HÃY SUY ĐỂ BIẾT MÌNH (CHÚA NHẬT V MÙA CHAY, năm C)

0
332
Photo:Crosswalk.com

(Is 43,16-21; Pl 3,8-14; Ga 8:1-11)

Tin Mừng: Ga 8, 1-11

Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ. Lúc đó, các kinh sư và người Pharisêu dẫn đến trước mặt Đức Giêsu một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa, rồi nói với Người: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người. Nhưng Đức Giêsu cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Đức Giêsu, và người phụ nữ thì đứng ở giữa. Người ngẩng lên và nói: “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?” Người đàn bà đáp: “Thưa ông, không có ai cả.” Đức Giêsu nói: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”

 

BÀI GIẢNG – CHIA SẺ

HÃY SUY ĐỂ BIẾT MÌNH ( Lm. Giuse Trần Minh Kiểm, SVD)

Trong cuộc sống, chúng ta sẽ không tránh khỏi những yếu đuối và lỗi lầm; có lúc chúng ta là người gây lỗi cho người khác; nhưng cũng có những lúc người khác gây lỗi cho ta. Tâm lý chung, chúng ta thường “khó người, dễ ta”; biết ai đắc tội ta “làm hùm làm hổ”, nhưng khi bản thân mình mắc tội, ta ra sức biện hộ hoặc chỉ muốn xí xóa bỏ qua.

Bài Tin Mừng hôm nay, thánh Gioan kể về câu chuyện người phụ nữ bị bắt quả tang đang ngoại tình và bị đưa ra xét xử. Đây là câu chuyện hay và hết sức ý nghĩa, bởi vì khi nhìn sâu vào câu chuyện, chúng ta sẽ có cơ hội để nhìn sâu vào đời sống nội tâm để kiểm điểm lại chính bản thân của chúng ta nhiều hơn; và câu chuyện này cũng mời gọi chúng ta chất vấn chính mình trước mặt Chúa. Hy vọng qua khuôn mặt của người phụ nữ bị bắt quả tang đang ngoại tình trong trình thuật sẽ giúp chúng ta khám phá lại khuôn mặt của chính mình, để từ đó chúng ta biết dứt bỏ mọi quá khứ tội lỗi, và biết mở ra cánh cửa mới cho ta và cho người khác.

  1. Chỉ Người Khác Mới Có Lỗi

Trong trình thuật trên, chúng ta thường chỉ chú ý đến người phụ nữ, như tựa đề của trình thuật đã định hướng “người phụ nữ ngoại tình”. Người phụ nữ này đang phải đối diện với nhóm Kinh Sư, dân chúng và cả Đức Giêsu trong một khung cảnh và bầu khí làm cho ta xúc động.

Trước hết, chúng ta nhận thấy được khung cảnh của hành vi tố cáo là đền thờ, thời gian là vào lúc tảng sáng, chắc chắn là hành vi ngoại tình này diễn ra vào ban đêm. Hành vi ngoại tình là một hành vi kín đáo, thì chắc hẳn những người tố cáo phải làm việc khá vất vả để có thể bắt được quả tang.

Giờ đây chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu diễn tiến của câu chuyện. Thoáng nhìn qua, chúng ta thấy vụ án này ta tạm gọi là vụ án “người phụ nữ ngoại tình”; bị cáo chính là người phụ nữ bị bắt quả tang. Vậy kẻ tố không ai khác chính là các Kinh Sư và những người Pharisêu. Đức Giêsu được mời gọi làm thẩm phán khi người ta đặt câu hỏi: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình vì “trong sách Luật, ông Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” (Ga 8, 5)

Dân chúng muốn được nghe tiếng nói phán quyết của Đức Giêsu. Thoáng qua chúng ta thấy là như vậy, nhưng để ý kỹ hơn thì đây là một sự gài bẫy khá nham hiểm của nhóm Kinh Sư và những người Pharisêu. Thiết nghĩ, nếu Đức Giêsu chỉ cần nói hãy tha cho chị ta, thì người ta sẽ kết án Người, sẽ tố cáo Người chống lại luật Môsê, chống lại cả dân tộc, chống niềm tin của mọi người. Còn nếu Đức Giêsu chỉ cần nói hãy kết án chị ta, thì họ sẽ chế nhạo Người. Họ sẽ cho rằng Người đã tự mâu thuẫn với chính mình vì Người luôn rao giảng về lòng nhân từ của Thiên Chúa. Thực ra, Đức Giêsu trả lời thế nào cũng lọt vào bẫy mà họ đang gài Đức Giêsu.

Photo: clipartkey.com
  1. Hãy Suy Để Biết Mình

Nhưng câu chuyện không dừng lại ở đó, khi dường như bị dồn vào thế chân tường, Đức Giêsu đã trả lời một câu rất độc đáo: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc ném đá người đàn bà này trước đi.” (Ga 8,7). Câu trả lời đó làm cho vụ án không còn là vụ án người phụ nữ ngoại tình, cũng không phải là “vụ án Giêsu”, mà trở thành “vụ án lương tâm” của mỗi con người. Chỉ một câu nói, Đức Giêsu khiến tất cả những người tố cáo người phụ nữ, và âm mưu làm hại Người “trở thành bị cáo”, vì ai cũng thấy mình có tội cả. Kẻ tố cáo không phải là Đức Giêsu mà là lương tâm của mỗi một người, và thẩm phán chính là Thiên Chúa.

