Bài Ðọc I: Is 6, 1-2a, 3-8
“Này tôi đây, xin hãy sai tôi”.
Trích sách Tiên tri Isaia.
Năm vua Ozias băng hà, tôi nhìn thấy Chúa ngự trên ngai cao, và đuôi áo của Người bao phủ đền thờ. Các Thần Sốt Mến đứng trước mặt Người, và luân phiên tung hô rằng: “Thánh, Thánh, Thánh! Chúa là Thiên Chúa các đạo binh, toàn thể địa cầu đầy vinh quang Chúa”. Các nền nhà đều rung chuyển trước tiếng tung hô, và nhà cửa đều đầy khói.
Lúc bấy giờ tôi mới nói: “Vô phúc cho tôi! Tôi chết mất, vì lưỡi tôi nhơ bẩn, tôi ở giữa một dân tộc mà lưỡi họ đều nhơ nhớp, mắt tôi đã trông thấy Ðức Vua, Người là Chúa các đạo binh”. Nhưng lúc đó có một trong các Thần Sốt Mến bay đến tôi, tay cầm cục than cháy đỏ mà ngài đã dùng cặp lửa gắp ở bàn thờ. Ngài đặt than lửa vào miệng tôi và nói: “Hãy nhìn xem, than lửa này đã chạm đến lưỡi ngươi, lỗi của ngươi được xoá bỏ, và tội của ngươi được thứ tha”. Và tôi nghe tiếng Chúa phán bảo: “Ta sẽ sai ai đi? Và ai sẽ đi cho chúng ta?” Tôi liền thưa: “Này con đây, xin hãy sai con”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 137, 1-2a. 2bc-3.4-5. 7c-8
Ðáp: Lạy Chúa, trước mặt các thiên thần, con đàn ca mừng Chúa (c. 1c).
Xướng: 1) Lạy Chúa, con sẽ ca tụng Chúa hết lòng, vì Chúa đã nghe lời miệng con xin; trước mặt các thiên thần, con đàn ca mừng Chúa, con sấp mình thờ lạy bên thánh điện Ngài. – Ðáp.
2) Và con sẽ ca tụng uy danh Chúa, vì lòng nhân hậu và trung thành của Chúa. Khi con kêu cầu, Chúa nhậm lời con, Chúa đã ban cho tâm hồn con nhiều sức mạnh. – Ðáp.
3) Lạy Chúa, các vua địa cầu sẽ ca ngợi Chúa, khi họ nghe những lời miệng Chúa phán ra; và họ sẽ ca ngợi đường lối của Chúa: “Thực, vinh quang của Chúa lớn lao!” – Ðáp.
4) Tay hữu Chúa khiến con được sống an lành. Chúa sẽ hoàn tất cho con những điều đã khởi sự. Lạy Chúa, lòng nhân hậu Chúa tồn tại muôn đời, xin đừng bỏ rơi công cuộc tay Ngài. – Ðáp.
Bài Ðọc II: 1 Cr 15, 1-11 (bài dài)
“Chúa hiện ra với Giacôbê, rồi với tất cả các Tông đồ”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, tôi xin nhắc lại cho anh em Tin Mừng mà tôi đã rao giảng cho anh em, và anh em đã lãnh nhận và đang tin theo, nhờ đó anh em được cứu độ, nếu anh em tuân giữ lời lẽ tôi đã rao giảng cho anh em, bằng không anh em đã tin cách vô ích. Tôi đã rao truyền cho anh em trước tiên điều mà chính tôi đã nhận lãnh: đó là Ðức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng theo như lời Thánh Kinh. Người được mai táng và ngày thứ ba Người đã sống lại đúng theo như lời Thánh Kinh. Người đã hiện ra với ông Kêpha, rồi với mười một vị. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em trong một lúc; nhiều người trong số anh em đó hãy còn sống tới nay, nhưng có vài người đã chết. Thế rồi Người hiện ra với Giacôbê, rồi với tất cả các Tông đồ. Sau cùng, Người cũng hiện ra với chính tôi như với đứa con đẻ non. Tôi vốn là kẻ hèn mọn nhất trong các tông đồ, và không xứng đáng được gọi là tông đồ, vì tôi đã bắt bớ Hội Thánh của Thiên Chúa. Nhưng nay tôi là người thế nào, là nhờ ơn của Thiên Chúa, và ơn của Người không vô ích nơi tôi, nhưng tôi đã chịu khó nhọc nhiều hơn tất cả các Ðấng: song không phải tôi, nhưng là ơn của Thiên Chúa ở với tôi. Dù tôi, dù là các Ðấng, chúng tôi đều rao giảng như thế cả, và anh em cũng đã tin như vậy.
