Lời Chúa + Bài giảng MỒNG BA TẾT

0
914

Bài đọc 1: St 2,4b-9.15

Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Ê-đen để con người canh tác và coi sóc đất đai.

Bài trích sách Sáng thế.

4b Ngày Đức Chúa là Thiên Chúa làm ra đất và trời, 5 chưa có bụi cây ngoài đồng nào trên mặt đất, chưa có đám cỏ ngoài đồng nào mọc lên, vì Đức Chúa là Thiên Chúa chưa cho mưa xuống đất và không có người để cày cấy đất đai. 6 Nhưng có một dòng nước từ đất trào lên và tưới khắp mặt đất. 7 Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật. 8 Rồi Đức Chúa là Thiên Chúa trồng một vườn cây ở Ê-đen, về phía đông, và đặt vào đó con người do chính mình nặn ra.

9 Đức Chúa là Thiên Chúa khiến mọc lên từ đất đai đủ mọi thứ cây trông thì đẹp, ăn thì ngon, với cây trường sinh ở giữa vườn, và cây cho biết điều thiện điều ác. 15 Đức Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Ê-đen, để cày cấy và canh giữ đất đai.

 

Đáp ca: Tv 103,1bc và 14a.14b-15.20-21.22-23.24 (Đ. c.1bc)

Đ.Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ,
Chúa muôn trùng cao cả!

1bLạy Chúa là Thiên Chúa con thờ,1cChúa muôn trùng cao cả!14aNgài khiến mọc cỏ xanh nuôi sống đàn gia súc,
làm tốt tươi thảo mộc cho người thế hưởng dùng.

Đ.Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ,
Chúa muôn trùng cao cả!

14bTừ ruộng đất, họ kiếm ra cơm bánh,15chế rượu ngon cho phấn khởi lòng người,
xức dầu thơm cho gương mặt sáng tươi,
nhờ cơm bánh mà no lòng chắc dạ.

Đ.Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ,
Chúa muôn trùng cao cả!

20Đêm trở lại khi Chúa buông màn tối,
chốn rừng sâu, muôn thú tung hoành.21Tiếng sư tử gầm lên vang dội,
chúng săn mồi, gào xin Chúa cho ăn.

Đ.Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ,
Chúa muôn trùng cao cả!

22Ánh dương lên, chúng bảo nhau về,
tìm hang hốc, chui vào nằm nghỉ.23Đến lượt con người ra đi làm lụng,
những mải mê tới lúc chiều tà.

Đ.Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ,
Chúa muôn trùng cao cả!

24Công trình Ngài, lạy Chúa,
quả thiên hình vạn trạng!
Chúa hoàn thành tất cả thật khôn ngoan,
những loài Chúa dựng nên lan tràn mặt đất.

Đ.Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ,
Chúa muôn trùng cao cả!

 

Bài đọc 2: Cv 20,32-35

Những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, chính đôi tay này tự cung cấp lấy.

Bài trích sách Công vụ Tông Đồ.

32 Khi ấy, ông Phao-lô ngỏ lời cùng các kỳ mục trong cộng đoàn Ê-phê-xô rằng: “Giờ đây, tôi xin phó thác anh em cho Thiên Chúa và cho lời ân sủng của Người, là lời có sức xây dựng và ban cho anh em được hưởng phần gia tài cùng với tất cả những người đã được thánh hiến.

33 “Vàng bạc hay quần áo của bất cứ ai, tôi đã chẳng ham. 34 Chính anh em biết rõ: những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp. 35 Tôi luôn tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế, và phải nhớ lại lời Chúa Giê-su đã dạy: cho thì có phúc hơn là nhận.”

 

Tin mừng: Mt 25,14-30

14 Khi ấy, Đức Giê-su kể cho các môn đệ nghe dụ ngôn này: “Người kia sắp đi xa, gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ.

15 Ông đưa cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tuỳ khả năng riêng mỗi người. Rồi ông ra đi. Lập tức, 16 người đã lãnh năm yến lấy số tiền ấy đi làm ăn, và gây lời được năm yến khác.

