Chú Giải Tin Mừng Chúa Nhật XIX Thường Niên, Năm A (Mt 14,22-33)

0
13155

Lm. Giuse Phạm Duy Thạch, SVD chú giải

Bản văn và dịch sát nghĩa (Mt 14,22-33)

Việt Hy Lạp
22 Và lập tức, Người thúc giục các môn đệ lên thuyền và đi trước Người vào phía bên kia, trong khi Người giải tán đám đông.

23 Sau khi giải tán đám đông, Người đi lên núi một mình để cầu nguyện. Khi đêm đến, Người vẫn ở đó một mình.

24 Chiếc thuyền cách khá xa đất liền nhiều stadia rồi (1 stadia = 190 m), bị sóng đánh, vì gió ngược.

25 Vào canh tư ban đêm, Người đi đến cùng họ, bằng cách bước đi trên biển.

26 Nhưng khi nhìn thấy Người đang bước đi trên biển, các môn đệ hoảng sợ nói rằng: “Đó là ma, và họ la lên bởi nỗi sợ hãi.”

27 Lập tức Người nói cùng họ rằng: “Yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ.”

28 Đáp trả, ông Phêrô nói cùng Người: “Lạy Chúa! Nếu là Ngài, hãy truyền cho con đi đến với Người trên nước.”

29 Đức Giêsu nói: “Hãy đến.” Và sau khi đi xuống khỏi thuyền, Phêrô bước đi trên nước và đi đến với Đức Giêsu.

30 Nhưng khi nhìn thấy gió mạnh, ông hoảng sợ. Và khi bắt đầu chìm, ông la lên: “Lạy Chúa! Xin cứu con!”

31 Lập tức, Đức Giêsu đưa tay ra nắm lấy ông và nói: “Hỡi người kém tin, sao lại nghi ngờ?”

32 và khi họ bước lên thuyền, gió ngừng lại.

33 Những người trong thuyền bái lạy Người nói rằng: “Quả thật ông ta là Con Thiên Chúa”

22 Καὶ εὐθέως ἠνάγκασεν τοὺς μαθητὰς ἐμβῆναι εἰς τὸ πλοῖον καὶ προάγειν αὐτὸν εἰς τὸ πέραν, ἕως οὗ ἀπολύσῃ τοὺς ὄχλους.

23 καὶ ἀπολύσας τοὺς ὄχλους ἀνέβη εἰς τὸ ὄρος κατ᾽ ἰδίαν προσεύξασθαι. ὀψίας δὲ γενομένης μόνος ἦν ἐκεῖ.

24 Τὸ δὲ πλοῖον ἤδη σταδίους πολλοὺς ἀπὸ τῆς γῆς ἀπεῖχεν βασανιζόμενον ὑπὸ τῶν κυμάτων, ἦν γὰρ ἐναντίος ὁ ἄνεμος.

25 τετάρτῃ δὲ φυλακῇ τῆς νυκτὸς ἦλθεν πρὸς αὐτοὺς περιπατῶν ἐπὶ τὴν θάλασσαν.

26 οἱ δὲ μαθηταὶ ἰδόντες αὐτὸν ἐπὶ τῆς θαλάσσης περιπατοῦντα ἐταράχθησαν λέγοντες ὅτι φάντασμά ἐστιν, καὶ ἀπὸ τοῦ φόβου ἔκραξαν.

27 εὐθὺς δὲ ἐλάλησεν [ὁ Ἰησοῦς] αὐτοῖς λέγων· θαρσεῖτε, ἐγώ εἰμι· μὴ φοβεῖσθε.

28 Ἀποκριθεὶς δὲ αὐτῷ ὁ Πέτρος εἶπεν· κύριε, εἰ σὺ εἶ, κέλευσόν με ἐλθεῖν πρός σε ἐπὶ τὰ ὕδατα.

29 ὁ δὲ εἶπεν· ἐλθέ. καὶ καταβὰς ἀπὸ τοῦ πλοίου [ὁ] Πέτρος περιεπάτησεν ἐπὶ τὰ ὕδατα καὶ ἦλθεν πρὸς τὸν Ἰησοῦν.

30 βλέπων δὲ τὸν ἄνεμον [ἰσχυρὸν] ἐφοβήθη, καὶ ἀρξάμενος καταποντίζεσθαι ἔκραξεν λέγων· κύριε, σῶσόν με.

31 εὐθέως δὲ ὁ Ἰησοῦς ἐκτείνας τὴν χεῖρα ἐπελάβετο αὐτοῦ καὶ λέγει αὐτῷ· ὀλιγόπιστε, εἰς τί ἐδίστασας;

32 καὶ ἀναβάντων αὐτῶν εἰς τὸ πλοῖον ἐκόπασεν ὁ ἄνεμος.