Ðó là lời Chúa.
Hoặc đọc bài vắn này: 1 Cr 15, 3-8. 11
“Chúa hiện ra với Giacôbê, rồi với tất cả các Tông đồ”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, tôi đã rao truyền cho anh em trước tiên điều mà chính tôi đã nhận lãnh: đó là Ðức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng theo như lời Thánh Kinh. Người được mai táng và ngày thứ ba Người đã sống lại đúng theo như lời Thánh Kinh. Người đã hiện ra với ông Kêpha, rồi với mười một vị. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em trong một lúc; nhiều người trong số anh em đó hãy còn sống tới nay, nhưng có vài người đã chết. Thế rồi Người hiện ra với Giacôbê, rồi với tất cả các Tông đồ. Sau cùng, Người cũng hiện ra với chính tôi như với đứa con đẻ non. Dù tôi, dù là các Ðấng, chúng tôi đều rao giảng như thế cả, và anh em cũng đã tin như vậy.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia:
Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin hãy mở lòng chúng con, để chúng con lắng nghe lời Con của Chúa. – Alleluia.
Phúc Âm: Lc 5, 1-11
“Các ông đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Người”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, dân chúng chen nhau lại gần Ðức Giêsu để nghe lời Thiên Chúa, lúc đó Người đứng ở bờ hồ Giênêsarét. Người trông thấy hai chiếc thuyền đậu gần bờ; những người đánh cá đã ra khỏi thuyền và họ đang giặt lưới. Người xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simon, và Người xin ông đưa ra khỏi bờ một chút. Rồi Người ngồi trên thuyền, giảng dạy dân chúng. Vừa giảng xong, Người bảo ông Simon rằng: “Hãy đẩy thuyền ra chỗ nước sâu, và thả lưới bắt cá”. Ông Simon thưa Người rằng: “Thưa Thầy, chúng con đã cực nhọc suốt đêm mà không được gì hết; nhưng vì lời Thầy, con sẽ thả lưới”. Các ông đã thả lưới và bắt được rất nhiều cá; lưới các ông hầu như bị rách. Bấy giờ các ông làm hiệu cho các bạn đồng nghiệp ở thuyền bên cạnh đến giúp đỡ các ông. Những người này tới, họ đổ cá đầy hai chiếc thuyền, đến nỗi những thuyền chở nặng gần chìm.
Thấy thế, ông Simon sụp lạy dưới chân Chúa Giêsu và thưa Người rằng: “Lạy Chúa, xin Chúa hãy tránh xa con, vì con là người tội lỗi”. Ông kinh ngạc và tất cả mọi người ở đó với ông cũng kinh ngạc trước mẻ cá mà các ông vừa mới bắt được; cả ông Giacôbê và Gioan, con ông Giêbêđê, bạn đồng nghiệp với ông Simon cũng thế. Nhưng Chúa Giêsu phán bảo ông Simon rằng: “Ðừng sợ hãi: từ đây con sẽ là kẻ chinh phục người ta”. Bấy giờ các ông đưa thuyền vào bờ, và đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Người.
Ðó là lời Chúa.
Bài giảng chủ đề:
ĐIỂM TỰA
Lm. F.X. Nguyễn Văn Phú, SVD
“Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nhấc bổng trái đất” là câu nói bất hủ của Archimedes, nhà khoa học nổi tiếng Hi Lạp cổ đại. Dĩ nhiên, chẳng ai có thể nhấc bổng trái đất. Điều Archimedes muốn nhấn mạnh và ai cũng phải thừa nhận chính là sức mạnh tiềm tàng mà điểm tựa có thể mang lại.
Điểm tựa trước hết là một thuật ngữ trong lĩnh vực vật lí, là điểm cố định của một đòn bẩy, qua đó, lực tác động của một vật lên một vật khác được biến đổi, giúp con người di chuyển hoặc nhấc bổng những vật có trọng lượng lớn một cách khả thi. Điểm tựa, sau đó, vượt ra khỏi lãnh vực vật lý và thâm nhập vào mọi khía cạnh của cuộc sống con người. Điểm tựa có thể là một vật, một nơi hay một ai đó, mà ở đó, ta có thể dựa vào, để vượt qua, để hành trình, để chiến đấu, hay để thăng tiến. Điểm tựa có thể là cha mẹ, bạn đời, con cái, anh chị em, một người bạn thân hay một người quan trọng đối với ta; có thể là nơi yên bình để ta nghỉ ngơi và phục hồi năng lượng; có thể là một biến cố nào quan trọng trong cuộc đời như ngày đầu đến trường, ngày tốt nghiệp, ngày cưới, ngày khấn dòng, ngày chịu chức… để mỗi lúc nghĩ về ta lại có thể mỉm cười và tiếp tục cố gắng. Cuộc sống luôn chất đầy những khó khăn và thách đố, dễ làm ta mất thăng bằng và thua cuộc. Có điểm tựa, ta sẽ đứng vững, đi vững và tiến tới đích điểm của cuộc đời.