17 Cũng vậy, người đã lãnh hai yến gây lời được hai yến khác.

18 Còn người đã lãnh một yến thì đi đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ.

19 Sau một thời gian lâu dài, ông chủ các đầy tớ ấy đến và yêu cầu họ thanh toán sổ sách.

20 Người đã lãnh năm yến tiến lại gần, đưa năm yến khác, và nói: ‘Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm yến, tôi đã gây lời được năm yến khác đây.’

21 Ông chủ nói với người ấy: ‘Khá lắm! Anh đúng là tôi tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!’

22 Người đã lãnh hai yến cũng tiến lại gần và nói: ‘Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi hai yến, tôi đã gây lời được hai yến khác đây.’

23 Ông chủ nói với người ấy: ‘Khá lắm! Anh đúng là tôi tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!’

24 Rồi người đã lãnh một yến cũng tiến lại gần và nói: ‘Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi.

25 Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông vẫn còn nguyên đây này!’

26 Ông chủ đáp: ‘Anh thật là tôi tớ xấu xa và biếng nhác! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi,

27 thì đáng lý anh phải gởi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ!

28 Vậy các ngươi hãy lấy yến bạc khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười yến.

29 Vì phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi.

30 Còn tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng’.”


 

CHIA SẺ CHỦ ĐỀ

NÉN BẠC CHÚA TRAO (Tu sĩ Antôn Pađôva Hà Thừa Lực, SVD)

 

Những ngày đầu Xuân Năm Mới, những lời cầu chúc tốt đẹp dành cho nhau như: An khang thịnh vượng, phúc – lộc – thọ, tiền vào như nước sông đà, tiền ra nhỏ giọt như cà phê phin… là những câu chúc thường được mọi người dành tặng cho nhau trong những ngày đầu Xuân Năm Mới. Theo truyền thống của Giáo Hội Việt Nam, ngày mồng ba tết là ngày Giáo Hội đặc biệt dành để cầu nguyện cho công ăn việc làm trong một năm mới nhằm giúp cho mọi người hiểu rõ giá trị của lao động và tiền bạc. Cũng trong ý tưởng đó, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta cùng suy tư về tiền của và những yến bạc Chúa trao cho mỗi người qua dụ ngôn những nén bạc.

Nén bạc được giao

Thiên Chúa luôn yêu thương và tin tưởng con người. Ngài ban cho con người quyền làm chủ vũ trụ và làm chủ cuộc đời của mình. Ngài ban cho có sức khoẻ, thời gian và tài năng khác nhau. Đó chính là những yến bạc mà Chúa trao phó cho mỗi một người. Vì thế, bổn phận của chúng là phải cộng tác với ơn Chúa để làm sinh lợi.

Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta dụ ngôn “Những yến bạc.” Dụ ngôn ấy kể về việc, ông chủ sắp đi xa và liền gọi đầy tớ lại mà giao cho các đầy tớ những yến bạc và căn dặn hãy ra đi và làm “sinh lợi.” Ông chủ ở đây chính là Thiên Chúa; các nén bạc được ví như những khả năng mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta như: Thời gian, sức khoẻ, tài năng, Hành động “gọi” và “giao” những yến bạc cho các đầy tớ thể hiện một hành vi tin tưởng hoàn toàn vào người đầy tớ. Ông chủ hoàn toàn để cho người đầy tớ có tự do để sử dụng và phân phối những số bạc được giao tuỳ theo khả năng của mỗi người. Vậy, những người đầy tớ đã sử dụng số tiền được giao như thế nào?

Sử dụng nén bạc

Chúng ta biết rằng, Chúa ban cho con người những ân huệ, những tặng phẩm và khả năng khác nhau. Có người được cho năm yến và có người đươc cho hai yến. Việc được ban nhiều hay ít không phải là vấn đề nhưng điều quan trọng là chúng ta đã sử dụng nó như thế nào và làm lợi nó ra sao. Tin Mừng cho chúng ta thấy rõ, sau khi lãnh nhận những yến bạc, hai nhóm đầy tớ hành động khác nhau. Nhóm thứ nhất tạm gọi là nhóm sinh lợi. Đó là người đầy tớ được ông chủ giao cho năm yến và người được giao cho hai yến. Chúng ta thấy thái độ mau mắn và trách nhiệm của họ khi họ nhận được sự trao phó của ông chủ. Tác giả dùng cụm từ “ngay lập tức” để diễn tả sự mau mắn của hai người đầy tớ đầu tiên. Họ đã liều mình và chủ tâm tìm cách làm cho nén bạc được sinh lời. Nhóm thứ hai tạm gọi là nhóm không sinh lời, hay còn được gọi là nhóm biếng nhác. Họ không quan tâm tới việc làm lời, họ đem yến bạc đi chôn giấu. Thiên Chúa không đòi hỏi những gì vượt quá khả năng của con người, nhưng muốn mỗi người chúng ta phục vụ Thiên Chúa và tha nhân với khả năng của mình.

