Bài Ðọc I: Is 7, 10-14
“Này trinh nữ sẽ thụ thai”.
Trích sách Tiên tri Isaia.
Ngày ấy, Chúa phán bảo vua Achaz rằng: “Hãy xin Thiên Chúa, Chúa ngươi, một dấu ở dưới lòng đất hay ở trên trời cao!” Nhưng vua Achaz thưa: “Tôi sẽ không xin, vì tôi không dám thử Chúa”. Và Isaia nói: “Vậy nghe đây, hỡi nhà Ðavít, làm phiền lòng người ta chưa đủ ư, mà còn muốn làm phiền lòng Thiên Chúa nữa? Vì thế chính Chúa sẽ cho các ngươi một dấu: này một trinh nữ sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và tên con trẻ sẽ gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 39, 7-8a. 8b-9. 10. 11
Ðáp: Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa (c. 8a và 9a).
Xướng: 1) Hy sinh và lễ vật thì Chúa chẳng ưng, nhưng Ngài đã mở tai con. Chúa không đòi hỏi lễ toàn thiêu và lễ đền tội, bấy giờ con đã thưa: “Này con xin đến”. – Ðáp.
2) Như trong cuốn sách đã chép về con, lạy Chúa, con sung sướng thực thi ý Chúa, và luật pháp của Chúa ghi tận đáy lòng con. – Ðáp.
3) Con đã loan truyền đức công minh Chúa trong đại hội, thực con đã chẳng ngậm môi, lạy Chúa, Chúa biết rồi. – Ðáp.
4) Con chẳng có che đậy đức công minh Chúa trong lòng con; con đã kể ra lòng trung thành với ơn phù trợ Chúa; con đã không giấu giếm gì với đại hội về ân sủng và lòng trung thành của Chúa. – Ðáp.
Bài Ðọc II: Dt 10, 4-10
“Ở đoạn đầu cuốn sách đã viết về tôi là, lạy Chúa, tôi thi hành thánh ý Chúa”.
Trích thư gửi tín hữu Do-thái.
Anh em thân mến, máu bò và dê đực không thể xoá được tội lỗi. Vì thế, khi đến trong thế gian, Chúa Giêsu phán: “Chúa đã không muốn hy tế và của lễ hiến dâng, nhưng đã tạo nên cho con một thể xác. Chúa không nhận của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội. Nên con nói: Lạy Chúa, này con đến để thi hành thánh ý Chúa, như đã nói về con ở đoạn đầu cuốn sách. Sách ấy bắt đầu như thế này: Của lễ hy tế, của lễ hiến dâng, của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội, Chúa không muốn cũng không nhận, mặc dầu được hiến dâng theo lề luật”. Ðoạn Người nói tiếp: “Lạy Chúa, này con đến để thi hành thánh ý Chúa”. Như thế đã bãi bỏ điều trước để thiết lập điều sau, chính bởi thánh ý đó mà chúng ta được thánh hoá nhờ việc hiến dâng Mình Chúa Giêsu Kitô một lần là đủ.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia hoặc Câu Xướng Trước Phúc Âm: Ga 1, 14ab
(Mùa Chay: bỏ Alleluia)
Alleluia, alleluia! – Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng ta, và chúng ta đã nhìn thấy vinh quang của Người. -Alleluia.
Phúc Âm: Lc 1, 26-38
“Này Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: “Kính chào Bà đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Bà, Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ”. Nghe lời đó, Bà bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì.
Thiên thần liền thưa: “Maria đừng sợ, vì đã được nghĩa với Chúa. Này Bà sẽ thụ thai, sinh một Con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận”.
Nhưng Maria thưa với thiên thần: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?”
Thiên thần thưa: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với Bà và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm Bà. Vì thế Ðấng Bà sinh ra, sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ Bà cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ họi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được”.
Maria liền thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”. Và thiên thần cáo biệt Bà.
Ðó là lời Chúa.
Bài giảng chủ đề:
XIN VÂNG LÀ XIN TUÂN PHỤC Ý CHÚA
Lm. Giuse Nguyễn Huy Hùng, SVD
Hôm nay, cùng với toàn thể Giáo Hội hân hoan mừng trọng thể lễ Truyền Tin Con Thiên Chúa nhập thể. Nói cách khác, chúng ta long trọng mừng biến cố Thiên Chúa chính thức thực hiện lời hứa cứu độ với nhân loại khi trao ban Con của Người xuống thế và nhập thể trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria.
“Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” (Lc 1, 28). Lời đầu tiên Sứ Thần GabriEL cất lên chào Đức Trinh Nữ Maria chất chứa niềm vui lớn lao khi mời Đức Maria vui lên. Lời chào liên hệ mật thiết tới sự giáng lâm của Đấng Cứu Thế. Trước khi toàn dân được nhận biết tin vui, thì Đức Maria là người đầu tiên được báo trước (Lc 2, 10). Đức Maria đã tham dự vào niềm vui ấy với cách thế lạ thường. Nhờ Đức Maria, mà niềm vui của dân IsraEL được viên mãn và hạnh phúc được tròn đầy. Niềm vui của Đức Trinh Nữ Maria là niềm vui đặc biệt của dân Israel, của những người nghèo, của những người đang chờ đợi ơn cứu rỗi của Thiên Chúa.
Đức Maria được gọi là người “đầy ân sủng” hay được Thiên Chúa sủng ái, vì Đức Maria được Thiên Chúa chọn làm Mẹ của Chúa Giêsu, Con của Ngài. Cùng với những đặc ân mà Thiên Chúa dành riêng cho Mẹ: “Ơn vô nhiễm nguyên tội”, nghĩa là Mẹ được Thiên Chúa gìn giữ khỏi mọi vết nhơ tội lỗi, kể cả tội tổ tông truyền, Đức Giêsu nên giống chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi; “Ơn trọn đời đồng trinh”, nghĩa là Mẹ hoàn toàn trinh khiết sau khi sinh con, vì Con của Mẹ cũng là Con của Thiên Chúa; “Ơn hồn xác lên trời”, nghĩa là sau khi chết, thân xác của Mẹ không bị hư hoại trong nấm mồ, nhưng được lên trời cả hồn lẫn xác, vì không ai có mối quan hệ mật thiết với Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ của chúng ta, cho bằng Mẹ trong mối tương quan Mẹ với Con.
Đức Maria cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa từ những năm đầu đời, có lẽ cách nhận ra sự thương yêu đặc biệt của Thiên Chúa. Vào thời điểm nhập thể, nhận thức về sự yêu thương quan phòng của Thiên Chúa còn mạnh mẽ hơn. Ngay tại trên trần gian này, cuộc sống của Đức Maria đã được kết hợp mật thiết với cuộc sống của Chúa Giêsu. Đức Maria đã trải nghiệm sự gần gũi của Thiên Chúa theo một cách độc đáo trong những năm sống với Chúa Giêsu tại Nagiarét, giữa những hoạt động hàng ngày bình thường nhất. Và cuộc sống công khai của Chúa Giêsu, Mẹ đã tiếp tục chia sẻ nhiều khoảnh khắc với Người.
“Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà được đẹp lòng Thiên Chúa” (Lc 1, 30). Chúng ta thấy sự kính sợ, sợ hãi và mong muốn tuyệt vời của Đức Maria khi được cộng tác với sứ mệnh khó khăn mà Chúa dành cho Mẹ. Đức Maria là một cô gái đồng trinh trẻ tuổi, có lẽ chưa bao giờ mong đợi được Chúa chọn cho một sứ mệnh vĩ đại như vậy. Mầu nhiệm nhập thể trong thân xác đồng trinh của Đức Maria là điều chưa từng có vào thời của Ngài. Đức Maria không có gì để so sánh với hoàn cảnh của mình, không có câu chuyện nào trong Cựu Ước tương tự như câu chuyện của Đức Maria. Bất chấp sự không chắc chắn về sứ mệnh của mình, Đức Maria đã xin vâng theo ý muốn của Chúa và mong muốn được thực hiện ý muốn cứu rỗi của Chúa trong cuộc đời mình.
“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1, 38). Đức Maria biết được ý định của Thiên Chúa, nên sau khi đã nghe lời giải thích của sứ thần:”Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng tối cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1, 35). Đức Maria đã mau mắn thưa lên với Thiên Chúa ngang qua sứ thần. Để từ đây, con đường đầy hạnh phúc trong vườn địa đàng đã bị hai con người đầu tiên là Ađam và Evà bị cắt đứt bởi sự bất tuân, thì hôm nay, trong kế hoạch cứu độ Thiên Chúa dành cho nhân loại được Đức Maria can đảm mở lại con đường ấy bằng tiếng xin vâng.
Xin vâng là xin tuân phục ý Chúa. Xin vâng là xin cộng tác vào chương trình cứu độ của Chúa, với sự từ bỏ cái riêng của chính mình, với sự phó thác tuyệt đối đời mình trong bàn tay quan phòng của Chúa. Lập tức sau lời xin vâng của Đức Maria mà nhân loại tràn đầy niềm hân hoan. Vì từ nay, Con Thiên Chúa đã xuống thế nhập thể trong lòng Đức Maria. Tất cả đều diễn tiến một cách âm thầm, khiêm tốn. Từ đó xin vâng đã được coi như một giao ước mới, một bài ca mới, một con đường mới, của con người mới.
Con đường Đức Maria chọn cho tiếng xin vâng của mình, một lần cho một đời, và mãi cho muôn thế hệ. Tiếng xin vâng ấy trọn vẹn hơn khi Mẹ được trao trả lại con mình từ trên thập giá, không một tiếng trách móc, nài van, gào khóc. Ngày vui khi nhìn con chào đời với nhiều hoan hỷ, thiên thần hát ca, thần thánh vui mừng, trời đất bừng sáng, thì dưới chân thập giá tim Mẹ ắt lại, đau đớn ẵm xác con trong tay không chút sinh khí, vẫn còn đó sự trung trinh, trưởng thành của một con tim đã được tôi luyện trong lò của tình mến.
Con đường mẹ chọn, không phải chỉ hệ tại bằng lời nói suông, nhưng Mẹ đã sống cho chọn lựa của mình, dù xin vâng theo thánh ý Thiên Chúa, Mẹ cũng đã không được miễn chuẩn cho khỏi những thử thách, chông gai. Nhưng điều mẹ đã làm được là đã không hề bị lay chuyển giữa những bão giông cuộc đời.
Lễ Truyền Tin, là lễ của niềm vui, vui vì từ đây con Thiên Chúa đã nhập thể, đem đến cho loài người niềm vui ơn cứu độ qua con đường xin vâng của Đức Maria. Đức Maria chính là mẫu gương mà chúng ta cần nhìn lên để dám sống xin vâng trong cuộc đời.
Lạy Mẹ Maria, con hay nói với Chúa rằng: cuộc sống có nhiều con đường để con lựa chọn, xin giúp con biết chọn lựa cho mình con đường tuân theo thánh ý Chúa. Tuy nhiên, nhiều khi con đường đó có những thử thách, những cám dỗ, những chông gai làm con cảm thấy sợ hãi, không đủ can đảm để đối diện để vượt qua. Xin cho con biết noi gương Mẹ, biết trưởng thành, trung tín và dám sống cho con đường mình chọn với ý thức rằng: Thiên Chúa có đường lối khác con người, vượt xa con người, Ngài có cách để chỉ cho những ai mong muốn tìm gặp Ngài, những ai muốn nên nghĩa thiết với Ngài, và Ngài sẽ dẫn họ đi. Amen.
SỐNG VÂNG PHỤC NHƯ ĐỨC GIÊSU, MẸ MARIA VÀ THÁNH GIUSE
Tu sĩ Phaolô Phan Tấn Thịnh, SVD
Công trình cứu độ là sáng kiến của Thiên Chúa nhưng phải có sự đáp trả của con người. Công trình của Thiên Chúa sẽ trở thành hư không nếu không có sự cộng tác của con người. Sau khi nguyên tổ phạm tội, Thiên Chúa đã hứa ban Đấng Cứu Thế (x. St 3,15). Trải qua dòng thời gian, Thiên Chúa đã dần dần uốn nắn con người biết sống vâng phục Người bằng việc thực thi lời của Thiên Chúa: “Này Ta sai thiên sứ đi trước ngươi, để giữ gìn ngươi khi đi đường và đưa ngươi vào nơi Ta đã dọn sẵn. Trước mặt người, hãy ý tứ và nghe lời người. Đừng làm cho người phải chịu cay đắng; người sẽ không tha lỗi cho các ngươi, vì danh Ta ngự trong người” (Xh 23, 20t).
Sách Samuel quyển thứ nhất kể rằng: Ông Samuel nói với vua Saun: ‘Tôi đã được Chúa sai đến xức dầu tấn phong ngài làm vua cai trị dân Người là Israel. Giờ đây ngài hãy nghe lời Chúa phán. Chúa các đạo binh phán thế này: Ta sắp hạch tội Amalếch về cách nó đã đối xử với Israel khi chặn đường Israel đang từ Ai cập lên. Giờ đây ngươi hãy đi đánh Amalếch. Các ngươi phải tru hiến tất cả những gì thuộc về nó. Ngươi không được tha chết cho nó” (1 Sm 15,1-3b).
