Lời Chúa + Bài giảng MỒNG MỘT TẾT

0
1083

 

Bài đọc 1: St 1,14-18

Phải có những vầng sáng … xác định các đại lễ, ngày và năm.

Bài trích sách Sáng thế.

14 Thiên Chúa phán: “Phải có những vầng sáng trên vòm trời, để phân rẽ ngày với đêm, để làm dấu chỉ xác định các đại lễ, ngày và năm. 15 Đó sẽ là những vầng sáng trên vòm trời để chiếu soi mặt đất.” Liền có như vậy. 16 Thiên Chúa làm ra hai vầng sáng: vầng sáng lớn hơn để điều khiển ngày, vầng sáng nhỏ hơn để điều khiển đêm; Người cũng làm ra các ngôi sao. 17 Thiên Chúa đặt các vầng sáng trên vòm trời để chiếu soi mặt đất, 18 để điều khiển ngày và đêm, và để phân rẽ ánh sáng với bóng tối. Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp.

 

Đáp ca: Tv 36,3-4.5-6.23-24.25-26 (Đ. x. c.5)

Đ. Hãy ký thác đường đời cho Chúa, chính Người sẽ ra tay.

3Cứ tin tưởng vào Chúa và làm điều thiện,
thì sẽ được ở trong đất nước và sống yên hàn.4Hãy lấy Chúa làm niềm vui của bạn,
Người sẽ cho được phỉ chí toại lòng.

Đ. Hãy ký thác đường đời cho Chúa, chính Người sẽ ra tay.

5Hãy ký thác đường đời cho Chúa,
tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay.6Chính nghĩa bạn, Chúa sẽ làm rực rỡ tựa bình minh,
công lý bạn, Người sẽ cho huy hoàng như chính ngọ.

Đ. Hãy ký thác đường đời cho Chúa, chính Người sẽ ra tay.

23Chúa giúp con người bước đi vững chãi,
ưa chuộng đường lối họ dõi theo.24Dầu họ có vấp cũng không ngã gục,
bởi vì đã có Chúa cầm tay.

Đ. Hãy ký thác đường đời cho Chúa, chính Người sẽ ra tay.

25Từ nhỏ dại tới nay tôi già cả,
chưa thấy người công chính bị bỏ rơi,
hoặc dòng giống phải ăn mày thiên hạ.26Ngày ngày họ thông cảm và cho mượn cho vay,
dòng giống mai sau hưởng phúc lành.

Đ. Hãy ký thác đường đời cho Chúa, chính Người sẽ ra tay.

 

Bài đọc 2: Pl 4,4-8

Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em!

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Phi-líp-phê.

4 Thưa anh em, anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! 5 Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hoà rộng rãi, Chúa đã gần đến. 6 Anh em đừng lo lắng gì cả, nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. 7 Và bình an của Thiên Chúa là bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su. 8 Ngoài ra, thưa anh em, những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý.

 

Tin mừng: Mt 6,25-34

25 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo lắng cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo lắng cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao?

26 Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao?

27 Hỏi có ai trong anh em có thể nhờ lo lắng mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang không?

28 Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào: chúng không làm lụng, không kéo sợi; 29 thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy.

30 Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém lòng tin!

31 Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây?

32 Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó.

33 Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.

34 Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.


 

Bài giảng hoặc chia sẻ chủ đề:

NIỀM VUI NGÀY ĐẦU NĂM (Tu sĩ Giuse Cao Thế Vĩnh, SVD)

“Mùa xuân lại đến cho hoa lá khoe tươi cho muôn người vui cười…”

Lời ca khởi đầu trong ca khúc Chúa Mùa Xuân của linh mục Thái Nguyên như muốn lột tả phần nào cái thú vị của mùa Xuân. Xuân đến mang lại cho con người nhiều cung bậc cảm xúc. Đó là những lời chúc may mắn đầu năm của đôi bạn trẻ, hay đó chỉ là tiếng nô đùa của trẻ con và vọng xa tiếng chuông nhà thờ báo hiệu phút giây giao thừa đánh dấu khoảng khắc giao thoa giữa năm cũ và năm mới, sự giao hòa giữa đất với trời. Trong ngày Mồng Một Tết, người ta thường thăm và chúc đến nhau những điều tốt đẹp. Ngày mà con người gạt qua những điều kém may trong năm cũ và hy vọng vào một năm mới mang lại sự bình an, một cuộc sống an lành. Đầu xuân nâng chén rượu đầy, chúc nhau năm mới mọi điều an khang.

Xuân đến cũng là lúc Giáo Hội muốn nhắn nhủ với chúng ta nhìn lại hồng ân Thiên Chúa ban cho mỗi người. Cách riêng, trong ngày Mồng Một Tết, ngày khởi sự năm mới, Giáo Hội Việt Nam mời gọi chúng ta cầu xin Chúa ban bình an. Các bài đọc trong ngày đầu năm cho chúng ta biết được hồng ân Chúa là niềm vui qua tiết trời mùa xuân, sự gặp gỡ và niềm tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Chỉ khi ta sống trong niềm vui và niềm tin tưởng chúng ta mới có được bình an thật sự.

