Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 27 Thường Niên – A

0
387

Bài Ðọc I: Is 5, 1-7

“Vườn nho của Chúa các đạo binh là nhà Israel”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Tôi sẽ ca tặng người yêu bài hát của cô bác tôi về vườn nho.

Người tôi yêu có một vườn nho trên đồi xinh tươi. Người rào giậu, nhặt đá, trồng cây chọn lọc, xây tháp giữa vườn, lập máy ép trong vườn, và trông mong nó sinh quả nho, nhưng nó lại sinh toàn nho dại.

Vậy giờ đây, hỡi dân cư Giêrusalem và người Giuđa, hãy luận xét giữa ta và vườn nho ta. Nào còn việc gì phải làm cho vườn nho ta mà ta đã không làm? Sao ta trông mong nó sinh quả nho, mà nó lại sinh quả nho dại!

Giờ đây ta tỏ bày cho các ngươi biết ta sẽ làm gì đối với vườn nho ta: Ta sẽ phá hàng rào, để nó bị tàn phá, sẽ phá tường để nó phải bị giầy đạp. Ta sẽ bỏ nó hoang vu, không cắt tỉa, không vun xới; gai góc sẽ mọc lên, và ta sẽ khiến mây không mưa xuống trên nó. Vườn nho của Chúa các đạo binh là nhà Israel, và người Giuđa là chồi cây Chúa vui thích. Ta trông mong nó thực hành điều chính trực, nhưng đây toàn sự gian ác. Ta trông mong nó thực hành đức công bình, nhưng đây toàn là tiếng kêu oan.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 79, 9 và 12. 13-14. 15-16. 19-20

Ðáp: Vườn nho của Chúa là nhà Israel (c. Is 5, 7a).

Xướng: 1) Từ Ai-cập Chúa đã mang về một gốc nho. Chúa đã đuổi chư dân đi để ương trồng nó. Nó vươn ngành ra cho tới nơi biển cả, vươn chồi non cho tới chỗ đại giang. – Ðáp.

2) Tại sao Ngài phá vỡ hàng rào, để bao khách qua đường đều lảy hái nó, để lợn rừng xông ra tàn phá, và muông thú ngoài đồng dùng nó làm cỏ nuôi thân? – Ðáp.

3) Lạy Chúa thiên binh, xin thương trở lại; từ trời cao xin nhìn coi và thăm viếng vườn nho này. Xin bảo vệ vườn nho mà tay hữu Ngài đã cấy, bảo vệ ngành nho mà Ngài đã củng cố cho mình. – Ðáp.

4) Chúng con sẽ không còn rời xa Chúa nữa. Chúa cho chúng con được sống, và chúng con ca tụng danh Ngài. Lạy Chúa thiên binh, xin cho chúng con được phục hồi, xin tỏ thiên nhan hiền từ Chúa ra, hầu cho chúng con được ơn cứu sống. – Ðáp.

Bài Ðọc II: Pl 4, 6-9

“Thiên Chúa bình an sẽ ở cùng anh em”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.

Anh em thân mến, anh em đừng lo lắng gì hết, nhưng trong khi cầu nguyện, anh em hãy trình bày những ước vọng lên cùng Chúa, bằng kinh nguyện và lời cầu xin đi đôi với lời cảm tạ. Và bình an của Thiên Chúa vượt mọi trí hiểu, sẽ giữ gìn lòng trí anh em trong Chúa Giêsu Kitô.

Vả lại, hỡi anh em, những gì là chân thật, trong sạch, công chính, là thánh thiện, đáng yêu chuộng, danh thơm tiếng tốt, là nhân đức, là luật pháp đáng khen, thì anh em hãy tưởng nghĩ những sự ấy. Những điều anh em đã học biết, đã lãnh nhận, đã nghe và đã thấy nơi tôi, anh em hãy đem những điều đó ra thực hành, thì Thiên Chúa bình an sẽ ở cùng anh em.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 14, 5

