MÙA CHAY CƠ HỘI ĐỔI THAY (CHÚA NHẬT I MÙA CHAY – NĂM C)

0
387
Photo: https://medicalxpress.com/

(Đnl 26,4-10; Rm 10,8-13; Lc 4,1-13)

Bài giảng

MÙA CHAY CƠ HỘI ĐỔI THAY (Lm. Giuse Trần Văn Huyến, SVD)

Trong buổi tiếp kiến chung vào ngày 9 tháng 9 năm 2020 tại Vatican sau một thời gian dài gián đoạn vì dịch bệnh Covid-19, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã kêu gọi mọi người hãy tận dụng thời gian cách ly, giãn cách là cơ hội để thể hiện tình yêu với mọi người. Ngài nhấn mạnh trong bài giáo lý với đề tài “Tình Yêu và Công Ích” rằng mọi Kitô hữu, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nên “chớp lấy thời cơ vàng” đi đến với người khác bằng tình yêu không biên giới. Mỗi người không chỉ đến với người thân, bạn bè nhưng đến với cả những người bị bỏ rơi, người thuộc mọi tầng lớp và nhất là đến với kẻ thù bằng tình yêu thương thật sự.[1] Những huấn dụ đó của Đức Giáo Hoàng Phanxicô như nhắc nhở tất cả các Kitô hữu trên toàn thế giới phải biết tận dụng thời gian đại dịch, mà nhiều người coi là “kiếp nạn”, làm cơ hội đổi thay thế giới nhờ cách sống và làm chứng về tình yêu thương Kitô giáo.

Bước vào Mùa Chay, Hội Thánh mong các tín hữu tận dụng cơ hội này để thay đổi ở tầm mức nhỏ hơn, đó là thay đổi chính mỗi người. Với mong ước như thế, nên trong các bài đọc Lời Chúa hôm nay, Hội Thánh cho chúng ta nghe lại Mười Điều Răn (x. Đnl 26,4-10), nhất là bài Tin Mừng theo thánh Luca về ba cơn cám dỗ của Đức Giêsu (x. Lc 4,1-13). Mục đích là, trước tiên, mỗi người nhìn vào cách ma quỷ lợi dụng cơ hội để cám dỗ Đức Giêsu mà tránh sa chước cám dỗ. Tiếp đến, mỗi người học đòi kinh nghiệm tận dụng thời cơ để vượt qua cám dỗ của Đức Giêsu, Đấng là Ađam mới. Sau cùng, mỗi người, dựa trên kinh nghiệm của Đức Giêsu, rút ra phương cách nhằm tận dụng cơ hội Mùa Chay Thánh này để thay đổi tâm can, từ bỏ tội lỗi, trở về với Chúa.

  1. Ma Quỷ – Kẻ Cơ Hội

Trước hết chúng ta nhìn vào bản chất xấu của kẻ giỏi cơ hội là ma quỷ để hiểu bản chất của chúng mà xa tránh. Theo như bài Tin Mừng, trong cơn cám dỗ đầu tiên (x. Lc 4,1-4), khi biết Đức Giêsu đã ăn chay dài ngày, quỷ lợi dụng cái đói của Người mà tấn công. Biết Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, Người có thể dễ dàng làm mọi thứ chỉ nhờ lời phán ra, quỷ đã dụ dỗ Người nghe lời hắn mà hoá đá thành bánh để lấp đầy cái bụng. Đói thì cần của ăn, đó là điều hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, ở đây quỷ muốn điều khiển Đức Giêsu, muốn lái Con Thiên Chúa làm theo những gì chúng chỉ bảo. Hắn đã tận dụng đúng lúc Đức Giêsu cảm thấy “yếu ớt sức lực nhất” để tấn công. Hắn biết rằng ai cũng muốn khẳng định mình nên đưa ra câu điều kiện gài bẫy: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hoá bánh đi!” (Lc 4,3). Nếu là người thiếu suy xét, hẳn nhiên Đức Giêsu sẽ hành động để chứng tỏ mình là Con Thiên Chúa. Nhưng Đức Giêsu biết đó là cái bẫy như là một cơ hội thể hiện mình cách hợp lý mà quỷ bày ra nhằm đưa Người vào tròng của hắn.