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay giới thiệu cho ta một điểm tựa vượt trên tất cả mọi điểm tựa mà ta có được trong cuộc đời này. Đó chính là Chúa, Đấng tạo thành, yêu thương và cứu độ; Đấng giải thoát, đồng hành và trao ban; Đấng mà con người dù đầy giới hạn nhưng biết tựa vào Ngài lại có thể làm nên những điều vĩ đại. Môsê, một kẻ chăn cừu, ăn nói lắp bắp, lại có thể đứng lên đối diện với vua Pharao đầy quyền lực và sức mạnh để giải thoát dân khỏi ách nô lệ nhờ vào sức mạnh của Chúa. Đavít, một cậu nhóc chưa kịp trưởng thành, đã dám liều mạng đối đầu với tên Gôliát khổng lồ với sức mạnh vô song và đã chiến thắng là vì biết dựa vào Chúa. Kinh Thánh cũng như lịch sử đã để lại một danh sách dài gồm những con người vốn dĩ rất tầm thường nhưng vì biết tin tưởng vào Chúa và đặt cuộc đời của họ trong bàn tay quan phòng của Ngài nên từ cuộc đời họ, bao điều vĩ đại đã được lưu danh cho hậu thế.
Ngôn sứ Isaia, trong bài đọc 1, khi nghe Chúa hỏi: “Ta sẽ sai ai đi? Và ai sẽ đi cho chúng ta”, đã đáp trả đầy mau lẹ và dứt khoát: “Này con đây, xin hãy sai con đi”. Không hề đơn giản để trả lời như thế vì mới trước đó thôi, khi được Chúa dẫn vào trong mối tương quan với Ngài là Đấng Thánh, được nhìn thấy sự thánh thiện và vinh quang của Ngài, vị ngôn sứ nhận ra mình là kẻ môi miệng ô uế và bất xứng nên đã phải thốt lên: “Vô phúc cho tôi! Tôi chết mất, vì lưỡi tôi nhơ bẩn, tôi ở giữa một dân tộc mà lưỡi họ đều nhơ nhớp, mắt tôi đã trông thấy Ðức Vua, Người là Chúa các đạo binh”; hơn nữa, có lẽ là sự liều mạng khi ra đi mà chưa biết đi đâu, để làm gì, và viễn cảnh ở đó như thế nào. Vậy mà ngôn sứ Isaia nói lời xin vâng không một chút do dự, vì ông kinh nghiệm được tình thương và lòng quảng đại của Chúa khi Ngài thanh tẩy môi miệng ông, biến ông từ kẻ ô uế thành người trong sạch; hơn nữa, ông tin là ở quãng đường phía trước, dù mạo hiểm và gian nan, thì vẫn có Chúa đồng hành, Đấng là điểm tựa cho cuộc đời và sứ vụ của ông.
Bài đọc 2 là những lời chia sẻ đầy chân thành và khiêm nhường của thánh Phaolô. Ngài tự xem mình như một “đứa con đẻ non”, “là kẻ hèn mọn nhất trong các tông đồ, và không xứng đáng được gọi là tông đồ, vì tôi đã bắt bớ Hội Thánh của Thiên Chúa”. Dù là một vị tông đồ đã đi rao giảng khắp nơi, cải biến bao tâm hồn, dẫn đưa bao chiên lạc trở về với Chúa, nhưng thánh nhân vẫn luôn xác tín, tất cả “là nhờ ơn của Thiên Chúa, và ơn của Người không vô ích nơi tôi”. Quả thật, thánh Phaolô luôn ý thức về thân phận yếu đuối đến nỗi ngài cảm thấy tự hào về điều đó bởi “khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh” (2Cr 12,10). Tôi yếu vì bản thân tôi yếu, vì bản tính yếu đuối của con người tôi. Tôi mạnh là do ơn Chúa. Nói cách khác, “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Như thế, với thánh Phaolô, Thiên Chúa còn hơn cả một điểm tựa. Ngài là tất cả.