Vua Saun đã thi hành lệnh của ngôn sứ Samuel nhưng vua đã tha chết cho Agác, vua Amalếch, và những con vật tốt nhất trong đoàn chiên dê và bò, những con mập, các chiên con. Vì thế, Chúa lại phán với ông Samuel: “Ta hối hận đã đặt Saun làm vua, vì nó đã bỏ không theo Ta và không thi hành các lệnh của Ta” (1 Sm 15,11). Do đó, ông Samuel đến gặp vua Saun và nói: “Chúa có ưa thích các lễ toàn thiêu và hy lễ như ưa thích người ta vâng lời Chúa không? Này, vâng phục thì tốt hơn là dâng hy lễ, lắng nghe thì tốt hơn là dâng mỡ cừu. Phản nghịch cũng có tội như bói toán, ngoan cố là tội ác giống như thờ ngẫu tượng. Bởi vì ngài đã gạt bỏ lời của Chúa, nên Người đã gạt bỏ ngài, không cho làm vua nữa” (1 Sm 15,22t). Tác giả của Thánh vịnh bốn mươi đã tuyên xưng rằng:
Thiên Chúa không ưa thích các thú vật làm hy lễ. Điều vui lòng Thiên Chúa, chính là từng giây phút sống thánh ý Ngài, hiến tế chính mình bằng tình yêu:
“Chúa chẳng thích gì tế phẩm và lễ vật, nhưng đã mở tai con;
lễ toàn thiêu và lễ xá tội Chúa không đòi, con liền thưa: ‘Này con xin đến!
Trong sách có lời chép về con rằng: con thích làm theo thánh ý,
và ấp ủ luật Chúa trong lòng, lạy Thiên Chúa của con” (Tv 40,7-9)
Trong bài đọc hai của phụng vụ Lời Chúa hôm nay, tác giả của thư gửi tín hữu Hípri dựa vào các lời của đoạn Thánh vịnh này để suy tư về lễ vật hy tế mà Đức Giêsu dâng chính mình Người cho Thiên Chúa thay thế cho các hy tế của Cựu ước (Hr 10,5-7). Theo tác giả, Đức Giêsu đã áp dụng Thánh Vịnh này khi hiến dâng chính mình hoàn toàn cho Chúa Cha và cho anh em Người, cho đến bằng lòng chịu chết trên Thập tự giá và như thế trở thành hy tế hoàn hảo. Thánh Phaolô cũng đã trình bày lý lẽ tương tự trong thư gửi tín hữu Philipphê: “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên thập giá” (Pl 2,8).
Trong cuộc sống tại thế, Đức Giêsucòn nói với các môn đệ: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy” (Ga 4,34); và với người Do thái: “Tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôi, nhưng theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 5,30). Vào giờ quyết định hiến tế chính mình, Người còn lập lại lời của Thánh vịnh trên: “Lạy Cha, xin đừng theo ý Con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39). Thực hiện điều này, Đức Giêsu không vong thân, nhưng Người được tự do hoàn toàn, bằng chứng là nhờ cái chết vâng phục, Người đã được Chúa Cha tôn vinh (Pl 2,9-11). Vì thế, Thánh Phaolô đã nói với tín hữu Rôma: “Thật vậy, cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính” (Rm 5,19).
Đức Maria, một thiếu nữ đã đính hôn với thánh Giuse, tin vào lời ngôn sứ Isaia nói với vua Akhát rằng: “Này đây một trinh nữ sẽ mang thai và sinh hạ con trai, và đặt tên là Emmanuel” như bài đọc một hôm nay đã trình bày cùng tin vào lời thiên sứ truyền tin trong bài Tin Mừng: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và Quyền Năng Đấng Tối Cao sẽ tỏa bóng trên bà, vì thế Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.” Mẹ đã đáp lại bằng cách sẵn sàng vâng theo kế hoạch của Thiên Chúa mà không có bất kỳ sự lưỡng lự, dè dặt, do dự nào cả. Mẹ để cho Lời Chúa được lấp đầy hoàn toàn trong tâm hồn trước khi được thành hình trong thân xác ngõ hầu chương trình cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện. Phải có một đức tin mạnh mẽ và sâu sắc vào Lời Chúa để đáp lên bằng hai tiếng “Xin Vâng” ngõ hầu ý Chúa được thực hiện.
Tương tự như thế, thánh Giuse cũng phải có một đức tin vững mạnh vào lời thiên sứ Chúa: “Đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” để chấp nhận Đức Maria làm vợ mình. Thánh nhân đã tin vào sự can thiệp của Thiên Chúa vào đời sống nhân loại, đã hiểu tình mẫu tử thần linh của Đức Maria. Thánh nhân đã thể hiện sự công chính vượt trội hơn điều mà các Kinh Sư đòi hỏi, nghĩa là tin vào ân sủng của Thiên Chúa chứ không phải do công trạng của mình.
Quả thật, như thánh Augustinô đã nói: “Chúa dựng nên con không cần có con nhưng để cứu độ con, Chúa cần sự cộng tác của con.” Tác giả thư Hípri khuyên nhủ các tín hữu biết vâng phục các vị lãnh đạo tinh thần như là vâng phục Chúa qua giáo huấn sau đây: “Anh em hãy vâng lời những người lãnh đạo anh em và hãy phục tùng họ, vì họ chăm sóc linh hồn anh em như những người sẽ phải trả lẽ với Thiên Chúa. Như thế, họ sẽ vui vẻ thi hành phận sự của mình mà không than thở, bởi vì điều đó chẳng ích gì cho anh em” (Hr 13,17).
Đây phải là kinh nguyện của chúng ta, nhưng với điều kiện là đừng rơi vào đường lối vụ hình thức: điều Thiên Chúa mong đợi nơi chúng ta, không phải là những lễ vật bên ngoài nhưng chính là tâm hồn chúng ta, chính là cuộc sống mỗi ngày của chúng ta được tiến dâng, chính là hy lễ thiêng liêng (1 Pr 2,5). Thiên Chúa mong chờ cung cách sống đạo xứng hợp của chúng ta: sung sướng vì niềm tin của mình¬¬ thán phục Thiên Chúa, thi hành thánh ý Chúa suốt đời, loan báo tin mừng, tin vui về sự công minh, về ơn cứu độ, về tình thương và chân lý của Thiên Chúa.
Lời nguyện: Lạy Đức Giêsu, Ngài đã dạy bảo và thi hành ý Cha trọn hảo. Xin Ngài ban sức mạnh và tinh thần khiêm tốn để chúng con luôn thực hiện điều Ngài muốn: “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.” Amen.