Trước hết, niềm vui đến từ tiết trời Mùa Xuân:

Theo quy luật tự nhiên, Xuân – Hạ – Thu – Đông, khoảnh khắc cuối đông khép lại cái lạnh của tiết trời để nhường chỗ cho không khí ấm áp của mùa xuân. Mùa xuân mở ra muôn hoa khoe sắc, những cánh mai vàng, nhành đào tươi báo hiệu một mùa xuân tràn đầy sức sống. Xuân về khiến bao lòng người thay đổi, tràn đầy sự háo hức và rộn ràng niềm tin. Ngoài ra, mưa xuân cũng luôn là đề tài cho con người cảm hứng về hồng ân Thiên Chúa, tác giả sách châm ngôn thể hiện: “Long nhan rạng rỡ là bầy tôi được sống, ơn vua ban xuống như mây đổ mưa xuân” (Cn 16,15).

Nét đẹp của mùa Xuân là thế. Thế nhưng khi ta chợt nghĩ, nhìn về bức tranh mùa Xuân bởi đâu mà có và đến như thế nào? Phải chăng đó là qui luật của tạo hóa. Thưa không, những nét đẹp đó ta cảm nếm được bởi tất cả đều có chủ thể của nó. Lời Chúa qua bài đọc một trích sách Sáng Thế giúp ta nhận ra Thiên Chúa là chủ thể của không gian và thời gian. Ngài dựng nên vũ trụ từ hư không và thiết lập cho chúng một trật tự nhất định (x. St 1,14-17). Đồng thời, Ngài yêu thương ban mọi sự cho chúng ta làm chủ và hưởng dùng, để tiếp nối công trình tạo dựng của Ngài. Ngài yêu con người hơn các thụ tạo khác và muốn cho con người được hạnh phúc trong vườn hoa của Ngài. Ngài không từ bỏ con người và những gì Ngài đã dựng nên ngay cả những thứ hoang dã, như chim trời và hoa dại ngoài đồng. Những con chim không biết lo liệu về thức ăn nước uống, nhưng Thiên Chúa vẫn nuôi dưỡng (x. Mt 6,26). Và những bông huệ dại, chúng mọc ngoài đồng thế mà Thiên Chúa lại ban cho chúng bộ áo với màu sắc đẹp đẽ (x. Mt 6,28- 29). Vì thế, sự kỳ diệu của thiên nhiên, thú vị của mùa Xuân chính là đến từ Thiên Chúa Tình Yêu, Chúa của mùa Xuân.

Thứ đến, niềm vui của sự gặp gỡ:

Cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, công việc chỉnh trang nhà cửa và tất bật lo toan cuối năm là để chuẩn bị đón chào năm mới và sự trở về của những người thân trong xa đình. Có thể nói, dịp năm mới là cơ hội thuận tiện để những con người có thời gian gần gũi, trở về bên mái ấm thân thương hàn huyên chuyện cũ, và cũng là lúc nhằm tạo mối thân thiện, gạt bỏ những ích kỷ và lỗi lầm của nhau trong thời gian cũ đồng thời thăm viếng và cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp. Điển hình nét đẹp của sự quên mình của người thân trong gia đình đi làm ăn xa, là lòng quảng đại cho đi của anh chị em, là vòng tay yêu thương của bố mẹ đối với con cái, là sự khiêm tốn lịch sự của con cháu đối với ông bà. Đó là những giá trị nhờ gặp gỡ đã mang lại nét đẹp đậm chất Tin Mừng: “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống quây quần bên nhau” (Tv 133,1), hay “Cứ dấu này mà người ta biết anh em là môn đệ của Thầy là anh em biết yêu thương nhau” (Ga 13,35). Không chỉ thế, gặp gỡ và cùng nhau dâng lời kinh nguyện gia đình đầu năm để cảm tạ Thiên Chúa xin Ngài chúc lành và ban bình an trong năm mới cũng là nét đẹp truyền thống trong mọi gia đình như thánh Phaolô khuyên nhủ: “Những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý” (Pl 4,8).

Và niềm vui khi có Chúa quan phòng:

Khi nhìn lại viễn cảnh của năm qua, ta nhận thấy cuộc sống với nhiều lo lắng và bấp bênh do chiến tranh, lạm phát, nạn thất nghiệp ngày càng tăng. Ta nhìn về một quá khứ với những lo toan, long đong thất bại, cộng với thời đại kỹ thuật số khiến cho con người rơi vào khủng hoảng đức tin, niềm tin vào Thiên Chúa không còn hiện hữu. Trật tự luân lý bị đảo lộn mà thay vào đó là giá trị của vật chất lên ngôi. Những điều này đã khiến chúng ta chùn chân không dám tiến bước vào tương lai, hy vọng cuộc sống tốt đẹp phía trước, không còn muốn dấn thân cho sứ vụ rao giảng Nước Trời.

