Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 6 Thường Niên – Năm C

0
1044
the wooden rosary on the open Bible

Bài Ðọc I: Gr 17, 5-8

“Khốn thay cho kẻ tin tưởng người đời; phúc thay cho người tin tưởng vào Thiên Chúa”.

Trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Ðây Chúa phán: “Khốn thay cho kẻ tin tưởng người đời, họ nương tựa vào sức mạnh con người, còn tâm hồn họ thì sống xa Chúa. Họ như cây cỏ trong hoang địa, không cảm thấy khi được hạnh phúc; họ ở những nơi khô cháy trong hoang địa, vùng đất mặn không người ở. Phúc thay cho người tin tưởng vào Thiên Chúa, và Chúa sẽ là niềm cậy trông của họ. Họ sẽ như cây trồng nơi bờ suối, cây đó đâm rễ vào nơi ẩm ướt, không sợ gì khi mùa hè đến, lá vẫn xanh tươi, không lo ngại gì khi nắng hạn mà vẫn sinh hoa kết quả luôn.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 1, 1-2. 3. 4 và 6

Ðáp: Phúc thay người đặt niềm tin cậy vào Chúa (Tv 39, 5c).

Xướng: 1) Phúc cho ai không theo mưu toan kẻ gian ác, không đứng trong đường lối những tội nhân, không ngồi chung với những quân nhạo báng, nhưng vui thoả trong lề luật Chúa, và suy ngắm luật Chúa đêm ngày. – Ðáp.

2) Họ như cây trồng bên suối nước, trổ sinh hoa trái đúng mùa; lá cây không bao giờ tàn úa. Tất cả công việc họ làm đều thịnh đạt.- Ðáp.

3) Kẻ gian ác không được như vậy; họ như vỏ trấu bị gió cuốn đi, vì Chúa canh giữ đường người công chính, và đường kẻ gian ác dẫn tới diệt vong. – Ðáp.

Bài Ðọc II: 1 Cr 15, 12. 16-20

“Nếu Ðức Kitô đã không sống lại, thì lòng tin của anh em cũng là hão huyền”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, nếu Ðức Kitô được rao giảng rằng Người đã từ cõi chết sống lại, thì làm sao có người trong anh em cho rằng không có sự sống lại từ cõi chết? Vì nếu kẻ chết không sống lại, Ðức Kitô cũng đã không sống lại. Nếu Ðức Kitô đã không sống lại, thì lòng tin của anh em cũng là hão huyền, và hiện anh em vẫn còn ở trong tội lỗi của anh em. Như thế ai đã chết trong Ðức Kitô, cũng bị tiêu huỷ cả. Nếu chúng ta chỉ hy vọng vào Ðức Kitô trong cuộc đời này mà thôi, thì chúng ta là những người vô phúc nhất trong thiên hạ.

Nhưng không, Ðức Kitô đã từ cõi chết sống lại, là hoa quả đầu mùa của những người đã yên giấc.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 14, 23

Alleluia, alleluia! – Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 6, 17. 20-26

“Phúc cho những kẻ nghèo khó. Khốn cho các ngươi là kẻ giàu có”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu từ trên núi xuống cùng với mười hai tông đồ, và dừng lại trên một khoảng đất bằng; ở đó có đông môn đệ và một đám đông dân chúng từ Giuđêa, Giêrusalem, miền duyên hải Tyrô và Siđon kéo đến để nghe Người giảng và xin Người chữa bệnh tật. Bấy giờ Người đưa mắt nhìn các môn đệ và nói: “Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của các ngươi. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đói khát, vì các ngươi sẽ được no đầy. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ phải khóc lóc, vì các ngươi sẽ được vui cười. Phúc cho các ngươi, nếu vì Con Người mà người ta thù ghét, trục xuất và phỉ báng các ngươi, và loại trừ tên các ngươi như kẻ bất lương. Ngày ấy, các ngươi hãy hân hoan và reo mừng, vì như thế, phần thưởng các ngươi sẽ bội hậu trên trời. Chính cha ông họ cũng đã đối xử với các tiên tri y như thế.

“Nhưng khốn cho các ngươi là kẻ giàu có, vì các ngươi hiện đã được phần an ủi rồi. Khốn cho các ngươi là kẻ đã được no nê đầy đủ, vì các ngươi sẽ phải đói khát. Khốn cho các ngươi là kẻ hiện đang vui cười, vì các ngươi sẽ ưu sầu khóc lóc. Khốn cho các ngươi khi mọi người đều ca tụng các ngươi, vì chính cha ông họ cũng từng đối xử như vậy với các tiên tri giả”.

