THÁNH THẦN ĐỔI MỚI (Chúa Nhật – Chúa Thánh Thần Hiện Xuống)

0
504

Các bài đọc: Cv 2,1-11; Gl 5,16-25; Ga 20,19-23

THÁNH THẦN ĐỔI MỚI

Linh mục G.B. Nguyễn Hữu Duy, SVD

Bài giảng

Hôm nay chúng ta mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, đánh dấu sự khởi đầu của một thời đại mới trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, một chương trình mới đầy sức sống của Giáo Hội sơ khai, một khởi đầu mới đầy can đảm và nhiệt thành trong sứ vụ loan báo Tin Mừng. Chúng ta mừng lễ Hiện Xuống với tâm tình tạ ơn Thiên Chúa vì chương trình cứu độ kỳ diệu của Ngài, đồng thời nhờ sự soi sáng của các bài đọc Lời Chúa hôm nay mà khám phá sự hiện diện âm thầm và mạnh mẽ của Chúa Thánh Thần trong đời sống và sứ vụ loan báo Tin Mừng của Giáo Hội trong quá khứ, đến hôm nay và còn tiếp tục mãi sau này.

  1. Thánh thần giúp các môn đệ can đảm mở cửa, mở lòng

Thánh Thần là ơn sức mạnh giúp các môn đệ can đảm mở cửa, mở lòng để đón nhận một luồng gió mới, một sức sống mới. Quả vậy, sách Công Vụ Tông Đồ cho thấy dấu chỉ của Thánh Thần là tiếng động từ trời như tiếng gió mạnh, ùa vào đầy cả căn nhà (x. Cv 2,2). Sức mạnh của Thánh Thần xâm chiếm tâm hồn các môn đệ, và chính “sức mạnh của Thánh Thần” đã biến các môn đệ thành “chứng nhân” cho Người, khởi đi từ Giêrusalem cho đến tận cùng trái đất (x. Cv 1,8). Sau này, khi loan báo về Chúa Giêsu Phục Sinh, các môn đệ luôn xác tín rằng: “Về những sự kiện đó, chúng tôi xin làm chứng, cùng với Thánh Thần, Đấng mà Thiên Chúa đã ban cho những ai vâng lời Người” (Cv 5,32).

Quả vậy, chính Chúa Giêsu Phục Sinh thổi hơi vào các môn đệ và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (20,22). Động từ “thổi hơi” chỉ xuất hiện một lần duy nhất trong Tân Ước ở đây nhưng lại có sự liên hệ sâu xa với Cựu Ước. Trong câu chuyện sáng thế, sau khi Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, Ngài đã “thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật” (St 2,7). Nếu Thiên Chúa “thổi hơi” ban sinh khí để con người từ bụi đất trở thành một sinh vật, thì Chúa Giêsu Phục Sinh “thổi hơi” ban Thánh Thần, là Đấng đến như một tiếng gió mạnh ùa vào cả căn nhà, rồi tản ra như hình lưỡi lửa đậu trên từng người, biến các môn đệ thành những sứ giả, biết dùng miệng lưỡi đã được Thánh Thần đổi mới mà can đảm và mạnh dạn “loan báo những kỳ công của Thiên Chúa” (Cv 2,11).

Thật vậy, Thánh Thần xoá tan sự sợ hãi, khép kín của các môn đệ sau khi Chúa Giêsu chịu chết. Thánh Thần xua đi mọi lo lắng khi cùng hoạt động với các ông trong sứ vụ làm chứng. Thánh Thần đánh tan những hoang mang, nghi ngại, e dè. Thánh Thần giúp các môn đệ xác định lại hướng đi cuộc đời, giúp các ông không còn lo sợ cho sự an toàn của bản thân, không còn khóa kín cửa nhà, không còn đóng kín cửa tâm hồn mà mở ra để đón lấy hơi thở Thánh Thần, mặc lấy một đời sống mới từ Thánh Thần, sức sống tràn đầy hướng về tương lai với niềm xác tín, sự can đảm và hy vọng tràn trề.