Bài Tin Mừng xoay quanh câu chuyện về ơn gọi của ông Phêrô và các bạn, phát xuất từ sự chủ động của Đức Giêsu. Người xuống thuyền của các ông để giảng dạy cho dân chúng, rồi bảo các ông chèo ra chỗ nước sâu để thả lưới. Dù có sự nghi ngờ, vì “đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả” từ một ngư phủ chuyên nghiệp, nhưng Phêrô vẫn “vâng lời Thầy, con sẽ thả lưới”. Tác giả Tin Mừng không đề cập tới nội dung và cách thế mà Đức Giêsu giảng cho dân chúng, nhưng chắc chắn đã gây ấn tượng mạnh tới Phêrô và các bạn nên họ mới chấp nhận bỏ ý riêng để “vâng phục” như thế. Có lẽ, các ông cũng giống như dân thành Capharnaum đã “bỡ ngỡ về giáo lý của Người, vì lời giảng dạy của Người có uy quyền” (Lc 4,32). Sự ấn tượng và bỡ ngỡ tăng lên gấp bội khi các ông chứng kiến mẻ cá lạ lùng. Đó cũng chính là lúc, Phêrô khám phá ra thiên tính nơi con người Đức Giêsu và nhận thức rõ hơn về thân phận tội lỗi và bất xứng của mình, rồi thốt lên: “Lạy Chúa, xin Chúa hãy tránh xa con, vì con là người tội lỗi”.
Đức Giêsu đã không tránh xa như đề nghị của Phêrô, trái lại, muốn các ông đi theo, ở với và được sai đi để thi hành sứ vụ của Ngài: “Đừng sợ hãi: từ đây con sẽ là kẻ chinh phục người ta”. Các ông đã quyết định “từ bỏ mọi sự mà đi theo Người”, vì dẫu là những con người yếu đuối và tội lỗi, các ông lại biết dựa vào sức mạnh của Đức Giêsu là Thầy và là Chúa của mình, cùng đồng hành, dạy dỗ, yêu thương, hướng dẫn và nâng đỡ. Có Người ở cũng thì không gì là không thể vì đối với Chúa mọi sự đều có thể (x.Mt 19,26).
Trở về với thực tại của chính mình, ta phải thừa nhận, tự sức mình con người chẳng là gì. Ai cũng cần điểm tựa trên hành trình đầy khó khăn và thách đố của cuộc đời. Nhưng đâu là điểm tựa đích thực và bền vững lại là một câu hỏi cần sự tỉnh táo và khôn ngoan khi tìm câu trả lời. Sự khôn ngoan và trải nghiệm chỉ cho ta rằng, những thứ mà con người thường dựa vào như tiền tài, danh vọng, chức quyền đều chóng qua mau tàn, chỉ có Đấng toàn năng, vĩnh cửu và tràn đầy yêu thương mới là điểm tựa đáng tin cậy. Ở điểm này, nhạc sĩ Phùng Minh Mẫn đã diễn tả rất thâm thúy: “Chỉ có mình Chúa là chốn con tựa nương, là thành lũy vững bền chở che con yên hàn. Dù có cuồng phong bão giông giăng đầy, con vẫn không lo gì khi đời có Ngài”. Quả thật, ta chỉ nên tựa vào Chúa thay vì những con người, vì Chúa thì tuyệt đối thánh thiện, khoan dung và hay tha thứ, trong khi con người lại tội lỗi, hẹp hòi và cố chấp; vì Chúa quyền năng, khôn ngoan và đầy quảng đại, trong khi con người lại yếu kém, giới hạn và ích kỉ; vì Chúa là Đấng vĩnh cửu, yêu thương và tuyệt đối trung thành, trong khi con người phải chết, hận thù và bất trung.