33 οἱ δὲ ἐν τῷ πλοίῳ προσεκύνησαν αὐτῷ λέγοντες· ἀληθῶς θεοῦ υἱὸς εἶ. (Matt. 14:22-33 BGT)

 

Bối cảnh

Mt 14,22-33 là câu chuyện tác giả Mátthêu lấy từ Tin Mừng Máccô (Mc 6,45-52) và thêm vào phần riêng về trải nghiệm của ông Phêrô. Ông đã được đi trên mặt nước nhưng đã hoảng sợ và bắt đầu chìm. Trong bối cảnh trực tiếp, câu chuyện này nằm phía sau phép lạ hóa bánh ra nhiều lần thứ nhất, phép lạ mang đến cho các môn đệ nhiều điều ngạc nhiên (Mt 14,15-21). Trong bối cảnh rộng hơn, câu chuyện này gợi nhớ đến câu chuyện Đức Giêsu dẹp yên sóng gió (Mt 8,23-27). Ý tưởng Đức Giêsu lên núi cầu nguyện một mình gợi nhớ đến thói quen cầu nguyện của Đức Giêsu theo truyền thống của Luca. Tác giả Luca nhắc đến thói quen cầu nguyện của Đức Giêsu nhiều lần hơn so với các tác giả khác (Lc 3,21; 5,16; 6,12; 9,18; 9,28; 11,1). Hình ảnh con thuyền, liên hệ đến phương tiện mà các môn đệ đã từ bỏ để đi theo Đức Giêsu (Mt 4,22), là phương tiện di chuyển qua lại biển của Đức Giêsu (Mt 9,1; 14,13; 15,39) và nơi Người giảng dạy (Mt 13,2). Lời tuyên xưng “người này là Con Thiên Chúa” nối kết với lời tuyên xưng của ông Phêrô trong Mt 16,16, và lời tuyên xưng của người đại đội trưởng trong Mt 27,54. Cách nói “kẻ kém lòng tin” được Đức Giêsu dùng nhiều lần trong Mátthêu (6,30; 14,31; 16,8; 17,8). Mệnh lệnh “đừng sợ” trong câu chuyện này có tương quan với cùng mệnh lệnh trong biến cố biến hình (Mt 17,7) và biến cố phục sinh (Mt 28,5.10)

Cấu trúc

Trải nghiệm của các môn đệ (cc.22-23)

Các môn đệ lên thuyền và đi trước Người vào phía bên kia

Người đi lên núi một mình để cầu nguyện… ở đó một mình

Chiếc thuyền bị sóng đánh, vì gió ngược

Người đi đến cùng họ, bằng cách bước đi trên biển.

Thấy Người đi trên mặt nước, các môn đệ nói: “Đó là ma, và họ là lên vì sợ hãi”

“Can đảm lên, Chính Thầy đây, đừng sợ”

Trải nghiệm riêng của Phêrô (cc.28-31)

“Lạy Chúa! Nếu là Ngài, hãy truyền cho con đi đến với Người trên nước.”

         Hãy đến!

Bước đi trên nước, hoảng sợ, bắt đầu chìm, la lên: “Lạy Chúa! Xin cứu con!”

Đưa tay ra nắm lấy ông và nói: “Hỡi người kém tin, sao lại nghi ngờ?”

Tuyên xưng của người trong thuyền (c.32-33)

Khi họ bước lên thuyền, gió ngừng lại.

Người trong thuyền bái lạy Người: “Quả thật ông ta là Con Thiên Chúa”

 