Quỷ quả là kẻ cơ hội và hắn rất kiên trì. Hết lần này đến lần khác hắn bám đuổi Đức Giêsu trong các cơn cám dỗ. Mục đích của hắn là lái Đức Giêsu hành động theo hắn. Hắn bắt Đức Giêsu phải sụp lạy chúng nhằm tôn vinh quyền lực (x. Lc 4,5-7) và thách thức Người làm điều quái dị là gieo mình xuống từ nóc Đền Thờ (x. Lc 4,9). Nhìn vào các cơn cám dỗ của quỷ đối với Đức Giêsu, chúng ta nhận ra khả năng “chớp thời cơ tuyệt vời” của chúng. Tận dụng đúng lúc, đúng điểm yếu với những lý do đưa ra nghe rất hợp lý và hoàn toàn nằm trong khả năng là cách quỷ đã làm với Đức Giêsu, vị Thiên Chúa làm người.

Đã là con người, hẳn ai cũng đã từng cảm nghiệm được khả năng tận dụng cơ hội của quỷ đối với mình. Dường như hắn luôn ở quanh ta và tấn công ta vào bất cứ khi nào. Thánh Phaolô đã phải thốt lên trước kẻ giỏi cơ hội là quỷ ma: “Khi tôi muốn làm sự thiện thì lại thấy sự ác xuất hiện ngay” (Rm 7,21). Kẻ cơ hội này còn lèo lái làm cho thánh nhân suy nghĩ một đằng lại làm một nẻo: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7,19). Từ kinh nghiệm của thánh Phaolô về kẻ cơ hội quỷ ma, và từ kinh nghiệm sa ngã ít nhiều của mỗi người, chúng ta càng khâm phục và mong muốn học theo Đức Giêsu, vị Ađam mới đã vượt thắng kẻ cơ hội ma quỷ.

  1. Đức Giêsu Là Ađam Mới Vì Biết Tận Dụng Cơ Hội Để Vượt Thắng Cám Dỗ

Ađam cũ đã không thể vượt qua những lời dụ dỗ ngon ngọt của ma quỷ, dưới hình hài con rắn, mà gây ra sự đổ vỡ tương quan với Thiên Chúa (x. St 3,1-24). Trái lại, Ađam mới là Đức Giêsu, như trong bài Tin Mừng hôm nay tường thuật, đã khởi động chương trình khôi phục tương quan bị phá vỡ thủa xưa bằng cách vượt qua ba cơn cám dỗ của quỷ. Quả thế, ba lần cám dỗ với độ khó tăng dần, nhưng Đức Giêsu đều không bị quỷ khuất phục. Người đã dùng chính những lời chép trong Kinh Thánh để đối đáp lại tên cám dỗ.

Quỷ cám dỗ Người sống theo bản năng và phô diễn mình là Con Thiên Chúa, nhưng đối lại Đức Giêsu nại vào sức mạnh của Kinh Thánh “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh” (Đnl 8,3b) để từ chối sử dụng quyền Con Thiên Chúa, và nhân đó nói cho quỷ biết Người đủ kiên cường để chống ngự bản năng. Còn trong cơn cám dỗ tiếp theo, quỷ muốn Đức Giêsu sụp lạy hắn để được trao quyền bá chủ thế gian, nhưng Người không muốn lời lãi cả thế gian theo cách đó. Xác định như vậy, nên Người lật ngược lại quỷ với lời đáp: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi…” (Lc 4,8). Đức Giêsu nhân cơ hội đó bắt quỷ trở về vị trí của mình, không được thách thức Thiên Chúa mà chính hắn phải sụp lạy Người vì Người là Thiên Chúa của hắn. Còn trong cơn cám dỗ thứ ba, ma quỷ đánh vào danh vọng. Nếu Đức Giêsu làm theo hắn thì Người sẽ trở thành ngôi sao giữa thành Giêrusalem tráng lệ, tuy nhiên, Đức Giêsu từ chối danh vọng hão huyền đó. Một lần nữa Người từ chối quảng diễn quyền năng của mình như ý quỷ muốn. Cuối cùng, sau ba lần thất bại, biết không thể khuất phục được ý chí kiên cường của Đức Giêsu nên quỷ bỏ đi dù vẫn nuôi ý định rình chờ cơ hội khác (x. Lc 4,13).

