BÀI GIẢNG (24/11, Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Lễ trọng)

0
939

(Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, lễ trọng, mừng chính ngày)

Bài đọc: Kn 3,1-9; 2 Cr 4,7-15; Mt 10,17-22 (hoặc 2 Mcb 7, 1.20-23.27b-29; Rm 8, 31b-39; Lc 9, 23-26)

Tin mừng: Mt 10, 17-22

17 Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Các con hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp các con cho công nghị, 18 và sẽ đánh đập các con nơi hội đường của họ. Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết. 19 Nhưng khi người ta bắt nộp các con, thì các con đừng lo nghĩ phải nói thế nào và nói gì. Vì trong giờ ấy sẽ cho các con biết phải nói gì: 20 vì chưng, không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con nói trong các con. 21 Anh sẽ nộp em, cha sẽ nộp con, con cái sẽ chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. 22 Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét, nhưng ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu rỗi”.

—oOo—

Suy niệm

ĐƯỜNG THEO CHÚA (Tu sĩ G. B. Hoàng Gia Bảo, SVD)

“Đường con theo Chúa có nắng xuân trải lụa vàng, có tiếng chim hót rộn ràng…”. Đây là những ca từ trong bài hát “Đường con theo Chúa” của linh mục Ân Đức. Nghe ca từ của bài hát, ắt hẳn ta sẽ hình dung đường theo Chúa với những gam màu nhẹ nhàng, một con đường rất đẹp, trải đầy hoa với những tia nắng rọi xuống. Thật vậy, con đường theo Chúa rất thơ mộng và thi vị. Tuy nhiên, đó chỉ phản ánh một khía cạnh vì con đường theo Chúa được ví như đồng xu, luôn có hai mặt. Và Tin Mừng hôm nay đã nêu lên mặt còn lại của con đường khi Chúa Giê-su nói: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Lc 9,23-25).

Con đường theo Chúa không hẳn chỉ có “nắng xuân, tiếng chim” mà còn có “từ bỏ, vác thập giá”. “Từ bỏ, vác thập giá” chính là điều kiện cần để có thể bước theo Chúa Giê-su. Và từ đó, ta mới có thể bước tiếp trên con đường có “nắng xuân trải lụa vàng, có tiếng chim hót rộn ràng”.

“Từ bỏ”

Con người là hữu thể hữu hạn và sự hữu hạn đó hệ tại ở việc chọn lựa. Con người không thể hoàn hảo về mọi khía cạnh thế nên nơi con người có sự chọn lựa: điều tốt – điều xấu, điều đúng – điều sai, cái này – cái kia. Và một khi chọn điều này thì phải bỏ điều kia. Do đó, cuộc sống của con người là một hành trình giữa chọn lựa và từ bỏ. Người môn đệ theo Chúa cũng ở trong hành trình này. Nếu chúng ta chọn Chúa ắt hẳn chúng ta phải sống từ bỏ. Điều mà chúng ta từ bỏ đã được chính Chúa Giê-su xác nhận: “từ bỏ chính mình”.

“Từ bỏ chính mình” ở đây có thể hiểu là sự quên mình, chấp nhận buông bỏ, dẹp đi sự ích kỷ, buông những điều không tốt. Bên cạnh đó, “từ bỏ chính mình” là dám lờ đi những sở thích, những thói quen của bản thân để đi đến với tha nhân. Đỉnh cao của “từ bỏ chính mình” là từ bỏ ý riêng của bản thân, để cho ý Chúa được thể hiện. Sự từ bỏ này không phải là từ bỏ bản chất con người, từ bỏ “ta là” mà là từ bỏ “ta muốn là”. Từ bỏ là điều rất khó nơi con người, vì khi có chọn lựa – từ bỏ, nội tâm con người sẽ diễn ra cuộc đấu tranh ý muốn – lý trí và sau đó sẽ đưa ra sự lựa chọn – từ bỏ. Chọn lựa nào cũng chỉ có một: chọn cái này và từ bỏ cái kia.