  1. Thánh Thần tạo nên sự hiệp nhất của mọi thành phần trong Giáo Hội

Thánh Phaolô trong bài đọc hai khẳng định rằng dù có nhiều đặc sủng, nhưng chỉ có một Thần Khí; dù có nhiều công việc phục vụ nhưng chỉ có một Đức Kitô; dù có nhiều hoạt động khác nhau nhưng chỉ có một Thiên Chúa (x. 1 Cr 12,4-6). Thần Khí là tác động liên kết và hiệp nhất. Quả vậy, Thần Khí được ban nơi mỗi người khác nhau, nhưng đều hướng đến lợi ích chung của cộng đoàn (1 Cr 12,7). Tuy Thần Khí tỏ ra nơi mỗi người dưới những hình thức khác nhau, bằng những ân huệ khác nhau để phục vụ cho những nhu cầu khác nhau, nhưng tất cả đều hướng đến lợi ích chung của cộng đoàn là sự hiệp nhất. Như thế, dấu chỉ để nhận biết những ân huệ của Thánh Thần, xem chúng có xuất phát từ Thần Khí thật hay không, là sự hiệp nhất cho cộng đoàn.

Thật vậy, thánh Phaolô dùng hình ảnh sự liên kết của các chi thể trong một thân thể để cho thấy sự hiệp nhất mà Thần Khí mang lại (x. 1 Cr 12,12-13). Các bộ phận trong thân thể dù khác nhau về hình dáng, kích thước, chức năng, nhưng được liên kết và hiệp nhất với nhau trong cùng một thân thể. Thân thể khoẻ mạnh, căng tràn sức sống, hơi thở đều đặn, nhịp nhàng khi có sự liên kết và hiệp nhất hài hoà giữa các chi thể; dù gồm nhiều chi thể nhưng đều là một thân thể duy nhất. Dù người ta có khác nhau về chủng tộc, địa vị xã hội hay giai cấp, một khi chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí, thì đều được hiệp nhất với nhau như các chi thể trong cùng một thân thể. Tất cả mọi người tin, dù là Do Thái hay Hy Lạp, nô nệ hay tự do, giàu sang hay nghèo hèn, tất cả đều được đầy tràn một Thánh Thần duy nhất.

Mỗi thành viên trong cộng đoàn, mỗi giáo dân trong giáo xứ hay mỗi Kitô hữu trong Giáo Hội đều là một bộ phận trong toàn thân thể mà nếu thiếu đi thì thân thể sẽ què quặt; là một viên gạch trong toàn thể công trình mà nếu thiếu thì công trình sẽ không vững chắc. Trái lại, dù bộ phận thân thể có quan trọng, viên gạch có to lớn, chắc chắn, hay một thành viên có tài năng đến đâu, mà không được liên kết với toàn thể để tạo nên sự hiệp nhất, hài hoà, đoàn kết thì sớm hay muộn cũng sẽ tan rã, diệt vong. Hơn nữa, để kết hợp các bộ phận khác nhau, để liên kết các thành viên thành một tập thể lớn mạnh, không chỉ dựa vào sự nỗ lực của từng cá nhân, mà trên hết cần đến sức mạnh liên kết và hiệp nhất của Thánh Thần. Có sức mạnh hiệp nhất của Thánh Thần, có sự hiệp thông và chia sẻ, có sự thấu hiểu và nhường nhịn, thì mới tạo nên sức mạnh, mới có sức vượt qua sóng gió, mới tạo nên sự vững bền. Thánh Thần quan trọng biết bao cho sự hiệp nhất của các cộng đồng nhân loại, cộng đoàn Kitô hữu, cộng đoàn tu trì, nhất là trong sứ vụ làm chứng cho Tin Mừng.

  1. Thánh Thần tác động trong sứ vụ làm chứng cho Tin Mừng.

Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em (Ga 20,21). Sứ vụ phát xuất từ Thiên Chúa, qua Chúa Giêsu, để rồi chuyển giao cho Giáo Hội, cho Hội Dòng. Chúng ta được mời gọi ra đi là để đến với những người khác, ở các quốc gia và nền văn hoá khác, với những tập tục và ẩm thực khác, với quan niệm và nhận thức khác, nên để có thể hiểu họ và họ hiểu mình là một thách đố lớn lao. Thực tế cho thấy hành trình học ngôn ngữ và thích nghi văn hoá là một giai đoạn căng thẳng, gian khó và lắm khi rất mệt nhọc. Tuy vậy, lời Chúa hôm nay lại gợi mở một niềm an ủi cho những môn đệ được sai đi.