Một vài điểm chú giải

  1. Lên thuyền … đi về phía bên kia: Sau phép lạ hóa bánh ra nhiều. Các môn đệ được thúc giục lên thuyền và đi về phía bên kia bờ hồ. Lúc các môn đệ lên thuyền, có lẽ trời đã tối, vì thời điểm trước khi xảy ra phép lạ hóa bánh ra nhiều họ đã thưa cùng Đức Giêsu rằng “thời gian đã muộn rồi” (Mt 14,15). Trạng từ “lập tức” (εὐθέως) được đặt trước động từ “thúc giục” (ἠνάγκασεν) vừa cho thấy sự vội vã vừa biểu lộ sự ép buộc. Tình huống có vẻ gượng ép vì có lẽ, lúc ấy, các môn đệ không muốn rời đi vì muộn rồi, không thuận tiện để lên thuyền đi vào biển lúc này. Thực tế, trời tối và sóng biển đã gây khó khăn cho các môn đệ ngay sau đó. Giải pháp tốt hơn là họ nên đi vào các làng mạc chung quanh như họ đã đề xuất trước đó cho đám đông (Mt 14,15). Hơn nữa, sau phép lạ hóa bánh ra nhiều các môn đệ có lẽ cũng muốn nán lại với đám đông để hưởng thụ vinh quang với Thầy ít lâu nữa.[1] Tác giả Gioan ghi chú tình huống huy hoàng là sau phép lạ này là “Đức Giêsu phải lánh mặt, đi lên núi một mình” vì “biết họ sắp bắt Người đem đi tôn lên làm vua” (Ga 6,15). “Phía bên kia” (τὸ πέραν), nơi mà các môn đệ phải đến, theo dữ liệu của Gioan là thành Capharnaoum (Ga 6,16), còn bên này, nơi xảy ra phép lạ hóa bánh ra nhiều là thành Tiberia (Ga 6,1). Theo tác giả Máccô, “phía bên kia”, là hướng về phía thành Bếtsaiđa (Mc 6,45), nhưng khi vào đất liền, họ ghé vào thành Ghênêxarét (Mc 6,53). Tác giả Luca lại cho rằng câu chuyện hóa bánh ra nhiều diễn ra trong thành Bếtsaiđa (Lc 9,10). Tác giả Mátthêu đồng thuận với tác giả Máccô là khi qua biển rồi, họ lên đất liền, vào thành Ghênêxarét (Mt 14,34).
  2. Đi lên núi một mình để cầu nguyện … ở đó một mình: Đức Giêsu cũng rời khỏi đám đông. Người nán lại lâu hơn các môn đệ một tý nhưng chỉ để giải tán đám đông. Cụm động từ “giải tán đám đông” (Nghĩa đen: để đám đông đi) được lặp lại hai lần liền kề nhau như là một sự nhấn mạnh cho mục đích nán lại của Đức Giêsu. Người nán lại chỉ để làm việc ấy, không có mục đích gì hơn. Đức Giêsu không xuống thuyền với các môn đệ và Người cũng không ở lại với đám đông. Người đi lên núi một mình với mục đích là để cầu nguyện (προσεύξασθα). Đức Giêsu của Mátthêu, cũng như của Máccô, không có tần suất cầu nguyện nhiều như Đức Giêsu của tác giả Luca. Tuy nhiên, đây cũng có thể được xem là thói quen kết thúc một ngày làm việc của Đức Giêsu.[2] Tác giả Mátthêu còn nhấn mạnh thời gian của buổi cầu nguyện và một mình: “Tối đến, Người vẫn ở đó một mình” (14,23). Theo R. France, khoảng thời gian và không gian Đức Giêsu đi riêng lên núi để cầu nguyện chỉ đơn giản mô tả lý do vì sao Người ở xa với các môn đệ.[3] Tuy nhiên, chuyến đi riêng để cầu nguyện của Đức Giêsu ắt phải có ý nghĩa hơn nhiều, vì tác giả nhấn mạnh đến sự riêng tư, nơi chốn “núi” (nơi gặp gỡ Thiên Chúa), nhấn mạnh đến sự ở lại cả đêm, và hành động cầu nguyện.

 