Trình thuật Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su mời gọi những người theo Chúa hãy lựa chọn đúng đắn. Đó chính là lựa chọn Chúa và từ bỏ chính bản thân mình. Dẫu biết sự lựa chọn và từ bỏ theo lời mời gọi của Chúa Giê-su là khó thế nhưng có rất nhiều người sẵn sàng chọn lựa điều này. Bởi vì, họ có một niềm tin, một tình yêu vào Thiên Chúa. Chính Chúa Giê-su đã sống cho sự lựa chọn – từ bỏ này một cách triệt để khi Ngài lựa chọn tình yêu của Chúa Cha và tình yêu dành cho con người để rồi Ngài từ bỏ địa vị, vinh quang, ý riêng của mình:“Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2,6-8). Bên cạnh hình ảnh lựa chọn – từ bỏ của Chúa Giê-su, Giáo Hội còn nhiều hình ảnh sống động về sự lựa chọn – từ bỏ này.

Các thánh tử đạo Việt Nam, những bậc tiền nhân anh dũng mà hôm nay chúng ta mừng kính là hình ảnh và là mẫu gương cho sự lựa chọn – từ bỏ. Các ngài một lòng chọn lựa Thiên Chúa thế nên các ngài đã từ bỏ vinh hoa phú quý, thậm chí cả chính mạng sống của mình. Mặc cho những hăm dọa, gương giáo, tù đày, bách hại, các ngài vẫn kiên trung với chọn lựa của mình. Rất nhiều mẫu gương anh dũng đã sống cách triệt để lời mời gọi chọn lựa – từ bỏ của Chúa Giê-su. Thánh Mi-ca-e Hồ Đình Hy, một vị quan dưới triều vua Tự Đức, đã chấp nhận từ bỏ chức tước, chấp nhận tù đày để lựa chọn niềm tin và tình yêu vào Chúa Giê-su. Thánh Phao-lô Hạnh đã chọn lựa theo Chúa và từ bỏ lối sống lầm lạc của mình để rồi chính ngài đã lựa chọn cái chết để làm chứng cho đức tin và đức mến của mình nơi Thiên Chúa. Hay vị thánh nữ duy nhất, An-nê Lê Thị Thành, chấp nhận từ bỏ gia đình, người thân đồng thời lựa chọn tù đày, cái chết để thể hiện tình yêu của mình vào Thiên Chúa.

Lựa chọn – từ bỏ là cách diễn tả tình yêu tuyệt vời. Khi yêu người ta vui lòng từ bỏ tất cả để lựa chọn điều ta muốn. Chúa Giê-su và các thánh tử đạo Việt Nam đã cho chúng ta thấy một tình yêu tuyệt diệu của mình dành cho Thiên Chúa và tha nhân. Bên cạnh đó, các tiền nhân cũng đã cho chúng ta thấy con đường theo Chúa của các ngài, một con đường “từ bỏ chính mình” để rồi giờ đây các ngài được chiêm ngắm Đấng mà các ngài hằng tôn thờ và yêu mến. Và khi đã “từ bỏ chính mình”, các ngài đã tìm lại được căn tính, bản chất của mình như Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI đã từng nhận định: “chịu mất chính mình là điều cần thiết đối với con người, và nếu không có điều này, thì nó không thể tìm lại được chính mình”.