Quả thật, hai hình ảnh đối lập của hai nhóm đầy tớ trên cũng chính là hình ảnh của con người thời nay. Có những người luôn cố gắng hết mình để sống tâm tình tạ ơn Thiên Chúa và sử dụng tất cả những gì Chúa ban cho mình để làm lời, để phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân. Tuy nhiên, nhiều người trong chúng ta cũng giống như người đầy tớ biếng nhác, chỉ biết đem nén bạc mình đi cất giấu. Họ có khả năng, có sức khoẻ, có công có của nhưng họ chỉ sống cho mình mà thờ ơ với người khác. Họ vô ơn đối với Thiên Chúa. Họ tự cao tự đại rằng tất cả những gì họ có chỉ là do sức họ làm ra. Vì thế, họ cứ sống thờ ơ, nguội lạnh và sống như thể chẳng cần trời cũng chẳng cần đất. Dẫu biết rằng, Thiên Chúa cho con người tự do để lựa chọn cách sống cho riêng mình, nhưng Ngài cũng mời gọi con người ý thức thân phận của mình. Ý thức rằng Thiên Chúa mới là ông chủ đích thực và mỗi con người chỉ là người quản lý các ân huệ của Thiên Chúa. Khi trao ban yến bạc ông chủ cũng căn dặn đầy tớ rằng: “Hãy làm sinh lợi cho đến khi tôi đến” (Lc 19,13). Điều này cho ta thấy ý muốn của ông chủ thật rõ ràng: Phải sinh lợi. Sinh lợi nhiều hay ít không là vấn đề nhưng cần phải sinh lời. Cũng vậy, khi Thiên Chúa ban tặng cho ta sức khoẻ, thời gian, tài năng và những ân huệ khác, Ngài cũng muốn mỗi người chúng ta sử dụng nó cách hợp lý và trách nhiệm. Đặc biệt, chúng ta không được chôn vùi những ân huệ Chúa ban như người đầy tớ đã chôn vùi yến bạc. Mỗi lần chúng ta nhậu nhẹt quá đà; mỗi lần chúng ta ăn chơi trác tang; mỗi lần chúng ta biếng nhác; mỗi lần chúng ta thờ ơ với những người nghèo khổ bất hạnh là những lúc chúng ta đang chôn dấu đi những nén bạc mà Chúa đã trao cho mỗi người chúng ta. Chính vì thế, khi ông chủ trở về ông sẽ hỏi mỗi người chúng ta rằng con đã sinh lười được gì cho Ta. Chúa ban cho ta sức khoẻ và thời gian, liệu rằng chúng ta có dùng để phục sự Chúa và phục vụ tha nhân không? Và dựa vào việc sinh lời mà ông chủ sẽ thưởng phạt cho mỗi người thích đáng.

Sự phân xử của ông chủ.

Không chỉ dừng lại ở việc sinh lời nhưng tường thuật Tin Mừng còn cho biết, khi ông chủ trở về Người đã gọi các đầy tớ lại và để thanh toán sổ sách. Người đầy tớ nhận năm nén tới và đưa cho ông chủ năm nén khác và thưa ông chủ tôi đã làm lời được năm nén khác. Rồi người lãnh hai nén cũng tiến tới và thưa ông chủ ông giao cho tôi hai nén tôi cũng đã làm lời được hai nén dây. Nghe thế, ông chủ rất đổi vui mừng và thốt lến “Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành.” Ông chủ đã không đề cập tới số lượng nén bạc mà hai đầy tớ đã làm sinh lời nhưng nhấn mạnh đến sự tài giỏi và lòng trung thành của những người đầy tớ này. Với ông, sinh lợi ít hay nhiều không phải là điều quan trọng nhưng quan trọng là phải sinh lời. Việc sinh lời nhiều hay ít là tuỳ khả năng của mỗi người. Qua đây, chúng ta thấy điều Chúa muốn nơi mỗi người chúng ta là phải biết sử dụng nén bạc Chúa trao. Chúa không đòi hỏi mọi người phải làm sinh lợi bằng nhau. Mỗi người được Chúa ban số lượng nén bạc không bằng nhau nhưng cần bằng nhau về sụ nổ lực để sinh lợi. Chúng ta là người giỏi giang hay bình thường không quan trọng, điều quan trọng là chúng ta sẵn sàng phục vụ Thiên Chúa và tha nhân bằng cả con tim và cõi lòng mình.

