LỜI SỐNG (Thứ Hai, Tuần 3 MC)

0
527

Bài đọc: 2V 5,1-15a

Tin mừng: Lc 4, 24-30

(Khi Chúa Giêsu đến thành Nadarét, Ngài nói với dân chúng tụ họp trong hội đường rằng): “Quả thật, Ta bảo các ngươi, chẳng có một tiên tri nào được tiếp đón tử tế ở quê hương mình.

Ta bảo các ngươi, chắc hẳn trong thời Elia có nhiều bà góa ở Israel, khi trời hạn hán và một nạn đói lớn hoành hành khắp nước suốt ba năm sáu tháng, nhưng Elia không được sai đến với một người nào trong bọn họ, mà chỉ được sai đến với một bà goá ở Sarépta xứ Siđôn thôi.

Cũng có nhiều người phong cùi trong Israel thời tiên tri Elisêô, nhưng không một người nào trong bọn họ được chữa lành, mà chỉ có Naaman, người Syria”.

Vừa nghe đến đó, mọi người trong hội đường đều đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, đẩy Người ra khỏi thành và dẫn Người đến một triền đồi, nơi họ xây thành, để xô Người xuống vực. Nhưng Người tiến qua giữa họ mà đi.

—– SUY NIỆM —–

BỆNH THÀNH KIẾN (Tu sĩ  Phêrô Trần Văn Diệm, SVD)

Người việt có câu “Bụt nhà không thiêng”. Câu thành ngữ này nói lên thái độ coi thường đối với những điều quá thân quen. Tư tưởng này cũng ảnh hưởng đến người Do Thái trong cách họ đánh giá người khác, bằng chứng là họ đối xử với Đức Giêsu cách hững hờ, thậm chí là tẩy chay Người.

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu trở về Nagiarét, và vào hội đường giảng dạy. Dân chúng rất đỗi kinh ngạc về những lời hay ý đẹp của Người. Tuy nhiên, người Do Thái ở quê nhà Đức Giêsu không đón nhận. Vì theo họ, Đức Giêsu chỉ là con bác thợ mộc, mẹ và anh em bà con của Người họ không lạ lẫm gì. Họ không thể tiếp nhận một ngôn sứ, một Đấng Cứu Thế có gia cảnh nghèo nàn, vô danh như thế được. Thậm chí, họ còn đòi hỏi Đức Giêsu cũng phải làm một phép lạ như khi Người đã làm ở Caphácnaum, nhằm để thử thách và thỏa mãn sự tò mò nơi tâm trí mình. Đối lại, Đức Giêsu thấy rõ con người họ. Thế là từ sự thán phục chuyển sang ghen tức, và họ coi Người như một thành phần phải bị loại trừ. Bệnh thành kiến luôn là một trở ngại lớn trong cuộc sống của con người. Dù ở đâu, hoàn cảnh nào thì căn bệnh ấy vẫn len lỏi và chi phối vào các mối quan hệ xã hội. Thực tế cho thấy, ta vẫn thích nghe những lời nói mật ngọt, hoặc những ai ủng hộ mình, mà dễ dàng bỏ qua và thậm chí tẩy chay những người bất đồng quan điểm với mình. Bệnh thành kiến làm cho ta ra mù quáng, không còn nhận định và phê phán khách quan đúng đắn. Để chữa trị được căn bệnh này, chúng ta cần phải dùng đến liều thuốc hữu hiệu: tình yêu và lòng quảng đại. Khi có tình yêu và lòng quảng đại, con người cũng biết cách đối xử tốt với những người khác, tôn trọng sự khác biệt và giá trị nhân phẩm của họ.

Lạy Chúa, xin cho chúng con có một trái tim rộng mở, biết đón nhận nhau, để sống chân thành và tôn trọng nhân phẩm của nhau. Xin Ngài biến đổi trái tim con để yêu thương và quảng đại như trái tim của Chúa. Amen.


NHÌN NHẬN ĐÚNG GIÁ TRỊ THÂN QUEN (Tu sĩ G. B. Nguyễn Văn Tùng, SVD)

Người Việt Nam thường có câu: “Gần chùa gọi Bụt bằng anh”, để nói lên rằng những gì quá thân thương, gần gũi thì hay bị xem nhẹ, coi thường. Những người quá quen thuộc và gần gũi thì dù tài năng đến đâu cũng thường bị xem nhẹ và không được coi trọng.

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cảnh Đức Giêsu bị những người làng xóm thân thuộc của mình quay lưng, không chấp nhận và không coi trọng Ngài. Vì trong mắt của họ, Ngài vẫn chỉ là một con người nhà quê trong ngôi làng nhỏ bé của họ, là con bác thợ mộc. Họ đã biết quá rõ về thân thế, gia đình và những tháng ngày thơ ấu của Ngài. Cho nên, họ ngạc nhiên và không thể chấp nhận Ngài nay đã khác, đã là một Rápbi đầy quyền năng trong lời nói và việc làm. Người ta đã không thể cởi bỏ thành kiến để chấp nhận sự uyên bác và quyền uy của Ngài. Lẽ thường, người ta không coi trọng những gì họ đã biết, đã quen và tiếp xúc nhiều, cho dù những sự tốt đẹp nhất cũng sẽ trở nên quá gần gũi và tầm thường. Đối diện với những người quen thuộc, người ta thường cho rằng mình đã biết rõ về họ, cũng như gia cảnh của họ và dễ dàng gắn họ vào một lăng kính không mấy tích cực. Những người quen thuộc trong gia đình, trong làng xóm hay trong chính cộng đoàn thường sẽ không được đánh giá cao bởi những người xung quanh, vì đã quá quen biết và thân thuộc với họ. Do đó, bài Tin Mừng hôm nay mời gọi mọi người biết trân trọng, yêu thương và nhìn nhận đúng giá trị của những điều thân quen và những con người thân thuộc xung quanh mình. Đừng đánh giá ai đó chỉ vì họ đã quá quen thuộc, hãy đánh giá dựa trên những tài năng và nhân đức của họ bằng cái nhìn thiên kiến.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con thường bị cám dỗ coi thường và nhìn nhận sai giá trị của những người thân thuộc, xin giúp chúng con luôn biết nhận ra giá trị đích thực và coi trọng mọi người đặc biệt là những người thân cận và gần gũi với chúng con. Amen.