Vác thập giá

Bên cạnh việc lựa chọn Chúa, từ bỏ chính mình, người môn đệ còn được mời gọi vác thập giá mỗi ngày trong cuộc sống. Khi từ bỏ chính mình, chính là lúc chúng ta bắt đầu mang lấy thập giá. Thập giá của mỗi người chính là những bổn phận hằng ngày: bổn phận của người Ki-tô hữu, của người công dân, bổn phận theo chức vụ, địa vị của mỗi người… Thập giá không chỉ ở bên ngoài, thuộc về ngoại cảnh mà còn là những điều bên trong nội tại của mỗi người. Đó là những trái ý, những khó khăn, bệnh tật, yếu đuối, tội lỗi… của chính bản thân mỗi người chúng ta. Do đó, khi ta chấp nhận những điều đó nơi mình cũng chính là lúc ta bắt đầu đón nhận và vác thập giá. Khi chấp nhận vác thập giá, ta biểu lộ một niềm tin vào Thiên Chúa quyền năng, luôn đỡ nâng con người mỗi khi gặp khó khăn, gian nan. Chấp nhận vác thập giá, ta thể hiện tình yêu vào Đấng hằng yêu thương và chăm sóc con người. Giống như các thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng ta đã thể hiện một niềm tin tuyệt đối, một tình yêu tuyệt hảo dành cho Thiên Chúa, đón nhận và vác thập giá một cách tự nguyện, đầy tình hiến dâng. Các ngài sẵn sàng chịu bao đau khổ, hiểu lầm, bách hại, roi vọt để chứng minh tình yêu của mình cho “thập giá”. Tình yêu thập giá của các ngài không chỉ dừng ở suy nghĩ, lời nói mà còn thể hiện ở hành động. Các thánh tử đạo luôn dành tình yêu, sự kính trọng tuyệt đối với “thập giá” đến nỗi không một ai dám “quá khóa” để được bảo toàn mạng sống. Có thể thấy rằng, thập giá đôi khi nặng so với sức của con người, và việc vác thập giá đôi lúc thật nghịch lý nếu so với suy nghĩ của thế gian. “Vàng thử lửa, gian nan thử sức” vì thế thập giá chính là điều giúp chúng ta nên thánh. Vác thánh giá là điều kiện cần của Ki-tô hữu muốn bước theo Chúa vì thế Chúa Giê-su mời gọi mỗi người hãy đón nhận thập giá và vác lấy với tấm lòng tin yêu, phó thác và cậy trông. Sau cùng, vác thập giá là dấu chỉ cụ thể và hữu hiệu về tình yêu cũng như sự trung thành vô điều kiện của người môn đệ.

Lạy Chúa Giê-su, Chúa là mẫu gương tuyệt hảo về sự lựa chọn – từ bỏ và vác thập giá, xin Chúa xuống ơn thêm sức cho chúng con để chúng con luôn biết lựa chọn Chúa, từ bỏ bản thân và đón nhận cùng vác thập giá mình mỗi ngày trên con đường bước theo Chúa ngang qua mỗi bậc sống của chúng con. Và rồi từ đó chúng con có cơ hội bước trên con đường theo Chúa, con đường đầy “nắng xuân, tiếng chim hót”, con đường mà các thánh Tử Đạo Việt Nam đã từng vững bước đi lên. Amen.


 

VĨNH HẰNG (Tu sĩ G. B. Đinh Dương Minh Quân, SVD)

Khi nhắc tới hai chữ “vĩnh hằng”, hay sự sống đời đời, vô cùng vô tận, tâm trí con người bỗng chốc như tĩnh lặng lại, như chậm lại và trở lên nhỏ bé đến khôn cùng. Con người như đứng trước một đại dương bao la, sâu thẳm và đầy huyền bí nhất của đời sống. Ngay cả các triết gia lừng lẫy nhất như Platon, Socrates, Aristotle,…hay các nhà khoa học thời danh như Pascal, Einstein,… cũng chỉ có thể dừng chân nơi trí khôn và một cách mơ hồ trừu tượng khi lý giải về vĩnh hằng. Có lẽ đây không phải là phạm vi của lý trí, mà duy chỉ với tâm hồn, con người mới có thể đụng chạm đến cõi bao la của vĩnh hằng. Điều này chỉ có Thượng Đế mới có câu trả lời và định nghĩa đầy đủ về vĩnh hằng, đời đời, hay trường sinh. Vì Ngài vô cùng từ nguyên thủy. Ngài hiểu thế nào là vĩnh hằng, thế nào là đời đời.

Qua đó, tất cả chúng ta, trong phụng vụ Lời Chúa ngày lễ trọng hôm nay, ngày mừng kính trọng thể các Thánh Tử Đạo Việt Nam, những con người khi còn sống đã tuyên xưng cách xác tín đầy mãnh liệt vào vị Thiên Chúa, người Cha đầy lòng nhân từ và yêu thương con người cho đến cùng, được mời gọi chiêm ngắm nhân đức của các thánh nhân và cùng cất tiếng gọi tên Thiên Chúa nơi cuộc sống mình, sẻ chia với tha nhân và cùng nhau hướng về sự sống thật nơi Nước Trời.