Ðó là lời Chúa.

Bài giảng chủ đề:

PHÚC CỦA NGƯỜI NGHÈO

✍️ Lm. Phaolô Nguyễn Văn Ngọc, SVD

  1. Theo Kinh Thánh ai có phúc và ai bị nguyền rủa?

Bài đọc thứ nhất (Gr 17, 5-8) diễn giải bài đáp ca (Tv 1), thể hiện sự tương phản giữa người tin tưởng và tìm kiếm sự trợ giúp ở “một con người” hoặc ở “xác thịt” và người tin tưởng hoặc đặt lòng mình vào Thiên Chúa. Con người ở đây được hiểu là xác thịt, nghĩa là yếu đuối và sa đọa biểu lộ ở sự ích kỷ, tham lam v.v… Đáng nguyền rủa thay ai tin cậy vào loài người, và phúc thay ai tin tưởng vào Thiên Chúa.

Vì vậy, Giêrêmia mời gọi dân chúng không nên tin tưởng vào các nhà lãnh đạo thời ông, những người đã trở nên yếu đuối và hèn nhát do không bảo vệ Đạo Lý của Thiên Chúa, nhưng lại bảo vệ quyền lợi của những người giàu có quyền lực. Theo nghĩa này, người tin tưởng vào xác thịt sẽ trở nên vô sinh, nghĩa là không sinh ích lợi, không đóng góp, không hỗ trợ vào sự phát triển của bất cứ thứ gì. Đó là lý do tại sao họ bị chúc dữ. Ngược lại, ai chọn Thiên Chúa sẽ luôn là nguồn nước hằng sống giúp phát triển, tăng trưởng, chia sẻ và trên hết, là không ngừng sinh hoa trái. Người như thế là người có phúc.

Người nghèo là nhân vật chính của các mối phúc thật, còn các “mối họa” nhắm đến những người giàu. Các mối phúc là một hình thức văn chương được biết đến từ thời cổ đại ở Ai Cập, Lưỡng Hà, Hy Lạp v.v… Ở IsraEL chúng ta bắt gặp một số minh chứng trong Kinh Thánh, đặc biệt trong văn chương khôn ngoan và tiên tri. Trong các Thánh Vịnh và trong các văn chương khôn ngoan nói chung, người trung thành thực hiện đúng luật được coi là có phúc: “Phúc thay người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân, chẳng bước vào đường quân tội lỗi, không nhập bọn với phường ngạo mạn kiêu căng, nhưng vui thú với lề luật Chúa…” (Tv 1,1-2); “Hạnh phúc thay ai sống đời hoàn thiện, biết noi theo luật pháp Chúa Trời” (Tv 119,1).

Các “mối họa” phổ biến hơn trong các sách ngôn sứ, trong những thời khắc mà họ muốn diễn đạt nỗi đau, sự tuyệt vọng tang tóc hay hối tiếc về một tình huống dẫn đến cái chết: “Khốn thay kẻ nào đào sâu giấu kỹ, không để cho Đức Chúa thấy ý định của mình” (Is 29, 15a); “khốn thay những đứa con phản nghịch. (…) Chúng thực hiện kế hoạch, nhưng không phải của ta” (Is 30,1a). Cũng thế, để kêu gọi sự chú ý của những người tích trữ và các nhà lập pháp bất công, ngôn sứ Isaia thốt lên: “khốn thay những kẻ tậu hết nhà nọ đến nhà kia nối thêm ruộng này đến ruộng khác, tới mức không còn chỗ trống nào và chỉ còn một mình các ngươi ở lại trong xứ” (Is 5,8); “khốn thay những kẻ đặt ra các luật lệ bất công, những kẻ viết nên các chỉ thị áp bức” (Is 10,1). Và Amốt cũng không chịu nổi sự bất công nên la lên: “Khốn cho những ai biến lẽ phải thành ngải đắng và vứt bỏ công lý xuống đất đen (…) nào áp bức người công chính, lại đòi quà hối lộ, nào ức hiếp kẻ nghèo hèn tại cửa công” (Am 5,7.12b).

Những mối phúc và mối họa của Chúa Giêsu so với những mối phúc và họa trong Cựu Ước có những khác biệt cơ bản. Trong văn chương khôn ngoan của Cựu Ước nó nhấn mạnh đến việc cư xử phù hợp với luật để trở nên người có phúc. Tuy nhiên, trong Phúc Âm, Chúa Giêsu không yêu cầu bất kỳ hành vi đạo đức cụ thể nào như một điều kiện để được cho là người có phúc. Đơn giản chỉ là người nghèo, người than khóc, người bị bách hại… là những người có phúc. Dĩ nhiên không phải người nghèo được chúc phúc vì họ nghèo, nhưng họ được chúc phúc khi biết đảm nhận tình trạng nghèo, do hoàn cảnh hoặc vì tình liên đới, họ tìm cách chấm dứt tình trạng nghèo đó.

