Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 23 Thường Niên – Năm A

0
443

Bài Ðọc I: Ed 33, 7-9

“Nếu ngươi không chịu nói cho kẻ gian ác, thì Ta đòi máu nó bởi tay ngươi”.

Trích sách Tiên tri Êdêkiel.

Ðây Chúa phán: “Hỡi con người, Ta đã làm cho ngươi trở nên người lính canh nhà Israel: vậy khi nghe lời miệng Ta nói, ngươi hãy loan báo cho chúng thay Ta. Khi Ta phán cùng kẻ gian ác rằng: “Hỡi kẻ gian ác, mi sẽ phải chết”; nếu ngươi không chịu nói để kẻ gian ác bỏ đường lối mình, thì chính kẻ gian ác sẽ chết trong sự gian ác của nó, nhưng Ta đòi máu nó bởi tay ngươi. Còn khi ngươi loan báo cho kẻ gian ác bỏ đường lối nó, nếu nó không chịu bỏ đường lối nó, thì nó sẽ chết trong sự gian ác của nó, nhưng ngươi cứu được mạng sống ngươi”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 94, 1-2. 6-7. 8-9

Ðáp: Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: “Các ngươi đừng cứng lòng” (x. c. 8).

Xướng: 1) Hãy tới, chúng ta hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hô Ðá Tảng cứu độ của ta! Hãy ra trước thiên nhan với lời ca ngợi, chúng ta hãy xướng ca để hoan hô Người! – Ðáp.

2) Hãy tiến liên, cúc cung bái và sụp lạy, hãy quỳ gối trước nhan Chúa, Ðấng tạo thành ta. Vì chính Người là Thiên Chúa của ta, và ta là dân Người chăn dẫn, là đoàn chiên thuộc ở tay Người. – Ðáp.

3) Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: Ðừng cứng lòng như ở Mêriba, như hôm ở Massa trong khu rừng vắng, nơi mà cha ông các ngươi đã thử thách Ta, họ đã thử Ta mặc dầu đã thấy công cuộc của Ta. – Ðáp.

Bài Ðọc II: Rm 13, 8-10

“Yêu thương là chu toàn cả lề luật”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, anh em chớ mắc nợ ai ngoài việc phải yêu mến nhau. Vì ai yêu người, thì đã giữ trọn lề luật. Ðó là: “Chớ ngoại tình; chớ giết người; chớ trộm cắp; chớ làm chứng gian; chớ mê tham”, và nếu có điều luật nào khác, thì cũng tóm lại trong lời này là: “Ngươi hãy yêu mến kẻ khác như chính mình”. Lòng yêu thương không làm hại kẻ khác. Vậy yêu thương là chu toàn cả lề luật.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 15, 15b

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết”. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 18, 15-20

“Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu anh em ngươi lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng ngươi và nó thôi. Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em. Nếu nó không nghe lời ngươi, hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi việc được giải quyết nhờ lời hai hoặc ba nhân chứng. Nếu nó không nghe họ, hãy trình với cộng đoàn. Và nếu nó cũng không nghe cộng đoàn, ngươi hãy kể nó như người ngoại giáo và như người thu thuế.

“Thầy bảo thật các con, những gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, và những gì các con tháo gỡ dưới đất, thì trên trời cũng tháo gỡ.

“Thầy lại bảo các con, nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó. Vì ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy”.

Ðó là lời Chúa.


 

Bài giảng / chia sẻ chủ đề:

THI HÀNH ĐỨC ÁI (Tu sĩ Giuse Tạ Quang Duy, SVD)

Yêu thương là chúng ta luôn mong ước làm những gì tốt đẹp nhất cho người mình yêu. Điều quan trọng nhất trong mối tương quan mà chúng ta nên làm và phải làm là giúp nhau nên tốt lành hơn, thăng tiến bản thân hơn qua từng ngày sống. Nhưng rõ ràng, lỗi lầm thiếu sót là điều không thể tránh bởi sự yếu đuối của con người. Vì thế, việc giúp nhau sửa đổi để nên tốt hơn là điều rất đẹp và biết mình vẫn còn được yêu thương. Nhưng điều đó không hề giản đơn, mà đòi hỏi cả một nghệ thuật, nếu không sẽ phá đổ mối tương quan mà chúng ta đã cất công gầy dựng. Các trình thuật Lời Chúa được nghe và đọc trong ngày Chúa Nhật hôm nay sẽ khơi gợi hướng đi để thi hành đức ái trong đời sống.