Thiên Chúa, Đấng Vĩnh Hằng…

“Bà mẹ là người rất mực xứng đáng cho ta khâm phục và kính cẩn ghi nhớ” (2 Mcb 7, 20), một hình ảnh người mẹ thật đẹp và cao cả để mở đầu cho phụng vụ Lời Chúa hôm nay. Bà mẹ, trong trình thuật bài đọc 1, là người Do Thái đang phải chịu cảnh đàn áp của vua Antiôkhô, theo sử liệu khoảng năm 160 TCN. Lúc bấy giờ, vua Antiôkhô đã bắt ép dân Do Thái, cách đặc biệt nơi bảy người con của bà mẹ, phải ăn thịt heo, một loại thức ăn bị cấm theo luật Môsê (x. Lv 11, 2-47; Đnl 14, 3-10). Thế nhưng, với niềm tin tưởng cách kiên định nơi Thiên Chúa, cả thảy bảy người con của bà mẹ đã từ chối và chấp nhận án tử hình trong sự tuyên xưng đức tin của mình.

Dù đã chứng kiến cảnh bảy người con khác đã chết trước mặt mình, bà mẹ vẫn khuyên nhủ và động viên người con út giữ vững đức tin với những lời lẽ đầy hào hùng và đã cất tiếng gọi tên Thiên Chúa với niềm xác tín thẳm sâu: Thiên Chúa, Đấng Vĩnh Hằng, Chủ Thể Sáng Tạo và Sự Sống, “Chính Đấng Tạo Hoá càn khôn đã nắn đúc nên loài người, và đã sáng tạo nguồn gốc muôn loài. Chính Người do lòng thương xót, cũng sẽ trả lại cho các con thần khí và sự sống, bởi vì bây giờ các con trọng Luật Lệ của Người hơn bản thân mình” (2 Mcb 7, 23). Theo đó, người con út đã chấp nhận chịu tử đạo và luôn tin rằng, một mai tất cả mọi người trong gia đình sẽ được gặp gỡ Thiên Chúa và sống với nhau đời đời.

Từ đây, sự vĩnh hằng được cụ thể hóa là một ước mong lớn nhất của con người, một hy vọng được sống mãi với thời gian và không gian. Chính với động lực này, con người luôn không ngừng tìm kiếm, truy vết sự vĩnh hằng; và cuối hành trình đầy gian lao vất vả này, con người đụng chạm đến sự huyền nhiệm của đời mình, một sự huyền nhiệm đến từ sự sáng tạo của Thiên Chúa. Con người nhận thấy chỉ nơi Thiên Chúa mới có sự vĩnh hằng, và chỉ với sự tin tưởng và cậy trông, con người mới đạt đến sự sống muôn đời nơi lòng xót thương vô hạn của Người.

Hơn thế nữa, đối với thánh Phaolô nơi bài đọc 2, thánh nhân còn đẩy mạnh hơn niềm tin vào Thiên Chúa chính là chìa khóa để vinh hưởng đời sống muôn đời.

Vĩnh hằng, con đường tình yêu trung kiên với Đức Giêsu Kitô.

Thánh Phaolô đã từng nhiều lần bị đánh đập, bị ném đá tưởng chừng như đã chết, bị xua đuổi, bị người ta chối từ lời rao giảng, bị kết án và chịu tử hình tại Rôma. Thế nhưng mọi thử thách, mọi gian lao, mọi bắt bớt, tù đày vẫn không làm cho Phaolô, con người thành Tarsô, phải run rẩy và khuất phục. Ngài vẫn trung thành và luôn loan truyền lời chân lý về Đức Giêsu Kitô, “Tôi đã chiến đấu trong trận đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin” (Tm 4, 7).

Đối với thánh Phaolô, tình yêu được liên kết với Đức Kitô là động lực mạnh mẽ, là một sự thúc bách khôn nguôi hướng con người luôn truy tìm Thiên Chúa trong cuộc đời. Chính trong tình yêu ấy, con người cảm nghiệm sự huyền nhiệm bao la sâu thẳm nơi cõi lòng Thiên Chúa và nhận thức được sự sống thật sự và hằng hữu. Và không có một quyền lực nào, dù cho ma vương hay quỷ thần, và thậm chí là sự chết có thể chia tách con người khỏi mối tình yêu huyền diệu với Đức Kitô (x. Rm 8, 38-39). Qua đó, chúng ta có thể nói rằng, sự vĩnh hằng mà con người luôn khao khát, có thể được hiện thực hóa qua con đường gắn chặt đời mình với Đức Kitô, cách cụ thể là yêu mến Thiên Chúa và tha nhân hết cả con người mình. Theo đó, Nước Trời, cõi vĩnh hằng, giờ đây được phản chiếu nơi đời sống chúng ta, và lan tỏa đến tha nhân. Dẫu vậy, vẫn còn rất nhiều người đứng trước cửa ngõ cuối cùng của đời mình là sự sống và cái chết, đã từ bỏ đi con đường vĩnh hằng, không còn trung kiên đến cùng với tình yêu Thiên Chúa.