  1. Phúc Của Người Nghèo

Mối phúc chính yếu là mối phúc người nghèo, vì các mối phúc khác được hiểu trong mối liên hệ với mối phúc này. Người nghèo là những người đói khát, những người khóc lóc hoặc những người bị bách hại. Thánh Luca nhắc lại lời hứa trong Cựu Ước về một Thiên Chúa đến để hành động vì những người bị áp bức (Is 49,9.13), những người chỉ trông chờ Thiên Chúa như là Đấng bảo vệ duy nhất (Is 58,6-7), những người luôn kêu cầu Thiên Chúa (Tv 72; 107,41; …). Tất cả những lời hứa này sẽ được Chúa Giêsu thực hiện, Đấng ngay từ khởi đầu chương trình truyền giáo của mình đã xác định việc ưu tiên ủng hộ người nghèo và giải phóng người bị áp bức (Lc 4,16-21).

Nghèo khó của Kitô giáo gắn liền với lời hứa về vương quốc của Thiên Chúa, nghĩa là có Thiên Chúa làm vua. Sự giàu có lớn nhất ở vương quốc này là có Thiên Chúa ở bên, có nghĩa là chúng ta biết chắc chắn rằng Thiên Chúa đang hiện diện ở đây, trên mảnh đất đầy bất công và bất bình đẳng này. Thiên Chúa đang hiện thân trên khuôn mặt của mỗi người nghèo. Ngài mời gọi chúng ta đảm nhận cái nghèo của những người nghèo. Cái nghèo của người nghèo cũng là cái nghèo vì Nước Trời. Và chúng ta sẽ vui hưởng Nước Trời khi không có những người nghèo thiếu thốn những nhu cầu cơ bản, mà thay vào đó là những người “nghèo trong Chúa”, nghĩa là tất cả mọi người có được sự giàu có của một dân tộc dựa trên tình yêu, công lý, tình huynh đệ và hòa bình. Nói cách khác, người nghèo ở đây không phải là những người khốn khổ mà là những người tự do từ bỏ việc coi tiền bạc là giá trị tối thượng, là thần tượng và chọn xây dựng một xã hội công bằng, xóa bỏ nguyên nhân bất công, giàu sang keo kiệt. Họ là những người nhận ra rằng những gì họ coi là giá trị- thành công, tiền bạc, hiệu quả, địa vị xã hội, quyền lực- trên thực tế lại đi ngược với giá trị con người.

  1. “Khốn” Của Người Giàu

Còn những người bị nguyện rủa là những người giàu, những người vui cười và những người nổi tiếng. Họ thờ ơ với hoàn cảnh nghèo của người nghèo nên Chúa Giêsu lên án họ. Vì, trước hết, của cải vật chất làm cho con người trở nên ngu dại và không nghe được lời cứu độ (Mt 13,22). Vì của cải khiến con người trở nên tự mãn, cứng lòng và ngăn cản họ đón nhận Thiên Chúa; Thay vì nhận mọi sự như con cái đầy lòng biết ơn, người giàu có lại củng cố tài sản của mình và quên mất Thiên Chúa (Lc 12,15-21). Và sau nữa, sự giàu có làm con người nghèo đi. Chúng ngăn cản họ cảm nghiệm niềm vui vô bờ bến khi được sở hữu duy nhất một mình Thiên Chúa.

Chúa Giêsu đau lòng khi người giàu bị hư mất vì không tìm được kho tàng đích thực duy nhất (Mt 13, 44) và của cải làm cho người giàu đóng cửa và cứng lòng đối với người anh chị em đang thiếu thốn. Ông nhà giàu đã không làm gì sai với Ladarô; ông bị kết án đơn giản chỉ vì ông đã không quan tâm đến Ladarô nghèo rách ăn xin trước cửa nhà ông (Lc 16,19-31). Thánh Ambrôsiô dạy rằng: “Mặc dù sự giàu có bao hàm nhiều lời mời gọi làm điều ác, nhưng cũng có nhiều hơn một lời mời gọi đến nhân đức. Không còn nghi ngờ gì nữa, nhân đức không cần giúp đỡ, và sự đóng góp của người nghèo đáng khen ngợi hơn sự hào phóng của người giàu; Tuy nhiên, những người mà Chúa lên án bằng thẩm quyền phán xét trên trời không phải là những người có của cải, mà là những người không biết sử dụng của cải.”[1]      Của cải chỉ là phương tiện Chúa trao ban để phục vụ, chứ không phải là chúa để con người tôn thờ nó.