Quả thật, biết bao vĩ nhân của nhân loại và kì công của thế giới đều phải tuân theo quy luật của thời gian, đến rồi đi, xuất hiện rồi biến mất. Chỉ có Chúa là nguyên thủy và tận cùng. Chỉ có Chúa là Đấng yêu thương và tuyệt đối trung thành. Chỉ có Chúa tạo nên sự sống và phục hồi sự sống. Chỉ có Chúa là tất cả và cho tất cả. Do đó, “hãy ký thác đường đời cho Chúa. Tin tưởng vào ngài, Ngài sẽ ra tay” (Tv 37,7)
ƠN GỌI
Lm. Giuse Huỳnh Ngọc Thiên Ân, SVD
Trong Giáo Hội ngày hôm nay, thực trạng chung là rất ít các bạn trẻ dấn thân theo con đường ơn gọi tận hiến, thậm chí là sẵn sàng bỏ đạo, không muốn sống đời sống của người Kitô hữu nữa. Đối diện với tình trạng đó, nhiều người đã đặt câu hỏi tại sao các bạn trẻ không còn quý mến và bị cuốn hút bởi đời sống ơn gọi? Trong Tông Huấn Christus Vivit, số 277, Đức Thánh Cha nói: “Trong một thế giới căng thẳng và liên tục bắn phá con người bằng nhiều thứ kích thích khác nhau, con người không còn chỗ cho sự thinh lặng nội tâm mà cảm nhận được ánh mắt của Đức Giêsu và nghe tiếng gọi của Người. Trong khi đó nhiều lời mời gọi hấp dẫn và thú vị, mặc dầu với thời gian chúng sẽ chỉ khiến con người cảm thấy trống rỗng, mệt mỏi và cô đơn”. Thế nhưng, các bạn trẻ vẫn chấp nhận xa Chúa, xa đời sống thánh thiện của người Kitô hữu, để bước vào cuộc phiêu lưu thú vị mà cuộc phiêu lưu này sẽ dẫn đưa họ đến sự diệt vong về mặt tâm hồn. Chính vì vậy, phụng vụ Lời Chúa ngày hôm nay cho chúng ta thấy “ơn” được Chúa gọi và đáp trả lại lời mời gọi của Chúa mang nhiều màu sắc khác nhau nhưng tất cả đều được quy hướng về việc sẽ trở thành người môn đệ để đem Chúa đến với người khác, và để tất cả mọi người đều được hưởng vinh phúc mai sau.
Trong bài đọc một, trích sách tiên tri Isaia, chính Isaia đã mô tả ơn gọi của ông qua một thị kiến: Trong thị kiến, Isaia đã chứng kiến một quang cảnh thật vĩ đại, uy nghi, hùng vĩ: “tôi nhìn thấy Chúa ngự trên ngai cao, và đuôi áo của Người bao phủ đền thờ. Các Thần Sốt Mến đứng trước mặt Người, và luân phiên tung hô rằng: “Thánh, Thánh, Thánh! Chúa là Thiên Chúa các đạo binh, toàn thể địa cầu đầy vinh quang Chúa”. Các nền nhà đều rung chuyển trước tiếng tung hô, và nhà cửa đều đầy khói”. Quang cảnh đó làm cho tiên tri phải khiếp sợ: “Vô phúc cho tôi! Tôi chết mất, vì lưỡi tôi nhơ bẩn, tôi ở giữa một dân tộc mà lưỡi họ đều nhơ nhớp, mắt tôi đã trông thấy Đức Vua, Người là Chúa các đạo binh”. Và Isaia nghe tiếng Chúa phán bảo: “Ta sẽ sai ai đi? Và ai sẽ đi cho chúng ta?” Tôi liền thưa: “Này con đây, xin hãy sai con” (Is 6,1-8). Tự thuật của Isaia cho chúng ta thấy ơn gọi của vị tiên tri thật ấn tượng. Ấn tượng ở việc ông cảm nghiệm được rằng con người tội lỗi như ông lại được vinh quang và sự thánh thiện của Đức Chúa bao phủ. Con người tội lỗi như ông lại được Đức Chúa là Vua và là Chúa của trời đất, đoái thương nhìn đến. Và hình ảnh thần Xêraphim gắp than hồng chạm vào miệng ông, diễn tả một sự thanh tẩy nhờ vinh quang và thánh thiện của Đức Chúa.[1] Chính nhờ vào tình thương mến của Đức Chúa, Isaia đã hăng hái lên đường trở thành vị ngôn sứ của Thiên Chúa, một người thay mặt Chúa nói với dân tội lỗi về tình trạng của họ, kêu họ sám hối và trở về với Thiên Chúa.