XIN VÂNG
Lm. Phêrô Vũ Đức Thắng, SVD
Lội ngược dòng lịch sử của công cuộc tạo dựng, con người ta không khỏi ngưỡng mộ và cảm phục trước tình yêu bao la mà Thiên Chúa đã dành cho nhân loại. Thiên Chúa yêu thương và tạo dựng muôn loài và đặt vào đó một thụ tạo cao quý nhất đó là con người. Ngài trao ban cho con người tình yêu, tự do và ân sủng. Thế nhưng, nét tinh ròng của tình yêu thuở ban đầu đã bị con người làm phôi phai bởi sự kiêu ngạo và bất tuân phục mà hậu quả của nó là sự tội và sự chết. Tuy nhiên, tất cả những điều đó không phải là dấu chấm hết cho sự lầm lỗi, nhưng một lần nữa Thiên Chúa bày tỏ tình yêu cứu độ qua Con của Ngài. Mừng lễ Truyền Tin hôm nay, Giáo Hội mời gọi con cái mình chiêm ngắm hình ảnh của một mặc khải đầy yêu thương mà Thiên Chúa Ba Ngôi đã dành cho nhân loại cùng với sự đáp trả trong tin yêu, khiêm tốn của Mẹ Ma-ri-a qua hai tiếng “Xin Vâng”.
Các bài đọc trong lễ Truyền Tin hôm nay tập trung trong việc tuân phục hay bất tuân lời Thiên Chúa. Trong bài đọc I, mặc dù đã được Ngôn sứ I-sai-a truyền chỉ tuân phục một mình Thiên Chúa, vua A-Khát của Giu-đa vẫn bất tuân sang cầu viện Ai Cập. Hậu quả là nước mất nhà tan, từ vua đến dân bị lưu đày qua Ba-by-lon. Trong bài đọc II, tác giả thư gửi tín hữu Híp-ri so sánh các hy lễ đền tội của Cựu Ước với sự vâng phục của Đức Ki-tô, và đưa đến kết luận: Thiên Chúa trân quý sự vâng phục của Đức Ki-tô hơn ngàn vạn chiên cừu, và cái chết của Ngài trên Thập Giá có sức mạnh xóa sạch tội và mang lại ơn cứu độ cho con người. Trong Tin Mừng theo thánh Lu-ca, lời thưa “Xin Vâng” của Đức Trinh Nữ Ma-ri-a trong biến cố Truyền Tin đã bắt đầu kỷ nguyên cứu độ: Chúa Thánh Thần đã rợp bóng trên Mẹ Ma-ri-a, và hài nhi Giê-su, Con Một của Thiên Chúa, đã hình thành trong lòng Mẹ. Thật vậy, cứu độ nhân loại là kế hoạch được khởi sự từ tình yêu của Thiên Chúa. Tuy nhiên, kế hoạch của Thiên Chúa có thể không thực hiện được nếu thiếu một nửa kia đó là sự đáp trả của Mẹ Ma-ri-a. Là một thiếu nữ mười sáu tuổi, không một điều báo trước, không một sự chuẩn bị, sứ mạng Thiên Chúa trao cho Mẹ Ma-ri-a qua lời truyền tin của sứ thần Gáp-ri-en không khỏi làm Mẹ ngỡ ngàng và bối rối. Cưu mang Con Thiên Chúa do quyền năng Chúa Thánh Thần – đó là điều quá lớn lao vượt sức lý giải và đón nhận của loài người. Mẹ Ma-ri-a có quyền thắc mắc và Mẹ cũng có quyền từ chối. Tuy vậy, sau lời giải thích của sứ thần, Mẹ Ma-ri-a mau mắn đáp lời xin vâng: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Theo thánh Bê-na-đô, lời xin vâng của Mẹ Ma-ri-a đã làm cho triều thần thiên quốc đang nín thở đợi chờ được hân hoan vui sướng, cho hoa lá reo mừng, cho Mùa Xuân Cứu Độ được mở ra. (x. Ratzinger J., Đức Giê-su thành Na-da-rét, phần III Thời thơ ấu của Đức Giê-su). Mẹ Ma-ri-a xin vâng. Tiếng xin vâng trong khiêm cung và tín thác. Tiếng xin vâng chấp nhận mọi khó khăn và hiểm nguy có thể sẽ đến như: sự hiểu lầm của thánh Giu-se – người mà Mẹ đã đính hôn, mất đi sự đức hạnh trước mắt người đời, thậm chí là cái chết vì ném đá theo luật của người Do Thái. Mẹ xin vâng. Tiếng xin vâng chân thành và vô điều kiện. Tiếng xin vâng của Mẹ chẳng giống như tiếng xin vâng của người con thứ trong dụ ngôn hai người con: Khi người anh được cha sai đi làm vườn nho, người anh đáp “Thưa Ngài, con đây” nhưng rồi lại không đi (x. Mt 21,28-32). Tiếng xin vâng đó cũng chẳng giống với cách vâng phục trong tính toán của người con cả trong dụ ngôn Người cha nhân hậu (x. Lc 15,11-32). Mẹ đã xin vâng. Mẹ xin vâng với trọn tâm tình và dùng cả cuộc đời để sống lời xin vâng ấy. Nơi Mẹ Ma-ri-a, thánh ý Thiên Chúa luôn được thể hiện cách trọn vẹn. Nhờ Mẹ và qua Mẹ, Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người, mang tình yêu và ơn cứu độ đến cho trần gian.
Trong biến cố thiên thần truyền tin cho Mẹ, chúng ta nhận ra được tinh thần lắng nghe của Mẹ. Thật vậy, Mẹ Ma-ri-a luôn là người phụ nữ biết lắng nghe và thực thi thánh ý của Thiên Chúa. Mẹ chính là mẫu gương của những người tin, những người trên đường tìm kiếm Thiên Chúa. Lắng nghe Lời Chúa chính là khả năng cần thiết làm cho người Ki-tô hữu lớn lên trên hành trình sống Đức Tin. Theo bước chân của Mẹ Ma-ri-a, Chúng ta là những Ki-tô hữu cũng được mời gọi hãy luôn biết lắng nghe Lời Chúa, tin tưởng vào kế hoạch yêu thương của Chúa dành cho mỗi người và sẵn sàng đáp tiếng “Xin Vâng”. Tuy vậy, trong một xã hội đề cao tự do, quyền lợi cá nhân và chủ nghĩa hưởng thụ như ngày hôm nay, việc sống xin vâng theo thánh ý của Chúa là một thách đố không nhỏ. Bởi lẽ, tiếng xin vâng bao giờ cũng đòi hỏi những sự từ bỏ và hy sinh mà không phải ai cũng can đảm để chấp nhận. Vẫn còn rất nhiều những lời mời gọi của Thiên Chúa đang chờ đợi lời đáp trả từ phía người Ki-tô hữu. Ước mong những người Ki-tô hữu hiểu rằng: Tình yêu chỉ trọn vẹn khi đến từ hai phía. Ơn cứu độ chỉ có thể thực hiện khi có sự cộng tác của con người: “Để dựng nên con Chúa không cần con, nhưng để cứu độ con Chúa cần con cộng tác” (Thánh Augustino).