Đứng trước một tương lai u ám, viễn tượng như thế. Chúng ta tự hỏi, tôi phải làm gì, nhìn vào đâu để bám víu? Ngang qua trình thuật Tin Mừng hôm nay, Chúa dạy ta: “Anh em đừng lo lắng về ngày mai, ngày mai cứ để ngày mai lo” (Mt 6,34). Chúa không khuyên chúng ta sống bất cần, không quan tâm vào cuộc sống hay suy nghĩ biếng nhác làm việc. Nhưng Chúa mời gọi ta sống với niềm tin tưởng, niềm hy vọng. Tin tưởng vào một điều cao trọng hơn những vấn nạn của mạng sống và thân thể đó là sự sống viên mãn với Thiên Chúa. Đó là mục đích tối thượng của người bước theo Chúa. Con đường đó là “tiên vàng hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33).

Ngoài ra, với Lời Chúa hứa, chúng ta tin tưởng Thiên Chúa sẽ biến những nỗi lo thành niềm an ủi; biến những ưu sầu do gánh nặng vật chất thành niềm vui của sự nâng đỡ; biến những lo toan về một tương lai u ám thành niềm vui tràn ngập hy vọng. Trên hết, chúng ta cùng bước vào niềm vui của Tin Mừng, niềm vui vượt qua sự lo lắng như thánh Phaolô Tông Đồ đã cảm nghiệm “Anh em đừng lo lắng gì cả, nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện” (Pl 4,6). Và chúng ta càng xác tín hơn khi chính Đức Giêsu nói: “Anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây?.” Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó.

Sau cùng, ngày đầu năm Giáp Thìn, với niềm vui của tiết trời mùa Xuân, niềm hạnh phúc của sự gặp gỡ và tin tưởng vào Thiên Chúa là Đấng quan phòng mọi sự, chúng ta hãy đặt Người làm chủ cuộc đời ta và “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay” (Tv 36,5). Nguyện xin Chúa Xuân chúc phúc niềm vui và bình an trên mỗi người chúng ta để mỗi người luôn sống trong niềm vui và tin tưởng vào Thiên Chúa. Amen.


 

HÃY TÌM KIẾM NƯỚC THIÊN CHÚA (Lm. P. X. Nguyễn Tất Đạt, SVD)

Một Mùa Xuân nữa lại về trên quê hương đất Việt. Nói đến Mùa Xuân và Tết cổ truyền hẳn là trong tâm hồn mỗi người chúng ta, ai nấy đều hân hoan vì đó là ngày lễ hội truyền thống của dân tộc. Vào những ngày cuối năm cũ, người ta lo trang hoàng nhà cửa, sắm sửa mọi thứ để vui chơi trong những ngày đầu xuân. Những ngày Tết là những ngày vui. Người ta vui mừng vì gia đình được đoàn tụ, được sum họp sau những ngày tháng làm lụng vất vả: con trẻ vui vì được mặc áo mới, được lì xì; người già vui vì được mừng tuổi và chúc thọ.

Ngày đầu năm còn là dịp để người ta xích lại gần nhau hơn, quên đi những điều phiền muộn trong năm cũ, đến với nhau và chúc mừng năm mới cho nhau: chúc cho nhau sống lâu trăm tuổi, an khang thịnh vượng và hy vọng mọi công việc sẽ được an lành mỹ mãn. Theo truyền thống của người Công Giáo Việt Nam, ngày đầu năm mới là ngày cầu xin Chúa ban bình an. Ai cũng mong được bình yên trong tình yêu quan phòng của Chúa. Người xưa cho rằng “vạn sự khởi đầu nan”. Khởi đầu năm mới, bên cạnh niềm vui sum họp, những lời cầu chúc tốt lành dành cho nhau, người ta cũng cảm thấy có nỗi lo lắng, ưu tư cho một năm mới đang đến. Vì thế, người Công Giáo tìm đến Chúa để cầu xin được bình an, mong sao được Chúa phù hộ chở che. Xin mượn lời sách Dân Số để cầu chúc cho nhau: “Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em” (Ds 6,26). Điều mà ai cũng ao ước trong những ngày đầu xuân đó là sự bình an. Một khi có sự bình an thực sự, con người sẽ có được những thứ khác. Một khi có sự bình an thực sự, chúng ta sẽ luôn vui mừng trong Chúa: “Bình an của Thiên Chúa vượt mọi trí hiểu, sẽ giữ lòng trí anh em trong Chúa Giê-su Ki-tô” (Pl 4,7).

Trang Tin Mừng theo thánh Mát-thêu trong ngày Tân Niên, Đức Giê-su chỉ cho chúng ta một phương thế để có được sự bình an, đó là tin tưởng và phó thác vào Thiên Chúa, qua hai cách nói “đừng lo” và “hãy lo”: “Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao?… Tiên vàn, anh em hãy lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,25.33).

Đừng lo: Chúng ta đang sống trong thế giới tục hóa, một thời đại mà con người phải chạy đua với cơm áo gạo tiền, vật chất tiền của, địa vị danh vọng và quyền lực. Mối bận tâm của thế giới tục hoá đã chiếm chỗ rộng lớn trong tâm trí con người chúng ta. Người giàu thì muốn giàu hơn, kẻ nghèo bôn ba kiếm kế sinh nhai lại phải tất bật và nghèo khổ hơn. Tất cả như đang bị cuốn theo vòng xoáy của tiền tài vật chất, có những người đã phải rời xa quê hương, gia đình, vợ con để đi làm ăn ở các tỉnh thành khác hoặc nước ngoài… Điều đó đã dẫn đến những cái kết cục đáng thương: có những người đã phải hy sinh cả tính mạng như vụ “39 người chết trong một thùng xe container đông lạnh ở Anh quốc”; có những người làm ăn thất bại, mất hết cả vốn liếng; có những người kiếm được thật nhiều tiền, nhưng cái họ phải đánh đổi là tình cảm vợ chồng đổ vỡ, con cái hư hỏng, khiến họ lo lắng, chán nản, bất an và dẫn đến mất cả niềm tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa.