Trong đoạn Tin Mừng theo thánh Luca, thánh sử tường thuật sự kiện Chúa Giêsu kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên, đó là hai cặp anh em: Anrê và Phêrô; Giacôbê và Gioan, được xen kẽ vào phép lạ “Mẻ Cá Lạ Lùng” nhằm khuất phục các môn đệ. Thấy Mẻ Cá Lạ Lùng đó, Simon Phêrô sấp mặt dưới chân Đức Giêsu và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” (Lc 5,8). Mẻ cá làm Phêrô run rẩy nhận ra mình tội lỗi, và nhận ra Ðấng ở gần bên không phải là một con người bình thường, nhưng có uy quyền của Thiên Chúa. Ông cũng nhận ra Đấng ấy biết tất cả những gì ông suy nghĩ trước khi ông thả lưới bắt cá. Vì thế, ông chấp nhận thân phận yếu đuối, hèn hạ của mình, và khiêm nhường quì gối xuống xin tránh xa ông, giống như ngôn sứ Isaia khi chiêm ngưỡng vinh quang Thiên Chúa đã nhận ra quyền năng của Thiên Chúa và đã hạ mình xuống là kẻ tội lỗi. Điểm đặc biệt giống nhau giữa ơn gọi của ngôn sứ Isaia và bốn môn đệ đầu tiên là tất cả đều bỏ mọi sự mà theo Chúa. Có nghĩa các ông đã từ bỏ tất cả những gì các ông đang có: bỏ con thuyền, bỏ nghề nghiệp, bỏ cuộc sống ổn định, bỏ cả cha già và gia đình để đi theo Chúa. Từ bỏ nhiều như thế, liệu người trẻ ngày nay dám tử bỏ hay không? Còn hơn thế nữa, sau này các môn đệ còn từ bỏ ý riêng của mình để nghe theo sự dạy dỗ của Chúa Giêsu, để trở thành người môn đệ chân chính và đi rao giảng Tin Mừng, làm chứng cho Chúa. Trong hành trình rao giảng Tin Mừng, các môn đệ sẽ gặp muôn vàn khó khăn, thử thách mà các ông bắt buộc phải vượt qua.
Chính vì vậy trong bài đọc thứ hai, chúng ta chiêm ngưỡng những khó khăn đó trong ơn gọi của thánh Phaolô. Chính thánh Phaolô đã trình thuật hành trình rao giảng của ngài bị nhiều người chống đối, chê bai đủ điều và cho rằng ngài không xứng đáng để trở thành Tông Đồ. Phaolô không chối cãi, không đôi co hay tìm cách kháng chế, nhưng ngược lại, ngài đã luôn nhận mình là con người thấp hèn vì đã bắt bớ, hành hạ Giáo Hội một thời, hơn nữa lại được chọn và gọi sau hết so với các Tông Đồ, nên bản thân tự nhận chỉ như là đứa trẻ sinh non… Nhưng nhờ ân sủng và tình thương của Thiên Chúa, nên ngài đã trở nên vị Tông Đồ lừng danh về mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh. Hành trình ơn gọi của Phaolô diễn tả sự khó khăn, sự bắt bớ, sự hiểu lầm, sỉ vả, sự quy chụp… mà người môn đệ của Chúa khi thi hành sứ vụ sẽ phải chịu như vậy.
Qua phụng vụ Lời Chúa hôm nay, hành trình ơn gọi được diễn tả qua mọi thời kỳ, thời Cựu Ước (bài đọc I), thời Tân Ước (Tin Mừng), thời hậu Phục Sinh của Chúa Giêsu (bài đọc II). Trong thời đại hôm nay, người Kitô hữu chúng ta đang sống trong thời của Chúa Thánh Thần. Ơn kêu gọi vẫn đang xảy ra ở mọi nơi trên thế giới. Vấn đề đặt ra là chúng ta có dám từ bỏ mọi sự mà theo Chúa không? Từ bỏ mọi sự ở đây không nhất thiết phải là ơn gọi đời sống thánh hiến mà còn bao hàm cho tất cả mọi Kitô hữu ở trong bậc sống hay ơn gọi nào. Vì vậy, chúng ta phải dứt khoát chọn lựa Chúa hoặc chối từ Người. Bởi lẻ, chúng ta đừng để Người đi ngang qua đời chúng ta mỗi ngày, và lúc nào Ngài cũng thấy chúng ta đang loay hoay làm cái gì đó, bận tâm chuyện gì đó, sống vô định, không có một mục đích cho cuộc đời, sống một đời sống chóng qua, chỉ biết chạy theo xu thế của thời đại, tôn sùng những giá trị ảo tưởng, bấp bênh mà không biết chăm lo cho cuộc sống mai hậu. Chúng ta phải khắc ghi trong tâm hồn mình rằng Chúa vẫn luôn tha thiết và quảng đại mời gọi chúng ta và Người chờ đợi lời đáp trả quảng đại và mau mắn của chúng ta. Bởi vì, chúng ta là Kitô hữu là người đã lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy, và qua Bí Tích ấy, chúng ta cũng được Chúa mời gọi thông dự vào ba chức vị: NGÔN SỨ – TƯ TẾ – VƯƠNG ĐẾ, nghĩa là Thiên Chúa trao ban cho chúng ta sứ vụ rao giảng Tin Mừng là đem tình yêu của Chúa đến cho mọi người; chúng ta cũng được diễm phúc trở nên con cái của Thiên Chúa là Vua cả trời đất và muôn vật muôn loài; trở nên những vị tư tế để phục thờ Thiên Chúa và phục vụ tha nhân theo gương của Người. Ngoài ra, đối với những ai “từ bỏ mọi sự mà theo Chúa” để sống đời tận hiến, chúng ta phải luôn luôn ước ao có Chúa Thánh Thần thổn thức trong tâm hồn rằng: “Này con đây, xin hãy sai con đi”. Con sẽ trở nên khí cụ hữu hiệu trong tay bàn tay Chúa; con sẽ cố gắng kêu gọi người ta sám hối và tin vào Người. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể đáp lại lời mời gọi mà Chúa đã gọi chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết sống đúng ơn gọi của chúng con, ơn gọi làm con Chúa và là môn đệ của Chúa. Xin cho chúng con biết sống phó thác và có một lòng tin vững mạnh vào Chúa, một lòng trông cậy, một lòng mến chân thành như các ngôn sứ và môn đệ của Chúa khi xưa, để từ đó, chúng con mới hoàn thành được sứ vụ mà Chúa trao ban cho chúng con là đem Chúa đến cho những ai chưa nhận biết Chúa. Amen.