Món nợ Đức Ái

Bài đọc một diễn tả cho chúng ta thấy, ngôn sứ Ê-dê-ki-en thi hành sứ vụ bên cạnh những người đồng bào trong cùng cảnh ngộ lưu đày như ông ở Ba-by-lon. Ông cảm thấy mình chịu trách nhiệm về cách ăn nếp ở của họ. Trách nhiệm này buộc phải thi hành vì nó liên hệ đến số phận bản thân và đến cả xã hội bởi đã được đặt là “người canh gác cho nhà Ít-ra-en” (Ed 33,7). Thiên Chúa đã cột chặt số phận của vị ngôn sứ với sự trở lại của những kẻ bất lương.

Trong bài đọc hai, trích đoạn thư của thánh Phao-lô Tông Đồ gửi tín hữu Rô-ma, ngài khuyên chúng ta hãy thực hành tình tương thân tương ái bởi “yêu người là chu toàn lề luật” (Rm 13,8). Ngài tóm lại cho chúng ta mười điều răn, là những chỉ dẫn mà Thiên Chúa đã ban cho dân Ít-ra-en qua dòng lịch sử để biến Ít-ra-en thành một dân riêng, có nhiệm vụ chiếu tỏa sự thánh thiện của Thiên Chúa trước mặt muôn dân. Nhiệm vụ này cần được thi hành trên nền tảng tình yêu, là bài học mà vị thánh Tông Đồ dân ngoại đã học được từ chính Chúa Giê-su qua cuộc sống của Người, những chỉ dạy của Người với các môn đệ. Chúa Giê-su không coi các môn đệ như người tôi tớ, nhưng như những người bạn hữu. Tin Mừng nhiều lần cho chúng ta thấy, Chúa Giê-su đã không biết bao lần bị “mắng vốn” do những hành động ngược ngạo của các môn đệ trước mặt các kinh sư và Pha-ri-sêu. Từ đó, thánh Phao-lô khuyên bảo chúng ta thực hành tình tương thân tương ái. Bổn phận duy nhất, món nợ duy nhất mà chúng ta phải có đối với anh em đồng loại không gì hơn là Đức Ái.