Lạy Chúa, xin Chúa giúp chúng con biết tập sống mở lòng ra với Thiên Chúa và với Lời của Ngài, để qua đó cuộc sống và con người của chúng con tràn ngập Lời Chúa, tràn ngập ánh sáng Tin Mừng. Xin Chúa giúp mỗi người chúng con biết noi gương Mẹ Ma-ri-a, luôn chu toàn thánh ý Chúa ở mọi nơi và trong mọi lúc, trong mọi hoàn cảnh sống để cuộc đời chúng con sẽ là một lời xin vâng liên tục, nhờ đó chúng con sẽ trở nên những người con ngoan của Chúa. Xin cho chúng con noi gương Mẹ Ma-ri-a thưa vâng cách can trường và quả cảm trong mọi hoàn cảnh, để chương trình của Chúa được thực hiện trên cuộc đời chúng con. Amen.
ĐÁP TRẢ XIN VÂNG THEO THÁNH Ý CHÚA
Lm. Giuse Nguyễn Văn Dũng, SVD
Trình thuật Tin Mừng kể lại việc Đức Maria được Sứ Thần Gáprien báo tin việc cưu mang Đấng Cứu Thế, người mà muôn dân đang mong đợi, Đấng sẽ đến giải thoát dân khỏi cảnh lầm than, khỏi ách nô lệ. Cũng qua trình thuật này, thánh Luca cho ta thấy tất cả những ơn huệ lớn lao của Mẹ đã bắt đầu một biến cố thật hạn hẹp, thật nhỏ bé, thật khiêm tốn, thật âm thầm và đầy kín ẩn, đó chính là biến cố Truyền Tin. Nhỏ bé và âm thầm, nhưng đó chính là một kinh nghiệm thiêng liêng làm thay đổi cuộc đời của Đức Maria, và thay đổi cả lịch sử cứu độ ngang qua lời đáp “Xin Vâng”.
- Cuộc Đối Thoại Giữa Sứ Thần Gáprien Và Đức Maria
Mở đầu cuộc đối thoại, sứ thần ngỏ lời với Đức Maria: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”. “Mừng vui lên”: Đây là lời mời các ngôn sứ đã từng ngỏ với “thiếu nữ Xion”, tức là cộng đoàn những người khiêm nhu đang trông đợi Vị Cứu Tinh đến (Xp 3,14; Dcr 9,9). “Đấng đầy ân sủng”: Từ dùng trong Tin Mừng có nghĩa chính xác là “được sủng ái”. Có những người khác cũng đã được yêu mến, được tuyển chọn, sủng ái, nhưng ở đây tính từ này trở thành như tên riêng đặc biệt của Đức Maria. Chính lời chào này của sứ thần đã làm cho Đức Maria bối rối và Đức Mẹ đã tự hỏi về ý nghĩa của lời chào. Không phải vì Mẹ không hiểu điều sứ thần muốn công bố, là ân sủng Thiên Chúa dành cho Mẹ cách nhưng không, nhưng Mẹ không hiểu ý nghĩa của ân sủng này. Qua ân sủng Thiên Chúa ban cho Mẹ tràn đầy, Chúa muốn nói gì với Mẹ, Chúa muốn mời gọi Mẹ thực hiện điều gì?
Để Đức Maria được an tâm, sứ thần đã làm rõ ơn huệ nhưng không Chúa ban cho Mẹ: “Bà được đẹp lòng Thiên Chúa”, và sau đó loan báo sứ mạng mà Thiên Chúa muốn trao cho Mẹ: “Này đây bà sẽ thụ thai…”. Như thế, ơn huệ luôn đi đôi với sứ mạng; và đó chính là cung cách hành động của Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ, trong lịch sử của Giáo Hội. Sứ mạng thụ thai, hạ sinh con trai, vốn là “Con Đấng Tối Cao” là sứ mạng quá lớn, lớn hơn tất cả những gì Mẹ đã nhận được. Vì thế, Mẹ không thể không nêu câu hỏi, và câu hỏi của mẹ chất chứa một ngăn trở cũng rất lớn: “Việc ấy sẽ xẩy ra thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?”
Sứ thần đã không để Đức Maria một thân một mình với các vấn đề của Người. Vì thế, để thuyết phục, ngài đã không dựa vào điều gì khác ngoài quyền năng của Thiên Chúa. Trước hết, theo lời sứ thần, Người Con Mẹ sẽ cưu mang và sinh ra là hoàn toàn do quyền năng của Thiên Chúa và thuộc về Thiên Chúa: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà…”. Để lời thuyết phục được vững chắc hơn, sứ thần long trọng nêu ra trường hợp bà Êlizabét để thuyết phục Đức Mẹ. Sự kiện bà chị họ với cung lòng già cỗi và vừa hiếm muộn nhưng lại mang thai bởi quyền năng Thiên Chúa, sự kiện này có nghĩa đặc biệt trong lời xin vâng của Mẹ. Kết quả là, lời của sứ thần rất thuyết phục, thuyết phục đến độ làm cho Đức Maria đã thốt ra lời “Xin Vâng” liều lĩnh. Liều lĩnh phó mặc đời Mẹ để cho công trình cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện.
- Lời Đáp Trả “Xin Vâng” Của Đức Maria
Đức Maria đã nhận ra ý muốn của Thiên Chúa trong lời sứ thần và tùng phục quyền năng của Người, nên Mẹ đáp lại: “Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Từ “nữ tỳ” có thể làm cho nhiều người lầm hiểu Thiên Chúa như một ông chủ lợi dụng bầy tôi nhằm đạt mục đích của mình chứ không thật sự yêu mến họ. Nhưng nếu hiểu theo chiều hướng này, tức là Thiên Chúa trao cho Đức Maria một trách nhiệm thiết thực trong biến cố Nhập Thể của Con mình thì Người đâu còn là Thiên Chúa cao cả một cách tuyệt đối nữa. Thiên Chúa đâu cần một nữ tỳ để cho con của Người có một thể xác phàm nhân, nhưng Người muốn tìm một người mẹ xứng đáng cho người Con ấy; và để Đức Maria thật sự trở thành người mẹ đó, thì Chúa Cha ắt đã phải đoái nhìn và yêu mến Người hơn bất cứ thụ tạo nào khác.