Thật vậy, sách Công Vụ tường thuật việc Thánh Thần ban cho các môn đệ khả năng ngôn ngữ giúp các ông chu toàn sứ mạng làm chứng cho Đức Kitô Phục Sinh. Thật vậy, khi các môn đệ “được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 2,4). Dấu chỉ nhận ra Thánh Thần là những hình giống như “lưỡi lửa” (Cv 2,3) và tác động rõ ràng nhất của Thánh Thần trên các môn đệ là khả năng nói các thứ ngôn ngữ. Nhận được phép rửa “trong Thánh Thần và lửa” (x. Lc 3,16), các môn đệ loan báo cho những người nghe, bất luận họ là ai, thuộc quốc gia, dân tộc hay ngôn ngữ nào, giúp họ hiểu và nhận ra những kỳ công của Thiên Chúa được thực hiện trong Đức Giêsu Kitô (x. Cv 2,11).

Ngôn ngữ giúp con người hiểu nhau, có thể thông truyền cho nhau, và nhờ hiểu mà biết đón nhận nhau. Thánh Thần giúp cho những con người khác biệt nhau có thể hiểu nhau, không chỉ bằng ngôn ngữ của loài người, mà bằng ngôn ngữ của Thiên Chúa, ngôn ngữ tình yêu. Thánh Giuse Freinademetz, nhà truyền giáo Dòng Ngôi Lời đầu tiên được gởi đến Trung Hoa, hẳn đã xác tín điều này khi nói: Tình yêu là thứ ngôn ngữ mà mọi người đều hiểu. Thứ ngôn ngữ mà Thánh Thần ban cho những sứ giả Tin Mừng là khả năng mở lòng mình ra, cởi mở với những truyền thống, phong tục tập quán và nhân sinh quan khác, đón nhận và học hỏi lẫn nhau, trao đi và nhận lại, biết yêu thương và được yêu thương. Đó là thứ ngôn ngữ không tự nhiên mà có, nhưng là một tiến trình học hỏi và biến đổi, nhờ ơn của Thánh Thần.

Tóm kết

Chúa Giêsu Phục Sinh “thổi hơi” ban Thánh Thần là thổi vào con tim khô khan và cứng cỏi của chúng ta hơi ấm và sức nóng của tình yêu, để chúng ta biết đỡ nâng những tấm lòng tan vỡ và sưởi ấm những con tim giá lạnh. Người “thổi hơi” ban Thánh Thần là để gõ cửa tâm hồn chúng ta vốn còn chất chứa biết bao ích kỷ và kẹp hòi, để chúng ta có thể quảng đại và dấn thân hơn. Người “thổi hơi” ban Thánh Thần là trao ban cho chúng ta sức mạnh để biến chúng ta từ những con người vốn bất toàn và yếu đuối trở nên những chứng nhân nhiệt thành và can đảm. Người “thổi hơi” ban Thánh Thần là trao cho đời chúng ta một “Đấng Bảo Trợ” để bảo đảm chắc chắn rằng chúng ta sẽ không đơn độc, ngay cả trong những lúc sóng gió của cuộc đời người môn đệ. Người “thổi hơi” ban Thánh Thần để giúp chúng ta sống và sống có ý nghĩa như những Kitô hữu nhiệt thành làm chứng nhân cho Đấng Phục Sinh. Người “thổi hơi” ban Thánh Thần để liên kết chúng ta với anh chị em chúng ta trong một cộng đoàn Hội Thánh huynh đệ và hiệp nhất như lời nguyện cầu tha thiết của Chúa Giêsu rằng: “Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con” (Ga 17,23).

“Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài hãy đến như cơn gió mát thổi vào đời con, thổi vào Giáo Hội, thổi vào thế giới, để đem lại cho chúng con sự tươi mới nhẹ nhàng, sự tự do thanh thoát. Xin Ngài hãy đến như dòng nước trong chảy vào đời con, chảy vào Giáo Hội, chảy vào thế giới, để cuốn trôi đi mọi nhơ nhớp, khô cằn, cứng cỏi, và làm bật dậy những mầm xanh sự sống nơi chúng con. Xin Ngài hãy đến như ngọn lửa hồng chiếu sáng đời con, chiếu sáng Giáo Hội, chiếu sáng thế giới, để chúng con không còn đồng lõa với tối tăm, nhưng mang trong tim một ước mơ nóng bỏng, đó là làm cho vũ trụ này rực sáng Tình yêu” (Cha Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.). Amen.

Bài trướcNgày 22/05: “ĐẤNG AN ỦI TUYỆT VỜI”
Bài tiếp theoNgày 23/05: ƠN PHÙ TRỢ CỦA CHÚA