  1. Bị sóng đánh vì gió ngược: Tình trạng con thuyền được mô tả không mấy thuận lợi: “Đã ở xa bờ nhiều stadios rồi, bị sóng đánh, vì gió ngược”. Nghĩa là, các môn đệ đang ở tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Họ đã đi xa bờ rồi, tiến tới thì gặp sóng gió; quay lại thi cũng không được. Tác giả Máccô mô tả chiếc thuyền đang ở giữa hồ. Không có sóng đánh, nhưng các môn đệ đang chèo vất vả vì gió ngược (Mc 6,48). Theo tác giả Gioan, biển động và gió thổi mạnh (Ga 6,18). Nói chung, các môn đệ đang trong tình trạng khó khăn, bất lợi. Họ đang ở xa bờ, bị sóng gió gây khó khăn, trong khi Đức Giêsu không ở cùng họ.
  2. “Canh tư”: Cách nói “canh tư” phản ánh truyền thống của người Rôma. Họ chia thời gian ban đêm từ sáu giờ tối đến sáu giờ sáng thành bốn khoảng bằng nhau. Mỗi khoảng dài bằng ba tiếng, gọi là “canh”. Người Do Thái và Hy Lạp, mặt khác, chia thời gian ban đêm thành ba “canh”.[4] Như vậy, lúc Đức Giêsu đi đến với các môn đệ là canh cuối cùng theo cách chia của người Rôma. Có thể nói là trời gần sáng.[5] Như thế, khoảng thời gian Đức Giêsu ở một mình để cầu nguyện có thể kéo dài đến “canh tư” của đêm, thời điểm Người đi đến với các môn đệ. Có thể nói là Người dành hầu hết thời gian đêm ấy để cầu nguyện.[6] Thời gian Đức Giêsu cầu nguyện dài bao nhiêu thì thời gian các môn đệ vất vả chống chọi với sóng biển cũng dài bấy nhiêu.[7]
  3. Bước đi trên mặt nước: Sau khi ở một mình để cầu nguyện (có thể là suốt ba canh giờ), vào canh cuối cùng (canh tư), Đức Giêsu đi đến với các môn đệ. Động từ “bước đi” được dùng ở lối phân từ (περιπατῶν), đi sau động từ chính “đến” (ἦλθεν). Động từ ở dạng phân từ ở đây có thể đóng vai trò giải thích cho cách thức “đến” của Đức Giêsu: Người đến với họ bằng cách bước đi trên mặt biển. Đây không phải là một cách thức bình thường, mà là một cách thức khác thường.[8] Cách thức bình thường là cách các môn đệ đang làm: Đi trên thuyền, bị sóng đánh vì gió ngược. Đức Giêsu xem ra không cần phương tiện này, mặc dù đã có nhiều lần Người cũng di hải trình bằng cách thức bình thường như các môn đệ. Khả năng phi thường này, sau đó, được chứng minh cách rõ ràng bằng trải nghiệm của ông Phêrô. Đức Giêsu chẳng những có khả năng bước đi trên mặt nước, mà còn có thể cho ông Phêrô bước đi trên mặt nước. Tuy nhiên, vì sợ gió mạnh, ông Phêrô đã chìm, còn Đức Giêsu thì không. Khả năng khác thường của Đức Giêsu có thể là căn nguyên chính dẫn đến kết cục là những người trong thuyền tuyên xưng Người là: “Con Thiên Chúa”.
  4. Hoảng sợ …đừng sợ: Động từ và danh từ diễn tả sự sợ hãi được dùng rất nhiều lần trong đoạn văn này: Động từ “kinh hoàng”, danh từ “nỗi sợ”, động từ “sợ hãi”, động từ “hét lên”: Khi thấy Đức Giêsu đi trên mặt biển, họ hoảng sợ (ἐταράχθησαν)… và hét lên vì nỗi sợ hãi (ἀπὸ τοῦ φόβου ἔκραξαν); khi thấy gió mạnh, ông Phêrô sợ (ἐφοβήθη)… khi bắt đầu chìm, ông hét lên (ἔκραξεν). Nỗi sợ dường như bao trùm lấy nhóm các môn đệ trong phần thứ nhất và ám ảnh riêng Phêrô trong phần thứ hai. Động từ “hét lên” được sử dụng cho cả nhóm môn đệ và cá nhân ông Phêrô. Họ hoảng sợ vì không tin Đức Giêsu, Thầy của mình có năng lực đi trên mặt biển. Họ nghĩ là ma (phantasma).[9]