Thật vậy, trong lời “Xin Vâng”, Mẹ tự xưng mình là “Nữ tỳ”. Chúng ta thường nghĩ ra nhiều tước hiệu cao vời dành cho Đức Maria, nhưng trong biến cố Truyền Tin và trong bài ca bất hủ Magnificat thì Mẹ lại thích tự xưng mình là “Nữ tỳ của Chúa”, là “Phận nữ tỳ hèn mọn”. Khi thốt lên lời này, Đức Maria không tự hạ một cách giả tạo, nhưng là nói lên thái độ sẵn sàng của Mẹ trước ân huệ lớn lao là cưu mang và hạ sinh Đấng vừa là Người Tôi Trung được các ngôn sứ báo trước, vừa là Người Con của Thiên Chúa. Chúng ta được mời gọi dõi theo một Đức Maria như thế đó, một người Mẹ thật gần gũi đối với mỗi người chúng ta, và chúng ta cũng như Mẹ, là tôi tớ, là nữ tỳ của Thiên Chúa. Đức Maria đã thể hiện lòng tín thác tuyệt đối với Thiên Chúa qua lời: “Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói”. Chính qua lời này, Mẹ đã cam kết từ bỏ quyền làm chủ đời mình và phó mặc cuộc đời của Mẹ cho kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.
Khi đáp trả lời “Xin Vâng”, tức là lúc Mẹ chấp nhận chương trình của Thiên Chúa, thụ thai để làm Mẹ Đấng Cứu Độ. Lời “Xin Vâng” sẽ đưa Mẹ đến những điều bất ngờ, lớn lao đang chờ đón Mẹ phía trước, chắc chắn lúc này Mẹ chưa hình dung ra hết được, bởi vì Mẹ sẽ phải khám phá ra từ từ, đó là cách Đức Giêsu trở nên cao cả, trở nên Con Đấng Tối Cao, và nhất là cách Ngài thừa kế ngai vàng vua Đavít. Cùng với đó là biến cố Đức Giêsu hạ sinh trong máng cỏ, việc dâng Hài Nhi cho Đức Chúa trong đền thờ cùng với lời sấm của cụ Simêon: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà”, và nhất là biến cố Con Mẹ chịu đóng đinh trên thập giá. Mẹ đã âm thầm xin vâng, chấp nhận tất cả, vì chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
Là người con của Mẹ, chúng ta hãy noi gương Mẹ sống phó thác với lời xin vâng những khi gặp thử thách trong cuộc đời. Chúng ta cũng noi gương Mẹ sống âm thầm lặng lẽ, đón nhận những biến cố trong cuộc đời với niềm tín thác và lòng mến yêu. Mỗi ngày ta tập làm những điều nho nhỏ với tinh thần hy sinh, phục vụ tha nhân để lời xin vâng của ta trở nên đẹp và trọn vẹn theo thánh ý Chúa. Chúng ta được mời gọi chạy đến với Mẹ không chỉ qua thánh lễ Truyền Tin hôm nay, nhưng là mỗi ngày suốt đời ta, để cùng học với Mẹ tâm tình lắng nghe và thi hành thánh ý Chúa với tâm tình con thảo. Nhờ đó, chúng ta cũng vượt thắng được những gian nan thách đố, những khó khăn trong cuộc sống của mình để chia sẻ với tha nhân những ân sủng của Thiên Chúa.
TRỞ NÊN KHÍ CỤ
Tu sĩ Giuse Vũ Xuân Sơn, SVD
Hôm nay toàn thể Giáo Hội mừng kính một biến cố quan trọng trong lịch sử cứu độ, biến cố sứ thần Gaprien truyền tin cho Đức Maria, Mẹ của chúng ta. Qua tiếng “xin vâng” của Đức Maria, kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa đã được khởi sự. Đây cũng chính là khoảnh khắc đầu tiên con người được cộng tác vào công trình cứu chuộc của Thiên Chúa.
Ngay từ khởi thủy, Thiên Chúa đã ban cho con người ân huệ là được cộng tác vào công trình tạo dựng của Ngài. Và qua biến cố truyền tin hôm nay, Thiên Chúa một lần nữa mời gọi con người cộng tác vào một công trình khác của Ngài, công trình cứu chuộc chính họ khỏi ách thống trị của tội lỗi. Tuy nhiên, kế hoạch đó có thành hiện thực hay không còn tuỳ thuộc vào sự đáp trả của chúng ta. Thánh Augustinô đã từng nói: “Khi tạo dựng nên con người Thiên Chúa không cần hỏi ý kiến họ, nhưng khi cứu chuộc con người, Ngài cần họ cộng tác với Ngài”. Hình ảnh Đức Maria trong bài Tin Mừng hôm nay là một mẫu gương cho mỗi người chúng ta về sự luôn tín thác tuyệt đối vào Thiên Chúa. Qua biến cố truyền tin, tôi xin chia sẻ về hai nhân đức tuyệt vời nơi Đức Maria: Lòng kính sợ Thiên Chúa và sự khiêm nhường.
Lòng kính sợ Thiên Chúa: Sách Khôn Ngoan đã mặc khải cho chúng ta biết rằng, lòng kính sợ Thiên Chúa là đầu mối của mọi sự khôn ngoan. Nhưng không phải ai cũng nhận ra điều này. Bài đọc một ngày hôm nay trình bày cho chúng ta câu chuyện về vua Akhát, qua đó cho chúng ta thấy rằng, vua Akhát không phải vì khiêm nhường khi ông không dám xin Thiên Chúa một dấu lạ, nhưng vì ông hồ nghi Đức Chúa không đủ quyền năng để bảo vệ vương quốc khi nghe tin quân ngoại bang vây đánh. Vì thế, thay vì cậy dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa thì ông đã cậy dựa vào thế lực của vua Átsua. Chính điều đó mà ông đã không được Thiên Chúa chúc phúc.
Trái lại, trong Tin Mừng hôm nay lòng kính sợ Thiên Chúa được biểu lộ cách rõ nét nơi Đức Maria. Đức Maria vì kính sợ Thiên Chúa nên trong cuộc sống đã không làm những gì mất lòng Thiên Chúa. Trong mọi biến cố Đức Maria vâng theo thánh ý Thiên Chúa cách tuyệt đối. Trong biến cố truyền tin hôm nay, Đức Maria cũng chỉ thưa tiếng xin vâng khi biết chắc việc thụ thai là do quyền năng của Chúa Thánh Thần.
Suốt cuộc đời mình, Đức Maria đã cho chúng ta thấy, Ngài là một chứng nhân về người có lòng kính sợ Thiên Chúa. Vì kính sợ Thiên Chúa, Mẹ đã vâng lời sứ thần truyền; vì kính sợ Thiên Chúa, Mẹ đã cùng thánh Giuse đưa Hài Nhi trốn qua Ai Cập; vì lòng kính sợ Thiên Chúa, Mẹ âm thầm chịu đựng biến cố thương khó cùng Đức Giêsu, nhất là dưới chân Thánh Giá trên đỉnh đồi Golgôtha.