Chúng ta đang sống trong một xã hội mà hố sâu ngăn cách giữa giàu và nghèo ngày càng nới rộng. Nhiều người giàu làm giàu trên sự bóc lột trí tuệ, sức lao động, thời gian, và nhân phẩm của người nghèo. Nhiều người nghèo vẫn chưa có được một cuộc sống xứng hợp với giá trị của con người mà lẽ ra họ đáng được hưởng. Chúa Giêsu mời gọi mỗi người chúng ta phải biết sống công bằng, bác ái, yêu thương và trao ban; biết mặc lấy cái nghèo của người nghèo để giúp họ vượt lên trên tình trạng nghèo của mình và chấm dứt cái nghèo bất công và bất bình đẳng của xã hội để tất cả được hưởng sự giàu sang của quốc gia trần thế và Nước Trời. Làm được như thế tất cả chúng ta là những người được chúc phúc.

 

Chú thích: [1] Luận về TM thánh Luca, sách V, 49,52 và 69


 

PHÚC THAY! THƯƠNG THAY!

✍️ Lm. Giuse Đỗ Nguyên Vũ, SVD

Giàu và nghèo vốn là hai mảng màu tương phản của đời người trong sự phân hóa của xã hội và hoàn cảnh. Có người coi cặp đôi này là định mệnh, có người lại coi nó là triết lý sống để vươn lên, còn Tin Mừng hôm nay lại nhìn “cặp đôi” này dưới phương diện PHÚC THAY! và THƯƠNG THAY! (“phúc” và “khốn”). Khác với Tin Mừng Mátthêu 5,1-12 ghi lại 9 mối phúc liên tục tương ứng với 9 thái độ của người công chính và có mục đích khuyến thiện; còn Luca 6,17.20-26 chỉ ghi lại 4 mối phúc có tính cách xã hội và là những ưu tư dành riêng cho người nghèo. Tình thế của kẻ cơ bần sẽ được đảo lộn vì lời hứa cứu độ: tức là bây giờ đang nghèo khổ thì mai sau sẽ được hạnh phúc Nước Trời. Tin Mừng hôm nay còn xuất hiện 4 từ “khốn” song song với 4 từ “phúc”; nhưng đây “không phải là những lời nguyền rủa mà cũng không phải là những lời buộc tội gay gắt, nhưng là những lời thở than ái ngại và những lời ngăm đe: đó là những lời tha thiết kêu gọi người ta ăn năn hối cải” [1] (x. Lc 10,13; 11,42-52; 17,1; 21, 23; 22,22). Lời Chúa hôm nay hỏi chúng ta xem mình “đặt niềm tin vào ai” trong từng “cơn khát” cuộc đời: kẻ thì nghèo đói về vật chất, người lại đói khát về tinh thần / thiêng liêng. Những cơn khát của nhân loại là vô cùng vô tận, và có lẽ “lòng tham” là “nút thắt” khi Thiên Chúa cho con người có sự tự do vô hạn để định đoạt cuộc đời họ trên hành trình tìm hạnh phúc đích thực.

Nghèo Mà Hạnh Phúc

Dù ở phương diện vật chất, tinh thần, hoặc thiêng liêng, nghèo là một thực tại thiếu thốn và đáng buồn. Với niềm hy vọng thánh thiện, không ai muốn mình ở trong tình trạng “nghèo bền vững”, cả Thiên Chúa cũng không muốn. Thật vậy, thánh Phaolô cho biết: Đức Giêsu Kitô “vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2 Cr 8,9). Sự quảng đại ấy của Chúa Giêsu mời gọi chúng ta bám lấy sự hy sinh của Ngài để “thoát nghèo”, mà quan trọng nhất là thoát khỏi sự bi quan trầm luân của cái nghèo, thoát khỏi tư tưởng “cái nghèo lớn hơn số phận”. Khi nói “Tin Mừng của người nghèo” không có nghĩa là cổ xúy cho sự nghèo nàn hay dành riêng Tin Mừng cho người nghèo, nhưng là cụm từ ấy nhắc nhở chúng ta hãy hy vọng vào sức mạnh biến đổi của Tin Mừng: khi mọi người biết áp dụng những thông điệp của Lời Chúa vào đời sống hằng ngày thì sẽ giũ bỏ được những cái nghèo tai họa. Nghèo mà hạnh phúc không phải là sự buông thả chấp nhận số phận rồi bi quan trước cuộc đời, cũng không bất chấp số phận mà ngược đãi chính mình, nhưng là biết chọn Chúa, tin tưởng vào đường lối của Ngài để vượt qua nghịch cảnh, đổi đời, tìm về nguồn hạnh phúc đích thực.