Tuy nhiên, điều Chúa muốn nơi mỗi người là: chúng ta không được phép ỷ lại vào sự quan phòng của Chúa một cách quá đáng, nhưng cũng đừng lo lắng thái quá về tiền của, cái ăn cái mặc cho ngày mai, như kiểu của người không có niềm tin: “Chúng ta sẽ ra sao, sẽ ăn gì, uống gì, mặc gì?” (x. Mt 6,31-32).

Hãy lo: “Tiên vàn các con hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người” (Mt 6,33). Hạnh phúc đích thực chỉ dành cho những ai biết tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước tiên. Bởi vì, tiền tài, vật chất, danh vọng hay chức quyền, tất cả rồi cũng sẽ qua đi, không có gì là vĩnh cửu ngoài một mình Thiên Chúa là Đấng trường cửu và những ai trung thành tìm kiếm Người cũng được Người ban cho sự sống viên mãn trong nước của Người. Cùng đích của đời người không hệ tại ở vật chất, tiền bạc, của cải, quyền lực, danh vọng… mà là một cuộc sống trường cửu mai hậu. Chúa biết chúng ta cần gì và chính Người sẽ bảo đảm cuộc sống cho chúng ta. Vì thế, chúng ta “hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay” (Tv 37,5).

Trong giờ phút linh thiêng của ngày đầu năm, thiết nghĩ tâm tình của người Ki-tô hữu trong Thánh Lễ Tân Niên phải là tâm tình phó thác, cậy trông và cầu xin những ơn lành từ lòng thương xót của Chúa cùng với tâm tình tạ ơn. Một năm đã qua với biết bao biến cố vui buồn trong cuộc sống, chúng ta đều cảm tạ Chúa vì muôn phúc lành mà Chúa đã thương ban. Tình yêu thương mà chúng ta có thể cảm nghiệm là ngay trong giây phút này đây mình vẫn đang sống, vẫn đang hiện diện, để được cùng sum họp với gia đình và cộng đoàn. Đồng thời mỗi người chúng ta cũng xin lỗi Chúa vì những yếu đuối, thiếu sót của phận người, những phận vụ mà mình chưa chu toàn đối với Chúa và với tha nhân.

Và sau cùng, bước sang Năm Mới Quý Mão, ai trong chúng ta cũng cầu mong và mơ ước cho bản thân, cho gia đình mình, cho những người thân yêu và muôn dân nước mọi điều may mắn tốt đẹp nhất. Chúng ta hy vọng một năm Quý Mão sẽ đầy thuận lợi hơn năm Nhâm Dần đã qua, với nhiều ân sủng Chúa Xuân. Nguyện xin Thiên Chúa chúc phúc và giúp chúng ta luôn biết lắng nghe và thực thi Lời Chúa, bởi đó chính là chiếc chìa khoá đem lại niềm vui, hạnh phúc và bình an đích thực cho mỗi người. Amen.


 

HẠNH PHÚC ĐÍCH THỰC (Lm. P. X. Nguyễn Văn Phú, SVD)

Đoàn viên, trở về nguồn cội, và giao hòa với đất trời tạo nên sự linh thiêng của ngày Tết đối với mỗi người con Đất Việt. Hôm nay, ta được thúc bách từ tận tâm can để nhìn lại quá khứ với những cung bậc cảm xúc khác nhau, nhìn về tương lai với những quyết tâm và hi vọng, nhìn ra cuộc đời với con tim rộng mở hướng tới đồng loại, tạo vật và Tạo Hóa.

Happy New Year! Lời cầu chúc tốt đẹp này được viết và được nói khắp nơi vào mỗi dịp xuân về. Đó cũng chính là khát vọng sâu xa và to lớn nhất của nhân loại thuộc mọi nơi mọi thời. Con người muốn hạnh phúc nên ta ước mong cho bản thân và cầu chúc cho nhau một năm mới hạnh phúc là điều đương nhiên. Nhưng “hạnh phúc tự bản chất là gì?”, “có hạnh phúc đích thực hay không?”, và “nếu có ta có thể tìm nó ở đâu?” là những câu hỏi khó mà không phải ai cũng có đủ can đảm và sự nghiêm túc trong việc tìm câu trả lời.