Sự khiêm nhường: Bài học thứ hai mà Mẹ dạy chúng ta là nhân đức khiêm nhường. Theo các nhà tu đức thì khiêm nhường là nhân đức nền tảng của mọi nhân đức. Đứng trước lời của sứ thần, Đức Maria cũng bối rối như ông Dacaria nhưng Đức Maria không tỏ ra sợ sệt, vì Mẹ đã nhận thức rõ về con người của mình là “nữ tỳ” của Thiên Chúa. Khác hẳn với tổ tông con người là bà Evà xưa. Thuở xưa bà Evà, là một thụ tạo được Thiên Chúa tạo dựng, chỉ mang trong mình thân phận thụ tạo nhưng lại có tham vọng được ngang tầm với Thiên Chúa. Nên đã sa ngã trước cám dỗ của ma quỷ và phải chịu sự trừng phạt. Chính lòng kính sợ Thiên Chúa và sự khiêm nhường của mình mà Đức Maria đã được Thiên Chúa mời gọi cộng tác vào công trình cứu chuộc của Thiên Chúa. Ý định cứu độ đến từ Thiên Chúa và hoàn toàn phụ thuộc vào Ngài, nhưng không phải vì thế mà chúng ta hoàn toàn thụ động ngồi chờ. Noi gương Đức Mẹ, chúng ta cũng phải luôn sẵn sàng tỉnh thức để nhận ra thánh ý Chúa và cùng cộng tác vào sứ mệnh mà Thiên Chúa đã đặt để nơi mỗi người chúng ta.
Nhắc đến danh hoạ Leonard De Vinci, chúng ta thường nghĩ ngay đến những bức hoạ tuyệt diệu của ông. Bên cạnh đó ông cũng là người sưu tập những câu chuyện cổ tích, và sáng tác ra những câu chuyện mới, như câu chuyện về cuộc đối đáp của tờ giấy trắng và cây viết. Có một tờ giấy trắng nằm ù lì trên bàn với bao đồng bạn khác từ nhiều năm tháng qua. Nhưng một hôm, nó được chọn đem ra trước bàn chịu cảnh cây viết vẽ lên nó không biết bao nhiêu dấu hiệu mà nó không hiểu gì cả. Tờ giấy phàn nàn với cây viết: “tại sao anh lại làm đau tôi, làm mất đi sự trinh trắng và làm hư cả cuộc đời tôi vậy?” Nhưng cây viết trả lời: “Không, anh giấy hiểu lầm tôi rồi, tôi không làm dơ anh đâu, tôi vẽ lên anh những dấu hiệu, những dòng chữ và kể từ nay anh sẽ không còn là tờ giấy vô dụng nữa. Anh sẽ mang trên mình một sứ điệp, anh trở thành kẻ cộng tác với con người và lưu giữ những tư tưởng cao siêu của họ, và vì thế, anh sẽ được con người nâng niu bảo vệ; anh sẽ tồn tại mãi để trợ giúp, cộng tác với con người”. Tờ giấy chưa kịp trả lời cây viết, thì nó bỗng nhìn thấy một bàn tay con người quơ lấy những tờ giấy trắng đồng bạn của nó trước đây mà quăng vào ngọn lửa bên cạnh. Bấy giờ tờ giấy trắng đầy chữ viết mới hiểu được hành động vừa rồi của cây viết và lấy làm sung sướng vì được trở thành kẻ cộng tác và lưu giữ kho tàng trí khôn của con người.
Cuộc đời mỗi người chúng ta có thể được so sánh như tờ giấy trắng kia, nếu không chấp nhận để cho bàn tay Thiên Chúa viết vào đó những dòng chữ, những chương trình hành động, thì sẽ không nếm cảm được hạnh phúc trở thành người cộng tác với Thiên Chúa, trở thành kẻ lưu truyền sự khôn ngoan của Thiên Chúa, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tờ giấy không hiểu được những hành động của cây viết vẽ những dấu lạ trên mình nó, con người cũng chắc chắn không thể nào hiểu được ý định, thánh ý của Thiên Chúa. Nhưng chắc chắn một điều là những ý định của Thiên Chúa là những ý định khôn ngoan, hợp lý nhất để đưa con người đến hạnh phúc đích thực.
Thật vậy, Đức Maria đã tự nguyện trở thành tôi tớ của Thiên Chúa để cộng tác vào chương trình cứu chuộc nhân loại. Ngài đã trở nên một dụng cụ tuyệt vời của Thiên Chúa, hoàn toàn đặt mình dưới quyền sử dụng của Thiên Chúa như một tờ giấy trắng trước cây viết. Mỗi người chúng ta tuỳ hoàn cảnh và ơn Chúa ban đều có thể cộng tác vào công trình cứu độ của Thiên Chúa qua những công việc hằng ngày. Đầu năm nay tình hình dịch bệnh Covid 19 ảnh hưởng nghiêm trọng trên toàn thế giới. Cho đến nay, một con virus không thể nhìn qua mắt thường nhưng nó đã cướp đi sinh mạng của gần một triệu người và gây hoang mang cho toàn thể nhân loại. Chúng ta cũng thấy ánh lên niềm hy vọng với những con người biết cảm thông, biết chia sẻ làm vơi đi nỗi khổ qua những cửa hàng 0 đồng, ai cần đến lấy, ai dư đến cho hay những cây ATM gạo. Những việc làm đó, ít nhiều cũng xoa dịu được phần nào những nỗi đau của những con người khốn khổ trong xã hội. Qua những việc làm hy sinh như thế là chúng ta đã cùng cộng tác với Thiên Chúa để làm cho thế giới này ngày một tốt đẹp hơn.
Noi gương Mẹ Maria, xin cho mỗi người chúng ta cũng luôn biết can đảm đáp tiếng “xin vâng” trong mọi cảnh huống của cuộc đời để trở nên khí cụ cứu độ trong tay Thiên Chúa. Xin Mẹ cầu bầu và ban thêm nhiều ơn lành cho chúng ta. Amen.
XIN VÂNG
Lm. Giuse Nguyễn Văn Chín, SVD
Ngày hôm nay Hội Thánh kính nhớ một biến cố quan trọng, làm biến đổi toàn thể nhân loại và mở ra một chương mới trong lịch sử cứu độ, đó là biến cốthiên thần báo tin cho Đức Mẹ. Tin Mừng kể lại: sự kiện truyền tin xảy ra tại làng Nadarét, thuộc miền Galilê, nước Do Thái. Sứ Thần Gáprien được Thiên Chúa sai đi, đem mệnh lệnh Thiên Chúa đến cho một thiếu nữ tên là Maria. Lúc đó, Đức Maria đã đính hôn với thánh Giuse, nhưng chưa chung sống.