Vĩnh hằng, Thập Giá Đức Kitô…

Nơi bài Tin Mừng của phụng vụ Lời Chúa hôm nay, Đức Giêsu đã nhấn mạnh một cách đầy nghiêm khắc với các môn đệ, những người bước theo Chúa, đừng nghĩ rằng đi theo Chúa là sẽ “xen chân” vào sự vinh quang phú quý ở đời này, một sự vĩnh hằng được xây dựng trên quyền lực, tiền tài và dục vọng con người, mà là một con đường “phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9, 23). Một con đường đầy gian truân, vất vả, thử thách, và thậm chí là mất mạng sống mình vì danh Thầy và vì Nước Trời vĩnh hằng.

Đây quả thực là một con đường đầy khó khăn, nhưng cuối chặng đường là phần thưởng lớn lao nhất, là hạnh phúc nhất của đời sống con người: Nước Trời và sự sống vĩnh hằng, “Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Lc 9, 24). Tuy nhiên, điều này thật sự không dễ dàng cho chúng ta, vì chính nơi các môn đệ cũng đã phản bội lại Thầy nơi vườn Gethsêmani. Các môn đệ, người thì bỏ chạy, người thì chối Thầy, người thì đứng từ xa hay xen lẫn vào đám đông đang hô giết Thầy mình mà lén nhìn. Nỗi sợ ngày càng dâng cao khi Đức Giêsu đã thực sự chết, các môn đệ chỉ còn cách co cụm, đóng kín các khung cửa, còn một số ít thì trẩy về quê. Đây là thực tế cuộc sống khi con người phải đối diện với những điều vượt quá sức mình, và có nguy cơ bị mất mạng. Và chỉ cho đến khi Đức Giêsu phục sinh và hiện ra, các môn đệ mới thật sự dám liều cả cuộc đời mình vì Thầy và đạt đến sự sống đích thực, đời sống vĩnh hằng nơi Nước Trời.

Đến đây, phần nào chúng ta có thể hiểu rằng, con đường vươn tới sự vĩnh hằng không phải là chuyện dễ dàng, thoải mái, hay là một “cửa rộng” thênh thang mà ai cũng có thể bước vào. Chỉ duy nơi những kẻ tin, những người chấp nhận tình yêu của Thiên Chúa, chấp nhận đánh đổi những thứ ở đời này, mới có thể đạt đến sự sống muôn đời nơi Đức Kitô Giêsu.

…Vĩnh hằng, nơi trần thế và nơi đời sống người môn đệ.

Thế giới ngày nay dường như đã trở nên quá khác biệt so với thời các Tông Đồ hay tại Việt Nam chúng ta thời các Thánh Tử Đạo. Ngày nay, chúng ta, các môn đệ hiện đại, có lẽ không cần phải mất mạng sống, không cần phải từ bỏ quá nhiều, mà dường như là ngược lại, với công nghệ số 4.0 chúng ta đang sở hữu nhiều thứ tốt nhất từ các nhu cầu cơ bản của con người, nơi các phương tiện đi lại, cách thức tiếp cận thế giới, và còn nhiều thứ khác. Chúng ta đang ngập tràn trong một bối cảnh của sự tiện lợi, thoải mái và hưởng dùng. Do đó, bất cứ ai trong chúng ta đều đang cố gắng bấu chặt vào mọi thứ ở đời này. Chúng ta đang dần đánh mất cảm thức cho đi, thích được sung sướng và hạnh phúc hơn là gian truân, vất vả; thích những điều dễ dàng và thoải mái hơn là khó khăn và thử thách. Chúng ta đang dần chìm sâu vào sự “vĩnh hằng ở đời này”, và thậm chí sẽ càng sâu hơn nữa khi ta bị ám ảnh bởi quyền lực, tiền tài và dục vọng. Vậy đâu rồi, ước mong đạt đến Nước Trời vĩnh hằng, đâu rồi những cam kết sẽ bước theo Chúa trọn đời, và đâu rồi con người thật của chúng ta, những người môn đệ?