Kính thưa cộng đoàn, trong ngày lễ thánh hoá công ăn việc làm hôm nay, một lần nữa Giáo Hội không chỉ mời gọi mỗi người chúng ta suy gẫm về việc tìm kiếm những của ăn ở đời này mà còn mời gọi chúng ta ý thức sâu xa hơn về việc tìm kiếm những của ăn thiêng liêng, tìm kiếm những giá trị của Nước Trời. Đồng thời, Giáo Hội cũng mời gọi chúng ta phải ý thức và trách nhiệm trong việc sử dụng và quản lý tất cả những gì mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta.

Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho công việc và dự định của chúng ta trong năm mới này được nhiều kết quả tốt đẹp. Ước gì mỗi người chúng ta ngày một giàu hơn về đời sống vật chất và vững mạnh hơn về đời sống tâm linh. Xin Chúa chúc lành cho quý ông bà anh chị em. Amen.


MỘT YẾN THÌ SAO? (Lm. Giuse Đỗ Nguyên Vũ, SVD)

Tào tháng 4/2020 vừa qua, khi đại dịch COVID-19 đang còn trong đỉnh điểm của lây nhiễm và cách ly, ngân hàng thế giới (WB) đã dự đoán rằng đại dịch có thể đẩy 60 triệu người vào cảnh nghèo đói cùng cực, đồng thời mọi thành quả đạt được về kinh tế trong hơn 3 năm qua đều “như công dã tràng” đổ sông đổ biển. Bức tranh nhuốm màu xám ấy chắc chắn không ai muốn nhớ lại ngay vào đầu năm mới, năm Tân Sửu như thế này. Năm con trâu lại là năm “phải cày” để bù lại nhiều tháng đình trệ do con “cô-vi” làm gián đoạn và suy sụp mọi thứ. Chúng ta “phải cày” để sinh lợi lên gấp bội “yến bạc” Chúa ban bằng thái độ tích cực, chịu thương chịu khó; chỉ có cần mẫn như bác Sửu thì không lo gì cuộc sống thịnh vượng lại tiếp tục nảy nở sinh sôi. Nhưng bạn sẽ làm gì đây khi chỉ có một yến?

Tạ Ơn Chúa

Hãy tạ ơn ngay là bước đầu tiên vì tối thiểu trong tay bạn đang có “một yến.” Tâm tình tạ ơn có rất nhiều tác dụng, một trong số đó là nó nhắc bạn trân quý những gì bạn đang có (tiền bạc, thời gian, sức khỏe, tài năng, cơ hội, …), và đôi khi đơn giản chỉ là hơi thở do Thiên Chúa ban tặng cho bạn cách vô cùng hào phóng. Hơi thở ấy rất nên là luồng khí tạ ơn thoát ra từ lồng ngực của cõi lòng, rồi luân chuyển đến chóp đỉnh của ý thức, và bật ra trên môi bạn lời tạ ơn. Sinh khí là cái vốn đầu tiên Thiên Chúa cấp phát cho mỗi người khi Ngài “thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật” (St 2,7). Với tất cả những công trình kỳ diệu của Chúa dành cho đời và dành cho bạn, hãy: “Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi, toàn thân tôi, hãy chúc tụng Thánh Danh! Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi, chớ khá quên mọi ân huệ của Người” (Tv 103,1-2).