Vượt qua ba cơn cám dỗ cách tuyệt hảo, Đức Giêsu chính thức mở ra cơ hội vàng, cơ hội bước vào con đường mới, con đường thiết lập lại hoàn toàn tương quan với Thiên Chúa. Chiến thắng đầu tiên này tạo ra một bước đệm quan trọng để Đức Giêsu chiến thắng ma quỷ trong những lần cám dỗ trên hành trình cứu độ nhân loại. Nó cũng là bản lề nhằm mở ra cơ hội chiến thắng cám dỗ cho các Kitô hữu. Quả thật, nếu không dựa trên kinh nghiệm chiến thắng ma quỷ của Đức Giêsu, con người sẽ không có, dù chỉ một phần trăm cơ hội, vượt qua ma quỷ.

  1. Mùa Chay – Cơ Hội Để Đổi Thay

Ma quỷ là kẻ chống lại Thiên Chúa và là thù địch của con người. Chúng như sư tử đói ăn, ngày đêm gầm thét, rảo quanh tìm cơ hội cắn xé con người (x. 1 Pr 5,8) như đã tận dụng cơ hội cám dỗ Đức Giêsu. Chính vì thế, chúng ta hãy học theo Đức Giêsu chống lại ma quỷ bằng cách không tạo cho chúng cơ hội đưa ta vào tròng. Để làm được như vậy chúng ta cần tận dụng cơ hội quý báu vào Mùa Chay để thay đổi. Phương cách đổi thay được Đức Giêsu đề nghị là ăn chay và cầu nguyện. Quả thật, để chiến thắng được ba cơn cám dỗ của ma quỷ, Đức Giêsu đã cần một thời gian dài, bốn mươi ngày (x. Lc 4,2) để ăn chay và cầu nguyện. Ăn chay kết hợp cầu nguyện đã tạo cho Đức Giêsu sức bật thoát quỷ ma. Người biết chỉ ăn chay và cầu nguyện mới tiêu diệt được ma quỷ (x. Mc 9,28).

Dựa trên kinh nghiệm nền tảng vượt thắng quỷ ma của Đức Giêsu, mỗi người Kitô hữu nên tận dụng thời gian Mùa Chay thánh để luyện tập ăn chay, cầu nguyện và làm việc bố thí nhằm biến đổi mình cách tận căn. Bởi chỉ ăn chay và cầu nguyện mới giúp con người thoát khỏi cơn cám dỗ về bản năng – dục vọng; chỉ có ăn chay và cầu nguyện mới có thể giúp con người khiêm nhường nhìn nhận khả năng của mình và khiêm tốn xin Chúa trợ giúp đứng vững trước sự rình mò, quậy khuấy của ma quỷ. Vì thế, cách thức đổi mới trong Mùa Chay mà Hội Thánh mời gọi mỗi người là: ăn chay – cầu nguyện và thực thi giới răn yêu thương qua những việc làm bác ái như chính Đức Giêsu đã làm.

Ước mong rằng việc ý thức mình là thụ tạo yếu đuối nên luôn bị ma quỷ rình chờ và tìm mọi cơ hội để lôi cuốn chúng ta về phía hắn sẽ giúp mỗi người tỉnh thức hơn. Tuy nhiên, đôi khi quỷ vẫn lợi dụng cả những điều chúng ta ý thức như là cơ hội để tấn công chúng ta, vì vậy, chúng ta cần nhìn lên Đức Giêsu, Đấng đã vượt thắng ba cơn cám dỗ cách huy hùng, và nại vào kinh nghiệm của Người mà vượt thắng cám dỗ. Quả thế, kinh nghiệm ăn chay và cầu nguyện cùng việc thực thi Lời Chúa của Đức Giêsu sẽ là nguồn lực chính giúp mọi người biến đổi con người: từ con người yếu đuối, buông mình theo bản năng, danh vọng, quyền lực thành một con người khiêm nhường, vị tha và yêu thương với mọi người. Nếu đổi thay được như vậy, chắc chắn tương quan của chúng ta với Thiên Chúa Cha sẽ khắng khít biết dường bao!

[1] X. Hồng Thuỷ – Vatican News, “Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Đối phó với đại dịch bằng tình yêu không giới hạn và vì công ích”, https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2020-09/dtc-phanxico-tiep-kien-chung-dai-dich.html. Truy cập ngày 12 tháng 8 năm 2021.

Bài trướcChú Giải Tin Mừng Chúa Nhật 1 Mùa Chay, năm C (Lc 4,1-13)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Chúa Nhật 1, Mùa Chay – C)