Nói cho cùng, không ai trong chúng ta là hoàn toàn giàu có về mọi phương diện. Theo Thomas Fuller, “Người nghèo không phải người có ít mà là người muốn nhiều”. Trong sự hữu hạn của con người, còn sống là còn theo đuổi, còn khao khát, còn thấy mình khiếm khuyết bất toàn cho đến khi tìm được nguồn hạnh phúc đích thực là chính Chúa. Chúng ta muốn cái nghèo hạnh phúc là con đường khao khát chân lý và ân sủng ngày càng mãnh liệt. Ý thức được điều đó thì cái nghèo lại là một động lực để chúng ta không phủ nhận chính Chúa là cùng đích của cuộc đời, không buông lỏng cuộc đời mặc cho phận nghèo đẩy đưa, cũng không cậy vào thụ tạo thế gian chóng vánh. “Mỗi người đều giàu có hay nghèo khổ phụ thuộc vào tỉ lệ giữa ước vọng và sự thỏa mãn của chính mình” (Samuel Johnson). Nghèo mà hạnh phúc khi biết mình “đủ”: tỉ lệ giữa ước vọng và thỏa mãn là 1:1. Có người đã cảm nghiệm sau cuộc đời mải miết truy cầu như sau:

Hồi còn nhỏ ngồi chiếc xe đạp cà tàng, ăn dưa cải muối, nhìn thấy người ta ngồi xe gắn máy tiêu diêu tự tại, lòng không khỏi ao ước. Đợi đến sau này sắm được chiếc xe gắn máy rồi lại nhìn thấy người ta có tiền lái xe hơi, ăn thịt, uống rượu, hút thuốc, sống ở thành phố lớn, lòng thật thèm muốn biết bao!

Sau này lớn lên dốc sức kiếm tiền, cuối cùng cũng đã lái được xe hơi, ăn thịt, uống rượu. Lúc này ngoái đầu nhìn lại, thì thấy người có tiền đang đạp xe đạp, ăn mấy món rau dại mà lúc trẻ ta dùng để nuôi heo trong nhà, không còn hút thuốc, cũng không uống rượu nữa, hơn nữa còn chuyển về sống ở vùng thôn quê.

Trời đất ơi, rốt cuộc là họ đang nghĩ gì? Có thể nói cho tôi biết trước một tiếng hay không? Nếu biết trước là thế, tôi đã đợi các ông ở chỗ ban đầu. […]

ŽSuy cho cùng: “Cao ốc ngàn gian, thì đêm nằm ngủ cũng không quá hai mét, ruộng tốt vạn khoảnh, ngày ăn cũng không quá ba bữa”, hà cớ gì chúng ta phải truy cầu nhiều thứ như vậy? […] Cảnh tùy tâm mà chuyển, và biết đủ thì nghèo khổ cũng vui, không biết đủ thì giàu sang vẫn buồn.[2]

Giàu Mà Hạnh Phúc

Tỉ lệ 1:1 xem ra cũng là cái ngưỡng cửa của sự giàu có, sự truy cầu bắt đầu khấm khá. Tin Mừng luôn dùng những từ không mấy dễ nghe khi đề cập đến người giàu (về của cải vật chất) nên làm cho nhiều phú gia thấy mình bị xúc phạm và bị tổn thương (x. Mt 6,24; Lc 18,25; Mt 6,19-21; Lc 12,15.33-34; Lc 16,19ff; Mc 8,36;…). Khi Tin Mừng đề cập đến “con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa” (Mt 19,24) thì cũng cho chúng ta thấy sự chật vật mất cân xứng và nặng nề của sự giàu có (về mặt của cải vật chất và danh vọng). Một ước vọng không thấy thỏa mãn là một ước vọng vượt tầm kiểm soát, và sự vô độ tham lam sẽ làm cho giàu có thành bất hạnh vì “không làm giàu trước mặt Thiên Chúa” (Lc 12,20) thì số phận giàu có cũng ngập tràn nước mắt.

“Người giàu cũng khóc” là một cách nói mỉa mai khi nằm trong nhung lụa mà lòng rối như tơ vò, tim đau như cắt, tâm trí lo âu, người đời sỉ vả. Đó là cái giàu bất hạnh, một cái “khốn” đầy xót thương, tội nghiệp cho những ai giàu về vật chất thanh danh mà không biết chia sẻ, không biết cống hiến. Kẻ no nê vui cười cũng thật đáng thương vì họ tận hưởng những ân huệ Chúa ban một cách ích kỷ.