Qua phân tích trình thuật, chúng ta khám phá ra câu chuyện không chỉ nhắm đến người phụ nữ bị bắt quả tang đang ngoại tình mà còn nhắm đến chính mình; nhìn nhận mình cũng là tội nhân, cùng một thân phận như người phụ nữ kia. Chúng ta nói mình là người có tội nhưng làm sao để khám phá được tội lỗi của mình? Thưa, chúng ta chỉ khám phá được theo nghĩa sâu xa nhất, nhờ cái nhìn về phía bên trong. Đức Giêsu bảo: “Ai trong các ngươi không có tội thì ném đá trước đi” (Ga 8,7), đó là lời mời gọi chúng ta nhìn về phía bên trong, vì nhìn bên ngoài thì không thấy gì hết, chỉ có người đàn bà này mới có tội thôi.

Thường khi nhìn bên ngoài, chúng ta thấy mình tốt, thấy mình lành, nhưng khi nhìn về phía bên trong thì chúng ta thấy được khuôn mặt thật của mình; và cái nhìn về phía bên trong là cái nhìn đích thực chỉ hoàn thành nhờ sự thinh lặng.

  1. Vụ Án Lương Tâm

Ở phần cuối của Bài Tin Mừng, thánh Gioan ghi lại hai lần Chúa Giêsu cúi xuống viết trên đất nhưng Ngài không nói gì. Có thể Ngài muốn trả lại cho những người đang hiện diện sự thinh lặng. Ngài mong rằng, khi có sự thinh lặng, họ có thể khám phá ra chính mình nhiều hơn. Lúc đầu, người ta hùng hổ đòi ném đá người phụ nữ, thế nhưng khi Đức Giêsu mời gọi: “Ai trong các bạn sạch tội thì ném đá trước đi” (Ga 8, 7) thì họ đã lần lượt rút lui, người lớn tuổi rút lui trước. Chắc hẳn, ai nấy đều cảm nhận tội lỗi của mình cũng đáng bị lên án, nhưng họ đã được Thiên Chúa xót thương và không đánh phạt. Họ phải nhận ra tình thương yêu của Thiên Chúa vì sự sống vẫn đang được trao ban cho họ. Như thế để cho thấy được, những người càng lớn tuổi chắc chắn sẽ cảm thấy mình có tội nhiều hơn nên mới rút lui trước. Trước đây, người ta tưởng mình vô tội, nhưng khi được mời gọi nhìn lại lương tâm chính mình thì người ta nhận ra mình lắm tội, nên không dám “ném đá” ai nữa.

Khi chúng ta nhìn những sự vật, những hiện tượng bên ngoài thì chúng ta nhìn bằng đôi mắt thể lý. Nhưng muốn nhìn về phía bên trong, chúng ta phải nhắm con mắt thể lý lại và hãy mở con mắt tâm hồn lúc đó chúng ta sẽ thấy được con người thật của mình. Chúng ta đang sống trong một xã hội hướng ngoại, bị rất nhiều điều chi phối và đã làm cho con mắt thể lý của chúng ta phải nhìn đủ thứ trên đời. Vì thế, chúng ta cần phải có thời gian để hướng nội, để quay trở về với lòng mình và lúc đó chúng ta sẽ dễ dàng thấy được lỗi lầm của chúng ta và thấy được bàn tay Thiên Chúa đang chạm đến cuộc đời tội lỗi của chúng ta.

Hôm nay, Chúa Giêsu đã đến để trao ban tình thương, tha thứ và sự sống của Thiên Chúa cho ta. Ngài mong muốn ta hãy mở rộng lòng đón nhận, để sự sống và tình thương của Thiên Chúa mãi sống động trong ta. Và nhờ đó, ta cũng biết mở rộng lòng bao dung, sống chan hoà yêu thương, đón nhận người khác. Thiên Chúa đã không kết tội ta, lẽ nào ta có thể kết tội người khác sao? Ước gì chúng ta đừng khóa chặt một người nào vào một quá khứ lỗi lầm nào đó, đừng đóng đinh họ vào lỗi lầm đó, để rồi mỗi khi nhớ đến họ, nhìn thấy họ là đồng thời phán đoán xấu cho họ. Xin Chúa giúp chúng ta hãy chiêm ngắm, học hỏi và sống đúng con đường Chúa Giêsu đã sống, để tình thương của Thiên Chúa luôn chan hoà cho ta và cho mọi người.

Bài trướcChú Giải Tin Mừng Chúa Nhật V Mùa Chay, Năm C (Ga 8,1-11)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (3/4, Chúa Nhật V Mùa Chay, Năm C)