Theo đó, ngày lễ trọng kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam hôm nay, Giáo Hội đang tha thiết kêu mời mọi tín hữu Kitô nhìn lại gương sống của các thánh nhân, những con người luôn trung kiên vác thập giá đời mình theo Chúa, tin tưởng vô điều kiện vào tình yêu Đức Giêsu Kitô dù chịu gian truân, ngược đãi. Từ đây, các Thánh Tử Đạo đã liều mất mạng sống mình ở đời này để đạt đến sự sống thật, sự sống muôn đời bên Thiên Chúa nơi Nước Trời. Theo đó, chúng ta được mời gọi từ bỏ chính mình, từ bỏ những tham thân si đời này để sẵn sàng vác lấy thập giá của nhau mà cùng tiến bước về Nước Trời yêu thương và vĩnh hằng.

Lạy Chúa, vĩnh hẵng luôn là điều đầy huyền nhiệm, và chúng con đang đứng trước một chân trời huyền nhiệm, vừa xa vừa gần, vừa giới hạn vừa vô hạn, nhưng chúng con chỉ có thể chạm đến và không tài nào nắm bắt được. Xin Chúa ban thêm ơn lành cho chúng con, để chúng con noi theo gương các thánh Tử Đạo Việt Nam, không ngừng cố gắng bám chặt vào Chúa, và luôn sẵn lòng mở cửa tâm hồn mình cho tha nhân. Amen.


 

KIÊN NHẪN (Lm. Antôn Nguyễn Huy Quyền, SVD)

Sách Tu Đức có kể một câu chuyện như sau:

Có một đoàn người hành hương cùng nhau đi về một ngọn núi. Hành trang của họ là mỗi người tự làm một cây thập giá tùy theo sức của mình và vác đi. Họ thi nhau nếu ai vác được cây thập giá của mình lên cắm trên đỉnh núi đó là người chiến thắng. Họ cùng nhau hối hả tiến về ngọn núi. Nhưng vì hành trình dài cho nên nhiều người không đủ sức và đã bỏ cuộc giữa chừng. Có kẻ thì bỏ thập giá của mình để đi tay không. Có người thì chặt bỏ bớt để vác cho nhẹ. Khi tới ngọn núi muốn đến thì họ mới biết rằng, muốn lên được đỉnh núi thì phải qua một con suối. Vì con suối sâu và không có cầu nên người ta không làm cách nào để qua được bên kia ngọn núi. Họ liền có sáng kiến lấy thập giá làm cầu bắc qua. Nhưng vì có người đã bỏ thập giá, kẻ thì chặt ngắn nên không thể bắc qua bờ bên kia được. Cuối cùng cũng có một người vác được nguyên vẹn cây thập giá của mình. Người đó đã lấy thập giá làm nhịp cầu bắc qua bên kia suối để trèo lên đỉnh núi và cắm cây thập giá của mình trên đó. Và anh là người nhận vòng hoa chiến thắng.

Câu chuyện trên cũng giống với câu chuyện của Đức Giêsu và các Tông Đồ trong bài Tin Mừng hôm nay. Thật vậy, các Tông Đồ đã đăng ký nhập đoàn hành hương với Đức Giêsu trên đường loan báo Tin Mừng Nước Trời. Ngọn núi mà Thầy trò nhắm tới là Giêrusalem trên trời. Thập giá mà Thầy trò phải vác đi chính là sứ vụ của mỗi người. Cũng giống như đoàn người hành hương, Thầy trò hối hả tiến về Giêrusalem. Khi bắt đầu hành trình đi lên Giêrusalem, Đức Giêsu báo cho các ông biết đoạn đường sắp tới không hề bằng phẳng, dễ dàng và suôn sẻ, nhưng đầy những khó khăn, hiểm nguy và bách hại: “Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền… Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết.” Điều này có nghĩa là Đức Giêsu muốn các ông đừng quá ảo tưởng về con đường mà mình sắp đi, nhưng Ngài muốn chuẩn bị tinh thần cho các ông để đối diện với một thực tế có thể rất phũ phàng.