———-
[1] Xc. Widyapranawa, S. H. (1990). The Lord is Savior: Faith in national crisis: A commentary on the Book of Isaiah 1-39. International theological commentary. Grand Rapids; Edinburgh: Eerdmans; Handsel Press. ( trích từ phần mềm Libronix Digital Library Sysem).
ƠN GỌI VÀ SỨ MẠNG
Lm. Phêrô Nguyễn Trọng Đường, SVD
Chúng ta thường bị đánh động khi đọc những áng văn tuyệt vời của tác giả Luca về lòng thương xót và ánh nhìn yêu thương của Đức Kitô. Hôm nay chúng ta lại được nghe bài trình thuật thật đẹp của thánh Luca. Câu chuyện tình thầy trò giữa Đức Giêsu và Simon dẫn đến một cái kết có hậu, thật đẹp và hoàn mỹ xoay quanh tình yêu, sự tha thứ, lòng thương xót của Đức Giêsu, và cũng như tình yêu và niềm tin của ông Simon dành cho thầy Giêsu.
Huyền Nhiệm Ơn Gọi của ông Simon Phêrô
Làng chài hôm nay xôn xao náo nhiệt; người ta chen lấn nhau không phải vì mẻ cá lạ, mà chính là vì sự hiện diện của Thầy Giêsu. Để có không gian rộng hơn và để tránh sự chen lấn của đám đông, Thầy Giêsu thật tâm lý và tự nhiên khi chọn một chiếc thuyền và thuyền này lại là của ông Simon. Đáp lại, ông Simon đã tiếp đón Ngài trên chính con thuyền của mình. Như thế, Simon đã tiếp đón Đức Giêsu ngay khi đang làm việc và trên con thuyền của mình. Đây cũng là một hình ảnh đẹp và ý nghĩa cho cuộc đời của ông. Bên cạnh đó, Đức Giêsu cho chúng ta một cái nhìn rất dễ thương: giữa đám đông chen lấn của ngày hôm ấy, thế mà Đức Giêsu đã có ánh mắt quan tâm để chọn đúng con người của Simon và chọn đúng con thuyền của ông.
Nhìn vào con người của ông Simon cho ta thấy: ông là một con người bình dân, chữ nghĩa chẳng là bao, làm nghề ngư phủ, không có gì nổi trội trước cái nhìn của dân chúng. Thế nhưng, với một con người bình thường và quá giản dị này, dưới ánh nhìn đầy yêu mến của Đức Giêsu, Ngài đã chọn gọi ông và trao cho ông nhiệm vụ chăn dắt đoàn chiên của Ngài. Ôi huyền nhiệm của ơn gọi!
Trước khi gặp Đức Giêsu, ông Simon chỉ là con số không tròn trĩnh trong ánh mắt mọi người. Vậy mà từ con số không này Đức Giêsu đã biến ông thành đá tảng của Hội Thánh, coi sóc đoàn chiên Chúa trên khắp trần gian. Từ đây, Simon được đặt tên là Phêrô và trở thành thủ lãnh của Nhóm Mười Hai, được Đức Giêsu trao chìa khóa Nước Trời với quyền cầm buộc tháo cởi (x. Mt 16,19) và được trao nhiệm vụ chăn dắt đoàn chiên của Người là Hội thánh (x. Ga 21, 15-17). Ôi huyền nhiệm của ơn gọi!