  5. Yên tâm … chính Thầy đây (ἐγώ εἰμι) … đừng sợ: Đối lại với nỗi sợ hãi bao trùm lấy các môn đệ là lời khích lệ, động viên “yên tâm … đừng sợ” của Đức Giêsu. Đức Giêsu dùng hai động từ khác nhau: Một động từ ở thể chủ động và động từ kia ở thể bị động làm thành một bộ khung khép kín giúp các môn đệ đối diện với nỗi sợ trước mắt. Trung tâm lời khích lệ này, nằm giữa cặp mệnh lệnh này là một nền tảng hết sức chắc chắn: “Chính Thầy đây” (ἐγώ εἰμι – êgô eimi). Cụm từ “êgô eimi” là một cụm từ rất đặc biệt. Trong bối cảnh trực tiếp, nó có thể có nghĩa đơn giản là “chính là Thầy”, đối lại với suy nghĩ của các môn đệ trước đó. Họ nghĩ “đó là ma” (φάντασμά). Sâu xa hơn, cụm từ này gợi nhớ đến danh xưng mà Thiên Chúa đã mặc khải cho ông Môsê trong sách Xuất Hành. Khi ông Môsê hỏi danh của Thiên Chúa, Người trả lời rằng: “אֶֽהְיֶ֖ה אֲשֶׁ֣ר אֶֽהְיֶ֑ה” (ἐγώ εἰμι ὁ ὤν, “Ta là Đấng Ta Là” Xh 3,14).[10] Đây là cụm từ diễn tả căn tính của Thiên Chúa hơn là một danh xưng đơn thuần. Trong Tin Mừng thứ tư, Đức Giêsu sử dụng nhiều lần cụm từ này để diễn tả căn tính của mình (8,24.28.58; 13,19). Bản dịch tiếng Việt thường hiểu là “Tôi Hằng Hữu” (CGKPV) “chính là Ta” (NTT).
  6. Lạy Chúa, xin cứu con: Ông Phêrô đã được trải nghiệm kinh nghiệm bước xuống từ thuyền và đi trên nước. Trải nghiệm này vừa chứng minh đó là Thầy Giêsu với năng lực phi thường vừa cho thấy sự yếu kém lòng tin của ông. Lúc đầu ông Phêrô có thể bước đi trên nước, nhưng khi thấy gió mạnh thì ông sợ. Có lẽ, nỗi sợ hãi làm ông nghi ngờ và bắt đầu chìm. Theo tác giả C. Keener, ông Phêrô thất bại là vì ông quan sát gió, nhìn vào tình huống thiên nhiên hơn là tập trung vào quyền năng Thiên Chúa đang làm cho ông đứng vững.[11] Lời kêu cứu “lạy Chúa, xin cứu con” cho thấy ông tin vào khả năng cứu thoát của Đức Giêsu. Động từ “xôzô” (σῴζω) trong bối cảnh trực tiếp có thể hiểu là cứu cho khỏi chìm xuống nước. Trong bối cảnh rộng hơn, động từ này cũng được dùng cho việc cứu chữa bệnh tật và nhất là cứu độ. Thật khó để Phêrô bị chìm trong biển hồ Galilê, bởi lẽ ông vốn là một ngư phủ chuyên nghiệp. Có lẽ, điều làm cho ông chìm và hoảng sợ là sóng biển và gió mạnh cách bất thường, và nhất là thiếu niềm tin.
  7. Đưa tay ra nắm lấy[12]: Đưa tay và nắm lấy ông Phêrô là hai hành động đáp lại lời khẩn cầu của ông Phêrô: “Lạy Chúa! Xin cứu con!” Hai hành động này cũng đi kèm với lời khẳng định vừa biểu lộ căn tính vừa mang tính bảo đảm “egô eimi” (“Ta là”, “chính Thầy đây!”). Đức Giêsu không chỉ nói, mà Người hành động cụ thể. Hành động của Đức Giêsu được bổ nghĩa bằng một trạng từ mang tính khẩn cấp “ngay lập tức” (εὐθέως). Điều đó chứng tỏ Người can thiệp đúng lúc và ngay khi ông Phêrô kêu cầu Người.
  8. Kẻ kém tin… nghi ngờ: Căn nguyên chính yếu cho nỗi hoảng sợ của ông Phêrô là “kém tin” và “nghi ngờ”.[13] Sau khi Đức Giêsu nói “chính Thầy đây”, ông Phêrô gọi Đức Giêsu là “lạy Chúa”, và ngỏ ý muốn kiểm chứng bằng việc xin đi trên mặt nước đến với Người. Có thể nói rằng ông đã phần nào tin vào Đức Giêsu, nhưng niềm tin ấy chưa vững, chưa bền, nên khi gặp sóng gió, niềm tin lung lay và ông bắt đầu chìm. Sự kém tin, và nghi nghờ của ông Phêrô có liên hệ đến sự kém tin và nghi ngờ của toàn thể nhóm môn đệ trước đó. Khi thấy Đức Giêsu đi trên mặt nước, họ đều nghĩ là ma và hoảng sợ la hét. Có thể nói rằng, các môn đệ chưa nhận ra căn tính Con Thiên Chúa, cùng những quyền năng kèm theo nơi Đức Giêsu mặc dù họ mới chứng kiến phép lạ hóa bành ra nhiều. Tính từ “ὀλιγοπιστία” (yếu về niềm tin, niềm tin nhỏ bẻ) là thuật ngữ đặc trưng của tác giả Mátthêu. Tác giả sử dụng rất nhiều