Sửa lỗi anh chị em mình với sự tinh tế trong Đức Ái

Trong đoạn Tin Mừng theo thánh Mát-thêu hôm nay, Chúa Giê-su mời gọi chúng ta đừng để cho một người anh chị em nào của mình phải hư mất mà không tìm cách sửa lỗi cho người ấy, nhiều lần nhiều cách, với sự tinh tế cần thiết. Chúa Giê-su đã thiết lập Giáo Hội với mong ước nên cộng đoàn hiệp nhất bởi giới răn bác ái yêu thương. Nhưng Người đã cảm nhận rất khó bởi sự yếu đuối của con người, qua lối sống của ngay cả 12 Tông Đồ do chính Người chọn lựa. Bởi đó, Chúa Giê-su muốn chúng ta hãy sửa lỗi người anh chị em mình với sự kiên nhẫn, với lòng khoan dung và với sự tinh tế trong Đức Ái nhưng không phải là can thiệp vào đời tư của người anh chị em. Ngoài ra, thái độ này còn cần thiết bởi đôi khi chúng ta dễ gặp phải những phản ứng vượt ra ngoài điều chúng ta nghĩ tới từ người anh chị em. Người đưa ra cho chúng ta một bản hướng dẫn để chúng ta có thể thực hiện cách đầy khôn ngoan. Bước đầu tiên, khi chúng ta biết lỗi phạm của người anh chị em, chúng ta phải cần góp ý với người ấy cách riêng tư. Nếu bước này thành công, chúng ta “chinh phục” được người anh chị em, giúp đưa người anh chị em về lại con đường đúng, nghĩa là chúng ta tạo được niềm tin cũng như hiểu lòng người anh chị em mình. Bước thứ hai, chỉ diễn ra khi bước thứ nhất thất bại, chúng ta sẽ đến cùng vài người có uy tín để chia sẻ với người anh chị em này. Và bước thứ ba, chỉ diễn ra khi mà cả hai bước trước đã thất bại, đó là đưa người anh chị em ra trước cộng đoàn, để gợi ý những sửa phạm cách công khai. Và bước cuối cùng, chỉ diễn ra khi mọi cách đều thất bại, đó là phải loại người anh chị em ra khỏi cộng đoàn. Nhưng chắc chắn Chúa Giê-su không bao giờ muốn chúng ta tiến tới bước cuối cùng này, vì như vậy đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ đánh mất một người anh chị em. Mà điều này thì chắc chắn Chúa không hề mong muốn, bởi như nhìn lại dụ ngôn “con chiên lạc” (Mt 18,12-14) được diễn tả ngay trước bản văn này, chúng ta thấy rõ được lòng yêu thương của Chúa Giê-su lớn lao dường nào: sẵn sàng để 99 con chiên lại để đi tìm cho bằng được một con chiên bị lạc. Câu trả lời của Chúa Giê-su cho câu hỏi của Phê-rô: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” (Mt 18,21) ngay sau bản văn này càng cho chúng ta thêm khẳng định lòng thương xót cũng như thái độ mà Chúa muốn chúng ta đối đãi với anh chị em mình: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18,22). Như vậy, có thể hiểu được rằng, tuy Chúa Giê-su gợi mở cho chúng ta tiến trình sửa lỗi người anh chị em, nhưng thực sự Người muốn chúng ta phải mở lòng hết sức để sửa lỗi người anh chị em. Bởi lẽ, như từ được dùng trong bản văn “trót phạm”, nghĩa là điều mà người anh chị em hoàn toàn có thể sửa đổi. Dù tiến trình là bốn bước nhưng căn cứ trên những bản văn mà chúng ta đã lướt qua, có thể thấy rằng tiến trình đó phải là vô hạn. Thêm nữa, các bản văn Tin Mừng cũng không ngừng cho chúng ta thấy được rằng, Chúa Giê-su luôn mời gọi chúng ta nhìn nhận bản thân cách cẩn trọng trước khi muốn xét đoán người anh chị em của mình: “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới?” (Mt 7,3). Bởi lẽ, Chúa biết rõ bản tính con người yếu đuối chúng ta rất vui thích nhìn ra thiếu sót của tha nhân mà quên mất chính mình cũng chỉ là một người như thế. Hơn nữa, chỉ mình Chúa mới có quyền phán xét, còn tôi chỉ có thể là người cộng tác để giúp tha nhân phát triển hài hòa hơn.

Từ tư tưởng này của Chúa Giê-su, chúng ta cũng có thể nhận ra được sự khác biệt trong thời Cựu Ước. Thời Cựu Ước, các ngôn sứ thường dùng những lời lẽ mang tính răn đe cùng những cảnh báo về các tai ương nếu dân không chịu hoán cải (x. Ed 33,8). Còn với Chúa Giê-su, Người phó thác họ cho sự xét xử trước tòa Thiên Chúa trong thời sau hết “hãy kể nó như một người ngoại hoặc một người thu thuế” (Mt 18,17). Dù vậy, Người cũng ban cho các Tông Đồ quyền cầm buộc cùng như tháo cởi.

Vì sao tôi thi hành Đức Ái với anh chị em mình?

Trong thời đại hiện nay, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra rằng với lối “sống vội, sống nhanh”, bất kỳ việc gì cũng đòi hỏi khả năng xử lý ở tốc độ nhanh nhất nhưng với thời gian ngắn nhất. Điều này phần nào đó đã giúp cho xã hội ngày càng phát triển thăng tiến, tạo ra được nhiều sản phẩm vật chất hơn. Tuy nhiên, con người vốn không phải là cỗ máy bất động mà mang một trái tim với dòng máu nóng luôn cuộn trào và một tâm hồn luôn suy tư trong sự tác động từ nhiều phía. Vì đó, chúng ta không thể bắt ép người anh chị em mình phải giải quyết vấn đề trong vài ba câu nói khi xảy ra biến cố nào đó nhưng cần thiết là phải cho người ấy có thời gian hồi tâm, cầu nguyện để suy xét cách cẩn trọng. Điều này đòi hỏi một thái độ hết sức kiên nhẫn, một khả năng lắng nghe và phân định với tác động của Thần Khí, một tâm hồn đủ bao dung. Chính Chúa Giê-su đã đi trước nêu gương này cho chúng ta khi Người trao cơ hội cho một Phê-rô chối Thầy ba lần hay cho chính môn đệ Giu-đa, người đã nhận được bao lần cảnh báo. Vậy, là người môn đệ bước theo Thầy Giê-su, tôi lấy lý do gì để không thi hành những gì Người đã dạy và đã thi hành?