Từ cổ chí kim, từ đông sang tây, không ít người dành rất nhiều tâm huyết tìm hiểu về hạnh phúc, và điều lạ là con số định nghĩa về hạnh phúc cũng tương tương với số người nghiên cứu về nó vậy. Ai cũng đi tìm hạnh phúc, nhưng từ góc nhìn và môi trường sống đặc thù, mỗi người lại có quan niệm riêng về nó. Thông thường hạnh phúc được hình thành dựa trên bậc thang giá trị mà một người có được. Tự bản năng, chúng ta vẫn sắp đặt tiền tài và danh vọng ngự trị ở bậc cao nhất. Mở rộng thêm một chút, ta thường đồng hóa hạnh phúc với những gì mình sở hữu. Sở hữu nhiều thì hạnh phúc nhiều, mất mát đồng nghĩa với bi kịch. Nếu thế, hạnh phúc có lẽ cũng mong manh như chính cuộc sống vậy, nay còn mai có thể mất, ít nhất là hạnh phúc đích thực. Ta hạnh phúc vì đang có nhiều tiền, nhưng một vụ đầu tư thiếu hợp lí sẽ tiễn cái hạnh phúc của ta vào dĩ vãng; ta đang hạnh phúc vì sức khỏe tốt, nhưng một con virus nhỏ xíu xâm nhập cũng đủ để làm cuộc đời trở nên điêu đứng; ta đang hạnh phúc vì được sinh ra trong một gia đình mà tình yêu luôn được đong đầy, nhưng sự qua đời của một thành viên nào đó sẽ phá hỏng đi tất cả, hạnh phúc cũng vì thế mà từ biệt…

Thế thì hạnh phúc hệ tại ở chỗ nào? Epicurus (341-270 B.C), triết gia Hi Lạp, cho rằng, hạnh phúc bền vững không hệ tại ở việc sở hữu mà là quan hệ xã hội: “trong tất cả những gì trí khôn đề xuất để người ta sống cả đời hạnh phúc, quan trọng nhất là tìm được tình bạn”[1]. Điều này khá trùng hợp với kết luận của Economics Foundation[2] rằng, không phải tiền tài, danh vọng hay việc sống thọ mà là các mối quan hệ, sau đó là cảm giác làm được điều hữu ích, tiếp theo tùy hoàn cảnh mà thêm sức khỏe và tự do[3]. Con người tự bản chất có tính xã hội nên chỉ có thể sống tròn đầy khi sống với và sống cùng trong mối tương quan đẹp, tức là cho và nhận, yêu và được yêu. Chính tình yêu làm cho ta có hạnh phúc và hạnh phúc là hoa trái của tình yêu. Cả hai gắn chặt với nhau đến nỗi linh mục Michel Marie Zanotti Sorkine người Pháp, tác giả của nhiều cuốn sách giá trị, đã khẳng định: “hạnh phúc và tình yêu là một cặp không sửa đổi được và ai muốn tách chúng nó ra, người đó suýt bị mất trí”[4]. Hạnh phúc trở nên viên mãn khi ta sống trong mối tương quan tình yêu với Đấng Viên Mãn – Đấng là Chân – Thiện – Mỹ.

Hãy xem chim trời, ngắm xem hoa huệ! Con người, nhờ trí thông minh từ bộ não đặc biệt của mình, có khả năng nhìn lại những biến cố đã qua với sự nhận định cùng những cung bậc cảm xúc khác nhau. Tiếc nuối khi bỏ qua một cơ hội tốt, hối hận khi thực hiện một hành động sai trái, đau buồn khi gặp đau thương mất mát, vui với các trải nghiệm tích cực hay những thành quả tốt đẹp từ nỗ lực của bản thân. Nhìn lại là một hành động cần làm. Ta khám phá ra ở đó bài học của kinh nghiệm, bài học về giá trị và ý nghĩa để hướng đời mình tới chỗ tốt đẹp hơn và ý nghĩa hơn.

Ngày tết là cơ hội tốt để ta nhìn lại, ý nghĩa hơn nữa là nhìn lại với con mắt Đức tin. Đức tin gắn liền với mặc khải. Ta biết Chúa, biết vũ trụ và biết chính mình vì được Thiên Chúa mở con mắt Đức tin giúp ta khám phá ra rằng, không chỉ khi yên ổn, thành công, hoan hỉ… mà cả lúc sóng gió, thất bại, chán chường…, Thiên Chúa luôn hiện diện và quan phòng. Không phải Thiên Chúa “bế” hạnh phúc hay đau khổ đến cho ta nhưng qua các biến cố với những sắc thái đa dạng, Ngài khơi gợi để ta nhận ra: tôi được nhìn thấy và quan tâm, được trao cơ hội khám phá các giá trị, được mặc khải kế hoạch cứu độ của Ngài cho cá nhân và đồng loại. Sự sống thật tuyệt diệu bởi nó xuất phát từ Thiên Chúa là sự sống đích thực. Tôi được sinh ra, được sống và nằm trong kế hoạch của Đấng là cội nguồn của mọi sự sống để dẫn sự sống của tôi đến chỗ hoàn thiện và bền vững. Chính vì “cuộc sống dồi dào” của tôi và đồng loại mà chính Chúa đã phải đánh đổi bằng cả sự sống của chính mình. Quả là một tình yêu tuyệt đỉnh vì “không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hi sinh mạng sống của mình cho bạn hữu” (Ga 15,13). Thật vậy, tôi được Chúa yêu bằng một tình yêu vô biên và vô vị lợi, một tình yêu vượt qua biên giới hiểu biết của chính tôi. Điều này đủ để tuôn chảy vào trong tôi một sức sống dồi dào, đủ để tôi cất lên một tiếng “ngợi khen” và đủ để cuộc đời tôi chìm trong tâm tình biết ơn. Hạnh phúc!