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 21, 33-43

“Ông sẽ cho người khác thuê vườn nho”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các thượng tế và các kỳ lão trong dân rằng: “Các ông hãy nghe dụ ngôn này: Có ông chủ nhà kia trồng được một vườn nho. Ông rào dậu chung quanh, đào hầm ép rượu và xây tháp canh, đoạn ông cho tá điền thuê, rồi đi phương xa. Ðến mùa nho, ông sai đầy tớ đến nhà tá điền để thu phần hoa lợi. Nhưng những người làm vườn nho bắt các đầy tớ ông: đánh đứa này, giết đứa kia và ném đá đứa khác. Chủ lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước, nhưng họ cũng xử với chúng như vậy. Sau cùng chủ sai chính con trai mình đến với họ, vì nghĩ rằng: Họ sẽ kính nể con trai mình. Nhưng bọn làm vườn vừa thấy con trai ông chủ liền bảo nhau: “Ðứa con thừa tự kia rồi, nào anh em! Chúng ta hãy giết nó đi và chiếm lấy gia tài của nó”. Rồi họ bắt cậu, lôi ra khỏi vườn nho mà giết. Vậy khi chủ về, ông sẽ xử trí với bọn họ thế nào?” Các ông trả lời, “Ông sẽ tru diệt bọn hung ác đó, và sẽ cho người khác thuê vườn nho để cứ mùa nộp phần hoa lợi”.

Chúa Giêsu phán: “Các ông chưa bao giờ đọc thấy trong Kinh Thánh: “Chính viên đá bọn thợ loại ra, đã trở nên viên đá góc. Ðó là việc Chúa làm và là việc lạ lùng trước mắt chúng ta!” Bởi vậy, Tôi bảo các ông: Nước Thiên Chúa sẽ cất khỏi các ông để trao cho dân tộc khác biết làm cho trổ sinh hoa trái”.

Ðó là lời Chúa.

 

Bài giảng / chia sẻ chủ đề:

VƯỜN NHO (Tu sĩ G. B. Đinh Dương Minh Quân, SVD)

Đôi lúc tôi nhìn cuộc sống, nhìn những người trẻ. Tôi thấy họ giống nhau quá, họ mơ những giấc mơ giống nhau (thần tượng, tiền tài, địa vị,…). Khi cất tiếng gọi tên thì ngôn từ có vẻ khác biệt, nhưng bản chất là giống nhau. Bởi những bạn trẻ đều cùng có một giấc mơ không hiện hữu ở thực tại. Và rồi với thời gian trôi qua, tất cả bọn họ đều thức tỉnh, đều giật mình và đều khiếp sợ trước nỗi ám ảnh dai dẳng nhất của kiếp người, đó là cái chết. Giật mình, mơ màng, choàng tỉnh dậy, đối diện với cái mong manh của phận người, tôi cũng như những người trẻ khác, đều phải trả lời cho câu hỏi: đâu là ý nghĩa của đời tôi, nếu một mai tôi chết?

Một phút khắc khoải và suy nghĩ mông lung như thế, tôi có một diệu cảm khó tả khi suy nghĩ về chủ đề bài viết cho Tin Mừng Chúa Nhật XXVII thường niên năm A. Ngang qua các bài đọc Lời Chúa hôm nay, tôi nhận thấy một cái nhìn xuyên suốt về mối tình yêu thương giữa Thiên Chúa và con người. Một tình yêu vượt ra ngoài biên giới của cái mỏng manh phận người, đi ra khỏi cái tăm tối của sự chết, và đi thẳng vào ý nghĩa của đời người, xây dựng một “vườn nho đích thực” ở đời này dành cho Thiên Chúa.

Vườn nho ngày ấy….

Mở đầu trình thuật Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, Đức Giê-su đã dùng dụ ngôn: Vườn nho và những tá điền sát nhân, để diễn tả về tình yêu của Thiên Chúa đối với con người; nhưng con người đã không đáp nhận và quay lưng lại với Ngài, như được diễn tả trong Tin Mừng thánh Gio-an: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người… Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,9-11). “Có gia chủ kia trồng được một vườn nho”: Đức Giê-su mượn bài thơ của ngôn sứ I-sai-a, nơi bài đọc 1, để nói về tình yêu của Thiên Chúa đối với dân Người, ông chủ vườn nho. Vị gia chủ này rất quan tâm và dành rất nhiều tâm huyết của mình cho vườn nho, “chung quanh vườn, ông rào giậu; trong vườn, ông khoét bồn đạp nho, và xây một tháp canh” (Mt 21,34). Ông đã “rào giậu, xây một tháp canh” để bảo vệ cho vườn nho của mình; hơn thế nữa, nơi bài đọc 1, ngôn sứ I-sai-a còn diễn tả rằng, ông chủ vườn nho còn “ra tay cuốc đất nhặt đá, giống nho quý đem trồng” (Is 5,2). Qua đó, chúng ta có thể nhận ra một tình yêu dạt dào của ông chủ dành cho vườn nho của mình, và ông ước mong rằng, vườn nho này sẽ sinh trái tốt và có vụ mùa bội thu. Thế nhưng, vườn nho này lại sinh “nho dại”, nơi bài đọc 1; và nơi bài Tin Mừng, hình ảnh của những tên tá điền sát nhân đã thẳng tay sát hại những gia nhân và thậm chí là người con một của gia chủ vườn nho. Theo đó, chúng ta rút ra được hai điều nơi hình ảnh “vườn nho ngày ấy”:

Thứ nhất, ông chủ vườn nho, Thiên Chúa, đã ba lần sai đầy tớ đến thu hoa lợi. Các tá điền không chỉ không giao nộp huê lợi như giao ước, trái lại “chúng đánh người nầy, giết người kia, ném đá người nọ”. Vẫn một mực nhẫn nại, ông chủ vườn nho cố thử thêm một lần nữa: “sai một số đầy tớ khác đông hơn trước, nhưng bọn tá điền vẫn cư xử với họ y như vậy”. Đó là số phận của các ngôn sứ trong lịch sử của dân Ít-ra-en. Cuối cùng, ông quyết định liều sai “chính con trai mình” đến với họ, vì nghĩ rằng chúng sẽ kính trọng cậu. Sự gian ác của những tá điền đạt đến tột đỉnh, chẳng những không kiêng nể cậu, lại còn ra tay giết cậu để chiếm đoạt quyền sở hữu vườn nho. Thế là, “chúng bắt lấy cậu, quăng ra bên ngoài vườn nho và giết đi” (Mt 21,39), chi tiết này quy chiếu đến việc Đức Giê-su chịu đóng đinh trên thập giá ở bên ngoài thành Giê-ru-sa-lem.

Thứ hai, dụ ngôn nầy diễn tả một cách ngắn gọn cả một lịch sử cứu độ, một thiên tình sử giữa Thiên Chúa với dân Ngài. Vườn nho của Thiên Chúa chính là dân Ít-ra-en. Ngài đã trao cơ nghiệp của Ngài cho các giai cấp lãnh đạo Do Thái để họ vun xới và làm trổ sinh hoa trái. Biết bao lần, Thiên Chúa đã sai các ngôn sứ đến nhắc nhở họ phải trung thành tuân giữ Giao Ước, nhưng họ đã ngược đãi, bách hại và giết chết các ngài. Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn lần lượt sai ngôn sứ nầy đến các ngôn sứ khác, nhưng họ không hề thay đổi, vẫn cư xử các ngài theo cùng một cách thế. Nhưng sự nhẫn nại của Thiên Chúa vẫn không hề vơi, cuối cùng Ngài sai chính Con Một của Ngài là Đức Giê-su với hy vọng: “Chúng sẽ nể con ta”. Nhưng lòng gian ác của họ đã đạt đến cực điểm. Họ đã tra tay bắt lấy Người Con Một của Ngài và lôi ra ngoài thành Giê-ru-sa-lem mà giết đi để mong chiếm đoạt gia sản của Ngài. Qua đó, Đức Giê-su, nơi Tin Mừng hôm nay, đã dùng chính hình ảnh xưa kia của vườn nho trong sách I-sai-a nơi bài đọc 1, để nói về mối tương giao tình yêu giữa Thiên Chúa và con người. Thiên Chúa luôn yêu thương con người, luôn đi bước trước, luôn quan tâm, bảo vệ và chở che con người, nhưng con người vốn dĩ mỏng giòn và yếu đuối, đã đi lệch ra khỏi con đường tình yêu của Ngài và thậm chí là phản bội và gạt bỏ Ngài ra khỏi cuộc sống đời mình. Hình ảnh “vườn nho ngày ấy” luôn tái hiện nơi “vườn nho ngày nay”.

….Vườn nho lúc này.

Để diễn tả về thế giới và xã hội ngày nay, chúng ta sẽ nói gì? Một thế giới 4.0 sắp tiến tới kỷ nguyên 5.0, mọi thứ trong đời sống con người đều được số hóa. Tất cả mọi thứ như: tương quan với người khác, sở thích cá nhân, tương lai của bản thân,… đều sẽ có trợ lý A.I. (hệ thống dữ liệu thông minh của Google, Facebook, Tesla,…) giải quyết dùm cho chúng ta. Hôm nay tôi muốn ăn gì? Google sẽ giúp bạn tìm kiếm món ăn và địa chỉ nơi bán; sắp tới với khả năng bản thân, tôi sẽ chọn ngành học gì, Google và Facebook sẽ giúp bạn… Vâng, mọi thứ trong đời sống con người chúng ta đều tiến tới bậc thang sống: kỷ nguyên số hóa. Và chúng ta đều đang chạy và chạy thật nhanh trên đà tiến hóa của thế giới và xã hội. Tuy nhiên sẽ đến lúc con người ta bắt đầu nhận ra rằng những xu hướng sống chạy theo thế giới bên ngoài là một sự lạc hậu lỗi thời thì chúng ta mới có thể bắt đầu tỉnh ngộ. Nói là chạy theo thế giới bên ngoài, nhưng thực ra chúng ta đang chạy trốn việc phải đối diện với tâm hồn, chạy trốn điều tốt đẹp nhất dành cho bản thân. Truyền thông và xã hội đã tẩy não con người rằng giàu sang mới là hạnh phúc, có nhan sắc mới hạnh phúc, có địa vị mới hạnh phúc. Để từ đó, chúng ta tin rằng việc sống với tâm hồn là chuyện hoang đường, chúng ta càng ngày càng trở nên yếu đuối èo uột hơn, sa vào những thói nghiện nhiều hơn, cảm thấy trống rỗng và đau khổ nhiều hơn. Trong khi đó, chẳng ai còn đủ năng lực để nhận ra rằng gắn kết với tâm hồn là cách duy nhất chúng ta chữa lành chính mình và sống một cuộc đời thiên đường.

Thật vậy, thánh Phao-lô, nơi bài đọc 2, đã nhắc nhở và cảnh tỉnh chúng ta, những con người sống thời kỷ nguyên số này, hãy hướng về Thiên Chúa là nguồn mạch của “chân thật, trong sạch, công chính, là thánh thiện, đáng yêu chuộng, danh thơm tiếng tốt, là nhân đức, là luật pháp đáng khen” (Pl 4,7). Chính nơi Thiên Chúa, trong Ngài và nhờ Ngài, chúng ta mới có đủ can đảm nhìn nhận về chính mình, hơn là phó thác cuộc đời mình cho thế giới và xã hội quyết định. Bao lâu chúng ta còn để cho vườn nho – tâm hồn mình bị các “tá điền sát nhân”: tiền tài, địa vị, hưởng thụ, idol, trào lưu công nghệ số…, đến và ở lại, thì bấy lâu chúng ta sẽ còn phải chạy và chạy thật nhanh trên đường đua cuộc đời và sẽ không bao giờ có thể nhận ra được, đâu là ý nghĩa đời sống mình sau cánh cửa của cái chết?

Lạy Chúa Giê-su, chúng con, những người trẻ sống trong bối cảnh xã hội hiện đại số ngày nay, đang luôn phải đối diện với nhiều thách đố, thử thách và thậm chí là có khi thất bại và buông mình theo dòng chảy của xã hội. Xin cho chúng con luôn biết nhìn lại “vườn nho đời mình”, nhìn lại sự yếu đuối và mỏng manh của tâm hồn, để chúng con luôn hướng về Chúa trong sự tin yêu và luôn sẵn sàng biến đổi bản thân mình trở nên là những chứng nhân về tình yêu của Người. Amen.


 

SINH LỢI (Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Linh, SVD)

Lời Chúa trong các bài đọc của Chúa Nhật hôm nay đòi buộc người ta phải sinh lợi từ những gì được Thiên Chúa trao phó.Trái lại, những gì không mang lại hiệu quả thiết thực sẽ bị loại bỏ.

Trong bài đọc thứ nhất (Is 5,1-7), Thiên Chúa dùng miệng ngôn sứ Isaia mà nói với dân Israel rằng họ như một vườn nho được Ngài trồng nơi thửa đất tốt tươi màu mỡ, được rào giậu bảo vệ cẩn thận, được chăm bón kĩ càng. Nói chung, những gì tốt nhất có thể làm cho vườn nho thì Chúa đã làm, nhưng rốt cuộc vườn nho ấy chẳng sinh trái tốt mà lại sinh toàn nho dại là bạo tàn, bất công, bất chính… Vườn nho Israel chẳng mang lại lợi lộc gì cả nên Thiên Chúa thất vọng; Ngài bỏ mặc để nó phải chịu cảnh hoang vu, bị phá phách. Đây là hậu quả tất yếu của việc không biết sinh lợi, hậu quả của một dân tộc sống xa rời đường lối của Chúa.