Sống tạ ơn sẽ thôi thúc chúng ta hành động và lao động mà không so đo hay tính toán việc chúng ta đang có bao nhiêu. Khi một hạt giống rơi xuống khu vực đất ẩm ướt thì cứ thế nó chuyển mình để nhú ra một chồi non và một cây lớn theo mệnh lệnh tự nhiên Thiên Chúa muốn cho cây cối trên mặt đất. Tất cả các sinh vật cần sinh sôi nảy nở thì con người chỉ có thể tồn tại nếu chúng ta biết làm cho vinh quang Thiên Chúa tỏ ra trong sự năng động và sáng tạo của đời mình bằng lao động. Lao động là “hạt giống” của sinh tồn và là đạo đức làm người, bởi vì “nhàn cư vi bất thiện” (Tục ngữ). Hãy tạ ơn Chúa đã khôn ngoan dùng “hạt giống” lao động mà dẫn dắt, làm chúng ta trưởng thành.

Hồng Ân từ Đôi Tay Lấm Lem

Lao động chính là sự cộng tác căn bản nhất mà con người diễm phúc cùng với muôn tạo vật góp phần diễn tả vinh quang Thiên Chúa, và cùng với Thiên Chúa Ba Ngôi chung tay vào sứ vụ làm thăng tiến và dẫn đưa cả hoàn vũ đến với ơn cứu độ viên mãn nơi Đức Kitô. Một yến chúng ta nhận được từ Thiên Chúa sẽ hòa điệu vào biển cả của những giá trị vô biên của Thiên Chúa mà tô điểm cho cả thế giới này. Cho dù có một yến hay mười yến thì chúng ta cũng chỉ là một sự cộng tác nhỏ nhoi, nhưng được phúc tham gia vào công trình đại sự của Thiên Chúa, Đấng hằng yêu thương chúng ta. Chúa Giêsu nói: “Cho đến nay, Cha Tôi vẫn làm việc, thì Tôi cũng làm việc” (Ga 5,17). Và Ngài còn nhấn mạnh: “Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn” (Lc 12,48). Thiên Chúa quan phòng tất cả và trân trọng từng đóng góp từ biết bao đôi tay lấm lem và nhỏ bé đang cùng Ngài kiến tạo một trật tự thế giới mới. Đó chính là hồng ân làm đẹp cho đời.

Phúc Thay Kẻ Biết Cho Đi

Khả năng làm đẹp cho đời là thành quả của tấm lòng quảng đại và nhân ái. Nét đẹp cho đi làm nên mùa xuân nhân thế vì tất cả những gì nhân loại có hôm nay đều do sự cộng tác của biết bao bàn tay biết hy sinh và cống hiến cho đời. Con tim và khối óc sản sinh của cải tinh thần và vật chất, và lao động chân chính làm nổi bật tài sản cao quý là tình yêu con người. Cho đi sức lao động, giọt mồ hôi, thời gian, sự thao thức cho tương lai của con người minh chứng những yến bạc đang đi vào dòng chảy đầu tư để sinh lợi cho chính mình và cho xã hội. Booker Washington nhận xét: “Không có gì đáng giá cho bằng thành quả của làm việc chăm chỉ.” Đó là cách cho và cống hiến có giá trị nhất mà mỗi người nâng niu và trân quý từng yến bạc mà mình đang có. Tất cả, dù chỉ một yến bạc, đều có thể đầu tư và cuộc sống không bao giờ bạc đãi những ai biết để yến bạc của mình vào đúng nơi nó sẽ luân chuyển và sinh lời. Cho đi vật chất, cho đi tình thương tùy thuộc vào cách chúng ta giữ, sử dụng, hoặc chia sẻ những yến bạc Chúa ban cho chúng ta như thế nào. Cho đi và lòng nhân ái kết nối tình người và giúp chúng ta đón nhận tình thương của Thiên Chúa: “Thương xót kẻ khó nghèo là cho Đức Chúa vay mượn, Người sẽ đáp trả xứng việc đã làm” (Cn 19,17).

Chung Tay Làm Giàu, Nhưng…

Một yến tuy ít ỏi nhưng nếu chúng ta biết cùng nhau đóng góp đầu tư thì cơ hội thành công và sinh lời sẽ không hề nhỏ. Bài học đoàn kết từ bao đời nay cha ông chúng ta vẫn khuyên: “Một cây làm chẳng nên non; Ba cây chụm lại thành hòn núi cao.”