Tin Mừng cho chúng ta mẫu gương của những người giàu mà hạnh phúc khi họ biết chia sẻ (Lc 14,12-14) và giúp đỡ người khác như người Samari nhân hậu (Lc 10,29-37), như Dakêu biết cho người nghèo nửa gia sản của ông (Lc 19,1-10), và như Nicôđêmô biết dùng nhiều tiền để mua thuốc thơm xức xác Chúa (Ga 19,39).[3] Từ đó cho thấy, cái nghèo thảm hại nhất là nghèo nàn tấm lòng, cái giàu bất hạnh nhất là cái giàu không biết sẻ chia. Suy nghĩ về giàu nghèo còn dạy cho chúng ta bài học “đừng đánh giá con người bởi vẻ bề ngoài của họ”. “Cái nết đánh chết cái đẹp” cho thấy người đời trọng sự tử tế, lòng bao dung, từ ái, hiền hòa, khiêm nhường,… để dù có thành công mỹ mãn, tài năng xuất chúng, của cải ê hề, gia trang bề thế hay danh tiếng triệu người mê,… thì giàu có chỉ hạnh phúc khi đi kèm với phục vụ, trao ban, và lòng biết ơn quảng đại.

Quyết Định Khi Nào Hạnh Phúc?

Câu chuyện trên cho chúng ta thấy quan niệm về giàu, nghèo và thế nào là hạnh phúc còn tùy thuộc vào thái độ lạc quan đúng đắn của từng người trước “cơn khát làm giàu”. Trên America’s Got Talent (Tìm Kiếm Tài Năng Mỹ) năm 2021, ca sĩ Jane Marczewski (nghệ danh là Nightbirde, 30 tuổi), người đang chiến đấu với nhiều căn bệnh ung thư di căn vào nội tạng; dù chỉ còn 60 ngày để sống và 2% hy vọng, cô vẫn lên sân khấu hát bài “It’s OK” (Không sao đâu) với nụ cười rạng rỡ, tinh thần lạc quan toát ra trong giọng hát đầy cảm xúc và nghị lực sống. Khi vừa hát xong bài hát đầy cảm xúc và lúc các giám khảo còn đang nghẹn ngào, Nightbirde nói: “Chúng ta không thể chờ cho đến khi cuộc sống hết khốn khó trước khi quyết định hạnh phúc”. Cô đã nhận được Nút Vàng của Ban Giám khảo (cho đặc cách vào thẳng vòng bán kết). Chính trong nụ cười rạng rỡ trên sân khấu và nghị lực phi thường, Nightbirde cho chúng ta thấy sự sống và lạc quan là tài sản quý giá nhất mà chúng ta cần phải làm giàu, phải bảo vệ và trân quý món quà sự sống Chúa ban trong phép lạ đời người, đời tôi và đời bạn, cho dù chỉ còn 2% sống sót.

Trong xã hội, giàu và nghèo là hai thái cực và nó đã từng và vẫn còn là tiêu chuẩn để phân chia giai cấp. Cựu tổng thống Nam Phi, Nelson Mandela, người nhận giải Nobel Hòa Bình năm 1993, người là biểu tượng của tự do và bình đẳng, nói: “Chừng nào sự nghèo đói, sự bất công và sự bất bình đẳng trắng trợn còn tồn tại, không ai trong chúng ta có thể thực sự nghỉ ngơi.” Ông nhắc chúng ta, những con người cần giàu lòng nhân ái, giàu nhân nghĩa, giàu tri thức văn minh, … nhưng đôi khi lại dửng dưng trước thực trạng nghèo nàn lạc hậu của anh chị em mình. Vào ngày phán xét, Chúa Giêsu cũng hỏi chúng ta về cách thức chúng ta đang sử dụng của cải và ân huệ Chúa ban trong tình liên đới (x. Mt 25,31-46). Dù giàu hay nghèo, xin Chúa giúp chúng ta đan duyên kết phúc bằng tơ ánh việc lành và lý tưởng vươn đến: “PHÚC THAY!” Amen.

_____________

[1] Chú giải của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ.

[2] Xem thêm: https://www.dkn.tv/van-hoa/nguoi-co-tien-dang-nghi-dieu-gi.html

[3] Xem thêm: https://dongten.net/2019/02/14/hoc-hoi-tin-mung-chua-nhat-vi-thuong-nien-nam-c/


NGHỊCH LÝ

✍️ Lm. Antôn Nguyễn Thanh Hà, SVD

Trong bài thơ “Chữ Nhàn”, thi sĩ Nguyễn Công Trứ đã có hai câu thơ:

“Thoát sinh ra thì đà khóc chóe

Trần có vui sao chẳng cười khì”?