Thánh Phaolô tiếp tục đòi hỏi phải sinh lợi qua việc khuyên nhủ các tín Philípphê (Pl 4,6-9) hãy lưu ý đến “những gì làchân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen” (Pl 4,8). Thánh nhân thúc đẩy các tín hữu Philípphê hãy “đem ra thực hành” tất cả những gì họ “đã học hỏi, đã lãnh nhận, đã nghe, đã thấy”ở nơi ngài(x. Pl 4,9). Như thế, các tín hữu Philípphê được thúc đẩy hãy thực thi những giáo lý tốt đẹp mà họ đã lãnh nhận từ thánh Phaolô; đó là một cách để sinh lợi từ những ân sủng đã lãnh nhận.

Những đòi buộc này được Đức Giêsu nhấn mạnh qua câu chuyện “những tá điền sát nhân”. Các tá điền được giao cho vườn nho nhưng chẳng chịu nộp hoa lợi cho ông chủ, mà còn tra tay sát hại tất cả những ai được ông chủ sai đến để làm việc với họ. Hết kiên nhẫn với quân tội lỗi, ông chủ đã tru diệt bọn họ và lấy lại vườn nho mà giao cho những người khác canh tác để biết nộp hoa lợi cho ông theo đúng kỳ hạn.

Mỗi người chúng ta đều được Thiên Chúa ban những “vườn nho” chính là thời giờ, tài năng, sức khỏe… tất cả đều là những cơ hội để sinh lợi, để làm giàu trước mặt Chúa. Tuy nhiên, nhìn lại cuộc sống, chúng ta thử xét xem bao lần chúng ta đã bỏ qua hoặc lãng phí những gì Chúa ban? Chúa ban cho sức khỏe, lẽ ra ta phải dùng nó để lao động chân chính, để phục vụ mà mưu cầu hạnh phúc cho con người và phụng sự Thiên Chúa, nhưng lắm lúc ta lại phí sức vào những việc vô bổ. Chúa ban cho ta có thời gian, ta cần tận dụng nó để tích đức lập công, nhưng lắm khi ta lại phí phạm bằng cách làm những việc bất chính. Chúa ban cho ta có trí khôn, tài năng, nhưng nhiều lúc ta không vận dụng nó đúng với ý Ngài là kiến tạo hòa bình, xây dựng tình huynh đệ hiệp nhất… thay vào đó là “bày ra chước độc mưu thâm” để gây bất hòa, bất thuận, hại người khác.

Là Kitô hữu Việt Nam, chúng ta đang sống trong một đất nước “nhân tài thì ít, nhân tai lại nhiều”, hàng ngày chung quanh chúng ta đầy rẫy những người đau khổ bất hạnh. Đây quả là “cơ hội vàng” để chúng ta làm chứng cho Tin Mừng qua việc thực thi tình bác ái với đồng loại như Chúa mời gọi. Nhưng nhiều lúc chúng ta vẫn vô tâm, vô tình trước những “Ladarô” đói lả; nhiều người đang mòn mỏi trông chờ sự bố thí nhưng ta vẫn bỏ mặc. Cũng như người Do Thái xưa tự hào vì họ là “con cháu Ápraham”, chúng ta cũng thường tự hào vì mình là “đạo gốc”, là “gia đình ông bà cố”…, nhưng tất cả những gì mà chúng ta hãnh diện không phải là “giấy thông hành” để ta vào Nước Trời, mà là phải thực thi đức ái. Mỗi người chúng ta sẽ phải trả lẽ trước mặt Chúa về tất cả những gì thuộc bổn phận mà ta không thực hiện, cũng như tất cả những gì không được phép mà ta lại làm.

Lời Chúa hôm nay muốn mời gọi mỗi người chúng ta nhìn lại “vườn nho tâm hồn” của chính mình để xem ta đã canh tác và nộp hoa lợi cho Chúa đúng kỳ hạn hay chưa? Ta đã thực thi bổn phận với Chúa, với tha nhân và chính mình ra sao? Chúng ta hãy khiêm tốn đặt mình trước ánh sáng của lời Chúa để tạ ơn Ngài về những gì chúng ta đã lãnh nhận, đã thực thi ý Chúa, và cũng xin lỗi Ngài vì những lúc ta quên bổn phận. Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết yêu mến và thực thi Lời Ngài trong cuộc sống, hầu mưu ích cho chúng ta và cho tha nhân. Xin Chúa giúp chúng ta biết quyết tâm tận dụng mọi cơ hội Chúa ban để biết sinh lợi, biết làm giàu trước mặt Ngài, để được nhận Nước Trời làm gia nghiệp.

 

Bài trướcChú Giải Tin Mừng Chúa Nhật XXVII Thường Niên, Năm A (Mt 21,33-43)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Chúa Nhật, Tuần 27 TN-A)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.