Sứ thần báo cho Đức Maria biết một tin vui rất trọng đại: Thiên Chúa muốn Đức Maria làm mẹ Đấng Cứu Thế. Sau phút giây do dự, suy nghĩ và tìm hiểu, Đức Maria tin rằng đây là thánh ý Thiên Chúa, nên Mẹ an tâm mà thưa tiếng “xin vâng”: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời Sứ Thần nói”(Lc 1,38).
- Truyền tin mầu nhiệm nhập thể
Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật lại sự kiện sứ thần Gáprien truyền tin cho Đức Maria. Tiếng “xin vâng” của Mẹ đã đưa Mẹ đi vào mầu nhiệm Thiên Chúa làm người. Thánh Luca tường thuật một cách nhẹ nhàng, gây một niềm vui khôn tả: và đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả và được gọi là con Đấng Tối Cao.
Sự kiện trọng đại này đã được tóm tắt thành Kinh Truyền Tinmà các Kitô hữu đạo đức vẫn đọc lên hàng ngày: “Đức Chúa Trời sai Thánh Thiên Thần truyền tin cho rất thánh Đức Bà Maria, và rất thánh Đức Bà chịu thai bởi phép Đức Chúa Thánh Thần…Này tôi là tôi tá Đức Chúa Trời. Tôi xin vâng như lời Thánh Thiên Thần truyền”. Lời kinh ngắn gọn, nhưng gói gém toàn bộ chân lý đức tin của Kitô giáo. Vì thế, khi chúng ta đọc Kinh Truyền Tin, chúng ta không những chiêm ngắm mầu nhiệm nhập thể của Chúa Kitô mà còn nguyện xin ơn được thông hiệp vào mầu nhiệm ấy nữa.
Qua biến cố truyền tin, Thiên Chúa đi vào lịch sử loài người và ở cùng chúng ta, để cứu độ chúng ta. Vì thế, trong Kinh Tin Kính, Giáo Hội tuyên xưng niềm tin về biến cố này như sau: “Vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, Người đã xuống thế làm người…”. Để có thể cứu độ con người, Thiên Chúa sẵn sàng đón nhận thân phận thấp hèn của con người, để từ đó nâng phẩm giá con người lên.
- Đức Maria đón nhận mầu nhiệm
Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy Mẹ đã lắng nghe Thiên Thần đưa tin, rồi tìm hiểu trước khi đón nhận một cách khiêm tốn. Thật vậy, Mẹ đã chất vấn sứ thần Gáprien: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng” (Lc 1,34). Sau khi được sứ thần giải thích, Mẹ đã chấp nhận với một tâm hồn cởi mở, tin tưởng và phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Mẹ quả thật là người biết lắng nghe lời Chúa và cất giữ những lời ấy để suy đi nghĩ lại trong lòng. Đồng thời, Mẹ đã nói lên tiếng thưa “xin vâng” trong niềm tín thác, biểu lộ một đức tin và lòng tuân phục chân thành. Vì thế, đối với Đức Maria, chức làm mẹ thuần túy chưa phải là niềm vinh dự lớn lao nhất, mà là niềm tín thác mẹ đặt nơi Chúa, như lời thánh Augustinô đã dạy:“Đức Maria có đức tin vào Đức Kitô hơn là vì Mẹ cưu mang nhục thể Đức Kitô… mối quan hệ mẫu tử của Mẹ có thể chẳng ích lợi gì đối với Mẹ nếu Mẹ chẳng vui sướng cưu mang Đức Giêsu trong trái tim hơn là trong dạ Mẹ. Mẹ đã thụ thai Đức Kitô trong đức tin trước khi Mẹ thụ thai Ngài trong dạ…Chính qua đức tin, Mẹ đã sinh hạ Ngài”.
Chính vì vậy, Công đồng Vaticanô II, trong hiến chế về Giáo Hội gọi Đức Maria là mẫu gương phi phàm cho Giáo Hội trong đức tin và đức mến. Di sản ngàn đời của Mẹ để lại cho chúng ta là đức tin và đức mến. Đức tin phải có một địa chỉ đi về đó là đức ái. Mà đức ái là việc lắng nghe và tuân giữ lời Chúa.
- Đến lượt chúng ta
Những chia sẻ vắn tắt trên đây có thể giúp chúng ta phần nào cảm nghiệm được hai tiếng xin vâng của Đức Mẹ. Nhờ việc sùng kính Đức Mẹ cách sốt sắng, đặc biệt noi gương Mẹ nói tiếng “xin vâng” để chu toàn thánh ý Thiên Chúa trong cuộc sống mỗi ngày, chúng ta sẽ đón nhận nhiều ơn lành qua tay Đức Mẹ. Bởi vì Thiên Chúa là Đấng toàn năng, toàn thiện, chúng ta là con người yếu đuối và tội lỗi, nênchúng ta không xứng đáng đón nhận nguồn ân sủng nơi Ngài. Vậy nên chúng ta cần có Mẹ như là chiếc cầu nối để chuyển thông ân sủng cho chúng ta. Như thánh Bênađô đã nói: “Tội nhân ạ, chính vì bạn không xứng nhận ơn Chúa, mà Chúa đã ban mọi ơn cho Mẹ, để bạn đến nhận lấy từ tay Mẹ”.
Chuyện kể rằng: một hôm có hai mẹ con được vào diện kiến nhà Vua. Nhà Vua đã bảo người hầu đưa ra rất nhiều kẹo. Rồi nhà vua bảo đứa bé ngửa bàn tay ra và nói: “Bây giờ trẫm chỉ cho con vừa đủ trong hai bàn tay thôi”. Khi đó, đứa bé rất khôn ngoan đã nói rằng: “Thưa Đức Vua, vậy thì con sẽ nhờ mẹ của con lấy dùm, vì bàn tay của mẹ to hơn”. Nhà vua đã khen đứa bé khôn ngoan và đã thưởng cho nhiều kẹo và những phần thưởng có giá trị khác.
Trong cuộc sống đức tin của chúng ta hôm nay cũng thế, nếu chúng ta biết tin tưởng, sùng kính Đức Mẹ cách đặc biệt, thì Đức Mẹ sẽ che chở, cầu thay nguyện giúp cho chúng ta, và chúng ta sẽ nhận được rất nhiều ơn lành từ Thiên Chúa. Chúng ta có rất nhiều hy vọng vì Đức Mẹ rất thương yêu và sẵn sàng nâng đỡ chúng ta. Thánh Bênađô đã nói: “Xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Đức Mẹ xin bầu chữa cứu giúp mà Đức Mẹ từ bỏ chẳng nhận lời”. Với niềm hy vọng đó, những khi gặp khó khăn thử thách, đau khổ, chúng ta hãy đến với mẹ và cùng với Đức Mẹ hát lên bài ca xin vâng: Mẹ ơi, đường đi trăm ngàn nguy khó, hiểm nguy dâng tràn đây đó, xin Mẹ dạy con hai tiếng “Xin Vâng”.