Với hai câu thơ trên, Nguyễn Công Trứ như muốn nói với người ta rằng ở trần gian này có nhiều gian nan, thử thách và đau khổ. Do đó, tất cả mọi người đều khao khát hạnh phúc và truy tìm hạnh phúc. Vì thế mà Blaise Pascal đã nói: “Bất cứ ai cũng đi tìm hạnh phúc, kể cả những người thắt cổ tự tử”. Trên hành trình truy tìm hạnh phúc, con người gặp biết bao nhiêu lời mời chào và hứa hẹn cho cuộc đời hạnh phúc. Giữa biết bao nhiêu lời chào mời đó, đâu là lời mời chào đem lại hạnh phúc đích thật, hạnh phúc vĩnh cửu? Phải chăng là lời mời chào của của cải vật chất, hay là lời mời chào của danh vọng và địa vị, hoặc là lời mời chào của quyền lực, …?

Người đời thường nghĩ rằng tiền của sẽ đem đến hạnh phúc cho họ. Cho nên, trong xã hội loài người, chúng ta thấy rằng đa phần nhân loại đua nhau kiếm cho thật nhiều tiền, và lắm lúc có người kiếm tiền bằng mọi cách và bằng mọi thủ đoạn, kể cả chà đạp lên lương tâm của chính mình, bởi họ nghĩ rằng có tiền mua tiên cũng được và tiền sẽ làm họ thỏa mãn mọi dục vọng. Cho nên, khi có thật nhiều tiền rồi thì nhiều người tìm cách hưởng thụ cuộc sống. Có người dùng tiền để mua vui trên thân thể của người khác. Nhưng thử hỏi họ xem sau những cuộc vui chơi trác táng, trụy lạc thì còn lại được cái gì? Hay chỉ còn lại một khoảng không trống rỗng vô nghĩa và nhàm chán mà thôi. Có người dùng tiền để mua danh vọng, địa vị và quyền lực hầu làm thỏa mãn cơn khát danh vọng và ước muốn thống trị người khác. Nhưng thử hỏi có mấy ai ở trên đỉnh cao danh vọng và quyền lực mà tìm thấy được sự bình an và thanh thản trong tâm hồn? Dù có bắt người khác khóc tập thể, ca tụng tập thể đi chăng nữa để tạo ra vẻ hào nhoáng bên ngoài, thì thử hỏi họ xem có mấy ai tìm thấy được niềm vui thanh thản như trẻ thơ không? Hay ở trên đỉnh cao của danh vọng, địa vị và quyền lực, người ta luôn sống trong nơm nớp lo sợ bị người khác giết hại mình.

Ai cũng khao khát được hạnh phúc, và ai cũng đi tìm hạnh phúc, nhưng lắm khi người ta chỉ chạy theo ảo ảnh của hạnh phúc. Khi nhập thể làm người, Chúa Giêsu cũng đã bước đi trên hành trình của đời người và biết rõ nỗi khao khát hạnh phúc của con người. Cho nên, Ngài đã giới thiệu cho con người những con đường đưa đến hạnh phúc đích thật và vĩnh cửu như chúng ta vừa nghe trong Bài Tin Mừng hôm nay. Ngài đã chúc phúc cho những ai nghèo khó, đói khát, đang phải khóc lóc và bị bách hại. Ngài “chúc dữ” cho những người giàu có, no đầy, vui cười và được tâng bốc.

Quả thật, đây là một nghịch lý. Đức Thánh Cha Beneđíctô XVI đã nói: “Các Mối phúc là những nghịch lý. Những tiêu chuẩn của thế gian bị đảo ngược lại ngay khi sự vật được nhìn với quan điểm chính đáng. Nói cách khác, giá trị của Thiên Chúa quá khác biệt với những giá trị của thế gian”.[1] Chính vì thế, nhiều người trong xã hội hiện đại hôm nay không thể hiểu nổi và không thể chấp nhận được các mối phúc của Chúa Giêsu. Một người trong số đó là triết gia F. Nietzsche. Ông đã viết trong tác phẩm “Zarathustra Đã Nói Như Thế” rằng: “Hỡi những con người đức hạnh! Các ngươi hãy còn muốn được đền bù, trả công! Các ngươi muốn được tưởng thưởng cho đức hạnh mình, muốn có trời cao thay cho mặt đất và vĩnh cửu thay cho hiện tại của các ngươi? Giờ đây các ngươi thù ghét ta vì ta rao dạy rằng chẳng có phần thưởng cũng như đấng đứng ra ban thưởng?”[2]