Anh em đừng lo lắng! Chúng ta đang đứng trước thềm của năm mới, năm Tân Sửu. Lẽ thường, cái mới có thể mang đến sự bất ngờ thú vị, những may mắn, niềm vui và hạnh phúc, nhưng đồng thời nó cũng có thể mang lại cho ta sự rủi ro, nguy hiểm, thất bại và đau khổ. Vì những rủi ro mà cái mới có thể mang lại, nên khi đứng trước thềm năm mới, chúng ta sợ hãi và lo lắng cũng là chuyện thường tình. Phải thôi, vì thực sự, chúng ta không biết chắc, trong năm mới này, chúng ta sẽ như thế nào, cuộc sống sẽ đi về đâu, gia đình, cộng đoàn và thế giới có thực sự yên bình? Lời trấn an của Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay “đừng lo lắng!” có lẽ là điều mà ta cần suy nghĩ.

Ai cũng muốn cuộc đời của mình thành công. Ta được khuyên là phải có tầm nhìn đủ lớn, đặt ra mục tiêu đúng đắn và có phương cách thích hợp để biến mục tiêu thành hiện thực qua sự nỗ lực mỗi ngày. Đã có nhiều người đi theo tiến trình đó và gặt hái những thành công nhất định. Mọi chuyện bắt đầu ở tầm nhìn. Tuy nhiên, tương lai vẫn mãi là tương lai nếu ta không đi qua giây phút hiện tại. Hic et Nunc, tại đây và lúc này mới là khoảnh khắc quan trọng nhất của cuộc đời. Tận hưởng cái khoảnh khắc lúc này: bầu trời đầy sao, ánh nắng dễ chịu của buổi ban mai, sự trong mát của nước biển, huơng sắc của hoa, màu xanh của lá, nụ cười thân thiện của cụ già, ánh mắt hồn nhiên của trẻ thơ, cảm giác lâng lâng sau khi thực hiện một việc làm ý nghĩa, hay một bài học quý giá từ sự mất mát và thất bại … làm ta thêm trân trọng từng khoảnh khắc của cuộc đời. Tập trung sống giây phút hiện tại là điều kiện cần thiết để ta sống hạnh phúc. Ta “thỉnh thoảng nghĩ đến tương lai là hợp lý, liên tục nghĩ đến tương lai là cướp đi khoảnh khắc hiện tại”[5]. Chính Đức Giêsu cũng đã khẳng định rằng, một sợi tóc trên đầu chúng ta cũng không thể hóa trắng hay đen được (x. Mt 5, 36) nên nghĩ quá nhiều về tương lai chẳng khác gì từ chối sự sống và chôn vùi hạnh phúc của chính mình.

Một lần đi dâng lễ tại nhà thờ Philippus, Munich, Đức Quốc, tôi rất ấn tượng với lời chúc năm mới (được viết và treo ở bảng thông tin của giáo xứ) của vị linh mục quản xứ dành cho những người gốc Á Châu vào dịp tết của họ. Lời chúc đó được bắt đầu bằng ý tưởng của một Kitô hữu Trung Hoa: Tôi nói với vị thiên thần đang đứng trước cửa ngõ của năm mới: “Xin thiên thần cho con một ngọn đèn, để con có thể vững bước ở những nơi tối tăm và gập gềnh.” Thiên Thần liền trả lời tôi: “Cứ tiến vào bóng đêm và chỉ cần đặt tay ngươi vào tay Chúa. Điều đó tốt hơn ánh đèn và chắc chắn hơn cả con đường quen thuộc.” Hạnh phúc biết bao khi có một cánh tay như vậy! Điều mà thiên thần đã nói thật đúng và thật quan trọng. Bạn không biết chuyện gì sẽ xảy đến và ai sẽ ra đi. Nhưng bạn sẽ chắc chắn một điều là ai giữ gìn và nâng đỡ bạn kể cả bế bạn vượt qua vực sâu.[6]

Thật vậy, chỉ cần đặt tay ta vào tay của Chúa thì ta không còn phải lo lắng và sợ hãi trước bóng đêm và những cạm bẫy của cuộc đời, bởi chính Ngài là ánh sáng đích thực không bao giờ tàn phai; chỉ cần đặt tay mình vào tay Chúa, chúng ta sẽ được Chúa bảo vệ và dẫn bước trên con đường của bình an, con đường của tình yêu thương, con đường dẫn đến sự sống dồi dào (x. Ga 10, 9-10)

Cha Henri Nouwen trong cuốn sách Bạn là Người Được Yêu đã viết: “Trong sâu thẳm của con người vẫn khắc ghi hình ảnh thiên đàng, thứ mà họ đã đánh mất. Hay có thể dùng từ vô tội, từ thánh thiện để nói thay cho từ thiên đàng. Chúng ta đã thánh thiện trước khi chúng ta nhận thấy mình tội lỗi, chúng ta đã sống trong ánh sáng trước khi chúng ta rơi vào bóng tối, chúng ta đã ở trong thiên đàng trước khi chúng ta bắt đầu đi tìm một quê hương đích thực.”[7]  Trở về nơi sâu thẳm nhất của lòng mình để gặp gỡ Thiên Chúa, được quyến rũ bởi cái chân-thiện-mỹ nơi Ngài, được thu hút bởi tình yêu vô biên từ Ngài và ở lại trong Ngài là cách tốt nhất và đúng nhất để ta đạt tới hạnh phúc đích thực. Amen.

[1] Richard David Precht, Tôi là ai? Và nếu vậy thì bao nhiêu, bản dịch tiếng Việt, nxb. Dân Trí 2015, tr 483 tt.

[2] Một tổ chức nghiên cứu kinh tế-xã hội có trụ sở chính tại Vương quốc Anh

[3] Richard David Precht, Sdd, tr. 467.

[4] Michel Marie Zanotti Sorkine, Làm Tin Được Có Thiên Chúa, bản dich tiếng Việt, nxb. Tôn Giáo 2017, tr 13.

[5] Richard David Precht, sđd, tr. 485

[6] Tạm dịch từ tiếng Đức

[7] Henri J.M. Nouwen, Du bist der geliebte Mensch, Herder Freiburg im Preisgau 1993, tr. 36


 

NƯỚC THIÊN CHÚA VÀ ĐỨC CÔNG CHÍNH  (Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD)

Những ngày đầu của Năm Mới, người ta thường cầu chúc nhau Phúc – Lộc – Thọ và nhất là sự bình an. Tuy nhiên, cuộc sống con người không chỉ dừng lại ở sự giàu có và trường thọ mà con người còn phải biết hướng về Đấng đã dựng nên mình, hướng về tổ tiên nguồn cội vì có ông bà, cha mẹ mới có mình. Và hơn thế nữa, có một Đấng Tối Cao đã dựng nên vũ trụ và tổ tiên mình nên mình phải luôn nhớ đến trước hết và trên hết.

Do đó, vào ngày đầu Năm Mới, Giáo Hội Công Giáo muốn sắp xếp các bài đọc trong thánh lễ để nói lên ý nghĩa về sự quan phòng của Thiên Chúa, Đấng làm chủ thời gian và không gian, làm chủ vận mệnh của vũ trụ và thế giới, làm chủ cuộc đời của mọi người chúng ta. Cho nên cầu bình an cho năm mới là tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người. Cầu xin bình an trong năm mới là cầu xin cho có lòng tin vào Thiên Chúa quan phòng.

Có rất nhiều người giàu có và địa vị cao nhưng đôi lúc cũng thốt lên lời ai oán rằng họ không cảm thấy bình an vì tuy giàu có, trưởng giả, nhà cao cửa rộng nhưng vợ chồng lục đục, con cái hư hỏng. Nhiều người khác cảm thấy bất an vì quá lo lắng về của cải vật chất, để rồi trằn trọc nghĩ suy tính toán dẫn đến mất hết thời gian nghỉ ngơi, vui chơi, tâm sự với người khác và cuối cùng là dẫn đến mất cả niềm tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa.

Quả thật Chúa Giêsu không bao giờ dạy chúng ta lười biếng hay ỷ lại, nhưng Ngài muốn chúng ta đừng quá cậy vào sức mình mà quên đi niềm phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Sự tin tưởng vào Chúa Quan Phòng không mang tính cách thụ động, khoanh tay ngồi chờ ‘sung rụng’, không phải có thái độ bi quan, yếm thế, buông xuôi. Chúa dạy chúng ta luôn biết cộng tác với Người. Tin tưởng, phó thác vào Chúa là cùng với Chúa để làm cho vũ trụ này mỗi ngày một tốt đẹp hơn. Thánh Giacôbê đã từng nói: “Đức tin không việc làm là một đức tin chết” (Gc 2,26). Là người có đức tin, chúng ta phải đem “hết sức mình, hết lòng, hết trí khôn, hết linh hồn” để cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa, biết xây dựng Nước Trời cho tình thương của Chúa được khắp nơi biết đến.

Vì thấu hiểu những khao khát, lo lắng của con người, Chúa Giêsu đã đưa ra một bằng chứng cụ thể để nâng đỡ đức tin của chúng ta vào sự quan phòng của Người đối với các thụ tạo: “Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng… Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Salômôn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy” (Xc Mt 6,26tt), Chúa Giêsu nhấn mạnh, đến chim trời, đến hoa cỏ ngoài đồng còn được Chúa quan phòng cho mọi sự tốt đẹp như vậy huống chi con người, vì con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa và được Chúa Giêsu Kitô cứu chuộc bằng chính giá máu của Người, chẳng lẽ Chúa không quan phòng cho nó tốt đẹp hơn bội phần những loài khác sao?

Thật ra, Chúa muốn chỉ cho con người biết cái gì là chính cần quan tâm nhất trong cuộc đời, cái gì là phụ thì không cần phải để tâm nhiều. Điều quan trọng nhất trong cuộc đời là có một tâm hồn khỏe mạnh trong sáng, loại trừ được tội và những thói xấu, không để mình bị lạm dụng và lợi dụng bởi ma quỷ. Khi có một đời sống tinh thần thoải mái thanh thản như thế, chúng ta sẽ cảm nhận được sự bình an hạnh phúc vì chính Chúa ở trong những tâm hồn đó.

