

Bài trướcCổ vũ ơn gọi: mục vụ không thể thiếu trong Dòng Ngôi Lời (Arnoldus Nota, 4/2022)
Bài tiếp theoHÃY SUY ĐỂ BIẾT MÌNH (CHÚA NHẬT V MÙA CHAY, năm C)