Lạy Thầy Giê-su, Thầy đã đến và ở giữa những con người đầy yếu đuối và còn thiếu sót chúng con, với tình yêu thương vô biên. Xin Người giúp mỗi chúng con luôn biết sống bác ái yêu thương nhằm giúp thăng tiến bản thân và thăng tiến anh chị em mình hơn. Amen.

 


 

SỬA LỖI CHO NHAU (Lm. Giaxintô Võ Thành Châu, SVD)

Đời nhà Hán (năm 206 trước Công Nguyên đến năm 23 sau Công Nguyên), Hán Cao Tổ Lưu Bang sống xa hoa với hàng ngàn cung phi mỹ nữ. Phàn Khoái khẩn thiết tấu trình:“Tâu bệ hạ, ngài thấy trong cung có vô số châu báu và hàng ngàn mỹ nữ. Tất cả những thứ này chính là điều đã làm cho nhà Tần suy vong. Thần mong bệ hạ lập tức trở về doanh trại, bệ hạ không thể ở lại trong cung.”

Tuy nhiên, Lưu Bang bỏ ngoài tai những lời can gián của Phàn Khoái. Nghe vậy, Trương Lương vẫn dám nói thẳng:“Tần vương sống xa hoa, hung bạo và hủ bại. Đó là lý do dân chúng nổi dậy lật đổ ông ta và đánh bại quân Tần. Bệ hạ vừa mới lật đổ một Tần vương hung bạo bức bách dân chúng.”

May thay Lưu Bang đã nhận ra sai lầm mà quay về doanh trại và chấn chỉnh cách sống (trích trong Bộ Sử Ký Tư Mã Thiên).

Phàn Khoái và Trương Lương đã can đảm nói thẳng và nói thật với Hán Cao Tổ để vua sửa đổi cách sống của mình. Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay Chúa Giêsu đưa ra cho chúng ta một cách sửa lỗi cho nhau. Nhưng cách sửa lỗi này không ‘trung ngôn nghịch nhĩ’, lời nói thẳng nghe chướng tai, mất lòng, mà trái lại, đây là cách sửa lỗi khôn khéo, đầy tình yêu thương, với mục đích muốn cứu vớt người anh em của mình.

Là người ai cũng lầm lỗi nhưng nhận ra lầm lỗi của mình là điều rất khó. Bà Dale Carnegie, một học giả nổi tiếng người Mỹ quả quyết rằng:“Tôi đã bỏ ra gần 70 năm trong đời để khám phá ra chân lý này là dù người ta có lỗi nặng đến đâu, thì trong 100 lần phạm lỗi, có tới 99 lần người ta tự cho mình là vô tội” (trích trong Đắc Nhân Tâm của Dale Carnegie).

Chính vì thế trong việc sửa lỗi, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến thái độ của người sửa lỗi hơn là người phạm lỗi. Chúa không đưa ra điều kiện nào cho phía người phạm lỗi, nhưng Ngài hướng dẫn người sửa lỗi biết làm cách nào để chinh phục được một người anh em.

Chúa gọi người phạm lỗi là người anh em của tôi. Người anh em của tôi là người thân của tôi, người nhà của tôi, là người góp phần làm nên cuộc đời của tôi. Người đó gắn bó và thân thiết với tôi. Vì thế tôi không được phép tránh né, để mặc người đó trong lầm lạc, chỉ vì sự ích kỷ, lười biếng và sợ hãi của tôi. Tôi cũng không được lên tiếng chỉ trích, chê bai và tự hào về mình.

Ở đây Chúa mời gọi chúng ta hãy có trách nhiệm về nhau, về phần rỗi của nhau, không để ai bị hư mất. Chúa muốn chúng ta quan tâm đến người anh em lầm lỗi và mời gọi họ hoán cải trở về với cộng đoàn.Chúa dạy chúng ta sửa lỗi cho nhau là muốn tốt cho nhau, là chìa tay cứu vớt người anh em đang chìm đắm trong lầm lạc. Chúa chỉ cho chúng ta ba bước để sửa lỗi:

Bước một là bước riêng tư kín đáo giữa ta và người phạm lỗi. Trước khi góp ý với người phạm lỗi, chúng ta hãy chọn thời điểm thích hợp, chọn nơi gặp gỡ thuận lợi, và nhất là chọn cách nói năng nhẹ nhàng, khéo léo, từ tốn và tế nhị. Ta hãy thực hiện bước một với lòng quý trọng và yêu thương người anh em, muốn cứu giúp họ.