lần tính từ này để mô tả tình trạng niềm tin của các môn đệ cũng như đám đông. Những người quá lo lắng về cơm ăn, áo mặc, thiếu sự tín thác vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa, bị gọi là “những người kém tin” (Mt 6,30). Khi Đức Giêsu dạy phải coi chừng “men Pharisêu và Xađốc”, các môn đệ lại nghĩ đến chuyện họ không mang theo bánh. Vì thế, Đức Giêsu trách họ là “những người kém tin” (Mt 16,8). Người ngụ ý rằng sau hai phép lạ hóa bánh ra nhiều (Mt 14,13-21; 15,32-39), các môn đệ vẫn chưa tin vào khả năng siêu việt của Người. Các môn đệ lại bị xem là “kém lòng tin” khi không thể trừ được quỷ làm cho cậu bé bị kinh phong (Mt 17,14-21). Hành động “nghi ngờ” (ἐδίστασας) của ông Phêrô, cũng chính là hành động của một số người trong nhóm môn đệ khi gặp lại Đức Giêsu Phục Sinh: “Khi thấy Người, họ bái lạy, nhưng có những người nghi ngờ” (Mt 28,17) (ἰδόντες αὐτὸν προσεκύνησαν, οἱ δὲ ἐδίστασαν). Có thể thấy rằng, không dễ để những người đương thời tin vào năng lực thần linh của Đức Giêsu, thậm chí là các môn đệ, và cũng không dễ để cộng đoàn người tin có thể tin vào Đức Giêsu Phục Sinh.
  9. Bái lạy (προσεκύνησαν): Hành vi bái lạy cùng với lời tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa cho thấy đây là một thái độ tôn kính dành cho Đức Giêsu thần linh. Cách thức bái lạy và tuyên xưng này là tóm kết trọn vẹn cho những mặc khải trước đó (cả hành động và lời nói) về căn tính thần linh của Đức Giêsu như: Bước đi trên biển; Xác nhận “Tôi là” (egô eimi); cách gọi của ông Phêrô “lạy Chúa!” (κύριε)[14]; rồi khả năng cứu thoát – cứu độ của Đức Giêsu.[15] Trong trình thuật Giáng Sinh, tác giả Mátthêu đã ghi lại chi tiết các nhà chiêm tinh Phương Đông đến “bái thờ” Hài Nhi Giêsu (Mt 2,2.11). Đây cũng chính là hành động mà những người phụ nữ dành cho Đức Giêsu Phục Sinh khi Đức Giêsu gặp họ: “Họ tiến đến ôm lấy chân Người và bái thờ Người” (Mt 28,9). Cuối cùng, nhóm Mười Một cũng có hành động tương tự dành cho Đấng Phục Sinh (Mt 28,17). Nghi thức bái lạy này cùng với lời tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa là nền tảng niềm tin của các môn đệ cần có trong thời gian Người rao giảng, đặc biệt là sau khi Phục Sinh. “Những người trên thuyền” ở đây trước hết là nhóm các môn đệ. Ngoài ra, có thể có những hành khách khác, ít ra là những người chủ thuyền, và lái thuyền.
  10. Con Thiên Chúa: Con Thiên Chúa có khả năng đi trên mặt biển trong sóng gió. Đó là uy quyền trên thiên nhiên chỉ dành riêng cho Thiên Chúa.[16] Danh xưng “Con Thiên Chúa” là danh xưng Kitô học mức độ cao. Trong trình thuật Giáng Sinh Người được giới thiệu như là đấng Emmanuel (Mt 1,23). Khi chịu Phép Rửa của ông Gioan, tiếng từ trời đã chứng nhận long trọng: “Đây là con trai yêu dấu của Ta, với nó, Ta rất hài lòng” (Mt 3,17). Để trả lời cho câu hỏi: “Anh em nói Thầy là ai?” ông Phêrô đã long trọng tuyên xưng: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16). Tương tự biến cố chịu Phép Rửa, biến cố biến hình trên núi cũng có lời chứng từ đám mây: “Đây là Con yêu dấu của Ta, hãy nghe Người” (Mc 9,7; Mt 17,5) Cuối cùng, người đại đội trưởng chứng kiến cái chết của Đức Giêsu liền tuyên xưng: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15,39). Người là Con Thiên Chúa khi thể hiện quyền năng cứu độ. Người chết để chuộc tội cho nhân loại, và phục sinh để đưa nhân loại vào sự sống mới, sự sống vĩnh cửu.