Do vậy, Chúa đã nhắc nhở: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (Mt 6,33), nghĩa là: Thiên Chúa phải chiếm chỗ ưu tiên trong cuộc sống và công việc của chúng ta, rồi đến việc cứu rỗi bản thân và đưa người khác về với Chúa. Nếu đảo lộn trật tự này tức là chúng ta đi ngược thánh ý Thiên Chúa và chương trình của Người.

Hai cái Tết vừa qua chúng ta hoàn toàn bất an vì con virus vô hình đã làm tan biết những cuộc hội ngộ, đã chia cắt mọi người với nhau, và kinh khủng hơn nữa đã làm biết bao nhiêu người ra đi đột ngột không một lời trăn trối, thậm chí người thân cũng không được gặp nhau lúc an táng hay hỏa táng. Năm nay đón Tết chúng ta mong có được sự bình an thật sự vì đó là khao khát sâu thẳm trong tâm hồn chúng ta. Dù sống trong một quốc gia có được xem là an toàn đến mấy, người ta vẫn cảm thấy cần sự bình an, vì chỉ khi có bình an cuộc sống mới an vui, hạnh phúc. Thực tế từ xã hội và thế giới cho thấy, nhân loại dường như luôn phải sống trong chiến tranh bạo lực, thiên tai, nhân tai có thể ập xuống bất cứ lúc nào trên con người. Con người cảm thấy cuộc sống của mình thật mong manh, giới hạn trước sự xoay vần của vũ trụ, trước những tai họa từ thiên nhiên hoặc từ con người gây ra cho nhau. Vì vậy, con người luôn cầu xin và cầu chúc cho nhau được bình an vì Thiên Chúa chính là sự bình an tuyệt đối nếu chúng ta biết tin tưởng và phó thác vào Người.

Mọi người cầu chúc cho nhau sự bình an trong ngày đầu năm mới là điều rất tốt, nhưng tốt hơn và quan trọng hơn là phải cùng nhau xây dựng sự bình an và đem bình an đến cho gia đình và mọi người. Thánh Phaolô Tông Đồ trong thư gởi cho giáo đoàn Philiphê nhắn nhủ rằng phải tái lập lại sự trật tự trong tâm hồn, sống niềm vui thánh thiện xuất phát từ trong tâm hồn. Đây là bước căn bản để chúng ta đem bình an đến cho mình và người khác. Thánh Phaolô đã mời gọi: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: Vui lên anh em! Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hòa rộng rãi, Chúa đã gần đến” (Pl 4,4-5). Dù sống trong hoàn cảnh nào, chúng ta hãy biết cầu nguyện và trải lòng ra trước mặt Thiên Chúa. Mỗi người cố gắng sống ngay thẳng trước mặt Thiên Chúa, xây dựng một tương quan tốt đẹp con thảo với Người, thì chính Người sẽ là bình an và nguồn vui trong tâm hồn chúng ta. Thánh Phaolô còn nói thêm rằng khi mỗi người sống trong bình an của Thiên Chúa như thế thì họ có thể đem bình an của Chúa đến cho người khác qua cuộc sống mình.

Vì thế, để bắt đầu cho một ngày mới, mỗi người hãy làm từ nơi bản thân: Tìm kiếm sự bình an đích thực trong tâm hồn qua Bí Tích Hòa Giải, tẩy rửa  mình khỏi tội lỗi và những sự dày vò do tội gây ra; gạt bỏ khỏi mình sự ích kỷ kiêu căng cũng như tham lam thu vén tích góp cho bản thân. Kế đến, chúng ta có thể đem bình an và niềm vui mình có được cho người khác bằng sự chân thành, cảm thông. Tết đến cũng là lúc chúng ta dễ sa đà vào chuyện chè chén say sưa, bài bạc, cá độ gây bất an, bất ổn cho gia đình, vợ chồng, con cái và xóm làng. Hãy biết chừng mực và tỉnh táo để có thể kiềm chế bản thân, đem lại bình an thật sự cho Năm Mới chứ đừng gây ra sự chia rẽ, hận thù và đau khổ.

Lạy Chúa, để có được sự bình an trong Năm Mới, trước hết chúng con mong muốn Chúa hiện diện trong gia đình, trong tâm hồn của mỗi người chúng con để Chúa hướng dẫn chúng con đi theo đường lối của Người. Xin cho chúng con nhân ngày đầu năm mới này, biết phân định giữa việc chọn Chúa hay chọn tiền bạc, lo lắng đến vật chất hay luôn tín thác vào sự quan phòng của Chúa. Xin cho chúng con biết ưu tiên tìm kiếm Nước Chúa và sự thánh thiện, để mọi thứ khác Chúa sẽ ban cho chúng con. Xin Chúa ban bình an và hạnh phúc cho quê hương, cho gia đình chúng con và cho tất cả mọi người. Chúc mừng Năm Mới! Amen.

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Sáu, Tuần 5 TN)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Mồng Một Tết Giáp Thìn, Mt 6,25-34)