Từ một cái nhìn “duyên nợ”, từ một tình yêu nhưng không và từ lòng thương xót vô hạn, Chúa đã gọi và chọn ông Simon, đổi tên ông thành Phêrô. Chúa chọn gọi ông không phải để ông trở thành thủ lãnh theo kiểu thế gian; Chúa chọn Phêrô cũng không phải để ông được hưởng vinh hoa phú quý mà để giao cho ông sứ mạng “bắt người như bắt cá”, nghĩa là làm cho danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Ôi huyền nhiệm của ơn gọi!
Sứ Mạng Loan Báo Tin Mừng của Giáo Hội
“Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta” (Lc 5, 11). Đây là sứ mạng của Phêrô và cũng chính là sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo Hội. Quả vậy, Công đồng Vatican II khẳng định rõ rằng: “Tự bản chất, Giáo Hội lữ hành là truyền giáo” (Ad Gentes 2). Vì thế, nói đến công cuộc truyền giáo là ta nói đến một vấn đề quan trọng, cần thiết, và cấp bách của toàn thể Giáo Hội.
Là Kitô hữu, chúng ta được mời gọi chia sẻ sứ mạng cao cả của Giáo Hội trong việc loan báo Tin Mừng bằng chính đời sống chứng tá của mình. Vì công cuộc truyền giáo là một mệnh lệnh mà Đức Giêsu để lại cho toàn thể con cái mình trước khi Ngài về trời: “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần” (Mt 28, 19). Lệnh truyền ấy hôm nay Chúa cũng nói với chúng ta bằng lời mời gọi này: “Hãy chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá” (Lc 5, 4).
Hơn bao giờ hết, chúng ta đang sống trong một thế giới với nền khoa học phát triển không ngừng, một thế giới mà con người đang sống trong nền văn minh của sự chết, của các loại ma túy, của nền văn minh quyền lực, tiền tài, danh vọng, địa vị, của một nền văn minh gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi đời sống, chối từ Ngài. Chính khi con người và toàn thể Giáo Hội đang phải đối diện với nền văn minh như vậy, với một bức tranh về thế giới dường như màu tối nhiều hơn màu sáng, thì công việc rao giảng Tin Mừng lại trở nên quan trọng và mang tính cấp bách biết dường nào.
Nhìn vào bối cảnh xã hội Việt Nam, cũng hơn bao giờ hết, Giáo Hội đang gióng lên lời cảnh báo trong sự bất an khi con người đang tự chôn vùi với những đam mê trần tục. Rất nhiều và nhiều người đang thiếu cơm ăn áo mặc, đang khát về công lý và tình yêu; đang thiếu sự bình an và hạnh phúc. Khi nhìn vào thực trạng của thế giới và xã hội Việt Nam chúng ta cũng cảm thấy bất lực như ngày xưa Phêrô thưa với thầy Giêsu:“Thưa Thầy, chúng con đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, con sẽ thả lưới” (Lc 5, 5). Nhưng Thiên Chúa có thể biến đổi chúng ta từ những kẻ yếu đuối, giới hạn và bất lực thành những người mạnh mẽ, can đảm để mang lại những kết quả bất ngờ. Vì thế, chèo ra chỗ nước sâu là đồng nghĩa với sự can đảm, dấn thân tiến bước cùng với Chúa để Ngài có thể làm phép lạ trên cuộc đời mình và biến chúng ta thành khí cụ bình an và gieo rắc Tin Mừng tình yêu khắp nơi. Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu mời các mục tử hãy đi ra “vùng ngoại biên”, nghĩa là ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá để xoa dịu những nỗi đau của tha nhân và của thế giới hôm nay.
Cũng như ông Phêrô, chúng ta không thể loan báo Tin Mừng của Chúa cho thế giới này nếu Chúa không đi cùng chúng ta. Hôm nay, chúng ta mượn lời của ông Simon Phêrô để thưa với Chúa rằng: “Thưa Thầy, vâng lời Thầy con sẽ thả lưới.” Chúng ta sẽ cùng với Chúa ra chỗ nước sâu để thả lưới, ra những khu vùng ven để loan báo Tin Mừng như lời vị cha chung của Giáo Hội mời gọi. Xin Chúa đồng hành cùng chúng ta, và cho đôi chân con lanh lẹ, nhảy nhót trên mọi quả đồi, băng rừng vượt suối để loan báo Tin Mừng cho thế giới ngày càng vui hơn, hạnh phúc hơn.