 

KIÊU NGẠO VÀ ÍCH KỶ (Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Dũng, SVD)

Tính kiêu ngạo và sự ích kỷ thường đi đôi với nhau, chúng là cội nguồn làm phát sinh mọi sự dữ. Dân Do Thái thời Chúa Giêsu, cụ thể là những người đồng hương với Người vấp phải điều này và kết quả là họ đánh mất ơn huệ của Chúa.

Bài Tin Mừng hôm nay trình bày việc Chúa Giêsu về quê hương và giảng dạy tại đây, nhưng dân Nadarét đã chối bỏ Người. Nguyên nhân của sự chối bỏ này, trước tiên là bắt nguồn từ sự kiêu ngạo. Người ta thường hăm hở chạy theo một người lạ, nhưng khó chấp nhận một người cùng quê với mình nổi danh hoặc lên chức làm thầy mình. Kế đến là vì ích kỷ, họ không chấp nhận thấy người khác được hưởng ơn lộc của Thiên Chúa. Họ mang mặc cảm tự tôn, cho rằng mình là dân được tuyển chọn của Chúa. Do đó, họ có thái độ trịch thượng, khinh bỉ các dân ngoại. Họ cho rằng Thiên Chúa của họ cũng sẽ ích kỷ, hẹp hòi như họ, cũng phân biệt đối xử giống họ. Chúa Giêsu nhắc họ qua câu chuyện Êlia giúp bà góa ở Xarépta, Êlisa chữa ông Naaman người Xyri. Cả hai đều là người dân ngoại nhận được ân phúc của Thiên Chúa qua các ngôn sứ, trong khi chẳng có ai ở Ítraen được như vậy. Vì lời này mà họ đâm ra tự ái, căm ghét và muốn giết Chúa Giêsu.

Do kiêu ngạo mà họ không chấp nhận lời giảng dạy của Chúa và đánh mất ơn huệ; vì ích kỷ nên họ nhắm mắt bịt tai trước những câu chuyện về tình thương không biên giới của Thiên Chúa trong lịch sử. Đây cũng là bài học cho mỗi người chúng ta. Bài học về sự khiêm nhường, bài học về tấm lòng nhân ái, rộng mở chấp nhận mọi sự khác biệt.

Lạy Chúa, xin cho chúng con có tấm lòng rộng mở và một quả tim biết yêu thương để chúng con nhận ra Chúa nơi những người khác và dễ dàng đón nhận sự khác biệt nơi anh chị em con. Amen.


 

THÁI ĐỘ SỐNG (Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Cương – Học viện Ngôi Lời)

Một cái nhìn khách quan, một thái độ cởi mở, tôn trọng là điều cần thiết và quan trọng để nói về ai đó. Tuy nhiên, con người lại thường nhìn người khác, cách riêng là với những người thân quen với cái nhìn chủ quan và thành kiến.

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu trở về quê nhà, bắt đầu sứ mạng rao giảng Tin Mừng. Tuy nhiên, chính những người đồng hương của Người lại không đón nhận Người. Họ không đón nhận Chúa Giêsu vì  hai lý do. Thứ nhất, họ cho rằng Chúa Giêsu cũng chỉ là con của một bác thợ mộc bình dân. Thứ hai, họ không chấp nhận Chúa Giêsu vì Người không đáp ứng theo yêu cầu của họ. Những người này đòi Chúa Giêsu làm phép lạ, nhưng Người đã không làm. Họ đòi Chúa Giêsu làm phép lạ là có ý thách thức Người và để thoả mãn nhu cầu của họ. Nói đúng hơn, họ yêu cầu Chúa Giêsu làm phép lạ chứ không phải là cầu xin sự giúp đỡ của Người. Như thế, những người này đã nhìn và đối xử với Chúa Giêsu bằng đôi mắt thành kiến và với thái độ thiếu khách quan, thiếu tôn trọng.

Trong xã hội hôm nay, không ít người cũng có thái độ giống như những người đồng hương của Chúa Giêsu năm xưa. Người ta dễ nhìn người khác theo một định kiến có trước hoặc theo lăng kính của bản thân, chứ không nhìn người khác như chính họ là. Trong đời sống đức tin, người Kitô hữu cũng dễ rơi vào thái độ giống như những người Do Thái vậy. Nhiều tín hữu đến với Chúa chỉ để xin ơn này ơn kia, bắt Chúa làm theo ý mình chứ không phải tìm theo thánh ý Chúa. Và khi không được như ý, họ đâm ra chán nản, thất vọng và bất mãn.

Lạy Chúa, xin cho con luôn biết nhìn người khác với ánh mắt của Chúa. Xin biến đổi con để con tìm thấy niềm vui, tình yêu trong giờ kinh nguyện, nơi những công việc và nơi những anh chị em mà con gặp gỡ hằng ngày. Amen.


 

NGÔN SỨ (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)

Bài trướcLỜI SỐNG (Chúa Nhật, Tuần 3 MC – B)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Thứ Ba, Tuần 3 MC)