Bình luận tổng quát

Phép lạ hóa bánh ra nhiều (Mt 14,13-21) cho thấy quyền năng đặc biệt của Đức Giêsu, Đấng chạnh lòng thương qua việc dạy dỗ và chăm sóc nhu cầu thể lý căn bản của con người. Kết thúc phép lạ hóa bánh ra nhiều, không có một lời tuyên xưng và phản ứng nào từ phía đám đông và các môn đệ. Sau đó, ngay lập tức họ bị thúc ép lên thuyền đi về phía khác, thành Ghênêxarét. Bỏ lại sau lưng vinh quang Thầy vừa mới bày tỏ, đi vào biển hồ vào lúc trời tối, không có sự hiện diện của Thầy. Tất cả những điều ấy báo hiệu một sự bất lợi trong chuyến hành trình này. Đức Giêsu cũng từ bỏ vinh quang, lên núi một mình để cầu nguyện, mãi cho đến canh tư. Một đêm cầu nguyện dài. Có thể đó là những ưu tư về vinh quang trần thế, cũng có thể là những lo lắng về niềm tin yếu kém của các môn đệ. Con thuyền các môn đệ bắt đầu gặp khó khăn khi bị sóng đánh vì gió ngược. Trong hoàn cảnh ấy, Đức Giêsu xuất hiện đầy quyền năng khi Người có thể bước đi nhẹ nhàng trên mặt biển. Thuyền các môn đệ đang chao đảo. Họ ắt hẳn phải chèo chống cách khó nhọc, trong khi Thầy Giêsu có thể bước đi cách bình thản. Người có khả năng đó, đối với các môn đệ, chỉ có thể là “ma” (phantasma). Họ không nghĩ Thầy Giêsu có thể có khả năng đó. Một mệnh lệnh kép “Yên tâm … đừng sợ” kẹp giữa một mặc khải nền tảng “ego eimi” (“Chính Thầy đây”! Hoặc “Ta là”) là giải pháp thích hợp cho nỗi sợ hãi của họ. Ở cấp độ thấp, đó là một lời khẳng định căn tính “người Thầy” của các môn đệ, đối lại với “ma” mà các ông đang tưởng tượng. Ở cấp độ cao hơn, Đức Giêsu mặc khải chính căn tính thần linh “Ta là” với đầy đủ quyền năng của một vị Thiên Chúa. Quyền năng làm chủ thiên nhiên, biển cả, như cách Người dẹp yên sóng biển trong một cuộc hải trình trước đó (Mt 8,23-27; Mc 8,35-41; Lc 8,22-25). Sau biến cố “dẹp yên cơn bão”, người ta đã ngạc nhiên tự hỏi: “Ông này là ai mà cả gió và biển cũng tuân lệnh?” (Mt 8,27). Đó là một câu hỏi về căn tính mà giải đáp sẽ có ở phần kết thúc câu chuyện ở đây. Thực vậy, vào cuối câu chuyện này, như một tất yếu, Đức Giêsu được bái thờ và tuyên xưng là Con Thiên Chúa. Hành động và lời tuyên xưng này như là một tóm kết hoàn hảo cho những mặc khải trước đó của Đức Giêsu: Người bước đi trên mặt biển đầy sóng gió; Người khẳng định “egô eimi”; ông Phêrô gọi Người là “Chúa”; Người cho ông Phêrô chia sẻ khả năng đi trên mặt nước; Người cứu ông Phêrô khỏi chìm. Đó cũng là lời kết luận chung cho phép lạ hóa bánh ra nhiều trước đó nữa và là tiền đề cho câu trả lời của ông Phêrô sau này: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống” (Mt 16,16).[17] Lời tuyên xưng về căn tính thần linh của Đức Giêsu là rất cần thiết vì nhóm các môn đệ, cũng như cá nhân ông Phêrô đang chìm trong nỗi sợ hãi lớn lao, không lối thoát. Đó cũng là nỗi sợ tượng trưng cho nỗi sợ của cộng đoàn tín hữu sau Phục Sinh, khi đối diện với nghịch cảnh của cuộc đời. Con thuyền là hình ảnh tượng trưng cho cộng đoàn Kitô hữu đang hành trình trên biển trần gian để về Nước Trời. Nhiều khi họ cảm thấy vắng Chúa, đặc biệt trong những nguy biến của cuộc đời. Đức Giêsu vẫn hiện diện, cầu nguyện cho họ, bước đi với họ trong những sóng gió của biển đời. Người đầy quyền năng, và lập tức đưa tay ra nắm lấy từng người khi họ kêu cầu Người. Vấn đề là các môn đệ, “những người trong thuyền” phải có niềm tin, lòng tín thác mạnh mẽ, tuyệt đối vào Đức Giêsu – Con Thiên Chúa.

Lm. Giuse Phạm Duy Thạch, SVD

 Chú thích:

[1] “The decision to get the disciples away from the scene even before Jesus dismisses the crowd, and the unusually forceful verb (“made,” with the sense of force or compulsion, not just instruction) may be a pointer toward the more “political” dimension of the event in the wilderness which is otherwise not brought out as clearly in Matthew as it is in John 6:14–15”… “Jesus found it necessary to isolate them as quickly as possible from this seductive movement which ran counter to his own messianic agenda as he will set it out in 16:21–28” [R.T. FRANCE, The Gospel of Matthew (NICNT; Grand Rapids 2007) 568].

[2] “The setting (again the relative seclusion of a mountain—17:1; cf. 5:1) presents Jesus as a man of prayer (14:23)” [C.S. KEENER, The Gospel of Matthew. A Socio-Rhetorical Commentary (Grand Rapids – Cambridge 2009) 406].

[3] “In the narrative context the solitary prayer in the hills serves rather to explain how Jesus comes to be so far away from his disciples on this occasion when they find themselves in difficulties” (R.T. FRANCE, The Gospel of Matthew 569).

[4] B.M. Newman & P.C. Stine, A handbook on the Gospel of Matthew (New York 1992) 467.

[5] “Probably accustomed to awakening around 6 a.m., they instead found themselves still trying to cross the sea between 3 and 6 a.m.” (C.S. KEENER, The Gospel of Matthew, 406-407).