Cùng nhau đầu tư là xu hướng chung của xã hội hiện đại gồm rất nhiều hình thức góp vốn, huy động vốn, cổ phần, tập đoàn, … và chúng ta bị cám dỗ, đôi khi bất chấp hậu quả, lương tâm, đạo đức nghề nghiệp, … để theo đuổi những “liên minh ma quỷ” đầy rủi ro, hủy diệt, và cạm bẫy. Nếu chỉ có một yến mà liều mạng thiếu cân nhắc thì những gì chúng ta góp cũng tan biến vào chỗ hư không, hoặc khi kiếm lời được chút thì lại đánh mất chính mình. Thiên Chúa mời gọi chúng ta sinh lợi và làm giàu để thể hiện “lòng trung thành” nhưng lại có rất nhiều người chỉ chú ý đến kết quả “sinh lời” mà bất chấp biện pháp đầu tư: hủy hoại môi trường, đầu độc con người, gian lận, đầu cơ, … Chắc chắn Thiên Chúa không muốn kiểu trung thành bất chấp ấy, để rồi biết bao sinh linh và vũ trụ của Ngài bị bức tử vô cùng tàn khốc. Mùa xuân của đất trời cần con người chung tay bảo vệ đồng thời với khi chúng ta chung tay làm giàu. Năm 2020 vừa qua là năm suy tư về thông điệp Laudato Sí (kỷ niệm 5 năm), Đức Giáo hoàng Phanxicô tha thiết mời gọi chúng ta “hãy chú tâm đến tiếng kêu của trái đất và tiếng than khóc của người nghèo.” Vậy, đừng phí phạm yến bạc của Chúa nhưng hãy biết dùng nó mà giúp đỡ nhau, nhất là những người bất hạnh đang oằn lưng tìm lẽ sống.

Vượt Qua Sợ Hãi và Biếng Nhác

Đầu mối của sự khốn khổ cho người đầy tớ trong dụ ngôn “những yến bạc” là sợ hãi và biếng nhác. Trên thế gian này, mọi việc đều có thể thỏa hiệp và thông cảm nhưng “làm biếng” là việc không ai chấp nhận cả. Sợ hãi cũng bóp nghẹt sự sáng tạo và làm cho tình yêu bị què quặt, mất đi nhuệ khí đóng góp dấn thân, và dẫn đến uể oải, co cụm, không muốn làm gì. Sợ hãi là một cách để biện hộ cho yếu kém cá nhân, tuy nhiên nó cũng là vấn đề của một xã hội thường lấy sự hù dọa và trấn áp để quản chế con người. Sợ hãi dẫn đến lý do để làm biếng, kiếm chuyện. Thánh Phaolô khuyên: “Ai không chịu làm thì cũng đừng ăn! […] trong anh em có một số người sống vô kỷ luật, chẳng làm việc gì, mà việc gì cũng xen vào. Nhân danh Chúa Giêsu Kitô, chúng tôi truyền dạy và khuyên nhủ những người ấy hãy ở yên mà làm việc, để có của nuôi thân. Phần anh em, hãy làm việc thiện, đừng sờn lòng nản chí!” (2 Tx 3,10-13).

Con trâu là biểu tượng của sự cần mẫn và trung thành đã gắn bó với bao đời nông dân lam lũ. Ngày nay nhờ khoa học và máy móc thay thế, hình ảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau” dần đi vào dĩ vãng, và người ta còn cho nó là lạc hậu. Tuy vậy, để cho no ấm và phồn vinh, “bác Sửu” nhắc nhở chúng ta “phải cày để có thóc.” Nguyện xin Thiên Chúa ban cho chúng ta những yến bạc cần thiết, dù một hay dù mười, chúng ta biết trân quý món quà của Chúa để sống lương thiện, lao động chính đáng và chia sẻ tình thương. Xin Thiên Chúa thánh hóa công việc làm ăn của chúng ta trong năm Tân Sửu này. Amen.

Bài trướcChú giải Tin Mừng Chủ Nhật VI Thường Niên, Năm A (Mt 5,17 – 37)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Chúa Nhật, Tuần 6 TN A)