Tuy nhiên, Đức Giêsu cũng không để các ông phải hụt hẫng giữa những thử thách của người môn đệ, nhưng Ngài hứa: “Kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.” Như vậy, để đạt được vòng hoa chiến thắng, điều quan trọng của người môn đệ chính là sự kiên nhẫn và “bền chí.” Sự kiên nhẫn là chìa khoá chiến thắng của người môn đệ Chúa Kitô.

Trong chuyến hành hương lên Giêrusalem của Thầy trò Đức Giêsu, Giuđa Ítcariốt không đủ kiên nhẫn nên cũng đã bỏ cuộc, phản bội Thầy và anh em. Những người còn lại cũng đã “chặt bỏ bớt thập giá đời mình” khi không vượt qua được những cám dỗ và thử thách trên hành trình của người môn đệ. Đức Giêsu là người duy nhất đã kiên nhẫn vác trọn thập giá đời mình lên cắm trên đỉnh Giêrusalem để làm nhịp cầu nối liền đất với trời và Ngài là Người đã giành được vòng hoa chiến thắng của Chúa Cha. Nhờ nhịp cầu của Ngài mà chúng ta có thể lên được Giêrusalem trên trời.

Đọc lại lịch sử của Giáo Hội Việt Nam thời sơ khai, chúng ta thấy có rất nhiều người đã đăng ký xin gia nhập đoàn hành hương với Đức Giêsu qua Bí tích Rửa Tội. Nhưng một số người đã không đủ kiên nhẫn để đi hết hành trình của đời mình giữa những khó khăn và bách hại của thời cuộc lúc bấy giờ. Họ đã chấp nhận bỏ cuộc hành hương bằng cách chối bỏ đức tin. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều người đã anh dũng hy sinh, chấp nhận mất mạng sống của mình để bảo vệ đức tin. Các Thánh Tử Đạo Việt Nam mà Giáo Hội cho chúng ta mừng kính hôm nay là những người đó. Các ngài đã kiên nhẫn vác trọn thập giá của đời mình và đi hết đoạn đường hành hương cùng với Đức Giêsu. Các ngài xứng đáng là những người nhận được vòng hoa chiến thắng là phúc tử đạo.

Chúng ta cũng là những người đã đăng ký tham gia đoàn hành hương với Đức Giêsu qua Bí tích Rửa Tội. Cuộc đời người Kitô hữu chúng ta được ví như một cuộc hành hương tiến về Giêrusalem trên trời. Trong chuyến hành hương này, Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta hãy tự làm cho mình một cây thập giá tùy theo sức của mỗi người và hãy tự vác nó đi hết hành trình của đời ta. Hành trình đó Chúa Giêsu cũng đã báo cho ta biết trước đó là một hành trình đầy gian nan và thử thách. Vấn đề là chúng ta có kiên nhẫn để vác trọn thập giá đời ta lên Giêrusalem và cắm trên đó hay không?

Nhiều khi chúng ta thấy hành trình quá dài, đường đi quá khó khăn nên thường muốn bỏ cuộc hoặc bỏ thập giá để đi tay không cho dễ dàng. Đó là lúc đứng trước những chọn lựa của cuộc sống ta thường chọn theo hướng dễ dãi cho bản thân, mặc dù ta biết chọn lựa đó không đưa ta đến hạnh phúc đời đời. Hoặc cũng có khi ta chọn lựa bằng cách tháo bớt một thanh của thập giá hay chặt bỏ bớt để đi cho nhẹ nhàng hơn. Đó là khi đứng trước những cám dỗ của cuộc sống, chúng ta không cưỡng lại được mà chiều theo ý riêng của mình…

Mừng lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam hôm nay, xin cho mỗi người chúng ta học đòi gương Chúa Giêsu và các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Các ngài là những người đã kiên nhẫn vác được thập giá đời mình lên tới đỉnh Giêrusalem để làm nhịp cầu nối liền đất với trời mà vào vinh quang Thiên Quốc. Xin cho mỗi người chúng ta cũng hãy kiên nhẫn và chịu khó vác thập giá đời ta lên Giêrusalem, mặc dù đường dài và khó khăn, thập giá nặng nề, nhưng chúng ta đừng bỏ cuộc hay chặt bớt. Chỉ có như thế chúng ta mới xứng đáng là những người nhận vòng hoa chiến thắng của Thiên Chúa.

 

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Năm, Tuần 33 TN)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (24/11, Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, lễ trọng)