[6] Ibid.

[7] “So the fourth watch was the last (and the darkest), the time between 3 a.m. and 6 a.m. This implies that the disciples struggled without Jesus for quite some time” [W.D. DAVIES – D.C. ALLISON, A critical and exegetical commentary on the Gospel according to Saint Matthew (ICC; London – New York 2004) II, 503].

[8] “By walking on the sea Jesus overcomes the powers of chaos and subdues them, like Yahweh in Job 9:8. And by crossing the sea so that his disciples may in turn cross safely, Jesus is again acting like Yahweh, who according to Ps 77:19 prepared the way for the Israelites to pass through the Sea of Reeds. In sum, Jesus’ walking on the water demonstrates his domination of the sea and all it stands for and brings salvation to those in peril” (W.D. DAVIES – D.C. ALLISON, Saint Matthew, 504).

[9] “Like modern readers, Matthew’s community may have chided the disciples for accepting the popular notion of ghosts, but the biggest offense here is that they still underestimate Jesus’ power” (C.S. KEENER, The Gospel of Matthew, 407); “It represents instinctive superstition rather than a theologically formulated belief, and may reflect the popular belief that evil spirits lived in the sea or that those who had drowned haunted the water” (R.T. FRANCE, The Gospel of Matthew, 569).

[10] “The identification formula (= ‘it is truly I’; cf. Lk 1:19; 24:39; Acts 9:5; 22:8; 26:15) is also probably here—as in Jn 18:2–9—a formula of revelation37 intended to recall the mysterious, divine ‘I am’ of the OT (Exod 3:14; Isa 41:4; 43:10; 47:8, 10; in the Isaianic texts the LXX renders ˒ǎnî hû˒ with ἐγώ εἰμι); for by walking on and subduing the sea Jesus has manifested the numinous power of Yahweh” (W.D. DAVIES – D.C. ALLISON, Saint Matthew, 506).

[11] R.T. FRANCE, The Gospel of Matthew, 569.

[12] “In Ps 18:15–16 the taming of the sea by Yahweh is followed by this: ‘He reached from on high, he took (LXX: ἔλαβεν) me, he drew me out (προσελάβετό) of many waters’. Similarly, in Ps 144:5–8 a request for God to manifest himself publicly (‘Bow thy heavens, O Lord, and come down! Touch the mountains that they smoke!’) introduces a plea for deliverance from the waters of distress: ‘Stretch forth thy hand (LXX: τὴν χεῖρα σου) from on high, rescue me and deliver me from the many waters …’. So the pattern, theophany + deliverance from water, would have been familiar to readers of the psalms” (W.D. DAVIES – D.C. ALLISON, Saint Matthew, 508-509).

[13] “Peter’s problem was not so much lack of intellectual conviction as the conflict between the evidence of his senses and the invitation of Jesus. To be “faithless” is (as in 6:30; 8:26) to lack the practical confidence in God and/or Jesus which is required in those who seek his supernatural provision” (R.T. FRANCE, The Gospel of Matthew, 571).

[14] “Here the title seemingly reflects an awareness that Jesus shares in the sovereign lordship of Yahweh” (.D. DAVIES – D.C. ALLISON, Saint Matthew, 507).

[15] “It is exceedingly important to keep in mind that, in Jewish tradition, it is God alone who can rescue from the sea. Note especially Exod 14:10–15:21; Ps 107:23–32; Jon 1:1–16” (W.D. DAVIES – D.C. ALLISON, Saint Matthew, 503).

[16] “The title, ‘Son of God’, here refers to Jesus not in his capacity as a simple wonder-worker but in his status as revealer of the Father. What matters is not that Jesus has done the seemingly impossible but that he has performed actions which the OT associates with Yahweh alone” (W.D. DAVIES – D.C. ALLISON, Saint Matthew, 510).

[17] “In comparison with Mark and Luke this declaration that Jesus is the Son of God seems premature, and seems to steal the thunder of Peter’s declaration at 16:16 and its confirmation by the voice from heaven in 17:5. Why did that declaration evoke Jesus’ fulsome comment and personal commendation of Peter in 16:17–19 if the disciples as a group had already reached and expressed the same conclusion two chapters earlier? Perhaps the difference is between the instinctive recognition of Jesus’ more-than-human nature here in the context of an overwhelming miracle (cf. the use of the same phrase by an impressed Gentile, prefixed again by “Truly,” in 27:54) and the deliberate formulation at Caesarea Philippi of a christological confession which balances the supernatural (“Son of God”) element of this exclamation with a functional identification of Jesus’ role as Messiah” (Ibid.).

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Sáu Tuần 18 TN)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Thứ Bảy Tuần 18 TN)