Qua trích đoạn trên đây, phải chăng Nietzsche đang ám chỉ tới “Tám mối phúc thật” mà chúng ta vừa nghe trong Bài Tin Mừng hôm nay. Phải chăng ông muốn nói cho con người hôm nay rằng: tôi không muốn Triều Đại Thiên Chúa. Tôi đã trưởng thành rồi, và như thế, tôi chỉ muốn có vương quốc trần thế, không cần đến phần thưởng Nước Thiên Chúa, không cần đến hạnh phúc Nước Trời, và chẳng cần Thiên Chúa nữa. Có lẽ đối với Nietzsche, các mối phúc thật là những con đường của những con người phẫn uất, ghen tị, hèn nhát và bất tài. Vì có lẽ ông nghĩ rằng: những ai không kham nổi những đòi hỏi của cuộc đời, thì cố gắng trả thù bằng cách chúc lành sự thất bại của họ và nguyền rủa những người hùng mạnh và thành công.

Nhưng sự thật, hạnh phúc vĩnh cửu có ở đời này không? Hay điều mà người ta quan niệm hạnh phúc ở đời này chỉ là ảo ảnh mà thôi? Cho đến hôm nay, con người của thế giới và xã hội này vẫn không ngừng tìm kiếm hạnh phúc trên tiền bạc, danh vọng, địa vị và quyền lực, nhưng thử hỏi những người ôm vào mình cả núi vàng bạc, ở trên đỉnh cao quyền lực, danh vọng và địa vị có được hạnh phúc không? Hay mỗi ngày họ đều phải sống trong phập phồng lo sợ, vì cướp bóc, giết chóc, khủng bố và chiến tranh đều có thể xảy ra bất cứ nơi đâu và bất cứ lúc nào. Mặt khác, của cải vật chất, danh vọng, địa vị và quyền lực có đảm bảo mạng sống cho con người hay không? Thưa không! Cho đến hôm nay, chưa ai thoát khỏi tay của tử thần. Và khi chết rồi, không ai có thể mang theo được bất cứ cái gì. Cho nên, đứng trước tử thần, bao nhiêu của cải vật chất, quyền lực, danh vọng và địa vị đều trở nên vô nghĩa và chẳng giúp ích được gì cho con người.

Quả thật, Nietzsche không thấu hiểu được sứ điệp và tinh thần của Chúa Giê-su. Khi sống tinh thần của các mối phúc mà Chúa Giêsu đề nghị, người ta sẽ cảm thấy siêu thoát đối với những sự ở đời tạm này và không cậy dựa vào chúng. Trái lại, họ sẽ cậy dựa vào Thiên Chúa, tín thác vào sự quan phòng đầy tình thương của Ngài và đặt niềm hy vọng vào Ngài. Như thế, họ sẽ cảm thấy sự an bình vui tươi của một tâm hồn luôn có Chúa ngự trị, cho dù họ có phải đối diện với biết bao nghịch cảnh của cuộc sống. Mặt khác, khi sống tinh thần của các mối phúc, người ta sẽ có một trái tim rộng mở, sẵn sàng cho đi mà không tính toán, sẵn dấn thân phục vụ mà không so đo. Và như thế, họ sẽ tìm được hạnh phúc, bởi lẽ “cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35).

Dẫu biết rằng hạnh phúc dựa trên tiền bạc, danh vọng, địa vị và quyền lực chỉ là ảo ảnh, nhưng nhiều người trong chúng ta vẫn đắm chìm trong mê lầm, vẫn chạy theo và tìm kiếm hạnh phúc đích thật trên những của phù hoa đó. Trong Thánh Lễ này, chúng ta cầu xin Chúa cho chính chúng ta biết tín thác vào Ngài và can đảm bước đi trên con đường các mối phúc mà Chúa Giêsu đề nghị trong bài Tin Mừng hôm nay, để chúng ta đạt đến hạnh phúc đích thật, hạnh phúc vĩnh cửu mai sau.

 

[1] Trích lại từ Nguyễn Ngọc Thế, “Phúc Thay”, https://www.ngocthesj.com/ph-c-thay, truy cập ngày 05.10.2018.

[2] Nietzsche, F., Zarathustra đã nói như thế, Trần Xuân Kiêm chuyển ngữ. Sài Gòn: Nxb An Tiêm, 1971, tr. 184.

Bài trướcMÙA HÈ – NIỀM VUI SỨ VỤ
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Chúa Nhật, Tuần 6 TN-C)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.