Khi bước một không có kết quả, ta nhờ đến vài anh em khác trợ giúp. Họ sẽ là chứng nhân của sự việc sửa lỗi cho nhau. Đây không phải là cách để gây áp lực, tạo sức ép đối với người phạm lỗi,nhưng là sự cộng tác với người khác trong việc chinh phục người anh em trong tinh thần xây dựng và yêu thương. Cách làm này có tính khách quan, trong sáng, nhờ vậy mà người phạm lỗi dễ dàng sửa lỗi.

Khi hai bước đầu thất bại, ta nhờ đến Giáo Hội địa phương, nhưngkhông phải để kết án, luận tội, mà là để giúp người anh em trở về với cộng đoàn trong tâm tình sám hối ăn năn. Tuy nhiên, với cộng đoàn mà người ấy vẫn cố chấp, không nhận lỗi, thì họ tự loại mình ra khỏi cộng đoàn, cắt đứt sự hiệp thông. Nhưng dù vậy, cộng đoàn Giáo Hội vẫn luôn yêu thương quan tâm và mời gọi con cái sám hối trở về.

Ai trong chúng ta cũngtừng có lỗi lầm. Điều quan trọng là chúng ta biết nhận lỗi và sửa lỗi. Ai biết nhận lỗi và sửa lỗi là người khôn ngoan và cao thượng. Vua Hoàn Công xưa là người có cuộc sống gương mẫu về việc sửa lỗi. Vua chọn cho mình ba người bạn để chơi với mình. Vua chọn cho mình năm người để ngăn mình khi mình có lỗi. Và vua chọn cho mình ba mươi người để nhắc nhở cho mình mỗi khi mình có lỗi lầm điều gì (trích trong Đông Chu Liệt Quốc).

Trong việc sửa lỗi cho nhau, chúng ta hãy học với thầy Tuân Tử. Thầy đã phân định rạch ròi ba loại người chúng ta thường gặp trong cuộc sống: “Người chê ta mà chê đúng, đó là Thầy của ta. Người khen ta mà khen đúng, đó là Bạn của ta. Còn những kẻ nịnh bợ ta, chính là Kẻ Thù của ta vậy.” Thầy – Bạn – Kẻ Thù, các khoảng cách rất nhỏ.

Sửa lỗi cho nhau, đó là trách nhiệm của mỗi người chúng ta. Nhưng để cho người phạm lỗi biết lỗi, nhận lỗi và sửa lỗi xem ra không dễ chút nào. Đây là việc làm đầy khó khăn, là thách đố đối với người sửa lỗi người khác. Và đây cũng là ý của Chúa Giêsu muốn chúng ta sửa lỗi cho nhau. Sửa lỗi cho nhau phải là việc làm do tình yêu thúc đẩy. Tình yêu mời gọi ta biết quan tâm đến nhau, biết trân trọng lắng nghe, biết nhẫn nại tế nhị, đồng thời biết khiêm tốn đối với người phạm lỗi. Đó là cung cách sửa lỗi cho nhau theo đúng tinh thần mà Chúa Giêsu đã dạy: sửa một mình, sửa với hai ba anh em khác và sửa với Giáo Hội.

Ngoài ra, chúng ta hãy nhớ rằng việc sửa lỗi là việc của chúng ta, nhưng kết quả là việc của Thiên Chúa. Chúng ta không có khả năng để thay đổi người khác. Chỉ có ơn Chúa mới biến đổi họ,biến đổi trong tình yêu thương. Chính tình yêu thương tạo nên sự đổi mới và người ta chỉ đổi mới vì tình yêu thương. Như thế, tình yêu thương là con đường phải đi, phải sống và phải chia sẻ. Đặc biệt, chia sẻ những lầm lỡ, đổ vỡ để hàn gắn lại trong tình yêu thương hợp nhất. Khi ấy tâm hồn sẽ thanh thản, an vui vì được giao hòa với anh em và với Chúa.

Nguyện xin Chúa soi lòng mở trí cho chúng ta đủ can đảm, và dám nói sự thật vì yêu thương anh em mình.

 

Bài trướcChú giải Tin Mừng Chúa Nhật XXIII Thường Niên, Năm A (Mt 18,15-20)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Chúa Nhật, Tuần 23 TN-A)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây